Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/10/2020

Định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay mang lại lợi ích gì ?

Trần Dzạ Dzũng - Nguyễn Nam

Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường để hướng tới điều gì ?

Hiện nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước – mới nhất là dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII, đều xác định "Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", "Nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tuy nhiên sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào, lại đang còn không ít những ý kiến khác nhau cả về lý luận và thực tiễn.

kttt1

"Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân" – trích Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (1).

Yêu cầu "cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa" mà ông Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo, thực chất là sẽ như thế nào, khi trên thực tế việc gọi là "định hướng" vẫn chưa rõ "hướng" để có thể "định" trong bối cảnh tương thích với những thỏa thuận về các Hiệp định Thương mại song phương/đa phương mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

Trong một thời gian dài trước đây, nếu như có ai đó dám lên tiếng rằng các cấp lãnh đạo Đảng ở Việt Nam và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác, đã có quan niệm chủ nghĩa xã hội sai lệch, giáo điều, đã có nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và mối quan hệ với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa,… thì có lẽ người đó đã bị chụp chiếc mũ chính trị với những tội danh hình sự mức án hàng chục năm tù.

Nếu như thời gian dài trước đây, có ai đó dám cho rằng việc tuyên truyền sau đây là hết sức phản khoa học : "Kinh tế thị trường là sản phẩm đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa ; kinh tế thị trường không dung hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cơ chế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phải là cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp cao độ",… thì có lẽ người ấy không được luôn cả diễm phúc hầu tòa vì đã quá đỗi ‘phản động’.

Thế rồi khi ghế tổng bí thư thay đổi, người ta lại thấy những sự việc như từng được gọi là "phản động" ở trên, lại là một sự thật khách quan.

Vậy là, người ta bắt đầu bắt gặp những bài báo tung hô, đại để như sau :

Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ : "Sản xuất hàng hoá không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng" (2).

Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định : "Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (3), và nêu rõ những đặc trưng cụ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ hơn bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : "Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự nó không đồng nghĩa với tư bản chủ nghĩa".

Từ những diễn biến qua thời cuộc của tầm nhìn lãnh đạo như ở trên, có thể thấy rằng việc sử dụng cụm từ "cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa" là chưa chuẩn xác cả về lý luận và thực tiễn. Nhận thức phải chú trọng về một con đường trong khi con đường đó còn "chưa có tiền lệ", chưa hình thành, còn đang khai phá, rất dễ rơi vào giáo điều, chủ quan, duy ý chí.

Những bài học của quá khứ về xác định con đường và mô hình quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị.

Có lẽ ở đây, trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư – Chủ tịch nước nên thêm dòng thế này ở đoạn trích đã nêu phần đầu bài viết :

"Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Và dù thế nào đi nữa, thì điều cốt tử là phải luôn luôn quán triệt phương châm của Bác Hồ "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh".

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 11/10/2020

Chú thích :

(1)http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-be-mac-Hoi-nghi-lan-thu-13-BCH-TU-Dang-khoa-XII/409899.vgp

(2) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, trang 481.

(3) Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, trang 459.

*********************

Định hướng xã hội chủ nghĩa ở hôm nay là gì ?

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

kttt2

Thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì ? - Ảnh minh họa những bàn tay mò mẫn của người tiền sử

"Dự thảo khẳng định, ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới như sau :

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng ; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính ; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực" – trích Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (*).

Yêu cầu, "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘ra đề’, thì nói như một tham luận từ tháng 3/2006 của cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, "Nên hiểu thế nào về định hướng xã hội chủ nghĩa ?".

Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Công Tiến, viết :

"Đứng trên góc độ của sự sòng phẳng về lý luận và thực tế, thì xã hội chủ nghĩa đã và đang tồn tại trong hai góc nhìn – xã hội chủ nghĩa được coi là mục tiêu phát triển, và xã hội chủ nghĩa với tính cách là một mô thức tổ chức xã hội.

Xã hội chủ nghĩa là đích đến của sự phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ cho một xã hội trong mối quan hệ cả về phát triển kinh tế với hoàn thiện văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, sự đòi hỏi về những giá trị nhân văn trong cuộc sống cũng không kém gì khát vọng phát triển để vượt nghèo khó, vươn tới giàu mạnh – dân giàu nước mạnh.

Ý tưởng nhân văn đó cũng là ý tưởng khá sâu đậm trong tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ngay cả khi thể chế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, không ít học giả phương Tây đã khuyên những người trong cuộc của sự sụp đổ đó chớ nên vì nóng vội mà chuyển sang một cực đoan khác của chủ nghĩa tư bản đầy những yếu tố bất toàn và cạm bẫy, trái lại cần phải duy trì và dung hợp với những tư tưởng căn bản mang tính nhân đạo của chủ nghĩa xã hội để tiếp tục phát triển quốc gia trên một chất lượng mới. Đó cũng là mục tiêu chung mà mọi quốc gia dân tộc dường như ai cũng muốn lựa chọn.

Với những mức độ và hình thái biểu hiện khác nhau cho mục tiêu này, nhiều quốc gia đã thực hiện khá thành công mặc dù trong đó không ít quốc gia không hề nói tới cụm từ xã hội chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, theo tôi, đã và đang có một sự đồng thuận rất cao dành cho sự chọn lựa mục tiêu "giữ vững độc lập, thống nhất tổ quốc, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Cương lĩnh 1991 của Đảng cũng khẳng định rõ xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội có nền kinh tế phát triển cao ; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, đạt được cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc ; nhân dân lao động làm chủ, đoàn kết các dân tộc và hữu nghị với các nước.

Lựa chọn những mục tiêu như vừa nêu cũng chính là đã lựa chọn xã hội chủ nghĩa và định hướng xã hội chủ nghĩa nếu được xem là nhằm hướng tới những mục tiêu như thế thì có lẽ không có gì để gọi là không hiểu được, hoặc không lý giải được.

Xã hội chủ nghĩa một thời tồn tại cả trên góc độ lý thuyết và trong thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội, là một mô thức tổ chức xã hội luôn gắn liền với các đặc trưng cơ bản về công hữu hóa, kế hoạch hóa tập trung bao cấp, nhà nước chuyên chính vô sản. Mô thức tổ chức xã hội này đã phá sản ở Liên Xô, Đông Âu.

Chính vì thế mô thức tổ chức xã hội hiện đại được điều chỉnh với các đặc trưng kinh tế thị trường, xã hội công dân và nhà nước pháp quyền đã có khuynh hướng được lựa chọn để dần dần thay thế cho mô thức cũ, vốn đã tỏ ra không còn phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống.

Theo tôi, với trên 20 năm đổi mới, chúng ta đã đặt một chân vào mô thức tổ chức xã hội hiện đại – kinh tế thị trường, xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền, còn chân kia thì chưa rời hẳn được mô thức xã hội chủ nghĩa cũ kỹ với không ít những bất cập. Chính sự thiếu kiên quyết, dứt khoát này trong việc chọn lựa và chuyển đổi mô thức tổ chức xã hội đã dẫn đến hàng loạt lúng túng trong việc đưa ra chiến lược và qui hoạch phát triển, cũng như trong việc chọn lựa hệ thống công cụ và cung cách vận hành đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

Vừa chọn sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, tuyên bố bình đẳng giữa các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế, nhưng vẫn chủ trương kiên định coi công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo ; vừa thừa nhận kinh tế thị trường, dân chủ xã hội, nhà nước pháp quyền (qua đổi mới), nhưng vẫn duy trì sự tập trung thái quá quyền lực và sự can thiệp sâu của hệ thống chính trị vào đời sống kinh tế và xã hội công dân ; vừa đánh giá cao thành quả và sự đóng góp của công cuộc đổi mới kinh tế, nhưng lại lo lắng và thiếu thái độ dứt khoát ủng hộ đổi mới vì sợ "được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người", như có người đã từng phát biểu (tạp chí Cộng Sản, tháng 9-1993).

Thiết nghĩ có thể coi đây là một trong những loại ý kiến điển hình cho thấy sự thiếu dứt khoát và thái độ lúng túng trong việc chọn lựa, chuyển đổi mô thức tổ chức xã hội.

Như vậy, chọn định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phát triển xã hội như đã trình bày ở trên là sự lựa chọn đúng, tạo được sự đồng thuận, cần phải được kiên định với sự chọn lựa đó.

Còn xã hội chủ nghĩa là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại, cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta. Vì thế, nếu cứ vẫn dùng cụm từ định hướng xã hội chủ nghĩa, mà xã hội chủ nghĩa ở đây là mô thức tổ chức xã hội thì sẽ rơi vào tình trạng nói mà không làm được vì không hiểu, không lý giải rõ ràng được hoặc tạo ra cái "cớ" để duy trì những yếu tố của mô thức cũ còn sót lại, còn phát sinh tiêu cực gây cản ngại tiến trình đổi mới".

Với góc nhìn biện giải ở trên của Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Công Tiến, thì ‘đề bài’ mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra, sẽ mong muốn có lời giải đáp ra sao ?

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 11/10/2020

Chú thích :

(*)https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-trung-uong-13-thong-nhat-rat-cao-voi-de-xuat-cua-bo-chinh-tri/668369.vnp

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Dzạ Dzũng, Nguyễn Nam
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)