Việt Nam sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ?
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm cả Trung Quốc.
Việt Nam đến nay chỉ mới có 71 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường.
***
Trước khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội hai ngày, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Bản thông cáo chung kết thúc cuộc viếng thăm đầu tiên của Tổng Thống Biden xác định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ. Nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp và nhắc nhở bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ về thỉnh nguyện của Việt Nam. Bộ trưởng Công nghệ và Thương mại của Việt Nam là ông Nguyễn Hồng Diên cũng gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo ở New York để nhắc nhở Hoa Kỳ sớm có quyết định nhanh chóng.
Việt Nam đến nay chỉ mới có 71 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm cả Trung Quốc. Nga đã trở thành kinh tế thị trường vào năm 2002, nhưng vào cuối năm 2022 nước này đã bị lôi trở lại danh sách phi thị trường vì chính quyền Nga xiết chặt kinh tế sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Tại sao Việt Nam vẫn là một nền kinh tế phi thị trường ?
Qua chương trình "Đổi Mới" phát động vào năm 1986, Việt Nam bắt đầu cải tổ quy mô từ nền kinh tế chỉ huy (centrally-planned economy) qua kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa (socialist-oriented market economy), một mô hình tương tự như mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, trong đó khu vực nhà nước đóng vai trò quyết định trong chỉ đạo phát triển kinh tế, với mục tiêu lâu dài cuối cùng là phát triển chủ nghĩa xã hội.
Trước khi cải tổ thị trường bắt đầu, Việt Nam không thể sản xuất đủ gạo để nuôi sống người dân của mình vào thập niên 80. Quốc gia này bị nạn đói đe dọa, ngoại tệ cạn kiệt, phải dựa vào sự hỗ trợ từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ tài chính từ Liên Xô và các nước Đông Âu khác.
Trong gần bốn thập niên, Việt Nam tiếp tục cải thiện tự do kinh tế thành công theo xếp hạng mới nhất dựa trên Chỉ số Tự do Kinh tế (Index of Economic Freedom) của Heritage Foundation vào năm 2023.
Trong gần bốn thập niên, Việt Nam tiếp tục cải thiện tự do kinh tế thành công theo xếp hạng mới nhất dựa trên Chỉ số Tự do Kinh tế (Index of Economic Freedom) của Heritage Foundation vào năm 2023. Nền kinh tế của Việt Nam đứng thứ 72 trong số 176 quốc gia vào năm nay với điểm tự do kinh tế là 61.8. Việt Nam đứng thứ 14 trong số 39 quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và có điểm tổng thể cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Điều quan trọng nhất là sự thay đổi thứ hạng theo thời gian. Vào năm 1995, khi chỉ số này được tổng hợp lần đầu tiên, Việt Nam chỉ đạt được 41.7 điểm ít ỏi. Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến thêm được 20 điểm. Trong khi đó Chỉ số Tự do Kinh tế của Trung Quốc thụt lùi từ 52 vào năm 1995 xuống còn 48.3 điểm vào năm 2023. Trung Quốc hiện đứng thứ 154/176, kém Việt Nam tới 82 bậc.
Heritage Foundation xếp hạng tổng cộng 176 quốc gia dựa trên mức độ tự do hoặc không tự do về mặt kinh tế. Đánh giá toàn diện dựa trên 12 loại quyền tự do trong 4 lãnh vực bao gồm :
1. Pháp quyền (rule of law),
2. Tài chánh công (public finance),
3. Luật lệ kinh tế (economic regulation), và
4. Độ mở thị trường (market openness).
Chỉ số này chia các quốc gia thành 5 nhóm, trong đó nhóm tốt nhất là "tự do" (free), bao gồm Singapore, Thụy Sĩ, Ireland và Đài Loan ; nhóm tệ nhất là "bị đàn áp" (repressed) bao gồm những quốc gia như Venezuela, Cuba, Bắc Hàn.
Việt Nam ở trong nhóm giữa, "tự do vừa phải" (moderately free).
Những giới hạn về tự do kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng theo định hướng thị trường để hội nhập dần dần vào hệ thống thương mại toàn cầu. Các cải tổ bao gồm tư nhân hóa một phần của doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa cơ chế thương mại, và tăng cường công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, những hạn chế về mặt thể chế vẫn tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài.
Theo Heritage Foundation, nhìn chung nền pháp quyền ở Việt Nam còn yếu. Các điểm về hiệu quả tư pháp, quyền tư hữu và liêm chính của chính phủ thấp hơn trung bình thế giới.
Tài chánh công nói chung của Việt Nam khả quan. Thuế suất cá nhân và doanh nghiệp hàng đầu lần lượt là 35% và 20%. Thu nhập thuế tương đương 22,7% của tổng sản phẩm nội địa (GDP). Chi tiêu và ngân sách chính phủ thiếu hụt trung bình trong ba năm là 21,2% và -2,3% của tổng sản phẩm nội địa. Nợ công bằng 39,7% GDP.
Đồng tiền Việt Nam không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và bị hạn chế đáng kể trong việc sử dụng, chuyển nhượng và hối suất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được khuyến khích nhưng chính phủ vẫn tìm cách chỉ đạo và kiểm soát qua các quy định. Mặc dù phần lớn giá cả đã được tự do hóa, ủy ban định giá của chính phủ vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát tùy ý đối với giá cả trong một số lĩnh vực nhất định.
Bất chấp những nỗ lực cải tổ liên tục, khung pháp lý tỏ ra không hiệu quả. Khởi đầu một kinh doanh rất tốn kém dù không đòi hỏi vốn tối thiểu. Thị trường lao động vẫn cứng nhắc và bị kiểm soát, và lao động chui là đáng kể. Sự ổn định tiền tệ được duy trì tương đối tốt, nhưng áp lực lạm phát vẫn tiếp tục. Việc tư hữu hóa những công ty quốc doanh hay còn gọi là doanh nghiệp nhà nước chậm chạp và thiếu quy mô.
Là một trong những nền kinh tế chỉ huy trước đây, Việt Nam vẫn là nơi có nhiều doanh nghiệp nhà nước. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp này từ năm 1990 được coi là một trong ba trụ cột quan trọng trong quá trình đổi mới kinh tế theo hướng kinh tế thị trường. Cải tổ doanh nghiệp nhà nước đã đạt được tiến bộ, dẫn đến giảm đáng kể số lượng doanh nghiệp nhà nước, mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, kinh nghiệm cải tổ doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua cho thấy một số vấn đề đòi hỏi cải tổ khuôn khổ pháp lý và thực thi pháp luật nhằm đẩy nhanh tốc độ của quá trình tư nhân hóa và cải thiện việc quy trách nhiệm và minh bạch.
Việt Nam là một quốc gia độc đảng chỉ có một công đoàn do nhà nước lãnh đạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Vietnam General Confederation of Labor - VGCL) trực thuộc Mặt trận tổ quốc.
Trái ngược với nhiều báo cáo, Việt Nam chưa cho phép công nhân thành lâp công đoàn độc lập. Việt Nam là một quốc gia độc đảng chỉ có một công đoàn do nhà nước lãnh đạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Vietnam General Confederation of Labor - VGCL) trực thuộc Mặt trận tổ quốc. Công nhân không được tự do đình công. Quyền lợi của công nhân không được bảo đảm.
Năm 2019, ngay sau Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động mới, Vietnam News, tờ báo tiếng Anh chính của Thông tấn xã Việt Nam của nhà nước, đã đăng tải một bài báo đưa tin sai rằng nhà nước đã "cho phép các công đoàn độc lập" (independent Workers' Union) hoạt động.
Vào tháng 5/2021, IndustriALL, bao gồm các liên đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, khẳng định rằng "Các công đoàn độc lập được phép thành lập được thành lập ở cấp công ty". Thực tế đây chỉ là những tổ chức công nhân (worker organization - WO) với sinh hoạt giới hạn, không được phép vượt ra ngoài phạm vi công ty, so với công đoàn lao động (workers' union). Ngay cả công đoàn lao động cũng phải nằm trong Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Có luật riêng quy định từng loại tổ chức. Luật Công Đoàn quy định các công đoàn, trong khi tổ chức công nhân thuộc một chương của Bộ luật Lao động 2019.
Hoa Kỳ vào đầu năm 2023 đã kêu gọi Việt Nam tăng cường quyền của công nhân bằng cách cho lập nghiệp đoàn bên ngoài sự kiểm soát của Đảng cộng sản, đồng thời cảnh báo Việt Nam về việc xử dụng nguyên liệu của Trung Quốc sản xuất bởi lao động ép buộc. Việt Nam là nước xuất cảng quần áo qua Mỹ và dùng nguyên liệu của Trung Quốc.
Luật chống bán phá giá và chống trợ cấp
Gần 40 năm sau khi chương trình Đổi Mới bắt đầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và được Heritage Foundation xếp vào nhóm kinh tế có tự do vừa phải, nhưng vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường vì những giới hạn về tự do kinh tế như vừa nói ở phần trên. Điều này cho phép Bộ Thương mại Hoa Kỳ tùy nghi dùng Luật chống phá giá (Anti-dumping Law) và Luật chống bảo trợ (Countervailing Law) áp đặt thuế trên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Vì không thể dùng và tin cậy vào tài liệu và thống kê của Việt Nam, Hoa Kỳ phải sử dụng nước thứ ba như Thái Lan để xác định giá trị thị trường của hàng hóa Việt Nam.
Để bảo vệ thương trường do chi phí lao động cao, các công ty Hoa Kỳ thường kiện các công ty Việt Nam bán phá giá hay được trợ cấp của nhà nước. Ngày 25/4/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo đã nhận được đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm kệ thép chứa đồ (steel shelf) xuất khẩu từ Việt Nam vào năm vừa qua trị giá khoảng 32,7 triệu USD. Edsal Manufacturing Co. là công ty khởi kiện.
Áp dụng thuế chống bán phá giá thường rất cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, có nguy cơ mất hoàn toàn thị phần tại thị trường này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích kinh tế quốc gia. Lệ phí luật sư tại Hoa Kỳ lại rất tốn kém để các công ty Việt Nam có thể mướn để biện hộ.
Theo một thông báo của Bộ Công thương Việt Nam vào 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mật ong gần bảy lần so với kết luận sơ bộ. Đây là một phần quyết định sau cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thuế suất trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong được nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác. Cụ thể là thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam được cắt giảm từ 410,93% - 413,99% xuống còn 58,74% - 61,27%. Thật là khủng khiếp. Bộ Công thương cho biết điều này sẽ giúp ngành mật ong Việt Nam duy trì xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Có hai cơ quan tham gia điều tra chống bán phá giá và trợ cấp ở Hoa Kỳ là Bộ Thương mại, xác định thuế chống bán phá giá và Ủy ban Thương mại Quốc tế (International Trade Commission) đánh giá thiệt hại mà các ngành nghề trong nước phải gánh chịu. Luật chống phá giá (Anti-dumping Law) và Luật chống trợ cấp (Countervailing Law) là biện pháp bảo vệ công nghệ nội địa của Hoa Kỳ.
Vào 2020, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế trên lốp xe hơi nhập cảng từ Việt Nam vì lý do Việt Nam kìm giá đồng tiền Việt Nam và hối suất để giá hàng xuất cảng thấp hầu dễ cạnh tranh. Trong phúc trình vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức liệt kê Việt Nam là nước thao túng tiền tệ bằng sự can thiệp quy mô lớn và kéo dài nhằm ngăn ngừa sự tăng giá của tiền đồng.
Vào giữa năm 2021, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa hiệp về tiền tệ. Trong bản thông cáo chung, Việt Nam cam kết tuân thủ luật lệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế "để tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn hiệu quả điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng và hứa kiềm chế bất kỳ sự phá giá mang tính cạnh tranh nào của đồng Việt Nam". Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết "trọng tâm của khuôn khổ chính sách tiền tệ của nó là "thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát".
Trường hợp kiện cáo bán phá giá cá tra nổi tiếng ở Hoa Kỳ xảy ra vào năm 2002, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký kết thỏa hiệp Thương mại song phương vào cuối năm 2001.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 24//2003 ra phán quyết Việt Nam "bán phá giá" cá da trơn (catfish) vào thị trường Mỹ. Phán quyết này dựa trên quyết định của Bộ Thương mại đưa ra vào tháng 11/2002 rằng Việt Nam "không phải là quốc gia có nền kinh tế thị trường".
Quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ khiến các nhà xuất cảng Việt Nam phải trả thuế trừng phạt 64% đối với cá đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Sinh kế của 400.000 nông dân Việt Nam và hàng nghìn công nhân tham gia vào các nhà máy chế biến cá có thể bị đe dọa bởi mức thuế trừng phạt như vậy.
Phán quyết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là để đáp lại vụ kiện "chống bán phá giá" của Catfish Farmers of America (CFA) đưa ra, cáo buộc rằng cá da trơn nhập khẩu của Việt Nam đang được trợ cấp và bán ở Mỹ dưới giá thành sản xuất.
CFA lần đầu tiên khởi kiện với lý do "vệ sinh" bất thành đối với cá da trơn của Việt Nam. Ngay cả Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng đã chứng minh rằng điều kiện nuôi cá da trơn ở Việt Nam rất hợp vệ sinh và người nuôi cá da trơn sử dụng phương pháp truyền thống.
CFA sau đó đã cấm nông dân Việt Nam sử dụng từ "cá da trơn" (catfish) để xuất khẩu sang Mỹ, buộc họ phải dán nhãn sản phẩm cá tra (catfish) và basa (pangasius). Cuối cùng, CFA khởi kiện chống bán phá giá.
Hiện tượng tương tự hiện xảy ra với tôm. Vào tháng 10/2002, Đạo luật Công bằng tài trợ nhập khẩu tôm được đưa ra Quốc hội Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam và một số nước khác bán phá giá tôm, đồng thời yêu cầu các nước này giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ xuống 4,8 triệu kg mỗi tháng.
Đơn giản là Việt Nam không đủ khả năng trợ cấp xuất khẩu, và nông dân Việt Nam (kiếm trung bình 35-50 USD mỗi tháng) đơn giản là quá nghèo để có thể bán dưới giá thành nhằm thâm nhập thị trường nước ngoài. Nhưng với chi phí lao động thấp như vậy thì giá bán nông sản của nông dân Việt Nam cũng thấp tương ứng. Giá hải sản của Hoa Kỳ cao đơn giản là vì giá nhân công đắt đỏ. Theo Statistica, giá nhân công công nghiệp vào 2018 ở Việt Nam dưới 3 USD/giờ so với 27 USD/giờ ở Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ biết rằng chính phủ Việt Nam không trợ cấp xuất khẩu cá da trơn. Tuy nhiên, vì mục đích của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là bảo vệ lợi nhuận của doanh nghiệp Hoa Kỳ nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ dùng lý do "quốc gia có nền kinh tế phi thị trường", nên giá bán của một mặt hàng xuất khẩu từ quốc gia đó có thể được coi là thấp hơn, không cần có bằng chứng về trợ cấp của chính phủ. Đây là một sự lạm dụng luật lệ của nước giàu để chống lại những nước nghèo trong khi họ đòi hỏi những nước nghèo tự do hóa thương mại để mua hàng hóa công nghiệp của nước giàu qua sức ép của Tổ Chức Thương mại quốc tế (World Trade Organization - WTO) hay Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Vào giữa năm 2021, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa hiệp về tiền tệ.
Người ta chưa biết chính quyền Biden có tiếp tục chiến dịch gây áp lực của chính quyền Trump đối với Việt Nam hay không. Tuy nhiên nhiều liên đoàn lao động và một số thành viên Đảng Dân Chủ ủng hộ việc áp dụng các biện pháp Thương mại cứng rắn hơn đối với các quốc gia đang làm suy yếu một cách giả tạo tiền tệ của họ, làm suy yếu khả năng sản xuất và xuất khẩu của Hoa Kỳ bằng cách làm cho hàng hóa Mỹ tương đối đắt hơn.
Làm sao để Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường ?
Việt Nam sẽ tránh được những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Trong nhiều trường hợp, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá rất cao.
Trước đây, một số quốc gia bị xếp loại là kinh tế phi thị trường sau đó được chuyển đổi sang các nền kinh tế thị trường như Ba Lan (1993), Nga (2002) và Ukraine (2006).
Khi cứu xét một đơn kiện của một công ty nội địa, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thường phải dựa vào năm tiêu chuẩn sau đây đối với nước xuất khẩu hàng hóa theo Lê Anh Lan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Vietnam Academy of Social Science – Institute of American Studies) tại Hà Nội :
(i) Mức độ dễ dàng mà đồng tiền của nước xuất cảng có thể chuyển đổi thành đồng tiền của các nước khác ;
(ii) Mức lương ở nước sở tại được xác định theo cơ chế tự do thương lượng giữa công nhân và chủ nhân ;
(iii) Mức độ liên doanh hoặc đầu tư của các công ty nước ngoài được phép ở nước sở tại ;
(iv) Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất ;
(v) Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân phối nguồn lực và quyết định về giá, sản lượng của doanh nghiệp.
Trên đây là những điểm chính yếu mà Việt Nam cần phải chú tâm để cải thiện thị trường. Đặc biệt Việt Nam cần phải cho công nhân thành lập công đoàn độc lập thực sự như đã từng cam kết trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Do đó đây là hai lãnh vực cần phải giữ lành mạnh và minh bạch.
Nhân dịp Tổng thống Mỹ viếng thăm Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của VOA, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (American Chamber of Commerce) ở Hà Nội đã có những nhận xét dưới đây về chính sách đầu tư nước ngoài và luật lệ của Việt Nam.
"Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, có thể lường trước được và tinh giản, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển những khoản đầu tư hiện có ở đây".
Ông Sitkoff nhấn mạnh đặc biệt về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn thiếu rõ ràng và còn thay đổi, cải thiện chính sách thuế và pháp lý ổn định và rõ ràng, cũng như nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam.
Việt Nam nên nghiêm chỉnh cứu xét những đề nghị của Phòng Thương mại Hoa Kỳ vì họ sống và làm việc ngay ở trong nước và giao dịch hàng ngày với hệ thống kinh tế và hành chánh của Việt Nam.
Kết luận
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa nâng cấp bang giao lên mức chiến lược toàn diện. Đây là lúc thuận tiện để mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước qua trao đổi thương mại. Cả hai bên cần phải điều chỉnh để giúp Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường đầy đủ, tránh được những hàng rào ngăn cản tự do thương mại.
Chỉ số tự do kinh tế tối thiểu Việt Nam cần phải có là 65. Việt Nam có khoảng 6-18 tháng để tiến thêm 3 điểm nữa để hầu đạt được mục tiêu này. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải dứt khoát đoạn tuyệt với mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu thực hiện được, đây sẽ là một tiến bộ đáng kể giúp Việt Nam trở thành một nước công nghệ có lợi tức cao nhanh chóng hơn và tăng cường khả năng quốc phòng với ngân sách 2 tỉ USD mỗi năm và sẽ còn gia tăng để mua võ khí.
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : VOA, 01/10/2023
Tham khảo :
(1) Joe Buckley, "The limits of Vietnam’s labor reforms," The Diplomat, January 01, 2022.
(2) CRS, "Vietnam’s labor rights regime : An assessment," March 14, 2002.
(3) Michael Karadjis, "Vietnam : Not a market economy country," Green Left Weekly, February 12, 2003.
(4) Heritage Foundation, "Vietnam’s economic freedom," June 2023.
(5) Lien Hoang, "US pushes Vietnam on union rights, Xinjiang forced labor," Nikkei, January 30, 2023.
(6) David Lawder, "Vietnamese PM raises tariff irritants with Yellen as economic ties deepen, Reuters, September 20, 2023.
(7) Lan Anh Le, "Vietnam and ‘Non-market economy’ in the US Anti-dumping Law", VASS, 2019.
(8) Sebastian Strangio, "Vietnam, US reach accord on alleged currency manipulation," The Diplomat, July 20, 2021.
(9) An Tôn, "AmCham : Chuyến thăm của TT Biden củng cố cam kết của Mỹ về Việt Nam hùng mạnh, độc lập," VOA, 8-9-2023.
(10) VNA, "Vietnamese trade minister urges US to recognise Vietnam’s market economy status," September 22, 2023.
(11) VNA, "US cuts down anti-dumping duties on Vietnam’s honey by almost sevenfold," April 12, 2022.
(12) Rainer Zitelmann, "What free market principles did for Vietnam," Washington Examiner, March 07, 2023.
Lỗi của Chính phủ hay của Bộ Chính trị ?
Nguyễn Nam, VNTB, 10/05/2023
Giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay khó khăn bên trong là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm cán bộ các cấp.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản cho "người nước ngoài". Ảnh minh họa Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan)
Những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản là 5,6% ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lạm phát trong các tháng tiếp theo.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.
"Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023 ở một số địa phương đạt tăng trưởng âm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất ngân hàng còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận ở mức giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Tình hình người lao động bị giảm việc, mất việc có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong năm 2022, nhưng đến đầu năm 2023 vẫn chưa giải quyết triệt để. Tình trạng tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp.
Về khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Dũng, có rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là dòng tiền. Hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên doanh nghiệp rất khó khăn.
"Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực", ông Dũng thông tin và cho hay người mua ở đây "toàn nước ngoài".
"Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần. Người mua nước ngoài rất nguy hiểm, nhất là đối với các doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đây là vấn đề chúng tôi rất lo ngại", ông nói thêm.
"Chúng tôi" ở đây cụ thể là những ai thì không thấy ông Nguyễn Chí Dũng nêu cụ thể cho chuyện "điều hành tín dụng có vấn đề", và quản lý thế nào để "toàn nước ngoài" đã mua "gần hết tài sản" của nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Nói một cách khác, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ ở đây là gì, vì sao lại đưa đến những điều như "thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế" – "tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp"…
Liệu bức tranh toàn cảnh như các con số báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5/2023, là kết quả đến từ việc độc quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" của nhóm chính khách đảng viên quyền lực ở Bộ Chính trị, khi họ nhân danh vào Điều 4 của Hiến pháp ?
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 10/05/2023
***************************
Cái chợ trời chứng khoán có ‘định hướng’
Hoài Nguyễn, VNTB, 10/05/2023
Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân khóc tại tòa, xin được hưởng án nhẹ vì gia đình khó khăn, có 5 con, con nhỏ nhất chưa được một tuổi, cha mẹ già yếu.
"Bị cáo không có kiến thức về chứng khoán, phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính và hướng dẫn từ Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt", bị cáo Nhân khai.
Đối chất tại tòa, Chủ tịch Công ty cổ phần Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt đổ trách nhiệm cho nhau, về việc ai quản lý các tài khoản chứng khoán.
Chứng khoán Việt giống như cái chợ trời có ‘định hướng’
Theo cáo buộc, 2 bị cáo Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam bàn bạc, thống nhất với nhau về việc thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính. Đầu năm 2021, nhóm bị cáo Nhân mua hơn 20 triệu cổ phiếu mã BII và TGG, với giá ‘bèo’. Nhóm này sau đó liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua bán chéo giữa 17 tài khoản do mình quản lý, nhằm tạo thanh khoản ảo. Khi 2 mã cổ phiếu liên tục tăng trần và lập đỉnh, bị cáo Nhân xả bán, thu lời hơn 154 tỷ đồng.
Chủ tịch Louis Holdings thừa nhận chỉ đạo mua bán chéo giữa các tài khoản, nhưng cho rằng không biết đó là vi phạm, sau này bị khởi tố mới nhận thức được. Bị cáo Nhân còn nói sau khi mở các tài khoản thì giao lại cho Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt toàn quyền quyết định mua bán, bản thân chỉ lo thu xếp nguồn tiền nạp vào tài khoản.
"Bị cáo không có kiến thức về chứng khoán, phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính và hướng dẫn từ Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt", bị cáo Nhân khai.
Ngược lại, bị cáo Đỗ Đức Nam khẳng định việc mở nhiều tài khoản là theo nhu cầu của phía bị cáo Nhân. Các tài khoản sau khi mở sẽ do nhóm bị cáo Nhân sử dụng, mua bán thế nào do Chủ tịch Louis Holdings quyết định, "bị cáo Nhân yêu cầu sao thì Trí Việt đặt lệnh vậy", Đỗ Đức Nam xác nhận.
Câu hỏi đặt ra với những ai "không có kiến thức về chứng khoán" kiểu như lời tự khai nhận của vị Chủ tịch Louis Holdings, rằng "thao túng là gì ? Vì sao thao túng giá chứng khoán là điều cấm kỵ ?", và qua đó cho thấy điều gì đang hiện diện lâu nay ở thị trường chứng khoán có định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam ?
Thao túng một thị trường "định hướng" có dễ không ?
Trước hết, lý thuyết kinh tế diễn giải rằng thao túng (Manipulate) là hành vi nỗ lực nhằm tác động lên người khác, hoặc kiểm soát tài sản nào đó. Mỗi người sẽ có mục đích thao túng khác nhau. Vì vậy, không thể kết luận thao túng là xấu hoặc tốt. Trong một số trường hợp, thao túng có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác. Do đó, trong cụ thể từng vụ việc sẽ cần phải nhận thức việc bị thao túng, từ đó, có những phản ứng phù hợp.
Trong giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu, là việc làm lũng đoạn thị trường. Thao túng chứng khoán là hành vi gian lận, cố ý tác động thị trường bằng cách vận dụng quy luật cung – cầu để tác động đến giá cổ phiếu nhằm đạt những lợi ích cho bản thân. Thao túng thị trường chứng khoán sẽ gây cản trở việc xác định giá trị doanh nghiệp, nhiễu phân tích về các khoản đầu tư tốt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường.
Và trên thật tế thì rất khó xảy ra chuyện "không có kiến thức về chứng khoán" nhưng lại đủ sức để thao túng thị trường này.
Mọi chuyện phải chăng cũng vì cố gò theo "định hướng" ?
Lưu ý, "rất khó xảy ra", chứ không phải là "không thể xảy ra" ở trường hợp "không có kiến thức về chứng khoán", vì như đã nói, nền kinh tế thị trường nói chung ở Việt Nam luôn bị định hướng chính trị, nên một khi đã không cùng cách hiểu về "kinh tế thị trường" mang tính phổ quát chung trên toàn cầu, thì việc "tận dụng" một kẻ hở nào đó của cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" để đưa đến thao túng, bất chấp kiến thức sâu hay cạn về lý thuyết giao dịch cổ phiếu.
Với một nền kinh tế tài chính chịu sự định hướng chính trị, nên việc thao túng thị trường chứng khoán nhiều khi chỉ cần loạt "fake news", hay còn được gọi là các tin tức đồn đoán (ngặt nỗi ở chính trị xứ Việt, các đồn đoán nhiều khi trúng phốc nhất là trong chuyện nhân sự ai lên – ai xuống), thông tin sai lệch dễ gây hiểu lầm về một doanh nghiệp.
Thông thường, "fake news" sẽ được các nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm về các phương tiện truyền thông sử dụng nhằm truyền bá những tin tức giả mạo về một doanh nghiệp, qua đó khiến cho toàn bộ thị trường đi theo hướng có lợi cho họ.
Thêm một lưu ý là "fake news" trong môi trường chỉ có báo chí nhà nước, không có sự cạnh tranh trong thị trường báo chí tự do nói chung, thì dù sắp tới đây những bản án tuyên nặng nhẹ ra sao về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, xem ra vẫn khó thể nhận dạng nhanh chóng ngay từ đầu đâu là "fake news", khi thông tin luôn phải tuân thủ theo lề trái – phải tùy thời điểm mà cơ quan tuyên giáo Đảng yêu cầu cho việc "định hướng".
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 10/05/2023
Tháng Giêng, tháng ăn chơi, chưa qua hết mà người dân đã nhận được nhiều tin choáng váng về thành tích làm ăn của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, mà nếu tình hình cứ tiếp tục kéo dài thì không biết đất nước sẽ rơi xuống vực thẳm nào.
Một mỏ than đang được khai thác ở Quảng Ninh. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)
Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) – công ty độc quyền về sản xuất, truyền tải và phân phối điện trên cả nước – ước tính sẽ bị lỗ hơn 64.940 tỷ đồng (khoảng 2,75 tỷ USD) trong năm nay nếu giá bán điện không thay đổi. Khoản lỗ đó, cộng với khoản lỗ 31.000 tỷ đồng năm ngoái khiến cho mức lỗ gộp hai năm 2022-2023 của EVN sẽ vào khoảng 93,000 tỷ đồng (khoảng 3,94 tỷ USD).
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam – bộ "chủ quản" của ngành điện lực, hôm 15 Tháng Hai cho biết EVN đang đối mặt với khó khăn chưa từng có do giá nhiên liệu tăng cao, có khả năng mất cân đối tài chính, nói trắng ra là sập tiệm. Còn EVN nói sẽ không còn tiền trong tài khoản vào cuối Tháng Năm và thiếu tiền từ tháng 6. EVN sẽ thiếu 3.730 tỷ đồng (160 triệu USD) trong Tháng Sáu, đến cuối năm sẽ thiếu 28.206 tỷ đồng (1,2 tỷ USD). Làm ăn mà thiếu tiền trả nợ, tiền mua nguyên liệu, trả lương cho người lao động thì được coi là vỡ nợ, phá sản.
Một công ty nhỏ mà vỡ nợ thì chẳng ai quan tâm nhiều, nhưng EVN là tập đoàn khổng lồ mà sản phẩm của nó – điện năng – là hết sức thiết yếu cho toàn xã hội. EVN phá sản, ngừng hoạt động có nghĩa là toàn bộ cỗ xe kinh tế sẽ "đứng bánh" và cuộc sống của mọi gia đình sẽ rơi vào cảnh đèn dầu hiu hắt.
Thông tin EVN "lỗ khủng khiếp" có thể là thật, cũng có thể là thủ đoạn để ép chính phủ phải đồng ý cho tập đoàn này tăng giá bán điện sau khi đã tăng 13,69% mới đầu tháng này.
Không chịu thua kém ông điện lực, hôm 14/2, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo cáo họ đang gánh khoản nợ hơn 74.000 tỷ đồng (khoảng 3,1 tỷ USD), gấp 1, nợ này có hơn 44,400 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, thời gian vay ngắn, phân lời cao. Tính bình quân mỗi ngày, tập đoàn này phải trả 6,5 tỷ đồng (276.000 USD) tiền lời !
Nhìn những con số nợ thảm hại như vậy, ai cũng phải thắc mắc, than đá, khoáng sản là thứ tài nguyên có sẵn trong lòng đất, từ đời tổ tiên truyền lại, chỉ có đào lên bán mà cũng lỗ vốn, phải vay nợ khủng khiếp như vậy là vì sao ?
Một ông lớn khác của kinh tế nhà nước là Tập đoàn Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA). Tuy không còn vị thế độc quyền "một mình một chợ" như trước, VNA vẫn được nhà nước dành nhiều ưu đãi hơn các hãng hàng không tư nhân. Ấy thế nhưng trong lúc các hãng khác báo lãi thì VNA lại lỗ chổng gọng. Theo công bố của VNA trên thị trường chứng khoán Sài Gòn, năm 2022 vừa qua, công ty lỗ 10.463 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 12.907 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 10.927 tỷ đồng – cộng gộp ba năm qua lỗ 34.297 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD ! Với số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng, VNA đang đối mặt với khả năng cổ phiếu mã HVN của hãng hàng không quốc gia có thể bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trên đây chỉ là ba trong số nhiều "ông lớn" kinh tế của Việt Nam do nhà nước sở hữu làm ăn bết bát.
Do số liệu không đầy đủ nên chưa thể xác định tổng số nợ nần mà khối doanh nghiệp nhà nước gây ra. Một báo cáo của chính phủ gửi Quốc hội Việt Nam cuối năm ngoái cho biết, nhà nước Việt Nam nắm 100% vốn của 673 doanh nghiệp và nắm cổ phần chi phối 153 doanh nghiệp, trong đó có 75 tập đoàn, tổng công ty có vị thế độc quyền, thường được ví von là những "quả đấm thép !" Nhiều tập đoàn, tổng công ty khác cũng thua lỗ triền miên, tuy ít được dư luận chú ý như các ông lớn kể trên. Ví dụ, đến cuối năm 2022, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) lỗ khoảng 3,038 tỷ đồng. Tổng Công ty Đường Sắt lỗ 1,976 tỷ đồng, Tổng Công ty Cà Phê lỗ 453 tỷ đồng v.v…
***
Một điểm dễ nhận thấy là trong khi các công ty quốc doanh liên tục báo lỗ thì các quan chức lãnh đạo của họ vẫn giàu nứt đố đổ vách và sống rất vương giả. Trong dư luận từ lâu đã truyền tụng một xác tín là ở các doanh nghiệp nhà nước, tiền lãi thì chia chác cho nhau và cúng cho cấp trên, còn lỗ lã thì đã có ngân sách – tức là tiền thuế của người dân, tiền vay của ngoại quốc – gánh chịu.
Mỗi doanh nghiệp nhà nước móc nối với hàng chục, thậm chí hàng trăm "sân sau" – là những "công ty con", "công ty liên kết", do các quan chức lãnh đạo đảng và chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn hoặc vợ con họ lập ra – để rút ruột tài sản quốc gia. Các công ty con này cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho tập đoàn nhà nước với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường, hoặc được chỉ định thực hiện những gói thầu béo bở. Phương thức biến của công thành của tư đó có ở mọi công ty nhà nước và kéo dài nhiều năm, biến các doanh nghiệp nhà nước thành những ổ tham nhũng có tổ chức của đảng và chính quyền.
Đôi khi do ăn chia không đều, làm phật lòng cấp trên hoặc do nội bộ đấu đá nhau tiết lộ thông tin ra bên ngoài, một số doanh nghiệp bị thanh tra, lãnh đạo bị khiển trách, cảnh cáo, nặng hơn thì bị khởi tố, vô tù nhưng rồi đâu lại vào đó. Quan chức bị lộ có "vô lò" thì số tài sản mà chúng tham nhũng được đủ cho cả gia đình sống ung dung rất nhiều đời nên chẳng phải hối tiếc.
Vụ mới đây Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định cảnh cáo các ông Lê Minh Chuẩn (bí thư Đảng Ủy, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên TKV), ông Đặng Thanh Hải (phó bí thư Đảng Ủy, thành viên Hội Đồng Thành Viên, tổng giám đốc TKV), và ông Nguyễn Ngọc Cơ (phó tổng giám đốc, nguyên đảng ủy viên tập đoàn) là một ví dụ. "Đốt lò" không làm cho tập đoàn TKV làm ăn hiệu quả hơn, không bớt lỗ được vì tham nhũng đã thành bản chất.
Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền có biết tệ nạn tham nhũng ở các công ty kinh tài của họ hay không ? Biết và biết rất rõ rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến cho Đảng cộng sản Việt Nam không thể mạnh tay bài trừ nạn tham nhũng trong các công ty nhà nước. Lý do căn bản nhất là do đường lối "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Giữa những năm 1980, không thể tiếp tục đường lối kinh tế tập trung đã đẩy đất nước tới bờ vực đói khát, Đảng cộng sản Việt Nam buộc phải "mở cửa", "đổi mới". Thế nhưng, do lo sợ kinh tế thị trường tự do làm mất cái bản chất "xã hội chủ nghĩa" – mà đặc trưng là chế độ công hữu – đảng phải thòng thêm cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa". Đảng thừa nhận nhiều thành phần kinh tế (tập thể, tư nhân, nước ngoài) nhưng quy định "kinh tế nhà nước" phải giữ vai trò chủ đạo, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân !
Kinh tế nhà nước – mà đại diện là các các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh, nắm giữ lượng tài nguyên và vốn liếng khổng lồ, được ưu đãi tối đa về chính sách và tài chính, nhưng không phải tuân theo các nguyên tắc thị trường tự do, bộ máy lãnh đạo do thủ tướng bổ nhiệm – đã nhanh chóng biến thái thành những ổ tham nhũng. Thay vì chắp cánh cho đất nước đi lên như các "chaebol" Samsung, Hyundai của Nam Hàn, các tập đoàn quốc doanh Việt Nam thực sự là những "quả đấm thép" đấm nát mặt nhân dân. Chuyện đó có từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, kéo dài tới bây giờ.
Đảng cộng sản Việt Nam đã thanh lọc hàng ngũ các quan chức chính trị, nhưng không thể cải cách các tập đoàn kinh tế một phần vì đường lối định hướng xã hội chủ nghĩa nêu trên, phần khác vì chính mô hình kinh doanh này nuôi sống guồng máy lãnh đạo chính trị thông qua các hình thức hối lộ, chạy chính sách và chia chác quyền lợi. Sự gắn bó lợi ích luôn cản trở việc thực hiện một cuộc cải cách doanh nghiệp theo hướng minh bạch, công bằng, và hiệu quả hơn.
Và do vậy, các tập đoàn cứ liên tục báo lỗ, tài sản quốc gia cứ chảy về nhà riêng của các quan chức, buộc Việt Nam phải liên tục tăng thuế, tăng giá và vay nợ để bù vào. Đến bây giờ bình quân mỗi người Việt Nam, từ đứa bé còn ẵm ngửa đến ông già gần xuống huyệt, phải gánh hơn 40 triệu đồng nợ nước ngoài – số tiền mà nhiều người trong số họ còn không biết viết thế nào cho đúng ! Bà Margaret Thatcher, cố thủ tướng Anh, có câu nói để đời :"Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là tới một lúc nào đó nó sẽ tiêu hết tiền của người khác". [đ.d.]
Hiếu Chân
Nguồn : Người Việt, 17/02/2023
Triết lý giáo dục mà ông theo đuổi là gì ? "Tinh thần "nhân bản" phải làm nền cho tất cả…" – tân Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời phỏng vấn của VnExpress.
Câu trả lời cho thắc mắc "Triết lý giáo dục mà ông theo đuổi là gì ?" của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong bài báo nói trên, thật ra có hai vế rất rõ : thứ nhất, "Về tư tưởng, định hướng, quan điểm chỉ đạo thì các đại hội gần đây của Đảng đã nêu đầy đủ, nhất quán, việc của chúng ta là tập trung triển khai".
Thứ hai, "Tuy nhiên, tôi có nghĩ tới một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó là hai chữ "nhân bản". Yếu tố "nhân bản" phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu.
Tinh thần "nhân bản" phải làm nền cho tất cả, từ xây dựng trường học – phải nghĩ đến chuyện giáo viên sử dụng nó ra sao, học sinh học tập thế nào. Từ từng cuốn sách, hệ thống học liệu cho đến kết quả của quá trình giáo dục. Từ dụng cụ nhỏ cho đến hệ thống thiết bị đều phải lấy việc phụng sự con người, cho con người, phát triển con người làm gốc rễ".
Từ Sài Gòn, cựu giáo viên Lê Quang Huy, nhìn nhận yếu tố nhân bản trong giáo dục không phải là cái gì quá mới mẻ, khi triết lý giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa đã được khái quát qua 3 giá trị Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, được xác định tại Đại hội Giáo dục Quốc gia lần 1 tại Sài Gòn vào năm 1958.
Thầy giáo Lê Quang Huy ý kiến : "Thiển nghĩ các nền giáo dục tiên tiến dân chủ khác cũng xoay quanh các giá trị này, nhưng có thể chúng được diễn đạt bằng những câu chữ khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi quốc gia.
Sau khi nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa bị thay thế bởi "nền giáo dục chiến tranh" – cách nói của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, thì các giá trị Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng đã bị đẩy lùi bởi những tư tưởng của một học thuyết ngoại lai từng cổ súy bạo lực giữa người với người và kích động hận thù giai cấp, để lại một sự tiếc nuối vô bờ bến cho những ai đã từng may mắn được tiếp thu một nền giáo dục nhân văn.
Giá trị Nhân bản nhằm đề cao giá trị con người, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Giá trị nhân bản không chấp nhận mọi sự kỳ thị hay phân biệt giữa người và người.
Mong rằng giá trị Nhân bản mà ông tân bộ trưởng nói đến chính là cái giá trị vàng son một thời ở Miền Nam trước 1975 mà bây giờ những người quản lý giáo dục mới chịu nhận ra và sẵn sàng kế thừa với tất cả sự cầu thị, chứ không phải là cái gì khác.
Nếu không thì cái Nhân bản mà ông ấy nói dễ bị hiểu là sự nhân bản về mặt số lượng (photocopy) hoặc là sự nhân giống !".
Lo lắng của ông thầy giáo ở trên là có cơ sở, vì như đã phân tích, trong vế thứ nhất của câu trả lời phỏng vấn VnExpress, tân Bộ trưởng nói rằng ‘việc của chúng ta là tập trung triển khai quan điểm chỉ đạo của Đảng’.
Mà trên thực tế theo dõi các văn kiện Đảng liên quan đến giáo dục, chưa thấy đề cập đến yêu cầu của "triết lý giáo dục". Giả dụ mai này có đề cập đến, liệu Đảng có ‘gắn thêm’ vào đó ‘cái đuôi’ với mẫu câu tương tự như đã áp dụng với "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", đó là "triết lý giáo dục của Việt Nam là Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ?
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 12/04/2021
Phạm Đình Bá, VNTB, 22/02/2021
So với thực tế, có hàng triệu cái nghịch lý to nhỏ trong cách làm việc của đảng. Trong các nghịch lý này, có hai cái cực to. Trong hàng triệu cái nghịch lý mà đảng độc quyền, cái nghịch lý to thứ nhất là phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1). Năm 1985 khi cái nghịch lý này bắt đầu, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người tính theo tiền đô Mỹ năm 2019 của Việt Nam là 232 đô la và của Hàn Quốc là 2.482 đô la, cách biệt là 2.251 đô la. Năm 2019, con số của Việt Nam là 2.715 đô la và của Hàn Quốc là 31.846 đô la, cách biệt là 29.131 đô la. Sau 35 năm, mức tăng trưởng của Hàn Quốc là 13 lần (29.131/2.251) nhanh hơn phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong hàng triệu cái nghịch lý mà đảng độc quyền, cái nghịch lý to thứ hai là để bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ, đảng chủ trương thì đại khái là "ta anh hùng ráng đi học lóm võ Thiếu Lâm để đánh thắng chùa Thiếu Lâm Tự". Giải quyết cái nghịch thứ nhất là cấp thiết cho toàn vẹn lãnh thổ bởi vì nếu kinh tế của ta mạnh như kinh tế của Hàn Quốc, thì Tập đảng không dẫm qua dẫm lại lên đảng ta và đất nước ta như bây giờ.
Đổi mới kinh tế cần được cấu trúc để làm lợi và khuyến khích năng suất của các hoạt động kinh doanh tư nhân (chẳng hạn như thành lập và mở rộng các công ty cung cấp hàng hóa và các dịch vụ mà mọi người muốn) đồng thời giới hạn các hoạt động kinh tế với chi phí không hiệu quả (ví dụ như nhiều doanh nghiệp nhà nước), và thậm chí các hoạt động kinh tế phá hoại.
Các hoạt động kinh tế phá hoại xảy ra khi một nhóm hoạt động kinh tế tìm cách chiếm của cải hay tài nguyên mà không có bất kỳ đóng góp tương xứng nào về năng suất cho nền kinh tế – ví dụ như vụ cướp đất nông nghiệp ở Đồng Tâm bằng móc nối giữa lợi ích nhóm và cán bộ tham nhũng, dẫn đến một lực lượng dân oan không có thiết bị để sản xuất.
Các hoạt động kinh tế phá hoại cũng bao gồm móc nối giữa lợi ích nhóm về kinh tế và cán bộ tham nhũng để lũng đoạn các nguyên tắc thương mại, dẫn đến các nhóm hoạt động kinh tế hữu hiệu bị thiệt hại – ví dụ như vụ việc xảy ra với công ty của anh Trần Huỳnh Duy Thức khi công ty của anh đã đang cạnh tranh hiệu quả với các công ty ở Singapore nhưng anh bị bắt giam bởi đảng, đứng thay cho lợi ích nhóm trong ngành doanh nghiệp này.
Khi các thể chế chính trị và kinh tế được cấu trúc để làm lợi và khuyến khích năng suất của các hoạt động kinh doanh tư nhân, các nghiên cứu cho rằng sẽ có nhiều đổi mới và tăng trưởng kinh tế, ít nhất là về lâu dài. Bởi vậy tập trung vào các thể chế kinh tế thúc đẩy tinh thần kinh doanh là quan trọng cho phát triển kinh tế. Để tiếp tục phát triển kinh tế, cần chú trọng trong đổi mới trên chín lĩnh vực rộng lớn dưới đây.(2)
Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước hoạt động dựa trên các nguyên tắc của luật pháp chứ không phải hoạt động theo lợi ích nhóm. Theo định nghĩa này, đảng là một lợi ích nhóm lớn. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối cao và trên hết mọi lợi ích nhóm và cá nhân, ví dụ như cán bộ, đảng viên và lãnh đạo. Quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của con người. Chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ cũng như có quyền. Ba dạng tài sản chính bao gồm : tài sản tư nhân, tài sản công và tài sản tập thể qua hợp tác (không phải cưỡng ép như cách đảng đang làm). Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước không thể tịch thu tài sản tư nhân mà không đền bù thích đáng. Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu là các quy tắc cơ bản của hệ thống kinh tế, và để phát triển kinh tế cần phải đảm bảo rằng các quy tắc cơ bản này ổn định và được bảo vệ và triển khai chặt chẽ. Về quyền sở hữu trí tuệ, một sự cân bằng quan trọng phải được thực hiện giữa các lợi ích của nhà đầu tư và nhu cầu phổ biến kiến thức.
Nhiều loại thuế ảnh hưởng đến các quyết định và hoạt động của tư nhân. Trong khi thuế nói chung phải thấp hoặc vừa phải, thuế cần phải đơn giản (thay vì có nhiều ngoại lệ) và mức thuế cao cần đồng đều giữa các danh mục chủ sở hữu, nguồn tài chính và các loại hoạt động kinh tế. Trong một bài trước,(3) tôi đã góp ý về dùng thuế thu nhập để tạo dựng một chương trình thu nhập cơ bản chung (universal basic income), trong đó mỗi người dân trưởng thành được nhận một khoản tiền nhất định một cách thường xuyên (ví dụ như khoảng 4,6 triệu đồng mỗi tháng, hay khoảng $200 đô la Mỹ mỗi tháng).
Các hoạt động kinh tế xã hội liên hệ đến tiết kiệm, vốn và tài chính nên được đổi mới để hỗ trợ tăng cường hình thành của cải và doanh nghiệp tư nhân và tạo ra một động lực cho đầu tư có rủi ro cao và phần thưởng cao. Loại đầu tư nầy là nguồn phát triển kinh tế rất quan trọng. Đặc biệt là cần tạo nên môi trường để các đầu tư rủi ro cao phần thưởng cao không chết quá sớm trong giai đoạn đầu của các dự án khởi nghiệp. Khi mà một phần lớn tiết kiệm từ xã hội đang chuyển vào quỹ hưu trí, các chính sách kinh tế cần khuyến khích một phần của vốn tiết kiệm này vào đầu tư cho các hoạt động kinh doanh của các công ty và không chỉ vào bất động sản, cổ phiếu đại chúng và trái phiếu.
Các tổ chức nên tạo điều kiện cho tuyển dụng lao động có năng lực cần thiết. Đổi mới cần cố gắng loại bỏ các quy định khó khăn của thị trường lao động. Các quy định về làm việc quá nghiêm ngặt cũng có thể thúc đẩy doanh nhân tìm cách trốn tránh các hậu quả của các quy định này, cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của nền kinh tế ngầm. Hơn nữa, chương trình bảo hiểm thu nhập của chính phủ cần thiên về khuyến khích kích hoạt các hoạt động kinh tế tư nhân, tính di động trong lực lượng lao động và ưu đãi các doanh nghiệp tư nhân để theo đuổi các đầu tư có rủi ro cao và phần thưởng cao.
Các chính sách và tổ chức về an ninh xã hội nên tạo điều kiện để các quyền hưởng dụng (tenure rights) và các kế hoạch lương hưu (pension plans) dễ dàng chuyển đổi giữa các tác nhân trong hoạt động kinh tế. Các chính sách và tổ chức cũng nên thiên về tách toàn bộ bảo hiểm y tế từ chủ lao động, để tránh trừng phạt người làm muốn bỏ việc làm tạm để theo đuổi các dự án khởi nghiệp có rủi ro cao nhưng có phần thưởng cao cho cá nhân và gia đình họ. Cần tránh các chính sách và tổ chức kinh tế có thiên vị về các công tư quốc doanh.
Việc ngăn chặn các công ty quốc doanh hay bán quốc doanh khai thác quá mức vị trí thống lĩnh thị trường của họ là điều cần thiết. Hạ thấp những rào cản để tư nhân và doanh nghiệp mới gia nhập vào các thị trường là chìa khóa cho đổi mới trong các hoạt động sản xuất và dịch vụ. Cách làm này sẽ thúc đẩy việc mở cửa cho những bộ phận của nền kinh tế gần như luôn đóng cửa cho sản xuất tư nhân, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và trường học. Hệ thống tài chính công nên được thiết kế để khuyến khích sản xuất tư nhân quy mô lớn và khả năng cạnh tranh mạnh giữa các công ty hay cạnh tranh với các công ty quốc doanh hay bán quốc doanh.
Nghiên cứu và phát triển chỉ là đầu vào ; để chuyển nghiên cứu và phát triển thành tăng trưởng kinh tế, các doanh nhân phải khai thác các phát minh và kiến thức được tạo ra bằng cách giới thiệu các phương pháp sản xuất mới hoặc các sản phẩm và dịch vụ mới vào thị trường. Do đó, thay vì tập trung vào các mục tiêu chi tiêu định lượng và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển có mục tiêu, chính sách tổng thể về nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa và lan tỏa kiến thức nên làm cho việc khởi sự và phát triển doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, nhất là các tư doanh mới mà doanh nhân chấp nhận đầu tư có rủi ro cao và phần thưởng cao. Những đầu tư nầy là thiết yếu để đổi mới trong kinh tế và tạo nên giá trị tăng trưởng cho kinh tế, xã hội, đổi mới với giá trị cao và giá trị đời sống cao.
Chính sách đầu tư vốn con người cần cố gắng tạo ra các động lực tích cực để cá nhân có được kiến thức và kỹ năng, cho dù thông qua giáo dục chính thức hay tại nơi làm việc. Các chính sách khuyến khích phát triển kỷ năng mỗi cá nhân cũng phải được phát triển bởi hệ thống giáo dục để cung cấp các cơ hội phát triển như vậy. Về mặt này, hệ thống đại học Hoa Kỳ có vẻ đáp ứng nhu cầu kinh tế của xã hội tốt. Hệ thống của Hoa Kỳ có thể là một hình mẫu quan trọng, miễn là có sự quan tâm đúng mức về khả năng tiếp cận và công bằng để mọi người có thể tiếp cận các cơ hội này. Theo ý kiến của cá nhân tôi, cần tuyệt đối phải trừ tận gốc cách dùng lý lịch thân đảng và ưu đãi cho cá nhân từ lợi ích nhóm, nhất là đảng độc quyền.
Các tổ chức phi chính thức ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức chính thức nhưng cũng có thể quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và các khuynh hướng cá nhân để phiêu lưu trong các đầu tư có khả năng thất bại cao và hưởng lợi cao. Phải tăng cường cơ hội để hình thành các quy tắc và thói quen không điều động từ trung ương hay đảng nhưng hình thành trong xã hội. Các quy tắc và thói quen nầy tạo thuận lợi cho hợp tác và trao đổi cá nhân, đặc biệt là về lòng tin xã hội. Môi trường tin cậy cao nuôi dưỡng việc thâm nhập thị trường, tăng trưởng doanh nghiệp và tinh thần kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, mức độ mà chính sách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển này hay không thì không chắc lắm.
Nói chung lại, đổi mới nên xây dựng thể chế và chính sách căn bản là thiên về cá nhân (thay vì tập thể) và doanh nghiệp tư nhân (thay vì quốc doanh), chủ yếu bằng cách thực hiện tự do hóa chính sách kinh tế.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 22/02/2021
Nguồn :
(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-nguyen-tac-nghi-khac-trong-doi-moi/
(2) Niklas Elert and Magnus Henrekson and Mikael Stenkula. Institutional Reform for Innovation and Entrepreneurship : An Agenda for Europe. Entrepreneurship & Economics eJournal, 2017.
(3) https://vietnamthoibao.org/vntb-to-chuc-xa-hoi-moi-khong-co-nhung-con-bo-nhai-lai-mac-le-cu-ky/
********************
Lại loay hoay đi tìm thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa
Triệu Tử Long, VNTB, 21/02/2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng.
Thông tin báo cáo tóm tắt đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, "đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành.
Theo đó, mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo ; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp ; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân.
Chính sách được xây dựng trên nền tảng tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới thanh kiểm tra, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không đề cập đến cụm từ quen thuộc lâu nay : "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Trên cương vị là "một trong tứ trụ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa ra yêu cầu cho đề án mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, đó là, "quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII".
Tiền nhiệm của ông Nguyễn Chí Dũng từng được một bài viết trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, viết rằng : "Một câu hỏi mà gần 30 năm qua Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn chưa có câu trả lời, đó là thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (1).
Theo bài báo phát hành 3/5/2014, thì, "Một ngày cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông đáp : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm". Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông".
Kết thúc cuộc trò chuyện với các nhà báo tại trụ sở bộ vào một ngày cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nán lại để chụp ảnh với từng người. Ông nói, đây là lần cuối ông trao đổi với báo chí trên cương vị lãnh đạo. Ở ‘lần cuối’ đó, ông đã trải lòng có đoạn như sau :
"Chúng tôi là cơ quan hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách phát triển cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi tư chất đổi mới, đòi hỏi những con người có tư duy tốt, kiến thức toàn diện, không chỉ kiến thức trong nước mà kiến thức của thế giới.
Chúng ta không thể một mình đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển họ đi ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là đòi hỏi thực tế, và cần kiến thức.
Bên cạnh đó, cũng cần có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm và kém thế, tại sao người dân còn ta thán nhiều như thế. Trăn trở vậy mới giúp hoạch định chiến lược tốt, chính sách tốt. Đây là việc trí tuệ, không ai ép buộc, nên phải tạo môi trường đổi mới sáng tạo cho cán bộ trong cơ quan.
Tôi muốn nói, sáng tạo chỉ có khi người ta hưng phấn làm việc. Tôi kêu gọi, và cam kết môi trường bình đẳng thuận lợi cho nghiên cứu, sáng tạo để có thể tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước những đột phá về thể chế. Tức là phải suy nghĩ khác đi để làm khác đi".
Giờ là đầu năm 2021. Nếu vẫn tiếp tục đề bài phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là cách làm cơ bản tiếp tục theo kiểu "dò đá qua sông", bởi cho đến nay trên thế giới chưa có một quốc gia nào có được nền kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam đang lần mò tìm đường hướng tới – nghĩa là nói như lời của cựu bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta không đi chung con đường cùng nhân loại…
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 21/02/2021
(1) https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html
***********************
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 21/02/2021
Theo lý lịch, năm 1978, ông Nguyễn Xuân Phúc tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Những năm 1990, ông Phúc theo học ngành Quản lý hành chính Nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia. Đến năm 1996, ông Phúc được cử theo học ngành Quản lý Kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
Tất cả các trường mà ông Phúc đã theo học, chắc chắn không có giáo trình về cái gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Dưới đây là tóm lược những lý thuyết của sinh viên theo các ngành liên quan quản lý kinh tế :
Cơ chế thị trường là quá trình tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể (hoạt động) kinh tế trong việc hình thành giá cả, phân phối tài nguyên, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất. Sự tương tác của các chủ thể tạo nên những điều kiện nhất định để nhà sản xuất, với hành vi tối đa hóa lợi nhuận, sẽ căn cứ vào giá cả thị trường để quyết định ba vấn đề : sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai.
Như vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa cho cả ba vấn đề này là gì, cần phải có câu trả lời để có thể đi các bước tiếp theo.
Theo lý thuyết của các nhà kinh tế học phúc lợi, thì cơ chế thị trường là cách thức tự động phân bổ tối ưu các nguồn lực của nền kinh tế. Đó là vì, mỗi nhà sản xuất đều căn cứ vào giá cả thị trường để quyết định sản xuất bao nhiêu, sẽ không có sản xuất thừa, cũng sẽ không có sản xuất thiếu. Phúc lợi kinh tế được đảm bảo do không có tổn thất xã hội.
Tuy nhiên, để cơ chế thị trường thực hiện tốt được chức năng của mình, thì các điều kiện sau đây phải được thỏa mãn : thị trường phải có cạnh tranh hoàn hảo, thông tin đối xứng, không có các ảnh hưởng ngoại lai (ngoại ứng), v.v… Nếu không, cơ chế thị trường sẽ không thể phân bổ tối ưu các nguồn lực kinh tế. Khi đó có thất bại thị trường.
Trong suốt thời gian gọi là đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam với việc bảo thủ quan điểm "định hướng xã hội chủ nghĩa", cho thấy đã không thể đáp ứng điều kiện cho cơ chế thị trường thực hiện đầy đủ các chức năng của mình.
Ở nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa người sản xuất và người tiêu dùng được vận hành do sự điều tiết của quan hệ cung cầu.
Đặc trưng cơ bản nhất của cơ chế thị trường là động lực lợi nhuận, nó chỉ huy hoạt động của các chủ thể. Trong kinh tế thị trường, đặc điểm tự do lựa chọn hình thức sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm : ‘lãi hưởng lỗ chịu’, chấp nhận cạnh tranh, là những điều kiện hoạt động của cơ chế thị trường, chứ không phải từ ý chí của nghị quyết Đảng.
Sự tuân theo cơ chế thị trường là điều không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp, nếu không sẽ bị đào thải.
Dường như ở đây đề bài mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, chủ yếu chỉ là hình thức phục vụ tuyên truyền cho đường lối Đảng.
Thử nhìn sang Trung Quốc.
Đại hội XIV vào năm 1992, Đảng cộng sản Trung Quốc chính thức đưa vấn đề xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vào văn kiện đại hội với 6 đặc trưng cơ bản. Đến Đại hội XIX ở năm 2017, Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra quan điểm về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.
Đại hội XIX Đảng cộng sản Trung Quốc đã xác lập tư tưởng Tập Cận Bình về "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" với mục tiêu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ XXI.
"Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" được đưa vào Điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc, trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với sự nghiệp cải cách, mở cửa, xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc.
Tạm gác qua những lý luận hàn lâm học thuật. Giờ chỉ cần nhìn vào việc mấy chục năm qua nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, có thể hiểu về viễn cảnh ra sao của việc đeo đuổi mệnh đề "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 21/02/2021
*************************
Tôi ở xa đọc bài của ông đại biểu quốc hội Trần Văn về đại hội đảng XIII trên báo Nhân dân (1). Tôi cố gắng để hiểu bài dài của ông với nhiều từ tôi không hiểu. Ông dùng nhiều chữ to lắm, thí dụ như cái tựa là "Kỳ vọng vào thể chế hóa, pháp điển hóa văn kiện của Đảng", đúng theo cung cách làm việc của đảng, nói to và nhiều nhưng không nói gì cả.
Theo bài báo thì đại hội đã phát thảo chính sách 10 năm 2021 – 2030 với tầm nhìn tới năm 2045, bao gồm :
1) phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
2) xác định vai trò quan trọng của khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển lực lượng sản xuất, và
3) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng nhiều chính sách to khác. Ông Văn có thể là đại diện cho 483 đại biểu quốc hội mà hầu như họ có đồng thuận cao, nhất là về nói lại chính sách của đảng.
Tôi xin đóng vai người bất đồng với quan điểm mà ông Văn nêu lên cũng như chính sách 10 năm của đảng. Bất đồng ý kiến là căn bản của đổi mới. Ông chủ hãng Apple lúc còn sống, Steve Jobs nêu cao nguyên tắc "nghĩ khác" (think different) như sau – "Đây cho kẻ bị coi là điên rồ. Kẻ không theo khuôn khổ. Kẻ nổi loạn. Những kẻ gây rối. Các chốt tròn trong lỗ vuông. Những người nghĩ khác. Họ không thích các quy tắc. Và họ không có sự tôn trọng đối với thể chế. Bạn có thể chỉ trích họ, không đồng ý với họ, nói tốt hoặc phỉ báng họ. Về điều duy nhất bạn không thể làm là không chú ý đến họ. Bởi vì họ thay đổi mọi thứ. Họ đẩy loài người về phía trước. Và trong khi một số có thể coi họ là những kẻ điên rồ, chúng ta lại thấy thiên tài nơi họ. Bởi vì những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới, chính là những người thay đổi thế giới" (2). Những người điên rồ này là ai ? Họ có trong chúng ta không ?
Tôi muốn trì hoãn câu trả lời cho những câu hỏi này cho đến khi chúng ta cùng nhau xem xét một số chính sách do đại hội đảng XIII nêu ra và áp dụng nguyên tắc nghĩ khác lên các chính sách này.
Chính sách này đã có từ 1986. Đảng coi nó như là kim chỉ nam cho việc tồn tại của đảng nhưng dân thì lãnh đủ những hệ quả kinh tế và xã hội của chính sách kinh tế này. Lấy ví dụ năm 1985, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người không cách biệt xa lắm giữa Việt Nam và Hàn Quốc (tính theo tiền đô Mỹ năm 2019). Đảng phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn dân đến nơi nào ? Dân Hàn cải thiện đời sống đến mức độ thu nhập trung bình giống như đời sống của dân ở các nước tiến bộ ở Châu Âu (hình, dữ liệu từ Ngân hàng thế giới) (3).
Ông Trần Văn nói – Chúng ta vừa thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ nhưng định hướng XHCN chính là để xây dựng một xã hội Việt Nam hạnh phúc như ham muốn tột bậc của Bác Hồ kính yêu ngày đầu lập nước : "đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (1).
Tôi xin bạn đọc góp ý thử xem đảng và ông đại biểu Trần Văn nói đúng hay là dữ liệu của ngân hàng thế giới phản ánh đúng tiến trình phát triển kinh tế ở Việt Nam và Hàn Quốc. Cụ thể là phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa chúng ta đến đâu ? Đảng có trách nhiệm gì trước toàn dân ? Các đại biểu quốc hội là "đại biểu" của đảng hay của dân ?
Vai trò của khoa học và sáng tạo không chỉ duy nhất để phát triển công nghệ và phát triển lực lượng sản xuất. Bây giờ là thế kỷ 21, tôi không chỉ muốn đi làm công nghệ và trở thành công cụ trong lực lượng sản xuất. Tôi muốn lựa chọn tập trung vào tầm quan trọng đạo đức của khả năng đạt được cuộc sống cá nhân mà tôi có lý do để coi trọng.
Điều 27 của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền quy định rằng "mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ tiến bộ khoa học và các lợi ích của nó". Các quyền con người khác, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin và quyền được giáo dục, là chìa khóa để sống đẹp. Tôi không sống để làm công nghệ và sản xuất. Tôi nghĩ các bạn trẻ cũng không muốn lớn lên để chỉ đi sản xuất. Đảng dù muốn kìm hãm và củng cố vị trí bóc lột dài dài, nhưng những người trẻ và những người quay đầu trở lại thì nghĩ khác.
Hàng hóa xã hội có thể được coi là một hành động cung cấp một số loại lợi ích cho dân. Thí dụ, nước sạch, nhà nước sạch, giáo dục và y tế đều là những ví dụ điển hình về hàng hóa xã hội. Tuy nhiên, những đổi mới về phương tiện truyền thông và sự bùng nổ của cộng đồng trực tuyến đã tạo thêm ý nghĩa mới cho thuật ngữ hàng hóa xã hội. Lợi ích xã hội hiện nay là về việc các công dân toàn cầu đoàn kết để khai phá tiềm năng của các cá nhân, công nghệ và sự hợp tác để tạo ra tác động xã hội tích cực.
Ngày nay, lợi ích xã hội là khiến mọi người tham gia vào các hành động vì lợi ích xã hội, thường là bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội. Đó là về sự tương tác, khả năng chia sẻ và mang mọi người lại với nhau để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Đã qua rồi cái thời mà đảng là tổ chức duy nhất có khả năng và nguồn lực để áp đặt trật tự xã hội. Tự do cá nhân và tôn trọng các quyền căn bản của dân là căn bản cho sản xuất và dịch vụ dựa trên các hoạt động thâm dụng tri thức góp phần thúc đẩy tốc độ tiến bộ khoa học và công nghệ.
Cũng xin nhấn mạnh là kiến thức khoa học phải được sở hữu và khai thác bởi cá nhân và phải được hưởng lợi cá nhân. Công lý chỉ đạt được khi cá nhân có thể tiếp cận một cách công bằng và hưởng lợi từ kiến thức khoa học. Tập trung mạnh mẽ vào cá nhân cũng là nền tảng cho quan điểm là công lý không chỉ đòi hỏi sự phân phối kiến thức, sở hữu và được tiêu dùng như bất kỳ hàng hóa xã hội nào khác, nhưng sự tham gia bình đẳng của cá nhân vào quá trình tạo ra kiến thức. Điều này đòi hỏi xây nguồn nhân lực mới dựa trên các quyền căn bản của dân, như tự do tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do viết blog, tự do lập hội, tự do ứng cử, tự do bầu cử, tự do biểu tình và các quyền tự do góp phần vào làm đẹp đời sống cho mỗi và mọi người.
Chính sách của đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao :
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là điều quan trọng duy nhất. Trọng tâm phải là các con đường cá nhân để phát triển cá nhân, nghĩa là, vào các quyết định hoặc hành động mà một cá nhân có thể thực hiện để phát triển. Tuy nhiên, một chính phủ và xã hội hoạt động tốt, với đủ nguồn lực vật chất, tất nhiên cũng rất quan trọng trong việc duy trì các con đường nhằm thúc đẩy sự phát triển của cá nhân. Một chính phủ hiệu quả, một hệ thống tài chính hoạt động tốt, không có tham nhũng và sự ổn định của xã hội đều quan trọng trong việc hỗ trợ gia đình, việc làm, giáo dục và cộng đồng tôn giáo trong việc thúc đẩy sự phát triển của cá nhân.
Hãy bắt đầu với gia đình. Mặc dù không phổ biến, nhưng đại đa số trẻ em lớn lên trong một số kiểu gia đình. Do đó, tham gia vào cuộc sống gia đình là một trải nghiệm rất phổ biến. Những ảnh hưởng của cuộc sống gia đình và hôn nhân là rất sâu sắc trong việc phát triển cá nhân. Việc làm đã được phát hiện có tác động đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần tốt hơn và ít nhập viện hơn, ngay cả đối với những người có vấn đề về sức khỏe.
Một số hình thức giáo dục là một hiện tượng gần như phổ biến, nhưng mức độ khác nhau đáng kể giữa mọi người. Có bằng chứng hợp lý cho thấy trình độ học vấn có liên quan lâu dài với mức độ hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống. Khoảng 84% dân số thế giới cho biết họ theo tôn giáo. Sự tham gia không chỉ là đáng kể, mà hiện nay có bằng chứng khá tốt cho thấy việc tham gia vào cộng đồng tôn giáo có liên quan lâu dài với các lĩnh vực phát triển khác nhau, chẳng hạn như sức khỏe tốt hơn và cuộc sống tốt đẹp.
Tôi xin lặp lại đoạn đầu ở trên "Những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới, chính là những người thay đổi thế giới". Những người điên rồ này là ai ? Họ có trong chúng ta không ? Theo cách tôi học được, họ là những tù nhân lương tâm – Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Nguyễn Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang, Lê Anh Hùng, Nguyễn Anh Tuấn và hàng ngàn người khác…
Những người tôi liệt kê này chỉ giới hạn bởi trí nhỏ hạn hẹp của tôi. Nhưng nguyên tắc "nghĩ khác" là cần thiết cho đổi mới bởi vì chúng ta có thể dùng nó để phân tích nhiều điều mà các đại biểu quốc hội như ông Trần Văn cần làm nhưng họ từ chối không làm.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 19/02/2021
Chí thích :
(2) https://andrewamj.com/steve-jobs-on-think-different-apples-best-advertising-campaign/
Trong hội nghị lấy ý kiến các ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ vào dự thảo văn kiện Đại hội 13 vào sáng 5/11 tại Hà Nội, ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) Việt Nam" là "điểm mới" với bản chất là lấy "người dân làm trung tâm" và khẳng định đó là mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế.
Người đi đường đi qua tấm áp phích lớn quảng bá cho Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 7/1/2011 AFP
Việc tiếp tục "làm mới" khái niệm gây nhiều tranh cãi lâu nay phản ánh một giai đoạn cải cách thể chế còn nhiều thách thức bởi các mâu thuẫn của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Kinh tế thị trường từng là cứu cánh để duy trì chế độ đảng toàn trị, nhưng liệu nó trở thành mô hình phát triển để hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa như thế nào vẫn sẽ là câu hỏi lớn cả về lý luận và thực tiễn.
xã hội chủ nghĩa là mục tiêu xa vời có ý nghĩa tuyên truyền hơn là thực tế. Trước mắt, hậu quả của quá trình chuyển đổi bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều sẽ là một xã hội "tư bản thân hữu" đang được cảnh báo với sự tha hóa quyền lực, sự suy thoái của hệ thống chính trị thay vì một chế độ dân chủ.
Mô hình chuyển đổi dưới sự lãnh đạo chế độ đảng cộng sản toàn trị từ kinh tế xã hội chủ nghĩa tập trung, chỉ huy sang kinh tế thị trường là chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển nhân loại, và vì vậy, chưa có cơ sở lý luận định hướng cho quá trình này. Vì vậy, giới lãnh đạo đang tiến hành cải cách thể chế theo cách "vừa làm vừa rút kinh nghiệm" hay "dò đá qua sông". Văn kiện của mỗi đại hội đảng là tài liệu thể hiện quan điểm, chính sách cải cách cho nhiệm kỳ 5 năm, trong đó các khái niệm phải được giải thích lại cho phù hợp với diễn biến tình hình. ‘Làm mới’ khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa"này bằng cách giải thích có chủ ý để che đậy bản chất chế độ dưới hình thức ngôn từ bề ngoài thực ra đó là nguỵ biện.
Khái niệm "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" tại Đại hội lần thứ 9 của Đảng cộng sản, năm 2001, được hiểu là "cơ chế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước". Đến các đại hội sau đó khái niệm này đã luôn được yêu cầu cần làm rõ nội hàm để có thể thể chế hóa bằng các chính sách và luật lệ. Đại hội 12 năm 2016 đã nhấn mạnh thị trường là cơ chế để huy động, phân bổ hiệu quả mọi nguồn lực. Như vậy cơ chế thị trường đã chi phối kế hoạch của nhà nước và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu khiến thị trường trong nước dần trở thành một phần của thị trường thế giới, và việc cải cách thể chế buộc phải tuân theo các chuẩn mực và luật chơi chung. Chiếc áo "thể chế đảng toàn trị" đã trở nên chật chội, kìm hãm "thể chế kinh tế thị trường" đang kìm hãm cải cách, trong đó vấn đề sở hữu đang ngày càng trở nên bức xúc.
Lần này, trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 khái niệm trên được ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích, rằng "định hướng xã hội chủ nghĩa" là ở mục tiêu, chứ không ở khâu phân phối và nhấn mạnh "Mục tiêu lấy con người là trung tâm, thành quả của sự phát triển là của đại đa số nhân dân, của mọi người dân. Cho nên lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Được biết, quan điểm phát triển lấy người dân làm trung tâm, họ vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển được diễn ngôn ở nhiều diễn đàn, chẳng hạn của Liên Hiệp Quốc, nhưng thường kèm theo sau đó là lời kêu gọi các quốc gia thể chế hóa theo các chuẩn mực giá trị phổ quát.
Chủ nghĩa Mác – Lenin kinh điển, nguyên thuỷ không lường trước và không hướng đến những thay đổi như vũ bão mọi lĩnh vực của cuộc sống ngày nay trên thế giới, không chỉ khoa học kỹ thuật mà cả trật tự thế giới, trong đó có sự thăng trầm quyền lực của các thể chế quốc gia. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 20 là sự kiện lịch sử nhân loại, nhưng lập luận của Francis Fukuyama trong "Sự cáo chung của lịch sử", rằng dân chủ tự do không còn phải đối mặt với bất kỳ thách thức nghiêm trọng về tư tưởng và do đó đã chứng tỏ mình là hình thức chính phủ duy nhất bền vững và thành công, cũng chưa thể đứng vững.
Quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc đang được theo dõi và nghiên cứu. Trong thời kỳ gần nửa thế kỷ, tính từ khi "cải cách và mở cửa" dưới sự lãnh đạo của độc đảng cộng sản, thiếu tính chính danh, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2011 với quy mô GDP trên 11 nghìn USD. Mặc dù tốc độ tăng GDP đang suy giảm từ khi Tập Cận Bình nắm quyền, và những vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo và nhân quyền bị lên án, nhưng "sự dẻo dai" của chế độ vẫn được nhận định trong một số công trình, điển hình như "Authoritarian Resilience" (sự dẻo dai của chế độ chuyên chế) của Andrew J. Nathan, giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Mô hình Trung Quốc từng là biểu tượng cho nhiều quốc gia đang phát triển. Đối với Việt Nam còn hơn thế khi hai nước có chế độ chính trị tương đồng, và thực tế quá trình chuyển đổi của Trung Quốc là kinh nghiệm đối với Việt Nam. Xã hội chủ nghĩa mang "bản sắc" Trung Quốc có cùng bản chất "định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách "hấp thụ" làn sóng đầu tư từ các nước tư bản để tạo ra động lực thị trường mạnh mẽ ở Việt Nam, và nhiều cơ hội thoát "tụt hậu" kinh tế so với các nước trong khu vực đã bị bỏ lỡ. Dù muộn màng so với bài học từ Trung Quốc, chính sách thực dụng với "Chính phủ kiến tạo" hiện nay đang phát huy tác dụng trong bối cảnh tập trung quyền lực đảng đang diễn ra trước thềm Đại hội 13, bởi vậy quá trình cải cách thể chế dựa trên kinh nghiệm tương đồng chế độ nên được nhìn nhận, đánh giá trong các văn kiện.
Sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lenin, duy trì chế độ đảng cộng sản toàn trị chắc chắn sẽ chi phối việc thể chế hóa khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Bản chất và mục tiêu của mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế Việt Nam không chỉ được dự đoán bởi các chỉ tiêu GDP cho từng giai đoạn, mà còn cần được hiện thực hóa bởi cơ chế dân chủ cho người dân.
xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc từ lý thuyết về xã hội không tưởng từ thế kỷ 18 của nhà tư tưởng Saint Simon (1760-1825) nhưng cho đến ngày nay vẫn tạo được cảm hứng về một xã hội tốt đẹp. Albert Einstein (1879-1955) đã từng lo lắng về đạo đức có thể bị suy thoái bởi thị trường và ông đặt "niềm tin" vào xã hội chủ nghĩa có thể là "cứu cánh". Tuy nhiên, trong bài viết "Tại sao chủ nghĩa xã hội ?" năm 1949 ông băn khoăn : "Chủ nghĩa xã hội mang trong nó một vấn đề xã hội - chính trị không dễ giải quyết : Làm sao, trong một sự tập trung sâu rộng quyền lực chính trị và kinh tế, bộ máy hành chính không trở thành quá toàn năng, không quá phình lên, để cá nhân khỏi bị teo lại về mặt chính trị, và cùng với cá nhân, đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy hành chính cũng không bị teo lại ?"
Thay cho lời kết, những "băn khoăn" của nhà khoa học nổi tiếng, chủ nhân giải Nobel vật lý đang ngày càng lớn và được cảnh báo về một nhà nước "tư bản thân hữu" được sản sinh bởi sự kết hợp giữa chế độ độc đảng cộng sản và kinh tế thị trường. Minxin Pei, GS của Đại học Claremont McKenna, Hoa Kỳ, đã phân tích sâu sắc kiểu xã hội trên trong tác phẩm "Tư bản thân hữu Trung Quốc", được xuất bản ở Việt Nam năm 2017. Ngay trong phần Giới thiệu, tác giả đã trích dẫn sự thừa nhận của Tập Cận Bình ngày 16/10/2014 về thực trạng tham nhũng trong chế độ đảng trị : "Tham nhũng ở các địa phương và các ngành đan xen nhau ; các vụ tham nhũng thông qua cấu kết ngày càng tăng ; lạm dụng chức chồng chéo lạm dụng quyền ; tràn lan đổi quyền lấy quyền, đổi quyền lấy tiền, và đổi quyền lấy tình dục ; cấu kết giữa quan chức với doanh nhân xen kẽ cấu kết giữa cấp trên với cấp dưới ; cách thức chuyển lợi cho nhau được che đậy và biến hoá".
Phạm Quý Thọ (Hà Nội)
Nguồn : RFA, 12/11/2020
Cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng đề nghị khai trừ bà Hồ Thị Kim Thoa ra khỏi đảng vì các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (1).
Bà Hồ Thị Kim Thoa bị đề nghị khai trừ ra khỏi đảng vì các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh -
Cách nay khoảng bốn tháng, Bộ Công an từng công bố quy ết định khởi tốbà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vì đã chuy ển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho công quỹ chừng vài ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên quyết định khởi tốvừa kể được công bố cùng lúc với quyết định đình chỉ điều tra bị can Hồ Thị Kim Thoa vì bà đã xuất ngoại và Bộ Công an không biết bà ở đâu nên đính thêm quyết định truy nã (2) !
Bà Thoa chính là một ví dụ sống động minh họa cho diện mạo của kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không có kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩasẽ không có vô số cá nhân như bà Thoa…
***
Cho đến giờ, chẳng ai biết kết quả truy nã bà Thoa sẽ như thế nào, có đạt hay không (?) nhưng giả sử cảnh sát quốc gia nào đó đồng ý bắt giữ bà Thoa theo đề nghị của Bộ Công an Việt Nam và bàn giao bà cho Việt Nam xét xử thì gia đình bà vẫn cứ là chủ Công ty Bóng đèn Đi ện Quang (DQC) và Công ty Nh ựa Rạng Đông (RDP) – hai công ty vốn là doanh nghiệp nhà nước đã được… giải tư cho bà và thân nhân.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ thắc mắc, tại sao bà Thoa và thân nhân có cả ngàn tỉ đồng để thâu tóm cổ phiếu của DQC và RDP. Với đảng, chuyện những đảng viên như bà Thoa giàu có bất thường không phải là chuyện lớn, thành ra năm 2017, đảng chỉ c ảnh cáo bà Thoa vì bà dính líu đ ến sự thăng tiến bất thường của Trịnh Xuân Thanh.
Có thể vì bà Thoa biết điều, chủ động xin từ chức (3) nên đảng chủ động bỏ qua tất cả những lỗi lầm đã được phát giác trước đó như : Vi ph ạm đủ thứ trong định giá DQC để giải tư, chuyển nhượng cổ phần của DQC, tùy tiện chuyển nhượng 4.000 mét vuông đất ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (4).
Ba năm sau, từ chuyện phải xứ lý sai phạm trong quản lý công thổ của môt số viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an mới thấy xử lý theo kiểu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" không ổn và quyết định phải truy cứu trách nhiệm của bà Thoa thì bà đã ra nước ngoài định cư, gầy dựng lại sự nghiệp bằng mớ tài sản vắt từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu xương của những người dân lành thưở bà cùng đảng phục vụ họ.
***
Đến giờ, có lẽ ai cũng thấy, nếu không có kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì sẽ không xảy ra tình trạng bơm toàn bộ nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (gọi chung là doanh nghiệp nhà nước) và tất nhiên sẽ không có các "đ ại dự án", hệ thống doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam không bị đối xử như con hoang, không suy kiệt, không phá sản hàng loạt, kinh tế không càng ngày càng bi đát.
Vì kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩanên mới có những sự kiện kiểu như, tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương chính thức thừa nhận, chỉ riêng năm "đ ại dự án" của bộ này đã biến 30.000 tỉ đồng thành rác. Đến tháng 5 năm 2017, Bộ Công Thương công bố thêm bảy "đ ại dự án" nữa cũng thuộc lọai không hiệu quả, vừa làm mất vốn, vừa khiến nợ nần gia tăng nhưng không cho biết thêm chi tiết...
Vài tháng sau, khi thảo luận với Tổ Đại biểu quốc hội của tỉnh Nghệ An về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách năm 2017, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, bật mí, con s ố "đại dự án" mất vốn, thua lỗ hiện "đã hơn 40". Tuy nhiên ông Phớc không cho biết thêm, tổng số tiền đã bị biến thành rác và tổng số nợ mà "h ơn 40 đại dự án" này để lại là bao nhiêu(5) !
Nhờ kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp nhà nước được giao khoảng 63.610 tỉ. Khối tài sản khổng lồ này không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ vài chục ngàn tỉ.
Trong khi toàn dân miệt mài hốt, dọn bãi "rác" khổng lồ do doanh nghiệp nhà nước tạo ra ấy thì nhiều viên chức nắm giữ trọng trách soạn thảo - ban hành những chủ trương liên quan đến kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giám sát việc thực hiện chủ trương, quản trị - điều hành các doanh nghiệp nhà nước để xây dựng kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩagom, nhặt vàng, ngoại tệ, giàu có tới mức "n ứt đố, đổ vách".
Bởi thực tế như thế, những cá nhân chủ trương xây dựng kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa quyết định chuyển hướng, giải tư – cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước song tài nguyên, công sản vẫn chỉ chảy như thác vào túi các đảng viên trung thành với kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, biến họ và gia đình trở thành chủ mới của những doanh nghiệp nhà nước.
***
Hai tháng sau khi Bộ Công an phát lệnh truy nã bà Thoa, scandal Phạm Phú Quốc, Đại biểu quốc hội, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bỏ ra 2,5 triệu Mỹ kim để được Cyprus thừa nhận là công dân, bùng lên.
Đó chỉ là một trong những ví dụ mới nhất về tình trạng kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tước đoạt của người Việt cả chì lẫn chài. Có cách chức Tổng giám đốc IPC, tước bỏ tư cách đại biểu Quốc hội của ông Quốc thì công thổ, công thự, công quỹ đã giao cho ông phát triển doanh nghiệp nhà nước, xây dựng kinh t ế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã bị chuyển hóa thành tài sản để ông đầu tư vào nơi khác !
Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã cũng như đang chuyển từ giai đoạn toa rập để trộm cắp công sản ở các doanh nghiệp nhà nước sang giai đoạn phối hợp để cướp giật công sản bằng giải tư - cổ phần hóa…
Thậm chí khi doanh nghiệp nhà nước đã hết thiêng, khó thuyết phục đồng chí, đồng bào tin tưởng, nỗ lực xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng không ngần ngại dựng dậy mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tháng ba vừa qua, ông Trần Quốc Vượng, thay mặt Bộ Chính trị ban hành K ết luận về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đểkinh tế thị trường có màu sắc xã hội chủ nghĩa.
Trong Kết luận vừa đề cập, Bộ Chính trị xác định, phát tri ển kinh tế tập thể là xu th ế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và sẽ ban hành một… nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể thay cho nghị quyết cũ (7).
Nghị quyết mới sẽ dọn đường cho một đợt trộm cắp, cướp giật công sản mới ? Chắc chắn là như thế. Kết luận mà Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh công bố hồi tháng 7, khẳng định, việc Liên hiệp hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) quyết định tăng vốn điều lệ 2020 có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn liếng, tài sản của Saigon Co.op, xâm phạm cả sở hữu nhà nước và sở hữu chung ở Saigon Co.op (8).
Tuy Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh xác định, vụ tăng vốn điều lệ 2020 của Saigon Co.op có dấu hiệu hình sự nhưng thay vì chuyển hồ sơ cho công an tiến hành điều tra, tháng trước, Ban Tổ chức của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định điều động ông Diệp Dũng, Thành ủy viên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op đến hận công tác tại Đảng bộ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh (9) !
***
Kinh tế thị trường mà không có đ ịnh hướng xã hội chủ nghĩa thì đảng không còn lý do để khoác áo cộng sản, nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyết đối tại Việt Nam. Còn có định hướng xã hội chủ nghĩa thì cứ ngồi đó mà nhìn trộm cắp, cướp giật rồi nghẹn ngào trong bần cùng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/11/2020
Chú thích
(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-truy-to-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-va-9-bi-can-1251138.html
(4) https://laodong.vn/kinh-te/ba-ho-thi-kim-thoa-da-thoi-4700-met-vuong-dat-bay-vao-tui-ai-688416.bld
(8) https://plo.vn/thoi-su/saigon-coop-co-dau-hieu-thau-tom-chiem-doat-von-926840.html
(9) https://tuoitre.vn/chu-tich-hdqt-saigon-co-op-diep-dung-duoc-dieu-dong-ve-hfic-20200911170714346.htm
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 11/10/2020
Tuy nhiên sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào, lại đang còn không ít những ý kiến khác nhau cả về lý luận và thực tiễn.
"Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân" – trích Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (1).
Yêu cầu "cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa" mà ông Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo, thực chất là sẽ như thế nào, khi trên thực tế việc gọi là "định hướng" vẫn chưa rõ "hướng" để có thể "định" trong bối cảnh tương thích với những thỏa thuận về các Hiệp định Thương mại song phương/đa phương mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Trong một thời gian dài trước đây, nếu như có ai đó dám lên tiếng rằng các cấp lãnh đạo Đảng ở Việt Nam và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác, đã có quan niệm chủ nghĩa xã hội sai lệch, giáo điều, đã có nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và mối quan hệ với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa,… thì có lẽ người đó đã bị chụp chiếc mũ chính trị với những tội danh hình sự mức án hàng chục năm tù.
Nếu như thời gian dài trước đây, có ai đó dám cho rằng việc tuyên truyền sau đây là hết sức phản khoa học : "Kinh tế thị trường là sản phẩm đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa ; kinh tế thị trường không dung hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cơ chế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phải là cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp cao độ",… thì có lẽ người ấy không được luôn cả diễm phúc hầu tòa vì đã quá đỗi ‘phản động’.
Thế rồi khi ghế tổng bí thư thay đổi, người ta lại thấy những sự việc như từng được gọi là "phản động" ở trên, lại là một sự thật khách quan.
Vậy là, người ta bắt đầu bắt gặp những bài báo tung hô, đại để như sau :
Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ : "Sản xuất hàng hoá không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng" (2).
Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định : "Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (3), và nêu rõ những đặc trưng cụ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ hơn bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : "Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự nó không đồng nghĩa với tư bản chủ nghĩa".
Từ những diễn biến qua thời cuộc của tầm nhìn lãnh đạo như ở trên, có thể thấy rằng việc sử dụng cụm từ "cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa" là chưa chuẩn xác cả về lý luận và thực tiễn. Nhận thức phải chú trọng về một con đường trong khi con đường đó còn "chưa có tiền lệ", chưa hình thành, còn đang khai phá, rất dễ rơi vào giáo điều, chủ quan, duy ý chí.
Những bài học của quá khứ về xác định con đường và mô hình quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị.
Có lẽ ở đây, trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư – Chủ tịch nước nên thêm dòng thế này ở đoạn trích đã nêu phần đầu bài viết :
"Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Và dù thế nào đi nữa, thì điều cốt tử là phải luôn luôn quán triệt phương châm của Bác Hồ "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh".
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 11/10/2020
Chú thích :
(1)http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-be-mac-Hoi-nghi-lan-thu-13-BCH-TU-Dang-khoa-XII/409899.vgp
(2) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, trang 481.
(3) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, trang 459.
*********************
Nguyễn Nam, VNTB, 11/10/2020
Thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì ? - Ảnh minh họa những bàn tay mò mẫn của người tiền sử
"Dự thảo khẳng định, ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới như sau :
Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng ; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính ; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực" – trích Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (*).
Yêu cầu, "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘ra đề’, thì nói như một tham luận từ tháng 3/2006 của cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, "Nên hiểu thế nào về định hướng xã hội chủ nghĩa ?".
Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Công Tiến, viết :
"Đứng trên góc độ của sự sòng phẳng về lý luận và thực tế, thì xã hội chủ nghĩa đã và đang tồn tại trong hai góc nhìn – xã hội chủ nghĩa được coi là mục tiêu phát triển, và xã hội chủ nghĩa với tính cách là một mô thức tổ chức xã hội.
Xã hội chủ nghĩa là đích đến của sự phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ cho một xã hội trong mối quan hệ cả về phát triển kinh tế với hoàn thiện văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, sự đòi hỏi về những giá trị nhân văn trong cuộc sống cũng không kém gì khát vọng phát triển để vượt nghèo khó, vươn tới giàu mạnh – dân giàu nước mạnh.
Ý tưởng nhân văn đó cũng là ý tưởng khá sâu đậm trong tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ngay cả khi thể chế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, không ít học giả phương Tây đã khuyên những người trong cuộc của sự sụp đổ đó chớ nên vì nóng vội mà chuyển sang một cực đoan khác của chủ nghĩa tư bản đầy những yếu tố bất toàn và cạm bẫy, trái lại cần phải duy trì và dung hợp với những tư tưởng căn bản mang tính nhân đạo của chủ nghĩa xã hội để tiếp tục phát triển quốc gia trên một chất lượng mới. Đó cũng là mục tiêu chung mà mọi quốc gia dân tộc dường như ai cũng muốn lựa chọn.
Với những mức độ và hình thái biểu hiện khác nhau cho mục tiêu này, nhiều quốc gia đã thực hiện khá thành công mặc dù trong đó không ít quốc gia không hề nói tới cụm từ xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, theo tôi, đã và đang có một sự đồng thuận rất cao dành cho sự chọn lựa mục tiêu "giữ vững độc lập, thống nhất tổ quốc, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Cương lĩnh 1991 của Đảng cũng khẳng định rõ xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội có nền kinh tế phát triển cao ; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, đạt được cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc ; nhân dân lao động làm chủ, đoàn kết các dân tộc và hữu nghị với các nước.
Lựa chọn những mục tiêu như vừa nêu cũng chính là đã lựa chọn xã hội chủ nghĩa và định hướng xã hội chủ nghĩa nếu được xem là nhằm hướng tới những mục tiêu như thế thì có lẽ không có gì để gọi là không hiểu được, hoặc không lý giải được.
Xã hội chủ nghĩa một thời tồn tại cả trên góc độ lý thuyết và trong thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội, là một mô thức tổ chức xã hội luôn gắn liền với các đặc trưng cơ bản về công hữu hóa, kế hoạch hóa tập trung bao cấp, nhà nước chuyên chính vô sản. Mô thức tổ chức xã hội này đã phá sản ở Liên Xô, Đông Âu.
Chính vì thế mô thức tổ chức xã hội hiện đại được điều chỉnh với các đặc trưng kinh tế thị trường, xã hội công dân và nhà nước pháp quyền đã có khuynh hướng được lựa chọn để dần dần thay thế cho mô thức cũ, vốn đã tỏ ra không còn phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống.
Theo tôi, với trên 20 năm đổi mới, chúng ta đã đặt một chân vào mô thức tổ chức xã hội hiện đại – kinh tế thị trường, xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền, còn chân kia thì chưa rời hẳn được mô thức xã hội chủ nghĩa cũ kỹ với không ít những bất cập. Chính sự thiếu kiên quyết, dứt khoát này trong việc chọn lựa và chuyển đổi mô thức tổ chức xã hội đã dẫn đến hàng loạt lúng túng trong việc đưa ra chiến lược và qui hoạch phát triển, cũng như trong việc chọn lựa hệ thống công cụ và cung cách vận hành đời sống kinh tế xã hội của đất nước.
Vừa chọn sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, tuyên bố bình đẳng giữa các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế, nhưng vẫn chủ trương kiên định coi công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo ; vừa thừa nhận kinh tế thị trường, dân chủ xã hội, nhà nước pháp quyền (qua đổi mới), nhưng vẫn duy trì sự tập trung thái quá quyền lực và sự can thiệp sâu của hệ thống chính trị vào đời sống kinh tế và xã hội công dân ; vừa đánh giá cao thành quả và sự đóng góp của công cuộc đổi mới kinh tế, nhưng lại lo lắng và thiếu thái độ dứt khoát ủng hộ đổi mới vì sợ "được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người", như có người đã từng phát biểu (tạp chí Cộng Sản, tháng 9-1993).
Thiết nghĩ có thể coi đây là một trong những loại ý kiến điển hình cho thấy sự thiếu dứt khoát và thái độ lúng túng trong việc chọn lựa, chuyển đổi mô thức tổ chức xã hội.
Như vậy, chọn định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phát triển xã hội như đã trình bày ở trên là sự lựa chọn đúng, tạo được sự đồng thuận, cần phải được kiên định với sự chọn lựa đó.
Còn xã hội chủ nghĩa là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại, cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta. Vì thế, nếu cứ vẫn dùng cụm từ định hướng xã hội chủ nghĩa, mà xã hội chủ nghĩa ở đây là mô thức tổ chức xã hội thì sẽ rơi vào tình trạng nói mà không làm được vì không hiểu, không lý giải rõ ràng được hoặc tạo ra cái "cớ" để duy trì những yếu tố của mô thức cũ còn sót lại, còn phát sinh tiêu cực gây cản ngại tiến trình đổi mới".
Với góc nhìn biện giải ở trên của Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Công Tiến, thì ‘đề bài’ mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra, sẽ mong muốn có lời giải đáp ra sao ?
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 11/10/2020
Chú thích :
(*)https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-trung-uong-13-thong-nhat-rat-cao-voi-de-xuat-cua-bo-chinh-tri/668369.vnp
Không có gì mới
Dự thảo văn kiện trình đại hội đảng lần thứ 13 do Ban Tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 10 tháng 6 được nói có những điểm mới. Một trong những điểm được cho là mới do Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú báo cáo là, "phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa".
Một cảnh sát đứng trước tấm áp phích kỷ niệm 90 năm Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 2 năm 2020. AFP
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :
"Tôi nghĩ câu đấy là một sự thừa nhận thất bại của đường lối họ đặt ra, là đến 2020 nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đó không thể đạt được. Bây giờ lại đặt ra đến giữa thế kỷ 21 thì tôi nghĩ không có gì mới cả.
Cái cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" nó không có một ý nghĩa gì cả. Bản thân họ cũng hiểu điều đấy nhưng họ buộc phải nói vậy bởi cái đầu của họ nó thế. Họ đã giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa 70 năm nay. Bây giờ chẳng lẽ lại bảo bỏ chủ nghĩa xã hội đi để theo chủ nghĩa tư bản thì nó ‘hôi’ quá !"
Tiêu chuẩn chủ nghĩa xã hội đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị ! - Tiến sĩ Đinh Đức Long
Với tuyên bố của Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng đây chỉ là cái bánh vẽ, bởi cho đến bây giờ chưa thấy đưa ra tiêu chuẩn thế nào là xã hội chủ nghĩa. Ông nhắc lại tại đại hội đảng khóa trước họ nói đến năm 2020 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp hóa. Bây giờ 2020 rồi mà chả thấy đâu mà cũng chưa thấy họ kiểm điểm coi vì sao họ chưa làm được và ai chịu trách nhiệm. Ông nói thêm :
"Thứ nhất là họ chả định nghĩa thế nào là xã hội chủ nghĩa. Thế giới chưa có mô hình nào là chủ nghĩa xã hội hoàn thiện cả. Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói là đến cuối thế kỷ này chưa biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện chưa. Làm sao thực hiện cái mà đến bây giờ chưa ai "sờ" thấy ?
Tiêu chuẩn chủ nghĩa xã hội đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị !"
Ngày 6 tháng 6 năm 2019, ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng". Bài viết được một số tờ báo trong nước đăng nguyên văn.
Theo đó, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu là 2 trong số các quan điểm định hướng mà ông Trọng yêu cầu phải thực hiện tốt.
Trong một lần trả lời phỏng vấn RFA về vấn đề xã hội chủ nghĩa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét rằng sau hơn 40 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa này đang có dấu hiệu tàn tạ. Ông giải thích :
"Chúng ta khó quên khẩu hiệu "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" do Việt Nam đề ra sau năm 1975. Sự thật thì giới lý luận của Hà Nội không định nghĩa được "xã hội chủ nghĩa" là gì mà đòi xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa, gọi đó là "cải tạo". Vì tính chủ quan duy ý chí khi có toàn quyền trong tay, họ đòi cải tạo "quan hệ sản xuất" để từ đó nâng "phương thức sản xuất" lên một trình độ cao hơn, là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa".
Không thể bỏ cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" ?
Năm 2013, khi phát biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng, "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là "đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội" sẽ chuẩn hơn".
Theo nhiều nhà quan sát thì chủ nghĩa xã hội là một khái niệm mơ hồ nhưng Việt Nam vẫn phải bám theo những từ ngữ đó dù thực chất không phải như vậy. Tiến sĩ Đinh Đức Long phân tích rằng, trước đây kinh tế là quan liêu bao cấp tập trung, bây giờ thì kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Họ làm rồi nhưng họ vẫn thêm cái đuôi chủ nghĩa xã hội. Ông giải thích lý do vẫn giữ câu chữ xã hội chủ nghĩa :
Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là xã hội chủ nghĩa cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi ! - Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
"Cái đấy nó có lý do mà theo tôi hiểu là lý do về chính trị. Bây giờ, khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương hoạt động theo chuẩn mực quốc tế thì thực chất là đi theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rồi. Họ vẫn giữa cái đuôi xã hội chủ nghĩa là để an dân thôi. Họ muốn giữ với mục đích an ủi những người đã ngã xuống, những cựu chiến binh, những người già, những người cả đời đi theo lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng chủ nghĩa xã hội.
Nếu họ bỏ chữ xã hội chủ nghĩa thì hóa ra họ thừa nhận khẩu hiệu mấy chục năm nay của họ sai à ? cộng sản thì họ nói một đường làm một đường khác. Họ không bao giờ nhận sai dù trên thực tế họ có sửa sai".
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, khi kinh tế bị khủng hoảng, sản xuất suy sụp và lạm phát tăng, Hà Nội phải tiến hành đổi mới, là áp dụng quy luật thị trường nhưng giới lãnh đạo vẫn tiếc cái đuôi xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng, không cần quan tâm đến từ ngữ của họ. Họ phải bám lấy những từ ngữ đấy bởi nếu không bám lấy từ ngữ "định hướng xã hội chủ nghĩa" thì họ tự vả vào mồm mình rằng họ phản bội chính cái đường lối, cái mục tiêu từ ban đầu. Thử nhìn lại thực tế của 25, 30 năm qua thì không có một cái gì gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa cả nhưng họ cứ phải bám lấy những từ đấy. Ông nói thêm :
"Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là xã hội chủ nghĩa cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi !".
Chế độ độc đảng và xã hội chủ nghĩa là chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam. Thực tế trên thế giới cho thấy đến nay, chưa có nước nào theo chế độ độc đảng và xã hội chủ nghĩa mà thực hiện được lý tưởng do chính họ đưa ra là "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 10/06/2020
Kinh tế, thị trường, xã hội là các khái niệm thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các khái niệm này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hình thành nên khái niệm kinh tế thị trường xã hội. Phát triển kinh tế thị trường phụ thuộc vào thể chế kinh tế thị trường đúng đắn. Xã hội không thể phát triển nếu thiếu thể chế kinh tế thị trường. Khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã được ghi nhận tại Điều 51 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và một số văn bản chính sách, pháp luật khác. Vậy tại sao kinh tế thị trường lại không thể định hướng xã hội chủ nghĩa ? Để trả lời câu hỏi này, trước hết, cần phải lý giải khái niệm "xã hội chủ nghĩa" và "kinh tế thị trường" là gì ?
Phát triển kinh tế thị trường phụ thuộc vào thể chế kinh tế thị trường đúng đắn. Xã hội không thể phát triển nếu thiếu thể chế kinh tế thị trường.
Xã hội chủ nghĩa là gì ?
Xã hội chủ nghĩa là cụm từ gồm các khái niệm "xã hội" và "chủ nghĩa".
Khái niệm "xã hội" gồm các từ "xã" và "hội". Từ xã là nói về bản chất hoạt động của các "nhóm" (tập thể) trong "cộng đồng" (xã hội) ; từ hội là nói về tính chất tổ chức của các "cá nhân" (tập thể) trong nhóm. Tức giữa xã (bản chất nhóm) và hội (tính chất cá nhân) là tồn tại thực chất cộng đồng (xã hội các loài sinh vật, thực vật, động vật, loài người).
Mô hình cấu trúc mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa các cá thể, tập thể, xã hội được biểu thị như sau : tập thể (bản chất : hoạt động của các nhóm) – xã hội (thực chất : tổ chức, hoạt động của các cá nhân, nhóm, cộng đồng các loài sinh vật, thực vật, động vật, loài người) – cá thể (tính chất : tổ chức của các cá nhân).
Tức xã hội là nói về cá nhân, nhóm, cộng đồng các xã hội loài vật (sinh vật, thực vật, động vật), loài người. Xã hội loài người là khác với xã hội loài vật. Xã hội loài người thì tự nó có thể bảo đảm được các mục tiêu "công bằng, bình đẳng, công lý" ; còn xã hội loài vật thì tự nó không thể bảo đảm được các mục tiêu như vậy.
Xã hội phát triển tức là loài vật, loài người đều phát triển. Loài vật không phát triển thì loài người cũng không thể phát triển. Xã hội loài người phát triển là khái niệm biểu hiện thực chất "sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân (cá thể), nhóm (tập thể), cộng đồng (xã hội)" [1]. Xã hội phát triển gắn với chế độ xã hội "tiến bộ" và "dân chủ" ; còn xã hội "không phát triển" (xã hội phản phát triển) là gắn với chế độ xã hội "không tiến bộ" (xã hội phản phát triển hay thoái bộ), chế độ xã hội "phản dân chủ" (chế độ phong kiến).
Khái niệm "chủ nghĩa" gồm có các từ "chủ" và "nghĩa". Từ chủ là nói về bản chất "bên trong" (bản chất : chủ thể) của khái niệm chủ nghĩa ; từ hội là nói về tính chất "bên ngoài" (tính chất : khách thể) của khái niệm chủ nghĩa. Giữa chủ và nghĩa là tồn tại "thực thể" (thực chất : thật) của khái niệm chủ nghĩa. Khái niệm chủ nghĩa được các nhà ngôn ngữ học nhìn nhận là "tư tưởng về triết học, chính trị" [2, tr. 174].
Tức là, khái niệm chủ nghĩa được biểu hiện ở ba hình thức tư tưởng cơ bản như sau : tư tưởng bên trong "tiến bộ" (bản chất : tư tưởng đúng) ; tư tưởng bên ngoài "phản tiến bộ" (tính chất : tư tưởng sai) ; và tư tưởng tiến bộ thật sự (thực chất : tư tưởng đúng thật) ở giữa. Do vậy, tư tưởng thì cần phải tiến bộ thật, còn chủ nghĩa thì cần phải đúng thật.
Khái niệm xã hội và chủ nghĩa là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hình thành nên khái niệm "chủ nghĩa xã hội" (bản chất : tư tưởng đúng, nhưng chưa thật), "xã hội chủ nghĩa" (tính chất : tư tưởng sai, không thật). Điều đó có nghĩa, khi cụm từ ‘chủ nghĩa’ đứng sau cụm từ ‘xã hội’ thì chúng trở thành tính từ hay tính chất "xã hội chủ nghĩa" [2, tr. 1140] – tư tưởng sai ; tức xã hội chủ nghĩa là khái niệm đã "bị đánh tráo" [3] từ khái niệm "đúng" (bản chất : chủ nghĩa xã hội - chưa thật) thành khái niệm "sai" (tính chất : xã hội chủ nghĩa, không thật).
Xã hội chủ nghĩa là nói về tính chất của xã hội. Tính chất tốt đẹp của xã hội chỉ có thể là xã hội phát triển, tiến bộ, hay xã hội có mục tiêu dân chủ và giàu mạnh.
Do vậy, cụm từ xã hội chủ nghĩa được các đảng viên cộng sản nêu ra là không khoa học ; tức xã hội không thật (tính chất giả dối), hay xã hội "phản phát triển" (tính chất sai : phản tiến bộ, phản dân chủ). Nói cách khác, xã hội chủ nghĩa là không thể hướng tới các mục tiêu dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh.
Kinh tế thị trường là gì ?
Kinh tế thị trường là gắn với chế độ xã hội, hình thành nên kinh tế thị trường xã hội. Trong xã hội phong kiến thì không thể có kinh tế thị trường ; tức xã hội phong kiến thì không thể phát triển. Điều đó có nghĩa, thiếu kinh tế thị trường thì xã hội loài người không thể "phát triển" (sống thật). Bởi vậy, trong quốc gia dân chủ, kinh tế thị trường giữ vai trò "trung tâm" (ở giữa).
Mô hình cấu trúc của kinh tế thị trường hay phát triển có thể được biểu thị như sau : chưa phát triển (bản chất kinh tế tri thức : sự sống) – phát triển (thực chất kinh tế thị trường : sống thật) – không phát triển (tính chất kinh tế công nghiệp, nông nghiệp : cái chết).
Nếu so sánh kinh tế thị trường với các con số và bộ phận của thể trạng con người thì kinh tế thị trường tương tự như cái "cổ" gắn với thanh quản, khí quản, thực quản (số 3 - phần cổ) ; kinh tế nông nghiệp, công nghiệp tương tự như cái "dạ dày", "trái tim" gắn với các chi tay, chân (số 1 - phần thân) ; còn kinh tế tri thức tương tự như "bộ não" gắn với các giác quan (số 2 - phần đầu). Con người sống được là nhờ có ba bộ phận cơ bản này. Mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa chúng có thể được biểu thị ở mô hình cấu trúc như sau : số 2 (bản chất : phần đầu) – số 3 (thực chất : phần cổ) – số 1 (tính chất : phần thân).
Điều đó có nghĩa, kinh tế thị trường có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất tổ chức, hoạt động của các cá nhân (doanh nghiệp tư nhân : số 1) ; nhóm (doanh nghiệp liên doanh, cổ phần : số 2) ; cộng đồng (doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân, liên doanh, cổ phần : số 3).
Trong một quốc gia, về hình thức, kinh tế thị trường được nhìn nhận ở "thể chế kinh tế thị trường". Thể chế kinh tế thị trường là khái niệm biểu hiện thực chất các cá nhân, nhóm, cộng đồng xây dựng, thực hiện nguyên tắc pháp luật, bảo đảm đạt được các mục tiêu chính sách phát triển, tức bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các doanh nghiệp hoạt động công ích (doanh nghiệp gắn với "thể chế chính trị"), doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp gắn với "thể chế kinh tế"), doanh nghiệp liên doanh, cổ phần (doanh nghiệp gắn với "thể chế văn hóa" [4]).
Mô hình cấu trúc của thể chế kinh tế thị trường có thể được biểu thị như sau : thể chế kinh tế thị trường chưa đầy đủ (bản chất kinh doanh : pháp luật chưa đúng đắn ; kinh tế tăng trưởng về chất lượng) – thể chế kinh tế thị trường đầy đủ (thực chất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ : pháp luật đúng đắn ; kinh tế phát triển) – thể chế kinh tế thị trường không đầy đủ (tính chất sản xuất : pháp luật không đúng đắn ; kinh tế tăng trưởng về số lượng).
Từ mô hình cấu trúc nêu trên cho thấy, ở Việt Nam là chỉ có thể chế kinh tế thị trường không đầy đủ ; bởi vì, pháp luật không đúng đắn, thể chế kinh tế thị trường "méo mó" (kinh tế thị trường đã không bảo đảm quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân). Hiện nay, kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa được thế giới công nhận.
Nhìn về tính chất (hình thức mục tiêu), kinh tế Việt Nam mặc dù tăng trưởng có thể vượt chỉ tiêu "con số" đặt ra (7,02% năm 2019), nhưng nhìn về thực chất (nội dung, nguyên lý mục tiêu) thì con số đó là không thật (giả dối) ; tức đất nước không thể phát triển hay "không chịu phát triển" [5], nếu không chú trọng tăng trưởng kinh tế về chất lượng, mà chú trọng "tô hồng" các "con số" (số lượng).
Kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa liệu có dung hợp với nhau ?
Từ các phân tích ở trên cho thấy, kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa là không thể dung hợp với nhau. Nói một cách hình ảnh cho thấy rằng, kinh tế thị trường tương tự như "nước" (hình thành nên sự sống), còn xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội thì như "lửa" (dẫn đến cái chết). Lửa (dương, nóng) và nước (âm, lạnh) là không dung hợp với nhau.
Xã hội loài vật, loài người chỉ có thể tồn tại khi con người biết bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống trong thế giới tự nhiên, sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi, giá trị, tinh thần giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xã hội loài người.
Xã hội phát triển chỉ gắn với thể chế kinh tế thị trường đầy đủ ; trong khi thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam lại định hướng "xã hội chủ nghĩa" (tính chất : sai trái) chứ không phải là hướng tới "xã hội dân chủ pháp quyền phát triển" [6].
Do vậy, về thực chất, "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" được ghi nhận tại Điều 51 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và một số văn bản chính sách, pháp luật khác là "một khái niệm chưa thật khoa học cả nội dung lẫn học thuật" [7]. Nói cách khác, kinh tế thị trường là không thể định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây có thể được coi là tư tưởng giáo điều điển hình của những đảng viên cộng sản trung thành với chế độ xã hội phản tiến bộ.
Kết luận
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được ghi nhận tại Điều 51 Hiến pháp Việt Nam và các văn bản pháp luật khác là một biểu hiện tư tưởng phản tiến bộ của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ khi chuyển đổi nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Tư tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội của "Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", hay tư tưởng "Đảng cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" [8] trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường đều là tư tưởng phản tiến bộ. Các tư tưởng này là trái với quy luật khách quan của thế giới tự nhiên và xã hội loài người, rất cần phải được loại bỏ khỏi Hiến pháp Việt Nam.
Hiện nay, tư tưởng của những người đảng viên cộng sản nói chung trên thế giới và ở Việt Nam nói riêng, về cơ bản là không thật. Tức tư tưởng giả dối (sai trái) là "chính" (sai nhiều) ; tư tưởng chân thật (đúng đắn) chỉ là "phụ" (đúng ít).
Các tư tưởng giả dối, trong đó có tư tưởng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được xuất phát từ các tư tưởng sai lầm chủ yếu sau đây :
Một là , tư tưởng về "chủ nghĩa duy vật biện chứng" (chủ nghĩa nội dung, hình thức ; thiếu thực chất) của C. Mác, hay tư tưởng "ba phải" của nhiều đảng viên cộng sản - tư tưởng sai trái. Các tư tưởng này cần phải được loại bỏ bằng cuộc đấu tranh "chống chủ nghĩa hình thức" và "chống ba phải" [9].
Hai là , tư tưởng không chấp nhận cơ chế "tam quyền phân lập" [10] của "thần linh pháp quyền" (quyền lập pháp độc lập, hành pháp đối lập, tư pháp trung lập) trong nền kinh tế thị trường của "Bộ Chính trị" [3] (bộ không khoa học, không chân thật : bộ cai trị), Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Tư tưởng này cần phải được loại bỏ bằng cuộc đấu tranh tư tưởng của nhân dân để hình thành chế độ "đa đảng chính trị" (các đảng phái chân thật, tiến bộ) và cơ chế tam quyền phân lập trong quá trình xây dựng, thực hiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam.
Để có tư tưởng và hành động đúng đắn (thống nhất tư tưởng và hành động) trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường và bảo vệ Tổ quốc, cần phải thay đổi Hiến pháp ; đồng thời, loại bỏ "hệ tư tưởng phụ thuộc" (tư tưởng không độc lập, tự do) vào các loại hình "chủ nghĩa", như ‘chủ nghĩa duy vật’, ‘chủ nghĩa tư bản’, ‘chủ nghĩa xã hội’, ‘chủ nghĩa cộng sản’… của các đảng viên cộng sản ; bởi vì, khái niệm "chủ nghĩa" (bản chất : tư tưởng không khoa học, không chân thật) là đối lập với khái niệm "thật" (thực chất : tư tưởng khoa học, chân thật).
So sánh một cách hình ảnh tư tưởng của nhân dân Việt Nam với các con số và "Tết tây" (thật sự Tết : số 1), "Tết ta" (sự thật Tết : số 2), "Lễ Chúa Giáng sinh" (Tết thật : số 3) ở giữa Tết tây và Tết ta, có thể nhận thấy rằng :
Chỉ khi nhân dân Việt Nam được sống độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự về tư tưởng và hành động – tương tự nhân dân được mừng sự sống "năm mới" độc lập (tính chất kinh tế "hiệu quả" : số 1, Tết tây), mừng sức sống "năm cũ" tự do (bản chất văn hóa "tiết kiệm" : số 2, Tết ta), mừng cuộc sống "năm cũ, năm mới" độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự (thực chất chính trị xã hội "phát triển" : số 3, Lễ Chúa Giáng sinh) – thì kinh tế thị trường ở Việt Nam mới có thể phát triển nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Nguyễn Hữu Đổng
Nguồn : viet-studies, 02/01/2019
Tài liệu trích dẫn :
[2] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng.
[3] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_KhaiNiemDanhTrao.html
[4] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/1736-van-hoa-chinh-tri.html
[6] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ViSaoCachMangNgaThatBai.html
[7] https://www.thesaigontimes.vn/142948/Mot-khai-niem-chua-that-khoa-hoc-ca-noi-dung-lan-hoc-thuat.html
[8] Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
[9] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ChongBaPhai.html
[10] http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_ThanLinhPhapQuyen.html