Đầu tuần tới, các đại biểu Khóa 14 của Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tề tựu về Hà Nội dự Kỳ họp thứ 7.
Một trong những hoạt động chính của Quốc hội trong kỳ họp sắp tới là thảo luận về Dự luật sửa Luật Cán bộ - Công chức và Dự luật sửa Luật Viên chức.
Theo dự kiến, kỳ họp này sẽ kéo dài gần một tháng : Khai mạc vào ngày 20 tháng 5 và bế mạc vào ngày 14 tháng 6.
Năm 2013, giới hữu trách từng công bố một ước tính, theo đó, chi phí cho một phút trong các kỳ họp Quốc hội là hai triệu. Chi phí cho một ngày khoảng một tỉ đồng (1).
Theo thời gian, chi phí cho mỗi phút, mỗi ngày khi Quốc hội họp, chắc chắn đã vượt quá mức đó nhưng vì thiếu nguồn khả tín nên cứ tạm tính như thế.
Sẽ hết sức vô lý nếu dân phải góp mỗi ngày cả tỉ và các đại biểu Quốc hội chỉ xúm vào bàn chuyện ruồi bu…
***
Một trong những hoạt động chính của Quốc hội trong kỳ họp sắp tới là thảo luận về Dự luật sửa Luật Cán bộ - Công chức và Dự luật sửa Luật Viên chức.
So với Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức hiện hành thì hai luật mới có thêm những qui định như : Sẽ khiển trách, cảnh cáo, hoặc tước bỏ tư cách, chức vụ mà những cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu từng đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật mà sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới bị phát giác (2).
Đừng xét đến việc xử lý quan lại của các triều đình trong giai đoạn quân chủ chuyên chế còn phổ biến, ắt sẽ thấy chẳng có quốc gia nào theo định chế dân chủ, cộng hòa lại xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật như Việt Nam : Tước bỏ tư cách, chức vụ mà đương sự từng mang.
Tại sao cả hiến pháp lẫn nhiều bộ luật khác đã xác định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật mà lại áp dụng tước bỏ tư cách, chức vụ đương sự từng mang rồi thôi ? Tại sao không sử dụng các qui định của Luật Hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng đã được đặt định trong Luật Hình sự như mọi công dân khác ?
Chẳng lẽ những công dân từng đảm nhiệm những vai trò trọng yếu trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, đương nhiên cao quý hơn những công dân khác ?
Nếu đúng là tại Việt Nam có một số công dân cao quý hơn những công dân khác, Việt Nam đâu cần định chế Quốc hội - tạo lập hẳn một cơ quan đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của toàn dân - vừa để lập pháp, vừa để đề ra quốc sách, vừa giám sát hoạt động của chính phủ, nhằm bảo đảm dân chủ, công bằng như hiến định và pháp định.
Còn nếu không đúng mà lấy của dân cả tỉ mỗi ngày chỉ để bàn những chuyện như nên hay không tước bỏ tư cách, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu,… có phải là buộc dân bao ăn, ở, đi lại, chi tiêu chỉ để bàn chuyện ruồi bu hay không ?
***
Tước bỏ tư cách, chức vụ mà đương sự từng mang là giải pháp do Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "sáng tạo".
Đối tượng đầu tiên được áp dụng giải pháp xử lý do Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "sáng tạo" này là ông Vũ Huy Hoàng.
Cuối năm 2016, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, kết luận, ông Hoàng, cựu Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Bí thư Ban Cán sự đảng của Bộ Công Thương đã vi phạm cả qui định của đảng lẫn pháp luật : Vụ lợi khi tuyển dụng, bổ nhiệm nhiều cá nhân bất xứng và những cá nhân bất xứng này đã gây thiệt hại cho công quỹ nhiều ngàn tỉ đồng. Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã dựa vào đó để quyết định cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng của Bộ Công Thương mà ông Hoàng từng giữ (3).
Từ yêu cầu của Ban Bí thư - hệ thống công quyền cũng phải xử lý ông Hoàng - vì chưa có tiền lệ, cả Quốc hội lẫn chính phủ Việt Nam loay hoay suốt hai tháng (4). Cuối cùng, Quốc hội và chính phủ Việt Nam cũng tìm được giải pháp : Giao cho Ủy ban Thường vụ của Quốc hội ra một… nghị quyết, tước bỏ chức vụ Bộ trưởng Công Thương mà ông Hoàng từng mang và giao cho Thủ tướng ra quyết định xử lý kỷ luật… cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, kèm yêu cầu sửa Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức vì luật không đặt định giải pháp này (5).
***
Cho dù bị tước bỏ chức vụ đã từng mang trong cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền nhưng ông Hoàng bình an, vô sự, ung dung hưởng nhàn.
Luật Hình sự Việt Nam có hẳn một chương với 14 điều, xác định nhiều hành vi là tội phạm về chức vụ, suốt hai nhiệm kỳ là Bộ trưởng Công Thương, ít nhất, ông Hoàng cũng bị xem là liên đới về trách nhiệm với năm "đại dự án", khiến công quỹ thất thoát ít nhất 30.000 tỉ đồng (6). Tuy nhiên, do ông Hoàng đã bị cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền xử lý bằng cách tước bỏ các chức vụ đã từng mang nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự nữa !?
Tương tự, năm ngoái, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận cuộc thanh tra về việc thực thi các quy định của pháp luật tại bốn bộ, ngành (Tài chính, Công thương, Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước) và sáu tỉnh (Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang) trong việc sử dụng công quỹ cử cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài. Ông Hoàng trở thành nhân vật dẫn đầu về số lần đi công tác ở nước ngoài/năm. Có năm như 2015, ông Hoàng ở nước ngoài 163 ngày (7)…
Giống như trường hợp năm "đại dự án" khiến công quỹ thất thoát ít nhất 30.000 tỉ đồng, Chuyện ông Hoàng vi phạm hàng loạt qui định của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong việc đi công tác tại nước ngoài không được xem xét, vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã… xử lý ông Hoàng rồi !
***
Sau ông Hoàng, tước bỏ tư cách, chức vụ mà đương sự từng mang trở thành giải pháp được cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam áp dụng rộng rãi đối với những cá nhân sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới bị phát giác là lúc đương nhiệm có sai phạm. Dự luật sửa Luật Cán bộ - Công chức và Dự luật sửa Luật Viên chức mà Quốc hội sắp bàn, tỉ lệ "nhất trí " khi bỏ phiếu có lẽ rất… cao, chỉ nhằm hợp pháp hóa giải pháp đó.
Cho dù nguyên tắc : Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật vẫn còn nhưng vì từng đảm nhiệm những vai trò trọng yếu trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, một số công dân đột nhiên trở thành… cao quý hơn những công dân khác. Sự cao quý ấy khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải tìm một cách đối xử khác hơn là áp dụng Luật Hình sự.
Liệu trừng phạt chỉ bằng cách tước bỏ tư cách, chức vụ mà đương sự từng mang có làm dân chúng hài lòng ? Chắc là không. Cho dù toàn dân bảo không, Quốc hội - cơ quan đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của toàn dân vẫn gật. Một tỉ cho một ngày họp để bàn chuyện ruồi bu cũng chẳng đáng để bận tâm. Ruồi không bu được vào giải pháp tước bỏ tư cách, chức vụ mà đương sự từng mang, thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự thì đâu có bu được vào nhiều chỗ khác !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/05/2019
Chú thích :
(1) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/mot-ngay-hop-quoc-hoi-chi-phi-len-toi-1-ty-dong-1384098672.htm
(2) https://news.zing.vn/de-xuat-xoa-chuc-vu-cua-can-bo-nghi-huu-co-vi-pham-post936632.html
(7) https://tuoitre.vn/cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-mot-nam-o-nuoc-ngoai-163-ngay-20180628081309638.htm