Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/05/2019

Nhiệt điện Vĩnh Tân : Chậm đánh giá tác động môi trường

Trung Khang

Nhiệt điện Vĩnh Tân : Chậm đánh giá tác động môi trường, người dân lãnh đủ

"Người dân quá bị ảnh hưởng vì bụi luôn, núi xỉ than nằm ngay hướng đông bắc của khu dân cư. Toàn bộ mỗi ngày nó đổ ra đó vài chục ngàn tấn tro xỉ, bụi bay phủ xuống 10 ngàn dân ở hai xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân gánh hậu quả hết. Đến đây sẽ biết ô nhiễm ở mức độ ra sao".

vinhtan1

Người dân Vĩnh Tân chụp ảnh Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động, xả khí thải vào ban đêm. Citizen photo

Đó là nhận xét của 1 người dân ở Vĩnh Tân khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về tình hình hiện tại ở địa phương. Ông cho biết hiện nay vẫn còn bụi than từ khu vực bãi xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân bay vào khu dân cư, ảnh hưởng đời sống người dân.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận, việc đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân do Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và Tổng công ty điện lực Việt Nam EVN thực hiện từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Phát biểu tại cuộc họp do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hôm 2/5/2019, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, do chưa có đánh giá tác động môi trường chiến lược, nên giấy phép xả thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp.

Ông Lâm cũng xác nhận hiện vẫn còn tình trạng bụi đen ở khu vực xung quanh Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Vậy nếu không được cấp giáy phép xả thải thì mấy năm nay, Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động như thế nào ? Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 5 năm 2019, đưa ra giải thích :

"Hiện nay ở Vĩnh Tân, cái thứ nhất là nước thải, tức là dùng nước biển để làm mát trong quá trình sản xuất điện, hoặc dùng để hấp thụ SO2 trong khí lò hơi, thì một số nhà máy ở Vĩnh Tân vẫn chưa được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Còn tro xỉ thì đã quy hoạch cho Vĩnh Tân một cái bãi để đổ tro xỉ, theo phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, về vấn đề tro xỉ thì chính phủ có đề nghị các nhà máy tái sử dụng làm vật liệu xây dựng".

Nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, do chất lượng xỉ than của các nhà máy khác nhau, nên có nhà máy chưa sử dụng được để làm vật liệu xây dựng. Do đó vẫn phải chôn. Ông cho biết, theo quy định của chính phủ, các nhà máy phải có đề án để tái sử dụng xỉ than, trong tương lai sẽ không cho chôn trong bãi chứa nữa.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 5 năm 2019, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, nhận định :

"Trong xỉ than thải ra thì có một số ít than cháy chưa hết, trong quá trình làm thì mình sàng lọc để lấy lại than đó, than đó dùng cho các lò đốt nhỏ hay sinh hoạt, còn tro và xỉ thì dùng cho vật liệu xây dựng. Thật ra nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là có đánh giá tác động môi trường trước đây, nhưng trong quá trình hoạt động thải xỉ than thì phải có kiểm tra để xem có chứa chất độc hại hay không ? Theo tôi việc này không có gì khó khăn lắm, nhà máy chắc chắn phải làm".

Cũng tại cuộc họp do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hôm 2/5/2019, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, ông Xà Dương Thắng một lần nữa yêu cầu các nhà máy phải đổ tro riêng, xỉ than riêng vì đây là quy định của Bộ Xây dựng.Theo ông Thắng, việc đổ chung tro và xỉ sau này sẽ gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Ngoài ra, các nhà máy phải bóc tách tro, xỉ và chia ô các bãi xỉ, tìm hướng tiêu thụ tro xỉ…

vinhtan2

Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Courtesy FB Mai Quốc Ấn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nhận định :

"Hiện nay các nhà máy nhiệt điện trong quy trình sản xuất thì tro bay đi theo một đường khác, còn xỉ than thì ở dưới đáy, dưới chân. Bản thân các nhà mày đã tách riêng tro và xỉ, vì là hai nguồn khác nhau. Một cái thu hồi từ hệ thống lọc bụi tĩnh điện, còn xỉ là phần còn lại ở đáy lò. Tuy nhiên hiện nay các nhà máy nhiệt điện khi chôn lấp thì người ta vẫn đổ chung, phun nước… thì tro xỉ không thể tận dụng làm vật liệu xây dựng sau này nữa. Hầu như nếu đã chôn như vậy thì bỏ thôi chứ không có ý đồ làm vật liệu xây dựng, mặc dù một số nơi, một số nhà máy nói là sẽ tận dụng làm vật liệu xây dựng, nhưng mà chỉ có thể làm vật liệu xây dựng theo kiểu thấp cấp mà thôi".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho rằng, khi chôn chung tro và xỉ thì không vấn đề gì ảnh hưởng đến môi trường nếu bãi chôn đã thiết ký đúng kỹ thuật, chống thấm, thu gom nước mưa về xử lý để tái sử dụng, nếu thực hiện đúng thì về môi trường không có vấn đề gì.

Tuy nhiên theo một bài viết nhà báo Mai Quốc Ấn đăng tải trên trang cá nhân của mình, ông cho biết tro từ nhà máy nhiệt điện là bụi mịn, nếu phát tán ra môi trường sẽ rất nguy hại. Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, số tro xỉ này nếu ở điều kiện tối ưu là có chạy lọc tĩnh điện trên ống khói (xỉ nằm ở đáy lò) và thu được hơn 97% tro bay thì cũng còn dư ra hơn 8 tấn bụi/ngày cho một công trình nhiệt điện 5.000MW. Và ở Việt Nam không phải chỉ có một mà là khoảng 50 nhiệt điện như vậy...

Chưa kể theo người dân Vĩnh Tân theo dõi, có những thời điểm Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động mà không có chạy lưới lọc tĩnh điện trên ống khói :

"Trong quá trình hoạt động của nó thì có cái lưới lọc tĩnh điện, lọc tĩnh điện là khi nó đốt thì nó lọc để bớt mức độ ô nhiễm xả ra môi trường. Nhưng ban ngày họ chạy có lưới lọc tĩnh điện, và ban đêm từ 10 giờ tối trở đi thì họ xả thải trực tiếp…"

Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, Bộ Tài nguyên- Môi trường khi phê duyệt đánh giá tác động môi trường các dự án nhiệt điện, đã không công khai để dân giám sát và trên thực tế các điểm ô nhiễm do nhiệt điện hiện nay ngày càng nhiều. Người dân có thể chỉ trực tiếp và khẳng định nhà máy nhiệt điện nào của EVN xả thải không qua lọc tĩnh điện vào ban đêm ; tuy nhiên không thấy Cục Kỹ thuật An toàn của Bộ Công thương, đơn vị quản lý trực tiếp của EVN, lên tiếng hay chịu trách nhiệm về việc này.

Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 đã hoạt động thương mại, đồng thời dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đã hoàn thành xong trên 70%. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 06/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 478 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)