Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không phải hoàn toàn là thương mại

Scott B. MacDonald, VNTB, 15/05/2019

Tăng trưởng kinh tế vẫn là nền tảng quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và là ảnh hưởng của Tập Cận Bình trong việc nắm giữ quyền lực quốc gia.

trade9

Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện giống như trâu bò đánh nhau ; trong khi chúng hùng hùng hổ hổ và giành giật nhau, mục đích tối hậu chỉ là hăm dọa mà không hủy diệt nhau. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đều tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù một thỏa thuận thương mại có thể sẽ được ký giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình vào một thời điểm nào đó trong năm 2019, nhưng các vấn đề cạnh tranh kinh tế và đối đầu địa chính trị cho thấy rằng cuộc chiến thương mại hiện tại chỉ là một màn trong một tấn kịch dài giữa hai hệ thống hết sức khác biệt nhau, một khu vực tư nhân và định hướng dân chủ, còn khu vực kia lại hướng đến sự phát triển kinh tế theo hướng nhà nước và chuyên quyền.

Vấn đề kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là do chuỗi thặng dư thương mại khổng lồ và kéo dài của Trung Quốc với Hoa Kỳ. Bất chấp cuộc thương chiến một năm giữa hai nước (với các biện pháp gia tăng thuế quan và phản đòn thuế quan đối kháng), Trung Quốc đã kết thúc năm 2018 với thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục là 419,2 tỷ đô la với Hoa Kỳ (theo Cục điều tra Hoa Kỳ). Ngay cả sau khi đã trừ đi số xuất khẩu dịch vụ của Hoa Kỳ, thặng dư của Trung Quốc trong năm 2018 (đối với Hoa Kỳ) vẫn là một con số đáng kể - 378,6 tỷ đô la.

Đối với nhiều người Mỹ, (đặc biệt là những người sống ở Vành đai công nghiệp - Rust Belt - và trong số những nhân vật điều hâu thương mại), nguyên nhân của việc mất công ăn việc làm trong khu vực sản xuất chế tạo chính là sự trỗi dậy của một Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các hoạt động thương mại không công bằng bằng gian lận. Các hoạt động này bao gồm việc bảo hộ thị trường trong nước cho ngành công nghiệp còn non trẻ ; cung cấp tín dụng giá rẻ từ các ngân hàng phát triển nhà nước ; bắt buộc phải chuyển giao công nghệ từ các công ty của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc cho các đối tác địa phương ; và thao túng tiền tệ. Mặc dù phần lớn các công ăn việc làm trong ngành sản xuất ở Hoa Kỳ bị mất là do việc tự động hóa sử dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao năng suất, khả năng vạch mặt thủ phạm vẫn có tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị trong nước của Hoa Kỳ.

Mất việc làm trong các nhóm có thế lực rất mạnh trong khu vực sản xuất chế tạo trước đây ở Hoa Kỳ chắc chắn là một yếu tố giúp Trump giành được chiến thắng tại các tiểu bang như Ohio, Michigan và Wisconsin. Lời kêu gọi của ông Trump "Làm cho nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn", vốn được ủng hộ bởi quan điểm thương mại bảo hộ, rõ ràng là đã tạo ra được sự hưởng ứng nhạy bén. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016, ứng cử viên Trump lúc bấy giờ đã tuyên bố : "Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc hãm hiếp đất nước chúng ta, và đó là những gì họ đang làm".

Các công ty Hoa Kỳ đã thực sự phải đối mặt với một sân chơi không bình đẳng với nhiều đối tác Trung Quốc của họ. Có quan điểm chung đáng kể là tán thưởng cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc. Liên quan đến đó là kế hoạch của Trung Quốc để trở thành một cường quốc công nghệ thống trị thế giới (kế hoạch của "Chế tạo tại Trung Quốc, năm 2025") vì nó nhấn mạnh vai trò của các công ty công nghệ Trung Quốc trong tất cả mọi thứ (bao gồm 5G, thăm dò không gian và theo dõi, giám sát con người) như là một sự bành trướng của chính sách nhà nước.

Một phần của phản đòn của Washington là vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, nữ giám đốc phụ trách công tác tài chính Huawei tại Canada vào tháng 12 năm 2018 vì vi phạm luật trừng phạt của Hoa Kỳ. Như nhà báo Kenneth Rapoza của Forbes đã viết, "Những bê bối mới nhất của Huawei cho thấy rằng các công ty công nghệ Trung Quốc có thể nổi lên một cách ngoạn mục bằng cách sao chép các công nghệ nước ngoài trong các dự án liên doanh hoặc thông qua các hành động tội phạm của công nhân ký thuật cao như trộm cắp tài sản trí tuệ và đánh cắp các bí mật của các công ty".

Ngoài việc cân nhắc địa chính trị về sự trỗi dậy lặng lẽ của Trung Quốc, Trump cần một thỏa thuận thương mại vì chuẩn bị cho mùa bầu cử năm 2020. Trong khi nền kinh tế Mỹ hiện đang mở rộng nhanh chóng và thất nghiệp giảm xuống tới mức (thấp) 3,6%, một thất bại trong thỏa thuận thương mại có thể kìm hãm tăng trưởng ; cho dù có sử dụng từ nào đi chăng nữa, thì thuế quan vẫn là thuế và thuế đó đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong một cuộc chiến thương mại toàn diện, GDP thực tế của Hoa Kỳ sẽ giảm tới 0,6%.

Một trong những lĩnh vực mà cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã làm tổn thương nền kinh tế Hoa Kỳ nhiều nhất là nông nghiệp. Theo Cục Nông nghiệp nước ngoài, kể từ khi ông Trump nhậm chức và bắt đầu cuộc chiến thương mại, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã giảm từ 17,142 tỷ đô la năm 2017 xuống còn 11,853 tỷ đô la vào năm 2018, như vậy là đã giảm 31%. Chính quyền Trump, vốn nhận thức sâu sắc rằng ngành nông nghiệp là nền tảng của ông ta, đã cung cấp một khoản cứu trợ 12 tỷ đô la cho nông dân, nhưng các vấn đề vẫn càng ngày càng gia tăng (bao gồm việc mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh và lũ lụt).

Việc ký kết một thỏa thuận thương mại cũng không kém phần quan trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến việc giảm 1,5% tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế vẫn là nền tảng quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình trong việc nắm giữ quyền lực ở Trung Quốc. Suy thoái kinh tế kéo dài sẽ gây ra những vấn đề đáng kể cho Tập Cận Bình, bao gồm những căng thẳng tiềm ẩn về thất nghiệp, lo ngại về lương hưu khi số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng cao và khả năng của chính phủ về phúc lợi xã hội. Mặc dù sự kiện Quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra vào năm 1989 và việc lặp lại sự kiện ấy là một khả năng xa vời, nhưng đó vẫn hằn trong ký ức giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là do giá cả tăng, tham nhũng và những nỗi âu lo về tương lai của đất nước. Hai yếu tố cuối cùng được thể hiện rõ ở Trung Quốc ngày nay.

Trong vài năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại khi chính phủ tìm cách tái cấu trúc từ các chính sách định hướng xuất khẩu chuyển sang phát triển nền kinh tế nội địa mạnh hơn. Nhưng cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ phức tạp hóa thêm viễn cảnh này. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP thực tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,6% trong năm 2018, giảm so với GDP thực tế năm 2017 là 6,8%. Dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục giảm trong các năm 2019 và 2020.

Tình hình ngặt nghèo của nền kinh tế Trung Quốc thể hiện rõ ở nhiều chỉ báo khác nhau, có lẽ thách thức nhất là các mức nợ cao. Trong những năm gần đây, vay nợ của các công ty Trung Quốc đã tăng một cách đáng kể ; Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, trong năm 2017, tỷ lệ này chiếm 160,3% GDP. Tổng nợ của Trung Quốc trên GDP thậm chí còn lớn hơn. Theo Viện Tài chính Quốc tế, vào cuối năm 2018, nợ tài chính, nợ chính phủ, hộ gia đình và phi tài chính tổng cộng ở mức gần 300%, một trong những mức cao nhất thế giới. 

Việc chính phủ siết chặt tín dụng đen và tăng trưởng kinh tế chậm hơn do thương chiến đã làm cho nợ của Trung Quốc trở nên trầm trọng bởi vì các khoản nợ đến hẹn phải trả đang càng ngày càng gia tăng, đã đánh thẳng vào thị trường trái phiếu trị giá 13 tỷ USD của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, các khoản nợ trái phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với năm 2017, và năm 2019 cũng sẽ tăng nhiều hơn năm trước. Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc đã không trả được 39,2 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD) trái phiếu trong bốn tháng đầu năm nay, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Thủ đoạn thương mại không công bằng của Trung Quốc cũng đã gây ra rắc rối cho các đối tác thương mại khác. Châu Âu gặp nhiều vấn đề tương tự đối với Trung Quốc, bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc và các hạn chế khác đối với các công ty hoạt động trong nền kinh tế Châu Á. Thật vậy, sự nhảy vọt của Huawei Technologies trong lĩnh vực 5G đã dẫn đến việc một số quốc gia Châu Âu đã chọn không sử dụng công ty của Trung Quốc này. Vào tháng 3 năm 2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng đã có một sự "thức tỉnh của Châu Âu" về sự thống trị tiềm năng của Trung Quốc đối với lục địa này, sự thống trị tiềm năng mà có thể được xem là được dẫn dắt bởi vị trí thống trị của Huawei trên thị trường 5G. Vụ bắt giữ một nhân viên Trung Quốc của Huawei tại Ba Lan do các cáo buộc gián điệp hồi tháng 1 năm 2019 cũng không giúp giảm đi những nghi kỵ với Trung Quốc.

Chúng ta trở lại với cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cả hai bên đều cần một thỏa thuận cho phép họ tuyên bố chiến thắng. Thất bại trên mặt trận này rất có thể sẽ có tác động xấu đối với cả hai nền kinh tế, mà không có ai thắng cuộc. Điều này khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ tìm kiếm một thỏa thuận có khả năng sẽ xóa đi những khác biệt mà sẽ còn tồn tại một cách dai dẳng. Có đủ những lợi ích chung giữa Bắc Kinh và Washington để thực hiện một thỏa thuận, điều này tốt cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ tiếp tục và các lĩnh vực như công nghệ sẽ tiếp tục là trung tâm của những xung đột thương mại và địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Scott B. MacDonald

Nguyên tác : Chinás Trade War Isn't Entirely About Trade, Tne National Interest, 09/05/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 15/05/2019

Tác giả bài báo : Scott B. MacDonald là kinh tế gia trưởng của Smith’s Research and Gradings - một công ty phân loại, xếp hạng tín dụng tài chính được thành lập vào năm 1992, có trụ sở tại Great Falls, Virginia. 

*******************

Thương chiến Mỹ-Trung và cơ hội 'ngàn năm một thuở' cho Việt Nam

Đinh Trường Hinh, BBC, 15/05/2019

Những ngày gần đây, cuộc chiến Mỹ - Trung đã lên đến cao điểm sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc nuốt lời hứa đối với những gì họ đã đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại, đó là sẽ ban hành các đạo luật nhằm thực thi những cam kết đạt được.

trade1

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một xưởng chế biến sản phẩm tre nứa

Do đó, Tổng thống Trump đã cho tăng thuế nhập cảng trên 5.700 loại hàng hóa có trị giá 200 tỷ Mỹ kim từ Trung Quốc đến Mỹ, từ 10% lên 25%.

Hôm thứ Hai, 13/04, Trung Quốc trả đũa để giữ thể diện bằng cách tăng thuế nhập cảnh của một số hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ Mỹ kim lên 25%.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn Mỹ nhiều trong cuộc chiến này.

Hầu hết tất cả các chuyên viên kinh tế trên thế giới đều cho rằng dù cho đàm phán Mỹ - Trung sẽ xảy ra với kết quả tốt đi chăng nữa, hay dù Tổng thống Trump có được thay bằng một tổng thống Đảng Dân chủ đi chăng nữa, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay lùi lại cao điểm như ba thập niên qua.

Về phía Mỹ, họ nhận ra rằng Trung Quốc đã tận dụng sự cởi mở của các nước Âu Mỹ cũng như toàn cầu hóa để hiện đại hóa nền kinh tế và để bắt kịp các nước tân tiến.

Tham vọng của Bắc Kinh

Nếu mục đích của Trung Quốc dừng lại ở đây thì cũng không có gì đáng nói.

Nhưng mà cùng lúc, càng ngày Trung Quốc càng lộ rõ bá đồ muốn thống trị cả thế giới về kinh tế cũng như về quân sự. Điển hình là chương trình 2025, trong đó Bắc Kinh muốn trở thành lãnh đạo thế giới về kỹ nghệ năm 2049 ; và hành động quân sự cũng như thái độ thách thức của họ trên Biển Đông, nhất là đối với các nước láng giềng và đối với Nhật Bản.

Các nước Âu Mỹ nay đều đã tỉnh ngộ và thấy rằng Trung Quốc sẽ là mối hiểm họa lớn về kinh tế cũng như về quân sự trong Thế kỷ 21.

Thế nhưng cho đến khi ông Trump lên làm tổng thống, hầu như các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều né tránh việc đối diện với sự thật, và đều dùng các phương pháp gián tiếp, thay vì trực tiếp, trong việc đối đầu với những thách thức của Trung Quốc.

Tòa Bạch Ốc của ông Trump đã thẳng thắn gọi hành động kinh tế hung hãn của Trung Quốc là mối đe dọa cho công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ và của thế giới.

Tác động của cuộc thương chiến đối với kinh tế Việt Nam

Nếu viễn ảnh tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc không còn sáng lạn như trước đây và sự cạnh tranh Mỹ - Trung càng ngày càng gắt gao, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào ?

Thứ nhất, các công ty phi quốc gia lớn trên thế giới (đa số là của Âu Mỹ) sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa các hoạt động đầu tư ở Trung Quốc, và sẽ chuyển một số các cơ số sản xuất hay thương mại đi các nước khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Chính Tổng thống Trump đã nói hôm 13/05 : "... Ngoài ra, thuế quan của Mỹ hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn mua từ một quốc gia không bị áp thuế, hoặc bạn mua sản phẩm bên trong Hoa Kỳ (ý tưởng này là tốt nhất). Đó là mức thuế Zero. Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở Châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này !"

Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế sản xuất của Trung Quốc, cho nên các công ty đa quốc gia sẽ dò xét xem Việt Nam có làm vậy được hay không.

Theo so sánh thế giới thì Việt Nam có tiềm năng về năng lực rất khá so với các nước khác ở Á châu.

Thứ hai, xuất khẩu của Trung Quốc hiện vẫn còn đang tuỳ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ (do công nghiệp tích hợp dọc -- 'vertically integrated industries'), cho nên các công ty công nghệ Trung Quốc cũng sẽ kiếm cách dọn qua Việt Nam sản xuất, hầu có thể dùng cái nhãn hiệu "Made in Vietnam" để quay lại thị trường Mỹ và tránh thuế nhập cảng của Mỹ.

Thứ ba, những chính sách kinh tế của Trung Quốc nhằm đương đầu với những thách thức mới về kinh tế cũng sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, chẳng hạn như hối đoái hay tiền tệ. Do đó các chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới cũng phải thật là linh động để có thể đem lại quyền tự chủ cho quốc gia.

Cơ hội và thách thức

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do đó sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội độc nhất vô nhị, mà nếu nắm bắt được thì nó sẽ giúp Việt Nam tiến lên rất mạnh và rất xa trong kỹ nghệ hóa, trở thành một nước tân tiến trong 20-30 năm.

Mặt khác, nếu không biết nắm lấy cơ hội này và không giải quyết được những thách thức mới thì Việt Nam sẽ suy sụp và không vươn lên nổi trong một thế giới cạnh tranh mãnh liệt này.

Do đó, kết quả tốt hay xấu đều tuỳ thuộc vào các chính sách kinh tế mà Việt Nam cần phải xác định rõ ràng.

Muốn nắm lấy cơ hội để tiến lên, chuyện đầu tiên Việt Nam phải làm là duyệt xét lại luật đầu tư hầu có thể kiểm soát chặt chẽ các đầu tư từ nước ngoài, nhằm tránh tình trạng bị các nước lạ lợi dụng để bán sang Mỹ.

Chính phủ phải giới hạn các khuyến khích về đầu tư trong những lãnh vực có thể làm hoàn thiện chuỗi khâu sản xuất hiện nay, và ưu tiên cho các nhà máy dùng những máy móc tối tân (như máy sợi cho ngành dệt), đầu tư vào các ngành công nghệ và trí tuệ cao, và nhất là phải tạo cơ hội để huấn luyện công nhân Việt Nam có thể hấp thụ công nghiệp mới.

Chính phủ cần phải nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trội quan trọng có nhiều liên kết ngược (backward linkages) với các công kỹ nghệ trong nước cũng như có lợi thế so sánh xuất cảng.

Thứ hai, chính phủ cần phải cấp tốc cải tổ và hoàn chuẩn nền giáo dục đại học và các chương trình dạy nghề.

Việt Nam cần phải có cơ cấu về nghiên cứu (R&D), trong đó có ba cơ quan nghiên cứu nằm trong khu vực công, khu vực hãng xưởng tư nhân, và khu vực đại học.

trade2

Chính phủ cần phải nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trội quan trọng có nhiều liên kết ngược với các công kỹ nghệ trong nước.

Chính phủ phải giúp tạo ra cơ cấu này và thắt chặt mối liên hệ giữa ba lãnh vực này, nhằm nâng cao khả năng sáng tạo một cách hữu hiệu.

Để thu hút nhân tài, chính phủ cần đi mọi nơi thuyết phục các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài về cũng như để tạo điều kiện cho họ làm việc trong nước.

Thứ ba, cần phải xét lại vai trò của nhà nước : Có những lãnh vực nhà nước cần phải giữ một vài trò quan trọng, chẳng hạn như bảo vệ môi trường, an ninh thực phẩm, bảo vệ quyền công nhân, lập một hệ thống phân xử minh bạch giữa chủ và thợ khi có các tranh chấp, đầu tư vào hạ tầng cơ sở để giúp đỡ các xí nghiệp tư, v.v... Ngược lại, có những lãnh vực về sản xuất, nhất là công nghiệp, thì chính phủ cần phải đi ra khỏi 100% để tư nhân có thể hoàn toàn vượt lên.

Quan trọng hơn hết là phải biết nếu Việt Nam muốn tiến lên thì phải tạo điều kiện cho "Made by Vietnam" chứ không phải "Made in Vietnam", tức là phải tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam sản xuất đi từ giai đoạn lắp ráp đến sản xuất kỹ thuật riêng (OEM --own engineering manufacturing), đến giai đoạn sản xuất thiết kế riêng (ODM-own design manufacturing), đến sản xuất thương hiệu riêng (OBM-own brand manufacturing).

trade3

Việt Nam được nhiều hãng đa quốc gia chọn đầu tư một phần nhờ có lực lượng lao động giá rẻ

Một thí dụ dễ hiểu là mặc dù hiện giờ điện thoại Samsung của Nam Hàn làm ở Việt Nam (Made in Việt Nam) rất nhiều (Việt Nam xuất cảng trên 25 tỷ đô la điện thoại mỗi năm), nhưng tuyệt đại đa số các thành phần trong điện thoại là nhập cảng từ các nước khác và Nam Hàn chỉ dùng công nhân Việt Nam giá rẻ để lắp ráp mà thôi. Vì vậy mà 99% giá tri của điện thoại là không phải do Việt Nam làm (Made by Vietnam).

Nếu không làm được điều này thì cả đời Việt Nam chỉ làm công nhân lắp ráp. Và muốn làm được điều này thì chính phủ phải đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên một nền kinh tế dựa trên trí tuệ con người.

Làm sao kỹ nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nhất là về giá cả đầu vào, nhiên liệu v.v... ?

Tôi đã trình bày những yếu tố để Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong cuốn sách "Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2013.

Nói tóm lại, không có gì người dân Việt Nam không làm được nếu có được sự hỗ trợ đắc lực và khéo léo của chính phủ. Đây cũng là cơ hội ngàn năm một thuở.

Nếu Việt Nam không nắm lấy thì chắc chắn các nước cạnh tranh sẽ lấy đi mất.

Đinh Trường Hinh

Nguồn : BBC, 15/05/2019

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ tịch Công ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014).

Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp nhẹ Châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hóa (2017).

******************

Chuỗi cung ứng đảo lộn

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA, 14/05/2019

Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đi vào giai đoạn căng thẳng nhất với các biện pháp trả đũa hai bên tung ra gần như hàng ngày sẽ được áp đặt vào thời gian tới. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa và giá trị sản xuất giữa các nước đang có thay đổi lớn, Việt Nam sẽ ở vào vị trí nào, và hưởng lợi ra sao ? Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này.

trade4

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới Việt Nam như một giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa) AFP

Việt Nam : giải pháp thay thế ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, như diễn đàn này đã dự báo, trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc còn kéo dài chứ chưa dứt và nay đang lên tới một cao độ mới sau các quyết định trả đũa giữa đôi bên. Người ta đặc biệt chú ý là trong ngày thứ Hai 13 tháng năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump hai lần nhắc tới Việt Nam, trên trương mục Twitter và khi tiếp xúc với báo chí bên Thủ tướng Hungary, như một giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc. Ông nghĩ sao về biến chuyển này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ ông Trump trễ mất vài năm khi nhắc tới Việt Nam như một giải pháp điền thế cho giới đầu tư khi họ rút khỏi thị trường Trung Quốc vì thật ra điều ấy đã xảy ra từ lâu, mà trong giới đầu tư trực tiếp cũng có các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Còn lại, Việt Nam tính sao trước cục diện mới là điều chúng ta cần tìm hiểu kỳ này…

Trước hết, Hoa Kỳ là siêu cường rất trẻ nếu so với các cường quốc hay Đế quốc xuất hiện trước đó trên thế giới. Nhờ ưu điểm tự do, siêu cường này phát triển mạnh về tư tưởng, kinh tế lẫn quân sự. Nhưng vì quá trẻ nên mắc bệnh lạc quan, tưởng mình muốn làm gì ở nơi nào cũng được, rồi sau đó hốt hoảng bi quan và tái phối trí ưu tiên cùng phương tiện sau khi căng mỏng lực lượng ra khắp nơi và hụt hơi. Còn Trung Quốc lụn bại sau mấy thế kỷ duy trì hệ thống kinh tế chính trị lạc hậu nay muốn tìm lại vị trí cường quốc của mình. Vì vậy, mâu thuẫn giữa hai nước từ hai bờ Thái Bình Dương tất nhiên xảy ra, và rút tỉa các bài học thất bại quân sự, nhiều lắm, Hoa Kỳ chọn trận địa chiến là kinh tế thay cho quân sự.

Nguyên Lam : Ông cho rằng trận thương chiến giữa hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Thái Bình Dương hiện nay là giải pháp thay thế cho đụng độ quân sự ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ đã thất bại trong Chiến tranh Cao Ly 1950-1953 và Chiến tranh Việt Nam, chưa kể nhiều nơi khác trong hơn 70 năm qua, nên đã trưởng thành hơn xưa. thứ hai, cũng do tinh thần lạc quan đến độ chủ quan, nhiều thế hệ lãnh đạo Hoa Kỳ còn tưởng kinh tế thị trường tất nhiên dẫn đến chính trị dân chủ và việc hợp tác để trợ giúp Trung Quốc khiến cường quốc này sẽ thành quốc gia biết điều cùng tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới. Một quốc gia tiên tiến về kinh tế như Hoa Kỳ bên một nước đông dân có nhân công rẻ như Trung Quốc là sự hội nhập lý tưởng. Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu hình thành giữa các nước cùng tham dự tiến trình tạo thêm giá trị kinh tế. Nhưng nay sự thể đổi khác trước mắt chúng ta vì Trung Quốc không hành xử như Hoa Kỳ trông đợi và các doanh nghiệp Mỹ đang thấy ra điều ấy. Họ rút khỏi trị trường Trung Quốc vì hết còn lời như xưa và trận thương chiến sẽ tăng tốc hiện tượng triệt thoái ấy. Đấy cũng là cơ hội cho Việt Nam.

Nguyên Lam : Ông vừa nói Tổng thống Donald Trump trễ mất vài năm khi nhắc tới Việt Nam như một giải pháp thay thế cho thị trường Trung Quốc. Xin đề nghị ông giải thích chuyện này cho thính giả của chúng ta.

trade5

Công nhân có trình độ và tay nghề cao mới có thể giúp cho Việt Nam được lựa chọn trong việc "điền thế". (Ảnh minh họa) AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ nhiều năm trước khi ra tranh cử tổng thống, doanh gia Donald Trump đã thấy Trung Quốc trục lợi và Hoa Kỳ bị thiệt khi buôn bán với nhau. Sau khi đắc cử, ông muốn cải sửa chuyện đó và chọn trận địa mậu dịch là nơi có lợi nhất cho nước Mỹ vì Hoa Kỳ không lệ thuộc vào ngoại thương như Trung Quốc dù rằng chiến tranh mậu dịch tất nhiên gây tổn thất cho cả hai.

Tôi lấy một thí dụ về sự tình của ngày thứ Hai 13 vừa qua, khi truyền thông loan tin rằng các thị trường cổ phiếu toàn cầu đã mất giá chừng ngàn tỷ đô la vì Bắc Kinh dọa áp thuế trên 60 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ bán vào Trung Quốc. Đấy là sự nông cạn điển hình vì trị giá của doanh nghiệp Mỹ có thể mất 700 tỷ, chứ giới đầu tư quốc tế đã rút một ngàn tỷ 900 triệu đô là khỏi thị trường Trung Quốc.

Điều đáng nói là sau 30 năm tăng trưởng mạnh, kinh tế và dân số Trung Quốc cũng thay đổi khiến ưu thế dân số đông và nhân công rẻ hết còn như xưa. Kinh tế xứ này không còn một "công xưởng toàn cầu" và giới đầu tư quốc tế đã phải tìm nơi thay thế là các nền kinh tế đông dân có nhân công rẻ hơn Trung Quốc trong khi Bắc Kinh ra sức leo lên một trình độ sản xuất cao hơn, với công nghệ hay "thuật lý" tiên tiến, theo phương pháp bất chính như ăn cắp hay ăn cướp đang bị Hoa Kỳ khiếu nại và truy tố. Vì vậy, từ năm năm về trước, giới đầu tư quốc tế đã tìm hơn chục bãi đáp khác, như Bangladesh, Mexico, Malaysia hay Việt Nam và riêng số lượng đầu tư của Mỹ vào thị trường Trung Quốc đã giảm từ năm 2016.

Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến ?

Nguyên Lam : Thưa ông, nếu vậy thì ta có nên kết luận rằng kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên nhìn theo hai giác độ ngắn hạn và dài hạn và tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam cũng đã thấy ra điều ấy. Trước mắt thì Việt Nam có lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu có thay đổi và đầu tư trực tiếp của nước ngoài sẽ chọn thị trường Việt Nam làm bãi đáp thay thế Trung Quốc, nhưng lợi nhiều hay ít thì còn tùy vào khả năng tiếp nhận và khai thác của Việt Nam vì yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng suất và tay nghề của nhân công xứ này. thứ hai, cũng thuộc về ngắn hạn thì Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Donald Trump có biệt nhãn với Việt Nam nên lặng lẽ yểm trợ các hoạt động công thương nghiệp dù bộ máy hành chính công quyền Mỹ vừa nhắc tới nạn lũng đoạn hối đoái hay thao túng tiền tệ, là tìm lợi thế nhờ tỷ giá thấp của đồng bạc Việt Nam so với đô la Mỹ. Chúng ta không quên rằng nước nào cũng có chính sách kích thích kinh tế với hậu quả là sai biệt về lãi suất và phân lời sẽ làm đồng bạc của mình rẻ hơn so với ngoại tệ phổ biến nhất là Mỹ kim… Chính Tổng thống Mỹ cũng còn muốn Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tham gia trận thương chiến bằng cách hạ lãi suất cơ bản khi Bắc Kinh sẽ lại bơm thêm tiền để kích thích kinh tế cho thấy sự thể đó. Nhưng việc Việt Nam được Hoa Kỳ nhắc tới như một quốc gia có thể chiếm lợi thế ngoại hối là một sự quảng cáo bất ngờ !

Nguyên Lam : Thưa ông, đó là về chuyện ngắn hạn, chứ trong dài hạn thì sự thể sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ trận thương chiến Mỹ-Hoa sẽ kéo dài, có tính chất đa diện và, như trong mọi trận chiến, thể nào cũng có tổn thất. Tổn thất toàn cầu là sự sút giảm trong luồng ngoại thương giữa các nước, sau đó là đà tăng trưởng toàn cầu. Nằm giữa chuỗi cung ứng đó, Việt Nam cũng sẽ bị chi phối, khi kinh tế quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp của quốc tế là những nhược điểm quan trọng nhất của Việt Nam, chưa nói tới giáo dục và đào tạo.

Chuyện kế tiếp và quan trọng hơn vậy là vai trò đầu tư trực tiếp của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu xứ này sớm hiểu ra sự thể khi thương chiến bùng nổ từ 10 tháng trước nên đã cố tìm giải pháp thay thế, là đầu tư vào các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Cam Bốt hay Việt Nam. Mục tiêu của họ là vẫn xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ nhưng không dưới nhãn "Made in China". Khi đã tuyên chiến về thương mại với Trung Quốc, Hoa Kỳ tích cực canh chừng chuyện đó nên Việt Nam cần thận trọng để khỏi là một nước ngầm xuất khẩu hàng Trung Quốc dưới thương hiệu của mình.

Nguyên Lam : Thưa ông, chúng ta có thể kết luận như thế nào về biến cố quá phức tạp này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến một sự đổi thay lớn kể từ 40 năm nay, khi Hoa Kỳ bắt đầu xét lại đối sách thân hữu của mình với Trung Quốc và mâu thuẫn đa diện giữa đôi bên ngày càng lan rộng có thể kéo dài nhiều năm. Điều tích cực là hai nước đều nói rất mạnh nhưng chẳng muốn có chiến tranh. Điều tiêu cực là trận chiến kinh tế này sẽ lây lan qua nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. So với thời 1979, thì Việt Nam có ưu thế là đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ về nhiều mặtt, nhưng chưa thể thoát vòng lệ thuộc vào Trung Quốc từ những năm 1989 trở về sau. Thuần về kinh tế thì lãnh đạo Việt Nam nên khai thác ưu thế đó cho người dân của mình và đấy mới là nền tảng của một kế hoạch kinh tế trường kỳ. Nền tảng đó không nên là nằm giữa hai trục Hoa Kỳ và Trung Quốc mà cần mở rộng qua các cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật trong một chuỗi cung ứng đa diện, như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và cả Ấn Độ. Các quốc gia này thật ra cũng không an tâm trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc mà cũng chẳng tin vào khả năng ứng phó lâu dài của nước Mỹ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/05/2019

**********************

Trung Quốc yếu trong cuộc chiến mậu dịch

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 14/05/2019

Ngày thứ Sáu Mỹ bắt đầu tăng thuế quan từ 10% lên 25% trên 200 tỷ USD hàng mua từ nước Tàu, hiệu lực ngay tức khắc. Ngày thứ Hai Trung Quốc mới trả đũa, đánh thuế trên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, đến đầu Tháng Sáu mới thi hành. Phản ứng chậm ba ngày và hoãn một tháng rưỡi mới áp dụng, rất có ý nghĩa. Bắt buộc phải trả đũa, nếu không sẽ mất mặt với dân chúng, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn tỏ ý hòa hoãn.

trade6

Trong hình, một người Trung Quốc chạy xe ngang cửa hàng của công ty sản xuất xe mô tô Harley-Davidson ở Thượng Hải. (Hình : Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Nhưng Tổng thống Donald Trump không hòa hoãn mà còn đả mạnh hơn : Ra lệnh cho Cơ Quan Đại Diện Thương Mại (USTR, đóng vai trò một Bộ Ngoại Thương) công bố danh sách những món hàng còn lại nhập cảng từ bên Tàu, trị giá 300 tỷ USD, sẽ bị đánh giá 25% nốt.

Trung Quốc đấu dịu, Mỹ cứ tiếp tục găng. Vì trong trận chiến quan thuế này Mỹ ở thế mạnh, Trung Quốc thế yếu.

Trong bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào, người mua mạnh hơn kẻ bán, nhất là khi họ có thể mua những thứ hàng đó ở nhiều nơi khác. Mỹ mua của Trung Quốc nhiều hơn bán cho nước Tàu. Cho nên mạnh hơn.

Số hàng Mỹ bán cho Tàu không quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, chỉ bằng 0,7% Tổng sản lượng nội địa (GDP), nếu mất đi cũng không ghê gớm lắm. Trong khi đó số hàng Tàu bán qua Mỹ chiếm gần 4% GDP, cao nhất so với số xuất cảng qua các nước khác. Nếu giao thương đứt đoạn thì bên Tàu sẽ thiệt hại nặng hơn. Người ta đã ước tính nếu chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra kinh tế Mỹ có thể bị tụt giảm, GDP mất từ 0,5% đến 0,7% ; còn Trung Quốc sẽ bị mất khoảng từ 1% đến 1,5%.

Trung Quốc phát triển trong ba chục năm qua phần lớn nhờ làm hàng rẻ tiền để xuất cảng. Năm vừa qua Trung Quốc bán qua Mỹ thặng dư gần 400 tỷ USD, trong khi số thặng dư với cả thế giới chỉ khoảng 300 tỷ USD. Nghĩa là ngoài thị trường Mỹ ra cán cân thương mại của Trung Quốc bị khiếm hụt 100 tỷ USD so với các nước còn lại. Trong ba tháng đầu năm nay số khiếm hụt đó lại tăng thêm. Tức là, nếu không bán được cho Mỹ thì cũng khó đi tìm khách hàng mới.

Cuộc chiến thương mại lại diễn ra trong lúc kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ phát triển. Trung Quốc từng phát triển 9%, 10% một năm, gần đây đã xuống 6,5% và năm nay có thể xuống 6%, nếu tụt xuống dưới 6% thì hàng triệu người sẽ thất nghiệp. Trong khi đó thì kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh. Có thể nói : Nếu Mỹ không "gây chiến" ngay bây giờ thì trong tương lai sẽ khó tìm ra một cơ hội tốt như vậy.

Giới lãnh đạo nước Tàu cũng biết như thế. Cho nên họ luôn tỏ ra hòa hoãn. Ông Trump đã lớn tiếng tố cáo Bắc Kinh đã đồng ý rồi lại rút lời. Ông nói phải ký thỏa hiệp ngay, nếu không sẽ tăng thuế từ 10% lên 25%, chỉ báo trước có năm ngày ! Nhưng Tập Cận Bình vẫn gửi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc qua Mỹ nói chuyện tiếp. Đi không lại trở về không, ông Lưu Hạc vẫn tuyên bố sẽ còn tiếp tục thương nghị.

Trả lời đài truyền hình Phoenix Television ở Hồng Kông, ông Lưu Hạc nói Trung Quốc không "rút lại" những gì đã đồng ý với phía Mỹ. Ông giải thích : "Chỉ là bất đồng ý kiến về ngôn từ viết ra sao mà thôi".

Nghĩa là, Bắc Kinh sẵn sàng làm theo các yêu cầu của Mỹ, nhưng cách viết ra những nhượng bộ đó trên giấy thì họ muốn sửa đổi !

Những yêu cầu nào của Mỹ đã gây ra vụ bất đồng rắc rối đó ?

Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc phải cắt bỏ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, để bắt họ phải cạnh tranh ngang sức với các xí nghiệp Mỹ. Đây cũng chính là chương trình dài hạn của ông Tập Cận Bình, nhằm cải thiện chính các xí nghiệp quốc doanh. Nhưng đó là chính sách của chính Tập Cận Bình, ông ta đã nói ra từ mấy năm nay rồi. Không thể cho dân chúng Trung Hoa nghĩ rằng Tập Cận Bình bị Mỹ ép cho nên phải theo chính sách đó. Có nhiều cách để thỏa thuận này được viết ra sao cho hai bên không bên nào bị mất mặt.

Nhưng vấn đề các doanh nghiệp Mỹ vào nước Tàu làm ăn rắc rối hơn. Mỹ muốn Trung Quốc tôn trọng quyền sở hữu tri thức, bản quyền các sáng chế kỹ thuật của các xí nghiệp Mỹ. Trung Quốc đồng ý nguyên tắc này. Nhưng Mỹ còn muốn Trung Quốc phải cho các xí nghiệp Mỹ làm ăn ở bên Tàu phải có quyền thưa kiện nếu bị lấy cắp hoặc bị ép buộc phải chuyển giao các sáng chế của mình cho các công ty Trung Quốc cùng làm ăn.

Đến đây thì rắc rối. Có thể tưởng tượng biết bao nhiêu chi tiết cần ghi trong thỏa hiệp : Thưa kiện ở đâu ? Có thể tin tòa án bên Tàu xét xử công bằng hay không ? Thưa kiện tại một tòa án quốc tế hay tòa án Mỹ được không ? Phán quyết sẽ được thi hành như thế nào ?

Hai bên có thể đã thỏa hiệp về vấn đề này, viết cách nào để cho Mỹ an tâm nhưng không làm mất mặt ai cả. Nhưng khi Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc xem bản dự thảo thỏa hiệp họ thấy không ổn. Họ muốn phải viết một cách mơ hồ hơn, để đỡ mất mặt ! Bởi vì có những điều đã thỏa hiệp trong bản văn viết nháp nếu đem thi hành thì Trung Quốc phải thay đổi cả luật lệ thương mại của nước họ.

Ông Tập Cận Bình không dám chấp nhận. Ông đã lỡ kích động tự ái dân tộc của người dân từ năm, sáu năm nay ! Người Trung Quốc còn nhớ mãi những thỏa hiệp thương mại phải ký với các nước Tây phương trong thế kỷ 19. Dưới sức đe dọa của họng súng, nhà Thanh đã phải thay đổi nhiều thứ luật lệ, chỉ dùng cho người Tàu nhưng không được áp dụng với người da trắng.

Vì vậy, Tập Cận Bình muốn sửa đổi lời lẽ trong bản thỏa hiệp nháp. Đối với người Trung Hoa, những sửa đổi đó không quan trọng. Nếu tôi đã hứa với anh sẽ làm gì, anh phải tin tôi sẽ làm đúng lời hứa. Thay đổi một vài câu để "rửa mặt" cho nhau, việc đó không thay đổi lời đã hứa, vì danh dự của tôi đặt trên chữ Tín !

Người Mỹ không suy nghĩ theo lối đó. Cái gì cũng phải giấy trắng mực đen. Thế là cuộc đàm phán bế tắc.

Cuộc đàm phán bế tắc vì hai hệ thống pháp lý nước Tàu và nước Mỹ khác nhau, không thể liên kết được. Người Tàu nghĩ rằng luật pháp thành văn không quan trọng bằng cách người ta thi hành luật, có thể luồn lách, gia giảm, tùy theo chính sách của cấp trên. Nếu Tập Cận Bình bảo phải tôn trọng quyền lợi các công ty Mỹ thì các quan tòa sẽ xử theo lối đó ; đâu việc gì phải lo ? Nhưng người Mỹ không có thói quen suy nghĩ như vậy.

Tháng Sáu này Trump và Tập sẽ gặp nhau ở Osaka, Nhật Bản, bên lề hội nghị G20. Ông Tập sẽ hỏi ông Trump : Tại sao ông bạn đã đặt hết tin tưởng vào Kim Jong Un mà lại không tin tôi ? So sánh những lời lẽ của ông Trump nói về Bắc Hàn trước đây thì những điều ông đang nói về Trung Quốc còn nhẹ nhàng hơn nhiều.

Ông Trump có thể sẽ hòa hoãn. Ngày thứ Ba, 14 Tháng Năm, ông mới nói rất lạc quan : "Họ muốn ký một thỏa hiệp. Thế nào cũng có, tuyệt đối !"

Vì tuy trên mặt trận kinh tế nước Tàu rất yếu so với Mỹ, nhưng vị thế của ông Trump ở Mỹ lại yếu hơn ngôi vua của ông Tập trong nước Tàu. Nhà nông Mỹ không bán được đậu nành thì kêu trời, còn dân Trung Hoa thất nghiệp cũng đành chịu. Donald Trump sang năm sẽ phải tái tranh cử, còn Tập Cận Bình có thể làm chủ tịch nước Trung Hoa Cộng Sản suốt đời ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 14/05/2019

*******************

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo hai bên đi xuống

Trọng Thành, RFI, 14/05/2019

Trong tuần lễ thứ hai của tháng 5/2019, đàm phán thương mại Mỹ - Trung bất ngờ chuyển sang một bước quanh mới. Vòng thương thuyết thứ 11 tưởng như gần đạt kết quả, bất ngờ đổ vỡ. Cùng lúc đó Hoa Kỳ quyết định tăng thuế với toàn bộ hơn 300 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ba ngày sau, Bắc Kinh trả đũa. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động đến hai bên ra sao ?

trade7

Ảnh minh họa : Đồng đô la Mỹ (trái) và nhân dân tệ của Trung Quốc (phải). Reuters/Jason Lee

Sau đây là một số nhận định của nhà báo Dominique Baillard, phụ trách chuyên mục Thời sự Kinh tế của RFI.

RFI : Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát trở lại với quyết định trả đũa của Bắc Kinh hôm qua, 13/05/2019. Trung Quốc quyết định tăng thuế nhập khẩu với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, từ 10 đến 25%, kể từ đầu tháng 6/2019. Cuộc chiến tăng thuế qua lại bắt đầu gây tổn hại cho nền kinh tế hai quốc gia. Bên nào thiệt hại nặng nhất ?

Dominique Baillard : Theo tổng thống Mỹ Donald Trump, thì chắc chắn không phải là Hoa Kỳ. Ông Trump coi Mỹ là bên thắng lớn trong xung đột này. Theo tổng thống Mỹ, các biện pháp bảo hộ mậu dịch, được thiết lập để trừng phạt Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải ký kết một thỏa thuận mang lại nhiều tiền cho nước Mỹ. Kể từ thứ Sáu tuần trước, 10/05, thuế nhập khẩu vào Mỹ với hàng Trung Quốc đã tăng từ 10 đến 25% đối với tổng cộng 200 tỉ đô la hàng hóa. Và chính quyền Mỹ dự kiến tiếp tục nâng thuế với toàn bộ hàng trăm tỉ đô la hàng Trung Quốc còn lại. Trên thực tế, nếu như chính quyền Liên bang thực sự có thêm nhiều khoản thu mới, thì ngược lại các nhà xuất khẩu Trung Quốc không có vẻ chấp nhận mất tiền, chưa có gì cho thấy trong hiện tại, phía Trung Quốc sẽ giảm giá hàng hóa bán sang Mỹ.

RFI : Vậy ai sẽ phải trả giá ?

Dominique Baillard : Cho đến nay, theo các kinh tế gia của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, cũng như của Ngân Hàng Thế Giới, các doanh nghiệp và người tiêu thụ Mỹ là thiệt hại nhất. Các doanh nghiệp Mỹ có nguy cơ tổn thương nhiều hơn cả, bởi họ cần đến thị trường Trung Quốc để sản xuất hoặc bán các sản phẩm như Apple, Caterpillar, hay Intel, vốn nhập từ Trung Quốc đến 25% số linh kiện cần thiết. Các tập đoàn này đang gánh chịu các tổn thất nặng nề trên thị trường chứng khoán. Kể từ khi chính quyền Trump gia tăng áp lực với Trung Quốc, ba tập đoàn này đã mất hơn 10% trị giá cổ phiếu trên chứng khoán Wall Street. Các công ty phân phối như WallMart hay Macy’s chắc chắn cũng sẽ gánh chịu hậu quả của việc tăng thuế với hàng dệt may Trung Quốc. Nếu họ không tăng giá hàng bán ra, để có thể duy trì khả năng cạnh tranh, thì phần lãi thu về sẽ sụt giảm.

RFI : Chứng khoán Mỹ hôm qua sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng Giêng đến nay. Vì sao lại như vậy ?

Dominique Baillard : Bởi các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng hai nước tìm được một thỏa thuận, trong lúc dường như cách đây chục hôm, viễn cảnh đó là nằm trong tầm tay. Tại các vùng nông thôn nước Mỹ, nỗi nghi ngờ nhường chỗ cho sự tuyệt vọng. Các chủ trang trại Mỹ đã thiệt hại nhiều trong cuộc chiến thương mại này, bất chấp việc họ đã nhận được những khoản trợ cấp đặc biệt, nhằm bù lại việc không bán được đậu tương sang Trung Quốc chẳng hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nạn nhân của việc tăng thuế Mỹ. Về mặt số lượng thuần túy, Trung Quốc là bên thiệt hại hơn. Do Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Mỹ hơn là nhập khẩu - một trong các nguồn gốc của xung đột song phương, điều tự nhiên là kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn, do việc tăng thuế. Quý một năm nay là quý đầu tiên, mà tổng trao đổi thương mại song phương sụt giảm, so với cùng kỳ năm ngoái 2018.

RFI : Tuy nhiên, phải chăng Trung Quốc vẫn còn các lá chủ bài trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ ?

Dominique Baillard : Trước hết, để giảm nhẹ các cú sốc, chính quyền Trung Quốc có trong tay phương tiện tiền tệ. Hồi năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 8%. Điều này làm vô hiệu hóa các tác động của việc tăng thuế nhập khẩu Mỹ. Với các biện pháp trả đũa hôm qua, chính quyền Trung Quốc cho thấy là họ không có ý định để bị tấn công, mà không có phản ứng gì, và Bắc Kinh cũng sẵn sàng sử dụng các vũ khí gây thiệt hại hơn nhiều. Theo một nhật báo lớn của Trung Quốc, số lượng phi cơ Boeing Trung Quốc đặt mua của Mỹ có thể sẽ giảm bớt. Dư luận cũng ngày càng nói đến nhiều hơn một vũ khí ghê gớm khác. Đó là việc bán ồ ạt ra thị trường các trái phiếu của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Trung Quốc là quốc gia mua nhiều trái phiếu của Mỹ nhất, với tổng dự trữ 1.200 tỉ đô la). Đây là một vũ khí gây tổn hại kinh hoàng. Một mặt, việc này gây tổn thất đáng kể cho nước Mỹ, khiến Mỹ phải chi nhiều tiền hơn cho các khoản nợ. Nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả ngược lại, với việc làm tổn hại chính giá trị của kho dữ trữ tiền tệ của họ. Một điều chắc chắn là, trước mắt, cuộc chạy đua tăng thuế nhập khẩu chỉ khiến các bên thua thiệt.

***

Theo AFP, các chuyên gia cũng nói đến một số biện pháp trả đũa khác của Trung Quốc, và những hậu quả gậy ông đập lưng ông. Như kêu gọi tẩy chay một số mặt hàng mũi nhọn Mỹ, như điện thoại iPhone. Điều mà Trung Quốc đã từng làm với Nhật Bản vào năm 2012 và Hàn Quốc, năm 2017. Các đợt vận động tẩy chay do chính quyền giật dây khiến doanh thu ngành xe hơi hai nước tại Trung Quốc sụt giảm đến 50%. Tuy nhiên, biện pháp tẩy chay cũng sẽ ảnh hưởng đến chính hàng triệu người Trung Quốc làm việc cho các công ty Mỹ, cùng các đối tác địa phương Trung Quốc.

Việc siết chặt kiểm soát nhằm ngăn cản hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, cũng là điều nằm trong tầm tay của Bắc Kinh. Như đòi hỏi phải tuân thủ ngặt nghèo các quy định, tăng cường kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh, hay làm nghẽn việc lưu thông hàng hóa tại hải quan… Một thành viên của phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc cảnh báo là, cho dù các biện pháp này được "một bộ phận đông đảo người Trung Quốc ủng hộ, nhưng sẽ khiến các doanh nghiệp (nước ngoài) mất lòng tin". Ngược lại, Washington cũng có thể đáp trả bằng việc cấm cửa một số doanh nghiệp Trung Quốc, ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ cao cấp, như đã từng làm với tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc ZTE hồi năm ngoái.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 14/05/2019

******************

Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh kích động dân chúng chống Mỹ

Thùy Dương, RFI, 14/05/2019

Ba ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh khởi động thủ tục áp thuế đối với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, truyền thông Nhà nước Trung Quốc từ tối hôm qua, 13/05/2019, đã "lên giọng" tuyên bố "Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng".

trade8

Trang mạng thông tin thời sự Trung Quốc Tân Văn Liên Bá (Xinwen Lianbo) Ảnh : Wikipedia

Chỉ một giờ sau tuyên bố của truyền thông Nhà nước, Bắc Kinh thông báo biện pháp đáp trả Washington : Trung Quốc sẽ áp thuế trên 60 tỉ đô la hàng nhập từ Mỹ.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :

"Sau nhiều ngày yên ả và che giấu thông tin, sự thức tỉnh của các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của cư dân mạng.

Tân Văn Liên Bá (Xinwen Lianbo), bản tin thời sự lúc 19 giờ của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc, đã được hơn 3 tỉ lượt "like" vào sáng hôm nay. Người dẫn bản tin thời sự được xem nhiều nhất ở Trung Quốc đã nói dằn từng chữ, xin trích : "Hoa Kỳ đã phát động chiến tranh thương mại. Quan điểm của chúng ta rất rõ ràng : Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng không sợ chiến tranh. Nếu chúng ta không có lựa chọn nào khác, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng".

Những lời nói trên không phải là tình cờ. Những tuyên bố đó được ra chỉ một giờ trước khi bộ Tài Chính phát đi một thông cáo về các biện pháp đáp trả nhắm vào 60 tỉ đô la hàng nhập từ Hoa Kỳ. Băng vidéo về những tuyên bố trên được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Các cư dân mạng đã tới tấp bình luận : "Trung Quốc không bao giờ lùi bước về các nguyên tắc", "Tôi rất xúc động, tôi ủng hộ đất nước tôi".

Hôm nay, sự ủng hộ này đã được thể hiện dưới hình thức một cuộc thăm dò ý kiến trên Đậu Biện (Douban), diễn đàn trên mạng hiện giờ được nhiều người biết đến nhất. Trả lời cho câu : "Nếu leo thang thương mại vẫn tiếp diễn, nếu Trung Quốc cần quý vị, thì quý vị sẽ làm gì ?", 66 % cư dân mạng cho biết sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm của Mỹ, trong đó có cả iPhone. 59% nói sẽ không bao giờ uống Coca Cola nữa. Ngược lại, chỉ có 15 % cho biết sẵn sàng hiến vàng cho Nhà nước. 9 % sẵn sàng làm việc thêm giờ mà không cần được trả thêm tiền".

Trong khi đó, tại Mỹ, hôm qua 13/05, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump thông báo chính phủ sẽ chi 15 tỉ đô la để hỗ trợ nông dân đối phó với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Năm ngoái, Washington cũng đã chi 12 tỉ đô la trợ giúp nông dân bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 14/05/2019

Published in Diễn đàn

Chiến tranh thương mại : Ván bài nguy hiểm của Donald Trump

Căng thẳng Mỹ -Trung leo thang làm chứng khoán thế giới tuột dốc, nguy cơ Iran phong tỏa vùng Vịnh, Pháp soán ngôi Trung Quốc trong danh sách hấp dẫn đầu tư, tranh cãi về vòng xoáy bạo động - bạo lực tại Pháp, tranh cử Nghị Viện Châu Âu là những đề tài chung trên báo Pháp hôm nay.

vanbai1

Ông Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 4/4/2019. Reuters/Kevin Lamarque

Trang nhất Le Figaro giành cho buổi lễ truy điệu hai chiến sĩ đặc nhiệm Pháp hy sinh trong trận giải cứu con tin ở Châu Phi, Le Monde giới thiệu bài điều tra về những sai sót trong guồng máy an ninh Pháp, đứng đầu trách nhiệm là bộ trưởng Nội vụ và tổng thống Macron. Nhưng thông tin nổi bật hơn hết là thương chiến Mỹ-Trung bước vào giai đoạn đáng ngại : hai bên cùng rút súng.

"Thương chiến, Trung Quốc trả đũa" bất chấp khuyến cáo của tổng thống

Mỹ "coi chừng làm tình hình xấu thêm". Le Figaro cho biết vài phút sau khi Bắc Kinh loan báo tăng thuế lên 60 tỷ đôla hàng hóa Mỹ, tổng thống Donald Trump "bắn" một loạt "tweet" đe dọa : tôi đã nói thẳng với chủ tịch Tập và những người bạn tại Trung Quốc là Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng, nếu không thỏa thuận. Bởi vì giới công ty sẽ bỏ Trung Quốc.

Trước mắt, "Căng thẳng làm thị trường chứng khoán rơi rụng", "Giới đầu tư chuẩn bị kịch bản xấu nhất" "đồng tiền Trung Quốc mất giá kỷ lục kể từ đầu năm nay, Châu Á có nguy cơ bị chấn động", loạt bài của Les Echos.

Theo nhật báo kinh tế, ngày hôm qua, không một sàn giao dịch nào thoát hiểm, sau khi đoán lầm Donald Trump chỉ dọa Trung Quốc để gây sức ép. Cuối cùng căng thẳng thật sự leo thang với những hệ quả trước mắt : Wall Street mất giá 2%. Đồng nhân dân tệ giảm 0,8% so với đôla. Một loạt đồng tiền Châu Á, nhất là các nước đang trỗi dậy, buôn bán với Hoa lục chắc chắn sẽ bị lôi xuống theo.

Trong toàn cảnh này, bài xã luận của Les Echos cảnh báo "Lá bài nguy hiểm của Donald Trump". Biến động trên sàn giao dịch chỉ là bước thứ nhất, hệ quả kinh tế tiếp theo mới là chuyện đáng lo. Chắc chắn Trung Quốc bị thiệt hại nặng nhất, vì quá lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng Donald Trump đánh ván bài nguy hiểm, vì làm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ mất trớn. Chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tác động đến toàn thế giới, nhất là Châu Âu, đại cường xuất khẩu công nghệ. Les Echos nhìn nhận Donald Trump có lý khi buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và tôn trọng tác quyền trí tuệ. Nhưng tổng thống Mỹ đã sai lầm khi sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương, thay vì qua Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, gây ra phản ứng trả đũa từ phía Trung Quốc.

Gây căng thẳng với Trung Quốc và Iran để thu hút cử tri Mỹ trước bầu cử 2020, tổng thống Donald Trump đã đặt thế giới vào tình huống bất trắc, Les Echos phê phán.

Cũng cùng nhận định này, Le Figaro cảnh báo : Cách nay vài hôm, truyền thông một chiều ở Hoa lục nhìn nhận chiến tranh thương mại có hại cho Trung Quốc, nhưng giờ đây giọng lưỡi đã đổi khác : Trung Quốc sẵn sàng giao chiến.

Pháp vào "top 5" những quốc gia đầu tư hấp dẫn

Pháp vào "top 5" những quốc gia hấp dẫn đầu tư quốc tế. Đây là tin vui bất ngờ, vì cho dù phong trào Áo vàng xuống đường mỗi thứ bảy suốt 25 tuần liên tiếp, Pháp soán ngôi Trung Quốc trong danh sách "đất lành chim đậu". Le Monde Les Echos đồng nhận định.

Trong bản xếp hạng của A.T. Kearney, công ty cố vấn Hoa Kỳ mà Les Echos trích dẫn, nước Mỹ vẫn dẫn đầu, nhưng lần đầu tiên nước Pháp tạo được tin tưởng mạnh trong giới đầu tư. Đó là nhờ "hiệu ứng Macron". Từ khi điện Elysée đổi chủ cách nay hai năm, nước Pháp nhanh chóng "leo thang" lên hạng 5, sau Mỹ, Đức, Canada và Anh Quốc. Phong trào biểu tình của Áo vàng không tác động gì. Trái lại, đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc rơi xuống hạng thứ 7, sau hơn một chục năm đứng đầu bảng "do những bất cập bên trong, trong đó có nợ khó đòi và chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ".

Trong bài xã luận "Khi Pháp lấy chỗ của Trung Quốc", Philippe Escande của Le Monde cho biết giới nhân viên Trung Quốc làm việc cho công ty nước ngoài rất lo âu cho tương lai. Điển hình là công ty điện toán Oracle của Mỹ thông báo hủy bỏ 900 việc làm tại Hoa lục. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là hiện tượng nổi bật của làn gió bảo hộ thương mại mà hệ quả sẽ là tái phối trí bàn cờ thương mại thế giới.

Nghiên cứu của A.T. Kearney từ 20 năm nay, mỗi năm phỏng vấn 500 doanh nghiệp cho thấy sức hấp dẫn của một thị trường không phải là do nhân công rẻ. Trong danh sách 25 nước thuộc loại đất lành chim đậu, hầu hết là các nước tây phương, chỉ có ba nước đang trỗi dậy là Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico lọt vào. Điển hình là Trung Quốc, đứng đầu bảng từ 2002 đến 2012, đến 2018 vẫn còn bám hạng 5, năm nay bị Pháp chiếm chỗ. Nói gì thì nói, Trung Quốc không có những lợi thế của các nước tây phương : thị trường tiềm năng lớn, thuế khóa hấp dẫn, trình độ công nghệ cao và cuối cùng là có một chế độ ổn định theo nghĩa biết thượng tôn pháp luật.

Căng thẳng tại Vịnh Ba Tư

Vịnh Ba Tư, một hồ sơ nóng khác có nguy cơ đưa đến xung đột giữa Mỹ và Iran. Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với Châu Âu, tựa của La Croix, trong khi Le Figaro báo động : Vịnh Ba Tư căng thẳng, sau khi bốn tàu chở dầu hỏa bị phá hoại, mà chưa rõ ai là thủ phạm.

Vào lúc Washington tố cáo Iran chuẩn bị tấn công vào quyền lợi của Mỹ tại Trung Đông, thì Châu Âu lo ngại xung khắc leo thang thành xung đột võ trang. Sự kiện ngoại trưởng Pompeo đến Bruxelles tham gia cuộc họp cấp ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu là một hình thức lôi kéo Anh, Pháp, Đức, ba nước trong lục cường ký hiệp định hạt nhân 2015 ủng hộ lập trường Mỹ. Theo Le Figaro, Bruxelles tiếp đón ngoại trưởng Mỹ một cách lạnh nhạt. Đại diện ngoại giao Federica Mogherini tuyên bố thẳng : lịch trình làm việc rất nặng. Không biết có thời giờ để thảo luận với ông ấy hay không. Còn theo La Croix, Hoa Kỳ vẫn nuôi hy vọng "làm thay đổi chế độ" tại Tehran, khi nói rằng "Mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh, nhưng muốn giới lãnh đạo Iran thay đổi thái độ".

Trên thực địa, Hoa Kỳ đã đưa vào vịnh Ba Tư một hải đội tác chiến gồm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tên lửa chống tên lửa Patriot và tăng cường không lực với nhiều pháo đài bay B52. Trong tình thế này, lại xảy ra vụ phá hoại bốn chiếc tàu chở dầu hỏa xuất khẩu : hai chiếc của Saudi Arabia, một chiếc của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và chiếc thứ tư của Na Uy. Không rõ ai là kẻ thủ lợi, nhưng Saudi Arabia và Iran bị nghi ngờ hơn cả. Theo giải thích của Le Figaro, Dubai cần hòa bình để khai mạc Triển Lãm Hoàn Vũ nên khó bị cáo buộc. Saudi Arabia có thể tạo cớ để Mỹ đánh kẻ thù Shia Iran và mua thêm vũ khí mới. Iran cũng có thể là thủ phạm, không phải vì hiếu chiến, nhưng do không còn giải pháp nào khác để thoát bế tắc nên đánh, để hy vọng lay chuyển cục diện.

Le Figaro ghi nhận thái độ thận trọng của Mỹ, cho đến tối thứ Hai, không cáo buộc một nước nào.

Tranh luận về vụ giải cứu con tin, khiến hai quân nhân hy sinh

Trở lại thời sự Pháp, vụ du khách Pháp đi du ngoạn ở Châu Phi bị bắt cóc, quân đội đi giải cứu bị hy sinh hai quân nhân gây ra một cuộc tranh luận tại Pháp. Cũng như các đồng nghiệp, Libération dành 6 trang để phân tích lập luận của những kẻ bênh người chống, cùng với bản đồ và các khuyến cáo an ninh của bộ Ngoại giao : "Điểm đến hiểm nguy" là tựa lớn trên trang bìa với ảnh minh họa là một bãi biển thơ mộng nằm trong tầm kính nhắm của một xạ thủ.

Tại Pháp, tổng thống Macron bị chỉ trích từ mọi phía. Ra tận phi tường đón hai con tin được giải cứu với giá hai biệt kích hy sinh, cũng bị chê trách. "Macron, tổng tư lệnh tối cao, bị hiểu lầm", tựa của Le Monde.

Châu Âu : Phe Brexit Anh bị trừng phạt, đảng Xanh Đức khởi sắc

Về chính trị Châu Âu, trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới, đảng Xanh ở Đức thuận buồm xuôi gió, thông tin của Le Monde. Trong khi tại Anh Quốc, đảng bảo thủ có nguy cơ bị cử tri trừng phạt xuống dưới 10% số phiếu bầu, theo hai kết quả thăm dò được trích dẫn trên Les Echos.

Liên hoan Cannes tràn ngập các báo

Trong lĩnh vực điện ảnh, tháng 5 là tháng của mùa Liên hoan Cannes. Tin chuẩn bị Liên hoan lần thứ 72 tràn ngập các báo. Nhiều phim có giá trị được chọn lọc, nhiều minh tinh màn bạc sẽ tham dự, Le Figaro quảng cáo và không quên một ngôi sao của Hollywood vừa tắt lịm ở tuổi 97: Doris Day. Hitchcok, nhà đạo diễn nổi tiếng với các bộ phim nghẹt thở và nhạc phẩm "Que sera, sera" đã đưa người nữ nghệ sĩ nhạc viện tóc vàng đi vào huyền thoại điện ảnh.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Mỹ-Trung : Từ chiến tranh thương mại đến tranh giành vị trí bá chủ thế giới

Vòng đàm phán Mỹ-Trung nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại đã bị cắt ngang hôm 10/06 sau khi tổng thống Trump thông báo Bắc Kinh không muốn đưa vào thỏa thuận những cam kết liên quan quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. Reuters

Trên Le Monde (12-13/05/2019), hai nhà báo Frédéric Lemaître và Gilles Paris cho rằng giữa "Trung Quốc và Mỹ, còn hơn cả cuộc chiến thuế quan".

Trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ nhắc đến những cuộc đàm phán "thẳng thắn và mang tính xây dựng". Dù tiếp tục khẳng định duy trì mối quan hệ "rất bền vững" với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Trump vẫn quyết định tăng thuế, từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỉ đô la hàng nhập từ Trung Quốc. Biểu thuế mới có thể "được dỡ bỏ hoặc không" tùy theo tiến độ vòng đàm phán mới dù chưa có ngày cụ thể. Chưa dừng ở đó, tổng thống Trump ra lệnh lập thêm danh sách đánh thuế mới đối với hàng Trung Quốc với tổng trị giá 325 tỉ đô la và nội dung có thể được công bố ngày 13/05.

Tổng thống Trump tự tin vào khả năng làm thay đổi quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thứ nhất, ông cho rằng nền kinh tế Mỹ vững chắc. Thứ hai, ông bảo đảm rằng dù người dân Mỹ bị cuộc chiến thương mại tác động, nhưng những khoản thuế mà Trung Quốc phải trả "sẽ mang về cho đất nước chúng ta nhiều tiền hơn so với một thỏa thuận thông thường".

Để trấn an cử tri, đặc biệt giới nông dân bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tổng thống Trump khẳng định sẽ dùng tiền thu được từ tăng thuế hàng Trung Quốc để thu mua nông phẩm dư thừa nhằm cứu trợ các nước đói nghèo. Điều trớ trêu là chính quyền tổng thống đương nhiệm lại cắt giảm các khoản cứu trợ quốc tế.

Nếu như đường lối cứng rắn của tổng thống Trump vẫn mang tính chất giao dịch, ngược lại, một bộ phận của chính quyền Mỹ coi các cuộc đàm phán đang diễn ra là cách thể hiện sức mạnh vượt qua cả quy mô thương mại. Bắt đầu từ phó tổng thống Mike Pence, người trực tiếp đánh giá bản chất chế độ Trung Quốc là "chuyên quyền" khi phát biểu trước cử tọa bảo thủ vào tháng 10/2018 ở Washington.

Gần đây, trong một diễn đàn trên Washington Post ngày 06/05, ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tổng thống Trump, kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng từ chối thỏa hiệp với Bắc Kinh vì theo ông, "mục tiêu hiện nay của đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc là trở thành cường quốc bá chủ thế giới".

Cùng ngày, giám đốc lập kế hoạch chính trị của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kiron Skinner, mô tả cặp đôi Mỹ-Trung "là cuộc chiến với một nền văn minh khác hẳn và một ý thức hệ khác mà Hoa Kỳ chưa từng đối đầu. Lần đầu tiên, chúng ta có một đối thủ chính không thuộc chủng tộc da trắng".

Trung Quốc : "Nạn nhân" của phương Tây ?

Dĩ nhiên những phát biểu, nhận định trên được Trung Quốc khai thác, bình luận để chứng minh rằng Hoa Kỳ không thực tâm. Đối với Bắc Kinh, quyết định của Mỹ trừng phạt Iran mà Trung Quốc là khách hàng chính, rồi Washington ủng hộ Đài Loan mà Trung Quốc coi là một tỉnh hoặc China Mobil bị cấm vào thị trường Mỹ đều là những "vụ tấn công" nhắm vào Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ngay cả những người được cho là ôn hòa nhất cũng cho là Hoa Kỳ và một bộ phận các nước phương Tây không chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bắc Kinh vẫn chưa quên mình là "nạn nhân" của phương Tây trong quá khứ : những "thỏa thuận bất công" hồi thế kỷ XIX do phương Tây áp đặt ; khi ký thỏa thuận Versailles, phương Tây đã không trả lại tỉnh Sơn Đông bị Đức chiếm đóng mà trao cho Nhật Bản ; vụ quân đội NATO oanh kích sứ quán Trung Quốc ở Beograd ngày 07/05/1999 trong cuộc chiến Kosovo.

Theo hai nhà báo của Le Monde, ký thỏa thuận với Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bị chỉ trích yếu thế, còn tổng thống Trump được cho là người chiến thắng. Tăng trưởng của Trung Quốc đã vững chắc hơn trong những năm gần đây, nhưng không thể để bị suy sụp chỉ vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hậu quả là tính chính đáng của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ bị đe dọa vì đảng tiếp tục tồn tại được là nhờ bảo đảm sự phát triển và phồn thịnh của tầng lớp trung lưu.

Về phía Mỹ, tình hình cũng không hẳn lạc quan theo phân tích của nhật báo Wall Street Journal. Việc tổng thống Trump gây sức ép để Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất cho thấy rằng tăng trưởng của Mỹ chưa đủ vững mạnh như tổng thống Trump cần để đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh.

Thường thì ngay khi Hoa Kỳ tuyên bố tăng thuế, Trung Quốc có biện pháp đáp trả ngay lập tức. Nhưng lần này, ngoài phản đối, Bắc Kinh chưa thông báo biện pháp cụ thể.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung còn mông lung hơn

"Quan hệ thương mại Mỹ-Trung còn mông lung hơn" là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos. Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ chưa bị tác động rõ ràng vì các sản phẩm mới bị tăng thuế không phải là sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, một danh sách khác, gồm các loại mặt hàng còn lại có tổng giá trị 325 tỉ đô la sắp được đưa ra nghiên cứu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền người dân Mỹ vì đa số là sản phẩm điện tử và hàng hóa thường nhật.

Dù căng thẳng Mỹ-Trung tăng thêm một bậc từ ngày 10/05, phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán không bị cắt đứt và các trở ngại là điều không tránh được ở giai đoạn cuối cùng.

Theo ông Lưu Hạc, hai cường quốc có ba bất đồng chính. Thứ nhất, Bắc Kinh ấn định điều kiện cho một thỏa thuận là mọi khoản thuế đánh thêm của Mỹ phải được xóa bỏ trước đó. Bất đồng thứ hai là khối lượng hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc sẽ mua. Cuối cùng là một cố vấn của chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến một thỏa thuận "cân đối" và chấp nhận được đối với người dân Trung Quốc.

Theo nhận định của Les Echos, chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như tổng thống Donald Trump, đều không muốn mất thể diện trong cuộc chiến thương mại này.

Philippines : Tổng thống Duterte mở rộng quyền lực

Ngày 13/05/2019, cử tri Philippines đi bầu lại toàn bộ Hạ Viện và một nửa Thượng Viện. Cả hai nhật báo Les Echos La Croix đánh giá đây là cơ hội để tổng thống Duterte mở rộng quyền kiểm soát.

Theo Les Echos, "Tại Philippines, Duterte trên đà mở rộng quyền kiểm soát đối với các thể chế"vì cuộc bầu cử Nghị Viện lần này cho phép những người ủng hộ tổng thống Duterte chiếm đa số ở Hạ Viện và kiểm soát Thượng Viện, trong khi nguyên thủ Philippines muốn khôi phục án tử hình, được bãi bỏ lần đầu vào năm 1987, sau đó là vào năm 2006 và sửa đổi Hiến Pháp, để mở đường cho ông Duterte có thể cầm quyền thêm một nhiệm kỳ mới vào năm 2022. Hiện tại, tổng thống Philippines chỉ được bầu một nhiệm kỳ duy nhất, kéo dài 6 năm.

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix nhận định : "Tại Philippines, Rodrigo Duterte hy vọng tăng cường quyền lực". Bị suy yếu từ năm 2016 sau khi cựu thị trưởng Davao lên làm tổng thống, Thượng Viện không còn là đối trọng chính chống lại những biện pháp mạnh tay của tổng thống Philippines và sắp tới có thể rơi vào tay ông Duterte.

Dù bị quốc tế và đối lập chỉ trích, tổng thống Duterte vẫn nổi tiếng trong nước vì, ngoài cuộc chiến bài trừ ma túy, rất nhiều biện pháp xã hội đã được tiến hành ở Philippines từ năm 2016 : miễn phí đại học công, tăng lương cho một số công chức, mở rộng mạng lưới internet… Theo phân tích của nhà nghiên cứu David Camroux, "ở một đất nước nơi cơ cấu nhà nước còn yếu kém, người dân cần an ninh hơn. Duterte hoàn thành tốt vai trò này. Ông vừa như một Hiệp sĩ rừng xanh, vừa là một cảnh sát trưởng Nottingham".

Chính đảng Pháp chính thức vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu

Ngày 13/05/2019, các đảng phái ở Pháp chính thức bắt đầu cuộc vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu, diễn ra từ ngày 23-26/05. Đây là chủ đề chính, chiếm nhiều bài viết của các nhật báo Pháp.

Kỉ niệm hai năm nhậm chức thủ tướng Pháp, ông Edouard Philippe đã dành cho Le Figaro một cuộc phỏng vấn, nhưng tập trung nhấn mạnh đến vai trò của Liên Hiệp Châu Âu : "Chúng ta tiến bước, dù chúng ta còn nhiều việc phải làm", đồng thời bảo vệ nguyên tắc : "Để có được một nước Pháp vững mạnh trong một Châu Âu bền chặt".

Les EchosLa Croix đều quan tâm đến "sự trở lại của cặp song đấu" giữa đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) và đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN). Với Les Echos, "Macron chống Le Pen : cặp song đấu không thương tiếc của kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu", đặc biệt sau khi tổng thống Pháp tuyên bố tối 09/05 rằng ông sẽ làm mọi cách để đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia không về đầu.

Nhật báo Libération tiếp tục chơi chữ khi đánh giá về chiến lược của đảng cầm quyền, "Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, LREM thẳng tiến đến đích" ("droite" trong tiếng Pháp vừa là cánh hữu, vừa được dùng khi nói về đi thẳng). Thực vậy, đảng của tổng thống Pháp đang tìm cách liên kết với cử tri của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Một bằng chứng được Le Figaro nêu lên là "Nghị sĩ cánh hữu Jérôme Peyrat gia nhập điện Elysée". Ông Peyrat từng là cố vấn của hai đời tổng thống cánh hữu Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy.

Đề cương của bốn chính đảng Châu Âu

Vẫn trong hồ sơ bầu cử Châu Âu, Les Echos phác những điểm chính của bốn chính đảng Châu Âu.

Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), trong đó có đảng Những Người Cộng Hòa của Pháp, nhấn mạnh đến bảo vệ đường biên giới, chống khủng bố và quốc phòng.

Các đề xuất chính của đảng Xã Hội Châu Âu liên quan đến việc làm, cụ thể là mức lương tối thiểu chung, một cơ chế bảo hiểm-thất nghiệp bổ sung cho toàn khối, một chiến lược bình đẳng nam-nữ…

Đảng Liên minh các nhà dân chủ và tự do vì Châu Âu (ALDE), trong đó đảng LREM cầm quyền ở Pháp có thể tham gia, nhấn mạnh đến việc lập khuôn khổ pháp lý chung về dự trữ dữ liệu (blockchain), trí thông minh nhân tạo. Về nhập cư, đảng này ủng hộ các thỏa thuận với các nước trung chuyển ở Trung Đông và Châu Phi theo mô hình với Thổ Nhĩ Kỳ, lập một hệ thống chung tị nạn Châu Âu nhưng ưu tiên hơn con đường nhập cư hợp pháp thông qua học tập, làm việc hoặc đầu tư tại Châu Âu.

Đối với đảng Xanh, ưu tiên hàng đầu vẫn là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thông qua việc lập "ngân sách khí CO2 của Liên Hiệp Châu Âu" nhằm làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất là 55% từ giờ đến năm 2030.

Giải thoát con tin ở Burkina Faso : Hai công dân Pháp bị chỉ trích

Trong khi nước Pháp tưởng niệm hai quân nhân đội đặc nhiệm Hubert tử trận khi tham gia giải cứu bốn con tin ở Burkina Faso, và được xã luận của Le Figaro vinh danh là vì "danh dự của nước Pháp", hai du khách Pháp, một cặp vợ chồng đồng giới, bị chỉ trích không theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Pháp khi đi hưởng tuần trăng mật ở khu vực bị xếp vào danh sách nguy hiểm (vùng đỏ).

Libération, trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết khách sạn của hai du khách Pháp không nằm trong vùng đỏ, nhưng chiếc xe chở họ và thi thể của người hướng dẫn nằm trong vùng nguy hiểm, gần biên giới với Burkina Faso. Dù bị thiệt hại về người, chỉ huy đội đặc nhiệm Hubert khẳng định lực lượng tinh nhuệ này "sẽ vẫn đi tìm công dân Pháp bị nạn ngay khi nhận được mệnh lệnh".

Trang nhất các nhật báo

Cuộc vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu mà các chính đảng Pháp chính thức khởi động ngày 13/05/2019 được Le Monde, Le Figaro Les Echos đề cập trên trang nhất. Nhật báo công giáo La Croix "đi gặp những đứa trẻ thánh chiến của Daesh". Riêng nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất cho cặp vợ chồng chính trị gia Pháp, Balkany, thị trưởng thành phố Levallois, ra hầu tòa ở Paris từ ngày 13/05/2019 vì bị cáo buộc "rửa tiền gian lận thuế".

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra, cần chú ý để biết ai có thể hưởng lợi. Khi Trung Quốc không còn là cơ sở sản xuất chi phí thấp nữa- vì bắt buộc hoặc vì dự định- ai được hưởng lợi ? Không ai khác : Việt Nam.

tradewar1

Khi Trung Quốc không còn là cơ sở sản xuất chi phí thấp nữa, ai được hưởng lợi ? Không ai khác : Việt Nam.

Việt Nam từ lâu đã có thể tự hào rằng các công ty quốc tế như Intel, Samsung, Adidas và Nike chọn cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Một trong mười điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại đây. Tuy nhiên, xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc đã đẩy các công ty ra khỏi Trung Quốc và hướng về Việt Nam. Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Hoa Kỳ có trụ sở tại Quảng Châu cho thấy các công ty Trung Quốc đang mất thị phần do các công ty trên khắp Châu Á, nhưng đặc biệt là Việt Nam.

Andy Ho, giám đốc đầu tư của Quỹ cơ hội Việt Nam VinaCapital , cho biết : "Các doanh nghiệp đang tìm cách chuyển nơi sản xuất. Ví dụ, các công ty vật liệu xây dựng đang xây dựng các nhà máy ở Việt Nam, di chuyển chuỗi cung ứng của họ. Việt Nam đã nhận được 19 tỷ đô la FDI hồi năm ngoái.

Việt Nam được coi là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Điều đó có thể không kéo dài vô hạn, nhưng sự chú ý của chính quyền Hoa Kỳ nằm ở chỗ khác. Ông Ho nói : Liệu Mỹ có đi theo Việt Nam ? Đó hắc chắn là điều rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam không phạm sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ và điều đó có thể tạo ra sự khác biệt".

Tăng trưởng thú vị

Trở thành một trung tâm sản xuất nổi tiếng được phản ánh qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam - 6,6% vào năm 2018 và 6,5% vào năm 2019 (IMF). Còn có những điểm hấp dẫn khác : mà ông Ho nhắc đến là dân số 90 triệu và tầng lớp trung lưu đang phát triển. Năm tới sẽ tăng 30%, tăng thêm hơn 1 triệu.

Các nhà quản lý quỹ Châu Á đang để ý. Mike Kerley, quản lý quỹ ủy thác Thu nhập Viễn Đông Henderson đánh giá quốc gia này cao hơn : "Việt Nam đang làm đúng và đi theo mô hình Trung Quốc. Họ tạo ra cơ sở sản xuất, mang lại việc làm. Họ cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng ngân hàng và xóa các khoản nợ không hoạt động. Đồng nội tệ cũng tốt. Thặng dư tài khoản vãng lai mạnh...".

tradewar2

Việt Nam đang làm đúng và đi theo mô hình Trung Quốc, liệu điều này có biến Việt Nam thành cơ hội đầu tư tốt - Ảnh minh họa

Câu hỏi là liệu điều này có biến Việt Nam thành cơ hội đầu tư tốt. Thị trường đã tăng đáng kể so với năm 2017, do đó, có vẻ không rẻ như trước. Tuy nhiên, trong năm 2018 đã giảm đáng kể và giảm tới 15% trong 12 tháng qua. Ông Ho tin rằng vẫn còn những cơ hội được lựa chọn cho những người tích cực. Ông nói : "Định giá hợp lý và thị trường giao dịch khoảng 13-14 lần thu nhập". Tuy nhiên, cũng như nhiều thị trường mới nổi, chỉ số này đã bị bóp méo : "Tài chính, bao gồm cả ngân hàng và bất động sản chiếm một phần lớn chỉ số".

Thay vào đó, VinaCapital tập trung vào thị trường tiêu dùng trong nước. Thị tường này bao gồm các lĩnh vực như các hãng hàng không giá rẻ. Có rất nhiều người lần đầu tiên ở Việt Nam đi máy bay và du lịch nội địa đang tăng trưởng : "Hiện tại có 21 sân bay ở Việt Nam và đó là ưu tiên của chính phủ", ông Ho nói.

Phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng : Ngày nay, 99% dân số sử dụng điện làm nguồn chiếu sáng chính, tăng từ 14% vào năm 1993. Họ cũng chi tiêu rất nhiều cho bất động sản, đường giao thông và các loại cơ sở hạ tầng khác".

Nhưng vẫn còn có những hạn chế. Quản trị doanh nghiệp vẫn cần phải được cải thiện nếu muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ nhận ra điều này, nhưng ý chí thay đổi không giống như việc tự thay đổi. Tiếp cận thị trường Việt Nam cũng khó khăn. Ông Kerley nói : "Thị trường Việt Nam không cởi mở, với các quy tắc phức tạp trong việc cho người nước ngoài mua cổ phiếu. Chúng tôi phải thông qua các quỹ uỷ thác đầu tư".

Hiện tại, chỉ có ba quỹ uỷ thác đầu tư chấp nhận nhà đầu tư từ Vương quốc Anh - VinaCapital Vietnam, Vietnam Holding và Vietnam Enterprise. Vì thế, quỹ VinaCapital vượt trội hẳn, tăng 96,6% trong ba năm, khoảng 67% trước đối thủ gần nhất.

Trong vài năm tới, vẫn có rất nhiều thứ hỗ trợ sự tăng trưởng của Việt Nam. Khi các công ty rời khỏi Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hoặc Trung Quốc, Việt Nam có thể là một quốc gia thụ hưởng. Việt Nam hiện đang trong quá trình ký kết một thỏa thuận thương mại lớn với EU. Điều này sẽ dần mở ra các thị trường ; triển vọng thú vị.

Cherry Reynard

Nguyên tác :Who Wins From The China/U.S. Trade War ? Vietnam, Forbes, 29/03/2019

Khánh Anh dịch

Nguồn : VNTB, 01/04/2019

Published in Diễn đàn

Bản chất cuộc so găng

Không giống như sự nổi lên của Nhật Bản thập niên 70s-80s biến nước này thành một hội viên được đón chào của câu lạc bộ phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang dáng dấp của Nga Sô sau Thế Chiến II ở chỗ đều thách thức trật tự quốc tế hiện hành do phương Tây kiểm soát với sự tự tin rằng họ đang vận hành một mô hình phát triển ưu việt hơn.

box1

Việt Nam làm gì trước cuộc so găng Trung - Mỹ (phương Tây) ?

Những thành tựu phát triển của Nga Sô thời bấy giờ và của Trung Quốc hiện nay quả nhiên có thể biện minh cách tiếp cận này của họ. Hơn thế nữa, trở thành siêu cường khi mà phương Tây đã bao vây khắp mọi nơi, không có nhiều lựa chọn cho Nga Sô và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh sinh tồn này ngoài việc phải xô đổ trật tự cũ. Nếu Nga Sô phải phá vòng vây bằng cách hỗ trợ các dân tộc thuộc địa vùng lên chống thực dân phương Tây và sau đó tham gia vào hệ thống xã hội chủ nghĩa do họ dẫn dắt, thì Trung Quốc đang tổng hợp những nỗ lực tương tự của mình trong Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng nhằm chia lại vùng ảnh hưởng toàn cầu.

Như vậy, cũng như Nga Sô trước đây, cuộc so găng của Trung Quốc với phương Tây không chỉ bó hẹp trong một lãnh vực cụ thể mà thực chất là sự cạnh tranh chiến lược giữa hai mô hình phát triển : Về kinh tế, một bên nhấn mạnh vai trò quyết định của nhà nước, bên kia coi trọng sáng kiến tư nhân ; về chính trị, một bên tăng cường độc đoán cưỡng bách đảng trị, bên kia dựa vào dân chủ tự do pháp trị.

Bản chất mô hình phát triển dựa vào nhà nước là không khác nhưng Trung Quốc hơn Nga Sô ở chỗ tận dụng thành công bối cảnh toàn cầu hoá để học hỏi phương Tây bổ sung các yếu tố thị trường vào nền kinh tế ; và cũng vì thế mà kém Nga Sô ở chỗ chưa thể xây dựng một hệ thống toàn cầu theo mô hình của mình bởi lẽ chính Trung Quốc cũng chưa đủ thời gian để hệ thống hoá chặt chẽ một mô hình mà họ chỉ mới mày mò nhờ ‘dò đá qua sông’.

Nghĩa là hơn Nga Sô về chiến thuật nhưng kém về chiến lược vậy. 

Đấu trường chính của cuộc so găng

Lenin từng nói một câu mà hậu bối của ông ít khi muốn nhớ, rằng xét đến cùng chủ nghĩa xã hội nếu muốn thắng chủ nghĩa tư bản sẽ phải thắng về năng suất lao động [1]. Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển cuối cùng cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Đó là lý do vì sao người ta đang dần nhận ra cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay chính yếu không phải về thương mại, mà là về công nghệ [2] - yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng năng suất. Điều này cũng giải thích vì sao hai nước vừa tuyên bố đình chiến thương mại tạm thời nhưng ngay sau đó con gái chủ tịch Huawei - tập đoàn chủ đạo trong tham vọng cường quốc công nghệ của Trung Quốc - vẫn bị bắt. 

Trung Quốc hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của vấn đề này khi mà sự phát triển vượt bậc vài thập kỷ qua của họ không dựa vào công nghệ phát triển tự thân. Phương Tây sáng tạo công nghệ, Trung Quốc sao chép và tận dụng lợi thế quy mô (economies of scale) không thể so bì của mình để tăng năng suất, giảm giá thành rồi tranh thủ bối cảnh toàn cầu hóa để vươn lên thành thế lực sản xuất hùng mạnh bậc nhất. 

Công thức phát triển này của Trung Quốc, bởi vậy, đặt trọng tâm vào việc sao chép công nghệ của phương Tây bằng 3 cách thức chủ yếu sau :

1) gián điệp công nghệ,

2) mua bán & sát nhập tập đoàn phương Tây để chiếm lấy công nghệ, và

3) dùng thị trường nội địa khổng lồ để áp lực các tập đoàn phương Tây muốn làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. 

Không phải Tây phương không nhận ra chiến lược này của Trung Quốc, song chỉ khi họ vỡ mộng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không dẫn đến cởi mở về chính trị mà trái lại còn giúp gia tăng quyền lực độc đoán đảng trị, và bừng tỉnh rằng siêu cường mới nổi này muốn tiếp bước Nga Sô thách thức trật tự quốc tế hiện hành, họ mới bắt đầu ra tay tấn công vào công thức phát triển của Đại lục với 3 đòn tương ứng sau :

1) truy bắt gián điệp công nghệ,

2) siết chặt việc mua bán & sát nhập có yếu tố Trung Quốc (qua cơ chế CFI/Ủy ban Đầu tư Nước ngoài), và

3) đẩy mạnh thương chiến nhằm sắp xếp lại chuỗi sản xuất toàn cầu vào tạo thế bảo vệ các tập đoàn làm ăn trên đất Trung Quốc. 

Trung Quốc quả thật nên lo lắng, nhất là khi mới đây họ đã thất bại trong việc dùng lợi ích gây chia rẽ nội bộ khối Tây phương [3] và đang chứng kiến mỗi khi một quốc gia Tây phương ra đòn thì cả khối lại hùa theo hưởng ứng. Giờ đây vận mệnh của Trung Quốc, như Tập tuyên bố, sẽ được đặt trong nỗ lực của quốc gia này tự lực phát triển công nghệ. [4]

Phe nào thắng ?

Thái độ cẩn trọng không cho phép chúng ta dựa trên thiên kiến mà vội vàng đưa ra câu trả lời, đặc biệt khi chứng kiến sự phát triển vũ bão của Trung Quốc vài thập niên qua. 

Tuy nhiên nếu đồng ý rằng công nghệ là đấu trường chính của cuộc so găng, Trung Quốc rõ ràng đang gặp quá nhiều bất lợi :

Đầu tiên, những diễn biến thời gian gần đây cho thấy mặc dù rất nỗ lực, Trung Quốc vẫn chưa chế ngự được khả năng sáng tạo công nghệ. Sự khốn đốn của ZTE - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, dưới lệnh cấm vận công nghệ của Hoa Kỳ là một minh chứng không thể rõ nét hơn. 

Hơn thế, trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra tự do chính trị quan trọng thế nào đối với khả năng sáng tạo về dài hạn [5], yếu tố này lại không thể chấp nhận được đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Nghĩa là tham vọng tự lực công nghệ thông qua chiến lược Made in China 2025 của họ, ngay cả khi không bị để ý cũng đã không dễ thành công, huống hồ hiện nay lại đang là đích nhắm tấn công của toàn khối Tây phương thì lại càng khó khăn bội phần. 

Hi vọng sót lại của Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng niềm tin rằng tinh thần quốc gia phục thù một khi được thổi bùng lên sẽ là nhiên liệu cho cỗ máy sáng tạo quốc gia như những gì từng xảy ra ở Đức sau Thế Chiến I. Chưa rõ nỗ lực này sẽ đi về đâu nhưng nếu nhớ rằng trong khi Đức thuộc về nòng cốt của khối Tây phương, thừa hưởng sinh lực sáng tạo mạnh mẽ bắt rễ trong lối nghĩ, lối sống lý tính hóa cao độ hàng trăm năm của Tây phương nên đã chế ngự được khả năng sáng tạo, thì Trung Quốc, dù tăng trưởng liên tục những thập kỷ vừa qua nhưng chỉ mới chập chững những bước đầu tiên trong việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, sẽ thấy hi vọng của Trung Quốc dẫu chưa tới mức áo tưởng nhưng vẫn khá mong manh.

Một thước đo khác, trực quan hơn, có thể giúp dự đoán kết quả cuộc so găng. Sáng tạo vốn dĩ gắn liền với nhân tài, là sản phẩm của cá nhân và tập thể nhân tài. Thử xem nhân tài trên thế giới đã, đang và sẽ đổ về Mỹ và phương Tây hay là về Trung Quốc để thấy viễn cảnh Trung Quốc u ám ra sao nếu vẫn đẩy quốc gia dấn sâu vào cuộc cạnh tranh chiến lược này [6].

Việt Nam phải chọn

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu Việt Nam có thể đứng bên lề cuộc so găng lịch sử này với một tư thế trung lập được không ? Khả năng cao là không. Việt Nam là một nước nhỏ yếu nằm ở vị trí trung tâm của đấu trường so găng là khu vực Biển Đông, mà đã nhỏ yếu thì khó thoát vòng chi phối của các siêu cường mỗi khi họ đụng độ. ‘Các nước Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn một trong hai’[7], lời phát biểu mới tháng trước của Lý Hiển Long tuy ngắn gọn nhưng đủ cho thấy đảo quốc này, nhờ đứng chân trên một di sản và kinh nghiệm ngoại giao phong phú, đã thấu hiểu thời cuộc ra sao. 

Nghĩa là, dù Việt Nam có muốn hay không thì các siêu cường cũng sẽ tính toán trên lưng các nước nhỏ như Việt Nam, thế thì chi bằng Việt Nam chọn lựa vị trí của mình trước, ít ra cũng chiếm được đôi chút thế chủ động. 

Tuy đáng lo ngại khi lịch sử chứa đầy các ví dụ cho thấy nước nhỏ, gồm cả Việt Nam, đã trở thành chiến trường ủy nhiệm của các siêu cường ra sao, nhưng lịch sử đồng thời cũng cho thấy các quốc gia chậm tiến chỉ có thể phát triển vượt bậc nhờ khéo léo khai thác mâu thuẫn giữa các siêu cường như thế nào. Nếu Nhật Bản nương vào cuộc tranh giành thuộc địa giữa các thực dân Tây phương thì Hàn Quốc tận dụng mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh, nếu Đài Loan khai thác thù địch Mỹ-Trung thì chính Trung Quốc sau đó lại chủ động khoét sâu mâu thuẫn Mỹ-Nga Sô (mà việc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một phần trong kế hoạch đó) - tất cả đều là để tìm cơ hội phát triển và hiện đại hóa quốc gia. 

Vì sao lại thế ? Vì chỉ khi đụng độ lớn các siêu cường mới sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho đồng minh nhược tiểu nhằm phục vụ cho lợi ích của chính các siêu cường. Bên cạnh đó, vì nhu cầu chứng minh mô hình phát triển của mình là tốt nhất, sự hỗ trợ của các siêu cường cũng mang tính toàn diện, không chỉ gói gọn trong lãnh vực quân sự, mà lan rộng ra cả kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội.

Hiểu như thế để thấy Việt Nam chẳng nên lo ngại cuộc so găng lịch sử này mà trái lại cần hoan nghênh nó như một cơ hội, nếu đã coi phát triển quốc gia là mục tiêu tối thượng. 

Cũng có nghĩa là, câu hỏi bây giờ không phải là có chọn phe hay không, mà là phải chọn phe nào ?

Chọn phe nào ?

Với những phân tích ở trên rõ ràng là nên nghiêng về phương án Mỹ/phương Tây bởi ưu thế vượt trội của phe này. Thực tế thì tất cả những nước Đông Á kể trên (Nhật, Hàn, Đài, Trung) cũng đã từng lựa chọn tương tự trong những thời điểm quốc gia đòi hỏi hiện đại hóa.

Đó là chưa nói đến có nhiều lý do khiến việc đứng về phe Trung Quốc không hề đảm bảo một kết cục tốt đẹp.

Trước hết, chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đang dấy lên lo ngại khắp nơi và thực tế là chưa có nước nhỏ yếu nào trở nên thịnh vượng nhờ gắn vận mệnh của mình vào Trung Quốc khi mà cách tiếp cận cùng thắng (win-win) chưa bao giờ là ưu tiên của quốc gia này. 

Thứ nữa là tâm lý chống Trung Quốc lan rộng của người dân Việt Nam, hàm ý rằng ngay cả khi những người lãnh đạo bằng cách nào đó nhìn thấy lợi ích quốc gia trong việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc thì sự hợp tác đó cũng khó lòng được công chúng ủng hộ, nghĩa là đã để ngỏ sẵn sự thất bại. 

Cuối cùng nhưng quan trọng không kém là hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ khiến mọi chọn lựa đứng về phía Trung Quốc, nếu thành hiện thực, đồng nghĩa với đánh đổi chủ quyền quốc gia trên thực tế. 

Phải làm gì ?

Ngoại giao dù khéo léo đến đâu chỉ có thể trì hoãn chứ không thể chấm dứt được hiểm họa bành trướng Trung Quốc phủ bóng lên dân tộc chúng ta, và cũng không thể ngăn các siêu cường thương lượng trên lưng những nước nhược tiểu như chúng ta. 

Ở một vị trí như nước ta trong tình thế hiện nay, ngoại giao cùng lắm chỉ giúp mua thời gian để chúng ta hiện đại hóa quốc gia nhanh nhất có thể. Mục tiêu của chúng ta không bao giờ là đổi danh dự lấy hòa bình để rồi đánh mất cả hai trong ô nhục, mà phải tìm mọi cách để xây dựng quốc gia hùng mạnh nhất có thể. Chỉ khi quốc gia chúng ta đủ hùng mạnh thì Trung Quốc mới phải cân nhắc thật kỹ trước khi chọn chúng ta làm đối tượng bành trướng của họ, và chính chúng ta mới đủ khả năng xoay sở vượt thoát thân phận con cờ trên bàn cờ nước lớn. 

Mà muốn thế thì :

Đầu tiên, phải xóa bỏ tâm lý yếm thế, lo ngại xung đột của một thứ chủ nghĩa hòa bình thiếu chân đế. Nếu tin rằng phát triển quốc gia là mục tiêu tối thượng, trước là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sau là để dân tộc có cơ ngẩng mặt lên, chúng ta phải hoan nghênh và đón chào cuộc so găng lịch sử này như một cơ hội trăm năm cho dân tộc chúng ta. Vì rằng ngay cả khi chúng ta ở một vị trí chiến lược song nếu không có mâu thuẫn giữa các siêu cường thì chúng ta cũng chẳng vin vào đâu để phát triển vượt bậc cho được ; tương tự, nếu mâu thuẫn giữa các siêu cường có nảy sinh đi chăng nữa nhưng nếu chúng ta nằm ngoài khu vực đấu trường trung tâm thì cũng rất khó tìm thấy cơ hội. 

May thay chúng ta chẳng những có cả hai mà lại đang sở hữu lợi thế thời gian vì cuộc mâu thuẫn này chỉ mới chớm nở và còn nhiều đánh giá khác nhau xung quanh nó. Nhiều người, dựa trên tính khí thất thường của Trump cũng như động thái xuống nước gần đây của Trung Quốc, nghĩ rằng cuộc đụng độ này chỉ khởi lên tạm thời và mang tính chất giai đoạn, trong khi chúng ta, nhìn vào đồng thuận chống Trung Quốc của giới lãnh đạo chính trị phương Tây hiện nay [8] và dựa trên trải nghiệm va đập với Trung Quốc suốt chiều dài lịch sử của chính chúng ta, sẽ thấy cuộc so găng chiến lược này còn kéo dài, mở rộng nhiều thập kỷ tới, và Trung Quốc sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi nó thất bại. Thời gian ở đây là một lợi thế chỉ khi chúng ta nhanh chóng đưa ra quyết định chọn phe của mình thay vì mải mê đu dây, bởi lẽ một khi cuộc đụng độ đã định hình, phe phái đã phân chia, sự lựa chọn chậm trễ của chúng ta sẽ không còn ý nghĩa, hay nói đúng hơn, chúng ta khi đó sẽ không còn quyền chọn lựa nữa. 

Sau khi đã có một thái độ đúng đắn với cuộc so găng lịch sử và chọn đúng phe của mình, chúng ta mới có thể đưa ra những đối sách phù hợp. Đó là dù có khoác mặt nạ ngoại giao hòa hiếu với Trung Quốc tới cỡ nào, chúng ta cũng phải ý thức rõ rằng đó chỉ để mua thời gian nhằm ra sức hợp tác toàn diện với Mỹ và phương Tây, vốn đã tỏ rõ đồng thuận mong muốn một Việt Nam thịnh vượng (dĩ nhiên là vì lợi ích chiến lược của chính họ). Sự hợp tác này phải ở mức đồng minh bất luận tên gọi của nó là gì, phải đủ toàn diện ở tất cả các lãnh vực kinh tế, giáo dục, chính trị, quân sự, xã hội và với cả ba chủ thể là nhà nước, thị trường, xã hội dân sự, phải đủ sâu sắc tới mức tạo được sự chuyển biến về chất. Trong sự hợp tác toàn diện đó, lẽ dĩ nhiên là nước chậm tiến đi sau, Việt Nam phải đóng vai một người học trò siêng năng, học lấy học để một cách chủ động như Nhật, Hàn, Đài, Trung đã từng (nghĩa là không chỉ sao chép máy móc mô hình), và còn phải chạy đua với thời gian, vì như đã nói, ngoại giao dù khéo léo đến đâu cũng không kéo dài được cuộc hòa hoãn quá lâu. Sự chủ động của chúng ta là tối quan trọng : chúng ta phải đòi hỏi hợp tác 10 ngay cả khi họ chỉ sẵn lòng hợp tác 1, chứ không phải ngược lại như hiện nay. 

Dĩ nhiên là sẽ có những trở ngại đến từ thế chế chính trị hiện hành của Việt Nam nhưng cần lưu ý rằng hiện đại hóa quốc gia là quá trình diễn ra rộng khắp trên nhiều lãnh vực mà hình thức chế độ chỉ là một trong số đó, có thể thay đổi trước hoặc sau tùy hoàn cảnh, miễn sao mục đích phát triển đạt được. Trung Quốc cũng có thể phá hoại những nỗ lực ngoại giao câu giờ của Việt Nam bằng cách chất vấn vì sao các đồng chí là cộng sản mà lại hợp tác sâu rộng với Mỹ/phương Tây, nhưng không khó để đáp trả bằng cách nhắc họ nhớ rằng chính những người cộng sản Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã từng mong muốn liên minh quân sự với Mỹ và trên thực tế là đã hợp tác sâu rộng với siêu cường này nhiều thập kỷ sau đó để mưu tìm phát triển. 

Tóm lại, trở lực lớn nhất ngăn Việt Nam chớp lấy cơ hội trăm năm có một này không đến từ bối cảnh quốc tế bên ngoài hay hiện tình chính trị nội bộ mà chính là viễn kiến của những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay. 

Với lề lối thực hành chính trị thiếu minh bạch ở đất nước chúng ta, người dân hiện không ở vị trí có thể biết được liệu những người lãnh đạo có nhìn ra cơ hội này không và có đang tìm cách chớp lấy hay không. Song khả năng cao là không, nếu chúng ta để ý những động thái sau :

1) tuyên truyền chống Mỹ/phương Tây trong hệ thống giáo dục, báo chí chính thống, và đặc biệt trong lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục được duy trì,

2) sự cương quyết không nhượng bộ Mỹ/phương Tây khi đụng đến một số vấn đề nhân quyền không quá cốt yếu phản ánh tâm lý thắng-thua với Mỹ/phương Tây còn đậm nét, và

3) sự rụt rè trong hợp tác với Mỹ/phương Tây mà gần đây là việc hủy bỏ nhiều chương trình giao lưu quốc phòng với Mỹ - tất cả đều cho thấy những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ coi việc hợp tác với Mỹ/phương Tây mang tính chất tình thế và giai đoạn nhằm cân bằng áp lực từ Trung Quốc, chứ hoàn toàn không thấy ở đó cơ hội phát triển và hiện đại hóa vượt bậc cho quốc gia như nó nên là. 

Cũng có nghĩa là, cơ hội để Việt Nam không bị nhỡ tàu như bao lần trước đây trong lịch sử nằm ở chỗ liệu mỗi chúng ta, trong tư cách phần tử quốc gia, có làm đủ không trong việc khiến những người lãnh đạo phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên đảng phái, phe nhóm, cá nhân để từ đó thấu triệt vấn đề thời cuộc, hoặc chúng ta đã sẵn sàng chưa trong việc thay thế họ một khi thời gian không cho phép sự chậm trễ của họ thêm một giây phút nào nữa. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 01/01/2019 (nguyenanhtuan's blog)

---

[1] https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1919/jun/19.htm

[2] https://www.washingtonpost.com/amphtml/opinions/its-not-a-trade-war-with-china-its-a-tech-war/2018/12/14/ec20468e-ffc5-11e8-862a-b6a6f3ce8199_story.html

[3] https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china-eu-exclusive/exclusive-china-presses-europe-for-anti-us-alliance-on-trade-idUSKBN1JT1KT

[4] https://amp.scmp.com/news/china/economy/article/2148189/xi-jinping-urges-china-go-all-scientific-self-reliance-after-zte

[5] https://www.weforum.org/agenda/2018/01/why-political-and-economic-freedom-drives-creativity

[6] https://relocateme.eu/blog/11-tech-talent-relocation-trends-to-expect-in-2018/

[7] https://www.bloomberg.com/amp/news/articles/2018-11-15/singapore-fears-asean-may-need-to-choose-between-u-s-china

[8]https://www.nytimes.com/2018/12/07/business/european-union-trump-china-trade.html

https://www.straitstimes.com/world/europe/eu-to-join-trump-in-criticising-chinas-role-in-global-trade

Published in Diễn đàn

Thương chiến Mỹ-Trung : Thấm đòn, Bắc Kinh nhượng bộ

Les Echoshôm nay 12/12/2018 trong bài viết mang tựa đề "Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh sẵn sàng nhượng bộ", cho rằng Trung Quốc có thể giảm mức thuế đánh vào xe hơi Mỹ, và sửa đổi một ít trong kế hoạch "Made in China 2025".

war1

Thép ống xuất khẩu chồng chất tại Liên Vân Cảng (Lianyungang), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) ngày 08/12/2018. Mặt hàng thép của Trung Quốc bị Mỹ và Châu Âu tố cáo là bán phá giá vì sản xuất thừa. Reuters/Stringer

Tờ báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho biết Bắc Kinh có thể giảm thuế cho xe hơi Mỹ nhập khẩu từ 40% còn 15%. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) dường như đã thông báo điều này cho đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng tài chính Steve Mnuchin tối thứ Hai. Trong vòng thương lượng mới, Trung Quốc có thể đề nghị nhập thêm hàng Mỹ, nhất là nông sản, và có những thay đổi trong chính sách kinh tế.

Bắc Kinh sẵn sàng sửa đổi kế hoạch "Made in China 2025" - tập trung vào các lãnh vực mũi nhọn như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo – vốn là một trong những điểm chính gây căng thẳng giữa hai nước. Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc cạnh tranh bất chính và đánh cắp sở hữu trí tuệ, và Washington có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện những thay đổi này càng sớm càng tốt.

Tuy vậy phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận những thông tin trên, bộ trưởng thương mại nước này chỉ nói chung chung là cuộc đàm phán nhằm "tiến nhanh sang giai đoạn mới, đưa ra một lộ trình". Hãng tin Bloomberg hôm qua nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa quyết định dứt khoát. Lưu Hạc sẽ sang Mỹ sau Tết dương lịch.

Các nhà quan sát tỏ ra thận trọng, vì đã nhiều lần, mỗi khi đôi bên tiến gần được một thỏa thuận, Bắc Kinh nói rằng sẽ nhượng bộ, nhưng trên thực tế chẳng có hành động gì cụ thể. Tổng thống Donald Trump khi trở về từ hội nghị G20 ở Buenos Aires cũng đã loan báo việc Trung Quốc giảm thuế cho xe hơi Mỹ, nhưng trong ván bài xì phé này, cũng không loại trừ một sự quay ngoắt lại.

Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh thấm đòn

Trong bài "Tăng trưởng : Chờ đợi xung quanh các biện pháp của Trung Quốc", Les Echos nhận định để bù đắp những thiệt hại trong chiến tranh thương mại, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục tái thúc đẩy nền kinh tế, và như vậy sẽ tạo tác động tích cực lên tăng trưởng của thế giới.

Lần đầu tiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 không dự báo tăng trưởng, mà là… sụt giảm 3,7% cho năm nay và năm tới. Những bất định địa chính trị, thương chiến Mỹ-Trung, những xáo trộn tại một số nước đang phát triển đã khiến ngoại thương, sản xuất và đầu tư sụt giảm trên thế giới.

Hiện nay, trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn. Theo các nhà kinh tế của Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang giai đoạn ba (tăng 25% thuế lên 267 tỉ đô la hàng Trung Quốc), Bắc Kinh có thể mất đến 1,2% GDB trong năm 2019, còn Mỹ cao lắm chỉ thiệt 0,2 đến 0,3% GDB.

Do vậy ông Donald Trump ít có lý do để nhẹ tay. Đó cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc vội vã thỏa thuận hưu chiến với Hoa Kỳ tại G20, quay lại bàn đàm phán, cho dù đã lãnh một cái tát là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.

Kinh tế gia trưởng của Candriam, ông Anton Brender nhận định : "Bắc Kinh đã bị tấn công vào thời điểm tệ hại nhất, lúc họ vừa mới ngăn chặn được đà tăng nợ công và bắt đầu kiểm soát tín dụng đen. Trung Quốc không còn cách nào khác hơn là đành để cho nợ công lại tăng cao".

Linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân… những biện pháp này, theo Mathilde Lemoine, kinh tế gia trưởng của Edmond de Rothschild, không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc mà cả cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến giá nguyên vật liệu và sản xuất công nghiệp thế giới.

Một cuộc chiến kỳ lạ

Ở một góc nhìn khác, tác giả Philippe Escande trên Le Monde nhận định "Thương chiến Mỹ-Trung, một cuộc chiến kỳ lạ".

Trong lúc Bắc Kinh kịch liệt phản đối vụ bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, thì tòa án Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến lại đứng ra xử vụ kiện giữa nhà sản xuất chip điện tử Qualcomm và tập đoàn Apple, cả hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ đều có trụ sở ở California. Tòa đã cấm Apple bán hầu hết các loại iPhone tại Trung Quốc. Thật là kỳ dị khi kẻ thù được mời đứng ra phân xử vụ tranh chấp giữa hai vị tướng !

Có thể phê phán hai tập đoàn Mỹ chẳng có mấy tinh thần ái quốc. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Cả Qualcomm và Apple đều sản xuất chủ yếu tại Hoa lục, và số phận của họ cũng gắn với số phận của Trung Quốc.

Thái Lan : Dân chủ giả tạo

Còn tại Đông Nam Á, tập đoàn quân sự cầm quyền Thái Lan hôm qua đã loan báo tổng tuyển cử vào ngày 24/02/2019, và lần đầu tiên sau bốn năm cấm đoán mọi hoạt động chính trị, đã cho phép các đảng vận động tranh cử. Tuy nhiên La Croix nhận xét đây chỉ là "dân chủ giả tạo".

Trên thực tế, các đảng chính trị chỉ có hai tháng để vận động. Khoảng mấy chục đảng mới thành lập như đảng Dân Chủ Siam, đảng vì Đoàn kết Thái Lan… có các thành viên hầu hết là chưa bao giờ tham gia hoạt động chính trị, xuất thân từ giới kinh doanh hay trường đại học. Trong khi gần 20 năm qua, chính trường Thái Lan do đảng Pheu Thai thống trị, luôn chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử.

Pheu Thai ngày nay yếu kém đi rất nhiều, do các khuôn mặt hàng đầu như bà Yingluck Shinawatra và người anh là Thaksin đã phải lưu vong. Đối lập không đoàn kết, còn các đảng thân chính phủ đã có thời gian dài tìm cách chinh phục cử tri. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ nhiều tháng qua đã đi vận động tại các tỉnh nông nghiệp xưa nay là thành trì của phe Áo Đỏ vốn ủng hộ Thaksin.

"Áo Vàng" : Tựa chính báo Pháp

Cuộc khủng hoảng Áo Vàng (Gilets Jaunes) vẫn chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay 12/12/2018. Le Monde chạy tựa "10 tỉ euro để dập tắt khủng hoảng". "Sức mua : Chính phủ đào sâu thêm thâm hụt" - tít trang nhất của Le Figaro, nhấn mạnh thâm thủng ngân sách có thể vượt quá giới hạn 3% GDB. Theo Les Echos, tỉ lệ này tối thiểu là 3,9% trong năm 2019, và đa số cầm quyền muốn đánh thuế các đại công ty để bù vào, chạy tựa "Áo Vàng : Chính quyền cố hạn chế chi phí".

La Croixđặt vấn đề "Áo Vàng : Những người giàu có thể đóng góp thêm hay không ?". Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ yêu cầu các đại công ty và những người giàu nhất chịu khó nỗ lực thêm một chút. Libération "Quay lại với sự lăng nhục ở Mante-la-Jolie", khi các học sinh bị cảnh sát buộc quỳ gối, giơ tay lên đầu để dễ kiểm soát, lý giải do lực lượng an ninh quá mỏng, thiếu kinh nghiệm trong bối cảnh tình hình hỗn loạn.

"Áo Vàng", hãy biết dừng lại !

Xã luận của Les Echos kêu gọi "Hãy biết dừng lại !". Theo tờ báo, một khi bình tĩnh, biết lắng nghe lý lẽ, thì các cuộc tranh luận mới có thể bắt đầu.

Bạo động đã được đền đáp, thì tại sao lại ngưng ? Đương nhiên là một số Áo Vàng say men chiến thắng, trước sức mạnh truyền thông bất ngờ, và tình liên đới mới mẻ, đang mơ đến "Hồi V".

Trong vài tuần qua, "Áo Vàng" đã trở thành phong vũ biểu cho đời sống dân chủ Pháp, với sự trợ giúp của một số phương tiện truyền thống, mà theo Les Echos là một sự biến tướng đáng buồn. Tờ báo bực tức hỏi, từ khi nào mà phát ngôn của các đại diện cho quốc gia lại bị đặt ngang hàng với một "Áo Vàng" ? "Áo Vàng" nhân danh ai ? Một nhóm trên WhatsApp không phải là nghiệp đoàn hay đảng phái, lại càng không phải là toàn thể nhân dân. Les Echos cho rằng, khi các nhóm nhỏ nhân danh dân tộc, thì chính dân tộc đang gặp nguy hiểm.

Trong khi đó, nước Pháp hàng năm vẫn tái phân phối phân nửa số nguồn lực sản sinh, không có quốc gia nào có thể làm tốt hơn thế. Bây giờ là lúc để nhận ra điều đó và tấn công vào cội rễ của cái xấu : chi tiêu công quá cao và kém hiệu quả.

Giới trung lưu thiệt thòi trong hệ thống Nhà nước phúc lợi Pháp

Tác giả Denis Olivennes trên trang Ý kiến của Le Figaro phân tích : "Nhà nước phúc lợi (État providence) : Các nguyên nhân của vận rủi Pháp". Nước Pháp là một đất nước nhiều công bằng xã hội hơn đa số nước khác, nhưng người Pháp vẫn không hài lòng. Nghịch lý ấy là do hệ thống tái phân phối gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu.

Nước Pháp đứng hàng thứ nhì trong số 28 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) về mức sống trung bình của người dân, chỉ sau Luxembourg. Pháp cũng nằm trong top các nước có khoảng cách giàu nghèo thấp, trong suốt 20 năm qua. Sức mua chỉ sụt giảm có ba lần trong vòng 60 năm, và kể từ 1970, mức sống bình quân của 10% hộ nghèo nhất đã tăng lên 20%. Tỉ lệ hộ nghèo của Pháp cũng thấp nhất Châu Âu, chỉ sau Đan Mạch và Cộng hòa Czech. Số thuế thu nhập mà 1% các gia đình giàu nhất phải đóng chiếm đến 25% tổng số thuế cả nước.

Vì sao mà một quốc gia chi tiêu công nhiều nhất thế giới (chiếm 57% GDB) lại không thể làm hài lòng các công dân ?

Vấn đề là hệ thống Pháp tập trung vào thu nhập từ lao động : 52%, so với mức bình quân của EU là 39%, gây bất bình cho những người đang làm việc. Hệ thống tái phân phối làm giới trung lưu bị thiệt thòi. Nếu người nghèo đóng góp ít hơn so với các loại trợ cấp nhận được, thì từ nhiều thập kỷ qua, giai cấp trung lưu bị đánh thuế nặng, ít được hưởng phúc lợi xã hội.

Theo tác giả, bên cạnh những biện pháp khẩn cấp vừa được tổng thống Macron loan báo, cần đặt giai cấp trung lưu vào trung tâm chính sách của nhà nước. Nghịch lý ở đây là như vậy, càng phải gia tăng khuynh hướng của Macron xưa nay nhằm kích thích tăng trưởng. Nên chăng làm việc lâu hơn và nhiều hơn, đặt mức trần cho một số trợ cấp y tế, hưu trí, thất nghiệp… Nhưng liệu người Pháp có muốn làm cuộc cách mạng này hay không ?

Thụy My

Published in Châu Á
vendredi, 28 septembre 2018 05:39

Trump sẽ đánh sập Trung Quốc ?

Quyết định áp thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ của tổng thống Donald Trump hôm 17/9/2018 đã làm nức lòng không ít người Việt Nam.

Donald Trump, một tổng thống đang gây tranh cãi dữ dội tại Mỹ bỗng nhiên thành "người hùng", là "cứu tinh" cho dân tộc Việt Nam trong mắt một bộ phận người Việt. Những người ủng hộ Trump cho rằng với việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc thì Trump sẽ làm cho kinh tế Trung Quốc sụp đổ và sau đó là chế độ cộng sản Trung Quốc sụp đổ. Việt Nam là một nước cộng sản đàn em của Trung Quốc nên sẽ mất chổ dựa và sụp đổ theo… thế là dân tộc Việt nam thoát khỏi ách cộng sản.

tradewar1

Donald Trump, một tổng thống đang gây tranh cãi dữ dội tại Mỹ bỗng nhiên thành "người hùng", là "cứu tinh" cho dân tộc Việt Nam trong mắt một bộ phận người Việt.

Cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc là một nước lớn chuyên ức hiếp Việt Nam mà tự Việt Nam thì không làm được gì, nay có kẻ mạnh hơn (là Mỹ) ức hiếp Trung Quốc, như thế là Việt Nam có thể thoát nạn mà không phải làm gì…

Thật lòng mà nói thì đây là tâm lý rất trẻ con, vọng ngoại và cảm tính của người Việt. Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nói không hề sai :

Dân hai lăm triệu ai người lớn,

nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con…

Cụ Phan Châu Trinh viết trong 10 điều bi ai của dân tộc, điều thứ 9 : "Trong khi họ (người phương Tây) biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân ; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật" (1).

Cầu trời, khấn Phật không được thì quay sang cầu khấn… Trump.

Mục đích của Trump khi đánh thuế hàng hóa Trung Quốc là để buộc Trung Quốc mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ, Trung Quốc không được đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và cuối cùng là không trợ giá cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ để cạnh tranh bất chính như sản phẩm thép…

Khi Trung Quốc nhượng bộ các đòi hỏi này thì cuộc chiến thương mại sẽ sớm kết thúc. Nếu kéo dài thì kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng theo. Dù Mỹ thiệt hại một và Trung Quốc thiệt hại mười thì Mỹ cũng phải nhượng bộ vì dân Mỹ là con nhà giàu, "ăn (và tiêu xài) quen, nhịn không quen". Trong khi người dân Trung Quốc khổ thế chứ khổ nữa và có kéo dài bao lâu thì họ vẫn có thể chịu được vì họ đã quen như thế.

Chỉ khi Trump đánh Trung Quốc bằng vũ khí nóng thì mới có thể làm Trung Quốc sụp đổ nhưng các nước có vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ đánh nhau. Một cuộc chiến thương mại dù có kéo dài đến đâu thì Trump cũng không thể đánh gục Trung Quốc. Ngay cả một quốc gia bé tí, nghèo khổ là Bắc Triều Tiên mà Mỹ còn không làm gì được thì làm sao hạ gục Trung Quốc ?

tradewar2

Một cuộc chiến thương mại dù có kéo dài đến đâu thì Trump cũng không thể đánh gục Trung Quốc.

Đúng là Trung Quốc đang cần những công nghệ mới của Mỹ nhưng đừng quên rằng Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong hơn 40 năm qua. Giờ đây Trung Quốc có thể sản xuất hầu hết mọi thứ từ cái kim sợi chỉ cho đến máy bay, tàu vũ trụ. Trung Quốc cũng có một thị trường khổng lồ hơn 1,5 tỉ dân. Ngoài ra Trung Quốc còn đang "chinh phục" Châu Phi và các nước Đông Nam Á nằm trong dự án khổng lồ "một vành đai, một con đường".

Một điều giản dị nữa mà người Việt ủng hộ Trump không thèm nhớ đó là Trump hay bất cứ tổng thống nào của Mỹ làm gì đi nữa thì cũng chỉ vì quyền lợi của Mỹ chứ không phải vì Việt Nam. Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ "bỏ rơi" là một ví dụ. Một ví dụ nữa là Obama làm tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ nhưng đâu có giúp gì được cho quê hương Kenya nghèo khó của ông ấy. Trump lại là một tổng thống dân túy, chỉ tìm cách khai thác sự lo lắng và giận dữ của người dân Mỹ bằng cách tweet giật gân lúc 4-5 giờ sáng. Trump không hề quan tâm đến nhân quyền và các giá trị đạo đức. Nếu không có sự can ngăn của các cố vấn thì Trump đã đánh thuế hàng Việt Nam nhập khẩu từ lâu. Trump cũng đang có kế hoạch trục xuất hàng ngàn người Việt tị nạn về lại Việt Nam và chính vì sự phản đối này mà cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Ted Osius đã từ chức và rời khỏi bộ ngoại giao Mỹ…

Nói như vậy để thấy rằng Trump không hề quan tâm gì đến Việt Nam. Người dân Việt ít hiểu biết và cảm tính bày tỏ sự ủng hộ Trump đã là điều đáng buồn nhưng ngay cả đến những người có hiểu biết, được xem là trí thức và đang tranh đấu cho dân chủ mà cũng ủng hộ cho Trump thì thật càng buồn hơn.

Việt Nam là một dân tộc bị chấn thương tâm lý rất nặng sau hàng thế kỷ chiến tranh và xung đột liên miên, đặc biệt là sau cuộc nội chiến kéo dài 20 năm 1954-1975 đã khiến hàng triệu người bỏ mạng và sau đó là thảm cảnh thuyền nhân gây chấn động thế giới khi hàng vạn người tiếp tục vượt biên trên những con tàu nhỏ bé bất chấp cái chết.

Trong Dự án Chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi có nhận định về hai thách thức đang cản trở quá trình dân chủ hóa đất nước đó là sự ngoan cố của tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam và tâm lý rã hàng, tuyệt vọng của người Việt :

"Dân chủ hóa đất nước là mục tiêu hiển nhiên nhưng cũng đầy trở ngại. Đảng Cộng Sản đã chứng tỏ họ có thể làm tất cả để duy trì độc quyền chính trị trong khi đa số người Việt Nam không còn quan tâm tới đất nước nữa, sự thất vọng kéo dài quá lâu đối với một chính quyền tham bạo đã biến thành sự chán nản với chính đất nước. Như vậy những người đấu tranh cho dân chủ phải chống lại cùng một lúc sự ngoan cố của Đảng Cộng Sản và tâm lý bỏ cuộc của quần chúng. Cuộc vận động dân chủ cũng đồng thời phải là nỗ lực phục hồi lòng yêu nước đã bị thương tổn trầm trọng ; nó sẽ đòi hỏi rất nhiều quyết tâm, dũng cảm và kiên trì. Nhưng nó là cuộc đấu tranh bắt buộc" (KSKNTH).

tradewar33

Trí thức luôn là tâm hồn, là lương tâm, là tiếng nói đại diện cho dân tộc.

Không thể trách người dân Việt Nam nhưng với trí thức Việt Nam thì lại khác. Trí thức luôn là tâm hồn, là lương tâm, là tiếng nói đại diện cho dân tộc. Thay vì tìm hiểu và ủng hộ cho một tổ chức dân chủ đối lập với một giải pháp khác phù hợp với đất nước và với dòng chảy của thời đại thì trí thức Việt nam vẫn loay hoay không biết làm gì. Thay vì nhận lãnh trách nhiệm "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" thì trí thức lại lẽo đẽo chạy theo quần chúng, hùa với quần chúng ngay cả khi quần chúng sai.

Tâm lý rã hàng và bỏ cuộc mà chúng ta thường nghe từ lãnh đạo cao nhất của đảng cho đến người dân đó là "Trung Quốc quá mạnh, không thể làm gì được". Vậy tại sao Đài Loan, một hòn đảo nhỏ bé lại không sợ Trung Quốc ?

Thật ra thì Trung Quốc đã và đang suy tàn. Trung Quốc đang phải đối diện với những nguy cơ đổ vỡ từ bên trong đó là thể chế chính trị lạc hậu, đấu đá nội bộ, tham nhũng và môi trường bị tàn phá nặng nề... Trong bài viết cách đây 3 năm "Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang" (2) Ông Nguyễn Gia Kiểng đã phân tích rất rõ ràng và thuyết phục về thực tại của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không sụp đổ ngay lập tức vì Trung Quốc là một đế quốc (bao gồm nhiều sắc tộc và lãnh thổ) nên Trung Quốc chỉ có thể tàn lụi từ từ và vỡ ra thành nhiều nước. Trung Quốc đã không còn là chổ dựa cho bất cứ ai trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc đang khốn đốn và bị bao vây tứ phía, cuộc chiến thương mại mà Trump châm ngòi mới chỉ là "phát súng lệnh" để các nước dân chủ cùng "tấn công" vào thành lũy một cường quốc phi dân chủ. Ý thức hệ dân chủ và độc tài như nước với lửa, chúng không thể nào sống chung với nhau. Những năm tháng "sống thử" giữa Trung Quốc và các nước dân chủ đã kết thúc. Trump chỉ làm cái việc mà ông ta buộc phải làm chứ không phải vì ông ta có viễn kiến và muốn đánh sập Trung Quốc.

Nước Mỹ và khối dân chủ đang sửa chữa một sai lầm chính trị suốt 30 năm qua (sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Nga và Đông Âu) đó là bắt tay làm ăn với các nước độc tài và sẵn sàng bỏ qua các khác biệt về nhân quyền. Nước Mỹ dưới thời Obama đã nhận diện được vấn đề và muốn thay đổi nhưng không còn thời gian. Trump đang làm tiếp công việc dang dở đó với biện pháp đánh vỗ mặt và không hề mang tính ngoại giao vì Trump là một tổng thống dân túy.

Châu Âu sẵn sàng dẹp qua một bên các bất hòa với Mỹ để cùng hợp sức "đánh" Trung Quốc trên cả hai mặt trận : Kinh tế và quân sự. Châu Âu đã từ chối bắt tay với Trung Quốc để đối phó Mỹ đồng thời tố cáo Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Châu Âu phải chuyển giao công nghệ mới. Các tàu chiến tối tân của Châu Âu như Anh, Pháp, New Zealand và các đồng minh của Mỹ như Nhật, Ấn, Úc, Canada… đang ùn ùn kéo về Biển Đông với một thông điệp không thể rõ ràng hơn : Trung Quốc đừng manh động mà gây hấn.

Trung Quốc chắc chắn phải nhượng bộ Mỹ và phải thay đổi để quá trình tan rã diễn ra trong hòa bình. Trung Quốc không còn khả năng đe dọa hay khống chế bất cứ ai nữa.

Nếu trí thức Việt Nam thực sự còn quan tâm đến đất nước thì phải biết cách kết hợp lại với nhau trong một tổ chức và nhận lãnh trách nhiệm của mình. Nếu trí thức không đoàn kết và tìm đến với nhau thì làm sao thuyết phục được quần chúng ? Không có lực lượng và tổ chức thì phong trào dân chủ sẽ không thể buộc đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán.

Không có ai, dù là Trump hay bất cứ định chế nào (ngay cả Liên Hợp Quốc) có thể đòi được tự do và dân chủ cho người Việt Nam. Chỉ có người Việt mà đại diện là trí thức, phải tiên phong và dẫn đường, tập hợp lại với nhau thành một lực lượng dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc mới có thể xoay chuyển được tình thế và mang lại dân chủ cho Việt Nam.

Việt Hoàng

(28/09/2018)

(1) 10 điều bi ai của dân tộc Việt nam mà cụ Phan Châu Trinh đã đúc kết hơn 100 năm trước :

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước ; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề ; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc ; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau ; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có ; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết ; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo ; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân ; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm ; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

(2) https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/khi-thien-trieu-sup-o-va-lich-su-sang.html

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Lệnh áp thuế mới của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực. Cách đây hơn một tháng, ngay từ khi Nhà Trắng ra thông báo sẽ áp thuế trị giá tương đương khoảng 59 tỷ USD lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Thị trường thế giới đã lập tức có phản ứng tiêu cực trên hầu hết các quốc gia toàn cầu. Làn sóng thoái vốn không chỉ ở Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực châu Á cũng bị ảnh hưởng, trong đó thị trường tài chính Việt Nam là chịu hậu quả nặng nề nhất, chỉ sau Trung Quốc. 

macket1

Chứng khoán Trung Quốc đỏ sàn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Hậu quả mà Việt Nam gánh chịu là tất yếu, có nguồn gốc sâu xa cơ bản là do chính sách mở cửa quá rộng, lệ thuộc quá sâu về kinh tế lẫn chính trị với Trung Quốc. Chính sách sai lầm của chính quyền Hà Nội đã biến Việt Nam trở thành tội đồ khi rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc đã đi qua Việt Nam, tràn sang thị trường khu vực và quốc tế. Trong đó thép Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất vào Mỹ là mặt hàng mang tính quyết định cho chính sách áp thuế trừng phạt mà Mỹ đưa ra được thực thi.

Để phát hiện ra điều này, chính quyền Mỹ đương nhiên không quá khó khăn khi trong suốt một thời gian dài, thép phôi Trung Quốc lũ lượt đi qua Lào Cai ; Cao Bằng ; Lạng Sơn ; Quảng Ninh… để lột xác thành thép "Made in Vietnam". Nhưng chỉ đến khi lòng tham không đáy khiến các con buôn trong liên doanh ma qủy Việt-Trung đã chủ quan, để sót cả cái mác "Made in Chine" trong lô hàng xuất đi thì chính quyền Mỹ mới đủ cơ sở tuyên bố thép xuất khẩu Việt Nam đều là thép Trung Quốc. Chỉ thị của Tổng thống Donal Trump nhanh chóng được lưỡng viện đồng thuận vì nó vốn đã được đặt ra từ lâu, dĩ nhiên là nó được kèm theo một loạt các sản phẩm khác. 

Lẽ ra, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thật bị vạ lây. Nhưng việc chính quyền Hà Nội cùng lúc ban hành một loạt các dự luật đi ngược tiêu chuẩn và xu hướng của quốc tế. Trong đó, Luật an ninh mạng bị phản đối, chỉ trích gay gắt về mặt nhân quyền, Dự luật đặc khu bồi thêm mối nghi ngờ về trình độ lẫn xu hướng công khai ngả về phía Trung Quốc, tạo ra mối lo bất ổn chính trị mà các cuộc biểu tình của dân chúng bùng phát đã khiến cho chứng khoán Việt Nam lao dốc không gì cản nổi. Khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng suốt cả tháng và các phân tích thị trường đều khẳng định khối ngoại sẽ tiếp tục thoái vốn. Với tình cảnh nợ công chất chồng, chính quyền phải tìm mọi cách để tăng thuế, phí hòng bù đắp các nguồn chi thì việc chỉ trong nửa tháng đã mất đi gần 100 tỷ USD đối với Việt Nam là cú giáng nặng nề nếu không nói là còn ngiêm trọng và nguy hiểm hơn cả với Trung Quốc.

Hiện tượng chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày qua sau khi tụt mốc 1.000 điểm, có lúc xuống tới 820 điểm nhưng gượng quay đầu tăng vào thời điểm sang sớm ngày hôm sau khi mới mở sàn rồi lại tụt xuống cho thấy bằng chứng về sự can thiệp từ bên trong. Các giao dịch kết chuyển bằng nguồn bơm từ ngân hàng nhà nước hoàn tất sau ngày làm việc chỉ đủ kéo chứng khoán lên chút ít vào sang hôm sau nhưng không đủ sức chịu trong vài giờ để rồi lại quay đầu đi xuống. Ngày 7/7 chứng kiến đợt bơm mạnh mẽ nhất kéo VN Index lên 917 điểm, nhưng kết thúc giao dịch cho thấy khối ngoại vẫn bán mạnh và các mã thương mại, đầu tư lớn vẫn màu vàng, đỏ là chủ đạo cho thấy sẽ vẫn không thể cầm cự được.

Với diễn biến như trên, cuộc đổ vỡ tài chính dẫn đến khủng khoảng kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ xảy ra sớm do Trung Quốc dù muốn cũng không thể giải cứu cho Việt Nam khi chính thị trường chứng khoán của Trung Quốc mỗi ngày cũng đang bị bốc hơi hàng trăm tỷ dolar. Điều đó cũng đồng nghĩa những dự án lớn của Việt Nam dung vốn vay từ Trung Quốc nằm trong chuỗi chiến lược "một vành đai, một con đường" cũng nhiều khả năng sẽ rơi vào tình thế phải dừng lại. Xu hướng bất đồng và mâu thuẫn gia tăng giữa người dân với chế độ sẽ gia tăng nhanh chóng khi kinh tế rơi vào túng quẫn. Màn đêm báo hiệu ngày tàn của chế độ đã hiện hữu rõ hơn bao giờ hết nhưng chính quyền lại đang chứng tỏ nghiêng về hướng dựa vào vũ lực để áp đặt chính sách sẽ khiến cho giải pháp tháo gỡ đã khó lại càng khó hơn.

Một sai lầm nhỏ của chế độ lúc này cũng sẽ trở thành con lăn đưa toàn bộ hệ thống chính quyền lao xuống vực không gì cứu vãn nổi.

Thiên Điểu

Nguồn : VNTB, 10/07/2018

Published in Diễn đàn