Nhiệt điện Vĩnh Tân : Chậm đánh giá tác động môi trường, người dân lãnh đủ
"Người dân quá bị ảnh hưởng vì bụi luôn, núi xỉ than nằm ngay hướng đông bắc của khu dân cư. Toàn bộ mỗi ngày nó đổ ra đó vài chục ngàn tấn tro xỉ, bụi bay phủ xuống 10 ngàn dân ở hai xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân gánh hậu quả hết. Đến đây sẽ biết ô nhiễm ở mức độ ra sao".
Người dân Vĩnh Tân chụp ảnh Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động, xả khí thải vào ban đêm. Citizen photo
Đó là nhận xét của 1 người dân ở Vĩnh Tân khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về tình hình hiện tại ở địa phương. Ông cho biết hiện nay vẫn còn bụi than từ khu vực bãi xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân bay vào khu dân cư, ảnh hưởng đời sống người dân.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận, việc đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân do Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và Tổng công ty điện lực Việt Nam EVN thực hiện từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Phát biểu tại cuộc họp do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hôm 2/5/2019, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, do chưa có đánh giá tác động môi trường chiến lược, nên giấy phép xả thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp.
Ông Lâm cũng xác nhận hiện vẫn còn tình trạng bụi đen ở khu vực xung quanh Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Vậy nếu không được cấp giáy phép xả thải thì mấy năm nay, Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động như thế nào ? Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 5 năm 2019, đưa ra giải thích :
"Hiện nay ở Vĩnh Tân, cái thứ nhất là nước thải, tức là dùng nước biển để làm mát trong quá trình sản xuất điện, hoặc dùng để hấp thụ SO2 trong khí lò hơi, thì một số nhà máy ở Vĩnh Tân vẫn chưa được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Còn tro xỉ thì đã quy hoạch cho Vĩnh Tân một cái bãi để đổ tro xỉ, theo phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, về vấn đề tro xỉ thì chính phủ có đề nghị các nhà máy tái sử dụng làm vật liệu xây dựng".
Nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, do chất lượng xỉ than của các nhà máy khác nhau, nên có nhà máy chưa sử dụng được để làm vật liệu xây dựng. Do đó vẫn phải chôn. Ông cho biết, theo quy định của chính phủ, các nhà máy phải có đề án để tái sử dụng xỉ than, trong tương lai sẽ không cho chôn trong bãi chứa nữa.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 5 năm 2019, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, nhận định :
"Trong xỉ than thải ra thì có một số ít than cháy chưa hết, trong quá trình làm thì mình sàng lọc để lấy lại than đó, than đó dùng cho các lò đốt nhỏ hay sinh hoạt, còn tro và xỉ thì dùng cho vật liệu xây dựng. Thật ra nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là có đánh giá tác động môi trường trước đây, nhưng trong quá trình hoạt động thải xỉ than thì phải có kiểm tra để xem có chứa chất độc hại hay không ? Theo tôi việc này không có gì khó khăn lắm, nhà máy chắc chắn phải làm".
Cũng tại cuộc họp do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hôm 2/5/2019, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, ông Xà Dương Thắng một lần nữa yêu cầu các nhà máy phải đổ tro riêng, xỉ than riêng vì đây là quy định của Bộ Xây dựng.Theo ông Thắng, việc đổ chung tro và xỉ sau này sẽ gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Ngoài ra, các nhà máy phải bóc tách tro, xỉ và chia ô các bãi xỉ, tìm hướng tiêu thụ tro xỉ…
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Courtesy FB Mai Quốc Ấn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nhận định :
"Hiện nay các nhà máy nhiệt điện trong quy trình sản xuất thì tro bay đi theo một đường khác, còn xỉ than thì ở dưới đáy, dưới chân. Bản thân các nhà mày đã tách riêng tro và xỉ, vì là hai nguồn khác nhau. Một cái thu hồi từ hệ thống lọc bụi tĩnh điện, còn xỉ là phần còn lại ở đáy lò. Tuy nhiên hiện nay các nhà máy nhiệt điện khi chôn lấp thì người ta vẫn đổ chung, phun nước… thì tro xỉ không thể tận dụng làm vật liệu xây dựng sau này nữa. Hầu như nếu đã chôn như vậy thì bỏ thôi chứ không có ý đồ làm vật liệu xây dựng, mặc dù một số nơi, một số nhà máy nói là sẽ tận dụng làm vật liệu xây dựng, nhưng mà chỉ có thể làm vật liệu xây dựng theo kiểu thấp cấp mà thôi".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho rằng, khi chôn chung tro và xỉ thì không vấn đề gì ảnh hưởng đến môi trường nếu bãi chôn đã thiết ký đúng kỹ thuật, chống thấm, thu gom nước mưa về xử lý để tái sử dụng, nếu thực hiện đúng thì về môi trường không có vấn đề gì.
Tuy nhiên theo một bài viết nhà báo Mai Quốc Ấn đăng tải trên trang cá nhân của mình, ông cho biết tro từ nhà máy nhiệt điện là bụi mịn, nếu phát tán ra môi trường sẽ rất nguy hại. Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, số tro xỉ này nếu ở điều kiện tối ưu là có chạy lọc tĩnh điện trên ống khói (xỉ nằm ở đáy lò) và thu được hơn 97% tro bay thì cũng còn dư ra hơn 8 tấn bụi/ngày cho một công trình nhiệt điện 5.000MW. Và ở Việt Nam không phải chỉ có một mà là khoảng 50 nhiệt điện như vậy...
Chưa kể theo người dân Vĩnh Tân theo dõi, có những thời điểm Nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động mà không có chạy lưới lọc tĩnh điện trên ống khói :
"Trong quá trình hoạt động của nó thì có cái lưới lọc tĩnh điện, lọc tĩnh điện là khi nó đốt thì nó lọc để bớt mức độ ô nhiễm xả ra môi trường. Nhưng ban ngày họ chạy có lưới lọc tĩnh điện, và ban đêm từ 10 giờ tối trở đi thì họ xả thải trực tiếp…"
Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, Bộ Tài nguyên- Môi trường khi phê duyệt đánh giá tác động môi trường các dự án nhiệt điện, đã không công khai để dân giám sát và trên thực tế các điểm ô nhiễm do nhiệt điện hiện nay ngày càng nhiều. Người dân có thể chỉ trực tiếp và khẳng định nhà máy nhiệt điện nào của EVN xả thải không qua lọc tĩnh điện vào ban đêm ; tuy nhiên không thấy Cục Kỹ thuật An toàn của Bộ Công thương, đơn vị quản lý trực tiếp của EVN, lên tiếng hay chịu trách nhiệm về việc này.
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600MW và 1 cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 1 đã hoạt động thương mại, đồng thời dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đã hoàn thành xong trên 70%. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 06/05/2019
Ngày 28/6 vừa qua, truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là khối lượng bùn, cát sau nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Bộ Tài nguyên - Môi trường chấp thuận cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.
Sự kiện một khối lượng bùn thải khổng lồ sắp được xả ra tại một địa điểm cách không xa khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển trên cả nước) đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh khu bảo tồn này đã phải lên tiếng kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm do các nhà máy điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra suốt mấy năm nay.
Lý do Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đưa ra để được cấp phép xả đổ chất thải trên biển rất dễ được "thông cảm". Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/11/2016 cho biết : "Theo hồ sơ xin phép Bộ Tài nguyên và môi trường của công ty này thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện".
Quả vậy, Vĩnh Tân và khu vực xung quanh là một vùng đất chật hẹp : một bên là núi, một bên là biển, ở giữa là một dải đất hẹp, với địa hình phức tạp. Đây là khu vực vừa cách xa nguồn cung cấp than, vừa cách xa các trung tâm tiêu thụ điện năng, lại rất nhạy cảm về môi trường, với một khu bảo tồn biển chỉ cách đất liền vài km.
Vì thế, thật khó hiểu khi người ta lại cho xây dựng ở đây một trung tâm nhiệt điện khổng lồ, quy mô lớn nhất cả nước, với 5 nhà máy nhiệt điện than : Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. (Để hình thành mặt bằng trung tâm nhiệt điện người ta phải tiến hành san lấp hàng trăm ha mặt biển. Bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 rộng hơn 60ha, với chiều cao thiết kế 27m. Tuy nhiên, mới sau hơn 2 năm hoạt động, nó đạt đạt độ cao 12m.)
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 9/9/2014. Cả hai tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đều đã thực hiện đốt than lần đầu thành công, dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ quý IV năm 2017 và quý II năm 2018. Ba nhà máy còn lại đều đang trong quá trình thi công.
Mới một trong tổng số năm nhà máy chính thức đi vào hoạt động mà hàng loạt vấn đề về môi trường đã xẩy ra xunh quanh trung tâm nhiệt điện này.
Mặc dù ra đời sau Khu Bảo tồn biển Hòn Cau nhưng các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn được phép chồng lấn lên khu bảo tồn thiên nhiên này đến hơn 1.000ha. Điều này cho thấy là ngay từ đầu, vấn đề môi trường ở đây đã bị đặt xuống hàng thứ yếu. Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định : "Chịu tác động ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, các khu dự án khác, Khu bảo tồn biển Hòn Cau bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Chất lượng nước biển tại đây cũng sẽ thay đổi không còn giữ được độ mặn đặc biệt như trước đây... Các đồng muối Cà Ná, Vĩnh Hảo còn bị khói bụi từ các nhà máy này tác động. Không sớm thì muộn diêm dân và các công ty muối ở những vùng này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất…".
Theo người dân địa phương, nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển, nóng hơn nhiệt độ bình thường của nước biển, khiến hải sản biến mất. Vào tháng 2, 3 hàng năm, tôm hùm con ở rạn san hô rất nhiều, nhưng nay cũng không còn. Nước dưới biển nằm ở độ sâu 10m lúc nào cũng nóng hâm hẩm, các rạn san hô gần bờ đều bị chết, ốc sò thì chết hả họng, cua tấp vô bờ chết thúi. Nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển gây ô nhiễm tới 5 hải lý, mỗi lần kéo lưới lên là thấy nước đỏ và nóng hâm hẩm.
Từ ngày 14-16/4/2015, hàng ngàn người dân địa phương đã đổ ra Quốc lộ 1A đoạn chạy qua đây, khiến giao thông Bắc - Nam bị ách tắc hàng chục km, để phản đối việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải bụi than và xỉ vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ trên đất liền mà cả một vùng biển rộng lớn.
Ngày 28/4/2017, trước việc nhiều hộ dân sống gần bãi chứa tro xỉ than trên phản ánh, hàng chục hecta cây trồng ở xã Vĩnh Tân bỗng lụi tàn rồi chết dần, gây thiệt hại cho sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với UBND huyện Tuy Phong thông báo kết quả phân tích mẫu nước giếng, mẫu đất tại khu vực gần bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho các hộ dân biết, đồng thời khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống. Theo đó, kết quả phân tích hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân nơi đây vượt ngưỡng từ 1,2 đến 1,8 lần ; hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước phục vụ nhu cầu tưới tro xỉ vượt từ 1,05 đến 1,8 lần ; hàm lượng tổng số muối tan ở một số nơi mặn và rất mặn.
Vùng đất từ Phan Rang đến Tuy Phong - Bắc Bình có khí hậu bán hoang mạc, khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa ít nhất trong cả nước. Nguồn nước chính mà người dân Tuy Phong thường sử dụng là nước ngầm và nước giếng. Vì thế, việc tro và xỉ than của các nhà máy chỉ được xử lý đơn giản bằng cách quy tập vào bãi rồi tưới nước lên sẽ làm nẩy sinh hai vấn đề nan giải : (i) lượng nước tưới làm hao hụt nguồn nước ngọt vốn đã ít ỏi dành cho sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ canh tác ; và (ii) các chất độc trong tro và xỉ than vốn có hàm lượng rất cao, khi được tưới nước hoặc gặp trời mưa chúng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm và sau một thời gian sẽ khiến toàn bộ vùng đất và vùng biển xung quanh bị nhiễm độc, bởi theo vòng tuần hoàn, cuối cùng nước sẽ chảy ra biển.
Quốc kỳ Trung Quốc đang tung bay tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, và sẽ còn bay phấp phới ở khu vực xung yếu này trong hàng chục năm tới. Ảnh : Lê Anh Hùng
Đáng quan ngại hơn, trong 4 nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân (tổng công suất của hai nhà máy Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ bằng Vĩnh Tân 3) thì Trung Quốc làm tổng thầu EPC đến 3 nhà máy là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 3, đồng thời là chủ đầu tư của Vĩnh Tân 1, nhà máy vừa được Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép xả gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển. (Theo một điều tra mới đây của Trung Quốc, hơn 70% doanh nghiệp nước này vi phạm về môi trường.)
Mới một nhà máy chính thức hoạt động mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân đã nghiêm trọng như vậy thì khi tất cả các nhà máy của trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước này đi vào vận hành tình hình còn trầm trọng đến đâu ? Đó là câu hỏi mà có lẽ không một người dân Việt Nam nào muốn nghe câu trả lời.
Xem ra, giống như ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), số phận một vùng biển quan trọng và nhạy cảm cả về môi trường lẫn an ninh quốc phòng của Việt Nam lại được người ta đặt vào tay Trung Quốc một cách rất chi là vô tư.
Câu hỏi mà công chúng Việt Nam muốn được giải đáp ở đây là : Trách nhiệm này thuộc về ai ?
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 03/07/2017
Cháy tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (RFA, 07/03/2017)
Một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vào lúc 10 giờ 45 phút sáng 7 tháng 3 khiến hai công nhân bị phỏng nhẹ. Nhà máy này đặt ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình thuận.
Cháy nổ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sáng 7/3/2017. Courtesy of vietnamfinance.vn
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử Sox (còn gọi là hệ thống FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn. Khói và lửa của đám cháy đã thoát ra ngoài theo đường ống khói nhà máy, gây nên hiện tượng cháy.
EVN cho biết sự cố cháy không có thiệt hại nào về người. Thiệt hại về thiết bị đang được nhà thầu kiểm tra và xác định cụ thể.
Dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án chính thức khởi công vào tháng 3 năm 2014 với 2 tổ máy có công suất đạt 1.200 MW. Dự kiến nhà máy sẽ đưa tổ máy số 1 vào vận hành trong tháng 12 năm nay.
Hồi tháng 4 năm ngoái, hàng trăm người dân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã biểu tình phản đối công trường nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả bụi xỉ than gây ô nhiễm môi trường. Các cuộc biểu tình ôn hòa băt đầu hôm 14 tháng 4 đã leo thang thành bạo lực vào ngày 15 tháng 4 và gây tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A.
Báo chí trong nước lúc đó đưa tin người dân dùng gạch đá và bom xăng tự chế để ném vào lực lượng cảnh sát cơ động được điều đến để giải tán đám đông. Lực lượng an ninh đã đáp trả bằng lựu đạn và hơi cay. Nhiều người đã bị thương trong vụ đụng độ. Cuộc biểu tình chấm dứt vào đêm ngày 15 tháng 4. Báo điện tử Chính Phủ sau đó cho biết người dân dã giải tán sau khi được cơ quan chức năng thuyết phục.
Hồi giữa tháng 12 vừa qua, tòa án nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử 12 người vị tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Đây là những người đã tham gia vụ biểu tình hôm 14 và 15 tháng 4. Những người này sau đó bị tuyên phạt từ 6 đến 9 tháng tù. Có 5 người trong số này được hưởng án treo.
********************
Nổ ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, hai người bị bỏng (BBC, 07/03/2017)
Bộ Công thương nói "hiện tượng cháy kèm theo khói và lửa không có thiệt hại về người"
Một vụ nổ lớn diễn ra tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hôm 7/3 khiến hai người bị bỏng 20% và 35%.
Hôm 7/3, Bộ Công Thương phát đi thông cáo cho hay : "Lúc 10:45 hôm 7/3 tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 xảy ra hiện tượng cháy kèm theo khói và lửa bốc lên tại cột ống khói của nhà máy".
"Đến 11:30, sự cố đã được khống chế".
"Toàn bộ các tổ máy của Vĩnh Tân 4 đã ngừng vận hành thử nghiệm từ ngày 24/2/2017".
"Tại thời điểm xảy ra sự cố, chỉ có các đơn vị thi công đang thực hiện công tác lắp đặt và cân chỉnh các thiết bị gần khu vực ống khói".
"Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử SOx (FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn".
"Sự cố cháy không có thiệt hại nào về người. Thiệt hại về thiết bị đang được phía nhà thầu kiểm tra và xác định", thông cáo viết.
Tuy vậy, báo Zing cho hay hai người bị bỏng với diện tích 20% và 35% vì vụ nổ đang được điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận.
'Điều đáng quan ngại hơn'
Hôm 7/3, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia nghiên cứu về Kinh tế môi trường tại Đại học Strassbourg, Pháp, nói : "Sự cố này nhìn qua có thể là do tai nạn thi công".
"Theo như tôi được biết Vĩnh Tân 4 là do tổ hợp nhà thầu Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam làm. Dường như không có công nghệ Trung Quốc tại nhà máy này như ở Vĩnh Tân 1".
"Tất nhiên vụ việc sẽ ảnh hưởng tiến độ của dự án, nhưng chắc không nhiều".
"Tuy vậy, theo tôi, điều đáng quan ngại hơn là Việt Nam đang triển khai nhiều dự án nhiệt điện trên khắp cả nước và hậu quả là sẽ gây ô nhiễm môi trường".
"Nhìn chung, sau những sự cố liên quan đến các công ty điện lực, Việt Nam nên phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện và bảo vệ môi trường".
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Hàn và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ.
Dự án khởi công tháng 9/3/2014 gồm 2 tổ máy, tổng công suất đạt 1.200 MW, dự kiến đưa tổ máy số 1 vào vận hành từ tháng 12/2017.