Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/05/2019

Triển vọng ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ thành hay bại ?

Thiện Ý

Như vậy là sau 44 cưỡng chiếm được Miền Nam, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không thực hiện được điều mà cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn khẳng định mạnh mẽ, rằng "15 đến 20 năm nữa sẽ xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa". Vì thực tế cho thấy công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa đã thất bại hoàn toàn chỉ sau 20 năm (1975-1995). Thế nhưng, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không thừa nhận (tất nhiên rồi, dại gì, mất uy tín sao ?) mà vẫn tiếp tục xác định mục tiêu tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa bằng con đường "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". 

Vậy triển vọng tương lai chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thế nào ?

kttt1

"Định hướng xã hội chủ nghĩa" là mục tiêu giả (hay ngụy biện) để che đậy thực trạng xây dựng xã hội chủ nghĩa đã thất bại hoàn toàn ? - Ảnh minh họa

Câu trả lời tổng quát thì đã được Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đương thời Nguyễn Phú Trọng đang nằm trên giường bệnh ở tuổi "gần đất xa trời", từng nói đại ý rằng "Cho đến cuối Thế kỷ 21 này không biết đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa". Câu trả lời nước đôi này khiến nhiều người đưa ra những suy đoán khác nhau.Suy đoán chủ quan theo chiều hướng tiêu cực thì cho rằng câu nói này cho thấy chính ông Tổng cũng hoài nghi về con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa không biết có thành hay bại.

Chúng tôi thì suy đoán khách quan theo chiều hướng tích cực là câu nói ấy của ông Tổng Tịch thể hiện đúng đức tin của môn đồ cộng sản trung kiên ; tương tự như tín đồ trung kiên của một tôn gíáo tin vào các giáo điều. Ông Tổng Tịch tin rằng xã hội chủ nghĩa sẽ thành đạt với một thời gian lâu dài không thể xác định, không cần chứng minh, nhưng tin rằng cuối cùng sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xả hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản viên mãn với đỉnh cao là "Thiên đường cộng sản" (!) Nhưng khác với Thiên đường hay Niết Bàn cực lạc của tôn giáo, theo niềm tin tín đồ có thể đến được, thấy được sau khi chết. Nghĩa là thời gian dài lắm cũng chỉ là một đời người. Còn với xã hội chủ nghĩa phải hiện thực ngay trên trần thế này, thì có thể phải qua nhiều thế hệ đời này qua đời kia chưa biết có hay không. Thế nên hết đời ông Tổng Tịch cũng chưa thể thấy được xã hội chủ nghĩa là cái chắc (75 tuổi rồi, lại vừa ngã bệnh chưa ai biết bệnh tình ra sao), nên Ông mới dự đoán "Cho đến cuối Thế kỷ 21 này không biết đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa". Tại sao ông Tổng lại nói như vậy ?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lần lượt trình bày :

I. Đi lên xã hội chủ nghĩa bằng con đường "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là thế nào ?

1. Trên bình diện lý luận cộng sản chủ nghĩa

Trong bài trước chúng tôi có đề cập đến sự thất bại của hai kế hoạch 5 năm đầu tiên sau "ngày giải phóng" (1975-1985) thực hiện triệt để lý luận marxist-leninist đi thẳng lên xã hội chủ nghĩa mà không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Nhưng rồi hai kế hoạch 5 năm tiếp theo (1985-1995) thực hiện "Đổi mới" vẫn không thành, trong khi hệ thống các nước cộng sản quốc tế, trong đó có cả "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô" đều sụp đổ tan tành phải chuyển ngay qua con đường kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và chế độ dân chủ pháp trị đa đảng (1989- 1991). Thực tế này, khiến "Đảng và nhà nước ta" vội thi hành chính sách "Mở cửa" để cứu nguy, song vẫn độc tài toàn trị, kiên định mục tiêu tiến lên xã hội chủ nghĩa bằng con đường "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Dường như Đảng cộng sản Việt Nam đã lý luận rằng sự sụp đổ của cả hệ thống cộng sản quốc tế, cũng như sự thất bại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trước đây, đều có chung một nguyên nhân chủ yếu là đã "tiến lên xã hội chủ nghĩa mà không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa". Phải chăng vì chính Vladimir Lenin lãnh tụ cộng đảng Bolsevic Nga cũng đã quá nóng vội, chủ quan, duy ý chí khi vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào nước Nga Sa Hoàng tư bản chủ nghĩa mới bước đầu phát triển, trái với các luận điểm kinh điển về chủ nghĩa cộng sản của K. Marx. Theo đó cuộc "cách mạng vô sản" của giai cấp công nhân để tiêu diệt giai cấp tư bản chỉ nổ ra và nhất định thắng lợi, khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến tột cùng trên phạm vi toàn cầu, mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân (vô sản) với giai cấp tư bản không còn điều hòa được nữa và trở thành "mâu thuẫn đối kháng" một mất một còn, không chỉ giữa giai cấp tư bản thống trị với giai cấp công nhân mà là mâu thuẫn đối kháng với mọi giai cấp, với toàn xã hội ; cũng không chỉ ở mỗi nước mà cùng lúc ở mọi nước trên toàn thế giới. Vì khi đó, nhà nước do thiểu số giai cấp tư bản độc quyền thống trị ở các nước đều sẽ bị cô lập hoàn toàn, phải đầu hàng trước cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới, dưới sự lãnh đạo của "đội tiền phong của giai cấp công nhân" là các đảng cộng sản. Vì thế Tuyên ngôn quốc tế cộng sản mới kêu gọi "giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại" phải không nào ?

Trong khi Lenin thì cho rằng "Cách mạng vô sản" cướp chính quyền có thể nổ ra ở những khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản. Tại các nước tư bản mới phát triển bước đầu thời Lenin (những thập niên đầu Thế kỷ 20) khâu yếu nhất là tính bóc lột tàn tệ sức lao động của giai cấp công nhân. Vì tham lam lợi nhuận các chủ tư bản đã bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân, bắt công nhân làm việc nhiều giờ, trong điều kiện lao động tồi tệ, thiếu an toàn, đồng lương chết đói, đã tạo ra mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp tư bản với giai cấp công nhân. Vì lòng tham vô đáy, các chủ tư bản đã tìm cách mở rộng thị trường khai thác thuộc đia bằng chủ nghĩa đế quốc xâm lược các nước nghèo nhược tiểu tạo mâu thuẩn đối kháng giữa các dân tộc với các đế quốc tư bản chủ nghĩa xâm lăng. Dựa trên những luận điểm này Lenin và đảng cộng sản Bolsevic Nga đã vận dụng lần đầu tiên chủ nghĩa cộng sản vào nước Nga tư bản chủ nghĩa, cướp chính quyền năm 1917 (Cách mạng tháng 10 Nga…), lật đổ chế độ Nga hoàng, thành lập chế độ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô-Viết" (Liên Xô) đầu tiên trên thế giới, hình thành "Đệ Tam quốc tế cộng sản" (1) (chủ nghĩa marxist-leninist)) đối kháng, xung đột đẫm máu với "Đệ tứ quốc tế cộng sản" (2) (chủ nghĩa marxist) vốn trung thành với các luận diểm của Marx về "cách mạng vô sản".

Sau khi vận dụng thành công "Cách mạng vô sản" vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga, Lenin đã xuất cảng cách mạng đến các khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản khai thác các thuộc địa. Ngày 16/4/1917, Lenin đã đến Petrograd trình bày trước Trung ương Đảng Bolshevik một bản báo cáo đề ra mục tiêu và đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết". Bản báo cáo này được gọi là "Luận Cương Chính Trị tháng 4", trong đó có đề cập đến. cách mạng giải phóng nơi các dân tộc bị áp bức đã lôi kéo, mời chào được nhiều nước thuộc địa phất cao "ngọn cờ giải phóng dân tộc" (ngụy dân tộc), cướp chính quyền, để xây dựng "xã hội chủ nghĩa" dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản bản xứ do Liên Xô đào tạo và chỉ đạo tiến hành cách mạng vô sản toàn thế giới,cộng sản hóa toàn cầu. Ông Hồ Chí Minh có lẽ là người Việt Nam đầu tiên đã nồng nhiệt tiếp nhận lối mời chào này; để rồi sau đó đưa đất nước vào thảm cảnh triền miên trong nhiều thập niên đến nay vẫn chưa chấm dứt, gây hận thù và làm phân hóa dân tộc, di hại lâu dài cho dân cho nuoc (3).

Nay sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa quốc tế sụp đổ, tất cả đều nhanh chóng chuyển đổi ngay qua con đường "kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa" và chề độ dân chủ pháp trị. Bốn nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại là Cu ba, Trung quốc, Bắc Hàn và Việt Nam thì từ lâu đã chết lâm sàng (chết trên giường bệnh chờ ngày chôn cất) về mặt bản thể và đang tìm cách tồn tại thêm thời gian chuyển đổi theo cách thế khác nhau. Riêng Việt Nam thì đang được đảng cộng sản chuyển đổi theo đúng lý luận kinh điển về tiến trình "Đi lên chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) phải thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa". Vận dụng thế nào trên thực tế, hiệu quả ra sao ?

2. Trên bình diện thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng thế nào, hiệu quả ra sao ?

Trên thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách "Mở cửa" là nhằm thành đạt giai đoạn "phát triển tư bản chủ nghĩa" bằng "kinh tế thị trường", một đặc trưng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa (là thật) ; còn "định hướng xã hội chủ nghĩa" là mục tiêu giả (hay ngụy biện) để che đậy thực trạng xây dựng xã hội chủ nghĩa đã thất bại hoàn toàn trong quá khứ. Thế nhưng từ hiện tại đến tương lai, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lừa mị nhân dân (bản chất mà), dù thâm tâm họ cũng biết, rằng vĩnh viễn vẫn không thể, không bao giờ hiện thực xã hội chủ nghĩa trên hành tinh này được nữa. Vì sao thì ai cũng biết qua thực tiễn rồi; dù có làm theo luận điểm của Marx tạo được giai đoạn "phát triển tư bản chủ nghĩa" cũng không bao giờ xây dựng được cái xã hội chủ nghĩa, tiến lên cái xã hội cộng sản với đỉnh cao là "Thiên đường cộng sản" hoang tưởng được nữa đâu. Phải không "các đồng chí cộng sản" đỏ vỏ, xanh lòng ?

Mục tiêu thực hiện giai đoạn "phát triển tư bản chủ nghĩa" bằng kinh tế thị trường thì thực tế khách quan mà nói, quả thật đã đạt được thành quả trông thấy ít nhiều và đang tiến triển ngày một hoàn chỉnh để cuối cùng Việt Nam sẽ có được thời kỳ kinh tế phát triển tư bản chủ nghĩa. Vì kể từ khi Hoa kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1995) Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh "chính sách mở cửa" làm ăn với bên ngoài, đúng ra là với các nước dân chủ tư bản chủ nghĩa nên mới khá được như hôm nay. Đảng cộng sản Việt Nam đã thực hiện "Mở cửa" bằng định thức "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" là thực hiện theo luận điểm Marxism "Tiến lên xã hội chủ nghĩa thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa".

Trên thực tế, sau 24 năm làm ăn theo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (1995-2019) Việt Nam quả thực ngày một phát triển nhiều mặt và tạo được bộ mặt phồn vinh như hôm nay. Trước đây, đã có lúc nhà cầm quyền Việt Nam yêu cầu các định chế quốc tế công nhân Việt Nam đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa để được kết nạp vào các tổ chức kinh tế quốc tế đa phương… Thực tế rất có triển vọng Việt Nam sẽ hoàn thành được các yếu tính của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở cuối quá trình chuyển đổi. Thế còn "định hướng xã hội thì sao, triển vọng tương lai thế nào ?

II. Triển vọng tương lai "định hướng xã hội chủ nghĩa" thế nào ?

Hai câu hỏi được nhiều người đặt ra :

1. Liệu Đảng cộng sản Việt Nam có hiện thực được chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam bằng con đường "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" hay không ?

Câu trả lời ngắn gọn có tính khẳng định là không. Cho dù sau này có tạo ra được tiền đề kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển như luận điểm của Marxism, thì tất yếu cũng không đạt được mục tiêu "định hướng xã hội chủ nghĩa". Vì thực tế với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hôi chủ nghĩa sau nhiều thập niên thử nghiệm xây dựng gây nhiều hệ lụy tiêu cực nhiều mặt cho nhiều dân tộc, đã cho thấy chủ nghĩa cộng sản là không tưởng (lý tưởng có vẻ cao đẹp nhưng không thể hiện thực), sai từ lý luận đến thực tiễn. Do đó, có thể khẳng định, không sợ sai lầm rằng triển vọng tương lai Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không, và vĩnh viễn sẽ không bao giờ thực hiện được mô hình : Xã hội "Xã hội chủ nghĩa" lý tưởng nhưng không tưởng này. Và rằng Kinh tế thị tường tất yếu định hướng tư bản chủ nghĩa".

2. Vậy triển vọng tương lai xã hội chủ nghĩa Việt Nam thế nào ?

Câu trả lời là chế độ mang danh "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã chết lâm sàng về mặt bản thể từ lâu rồi. Nay chỉ là "ngụy cộng hòa" (chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, không phải dân chủ tập trung trong tay đảng cộng sản) "ngụy xã hội chủ nghĩa" (một xã hội không còn cảnh người áp bức bó lột người, thực tế hoàn toàn trái ngược…). Thực chất cũng như thực tế chế độ hiện nay chỉ còn là một chế độ độc tài đảng trị theo chủ nghĩa thực dụng, nghĩa là đảng cầm quyền độc tôn, độc quyền chính trị, dù còn mang danh "đảng cộng sản" nhưng không còn thực hiện chủ nghĩa xã hội nữa, mà đã và đang cai trị bằng các chủ trương chính sách thực tế nào xét ra có lợi nhất (thực dụng) trên hết và trước hết cho một tập đoàn thống trị.

Thành ra, triển vọng xã hội chủ nghĩa trong tương lai là không có. Cái gọi là "kinh tế thị trường" là thật sẽ hiện thực, "định hướng xã hội chủ nghĩa" chỉ là mục tiêu giả, làm mặt nạ che đậy ý đồ chính trị lừa mị nhân dân. Chính kinh tế thị trường mà chúng tôi gọi là "Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường" sẽ từng bước lột bỏ cái mặt nạ này theo tiến tình hình thành nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, để cuối cùng đảng và nhà cầm quyền trong chế độ độc tài đảng trị hiện nay sẽ lộ nguyên hình và bị tiêu vong khi nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hoàn chỉnh ở cuối quá trình phát triển; cùng lúc với sự hình thành chế độ dân chủ pháp trị đa đảng một cách phù hợp. Đó là một tất yếu. Vì kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa luôn song hợp với chế độ dân chủ pháp trị, đa nguyên, đa đảng.

Thật vậy, Đảng cộng sản Việt Nam không thể và không bao giờ còn cơ hội xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Những người mang danh cộng sản Việt Nam trong thâm tâm cũng biết thế, nhưng vì lợi ích của một tập đoàn thống trị, Cộng đảng Việt Nam bề ngoài vẫn xác định tiếp tục "Đi lên chủ nghĩa xã hội" bằng con đường "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Thế nhưng thực tiễn đã không chiều theo cách ngụy biện chủ quan duy ý chí có tính "cưỡng từ doạt lý" của Đảng cộng sản Việt Nam, chỉ có mục đích tuyên truyền lừa bịp đảng viên và quần chúng thiếu hiểu biết, không có giá trị hiện thực. Thực tiễn con đường "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" nhất định sẽ phát triển theo quy luật khách quan đến xã hội tư bản chủ nghĩa. Và triển vọng số phận tương lai của cái gọi là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là sự tiêu vong từng bước theo một tiến trình mà sự kết thúc êm đẹp hay bi thảm tùy thuộc sự lựa chọn của chính những người lãnh đạo đảng và nhà đương quyền Việt Nam hôm nay.

Theo đó, trong "Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường" các cán lớn, cán nhỏ đảng viên cộng sản và cả cái chính quyền mạo danh "chuyên chính vô sản" trong chế độ ngụy "xã hội chủ nghĩa" bao lâu nay, đã như những con ruồi sa vào hũ mật (mật ngọt chết ruồi" theo tục ngữ Việt Nam), cũng "đã và đang biến chất" và "sẽ biến thể hoàn toàn" ở cuối quá trình tiêu vong. Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang bị "Môi trường mật ngọt kinh tế thị trường"hóa thân tịnh tiến theo đúng quy luật duy vật biện chứng"Lượng đổi, chất đổi" (lượng độc tài tiêu vong, lượng dân chủ lớn dần, triệt tiêu độc tài ở cuối quá trình tích lũy chất dân chủ thừa đủ, hình thành dân chủ đa nguyên,đa đảng, như nước đun sôi dến 100 độ C thì bốc hơi biến thành thể hơi…).

Diễn biến cụ thể đó là : cán bộ đảng viên cộng sản đã bị tư sản hóa từng bước (trở thành tư sản hay tư bản Đỏ), nhà nước được tư bản hóa từng phần (tiến trình giải tư công, nông, thương nghiệp quốc doanh…), chế độ thì được dân chủ hóa tịnh tiến (dần dần theo thời gian đã phải trả lại cho nhân dân nhiều quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền ,dù còn ít nhiều hạn chế…). Dẫu sao, dường như Đảng cộng sản Việt Nam cũng biết được rằng đi theo chiều hướng này là tốt nhất,vẫn giữ được phần nào quyền lợi cho một tập đoàn thống trị sau khi "chế độ độc tài toàn trị, độc đảng" phải biến thể qua "dân chủ pháp trị đa đảng". Một chiều hướng không thể đảo ngược và Đảng cộng sản Việt Nam cũng không có sự lựa chọn con đường nào khác hơn. Do đó, cho dù "Đảng ta" miệng có la hoảng về cái gọi là "Âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù nghịch" ; dù ông Tổng Trọng có luôn cảnh giác đảng viên về hiện tượng "Tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ "Đảng ta", thì thực tế chân vẫn phải chậy theo và bị "diễn biến ấy" lôi đi xềnh xệch không sao cưỡng lại được.

III. Thay lời kết

Viết đến đây chúng tôi liên tưởng nhớ lại một hình ảnh rất cụ thể, rất sống động để mọi người thấy ngay con đường đi lên xã hội chủ nghĩa là "đường đi không bao giờ đến", chủ nghĩa xã hội là hoang tưởng. Từ quá khứ đến hiện tại, tất cả chỉ là sự lừa bịp nhân dân trắng trợn và tàn nhẫn của cộng sản quốc tế nói chung, cộng sản Việt Nam nói riêng.

Hình ảnh này hình thành trong đầu khi người viết nằm trong biệt giam số 6 Khu C2 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu ở Gia Định, Sài Gòn, vào khoảng cuối năm 1979 hay đầu năm 80. Vào giờ suy tư hàng đêm trước khi đi ngủ, chợt nhớ lại hình trên báo tường thời Trung học, do một người bạn cùng lớp vẽ hình một người cỡi trên lưng con Đại bàng, tay cầm cần câu đưa ra phía trước để nhử cho Đại bàng cô gắng bay cao, bay nhanh để đớp được miếng mồi. Tất nhiên, ai cũng thấy là Đại bàng dù cố gắng cách mấy cũng không bao giờ đớp được miếng mồi ngon. Khi đó tôi liên tưởng đến lời khẳng định của Tổng bí thư Lê Duẫn, rằng "15 đến 20 năm nữa sẽ xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa". Thê là trong đầu tôi nghĩ đến hình ảnh một chiếc xe ngựa, với một cần câu dương cao phía trước treo bảng đề "Xã hội chủ nghĩa". Ngựa kéo xe là 10 cặp người dân tương đương với 20 năm ông Tổng Duẩn khẳng định, mắt ngước nhìn bảng hiệu, mồ hôi đỏ (máu) nhễ nhãi, cố chạy nhanh theo nhịp thúc giây cương của người cầm lái là Tổng bí thư Lê Duẩn cầm giây cương, bên cạnh ngồi đầy trên xe là các Ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng… với nét mặt hồ hởi, phấn khởi nhìn về phía trước.

Quý độc giả có thể so sánh để tự kết luận.

Houston, ngày 5/5/2019

Thiện Ý

Ghi chú

Theo Wikipedia :

(1) Đệ Tam Quốc tế, còn gọi là Quốc tế cộng sản hay Comintern, là tổ chức của những người cộng sản, được thành lập vào tháng 3 năm 1919 ở Moskva và giải tán năm 1943, được tái sinh lại năm 1947 và giải tán năm 1956, sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Cương lĩnh hoạt động của Đệ Tam Quốc tế là đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Vladimir Ilyich Lenin, Đệ Tam Quốc tế đã tiến hành 7 lần đại hội, qua đó vạch ra chiến lược, sách lược chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và đề ra biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

(2) Đệ Tứ Quốc tế còn gọi là Cộng sản Đệ Tứ là liên minh quốc tế của những người theo Chủ nghĩa Trotsky thành lập năm 1938 tại Paris, theo khuynh hướng "cách mạng thường trực" do Trotsky đưa ra từ sau khi Lenin qua đời (1924) để chống lại đường lối "cách mạng vô sản trong một quốc gia" của Stalin. Kể từ năm 1953, Đệ Tứ Quốc tế phân hóa ra nhiều nhóm nhỏ.

Đệ Tứ quốc tế cộng sản tại Việt Nam: Lãnh tụ Cộng sản Đệ Tứ Việt Nam là Tạ Thu Thâu. Trong lịch sử của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX, Việt Nam thuộc số ít các nước là nơi mà chủ nghĩa Trotsky tạo được phong trào lớn mạnh. Các lãnh đạo và hầu hết thành viên của chủ nghĩa Trotsky tại Việt Nam đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam tiêu diệt từ tháng 10 năm 1945. Được biết Ông Hồ Hữu Tường một nhân sĩ Miền Nam và vợ từng gia nhap "Đệ tứ quốc tế cộng sản". Khoảng năm 1980, người viết cùng một số anh em bạn tù khác được chở từ khám Chí Hòa đến trại tù lao động mang tên K1-Z30D Hàm Tân Thuận Hải,chân ướt chân ráo vừa đến nơi còn đang tụ tập trước đầu láng dãy nhà sẽ nhốt chúng tôi, thì thấy một người tù cõng một người tù to béo như con bò mộng trên vai. Người được cõng giơ tay vẫy qua vẫy lại nói như hết hơi "Tường đây, Tường sắp chết rồi…". Sau này được biết Ông Hồ Hữu Tường bị bệnh viêm gan cổ chướng, người phình to như con bò mộng, Hôm đó ông được đưa lên trạm xá, rồi được thả về nhà ít ngày sau thì qua đời. Thật tôi nghiệp cho một trong những trí thức hàng đầu của Miên Nam đã chết như thế đó.

(3) Theo lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam ông Hồ Chí Minh (còn có tên là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành và nhiều tên khác khi hoạt động) năm 1911 đã ra đi tìm đường cứu nước qua nhiều nước tư bản cũng như thuộc địa. Tại Pháp ông Hồ đã đọc được "Luận cương Chính trị tháng 4" của Lenin và hét to một mình trong phòng trọ, rằng "Đây rồi, muốn giải phóng dân tôc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản" (!). Thế rồi ông Hồ gia nhập đảng Xã Hội Pháp (1924), được huấn luyện đào tạo ở Liên Xô trở thành môn đồ của chủ nghĩa cộng sản, gia nhập "Đê Tam quốc tế cộng sản". Sau đó ông Hồ nhận chỉ thị, từ Moskva về Hong-Kong họp Đại hội ở thành phố Cửu Long, thống nhất 3 tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Từ đó khởi đầu một bi kịch lịch sử với "cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam" kéo dài nhiều thập niên qua vẫn chưa chấm dứt, với đỉnh cao là cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn kéo dài 21 năm (1954-1975) để cộng sản hóa cả nước. Điều bi thảm đáng phẫn nộ, là với cái giá núi xương sông máu của quân dân hai miền Bắc Nam, đất nước bị bom đạn ngoại bang tàn phá tan hoang, nhân dân hai Miền bị khổ ải trăm bề vì những năm tháng thử nghiệm mô hình Xã hội chủ nghĩa trên cả nước thất bại. Ai chịu trách nhiệm trước lịch sử đây ? Câu trả lời có ngay trong câu hỏi.

Quay lại trang chủ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)