Lỗi của Chính phủ hay của Bộ Chính trị ?
Nguyễn Nam, VNTB, 10/05/2023
Giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay khó khăn bên trong là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm cán bộ các cấp.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản cho "người nước ngoài". Ảnh minh họa Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan)
Những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản là 5,6% ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lạm phát trong các tháng tiếp theo.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.
"Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023 ở một số địa phương đạt tăng trưởng âm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất ngân hàng còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận ở mức giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Tình hình người lao động bị giảm việc, mất việc có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong năm 2022, nhưng đến đầu năm 2023 vẫn chưa giải quyết triệt để. Tình trạng tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp.
Về khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Dũng, có rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là dòng tiền. Hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên doanh nghiệp rất khó khăn.
"Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực", ông Dũng thông tin và cho hay người mua ở đây "toàn nước ngoài".
"Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần. Người mua nước ngoài rất nguy hiểm, nhất là đối với các doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đây là vấn đề chúng tôi rất lo ngại", ông nói thêm.
"Chúng tôi" ở đây cụ thể là những ai thì không thấy ông Nguyễn Chí Dũng nêu cụ thể cho chuyện "điều hành tín dụng có vấn đề", và quản lý thế nào để "toàn nước ngoài" đã mua "gần hết tài sản" của nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Nói một cách khác, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ ở đây là gì, vì sao lại đưa đến những điều như "thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế" – "tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp"…
Liệu bức tranh toàn cảnh như các con số báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5/2023, là kết quả đến từ việc độc quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" của nhóm chính khách đảng viên quyền lực ở Bộ Chính trị, khi họ nhân danh vào Điều 4 của Hiến pháp ?
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 10/05/2023
***************************
Cái chợ trời chứng khoán có ‘định hướng’
Hoài Nguyễn, VNTB, 10/05/2023
Nền kinh tế thị trường nói chung ở Việt Nam luôn bị định hướng chính trị.
Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân khóc tại tòa, xin được hưởng án nhẹ vì gia đình khó khăn, có 5 con, con nhỏ nhất chưa được một tuổi, cha mẹ già yếu.
"Bị cáo không có kiến thức về chứng khoán, phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính và hướng dẫn từ Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt", bị cáo Nhân khai.
Đối chất tại tòa, Chủ tịch Công ty cổ phần Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt đổ trách nhiệm cho nhau, về việc ai quản lý các tài khoản chứng khoán.
Chứng khoán Việt giống như cái chợ trời có ‘định hướng’
Theo cáo buộc, 2 bị cáo Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam bàn bạc, thống nhất với nhau về việc thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính. Đầu năm 2021, nhóm bị cáo Nhân mua hơn 20 triệu cổ phiếu mã BII và TGG, với giá ‘bèo’. Nhóm này sau đó liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua bán chéo giữa 17 tài khoản do mình quản lý, nhằm tạo thanh khoản ảo. Khi 2 mã cổ phiếu liên tục tăng trần và lập đỉnh, bị cáo Nhân xả bán, thu lời hơn 154 tỷ đồng.
Chủ tịch Louis Holdings thừa nhận chỉ đạo mua bán chéo giữa các tài khoản, nhưng cho rằng không biết đó là vi phạm, sau này bị khởi tố mới nhận thức được. Bị cáo Nhân còn nói sau khi mở các tài khoản thì giao lại cho Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt toàn quyền quyết định mua bán, bản thân chỉ lo thu xếp nguồn tiền nạp vào tài khoản.
"Bị cáo không có kiến thức về chứng khoán, phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính và hướng dẫn từ Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt", bị cáo Nhân khai.
Ngược lại, bị cáo Đỗ Đức Nam khẳng định việc mở nhiều tài khoản là theo nhu cầu của phía bị cáo Nhân. Các tài khoản sau khi mở sẽ do nhóm bị cáo Nhân sử dụng, mua bán thế nào do Chủ tịch Louis Holdings quyết định, "bị cáo Nhân yêu cầu sao thì Trí Việt đặt lệnh vậy", Đỗ Đức Nam xác nhận.
Câu hỏi đặt ra với những ai "không có kiến thức về chứng khoán" kiểu như lời tự khai nhận của vị Chủ tịch Louis Holdings, rằng "thao túng là gì ? Vì sao thao túng giá chứng khoán là điều cấm kỵ ?", và qua đó cho thấy điều gì đang hiện diện lâu nay ở thị trường chứng khoán có định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam ?
Thao túng một thị trường "định hướng" có dễ không ?
Trước hết, lý thuyết kinh tế diễn giải rằng thao túng (Manipulate) là hành vi nỗ lực nhằm tác động lên người khác, hoặc kiểm soát tài sản nào đó. Mỗi người sẽ có mục đích thao túng khác nhau. Vì vậy, không thể kết luận thao túng là xấu hoặc tốt. Trong một số trường hợp, thao túng có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác. Do đó, trong cụ thể từng vụ việc sẽ cần phải nhận thức việc bị thao túng, từ đó, có những phản ứng phù hợp.
Trong giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, thao túng giá cổ phiếu, là việc làm lũng đoạn thị trường. Thao túng chứng khoán là hành vi gian lận, cố ý tác động thị trường bằng cách vận dụng quy luật cung – cầu để tác động đến giá cổ phiếu nhằm đạt những lợi ích cho bản thân. Thao túng thị trường chứng khoán sẽ gây cản trở việc xác định giá trị doanh nghiệp, nhiễu phân tích về các khoản đầu tư tốt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường.
Và trên thật tế thì rất khó xảy ra chuyện "không có kiến thức về chứng khoán" nhưng lại đủ sức để thao túng thị trường này.
Mọi chuyện phải chăng cũng vì cố gò theo "định hướng" ?
Lưu ý, "rất khó xảy ra", chứ không phải là "không thể xảy ra" ở trường hợp "không có kiến thức về chứng khoán", vì như đã nói, nền kinh tế thị trường nói chung ở Việt Nam luôn bị định hướng chính trị, nên một khi đã không cùng cách hiểu về "kinh tế thị trường" mang tính phổ quát chung trên toàn cầu, thì việc "tận dụng" một kẻ hở nào đó của cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" để đưa đến thao túng, bất chấp kiến thức sâu hay cạn về lý thuyết giao dịch cổ phiếu.
Với một nền kinh tế tài chính chịu sự định hướng chính trị, nên việc thao túng thị trường chứng khoán nhiều khi chỉ cần loạt "fake news", hay còn được gọi là các tin tức đồn đoán (ngặt nỗi ở chính trị xứ Việt, các đồn đoán nhiều khi trúng phốc nhất là trong chuyện nhân sự ai lên – ai xuống), thông tin sai lệch dễ gây hiểu lầm về một doanh nghiệp.
Thông thường, "fake news" sẽ được các nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm về các phương tiện truyền thông sử dụng nhằm truyền bá những tin tức giả mạo về một doanh nghiệp, qua đó khiến cho toàn bộ thị trường đi theo hướng có lợi cho họ.
Thêm một lưu ý là "fake news" trong môi trường chỉ có báo chí nhà nước, không có sự cạnh tranh trong thị trường báo chí tự do nói chung, thì dù sắp tới đây những bản án tuyên nặng nhẹ ra sao về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, xem ra vẫn khó thể nhận dạng nhanh chóng ngay từ đầu đâu là "fake news", khi thông tin luôn phải tuân thủ theo lề trái – phải tùy thời điểm mà cơ quan tuyên giáo Đảng yêu cầu cho việc "định hướng".
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 10/05/2023