Trong hội nghị lấy ý kiến các ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ vào dự thảo văn kiện Đại hội 13 vào sáng 5/11 tại Hà Nội, ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) Việt Nam" là "điểm mới" với bản chất là lấy "người dân làm trung tâm" và khẳng định đó là mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế.
Người đi đường đi qua tấm áp phích lớn quảng bá cho Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 7/1/2011 AFP
Việc tiếp tục "làm mới" khái niệm gây nhiều tranh cãi lâu nay phản ánh một giai đoạn cải cách thể chế còn nhiều thách thức bởi các mâu thuẫn của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Kinh tế thị trường từng là cứu cánh để duy trì chế độ đảng toàn trị, nhưng liệu nó trở thành mô hình phát triển để hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa như thế nào vẫn sẽ là câu hỏi lớn cả về lý luận và thực tiễn.
xã hội chủ nghĩa là mục tiêu xa vời có ý nghĩa tuyên truyền hơn là thực tế. Trước mắt, hậu quả của quá trình chuyển đổi bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều sẽ là một xã hội "tư bản thân hữu" đang được cảnh báo với sự tha hóa quyền lực, sự suy thoái của hệ thống chính trị thay vì một chế độ dân chủ.
Ngụy biện
Mô hình chuyển đổi dưới sự lãnh đạo chế độ đảng cộng sản toàn trị từ kinh tế xã hội chủ nghĩa tập trung, chỉ huy sang kinh tế thị trường là chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển nhân loại, và vì vậy, chưa có cơ sở lý luận định hướng cho quá trình này. Vì vậy, giới lãnh đạo đang tiến hành cải cách thể chế theo cách "vừa làm vừa rút kinh nghiệm" hay "dò đá qua sông". Văn kiện của mỗi đại hội đảng là tài liệu thể hiện quan điểm, chính sách cải cách cho nhiệm kỳ 5 năm, trong đó các khái niệm phải được giải thích lại cho phù hợp với diễn biến tình hình. ‘Làm mới’ khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa"này bằng cách giải thích có chủ ý để che đậy bản chất chế độ dưới hình thức ngôn từ bề ngoài thực ra đó là nguỵ biện.
Khái niệm "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" tại Đại hội lần thứ 9 của Đảng cộng sản, năm 2001, được hiểu là "cơ chế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước". Đến các đại hội sau đó khái niệm này đã luôn được yêu cầu cần làm rõ nội hàm để có thể thể chế hóa bằng các chính sách và luật lệ. Đại hội 12 năm 2016 đã nhấn mạnh thị trường là cơ chế để huy động, phân bổ hiệu quả mọi nguồn lực. Như vậy cơ chế thị trường đã chi phối kế hoạch của nhà nước và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu khiến thị trường trong nước dần trở thành một phần của thị trường thế giới, và việc cải cách thể chế buộc phải tuân theo các chuẩn mực và luật chơi chung. Chiếc áo "thể chế đảng toàn trị" đã trở nên chật chội, kìm hãm "thể chế kinh tế thị trường" đang kìm hãm cải cách, trong đó vấn đề sở hữu đang ngày càng trở nên bức xúc.
Lần này, trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 khái niệm trên được ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích, rằng "định hướng xã hội chủ nghĩa" là ở mục tiêu, chứ không ở khâu phân phối và nhấn mạnh "Mục tiêu lấy con người là trung tâm, thành quả của sự phát triển là của đại đa số nhân dân, của mọi người dân. Cho nên lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Được biết, quan điểm phát triển lấy người dân làm trung tâm, họ vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển được diễn ngôn ở nhiều diễn đàn, chẳng hạn của Liên Hiệp Quốc, nhưng thường kèm theo sau đó là lời kêu gọi các quốc gia thể chế hóa theo các chuẩn mực giá trị phổ quát.
Biểu tượng
Chủ nghĩa Mác – Lenin kinh điển, nguyên thuỷ không lường trước và không hướng đến những thay đổi như vũ bão mọi lĩnh vực của cuộc sống ngày nay trên thế giới, không chỉ khoa học kỹ thuật mà cả trật tự thế giới, trong đó có sự thăng trầm quyền lực của các thể chế quốc gia. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 20 là sự kiện lịch sử nhân loại, nhưng lập luận của Francis Fukuyama trong "Sự cáo chung của lịch sử", rằng dân chủ tự do không còn phải đối mặt với bất kỳ thách thức nghiêm trọng về tư tưởng và do đó đã chứng tỏ mình là hình thức chính phủ duy nhất bền vững và thành công, cũng chưa thể đứng vững.
Quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc đang được theo dõi và nghiên cứu. Trong thời kỳ gần nửa thế kỷ, tính từ khi "cải cách và mở cửa" dưới sự lãnh đạo của độc đảng cộng sản, thiếu tính chính danh, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2011 với quy mô GDP trên 11 nghìn USD. Mặc dù tốc độ tăng GDP đang suy giảm từ khi Tập Cận Bình nắm quyền, và những vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo và nhân quyền bị lên án, nhưng "sự dẻo dai" của chế độ vẫn được nhận định trong một số công trình, điển hình như "Authoritarian Resilience" (sự dẻo dai của chế độ chuyên chế) của Andrew J. Nathan, giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Mô hình Trung Quốc từng là biểu tượng cho nhiều quốc gia đang phát triển. Đối với Việt Nam còn hơn thế khi hai nước có chế độ chính trị tương đồng, và thực tế quá trình chuyển đổi của Trung Quốc là kinh nghiệm đối với Việt Nam. Xã hội chủ nghĩa mang "bản sắc" Trung Quốc có cùng bản chất "định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách "hấp thụ" làn sóng đầu tư từ các nước tư bản để tạo ra động lực thị trường mạnh mẽ ở Việt Nam, và nhiều cơ hội thoát "tụt hậu" kinh tế so với các nước trong khu vực đã bị bỏ lỡ. Dù muộn màng so với bài học từ Trung Quốc, chính sách thực dụng với "Chính phủ kiến tạo" hiện nay đang phát huy tác dụng trong bối cảnh tập trung quyền lực đảng đang diễn ra trước thềm Đại hội 13, bởi vậy quá trình cải cách thể chế dựa trên kinh nghiệm tương đồng chế độ nên được nhìn nhận, đánh giá trong các văn kiện.
Tư bản thân hữu
Sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lenin, duy trì chế độ đảng cộng sản toàn trị chắc chắn sẽ chi phối việc thể chế hóa khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Bản chất và mục tiêu của mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế Việt Nam không chỉ được dự đoán bởi các chỉ tiêu GDP cho từng giai đoạn, mà còn cần được hiện thực hóa bởi cơ chế dân chủ cho người dân.
xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc từ lý thuyết về xã hội không tưởng từ thế kỷ 18 của nhà tư tưởng Saint Simon (1760-1825) nhưng cho đến ngày nay vẫn tạo được cảm hứng về một xã hội tốt đẹp. Albert Einstein (1879-1955) đã từng lo lắng về đạo đức có thể bị suy thoái bởi thị trường và ông đặt "niềm tin" vào xã hội chủ nghĩa có thể là "cứu cánh". Tuy nhiên, trong bài viết "Tại sao chủ nghĩa xã hội ?" năm 1949 ông băn khoăn : "Chủ nghĩa xã hội mang trong nó một vấn đề xã hội - chính trị không dễ giải quyết : Làm sao, trong một sự tập trung sâu rộng quyền lực chính trị và kinh tế, bộ máy hành chính không trở thành quá toàn năng, không quá phình lên, để cá nhân khỏi bị teo lại về mặt chính trị, và cùng với cá nhân, đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy hành chính cũng không bị teo lại ?"
Thay cho lời kết, những "băn khoăn" của nhà khoa học nổi tiếng, chủ nhân giải Nobel vật lý đang ngày càng lớn và được cảnh báo về một nhà nước "tư bản thân hữu" được sản sinh bởi sự kết hợp giữa chế độ độc đảng cộng sản và kinh tế thị trường. Minxin Pei, GS của Đại học Claremont McKenna, Hoa Kỳ, đã phân tích sâu sắc kiểu xã hội trên trong tác phẩm "Tư bản thân hữu Trung Quốc", được xuất bản ở Việt Nam năm 2017. Ngay trong phần Giới thiệu, tác giả đã trích dẫn sự thừa nhận của Tập Cận Bình ngày 16/10/2014 về thực trạng tham nhũng trong chế độ đảng trị : "Tham nhũng ở các địa phương và các ngành đan xen nhau ; các vụ tham nhũng thông qua cấu kết ngày càng tăng ; lạm dụng chức chồng chéo lạm dụng quyền ; tràn lan đổi quyền lấy quyền, đổi quyền lấy tiền, và đổi quyền lấy tình dục ; cấu kết giữa quan chức với doanh nhân xen kẽ cấu kết giữa cấp trên với cấp dưới ; cách thức chuyển lợi cho nhau được che đậy và biến hoá".
Phạm Quý Thọ (Hà Nội)
Nguồn : RFA, 12/11/2020