Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2019

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang hướng đến một thỏa thuận - hay ly dị ?

David J. Lynch

Đòn mới nhất của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc cho thấy rằng hơn một năm đàm phán nhắm tới một thỏa thuận thương mại sâu rộng với Bắc Kinh chưa đi tới đâu cả mà thay vào đó, có thể chỉ tạo ra một thỏa thuận về các điều khoản ly hôn kinh tế.

divorce1

Công nhân Huawei tan việc vào cuối ngày làm việc tại một khuôn viên rộng lớn mới ở Đông Quan, gần Thâm Quyến, Trung Quốc. (Kevin Frayer / Getty Images)

Mối quan hệ giữa hai quốc gia tuy chưa bị hủy hoại đến mức đó, nhưng vào hôm thứ Năm (16, tháng Năm, 2019), căng thẳng đã gia tăng trở lại khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đáp trả hành động mới nhất của chính quyền Trump khi đưa Công ty công nghệ Hoa Vi (Huawei Technologies) của Trung Quốc vào danh sách đen các Công ty xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Động thái chống lại một trong những công ty nổi tiếng nhất của Trung Quốc, một biểu tượng kết nối chính trị giữa khát vọng của chính quyền Trung Quốc đối với giới lãnh đạo công nghệ, đã xổ toẹt triển vọng sớm tái tục đàm phán và dường như đã kích hoạt những phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc.

Điều đó cũng khiến một số nhà phân tích lên tiếng cảnh báo rằng sau bốn thập kỷ của quan hệ kinh tế chặt chẽ trước giờ, chính quyền Trump có thể đang tìm cách tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - một bước đi có thể làm rung chuyển cả nền kinh tế toàn cầu.

Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết "Hoa Kỳ không nên có các hành động khiêu khích hơn nữa đối với kinh tế Trung Quốc. Hành động này có thể không chỉ tổn hại đối với công ty Huawei mà còn tới mạng lưới sử dụng các thiết bị của Huawei trên toàn thế giới. Hành động này giờ đây chắc chắn sẽ đặt toàn bộ các mối quan hệ kinh tế lên trên bàn đàm phán".

Trump đã trực tiếp tham gia vào các cuộc thảo luận chi tiết về việc trừng phạt công ty Trung Quốc này. Hôm chiều thứ Tư, Trump đến trễ tại cuộc họp về kế hoạch nhập cư tại phòng Roosevelt, vì ông đã phải bàn bạc về các vấn đề thương mại Trung Quốc. Tổng thống thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ không hài lòng với quyết định về Huawei, và rằng điều đó có thể làm cho các cuộc đàm phán thương mại phức tạp thêm.

Nhưng ông mô tả quyết định này là không thể tránh khỏi, khi liên tục nhận xét rằng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thế giới vì sức mạnh kỹ thuật.

Theo một người tham dự yêu cầu được giấu tên thì Trump đã nói rằng "Trừ khi chúng ta chống lại họ ngay từ bây giờ, còn nếu không thì sẽ không có cơ hội để làm điều đó trong tương lai". 

Với việc Trump dự kiến ​​gặp Tập Cận Bình trong sáu tuần nữa tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản, thì thời điểm ra đòn chống lại Huawei khiến nhiều nhà quan sát bối rối. Ông Dennis Wilder, một cựu phân tích gia về Trung Quốc tại Cục Tình báo Trung ương (CIA), cho biết "Tôi đã rất ngạc nhiên về thời điểm ra đòn. Phải chăng ông Trump lại chọn một quân bài khác ? Hay ông ta đã ngả về phía những người trong chính quyền ủng hộ việc tách rời hai nền kinh tế ?"

Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc và là một cố vấn không thường xuyên của chính quyền Trump, đã kêu gọi Hoa Kỳ cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc, nói rằng tổng thống không ủng hộ việc phá vỡ hoàn toàn các mối quan hệ và chỉ đơn giản là "tự chuẩn bị cho thượng đỉnh sắp tới tại Osaka".

Các cuộc đàm phán thương mại có tầm quan trọng sống còn. Trong tuần này, sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói với các nhà lập pháp rằng các quan chức Hoa Kỳ đã lên kế hoạch trở lại Bắc Kinh để sớm tiến hành thêm các cuộc thương lượng, thì hôm thứ Năm, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng họ không hiểu ông Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có hàm ý gì.

Henry Farrell, một giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bắt đầu giống với "một cặp vợ chồng ly dị rất, rất bất hạnh, phải ở chung nhà vì lý do tài chính và cãi nhau liên tục xem ai sẽ ngồi chọn kênh tivi để xem".

Tuy nhiên, bất kỳ một nỗ lực nào nhằm tách biệt hai đối tác thương mại khổng lồ đều sẽ là đáng sợ.

Trao đổi thương mại hàng hóa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2004 đạt tới 660 tỷ đô la vào năm ngoái. Số hàng hoá Trung Quốc nhập vào Mỹ cao gấp 6 lần hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc.

Đây cũng là sự phụ thuộc tài chính : Trung Quốc nắm giữ hơn 1,1 nghìn tỷ đô la Mỹ trong Kho bạc Hoa Kỳ, và là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất về cổ phiếu chứng khoán của chính quyền Hoa Kỳ.

Khi Trung Quốc thời hậu Mao bắt tay vào công cuộc cải cách kinh tế từ cuối những năm 1970, các tổng thống Hoa Kỳ của cả hai đảng đã vội ăn mừng những lợi ích tiềm năng đối với các công ty Mỹ và dự đoán rằng theo sau đó sẽ là tự do hóa chính trị Trung Quốc.

Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã có một bước ngoặt chuyên chế độc đoán, trong khi Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các kêu ca, than phiền đã kéo dài từ lâu của Hoa Kỳ về hành vi trộm cắp các bí mật thương mại và thực tiễn phân biệt đối xử của Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài. Giờ đây, việc Washington coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược hơn là một đối tác tiềm năng đã khuyến khích người ta ủng hộ việc tách rời 2 nền kinh tế hơn.

Hành động của Bộ Thương mại Hoa Kỳ chống lại Huawei chấm dứt việc nhiều năm chính quyền Hoa Kỳ phải chịu đựng lo ngại về an ninh khi làm ăn với Huawei - công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Cả chính quyền Obama lẫn chính quyền Trump đều lo ngại rằng Huawei có thể tạo công nghệ cửa sau trong các thiết bị nhằm cho phép quan chức Trung Quốc do thám người Mỹ hoặc sẽ làm gián đoạn hay tê liệt các mạng lưới quan trọng của Hoa Kỳ nếu có xung đột.

Trong một thông báo, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết rằng họ đã đưa thêm Huawei và các công ty con của Huawei vào "danh sác các thực thể" cần trừng phạt và cho biết "Huawei đang can dự vào các hoạt động gây phương hại cho an ninh quốc gia hoặc cho lợi ích về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". 

Do đó, bất kỳ một công ty nào muốn bán công nghệ của Mỹ cho Huawei thì trước hết phải có được giấy phép của chính quyền Hoa Kỳ - yêu cầu sẽ đe dọa cắt đứt các dây chuyền cung cấp của công ty Trung Quốc này.

Tại Phố Wall, phần lớn các nhà đầu tư đã chấp nhận tham gia tấn kịch chiến tranh thương mại mới nhất, mặc dù các công ty cung cấp thiết bị cho Huawei đã hứng chịu tổn thất. Chỉ số Dow Jones trung bình đã tăng tới 215 điểm, tương đương 0,8%, lúc đóng cửa ở mức 25.862,68.

Hôm thứ Năm, ông Jim Glassman, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thương mại JPMorgan Chase, đã viết rằng "Mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung quá quan trọng - và có khả năng tạo ra rất nhiều của cải – sẽ bị hy sinh cho chủ nghĩa bảo hộ ngắn hạn. Không có bên nào được lợi từ việc làm gián đoạn dòng chảy thương mại hoặc đảo ngược sự hội nhập của nền kinh tế toàn cầu".

Đó có thể hoặc không thể là quan điểm của chính quyền Trump. Trong năm qua, chính quyền Trump đã thực hiện một số bước đi để làm chậm hoặc đảo ngược sự hội nhập kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Quá trình sàng lọc đề xuất dự án đầu tư vào Hoa Kỳ của các công ty Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn. Các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và robot sang Trung Quốc đang được soạn thảo. Và Washington đang trở nên khắt khe hơn trong việc cấp thị thực cho các học giả, sinh viên và doanh nhân Trung Quốc.

Scotiabank, một ngân hàng Canada, cho biết các đợt thuế quan nối tiếp của Trump đã khiến các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ phải trả mức thuế trung bình cao nhất so với mức thuế suất trong hơn 25 năm qua. Quan chức chính quyền đã có giọng điệu ngày càng gay gắt đối với Trung Quốc kể từ bài phát biểu mang tính bước ngoặt vào tháng 10 tại Học viện Hudson của Phó Tổng thống Pence, cảnh báo các công ty về sự nguy hiểm khi làm ăn với Trung Quốc, bao gồm việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức, trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp mạng.

Hồi tháng Tư, Giám đốc FBI là Christopher cho biết rằng "Trung Quốc có vẻ quyết tâm leo thang kinh tế bằng cách lợi dụng chúng ta... Thực tế là một số trong những mối đe dọa này là những mối đe dọa sống còn đối với một doanh nghiệp". 

Ngay cả khi các cuộc đàm phán thương mại kết thức bằng một thỏa thuận có ý nghĩa, cả hai nước đều có thể sẽ có những con đường khác nhau trong các lĩnh vực bao gồm cả sự phát triển của công nghệ tiên tiến.

Các cố vấn của Trump, ngay từ đầu đã bị chia rẽ về mục tiêu và mức độ tái cân bằng thương mại với Trung Quốc. Mnuchin nằm trong số những người tìm cách duy trì mối quan hệ đầu tư và thương mại sinh lợi. Những người khác như Peter Navarro, giám đốc Văn phòng Chính sách Sản xuất và Thương mại của Nhà Trắng, lại muốn giành lại cho người Mỹ các nhà máy đã bị mất.

Có vẻ như đó là một sự hiểu lầm hoàn toàn về thực tế, ông Carlos Gutierrez, chủ tịch của Albright Stonebridge Group và thư ký thương mại của chính quyền của George W. Bush nói. "Rất nhiều điều xảy ra ở đây đều bắt nguồn từ Trung Quốc… Thật không thực tế khi cho rằng chúng ta có thể lấy tất cả những chuỗi cung ứng mà chúng ta xây dựng ở đó và bằng cách nào đó tách mình ra khỏi Trung Quốc".

Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hạn chế vai trò kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đã gặp những vấp váp. Bất chấp những cảnh báo cao cấp về Huawei, Vương quốc Anh và Đức đã từ chối loại công ty này ra khỏi việc cung cấp mạng 5G của họ.

Tương tự như vậy, Ý, một đồng minh khác của Hoa Kỳ, cũng đã bác bỏ sự phản đối của Washington và tham gia chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu mang dấu ấn Tập Cận Bình – Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ông Gutierrez nói "Trung Quốc không tự tách mình ra khỏi thế giới. Mà thậm chí Trung Quốc đang tự ràng buộc vào thế giới còn nhiều hơn. Vào thời điểm mà nhiều người thì thầm vào tai Tổng thống Trump rằng chúng ta có thể tự tách mình ra khỏi thế giới, thì đó có vẻ là một chiến lược tự sát".

David J. Lynch

Nguyên tác : Are the U.S. and China heading for a deal - or a divorce ?, The Washington Post, 16/05/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 22/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)