Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2019

Hành động "té nước theo mưa" của chính phủ Việt Nam

Nhiều tác giả

Nhà nước & Nhà thổ

Tưởng Năng Tiến, RFA, 08/05/2019

Đưa người cửa trước rước người cửa sau.

Kiều

tenuoc01

Phạm Tuân và nhà du hành Gorbatko trở về Việt Nam sau chuyến bay lịch sử trên tàu Liên hợp 37 năm 1980.

Tôi không rõ năm sinh hay ngày qua đời của thi sĩ Bùi Giáng nhưng vẫn nhớ hoài hai câu thơ (ngơ ngác) mà ông viết từ cuối thế kỷ trước, sau khi tầu vũ trụ Soyuz 37 được phóng lên không gian, vào hôm 23 tháng 7 năm 1980 :

Hoan hô đồng chí Phạm Tuân

Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời !

Sao mà (khi khổng) khi không được, cha nội ? Ðây là một cú "nhẩy" lịch sử, được chuẩn bị rất kỹ càng và chu đáo, chớ bộ – theo như lời của chính phi hành gia Phạm Tuân :

"Khi đi tôi mang theo Tuyên ngôn Độc lập, bản Di chúc của Bác Hồ, một nắm đất Ba Đình, một lá cờ Tổ quốc, hai Huy hiệu của Bác Hồ và ảnh của Bác. Tất cả những ảnh, cờ và sách đều được đóng dấu trong vũ trụ. Nắm đất Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác và ảnh của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đều thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam đưa lên vũ trụ, đóng dấu ở trên vũ trụ cũng là khẳng định người Việt Nam sánh vai cùng với quốc tế và đã có mặt trên vũ trụ".

Cách "thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam" của Phạm Tuân, dường như, không được dân Việt tận tình chia sẻ. Họ nhìn vấn đề, ngó bộ, hơi sai :

Cơm ăn một gạo hai mì

Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân ?

Đúng là ý kiến của đám đông hàm hồ và thất học, không có căn cứ hay cơ sở gì ráo trọi. Người ta "quá giang" vào vũ trụ, có phải mua vé đâu mà lo tốn kém hay đủ thiếu. Tuy tiếng là đi "ké" nhưng lúc về người hùng Phạm Tuân vẫn được đón rước vô cùng đình đám – theo như tường thuật của báo Công An Nhân Dân :

"Ngày ông trở về Việt Nam, người dân đứng suốt dọc con đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội với những bức ảnh chân dung Phạm Tuân, cờ hoa, biểu ngữ chào đón. Lúc đó ông thấy một cảm xúc xúc động đến nghẹt thở cứ dâng tràn trong lòng".

Quả là một ngày vui. Đời là vạn ngàu sầu nên những ngày vui bao giờ cũng hiếm. Phải đợi mãi đến ngày 3 tháng 5 năm 2019, dân Hà Nội mới có dịp trải qua một buổi chiều tưng bừng khác, khi Nhà Nước tổ chức một cuộc chào đón tưng bừng và trọng thể, dành cho cô Đoàn Thị Hương :

- Bộ Ngoại giao Việt Nam đang chuẩn bị đưa Đoàn Thị Hương về nước

- Bộ Ngoại giao đang triển khai thủ tục cần thiết để đưa Đoàn Thị Hương về nước

- Đã xác định ngày trả tự do cho Đoàn Thị Hương

- Bộ Ngoại giao : Đoàn Thị Hương được thả là nỗ lực bảo hộ công dân

- Đoàn Thị Hương xuất hiện tại sân bay Nội Bài

- Cận cảnh Đoàn Thị Hương trở về Việt Nam tối 3/5

- Đoàn Thị Hương về Việt Nam, được chào đón như diễn viên điện ảnh tại sân bay Nội Bài

Thiệt là quá đã, và quá đáng !

tenuoc02

Đoàn Thị Hương về Việt Nam, được chào đón như diễn viên điện ảnh tại sân bay Nội Bài

Không ít kẻ, xem ra, chả tỏ ra hứng hay "nồng nhiệt" gì cho lắm :

Võ Ngọc Ánh : Lưu manh đang tung hô một kẻ giết người như một minh tinh.

Trần Thị Sánh : Mấy hôm nay, tràn ngập các mặt báo hoan hỉ đưa tin Đoàn Thị Hương trở về. Mình đọc cứ thấy nó sượng sượng, dơ dáy thế nào ấy...

Lê Dũng : Càng ngày chúng ta càng thấy, Lý Thông giờ không phải là một mà chúng là cả một đảng, cả một chính quyền. Đảng Lý Thông, chính quyền Lý Thông. 

Nghiem Vietanh : Khởi đầu thì nhà sản vệ xem như chuyện của người ta,nên tỏ thái độ thờ ơ,vô trách nhiệm. Sau những diễn biến thực tế,bị dư luận,trong ngoài nước chửi rủa sml, nhà sản vệ mới làm màu, cố tạo ra chút váng... để lợi dụng.

Hôm qua cô "sát thủ đầu mưng mủ" được tha tội, cho về cố quốc, cung đình sản vệ cử người đón rước hoành tráng hơn cả siêu sao, khoa trương và lộ liễu, kệch cỡm đến bỉ ổi...

Ngô Thanh Tú : Khi những kẻ như Vũ Quang Hùng-người ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông khiến ông chết ngay tại chỗ được tôn vinh như người hùng, thì việc cô Đoàn Thị Hương ám sát thành công Kim Jong-nam được truyền thông tiếp đón như minh tinh thì đâu có gì là lạ. Vì xét trên nhiều mặt cả hai việc làm này đều là khủng bố, giết người như nhau.

Do Duy Ngoc : Xã hội hôm nay mọi giá trị đều bị đảo lộn. Đạo lý, đạo đức nháo nhào chẳng còn biết đâu là giá trị thật của cuộc sống. Kẻ bán nước được tôn sùng như thánh nhân. Tên trùm xã hội đen cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn thành thần tượng của tuổi trẻ. Kẻ giết người được tung hô như một anh hùng.

Mai Thy : Cô ấy đã được đào tạo để trở thành một sát thủ Quốc tế, và vừa được trả từ sự giúp đỡ của rất nhiều những người yêu nước mà cộng sản gọi là "phản động". Và giờ thì được chính Phủ Việt Nam chào đón long trọng …

Nói nào ngay thì "chính phủ Việt Nam" không chỉ "chào đón long trọng" phi hành gia Phạm Tuân hay sát thủ Đoàn Thị Hương. Trong vài thập niên qua, kể từ khi Đảng quyết tâm và dũng cảm đổi mới, vẫn luôn luôn có những cuộc đón rước tưng bừng tương tự :

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chào đón kiều bào về quê ăn Tết

- Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gặp gỡ kiều bào vui Xuân quê hương

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ các đại biểu kiều bào về nước đón Tết

- Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trở về quê Cha đất Tổ ăn Tết

Nói là "nhiệt liệt chào mừng kiều bào từ khắp nơi về quê cha đất tổ ăn Tết" nhưng tưởng cũng cần "chua" thêm cho rõ (để tránh mọi sự hiểu lầm không cần thiết) là cũng có đôi ba trường hợp ngoại lệ : Đám kiều bào ở Miên/Lào (không có, hoặc có rất ít tiền đô) thì khỏi à nha.

Đám Thượng Tây Nguyên, thường được xe tải của Liên Hiệp Quốc chở về bằng đường bộ – qua cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai – cũng thế. Tuy cùng là dân "vượt biên trái phép" hết trơn, và ai cũng ra đi chỉ vì "nghe lời bọn xấu" (chỉ trừ mấy cái cột đèn, vì không có tai nên mới ở lại thôi) nhưng Nhà Nước – rất tiếc – không thể tiếp rước họ được.

Sao kỳ vậy cha nội ? Cao Miên cũng là nước ngoài, chớ bộ ?

Đồng ý là thế nhưng phải xét đến sự dị biệt về phong tục nữa. Thượng Kiều về không đúng lúc, không phải dịp Tết, vậy thôi. Tết mới vui chớ. Ngày thường, ai cũng bận thấy bà luôn, làm sao mà đón người về cho được.

Ngoài phong tục còn vấn đề phong thổ nữa. Thượng Kiều chả những về không đúng lúc mà còn không đúng chỗ nữa kìa. (Wrong time and wrong place, too). Thay vì lếch thếch về bằng xe tải, qua ngả biên giới của tỉnh Gia Lai, nếu họ dùng phản lực cơ, đáp cái ào xuống phi trường Tân Sơn Nhất… (với chút đỉnh tiền đô kẹp hờ trong passport) thì chuyện đón tiếp – tất nhiên – đã khác, và rất khác.

Ở bình diện quốc gia (at national level) thì việc đưa đón đều phải có lý do, và đúng qui trình mới được. Nhà Nước chớ bộ nhà thổ sao mà bạ ai cũng rước. Đón Phạm Tuân và Đoàn Thị Hương linh đình "để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế". Đón kiều bào từ Âu Mỹ còn linh đình hơn nữa để nâng cao mức kiều hối hàng năm. Chớ đám Thượng Kiều và Việt Kiều Lào/Miên (gì đó) thì ở bển luôn đi. Còn về làm chi cho má nó khi.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 08/05/2019 (tuongnangtien's blog)

********************

Đoàn Thị Hương : Ai là người "té nước theo mưa" ?

Cánh Cò, RFA, 06/05/2019

Sân bay Nội Bài Hà Nội vào ngày 3 tháng 5 đã mục kích một cuộc chào đón khá lạ lùng, hàng trăm nhà báo, cùng với cả Cục trướng Cục lãnh sự, cán bộ ngành ngoại giao, hàng chục luật sư trong Hội Luật sư Việt Nam cùng nhiều người khác chào đón một người vừa từ cõi chết trở về : Cô Đoàn Thị Hương.

tenuoc0

Đoàn Thị Hương bị Tòa án Malysia kết tội mưu sát tham dự vào cuộc ám sát ông Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ với đương kim Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên

Lạ lùng vì Hương không có công trạng gì với quốc gia dân tộc để được chào đón trọng thể như thế mà cô là một tội phạm quốc tế, can tội cùng với đồng phạm là Siti Aisyah quốc tịch Indonesia tham dự vào cuộc ám sát ông Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ với đương kim Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào tháng 2 năm 2017.

Bản án cho một tội danh giết người tại Malaysia thường kết thúc với tử hình hay chung thân, nhưng do hai nghi can là người nước ngoài nên phiên tòa có khác với thường lệ.

Đoàn Thị Hương ngay từ khi bị bắt Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên tục tuyên bố rằng cần phải xác minh quốc tịch của cô mặc dù giấy tờ tùy thân và hộ chiếu do Việt Nam cấp phát đang được cơ quan điều tra Malaysia nắm giữ. Trong suốt thời gian dài bị giam, cô không được chính phủ Việt Nam cung cấp luật sư, mãi đến lúc gần đây một nhóm luật sư tư nhân tự nguyện sang Malaysia tham gia đọc hồ sơ và xin bảo vệ cô.

Nghi phạm thứ hai là cô Siti Aisyah, mang quốc tịch Indonesia, ngay từ ngày đầu tiên bị cơ quan điều tra thụ lý đã có sự hiện diện của một nhóm luật sư Indonesia đại diện cho cô nghe và tư vấn. Thời gian hơn hai năm trong nhà giam nếu Đoàn Thị Hương không có một chút hy vọng mỏng manh nào cho số phận của mình thì ngược lại Siti Aisyah luôn được chính phủ Indonesia theo dõi, động viên và can thiệp bằng vũ khí ngoại giao cho vụ án của cô.

Ngày 11 tháng 3 năm nay, Thẩm phán tòa án Malaysia đã hủy bỏ cáo trạng đối với Siti Aisyah và lập tức cô này được trả tự do tại tòa, trong khi đó cùng một vụ án, nhưng Đoàn Thị Hương vẫn bị tiếp tục giam giữ để ra tòa lần kế tiếp. Luật sư của Hương là ông Hisyam Teh Poh Teik miêu tả sự sụp đổ của Hương sau khi nghe phán quyết của tòa án vì quá bất công đối với cô.

Sự bất công mà Đoàn Thị Hương than vãn thật ra không phải từ phán quyết mà được định đoạt từ nỗ lực vận động ngoại giao của chính phủ Indonesia bao gồm cả Tổng thống Joko Widodo.

Theo The Guardian, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gặp Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir, vào tháng Bảy năm ngoái để vận động cho vụ việc của cô Siti Aisyah, sau đó gặp một lần nữa với ông Mahathir, Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas. Chính phủ Indonesia cũng cho biết việc thả cô Siti là kết quả của việc vận động hành lang cấp cao liên tục.

Tòa Malaysia thả cô Siti Aisyah ra trước chứng tỏ chính phủ Malaysia phản hồi tích cực trước những vận động của chính phủ Indonesia, đã làm hết sức mình cho một công dân đang bị giam giữ tại nước ngoài.

Đó là các vận động ngoại giao của Indonesia còn Việt Nam đã làm gì cho Đoàn Thị Hương ?

Một ngày sau khi phiên tòa thứ 22 phán quyết trả tự do tại tòa cho Siti Aisyah, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gọi điện thoại cho Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah yêu cầu trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Người ta không tin một cú phone lại có thể làm cho Malaysia phải sợ hãi mà phóng thích Đoàn Thị Hương, nhưng người ta tin rằng tòa án hủy cáo trạng giết người và chỉ kết án cố ý gây thương tích bằng vũ khí nguy hiểm đối với Đoàn Thị Hương là phù hợp với bản án cũng bị hủy đối với cô Siti Aisyah, mặc dù Việt Nam không có một động thái nào can thiệp cho Đoàn Thị Hương trước đó. Nói một cách công bằng là Đoàn Thị Hương ăn theo Siti Aisyah.

Và công bằng hơn, nếu chính phủ Indonesia không vận động thì Đoàn Thị Hương không có cái để mà ăn theo.

Vậy tại sao Đoàn Thị Hương khi về tới Nội Bài lại được xem như một người hùng vừa thoát án tử hình ? Không khó để trả lời rằng báo chí đang kéo dư luận về một phía nhằm cám ơn chính phủ Việt Nam đã "can thiệp" cho Hương có tự do hôm nay, bằng chứng là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố :

"Chúng tôi vui mừng trước việc công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương đã được trả tự do và trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Đây là kết quả của các nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam cùng các luật sư người Malaysia. Đồng thời, chúng tôi ghi nhận các cơ quan chức năng Malaysia thời gian qua đã tích cực giải quyết vụ việc".

tenuoc04

Vừa trở về nước, Đoàn Thị Hương bất ngờ lộ ảnh mặc bikini phản cảm - Ảnh motgiadinh.net

Đây là điển hình cho hành động "té nước theo mưa" của chính phủ Việt Nam. Công trạng bảo hộ người dân của chính phủ Indonesia bị Bộ ngoại giao Việt Nam lươn lẹo để trờ thành kết quả của mình, bất kể dư luận báo chí quốc tế rõ rành rành từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc vụ án. Theo phân tích của nhà báo Nguyễn Thông thì "té nước" là động tác tung, vung nước lên thành những giọt nhỏ, giống như hạt mưa vào lúc trời đang mưa. Sự trà trộn này khó bị phát hiện, khó phân biệt đâu là nước mưa, đâu là nước té.

Đoàn Thị Hương vốn là một ngôi sao xấu, từng có những vết đen trong quá khứ tuy được Bộ Ngoại giao nâng cấp thành một ngôi sao sáng cô vẫn không thể nào lấp liếm được sự thật về hành vi phạm tội của mình. Chỉ có điều từ một tội phạm biến thành một ngôi sao qua bàn tay của chính phủ Việt Nam thật đáng cho người ta suy gẫm về tính chân thực, lòng tự trọng quốc gia và nhất là sự dối trá phi biên giới đáng ghi vào lịch sử của ngành ngoại giao nước nhà.

Cánh Cò

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)