Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/05/2019

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng gì đến cuộc sống chúng ta ?

Nhiều tác giả

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không phải hoàn toàn là thương mại

Scott B. MacDonald, VNTB, 15/05/2019

Tăng trưởng kinh tế vẫn là nền tảng quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và là ảnh hưởng của Tập Cận Bình trong việc nắm giữ quyền lực quốc gia.

trade9

Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện giống như trâu bò đánh nhau ; trong khi chúng hùng hùng hổ hổ và giành giật nhau, mục đích tối hậu chỉ là hăm dọa mà không hủy diệt nhau. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đều tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù một thỏa thuận thương mại có thể sẽ được ký giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình vào một thời điểm nào đó trong năm 2019, nhưng các vấn đề cạnh tranh kinh tế và đối đầu địa chính trị cho thấy rằng cuộc chiến thương mại hiện tại chỉ là một màn trong một tấn kịch dài giữa hai hệ thống hết sức khác biệt nhau, một khu vực tư nhân và định hướng dân chủ, còn khu vực kia lại hướng đến sự phát triển kinh tế theo hướng nhà nước và chuyên quyền.

Vấn đề kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là do chuỗi thặng dư thương mại khổng lồ và kéo dài của Trung Quốc với Hoa Kỳ. Bất chấp cuộc thương chiến một năm giữa hai nước (với các biện pháp gia tăng thuế quan và phản đòn thuế quan đối kháng), Trung Quốc đã kết thúc năm 2018 với thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục là 419,2 tỷ đô la với Hoa Kỳ (theo Cục điều tra Hoa Kỳ). Ngay cả sau khi đã trừ đi số xuất khẩu dịch vụ của Hoa Kỳ, thặng dư của Trung Quốc trong năm 2018 (đối với Hoa Kỳ) vẫn là một con số đáng kể - 378,6 tỷ đô la.

Đối với nhiều người Mỹ, (đặc biệt là những người sống ở Vành đai công nghiệp - Rust Belt - và trong số những nhân vật điều hâu thương mại), nguyên nhân của việc mất công ăn việc làm trong khu vực sản xuất chế tạo chính là sự trỗi dậy của một Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các hoạt động thương mại không công bằng bằng gian lận. Các hoạt động này bao gồm việc bảo hộ thị trường trong nước cho ngành công nghiệp còn non trẻ ; cung cấp tín dụng giá rẻ từ các ngân hàng phát triển nhà nước ; bắt buộc phải chuyển giao công nghệ từ các công ty của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc cho các đối tác địa phương ; và thao túng tiền tệ. Mặc dù phần lớn các công ăn việc làm trong ngành sản xuất ở Hoa Kỳ bị mất là do việc tự động hóa sử dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao năng suất, khả năng vạch mặt thủ phạm vẫn có tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị trong nước của Hoa Kỳ.

Mất việc làm trong các nhóm có thế lực rất mạnh trong khu vực sản xuất chế tạo trước đây ở Hoa Kỳ chắc chắn là một yếu tố giúp Trump giành được chiến thắng tại các tiểu bang như Ohio, Michigan và Wisconsin. Lời kêu gọi của ông Trump "Làm cho nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn", vốn được ủng hộ bởi quan điểm thương mại bảo hộ, rõ ràng là đã tạo ra được sự hưởng ứng nhạy bén. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016, ứng cử viên Trump lúc bấy giờ đã tuyên bố : "Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc hãm hiếp đất nước chúng ta, và đó là những gì họ đang làm".

Các công ty Hoa Kỳ đã thực sự phải đối mặt với một sân chơi không bình đẳng với nhiều đối tác Trung Quốc của họ. Có quan điểm chung đáng kể là tán thưởng cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc. Liên quan đến đó là kế hoạch của Trung Quốc để trở thành một cường quốc công nghệ thống trị thế giới (kế hoạch của "Chế tạo tại Trung Quốc, năm 2025") vì nó nhấn mạnh vai trò của các công ty công nghệ Trung Quốc trong tất cả mọi thứ (bao gồm 5G, thăm dò không gian và theo dõi, giám sát con người) như là một sự bành trướng của chính sách nhà nước.

Một phần của phản đòn của Washington là vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, nữ giám đốc phụ trách công tác tài chính Huawei tại Canada vào tháng 12 năm 2018 vì vi phạm luật trừng phạt của Hoa Kỳ. Như nhà báo Kenneth Rapoza của Forbes đã viết, "Những bê bối mới nhất của Huawei cho thấy rằng các công ty công nghệ Trung Quốc có thể nổi lên một cách ngoạn mục bằng cách sao chép các công nghệ nước ngoài trong các dự án liên doanh hoặc thông qua các hành động tội phạm của công nhân ký thuật cao như trộm cắp tài sản trí tuệ và đánh cắp các bí mật của các công ty".

Ngoài việc cân nhắc địa chính trị về sự trỗi dậy lặng lẽ của Trung Quốc, Trump cần một thỏa thuận thương mại vì chuẩn bị cho mùa bầu cử năm 2020. Trong khi nền kinh tế Mỹ hiện đang mở rộng nhanh chóng và thất nghiệp giảm xuống tới mức (thấp) 3,6%, một thất bại trong thỏa thuận thương mại có thể kìm hãm tăng trưởng ; cho dù có sử dụng từ nào đi chăng nữa, thì thuế quan vẫn là thuế và thuế đó đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong một cuộc chiến thương mại toàn diện, GDP thực tế của Hoa Kỳ sẽ giảm tới 0,6%.

Một trong những lĩnh vực mà cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ nhiều nhất là nông nghiệp. Theo Cục Nông nghiệp nước ngoài, kể từ khi ông Trump nhậm chức và bắt đầu cuộc chiến thương mại, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã giảm từ 17,142 tỷ đô la năm 2017 xuống còn 11,853 tỷ đô la vào năm 2018, như vậy là đã giảm 31%. Chính quyền Trump, vốn nhận thức sâu sắc rằng ngành nông nghiệp là nền tảng của ông ta, đã cung cấp một khoản cứu trợ 12 tỷ đô la cho nông dân, nhưng các vấn đề vẫn càng ngày càng gia tăng (bao gồm việc mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh và lũ lụt).

Việc ký kết một thỏa thuận thương mại cũng không kém phần quan trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến việc giảm 1,5% tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế vẫn là nền tảng quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình trong việc nắm giữ quyền lực ở Trung Quốc. Suy thoái kinh tế kéo dài sẽ gây ra những vấn đề đáng kể cho Tập Cận Bình, bao gồm những căng thẳng tiềm ẩn về thất nghiệp, lo ngại về lương hưu khi số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng cao và khả năng của chính phủ về phúc lợi xã hội. Mặc dù sự kiện Quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra vào năm 1989 và việc lặp lại sự kiện ấy là một khả năng xa vời, nhưng đó vẫn hằn trong ký ức giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là do giá cả tăng, tham nhũng và những nỗi âu lo về tương lai của đất nước. Hai yếu tố cuối cùng được thể hiện rõ ở Trung Quốc ngày nay.

Trong vài năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại khi chính phủ tìm cách tái cấu trúc từ các chính sách định hướng xuất khẩu chuyển sang phát triển nền kinh tế nội địa mạnh hơn. Nhưng cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ phức tạp hóa thêm viễn cảnh này. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP thực tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,6% trong năm 2018, giảm so với GDP thực tế năm 2017 là 6,8%. Dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục giảm trong các năm 2019 và 2020.

Tình hình ngặt nghèo của nền kinh tế Trung Quốc thể hiện rõ ở nhiều chỉ báo khác nhau, có lẽ thách thức nhất là các mức nợ cao. Trong những năm gần đây, vay nợ của các công ty Trung Quốc đã tăng một cách đáng kể ; Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, trong năm 2017, tỷ lệ này chiếm 160,3% GDP. Tổng nợ của Trung Quốc trên GDP thậm chí còn lớn hơn. Theo Viện Tài chính Quốc tế, vào cuối năm 2018, nợ tài chính, nợ chính phủ, hộ gia đình và phi tài chính tổng cộng ở mức gần 300%, một trong những mức cao nhất thế giới. 

Việc chính phủ siết chặt tín dụng đen và tăng trưởng kinh tế chậm hơn do thương chiến đã làm cho nợ của Trung Quốc trở nên trầm trọng bởi vì các khoản nợ đến hẹn phải trả đang càng ngày càng gia tăng, đã đánh thẳng vào thị trường trái phiếu trị giá 13 tỷ USD của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, các khoản nợ trái phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với năm 2017, và năm 2019 cũng sẽ tăng nhiều hơn năm trước. Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc đã không trả được 39,2 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD) trái phiếu trong bốn tháng đầu năm nay, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Thủ đoạn thương mại không công bằng của Trung Quốc cũng đã gây ra rắc rối cho các đối tác thương mại khác. Châu Âu gặp nhiều vấn đề tương tự đối với Trung Quốc, bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc và các hạn chế khác đối với các công ty hoạt động trong nền kinh tế Châu Á. Thật vậy, sự nhảy vọt của Huawei Technologies trong lĩnh vực 5G đã dẫn đến việc một số quốc gia Châu Âu đã chọn không sử dụng công ty của Trung Quốc này. Vào tháng 3 năm 2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng đã có một sự "thức tỉnh của Châu Âu" về sự thống trị tiềm năng của Trung Quốc đối với lục địa này, sự thống trị tiềm năng mà có thể được xem là được dẫn dắt bởi vị trí thống trị của Huawei trên thị trường 5G. Vụ bắt giữ một nhân viên Trung Quốc của Huawei tại Ba Lan do các cáo buộc gián điệp hồi tháng 1 năm 2019 cũng không giúp giảm đi những nghi kỵ với Trung Quốc.

Chúng ta trở lại với cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cả hai bên đều cần một thỏa thuận cho phép họ tuyên bố chiến thắng. Thất bại trên mặt trận này rất có thể sẽ có tác động xấu đối với cả hai nền kinh tế, mà không có ai thắng cuộc. Điều này khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ tìm kiếm một thỏa thuận có khả năng sẽ xóa đi những khác biệt mà sẽ còn tồn tại một cách dai dẳng. Có đủ những lợi ích chung giữa Bắc Kinh và Washington để thực hiện một thỏa thuận, điều này tốt cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ tiếp tục và các lĩnh vực như công nghệ sẽ tiếp tục là trung tâm của những xung đột thương mại và địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Scott B. MacDonald

Nguyên tác : Chinás Trade War Isn't Entirely About Trade, Tne National Interest, 09/05/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 15/05/2019

Tác giả bài báo : Scott B. MacDonald là kinh tế gia trưởng của Smith’s Research and Gradings - một công ty phân loại, xếp hạng tín dụng tài chính được thành lập vào năm 1992, có trụ sở tại Great Falls, Virginia. 

*******************

Thương chiến Mỹ-Trung và cơ hội 'ngàn năm một thuở' cho Việt Nam

Đinh Trường Hinh, BBC, 15/05/2019

Những ngày gần đây, cuộc chiến Mỹ - Trung đã lên đến cao điểm sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc nuốt lời hứa đối với những gì họ đã đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại, đó là sẽ ban hành các đạo luật nhằm thực thi những cam kết đạt được.

trade1

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một xưởng chế biến sản phẩm tre nứa

Do đó, Tổng thống Trump đã cho tăng thuế nhập cảng trên 5.700 loại hàng hóa có trị giá 200 tỷ Mỹ kim từ Trung Quốc đến Mỹ, từ 10% lên 25%.

Hôm thứ Hai, 13/04, Trung Quốc trả đũa để giữ thể diện bằng cách tăng thuế nhập cảnh của một số hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ Mỹ kim lên 25%.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn Mỹ nhiều trong cuộc chiến này.

Hầu hết tất cả các chuyên viên kinh tế trên thế giới đều cho rằng dù cho đàm phán Mỹ - Trung sẽ xảy ra với kết quả tốt đi chăng nữa, hay dù Tổng thống Trump có được thay bằng một tổng thống Đảng Dân chủ đi chăng nữa, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay lùi lại cao điểm như ba thập niên qua.

Về phía Mỹ, họ nhận ra rằng Trung Quốc đã tận dụng sự cởi mở của các nước Âu Mỹ cũng như toàn cầu hóa để hiện đại hóa nền kinh tế và để bắt kịp các nước tân tiến.

Tham vọng của Bắc Kinh

Nếu mục đích của Trung Quốc dừng lại ở đây thì cũng không có gì đáng nói.

Nhưng mà cùng lúc, càng ngày Trung Quốc càng lộ rõ bá đồ muốn thống trị cả thế giới về kinh tế cũng như về quân sự. Điển hình là chương trình 2025, trong đó Bắc Kinh muốn trở thành lãnh đạo thế giới về kỹ nghệ năm 2049 ; và hành động quân sự cũng như thái độ thách thức của họ trên Biển Đông, nhất là đối với các nước láng giềng và đối với Nhật Bản.

Các nước Âu Mỹ nay đều đã tỉnh ngộ và thấy rằng Trung Quốc sẽ là mối hiểm họa lớn về kinh tế cũng như về quân sự trong Thế kỷ 21.

Thế nhưng cho đến khi ông Trump lên làm tổng thống, hầu như các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều né tránh việc đối diện với sự thật, và đều dùng các phương pháp gián tiếp, thay vì trực tiếp, trong việc đối đầu với những thách thức của Trung Quốc.

Tòa Bạch Ốc của ông Trump đã thẳng thắn gọi hành động kinh tế hung hãn của Trung Quốc là mối đe dọa cho công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ và của thế giới.

Tác động của cuộc thương chiến đối với kinh tế Việt Nam

Nếu viễn ảnh tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc không còn sáng lạn như trước đây và sự cạnh tranh Mỹ - Trung càng ngày càng gắt gao, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào ?

Thứ nhất, các công ty phi quốc gia lớn trên thế giới (đa số là của Âu Mỹ) sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa các hoạt động đầu tư ở Trung Quốc, và sẽ chuyển một số các cơ số sản xuất hay thương mại đi các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Chính Tổng thống Trump đã nói hôm 13/05 : "... Ngoài ra, thuế quan của Mỹ hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn mua từ một quốc gia không bị áp thuế, hoặc bạn mua sản phẩm bên trong Hoa Kỳ (ý tưởng này là tốt nhất). Đó là mức thuế Zero. Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở Châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này !"

Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế sản xuất của Trung Quốc, cho nên các công ty đa quốc gia sẽ dò xét xem Việt Nam có làm vậy được hay không.

Theo so sánh thế giới thì Việt Nam có tiềm năng về năng lực rất khá so với các nước khác ở Á châu.

Thứ hai, xuất khẩu của Trung Quốc hiện vẫn còn đang tuỳ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ (do công nghiệp tích hợp dọc -- 'vertically integrated industries'), cho nên các công ty công nghệ Trung Quốc cũng sẽ kiếm cách dọn qua Việt Nam sản xuất, hầu có thể dùng cái nhãn hiệu "Made in Vietnam" để quay lại thị trường Mỹ và tránh thuế nhập cảng của Mỹ.

Thứ ba, những chính sách kinh tế của Trung Quốc nhằm đương đầu với những thách thức mới về kinh tế cũng sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, chẳng hạn như hối đoái hay tiền tệ. Do đó các chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới cũng phải thật là linh động để có thể đem lại quyền tự chủ cho quốc gia.

Cơ hội và thách thức

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do đó sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội độc nhất vô nhị, mà nếu nắm bắt được thì nó sẽ giúp Việt Nam tiến lên rất mạnh và rất xa trong kỹ nghệ hóa, trở thành một nước tân tiến trong 20-30 năm.

Mặt khác, nếu không biết nắm lấy cơ hội này và không giải quyết được những thách thức mới thì Việt Nam sẽ suy sụp và không vươn lên nổi trong một thế giới cạnh tranh mãnh liệt này.

Do đó, kết quả tốt hay xấu đều tuỳ thuộc vào các chính sách kinh tế mà Việt Nam cần phải xác định rõ ràng.

Muốn nắm lấy cơ hội để tiến lên, chuyện đầu tiên Việt Nam phải làm là duyệt xét lại luật đầu tư hầu có thể kiểm soát chặt chẽ các đầu tư từ nước ngoài, nhằm tránh tình trạng bị các nước lạ lợi dụng để bán sang Mỹ.

Chính phủ phải giới hạn các khuyến khích về đầu tư trong những lãnh vực có thể làm hoàn thiện chuỗi khâu sản xuất hiện nay, và ưu tiên cho các nhà máy dùng những máy móc tối tân (như máy sợi cho ngành dệt), đầu tư vào các ngành công nghệ và trí tuệ cao, và nhất là phải tạo cơ hội để huấn luyện công nhân Việt Nam có thể hấp thụ công nghiệp mới.

Chính phủ cần phải nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trội quan trọng có nhiều liên kết ngược (backward linkages) với các công kỹ nghệ trong nước cũng như có lợi thế so sánh xuất cảng.

Thứ hai, chính phủ cần phải cấp tốc cải tổ và hoàn chuẩn nền giáo dục đại học và các chương trình dạy nghề.

Việt Nam cần phải có cơ cấu về nghiên cứu (R&D), trong đó có ba cơ quan nghiên cứu nằm trong khu vực công, khu vực hãng xưởng tư nhân, và khu vực đại học.

trade2

Chính phủ cần phải nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trội quan trọng có nhiều liên kết ngược với các công kỹ nghệ trong nước.

Chính phủ phải giúp tạo ra cơ cấu này và thắt chặt mối liên hệ giữa ba lãnh vực này, nhằm nâng cao khả năng sáng tạo một cách hữu hiệu.

Để thu hút nhân tài, chính phủ cần đi mọi nơi thuyết phục các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài về cũng như để tạo điều kiện cho họ làm việc trong nước.

Thứ ba, cần phải xét lại vai trò của nhà nước : Có những lãnh vực nhà nước cần phải giữ một vài trò quan trọng, chẳng hạn như bảo vệ môi trường, an ninh thực phẩm, bảo vệ quyền công nhân, lập một hệ thống phân xử minh bạch giữa chủ và thợ khi có các tranh chấp, đầu tư vào hạ tầng cơ sở để giúp đỡ các xí nghiệp tư, v.v... Ngược lại, có những lãnh vực về sản xuất, nhất là công nghiệp, thì chính phủ cần phải đi ra khỏi 100% để tư nhân có thể hoàn toàn vượt lên.

Quan trọng hơn hết là phải biết nếu Việt Nam muốn tiến lên thì phải tạo điều kiện cho "Made by Vietnam" chứ không phải "Made in Vietnam", tức là phải tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam sản xuất đi từ giai đoạn lắp ráp đến sản xuất kỹ thuật riêng (OEM --own engineering manufacturing), đến giai đoạn sản xuất thiết kế riêng (ODM-own design manufacturing), đến sản xuất thương hiệu riêng (OBM-own brand manufacturing).

trade3

Việt Nam được nhiều hãng đa quốc gia chọn đầu tư một phần nhờ có lực lượng lao động giá rẻ

Một thí dụ dễ hiểu là mặc dù hiện giờ điện thoại Samsung của Nam Hàn làm ở Việt Nam (Made in Việt Nam) rất nhiều (Việt Nam xuất cảng trên 25 tỷ đô la điện thoại mỗi năm), nhưng tuyệt đại đa số các thành phần trong điện thoại là nhập cảng từ các nước khác và Nam Hàn chỉ dùng công nhân Việt Nam giá rẻ để lắp ráp mà thôi. Vì vậy mà 99% giá tri của điện thoại là không phải do Việt Nam làm (Made by Vietnam).

Nếu không làm được điều này thì cả đời Việt Nam chỉ làm công nhân lắp ráp. Và muốn làm được điều này thì chính phủ phải đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên một nền kinh tế dựa trên trí tuệ con người.

Làm sao kỹ nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nhất là về giá cả đầu vào, nhiên liệu v.v... ?

Tôi đã trình bày những yếu tố để Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong cuốn sách "Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2013.

Nói tóm lại, không có gì người dân Việt Nam không làm được nếu có được sự hỗ trợ đắc lực và khéo léo của chính phủ. Đây cũng là cơ hội ngàn năm một thuở.

Nếu Việt Nam không nắm lấy thì chắc chắn các nước cạnh tranh sẽ lấy đi mất.

Đinh Trường Hinh

Nguồn : BBC, 15/05/2019

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ tịch Công ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014).

Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp nhẹ Châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hóa (2017).

******************

Chuỗi cung ứng đảo lộn

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA, 14/05/2019

Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đi vào giai đoạn căng thẳng nhất với các biện pháp trả đũa hai bên tung ra gần như hàng ngày sẽ được áp đặt vào thời gian tới. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa và giá trị sản xuất giữa các nước đang có thay đổi lớn, Việt Nam sẽ ở vào vị trí nào, và hưởng lợi ra sao ? Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này.

trade4

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới Việt Nam như một giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa) AFP

Việt Nam : giải pháp thay thế ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, như diễn đàn này đã dự báo, trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc còn kéo dài chứ chưa dứt và nay đang lên tới một cao độ mới sau các quyết định trả đũa giữa đôi bên. Người ta đặc biệt chú ý là trong ngày thứ Hai 13 tháng năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump hai lần nhắc tới Việt Nam, trên trương mục Twitter và khi tiếp xúc với báo chí bên Thủ tướng Hungary, như một giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc. Ông nghĩ sao về biến chuyển này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ ông Trump trễ mất vài năm khi nhắc tới Việt Nam như một giải pháp điền thế cho giới đầu tư khi họ rút khỏi thị trường Trung Quốc vì thật ra điều ấy đã xảy ra từ lâu, mà trong giới đầu tư trực tiếp cũng có các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Còn lại, Việt Nam tính sao trước cục diện mới là điều chúng ta cần tìm hiểu kỳ này…

Trước hết, Hoa Kỳ là siêu cường rất trẻ nếu so với các cường quốc hay Đế quốc xuất hiện trước đó trên thế giới. Nhờ ưu điểm tự do, siêu cường này phát triển mạnh về tư tưởng, kinh tế lẫn quân sự. Nhưng vì quá trẻ nên mắc bệnh lạc quan, tưởng mình muốn làm gì ở nơi nào cũng được, rồi sau đó hốt hoảng bi quan và tái phối trí ưu tiên cùng phương tiện sau khi căng mỏng lực lượng ra khắp nơi và hụt hơi. Còn Trung Quốc lụn bại sau mấy thế kỷ duy trì hệ thống kinh tế chính trị lạc hậu nay muốn tìm lại vị trí cường quốc của mình. Vì vậy, mâu thuẫn giữa hai nước từ hai bờ Thái Bình Dương tất nhiên xảy ra, và rút tỉa các bài học thất bại quân sự, nhiều lắm, Hoa Kỳ chọn trận địa chiến là kinh tế thay cho quân sự.

Nguyên Lam : Ông cho rằng trận thương chiến giữa hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Thái Bình Dương hiện nay là giải pháp thay thế cho đụng độ quân sự ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ đã thất bại trong Chiến tranh Cao Ly 1950-1953 và Chiến tranh Việt Nam, chưa kể nhiều nơi khác trong hơn 70 năm qua, nên đã trưởng thành hơn xưa. thứ hai, cũng do tinh thần lạc quan đến độ chủ quan, nhiều thế hệ lãnh đạo Hoa Kỳ còn tưởng kinh tế thị trường tất nhiên dẫn đến chính trị dân chủ và việc hợp tác để trợ giúp Trung Quốc khiến cường quốc này sẽ thành quốc gia biết điều cùng tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới. Một quốc gia tiên tiến về kinh tế như Hoa Kỳ bên một nước đông dân có nhân công rẻ như Trung Quốc là sự hội nhập lý tưởng. Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu hình thành giữa các nước cùng tham dự tiến trình tạo thêm giá trị kinh tế. Nhưng nay sự thể đổi khác trước mắt chúng ta vì Trung Quốc không hành xử như Hoa Kỳ trông đợi và các doanh nghiệp Mỹ đang thấy ra điều ấy. Họ rút khỏi trị trường Trung Quốc vì hết còn lời như xưa và trận thương chiến sẽ tăng tốc hiện tượng triệt thoái ấy. Đấy cũng là cơ hội cho Việt Nam.

Nguyên Lam : Ông vừa nói Tổng thống Donald Trump trễ mất vài năm khi nhắc tới Việt Nam như một giải pháp thay thế cho thị trường Trung Quốc. Xin đề nghị ông giải thích chuyện này cho thính giả của chúng ta.

trade5

Công nhân có trình độ và tay nghề cao mới có thể giúp cho Việt Nam được lựa chọn trong việc "điền thế". (Ảnh minh họa) AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ nhiều năm trước khi ra tranh cử tổng thống, doanh gia Donald Trump đã thấy Trung Quốc trục lợi và Hoa Kỳ bị thiệt khi buôn bán với nhau. Sau khi đắc cử, ông muốn cải sửa chuyện đó và chọn trận địa mậu dịch là nơi có lợi nhất cho nước Mỹ vì Hoa Kỳ không lệ thuộc vào ngoại thương như Trung Quốc dù rằng chiến tranh mậu dịch tất nhiên gây tổn thất cho cả hai.

Tôi lấy một thí dụ về sự tình của ngày thứ Hai 13 vừa qua, khi truyền thông loan tin rằng các thị trường cổ phiếu toàn cầu đã mất giá chừng ngàn tỷ đô la vì Bắc Kinh dọa áp thuế trên 60 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ bán vào Trung Quốc. Đấy là sự nông cạn điển hình vì trị giá của doanh nghiệp Mỹ có thể mất 700 tỷ, chứ giới đầu tư quốc tế đã rút một ngàn tỷ 900 triệu đô là khỏi thị trường Trung Quốc.

Điều đáng nói là sau 30 năm tăng trưởng mạnh, kinh tế và dân số Trung Quốc cũng thay đổi khiến ưu thế dân số đông và nhân công rẻ hết còn như xưa. Kinh tế xứ này không còn một "công xưởng toàn cầu" và giới đầu tư quốc tế đã phải tìm nơi thay thế là các nền kinh tế đông dân có nhân công rẻ hơn Trung Quốc trong khi Bắc Kinh ra sức leo lên một trình độ sản xuất cao hơn, với công nghệ hay "thuật lý" tiên tiến, theo phương pháp bất chính như ăn cắp hay ăn cướp đang bị Hoa Kỳ khiếu nại và truy tố. Vì vậy, từ năm năm về trước, giới đầu tư quốc tế đã tìm hơn chục bãi đáp khác, như Bangladesh, Mexico, Malaysia hay Việt Nam và riêng số lượng đầu tư của Mỹ vào thị trường Trung Quốc đã giảm từ năm 2016.

Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến ?

Nguyên Lam : Thưa ông, nếu vậy thì ta có nên kết luận rằng kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên nhìn theo hai giác độ ngắn hạn và dài hạn và tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam cũng đã thấy ra điều ấy. Trước mắt thì Việt Nam có lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu có thay đổi và đầu tư trực tiếp của nước ngoài sẽ chọn thị trường Việt Nam làm bãi đáp thay thế Trung Quốc, nhưng lợi nhiều hay ít thì còn tùy vào khả năng tiếp nhận và khai thác của Việt Nam vì yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng suất và tay nghề của nhân công xứ này. thứ hai, cũng thuộc về ngắn hạn thì Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Donald Trump có biệt nhãn với Việt Nam nên lặng lẽ yểm trợ các hoạt động công thương nghiệp dù bộ máy hành chính công quyền Mỹ vừa nhắc tới nạn lũng đoạn hối đoái hay thao túng tiền tệ, là tìm lợi thế nhờ tỷ giá thấp của đồng bạc Việt Nam so với đô la Mỹ. Chúng ta không quên rằng nước nào cũng có chính sách kích thích kinh tế với hậu quả là sai biệt về lãi suất và phân lời sẽ làm đồng bạc của mình rẻ hơn so với ngoại tệ phổ biến nhất là Mỹ kim… Chính Tổng thống Mỹ cũng còn muốn Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tham gia trận thương chiến bằng cách hạ lãi suất cơ bản khi Bắc Kinh sẽ lại bơm thêm tiền để kích thích kinh tế cho thấy sự thể đó. Nhưng việc Việt Nam được Hoa Kỳ nhắc tới như một quốc gia có thể chiếm lợi thế ngoại hối là một sự quảng cáo bất ngờ !

Nguyên Lam : Thưa ông, đó là về chuyện ngắn hạn, chứ trong dài hạn thì sự thể sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ trận thương chiến Mỹ-Hoa sẽ kéo dài, có tính chất đa diện và, như trong mọi trận chiến, thể nào cũng có tổn thất. Tổn thất toàn cầu là sự sút giảm trong luồng ngoại thương giữa các nước, sau đó là đà tăng trưởng toàn cầu. Nằm giữa chuỗi cung ứng đó, Việt Nam cũng sẽ bị chi phối, khi kinh tế quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp của quốc tế là những nhược điểm quan trọng nhất của Việt Nam, chưa nói tới giáo dục và đào tạo.

Chuyện kế tiếp và quan trọng hơn vậy là vai trò đầu tư trực tiếp của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu xứ này sớm hiểu ra sự thể khi thương chiến bùng nổ từ 10 tháng trước nên đã cố tìm giải pháp thay thế, là đầu tư vào các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Cam Bốt hay Việt Nam. Mục tiêu của họ là vẫn xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ nhưng không dưới nhãn "Made in China". Khi đã tuyên chiến về thương mại với Trung Quốc, Hoa Kỳ tích cực canh chừng chuyện đó nên Việt Nam cần thận trọng để khỏi là một nước ngầm xuất khẩu hàng Trung Quốc dưới thương hiệu của mình.

Nguyên Lam : Thưa ông, chúng ta có thể kết luận như thế nào về biến cố quá phức tạp này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến một sự đổi thay lớn kể từ 40 năm nay, khi Hoa Kỳ bắt đầu xét lại đối sách thân hữu của mình với Trung Quốc và mâu thuẫn đa diện giữa đôi bên ngày càng lan rộng có thể kéo dài nhiều năm. Điều tích cực là hai nước đều nói rất mạnh nhưng chẳng muốn có chiến tranh. Điều tiêu cực là trận chiến kinh tế này sẽ lây lan qua nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. So với thời 1979, thì Việt Nam có ưu thế là đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ về nhiều mặtt, nhưng chưa thể thoát vòng lệ thuộc vào Trung Quốc từ những năm 1989 trở về sau. Thuần về kinh tế thì lãnh đạo Việt Nam nên khai thác ưu thế đó cho người dân của mình và đấy mới là nền tảng của một kế hoạch kinh tế trường kỳ. Nền tảng đó không nên là nằm giữa hai trục Hoa Kỳ và Trung Quốc mà cần mở rộng qua các cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật trong một chuỗi cung ứng đa diện, như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và cả Ấn Độ. Các quốc gia này thật ra cũng không an tâm trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc mà cũng chẳng tin vào khả năng ứng phó lâu dài của nước Mỹ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/05/2019

**********************

Trung Quốc yếu trong cuộc chiến mậu dịch

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 14/05/2019

Ngày thứ Sáu Mỹ bắt đầu tăng thuế quan từ 10% lên 25% trên 200 tỷ USD hàng mua từ nước Tàu, hiệu lực ngay tức khắc. Ngày thứ Hai Trung Quốc mới trả đũa, đánh thuế trên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, đến đầu Tháng Sáu mới thi hành. Phản ứng chậm ba ngày và hoãn một tháng rưỡi mới áp dụng, rất có ý nghĩa. Bắt buộc phải trả đũa, nếu không sẽ mất mặt với dân chúng, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn tỏ ý hòa hoãn.

trade6

Trong hình, một người Trung Quốc chạy xe ngang cửa hàng của công ty sản xuất xe mô tô Harley-Davidson ở Thượng Hải. (Hình : Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Nhưng Tổng thống Donald Trump không hòa hoãn mà còn đả mạnh hơn : Ra lệnh cho Cơ Quan Đại Diện Thương Mại (USTR, đóng vai trò một Bộ Ngoại Thương) công bố danh sách những món hàng còn lại nhập cảng từ bên Tàu, trị giá 300 tỷ USD, sẽ bị đánh giá 25% nốt.

Trung Quốc đấu dịu, Mỹ cứ tiếp tục găng. Vì trong trận chiến quan thuế này Mỹ ở thế mạnh, Trung Quốc thế yếu.

Trong bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào, người mua mạnh hơn kẻ bán, nhất là khi họ có thể mua những thứ hàng đó ở nhiều nơi khác. Mỹ mua của Trung Quốc nhiều hơn bán cho nước Tàu. Cho nên mạnh hơn.

Số hàng Mỹ bán cho Tàu không quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, chỉ bằng 0,7% Tổng sản lượng nội địa (GDP), nếu mất đi cũng không ghê gớm lắm. Trong khi đó số hàng Tàu bán qua Mỹ chiếm gần 4% GDP, cao nhất so với số xuất cảng qua các nước khác. Nếu giao thương đứt đoạn thì bên Tàu sẽ thiệt hại nặng hơn. Người ta đã ước tính nếu chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra kinh tế Mỹ có thể bị tụt giảm, GDP mất từ 0,5% đến 0,7% ; còn Trung Quốc sẽ bị mất khoảng từ 1% đến 1,5%.

Trung Quốc phát triển trong ba chục năm qua phần lớn nhờ làm hàng rẻ tiền để xuất cảng. Năm vừa qua Trung Quốc bán qua Mỹ thặng dư gần 400 tỷ USD, trong khi số thặng dư với cả thế giới chỉ khoảng 300 tỷ USD. Nghĩa là ngoài thị trường Mỹ ra cán cân thương mại của Trung Quốc bị khiếm hụt 100 tỷ USD so với các nước còn lại. Trong ba tháng đầu năm nay số khiếm hụt đó lại tăng thêm. Tức là, nếu không bán được cho Mỹ thì cũng khó đi tìm khách hàng mới.

Cuộc chiến thương mại lại diễn ra trong lúc kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ phát triển. Trung Quốc từng phát triển 9%, 10% một năm, gần đây đã xuống 6,5% và năm nay có thể xuống 6%, nếu tụt xuống dưới 6% thì hàng triệu người sẽ thất nghiệp. Trong khi đó thì kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh. Có thể nói : Nếu Mỹ không "gây chiến" ngay bây giờ thì trong tương lai sẽ khó tìm ra một cơ hội tốt như vậy.

Giới lãnh đạo nước Tàu cũng biết như thế. Cho nên họ luôn tỏ ra hòa hoãn. Ông Trump đã lớn tiếng tố cáo Bắc Kinh đã đồng ý rồi lại rút lời. Ông nói phải ký thỏa hiệp ngay, nếu không sẽ tăng thuế từ 10% lên 25%, chỉ báo trước có năm ngày ! Nhưng Tập Cận Bình vẫn gửi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc qua Mỹ nói chuyện tiếp. Đi không lại trở về không, ông Lưu Hạc vẫn tuyên bố sẽ còn tiếp tục thương nghị.

Trả lời đài truyền hình Phoenix Television ở Hồng Kông, ông Lưu Hạc nói Trung Quốc không "rút lại" những gì đã đồng ý với phía Mỹ. Ông giải thích : "Chỉ là bất đồng ý kiến về ngôn từ viết ra sao mà thôi".

Nghĩa là, Bắc Kinh sẵn sàng làm theo các yêu cầu của Mỹ, nhưng cách viết ra những nhượng bộ đó trên giấy thì họ muốn sửa đổi !

Những yêu cầu nào của Mỹ đã gây ra vụ bất đồng rắc rối đó ?

Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc phải cắt bỏ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, để bắt họ phải cạnh tranh ngang sức với các xí nghiệp Mỹ. Đây cũng chính là chương trình dài hạn của ông Tập Cận Bình, nhằm cải thiện chính các xí nghiệp quốc doanh. Nhưng đó là chính sách của chính Tập Cận Bình, ông ta đã nói ra từ mấy năm nay rồi. Không thể cho dân chúng Trung Hoa nghĩ rằng Tập Cận Bình bị Mỹ ép cho nên phải theo chính sách đó. Có nhiều cách để thỏa thuận này được viết ra sao cho hai bên không bên nào bị mất mặt.

Nhưng vấn đề các doanh nghiệp Mỹ vào nước Tàu làm ăn rắc rối hơn. Mỹ muốn Trung Quốc tôn trọng quyền sở hữu tri thức, bản quyền các sáng chế kỹ thuật của các xí nghiệp Mỹ. Trung Quốc đồng ý nguyên tắc này. Nhưng Mỹ còn muốn Trung Quốc phải cho các xí nghiệp Mỹ làm ăn ở bên Tàu phải có quyền thưa kiện nếu bị lấy cắp hoặc bị ép buộc phải chuyển giao các sáng chế của mình cho các công ty Trung Quốc cùng làm ăn.

Đến đây thì rắc rối. Có thể tưởng tượng biết bao nhiêu chi tiết cần ghi trong thỏa hiệp : Thưa kiện ở đâu ? Có thể tin tòa án bên Tàu xét xử công bằng hay không ? Thưa kiện tại một tòa án quốc tế hay tòa án Mỹ được không ? Phán quyết sẽ được thi hành như thế nào ?

Hai bên có thể đã thỏa hiệp về vấn đề này, viết cách nào để cho Mỹ an tâm nhưng không làm mất mặt ai cả. Nhưng khi Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc xem bản dự thảo thỏa hiệp họ thấy không ổn. Họ muốn phải viết một cách mơ hồ hơn, để đỡ mất mặt ! Bởi vì có những điều đã thỏa hiệp trong bản văn viết nháp nếu đem thi hành thì Trung Quốc phải thay đổi cả luật lệ thương mại của nước họ.

Ông Tập Cận Bình không dám chấp nhận. Ông đã lỡ kích động tự ái dân tộc của người dân từ năm, sáu năm nay ! Người Trung Quốc còn nhớ mãi những thỏa hiệp thương mại phải ký với các nước Tây phương trong thế kỷ 19. Dưới sức đe dọa của họng súng, nhà Thanh đã phải thay đổi nhiều thứ luật lệ, chỉ dùng cho người Tàu nhưng không được áp dụng với người da trắng.

Vì vậy, Tập Cận Bình muốn sửa đổi lời lẽ trong bản thỏa hiệp nháp. Đối với người Trung Hoa, những sửa đổi đó không quan trọng. Nếu tôi đã hứa với anh sẽ làm gì, anh phải tin tôi sẽ làm đúng lời hứa. Thay đổi một vài câu để "rửa mặt" cho nhau, việc đó không thay đổi lời đã hứa, vì danh dự của tôi đặt trên chữ Tín !

Người Mỹ không suy nghĩ theo lối đó. Cái gì cũng phải giấy trắng mực đen. Thế là cuộc đàm phán bế tắc.

Cuộc đàm phán bế tắc vì hai hệ thống pháp lý nước Tàu và nước Mỹ khác nhau, không thể liên kết được. Người Tàu nghĩ rằng luật pháp thành văn không quan trọng bằng cách người ta thi hành luật, có thể luồn lách, gia giảm, tùy theo chính sách của cấp trên. Nếu Tập Cận Bình bảo phải tôn trọng quyền lợi các công ty Mỹ thì các quan tòa sẽ xử theo lối đó ; đâu việc gì phải lo ? Nhưng người Mỹ không có thói quen suy nghĩ như vậy.

Tháng Sáu này Trump và Tập sẽ gặp nhau ở Osaka, Nhật Bản, bên lề hội nghị G20. Ông Tập sẽ hỏi ông Trump : Tại sao ông bạn đã đặt hết tin tưởng vào Kim Jong Un mà lại không tin tôi ? So sánh những lời lẽ của ông Trump nói về Bắc Hàn trước đây thì những điều ông đang nói về Trung Quốc còn nhẹ nhàng hơn nhiều.

Ông Trump có thể sẽ hòa hoãn. Ngày thứ Ba, 14 Tháng Năm, ông mới nói rất lạc quan : "Họ muốn ký một thỏa hiệp. Thế nào cũng có, tuyệt đối !"

Vì tuy trên mặt trận kinh tế nước Tàu rất yếu so với Mỹ, nhưng vị thế của ông Trump ở Mỹ lại yếu hơn ngôi vua của ông Tập trong nước Tàu. Nhà nông Mỹ không bán được đậu nành thì kêu trời, còn dân Trung Hoa thất nghiệp cũng đành chịu. Donald Trump sang năm sẽ phải tái tranh cử, còn Tập Cận Bình có thể làm chủ tịch nước Trung Hoa Cộng Sản suốt đời ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 14/05/2019

*******************

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo hai bên đi xuống

Trọng Thành, RFI, 14/05/2019

Trong tuần lễ thứ hai của tháng 5/2019, đàm phán thương mại Mỹ - Trung bất ngờ chuyển sang một bước quanh mới. Vòng thương thuyết thứ 11 tưởng như gần đạt kết quả, bất ngờ đổ vỡ. Cùng lúc đó Hoa Kỳ quyết định tăng thuế với toàn bộ hơn 300 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ba ngày sau, Bắc Kinh trả đũa. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động đến hai bên ra sao ?

trade7

Ảnh minh họa : Đồng đô la Mỹ (trái) và nhân dân tệ của Trung Quốc (phải). Reuters/Jason Lee

Sau đây là một số nhận định của nhà báo Dominique Baillard, phụ trách chuyên mục Thời sự Kinh tế của RFI.

RFI : Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát trở lại với quyết định trả đũa của Bắc Kinh hôm qua, 13/05/2019. Trung Quốc quyết định tăng thuế nhập khẩu với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, từ 10 đến 25%, kể từ đầu tháng 6/2019. Cuộc chiến tăng thuế qua lại bắt đầu gây tổn hại cho nền kinh tế hai quốc gia. Bên nào thiệt hại nặng nhất ?

Dominique Baillard : Theo tổng thống Mỹ Donald Trump, thì chắc chắn không phải là Hoa Kỳ. Ông Trump coi Mỹ là bên thắng lớn trong xung đột này. Theo tổng thống Mỹ, các biện pháp bảo hộ mậu dịch, được thiết lập để trừng phạt Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải ký kết một thỏa thuận mang lại nhiều tiền cho nước Mỹ. Kể từ thứ Sáu tuần trước, 10/05, thuế nhập khẩu vào Mỹ với hàng Trung Quốc đã tăng từ 10 đến 25% đối với tổng cộng 200 tỉ đô la hàng hóa. Và chính quyền Mỹ dự kiến tiếp tục nâng thuế với toàn bộ hàng trăm tỉ đô la hàng Trung Quốc còn lại. Trên thực tế, nếu như chính quyền Liên bang thực sự có thêm nhiều khoản thu mới, thì ngược lại các nhà xuất khẩu Trung Quốc không có vẻ chấp nhận mất tiền, chưa có gì cho thấy trong hiện tại, phía Trung Quốc sẽ giảm giá hàng hóa bán sang Mỹ.

RFI : Vậy ai sẽ phải trả giá ?

Dominique Baillard : Cho đến nay, theo các kinh tế gia của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, cũng như của Ngân Hàng Thế Giới, các doanh nghiệp và người tiêu thụ Mỹ là thiệt hại nhất. Các doanh nghiệp Mỹ có nguy cơ tổn thương nhiều hơn cả, bởi họ cần đến thị trường Trung Quốc để sản xuất hoặc bán các sản phẩm như Apple, Caterpillar, hay Intel, vốn nhập từ Trung Quốc đến 25% số linh kiện cần thiết. Các tập đoàn này đang gánh chịu các tổn thất nặng nề trên thị trường chứng khoán. Kể từ khi chính quyền Trump gia tăng áp lực với Trung Quốc, ba tập đoàn này đã mất hơn 10% trị giá cổ phiếu trên chứng khoán Wall Street. Các công ty phân phối như WallMart hay Macy’s chắc chắn cũng sẽ gánh chịu hậu quả của việc tăng thuế với hàng dệt may Trung Quốc. Nếu họ không tăng giá hàng bán ra, để có thể duy trì khả năng cạnh tranh, thì phần lãi thu về sẽ sụt giảm.

RFI : Chứng khoán Mỹ hôm qua sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng Giêng đến nay. Vì sao lại như vậy ?

Dominique Baillard : Bởi các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng hai nước tìm được một thỏa thuận, trong lúc dường như cách đây chục hôm, viễn cảnh đó là nằm trong tầm tay. Tại các vùng nông thôn nước Mỹ, nỗi nghi ngờ nhường chỗ cho sự tuyệt vọng. Các chủ trang trại Mỹ đã thiệt hại nhiều trong cuộc chiến thương mại này, bất chấp việc họ đã nhận được những khoản trợ cấp đặc biệt, nhằm bù lại việc không bán được đậu tương sang Trung Quốc chẳng hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nạn nhân của việc tăng thuế Mỹ. Về mặt số lượng thuần túy, Trung Quốc là bên thiệt hại hơn. Do Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ hơn là nhập khẩu - một trong các nguồn gốc của xung đột song phương, điều tự nhiên là kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn, do việc tăng thuế. Quý một năm nay là quý đầu tiên, mà tổng trao đổi thương mại song phương sụt giảm, so với cùng kỳ năm ngoái 2018.

RFI : Tuy nhiên, phải chăng Trung Quốc vẫn còn các lá chủ bài trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ ?

Dominique Baillard : Trước hết, để giảm nhẹ các cú sốc, chính quyền Trung Quốc có trong tay phương tiện tiền tệ. Hồi năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 8%. Điều này làm vô hiệu hóa các tác động của việc tăng thuế nhập khẩu Mỹ. Với các biện pháp trả đũa hôm qua, chính quyền Trung Quốc cho thấy là họ không có ý định để bị tấn công, mà không có phản ứng gì, và Bắc Kinh cũng sẵn sàng sử dụng các vũ khí gây thiệt hại hơn nhiều. Theo một nhật báo lớn của Trung Quốc, số lượng phi cơ Boeing Trung Quốc đặt mua của Mỹ có thể sẽ giảm bớt. Dư luận cũng ngày càng nói đến nhiều hơn một vũ khí ghê gớm khác. Đó là việc bán ồ ạt ra thị trường các trái phiếu của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Trung Quốc là quốc gia mua nhiều trái phiếu của Mỹ nhất, với tổng dự trữ 1.200 tỉ đô la). Đây là một vũ khí gây tổn hại kinh hoàng. Một mặt, việc này gây tổn thất đáng kể cho nước Mỹ, khiến Mỹ phải chi nhiều tiền hơn cho các khoản nợ. Nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả ngược lại, với việc làm tổn hại chính giá trị của kho dữ trữ tiền tệ của họ. Một điều chắc chắn là, trước mắt, cuộc chạy đua tăng thuế nhập khẩu chỉ khiến các bên thua thiệt.

***

Theo AFP, các chuyên gia cũng nói đến một số biện pháp trả đũa khác của Trung Quốc, và những hậu quả gậy ông đập lưng ông. Như kêu gọi tẩy chay một số mặt hàng mũi nhọn Mỹ, như điện thoại iPhone. Điều mà Trung Quốc đã từng làm với Nhật Bản vào năm 2012 và Hàn Quốc, năm 2017. Các đợt vận động tẩy chay do chính quyền giật dây khiến doanh thu ngành xe hơi hai nước tại Trung Quốc sụt giảm đến 50%. Tuy nhiên, biện pháp tẩy chay cũng sẽ ảnh hưởng đến chính hàng triệu người Trung Quốc làm việc cho các công ty Mỹ, cùng các đối tác địa phương Trung Quốc.

Việc siết chặt kiểm soát nhằm ngăn cản hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, cũng là điều nằm trong tầm tay của Bắc Kinh. Như đòi hỏi phải tuân thủ ngặt nghèo các quy định, tăng cường kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh, hay làm nghẽn việc lưu thông hàng hóa tại hải quan… Một thành viên của phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc cảnh báo là, cho dù các biện pháp này được "một bộ phận đông đảo người Trung Quốc ủng hộ, nhưng sẽ khiến các doanh nghiệp (nước ngoài) mất lòng tin". Ngược lại, Washington cũng có thể đáp trả bằng việc cấm cửa một số doanh nghiệp Trung Quốc, ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ cao cấp, như đã từng làm với tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc ZTE hồi năm ngoái.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 14/05/2019

******************

Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh kích động dân chúng chống Mỹ

Thùy Dương, RFI, 14/05/2019

Ba ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh khởi động thủ tục áp thuế đối với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, truyền thông Nhà nước Trung Quốc từ tối hôm qua, 13/05/2019, đã "lên giọng" tuyên bố "Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng".

trade8

Trang mạng thông tin thời sự Trung Quốc Tân Văn Liên Bá (Xinwen Lianbo) Ảnh : Wikipedia

Chỉ một giờ sau tuyên bố của truyền thông Nhà nước, Bắc Kinh thông báo biện pháp đáp trả Washington : Trung Quốc sẽ áp thuế trên 60 tỉ đô la hàng nhập từ Mỹ.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :

"Sau nhiều ngày yên ả và che giấu thông tin, sự thức tỉnh của các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của cư dân mạng.

Tân Văn Liên Bá (Xinwen Lianbo), bản tin thời sự lúc 19 giờ của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc, đã được hơn 3 tỉ lượt "like" vào sáng hôm nay. Người dẫn bản tin thời sự được xem nhiều nhất ở Trung Quốc đã nói dằn từng chữ, xin trích : "Hoa Kỳ đã phát động chiến tranh thương mại. Quan điểm của chúng ta rất rõ ràng : Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng không sợ chiến tranh. Nếu chúng ta không có lựa chọn nào khác, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng".

Những lời nói trên không phải là tình cờ. Những tuyên bố đó được ra chỉ một giờ trước khi bộ Tài Chính phát đi một thông cáo về các biện pháp đáp trả nhắm vào 60 tỉ đô la hàng nhập từ Hoa Kỳ. Băng vidéo về những tuyên bố trên được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Các cư dân mạng đã tới tấp bình luận : "Trung Quốc không bao giờ lùi bước về các nguyên tắc", "Tôi rất xúc động, tôi ủng hộ đất nước tôi".

Hôm nay, sự ủng hộ này đã được thể hiện dưới hình thức một cuộc thăm dò ý kiến trên Đậu Biện (Douban), diễn đàn trên mạng hiện giờ được nhiều người biết đến nhất. Trả lời cho câu : "Nếu leo thang thương mại vẫn tiếp diễn, nếu Trung Quốc cần quý vị, thì quý vị sẽ làm gì ?", 66 % cư dân mạng cho biết sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm của Mỹ, trong đó có cả iPhone. 59% nói sẽ không bao giờ uống Coca Cola nữa. Ngược lại, chỉ có 15 % cho biết sẵn sàng hiến vàng cho Nhà nước. 9 % sẵn sàng làm việc thêm giờ mà không cần được trả thêm tiền".

Trong khi đó, tại Mỹ, hôm qua 13/05, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump thông báo chính phủ sẽ chi 15 tỉ đô la để hỗ trợ nông dân đối phó với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Năm ngoái, Washington cũng đã chi 12 tỉ đô la trợ giúp nông dân bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 14/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)