Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2019

Ngày 29/5 : Nguyễn Phú Trọng Trình không có mặt để trình Công ước 98 !

Minh Quân

Rốt cuộc, phép thử 29/5 trình Công ước 98 đã không mang lại may mắn cho Nguyễn Phú Trọng. Việc ông ta phải ủy quyền cho Đặng Thị Ngọc Thịnh, dù trước đó Trọng đã cho báo đảng loan báo rộng rãi và chắc chắn về sự xuất hiện của ông ta vào thời điểm đó, cho thấy đã xảy ra một sự cố nào đó khiến ông ta phải cam chịu một lần nữa ‘biến mất’, bất chấp vô số phản ứng dư luận thật sự bất lợi.

dotquy

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước khi bị đột quỵ hôm 14/04/2019 tại Kiên Giang - Tranh minh họa

"Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế" - như báo đảng đưa tin đúng vào ngày 29/5.

Ít hôm trước lần ‘tái xuất’ đầu tiên vào ngày 14/5 kể từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh quật đổ ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, báo đảng đã vội vã thông tin về việc ‘Chủ tịch nước sẽ trình Công ước 98 ra Quốc hội vào ngày 29/5’, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của ông ta.

Sau đó, Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp xuất hiện tại vài sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên ; đặc biệt là ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ - là hai cuộc họp mà về nguyên tắc là tuyệt đối bảo mật, nhưng trong thực tế lại được Đài truyền hình Việt Nam dẫn thẳng lên sóng về phát hình và phát âm, khiến dậy lên dư luận về việc Trọng và Bộ Chính trị đảng đã nặng về ‘trình diễn’ trong những cuộc họp đó.  

Nhưng đến phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào ngày 20/05/2019 thì Nguyễn Phú Trọng lại… biến mất. Dấu ấn của phiên khai mạc này là đã không có bất cứ hình ảnh nào về Trọng, và trong lời giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp cũng không có thể loại ‘kính thưa đồng chí…’ như thường thấy trong những kỳ họp trước. Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.

Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.

Trước đó, đã ba lần đảng tìm cách định hướng cho dư luận về ‘sức khỏe đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đang phục hồi nhanh chóng’ qua các kênh Bộ Ngoại giao và hai ủy viên bộ chính trị là Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân.

Khi đó Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời cử tri quận 3 : "Sức khỏe Tổng bí thư đang ngày càng tốt lên. Về sức khỏe thì mỗi người có một mức độ khác nhau, chúng ta không thể tự đưa ra một thời hạn nhất định nào được. Nhưng tôi tin rằng cử tri sẽ sớm thấy Tổng bí thư xuất hiện làm việc".

Cách nói mập mờ của Nhân không chỉ thêm một lần nữa xác nhận Nguyễn Phú Trọng bị bệnh thật, mà còn gián tiếp khiến cho người ta hiểu rằng không biết đến khi nào Trọng mới hồi phục.

Cho đến lúc này, việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 29/05/2019

*******************

Phó chủ tịch nước thay ông Trọng trình Quốc hội về Công ước số 98 (RFA, 29/05/2019)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sáng 29/05/2019. Báo trong nước đưa tin cùng ngày.

conguoc1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Courtesy of VnExpress

Như vậy thực tế không như truyền thông Việt Nam loan tin hồi ngày 11/5 là ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, sẽ ra trước Quốc hội trình bày tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của ILO.

Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Kiên Giang làm việc trong hai ngày 13 và 14/4, có tin ông bị bệnh nặng phải đưa về Sài Gòn rồi ra Hà Nội chữa trị.

Mãi đến cả tháng sau ông này mới xuất hiện trở lại trong cuộc họp với 4 lãnh đạo cấp cao của đảng và chính phủ, và tiếp đến là cuộc họp Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

Trở lại với Công ước số 98 với 3 nội dung cơ bản : người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm ; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, cơ bản quy định pháp luật Việt Nam tương thích với quy định của Công ước. Tuy nhiên nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98 thì cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012.

Truyền thông trong nước dẫn trình bày của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộiLao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trước Quốc hội rằng việc gia nhập Công ước 98 là để thực hiện cam kết của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA).

Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019) yêu cầu các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.

*****************

Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vắng mặt khi phải trình "Công ước 98" (Người Việt, 29/05/2019)

conguoc2

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Hình : VietnamNet)

Hôm 29/05/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại Quốc hội và ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình "Công ước 98".

Đây là sự kiện quan trọng mà việc "tái xuất" của ông đã được các báo công bố từ vài tuần trước.

Báo Thanh Niên hôm 10/5 đã khẳng định ông Trọng sẽ đảm nhận việc này vì "việc gia nhập Công ước 98 và các công ước còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)".

Nay thì các báo nhà nước đồng loạt đăng tin ông Trọng ủy nhiệm cho bà Thịnh trình Công ước 98 mà không nói rõ lý do. Hành động này càng củng cố suy đoán rằng sức khỏe của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam chưa thật sự hồi phục sau khi ông này bị đột quỵ hồi Tháng Tư.

Thậm chí, có tin lan truyền trên mạng xã hội rằng ông Trọng "vẫn đang phải ngồi xe lăn", và hai lần xuất hiện "họp hội nghị cán bộ chủ chốt" và phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (hôm 16/5) là ông được bố trí ngồi sẵn trên ghế trước khi những người khác được vào khán phòng.

conguoc3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10. (Hình : Zing)

Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc trình Công ước 98 là người trình phải đứng đọc văn bản, trong lúc hai lần xuất hiện gần nhất, ông Trọng được thấy ngồi trên ghế, thậm chí có dây đeo an toàn (seatbelt) như đang ngồi trên phi cơ.

VietnamNet hôm 29/5 tường thuật : "Người hưởng lợi chủ yếu của Công ước 98 là người lao động vì giới này sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả".

Tờ báo trích lời bà Thịnh : "Việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ dử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Việc này cũng sẽ trợ giúp việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản".

Tuy vậy, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bình luận trên Đài VOA Việt Ngữ hôm 29/5 : "Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn".

"Công ước 98 mà phía Việt Nam dự kiến sẽ ký và phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội được xem là công ước ‘nhẹ’ nhất về những điều kiện cải thiện nhân quyền, trong lúc hai công ước quốc tế còn lại về lao động vẫn kiên định mất tích. Một trong hai cái là Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động", ông Dũng viết.
Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn dẫn link bài về Công ước 98 và bình luận trên trang cá nhân : "Vấn đề thành lập các công đoàn độc lập của người lao động sao không thấy nhắc đến ? Công đoàn độc lập là yêu cầu then chốt của các hiệp định thương mại quốc tế".

Đến nay, vẫn chưa rõ thời điểm ký kết EVFTA, trong lúc báo Lao Động hôm 10/5 úp mở : "Việt Nam và EU thúc đẩy ký chính thức EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) trong những tuần tới". (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 969 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)