Giá điện tăng trong thời gian qua tiếp tục là vấn đề mà nhiều người trong nước bức xúc.
Công nhân công ty điện lực EVNSPC. (Ảnh minh họa) Courtesy EVNSPC
Trước phản ứng mạnh mẽ từ công luận, chính phủ sau phiện họp thường kỳ tháng Tư 2019 phải ra nghị quyết yêu cầu Bộ Công Thương và Tập Đoàn Điện Lực EVN nhanh chóng giải trình đầy đủ phương án tăng giá điện để báo cáo cho ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước ngày 15 tháng Năm.
Trước đó, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ thị các bộ ngành như Thanh Tra Chính Phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, kiểm tra thông tin, làm rõ đúng sai liên quan đến sự điều chỉnh giá bán điện, cách tính giá và cả việc thu tiền điện trong thời gian qua.
Từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Năm, Bộ Công Thương chủ trì 3 đoàn kiểm tra cùng lúc đối với các công ty điện lực ở 3 miền liên quan đến tình hình thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và qui định giá bán điện. Kết luận kiểm tra được thông báo là không có gì bất thường và hóa đơn tiền điện của khách hàng trong tháng tư tăng là vì do lượng điện sử dụng nhiều lên.
Tuy nhiên nhiều người trong nước kể cả giới chuyên môn đều không đồng thuận với giải thích từ phía Bộ Công Thương và EVN.
Nói với đài Á Châu Tự Do, nhà báo tự do Võ Văn Tạo phân tích :
Theo tôi biết khi EVN xin với thủ tướng tăng giá điện 8,4% thì đã được sự đồng ý. Sau vụ này thì báo Tuổi Trẻ có đăng là xã hội đang quan tâm đến chuyện này, tiêu đề là "Điện Lực Việt Nam Thừa Nhận Tăng Không Dưới 30%". Mặc dù EVN xin với chính phủ là tăng 8,4% mà thực tế lại tăng không dưới 30%.
Vẫn lời nhà báo Võ Văn Tạo, theo tính toán của công luận thì đây là thủ đoạn léo lắt, mập mờ của Tập Đoàn Điện Lực EVN vốn độc quyền trước giờ trong lãnh vực phát điện, truyền dẫn và phân phối. Ông nêu thí dụ giả định :
Ở Việt Nam lâu nay, mấy thập niên rồi, nguyên tắc là càng tiêu thụ nhiều thì lại càng phải chịu giá đắt. Thí dụ giá điện sinh hoạt một hộ gia đình thì qui định 50kw đầu tiên khoảng 450 Đồng, rồi 50 kw tiếp theo giá 900Đồng chẳng hạn, gọi là lũy tiến. Nên khi chuyên gia tính lại thì hộ gia đình đó tháng trước tiêu thụ giả sử 1.200kw chẳng hạn thì nó là khoảng 800.000VND, bây giờ sang phép tính mới này thì giá điện của hộ đó tự nhiên tăng lên 30% chứ không phải chỉ 8,4%. Dư luận nói đây là cái trò léo lắt của Điện Lực Việt Nam. Chính vì như thế nên thủ tướng phải yêu cầu thanh tra Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản phải kiểm tra lại việc tăng giá điện.
Hình minh họa. Thợ điện sửa đường dây điện ở một cột điện tại Hà Nội hôm 14/6/2012 AFP
Trong khi chờ đợi giải trình từ Bộ Công Thương và Tập Đoàn Điện Lực cũng như chờ đợi quyết định dứt khoát từ phía chính phủ, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu sâu hơn việc tăng giá điện như thế nào, là ý kiến tiếp theo của chuyên gia tài chính Ngô Trí Long :
Câu hỏi đặt ra là tất cả những nghịch lý từ trước đến nay trong ngành điện dồn lại, ví dụ đầu tư ngoài ngành, ví dụ hạch toán chưa rõ ràng, năng xuất lao động hay tổn thất điện lớn thì phải chẳng hậu quả đổ lên đầu người tiêu dùng ?
Vấn đề bất cập nhất hiện nay, theo ông, vẫn là tiền điện thanh toán rất cao. Ông nêu câu hỏi là tại sao giá điện bình quân tăng 8,36% nhưng lại có những gia đình tăng đến 1,5, thậm chí 2 lần và hơn 2 lần. Ngóc ngách của vấn đề bất hợp lý đó, ông lý giải, chính là biểu giá điện không hợp lý :
Có nghĩa là khi chính phủ quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân là 8,36%, nghĩa là 1.864 đồng, thì giao cho cơ quan chức năng xây dựng cái biểu giá điện để làm sao khuyến khích người ta sử dụng ít điện, thứ hai là tiết kiệm sử dụng điện, thế thì với biểu giá điện như hiện nay thì không thực hiện đúng được cách tính so bằng giá điện bán lẻ bình quân. Mà nếu nguồn thu của ngành điện sẽ cao hơn giá bán lẻ bình quân thì cái đấy là bất hợp lý và chỉ có lợi cho nhà EVN.
Về phía người tiêu dùng, bà Bích, một cư dân ở Sài Gòn cho biết :
Nói chung, những doanh nghiệp sản xuất thì thấy bị ảnh hưởng nhiều, còn tiêu thụ điện dân dụng thì nếu xài nhiều phải trả thêm mấy chục đến 100 ngàn đồng. Xăng và điện tăng lên thì tất cả đều lên. Sắp tới đây lương thực thực phẩm đều lên hết vì siêu thị đã thông báo một số sản phẩm tăng lên mấy chục phần trăm.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh của công ty Louis Rice chuyên thu mua, gia công, chế biến và xuất khẩu lúa gạo, cho biết giá điện tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty như thế nào :
"Tăng giá điện như vậy thì rất là ảnh hưởng và khó khăn lắm cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ ngày xưa, tôi gia công gạo, ăn 270 đồng của người thương lái mua lúa khô để về nhà máy mình gia công ; bây giờ giá tăng lên, tôi tăng giá thì người ta không chấp nhận. Nói chung là rất khó khăn cho doanh nghiệp và người thu mua.
Theo tiến sĩ Ngô Trí Long, đây là cái ảnh hưởng đương nhiên khi giá điện tăng như vậy :
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp là vì chi phí đầu vào cao, giá thành còn cao, mà bây giờ yếu tố tăng nữa thì chắc chắn là giá thành và chi phí tăng. Chính điều đó ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh.
Theo chuyên gia tài chính và thị trường Ngô Trí Long, trong việc giải trình và xem xét vấn đề tăng giá điện bán lẻ, các cơ quan chức năng phải có đủ năng lực để cân nhắc, bảo đảm tính khách quan và công bằng thì mới thể hiện được tính minh bạch của vấn đề.
Thời hạn 15 tháng 5 mà thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa ra cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN đã qua và người tiêu dùng đang chờ giải trình theo như yêu cầu của người đứng đầu chính phủ.
Vừa qua nhiều người hết sức bất bình với phát biểu của một số cán bộ cấp cao như lời người phát ngôn Bộ Công Thương, Đổ Thắng Hải, rằng ‘giá điện tăng, mọi người đều được lợi’ ; hay của tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, nguyên ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, rằng ‘người dân đang ủng hộ EVN tăng lên, không ai phàn nàn tăng giá điện.’
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 15/05/2019