Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/05/2019

Nói thêm về kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân, kiều hối

Nhiều tác giả

Có kinh tế thị trường là có tất cả

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 03/05/2019

Nhiều năm trước, ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách Thủ tướng, đã đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền "kinh tế thị trường", nhưng bất thành.

kt1

Phụ nữ bán hoa quả trong một chợ địa phương - Ảnh minh họa

Mới đây, ngày 8 và 9 tháng 4/2019, ông Nguyễn Văn Bình với tư cách Trưởng ban kinh tế trung ương - Ủy viên Bộ Chính trị, trong chuyến thăm Hoa Kỳ [1], tiếp tục "công việc dở dang" của ông Nguyễn Tấn Dũng để lại, khi gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Karen Dunn Kelly.

Ngắn gọn về kinh tế thị trường

Trước hết phải xác định, thế giới chỉ công nhân hai khái niệm "kinh tế thị trường" và "kinh tế phi thị trường".

"Kinh tế thị trường" là gì ? Thật dễ hiểu, bởi nó dựa trên quy luật cung - cầu, cùng với việc nhà sản xuất phải biết sản xuất cái gì và sản xuất cho ai. Một khi không xác định rõ điều giản dị này, nhà sản xuất buộc phải bị đào thải.

Giáo sư Robert M. Dunn Jr. Giáo sư kinh tế Đại học George Washington, Washington D.C đã chỉ rõ : "Kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ mà là một hệ thống các tập tục và thiết chế đã được kiểm nghiệm qua thời gian để làm sao mọi cá nhân và xã hội có thể sống và thịnh vượng về phương diện kinh tế".

Cũng theo vị giáo sư khả kính nói trên, kinh tế thị trường phải mang đặc tính : Phi tập trung, linh hoạt, thực tế và có thể thay đổi được, đồng thời nó không có một trung tâm điểm.

"Kinh tế phi thị trường" lại là nền kinh tế tập trung với bộ máy quản lý kinh tế nặng nề, cùng các chính sách kinh tế vĩ mô cho đến vi mô hầu như không thể thay đổi được. Nếu phải gọi là "thay đổi", nó chỉ làm bộc lộ rõ sự phản khoa học, vì thế luôn thất bại và làm xã hội ngày càng rơi vào khủng hoảng, đặc biệt khủng hoảng về niềm tin. Trong khi đó, niềm tin là một trong các "đòn bẫy" quan trọng của "kinh tế thị trường" !

Lý do làm cho "kinh tế phi thị trường" trở nên "đổ đốn" như vậy, bởi vì nó có một trung tâm điểm rất lớn - Bộ Chính trị - nơi có thể nói rằng, quy tụ toàn bộ những bộ não thủ cựu, xơ cứng, phản khoa học và chống lại các quy luật kinh tế - xã hội.

Tính khoa học của "kinh tế thị trường" đã làm cho nó tồn tại bất chấp thời gian và không gian.

Cho đến nay, giải Nobel Kinh tế - một giải thưởng danh giá của thế giới - chưa bao giờ trao cho bất kỳ một người cộng sản nào. Điều đó chứng minh, "kinh tế phi thị trường" không thuộc về khoa học. Những gì không thuộc về khoa học luôn mang đến ngu dốt, đói nghèo và chết chóc.

"Kinh tế phi thị trường" vì phản khoa học, nên nó đồng thời chống lại loài người. Chính vì lẽ đó, một quốc gia có nền "kinh tế phi thị trường" cũng là một quốc gia vi phạm nhân quyền rất nặng nề.

Nói cách khác, những quốc gia vi phạm nhân quyền không bao giờ thật tâm muốn có một nền "kinh tế thị trường". Bởi kinh tế thị trường còn mang thuộc tính tự do.

Trong các dạng tự do, "tự do tư tưởng" là quan trọng nhất. Bởi nhờ nó mà con người luôn hứng khởi trong việc tạo ra những phát minh, làm ra những sản phẩm mới (không phải thứ đi ăn cắp như Trung Quốc đang bị cả thế giới chê cười). Kể cả lãnh vực văn hóa - nghệ thuật, vốn luôn đòi hỏi những sản phẩm mới hơn, lạ hơn và độc đáo hơn.

Ngoài ra, "tự do tư tưởng" cũng giúp con người tìm ra cung cách quản lý mới, cũng như các ứng dụng khoa học hiện đại nhằm phục vụ loài người ngày càng tốt đẹp hơn.

"Tự do tư tưởng" cũng giúp cho loài người tính đến những viễn cảnh xa hơn, nơi các vì sao trong vũ trụ còn đầy bí ẩn.

Có kinh tế thị trường là có tất cả

Trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại điều 51 nói rằng "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (!). Trong khi đó, tại điều 52 lại cho hay "Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường". Thật nghịch lý !

"Quy luật thị trường" chỉ có ý nghĩa và có giá trị đối với "kinh tế thị trường". Vì lẽ đó, không một nhà kinh tế nào (dù đoạt giải Nobel Kinh tế) có thể "giải nổi" bài toán "Dùng quy luật thị trường để giải quyết các vấn đề của kinh tế phi thị trường", vốn do những bộ não "tuyệt luân" của các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra (!).

Tính phản khoa học đã bộc lộ rõ và nó gây ra sự nhạo báng, không chỉ đối với trong nước mà lan rộng ra thế giới từ văn bản "cao thứ nhì" sau văn bản "cao thứ nhất" mang tên "Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam", vốn do ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước xác quyết một cách phản khoa học dù ông ta được biết là "giáo sư-tiến sĩ" chuyên ngành "Xây dựng đảng" (!).

Những ngày này, đông đảo người dân phẫn nộ dường như muốn "nổ tung lồng ngực" - không phải vì vui mừng cho ngày "giải phóng Sài Gòn" như ông Phạm Quang Nghị tuyên bố - mà là cho giá điện, giá xăng, giá dầu đang tăng đột biến, với phát ngôn vừa hàm hồ vừa tỏ ra thách thức và đe dọa người dân của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ông ta nói [2] : "Nếu không tăng giá điện, EVN phá sản" (!).

Một quốc gia muốn phát triển hay bị suy thoái, trước hết từ lãnh vực năng lượng.

Việt Nam đang đương đầu với điều đó.

Người cộng sản Việt Nam các cấp, họ không hiểu nổi, hậu quả giá năng lượng tăng vô lối, nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam không có nền "kinh tế thị trường", mặc dù hầu hết họ đều có đủ học hàm "giáo sư" và đầy học vị "tiến sĩ" (!) Đó là điều vô cùng mỉa mai cho Bộ Chính trị nói riêng và thể chế độc đảng toàn trị nói chung.

Liệu rằng, việc công nhận Việt Nam có "kinh tế thị trường" như người cộng sản Việt Nam xin Hoa Kỳ, sẽ giúp họ giải quyết được những gì, khi mà "Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam là số 1" và "Hiến Pháp (phản khoa học) là số 2" (?).

Rất tiếc ! Người cộng sản Việt Nam - mãi đến nay - vẫn không nhận ra, tự thân họ đang chới với giữa "không trung" của "cái nền" "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", mà vốn dĩ ông Nguyễn Phú Trọng từng ta thán [3] : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa", mặc dù, không rõ sức khỏe của ông ta hiện nay ra sao nữa (?!).

Hay là người cộng sản Việt Nam các cấp họ nghĩ rằng :

Giá xăng, giá điện, giá dầu

Ba giá tăng đều, chẳng đáng lo đâu (?!)

Hãy để "kinh tế thị trường" dạy cho người cộng sản Việt Nam một bài học, đến nỗi không còn gì có thể cứu vãn thể chế độc đảng toàn trị ! Không lâu đâu !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 03/05/2019


[1] https://vov.vn/chinh-tri/ong-nguyen-van-binh-tham-va-lam-viec-tai-hoa-ky-896368.vov

[2] http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/thu-truong-cong-thuong-lo-evn-pha-san-neu-khong-tang-gia-dien-20150127142129006.chn

[3] https://tuoitre.vn/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu-576098.htm

********************

Doanh nghiệp tư nhân sẽ khởi sắc sau Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 ?

Hòa Ái, RFA, 03/05/2019

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra trong hai ngày 2-3/5. Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ phát triển và vươn ra thị trường thế giới.

kt2

Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ngày 02/05/19, tại Hà Nội. Courtesy : VGP News

Nhiều kỳ vọng

Truyền thông trong nước cho biết Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 là diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân lớn nhất với sự tham dự của hơn 4000 người bao gồm đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, diễn giả, báo chí truyền thông cùng với hơn 100 giới chức và cán bộ trực thuộc cơ quan Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với lời kêu gọi doanh nghiệp "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật" để phát triển và đóng góp cho xã hội, cũng như vươn ra cạnh tranh toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dịp để Nhà nước tiếp thu ý kiến cho việc góp ý xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đại diện của các cơ quan Đảng và Chính phủ, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 cho biết khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng phát triển, qua các thông số ghi nhận như đóng góp tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, góp khoảng 14% so với tổng thu ngân sách Nhà nước và tính đến cuối năm 2018, có 715 ngàn doanh nghiệp tư nhân, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế.

Giới chức Nhà nước Việt Nam cũng nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp tư nhân và cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp lên đến 50-60% GDP.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp về chủ trương của Nhà nước Việt Nam là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, mà ông nói là "nền kinh tế phải vỗ bằng tay là Nhà nước và thị trường".

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài Chính Việt Nam nhận định với RFA rằng ông đánh giá cao sự kiện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 :

"Thực ra trong thời gian từ những năm bắt đầu có Chính phủ mới thì cũng phải nói là kinh tế tư nhân có thể nói đã được quan tâm hơn và đã được chú trọng phát triển với quan điểm là Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động. Vì thế, Chính phủ thực sự cũng đã có quan tâm rất lớn đến kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân thật sự chưa được như mong muốn. Chính vì lẽ đó mà việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với khoảng 2500 đại diện của các doanh nghiệp tư nhân thực sự là một bước đổi mới. Người ta đã lắng nghe hơn những ý kiến khác nhau từ các doanh nghiệp tư nhân và từ đó cũng có các trao đổi một cách tương đối thẳng thắn, sòng phẳng về những vướng mắc cũng như những vấn đề mà kinh tế tư nhân đang gặp phải và cần phải có sự thay đổi cả về thể chế, kinh tế cũng như về phương thức quản lý và đặc biệt là thay đổi về cách điều hành đối với các cơ quan quản lý khi có những sự phát triển tiếp theo của kinh tế tư nhân".

Thách thức

Mặc dù khách tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 thừa nhận trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hóa về các chính sách kinh tế liên quan kinh tế tư nhân, tuy nhiên khối kinh tế tư nhân vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn và hạn chế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng xác nhận còn có nhiều rào cản, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Đài RFA ghi nhận qua chia sẻ của bà Thanh Nguyễn, chủ một doanh nghiệp về xử lý rác thải rằng những quy định, luật lệ về kinh doanh trong lãnh vực môi trường vẫn còn thiết sót, bất cập và thiếu thực tế :

"Như bản thân tôi làm trong lãnh vực môi trường mà có nhiều quy định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường rất buồn cười và trớt quớt. Ví dụ như công ty của tôi lắp đặt một cái lò đốt rác lớn nhất thế giới, đem về lắp đặt ở Đồng Nai. Cái lò đốt rác của chúng tôi hai năm trời không được nghiệm thu là vì tiêu chuẩn của Việt Nam tréo ngoe cẳng ngỗng, không áp dụng được. Có nhiều quy định thiếu thực tế, đâm ra doanh nghiệp ở giữa chịu kẹt cứng luôn".

Hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, truyền thông quốc nội cũng đăng tải nhiều thông tin liên quan doanh nghiệp trong nước than phiền về cơ chế, mà trong đó chủ yếu là tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan chức năng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tháng 3 năm 2019, công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ghi nhận phản ánh từ 12 ngàn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy có đến 58% bị nhũng nhiễu và 54% phải trả chi phí bôi trơn cho cơ quan công quyền các cấp.

Một chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, không muốn nêu tên nói với RFA rằng nếu như được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông sẽ "nói thẳng và nói thật" với Thủ tướng Chính phủ về lực cản của kinh tế tư nhân :

"Có chính sách xúc tiến nhưng vấn đề ở chỗ là tất cả mọi vị trí, mọi ‘ghế’ đều quy bằng tiền. Khâu nào cũng tham nhũng hết. Ví dụ như nhập hàng về thì vướng Hải quan, rồi vướng tiếp ở khâu Quản lý ngành bên Chi cục, rồi xuống địa phương thì khâu Quản lý thị trường. Bây giờ chi phí của doanh nghiệp bỏ ra ngày càng nhiều. Tất cả đẩy giá lên hết. Xăng dầu lên thì chi phí vận chuyển, logictics (chi phí hạ tầng vận tải và kho bãi)…nội địa đều lên. Chi phí logictics hiện giờ còn cao hơn chi phí từ nước ngoài về Việt Nam nữa. Doanh nghiệp mà muốn tồn tại thì bắt buộc tất cả chi phí phải đổ đồng vào giá và cuối cùng thì người tiêu dùng chịu".

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy kinh tế tư nhân để có thể tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng không những đóng góp cho xã hội mà còn vươn tầm quốc tế, một số doanh nghiệp tư nhân cho biết đó cũng là mong muốn và ước vọng của họ ngay khi có ý tưởng kinh doanh thành hình ; thế nhưng với môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam thì khó mà thực hiện được. Chủ doanh nghiệp ẩn danh trần tình :

"Làm nhỏ để tồn tại thôi, chứ càng làm lớn mà không có quan hệ thì rủi ro cũng cao. Vấn đề là do thể chế này không minh bạch, không có sự giám sát và chế tài".

Viễn ảnh

Trong khi đó, không ít chuyên gia lưu ý với chủ trương của Chính phủ đưa kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn và là động lực phát triển kinh tế mà vẫn giữ kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì rõ ràng thực tế đã chứng minh khối kinh tế tư nhân không thể phát triển như mong đợi suốt 3 thập niên qua. Tiến sĩ Ngô Trí Long từng lên tiếng nhận định về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một cái vòng lẩn quẩn :

"Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng hiện hữu rồi".

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS cũng nêu lên quan điểm của ông về thảm trạng kinh tế quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế ở Việt Nam :

"Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đại vấn đề của nền kinh tế và chừng nào mà không thay đổi được não trạng đó, không thay đổi được đường lối đó thì đừng nói đến sự phát triển kinh tế thị trường một cách lành mạnh và rất là khó trong chuyện đi đặt vấn đề với Mỹ với EU xác nhận là Việt Nam có nền kinh tế thị trường…".

Trong tháng 4, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình dẫn đầu một phái đoàn Việt Nam đến Mỹ và ông Bình đã đề nghị phía Mỹ quan tâm tới việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 nhấn mạnh rằng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ ; tuy nhiên cần phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, mà cần phải khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Ông Bình vẫn khẳng định phải có sự giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì tuyên bố của ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương là hợp lý :

"Hợp lý ở chỗ nhà nước vẫn có bàn tay điều tiết để phát triển một cách đồng đều và tận dụng năng lực của nhà nước đang có, nhưng một mặt nhà nước phải tự đổi mới mình bằng cách đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước và phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở những ngành, những lãnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ toàn bộ để đẩy lượng tài sản, đẩy lượng năng lực sản xuất sang khu vực tư nhân cùng với việc xây dựng mới ở khu vực tư nhân nữa để từ đó giúp cho khu vực tư nhân lớn lên và liên kết với nhau trở thành những dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị để từ đó tạo ra được những thực thể kinh tế tư nhân có tầm vóc, có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam".

Quá trình cổ phần hóa ở Việt Nam diễn ra trong 3 thập niên được giới chuyên gia đánh giá là không hiệu quả do thực tế nhà nước lãnh đạo và nắm cổ phần hơn 51%, thậm chí lên đến 80-90% hoặc rơi vào tay các lợi ích nhóm.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Văn Bình Bình còn cho biết để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì Đảng lãnh đạo kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tiêu cực của kinh tế tư nhân qua biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na-Uy qua ứng dụng messenger cho rằng :

"Trong một nền chính trị không có kiểm soát quyền lực thì những người có quyền lực họ dễ dàng lạm quyền cho những mục đích cá nhân của mình mà không gặp sự chống đối nào. Vì vậy, chừng nào còn độc quyền chính trị, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những người nắm quyền cấu kết với nhóm thân hữu của họ nhằm trục lợi trên đất nước. Hậu quả là những chính sách đưa ra chỉ vì mục đích làm lợi cho một nhóm người thay vì là phúc lợi của toàn dân".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là khu vực năng động nhất và tạo ra việc làm nhiều nhất. Ông đưa ra ý kiến của mình :

"Muốn có một nền kinh tế phát triển, năng động và sáng tạo thì việc cần thiết là nhà nước cần tạo ra một môi trường nhằm hỗ trợ khu vực này. Trước hết là thực hiện luật pháp công minh, bảo vệ tài sản, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Sau đó là có những cơ chế nhằm hỗ trợ phát triển ở các khâu từ tài chính, nghiên cứu, sản xuất, đến tìm kiếm thị trường".

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh bày tỏ hy vọng sau Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 sẽ có những thay đổi, đổi mới trong cách thức thực hiện, cũng như đường lối chỉ đạo để từ đó cho kinh tế tư nhân được rộng đường phát triển.

Một số các chuyên gia Đài RFA tiếp xúc kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần cấp bách hành động vì nhiều dự án kinh tế lớn do doanh nghiệp nhà nước quản lý bị thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong lúc tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới, với hơn 45 ngàn doanh nghiệp giải thể mỗi ngày trong năm 2018 và hiện tại Việt Nam vẫn chưa có được một thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 03/05/2019

*********************

Tù mù kiều hối ra, vào Việt Nam

Diễm Thi, RFA, 03/05/2019

Theo báo cáo mới nhất được World Bank đưa ra tháng trước thì lượng kiều hối được chuyển về khu vực châu Á trong năm qua cao kỷ lục với con số hơn 300 tỷ USD. Con số này không bao gồm lượng kiều hối được gửi về nước từ thân nhân sống ở nước ngoài.

kt3

Tiền đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ. AFP

Báo cáo thật hay ảo ?

Cũng theo bản báo cáo này lượng kiều hối đổ về Nam Á tăng 12%, lên mức 131 tỷ USD, trong khi khu vực Đông Á chứng kiến mức tăng 7%, đạt 143 tỷ USD. Còn ở châu Phi, khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi cũng có mức tăng kiều hối ấn tượng 10%, lên 46 tỷ USD.

Trong 10 nước dẫn đầu lượng kiều hối năm 2018 được Worl Bank chỉ ra thì Việt Nam đứng thứ 8 với 15,9 tỷ đô la, chiếm khoảng 6,6% GDP. Nước đứng đầu là Ấn Độ với 78,6 tỷ đô la.

Bà Hoa, một Giám đốc phát triển kinh doanh trong lĩnh vực Tài chánh - Ngân hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bà không tin vào báo cáo tài chính này :

"Tôi làm ngành tài chính nên nói thật là tôi không tin vào các bản báo cáo. Để thu hút đầu tư thì báo cáo và thực tế khác nhau. Những phát triển kinh tế được báo cáo cũng chỉ là ảo chứ không thật đâu. Cứ mỗi một thời thì sẽ có một số doanh nghiệp hay nhà đầu tư ‘điều khiển’ kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như Masan hay Vincom hiện nay".

Theo báo cáo Dòng kiều hối quốc tế của Pew Research Center, năm 2015 có tổng cộng 13,2 tỷ USD kiều hối đổ về Việt Nam. Đến năm 2016, con số này giảm còn 9 tỷ USD (giảm 31,8%).

Trong hai năm 2017 và 2018, các cơ quan Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước ở Việt Nam không hề có công bố chính thức nào về lượng kiều hối về Việt Nam mà chỉ có Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh công bố lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là khoảng 5,2 tỷ đô la.

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 16/1/2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2018, thành phố nhận được khoản kiều hối 5 tỷ đô la, thấp hơn một chút so với năm 2017. Như vậy lượng kiều hối Ngân hàng Thế giới công bố là 13,8 tỷ đô la cho năm 2017 và 15,9 tỷ đô la cho năm 2018 có thực hay không, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định :

"Tình hình kiều hối về Việt Nam đang lao dốc, đặc biệt từ năm 2016 tới nay. So với năm 2015 thì hiện nay giảm gần một nửa. Theo thống kê thì trong 2017 và 2018 Thành phố Hồ Chí Minh nhận khoảng 5 tỷ đô la, mà theo thông thường Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng số lượng kiều hối về Việt Nam, nên con số năm 2017 và 2018 mỗi năm chỉ khoảng hơn 7 tỷ đô la".

Vì sao lại có chuyện con số thực tế trong nước khác với con số của Ngân hàng Thế Giới, bà Hoa nhận xét :

"Chính quyền không bao giờ công khai thừa nhận thực tế này vì nếu thừa nhận thì tình hình càng tệ hơn nữa. Bề ngoài thì Việt Nam tỏ ra rất yên ổn nhưng thực chất thì không phải vậy. Tôi đánh giá Việt Nam đang bất ổn về mặt chính trị nên ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế".

Nguyên do kiều hối sụt giảm

Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối giảm cũng có ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng kinh tế bởi có đến hơn 70% lượng kiều hối đổ vào sản xuất kinh doanh. Nếu kiều hối giảm thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế. Nói về nguyên nhân có thể có của việc kiều hối giảm từ năm 2016, báo chí trong nước phân tích là do ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sự đắc cử của ông Donald Trump với chính sách ủng hộ nền kinh tế trong nước và chính sách nâng giá trị đồng đô la Mỹ đã khiến kiều hối về Việt Nam chậm lại, trong khi nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ chiếm đến 60%.

Ngoài ra còn có yếu tố Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự không tham gia của Mỹ khiến nguồn kiều hối đổ về Việt Nam đón đầu TPP không còn.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra dự đoán về một nguyên nhân khác dẫn đến lượng kiều hối giảm trong 2016 :

"Lượng kiều hối vào Việt Nam có khi lại cân bằng với lượng kiều hối ra khỏi Việt Nam của hội tham nhũng ăn cắp được. Sau đó bằng cách này hay cách khác họ chuyển qua bên đó nhưng thực tế lại không hẳn là như vậy. Hay nói cách khác là dùng ngoại hối để hợp thức hóa lượng tiền tham nhũng được và nó sẽ làm giấy tờ giống như là kiều hối thật. Và có thể việc kiều hối giảm vừa qua là do việc siết tham nhũng ở Việt Nam".

Năm 2017, một báo cáo do Credit Suisse cho hay do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà lượng kiều hối về Việt Nam năm 2016 sụt giảm đáng kể, và xu hướng này tiếp diễn trong năm 2017. Bà Hoa nhận định nguyên nhân sâu sa là do chính trị bất ổn :

"Kiều hối về Việt Nam ngày càng xuống. Vấn đề sâu xa là vấn đề chính trị không được ổn định. Những gì liên quan đến kiều hối là liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài nên có gì liên quan đến chính trị là người ta rất quan tâm.

Những năm gần đây người ta mất lòng tin về chính phủ, về những người đứng đầu. Thêm vào đó là các nhà đầu tư cũng lo ngại Trung Quốc đầu tư tràn ngập ở Việt Nam về mọi mặt nên họ không thấy an tâm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư, đến lượng kiều hối về Việt Nam. Các nhà đầu tư hay các doanh nghiệp không mạnh tay đem tiền về Việt Nam đâu".

Trong một lần trao đổi với RFA, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng Thủ tướng hy vọng kiều hối giảm đi cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi, cố gắng hơn về ý thực tự lực, tự lập. Cố gắng sử dụng cho tốt nhất từng đồng vốn nội lực huy động trong nước từ tài nguyên, sức lao động con người…

Theo ước tính của World Bank thì lượng kiều hối gửi về các nước nghèo và đang phát triển trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên mức 550 tỷ USD.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)