Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2019

‘Đa công đoàn’ : Một khái niệm trí trá mới của chính thể độc trị

Thường Sơn

Đà Nẵng - một thành phần vùng quê hương của Thủ tướng Phúc, dường như đã được quan chức này chọn lựa đặc biệt để làm thí điểm cho cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi giữa chính thể và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với loại hình công đoàn độc lập nằm ngoài nhà nước - theo quy định bắt buộc của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký và Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) nhiều khả năng sắp ký.

dacongdoan1

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - thủ phạm 'ăn cướp 3%' thu nhập của doanh nghiệp và hàng chục triệu người lao động trong rất nhiều năm qua. Ảnh 8 công đoàn ngành trong khối thi đua ký kết giao ước thi đua năm 2019 - Ban quản lý khu vực kinh tế Hải phòng

Ngày 25/5, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị chuyên đề giới thiệu "Hiệp định CPTPP - Thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam" cho gần 1.000 cán bộ công đoàn. Tại hội nghị, quan chức Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - đã trình bày ba chuyên đề : Cơ hội và thách thức của Công đoàn Việt Nam trong hội nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Một số vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực quan hệ lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới công nhân và hoạt động Công đoàn.

Ngọ Duy Hiểu đặc biệt nhấn mạnh đến "cơ hội và thách thức của tổ chức Công đoàn khi có CPTPP", bởi với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề "đa Công đoàn" được quy định và áp dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên cũng như nhiều quan chức khác, quan chức Ngọ Duy Hiểu đã không một lần đề cập đến thực chất của ‘đa công đoàn’ chính là công đoàn độc lập.

Chính thể đã quá quen với não trạng độc trị và vơ vét vẫn còn nằm nguyên trong tư duy bưng bít thông tin và giam cầm người lao động trong cái nhà tù tư tưởng khổng lồ.

Nhưng đến giờ này, có lẽ phần lớn trong số hàng chục triệu công nhân Việt Nam đã biết về sự thật mà chính thể độc đảng cố giấu diếm : trong CPTPP và EVFTA có một điều khoản đặc biệt quan trọng và thiết thân đến lợi ích công nhân là người lao động được quyền tự do thành lập công đoàn tự do (còn gọi là công đoàn độc lập) nằm ngoài tổ chức công đoàn quốc doanh mà không thể bị chính quyền công an trị quy chụp là ‘âm mưu lật đổ chế độ’.

Theo những quy định của CPTPP, chính quyền Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

CPTPP và EVFTA đang khiến đảo lộn phần lớn não trạng độc trị : Công đoàn độc lập - một thực thể mà trước đây chính quyền Việt Nam luôn xem là ‘thế lực phản động’ và quy cho nó âm mưu lật đổ chế độ, thì nay chính cái chính quyền đó phải âm thầm thừa nhận. Sự biến này đang và sẽ áp đặt một trong những "cánh tay nối dài của đảng" là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vào cái thế lần đầu tiên trong lịch sử phải từ bỏ vai trò độc quyền "quản lý người lao động" để phải tìm cách cạnh tranh một cách minh bạch và sòng phẳng với các nghiệp đoàn lao động độc lập do công nhân lập ra.

Ngay phía trước của chính thể độc trị là một thách thức rất lớn mà nó chưa bao giờ phải đối mặt trong quá khứ không có hội nhập quốc tế : làm thế nào để vẫn tiếp tục duy trì được cái tỷ lệ ‘3% ăn cướp’ - tức mức thu mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tự đặt ra để thu từ 2% thu nhập hàng tháng của các doanh nghiệp và 1% thu nhập hàng tháng của hàng chục triệu người lao động - mà không bị mất mát vì người lao động có thể rời bỏ tổ chức công đoàn nhà nước để gia nhập vào các tổ chức công đoàn tự do được thành lập bởi chính bàn tay của họ ? Làm thế nào để duy trì ảnh hưởng và quyền lực của đảng, nếu không còn độc tôn như trước thì cũng sẽ là mang tính thao túng và lũng đoạn, đối với các tổ chức công đoàn cơ sở của người lao động ? Và quan trọng hơn cả đối với chế độ cầm quyền, làm thế nào để công nhân - cho dù có thành lập được một số tổ chức công đoàn độc lập, cũng không thể tạo thành một lực lượng đủ mạnh để tiến hành đình công và biểu tình khi cần thiết như một sự thách thức đủ lớn đối với ách cai trị nghiệt ngã của chế độ ?

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 29/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 745 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)