Nguồn cơn ẩn giấu nào khiến ‘nợ công Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015’ ?
Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Nợ công Việt Nam - Tranh biếm họa (Nhốp)
Trong Báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính dự kiến Nợ công Việt Nam năm 2018 sẽ đạt mức 58,4%, thấp hơn các năm từ 2015 – 2017 (nợ công giai đoạn này lần lượt là 61,3% – 63,7% – 61,3%).
Theo đó, "các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 -2020 và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và báo cáo Quốc hội số 46/BC-CP ngày 19/10/2018 của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2018 và dự kiến năm 2019".
Trước đó tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, Nguyễn Xuân Phúc - quan chức thủ tướng bị dư luận đánh giá là còn ‘nổ’ hơn cả người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, đã khoe khoang thành tích nợ công quốc gia đã giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP - tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn trên là 65% GDP.
Nhưng có thực như vậy không ?
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp "vỡ" và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Đó là nguồn cơn vì sao Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017 - lại cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, dù loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.
Điều trớ trêu là vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ : "Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần".
Đó là lần đầu tiên ông Phúc tỏ ra cám cảnh thật sự trước tình cảnh ‘đổ vỏ’ của mình cho đời thủ tướng trước là Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí sau đó ít lâu, ông Phúc còn thốt ra một tán thán khác ấn tượng không kém : ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’.
Tuy nhiên từ đó đến nay, Thủ tướng Phúc đã im bặt mà không còn bất kỳ lời thú nhận thực nào về cảnh nạn khốn khó của ngân sách và nợ công nữa. Thay vào đó, quan chức này đi nhiều địa phương mà gần như ở đâu cũng được ban tặng là ‘đầu tàu kinh tế của cả nước’ - một thủ thuật chính trị mà dư luận chẳng khó gì để nhìn ra ngay động cơ của ông Phúc muốn vận động sớm cho cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021.
Ngày càng dày đặc dấu hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Trước khi bị "rớt đài" tại đại hội 12 của đảng cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bị các đối thủ chính trị đả kích mạnh về thói huênh hoang thành tích nhưng rất thiếu cơ sở khoa bọc. Còn giờ đây, Thủ tướng Phúc cũng có thể phải đối mặt với những đối thủ chính trị không ưa gì ông và luôn biết cách khai thác điểm yếu của ông, nhất là căn bệnh "giả số liệu".
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 24/05/2019