Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2019

Việt Nam hay bài học "chân đất sét" từ Trung Quốc ?

An Viên

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới vào năm 2018, Việt Nam có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự báo sẽ cán mốc 33 triệu người. Thế nhưng, tầng lớp trung lưu Việt Nam lại vướng vào cái tư duy "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

chandat1

Tầng lớp trung lưu Việt Nam lại vướng vào cái tư duy "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Bài viết "Đại bàng Mỹ tung móng vuốt đấu với Gấu trúc Trung Hoa" của tác giả Nguyễn Giang trên BBC Việt ngữ đem lại nhiều gợi mở, bởi nội dung có trích dẫn quan điểm của Giáo sư Nye, người nhận định chính xác về sự hình thành một xã hội trung lưu ở Trung Quốc, nhưng "tầng lớp cầm quyền bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về tư duy chính trị. Họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới cứu được Trung Quốc, và mọi cải cách phải tăng cường sự lãnh đạo độc tôn của đảng này". Chính vì vậy, Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại không cho thấy nước này "yếu đi", nhưng nó cho thấy, Trung Quốc không phải "mạnh, cường quốc" như quốc gia này ảo tưởng.

Gợi mở vì chính bản thân Việt Nam cũng đang đi theo vết đổ này, khi bản thân xã hội Việt Nam chứa đựng những yếu tố tiền xã hội trung lưu. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới vào năm 2018, Việt Nam có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự báo sẽ cán mốc 33 triệu người. Thế nhưng, tầng lớp trung lưu Việt Nam lại vướng vào cái tư duy "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Tầng lớp trung lưu Việt Nam không khác gì với tầng lớp trung lưu Trung Quốc, bởi họ bị ràng buộc và kiềm chặt vào cái định kiến cách mạng không tưởng, rằng "chỉ có Đảng cộng sản mới cứu được…".

Vào tháng 06/2015, Nhà xuất bản Sự thật (Hà Nội) đã xuất bản tác phẩm "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" của ông Nguyễn Phú Trọng, Ba năm sau (6/2018), nhà xuất bản này tiếp tục ra mắt cuốn sách tiếp theo của ông Nguyễn Phú Trọng, với tên gọi "Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua", với nội dung tập hợp 90 phát biểu, nói chuyện, trả lời phỏng vấn của ông Trọng từ năm 2015-2017.  Và dù là cuốn sách 2015 hay 2018, thì bản thân lệnh đề chủ đạo của cuốn sách vẫn là : đổi mới do đảng, và đảng là nhân tố cho sự vững mạnh quốc gia.

Trong hệ xã hội mà đảng toàn quyền quyết định, thì các tầng lớp không gì mong mỏi hơn là "đảng đổi mới toàn diện, quyết liệt". Nhưng cho đến nay, đổi mới "đột phá" nếu tính từ Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, thì đã thoái lui dần. Lý do, từ Đại hội VI, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định 5 thành phần kinh tế : (Kinh tế xã hội chủ nghĩa (Quốc doanh, tập thể, gia đình), Kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, Kinh tế tự túc, tự cấp, Kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tư bản tư nhân) nhưng sau 33 năm, yếu tố "kinh tế tư bản tư nhân" vẫn bị nhìn nhận một cách dè dặt, dù bản thân chính yếu tố này đang là cứu tinh cho nền kinh tế Việt Nam (vốn bị lũng bại bởi yếu tố kinh tế xã hội chủ nghĩa).

Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng, trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương 10 "khuyến khích, động viên" kinh tế tư nhân, nhưng đồng thời khuyến cáo về hiện tượng "coi nhẹ kinh tế nhà nước". Còn trong thực tế, thì các thuế phí vẫn gây áp lực nặng nề lên phía doanh nghiệp tư nhân, theo đúng nghĩa "vắt kiệt".

Đơn cử, chỉ cần giá xăng dầu tăng lên thì chi phí vận chuyển cũng gia tăng theo, tiền lương và các phúc lợi xã hội sẽ khiến cho việc sản xuất – kinh doanh bị đình trệ. Thế nhưng, giá xăng dầu trong nước và giá điện liên tục tăng mạnh, trong khi giảm lại mang tính nhỏ giọt. Quan điểm của Bộ Công thương về việc "phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước" chỉ là lời nói vô thưởng vô phạt.

Giới doanh nghiệp vừa và nhỏ, những yếu tố chứa đựng tầng lớp trung lưu bị "o ép và vắt kiệt" không khác gì cách ứng xử thời thực dân Pháp (vốn được đặc tả trong sách giáo khoa Lịch sử hiện nay). Môi trường kinh doanh thông thoáng, thuế phí hài hòa, loại bỏ tham nhũng vẫn là ước vọng của hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam, là giấc mơ của cả tầng lớp trung lưu Việt Nam.

Họ cần một sự thay đổi cơ chế, rõ ràng là vậy.

Một trong những dấu hiệu đột phá nhất để cho thấy "sự thay đổi" đó, đến từ công nhận "Việt Nam có nền kinh tế thị trường" từ phía đối tác EU, Mỹ. Vấn đề là phải cải cách chính sách triệt để. Bởi nếu không, câu chuyện "làm giàu" của tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục là quỹ đạo cũ kỹ, nơi mà họ buộc phải đi "đường vòng" thay vì "đường thẳng", và nếu không "có thế và lực thì khó giành được những ưu đãi về đồng vốn, về phân bổ tài nguyên và thường phải vận dụng cơ chế xin cho với nhiều cạm bẫy"…

Và bằng cách đó, tầng lớp trung lưu bị buộc phải "ngồi ở chiếu dưới do vị trí xã hội thấp không có khả năng liên kết với các nhóm lợi ích".

Khi tầng lớp trung lưu bị chèn ép, bị đặt ngồi thế dưới bởi các nhóm lợi ích thông qua các tập đoàn tư-công, thì sự tăng trưởng của Việt Nam cũng chỉ là "dậy non" (thiếu tính bền vững, thịnh vượng) không hơn không kém.

Và "Make in Vietnam" (một khẩu hiệu kinh tế mới trong thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có vẻ theo đuổi tư duy Made in China của ông Tập Cận Bình) cũng sẽ khó thành công nếu chỉ dựa vào việc lập Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.

Nếu Trung Quốc đi chân đất sét, thì Việt Nam cũng sẽ là như vậy, không phải vì văn hóa, mà vì cơ chế của hai nước giống nhau. Khác nhau ở điểm, Trung Quốc trả giá trước và Việt Nam trả giá sai.

Trở lại chút với Giáo sư Joseph Nye, ông là người đã từng đến Việt Nam nhiều lần, từng giảng dạy với các quan chức ngoại giao về "quyền lực mềm", và theo ông Việt Nam cũng có tiềm năng "đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hoá, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia".

Gương Trung Quốc với tư duy "dậy non" vẫn đang diễn ra, và tham vọng Make in Vietnam sẽ sớm bị "chết non" như Made in China khi mà cơ chế, chính sách, tư tưởng chính trị vẫn xoay quanh "tăng cường sự lãnh đạo độc tôn của đảng", thay vì làm mọi cách để cởi nút thắt phát huy toàn diện, lâu dài tiềm lực quốc gia.

Đảng cộng sản là nhân tố duy nhất quyết định thắng thắng lợi của cách mạng, điều này đúng, nhưng đúng trong định nghĩa và quỹ đạo "cách mạng Đảng cộng sản".

Đảng cộng sản không phải là lực lượng duy nhất để đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến quan hệ sản xuất, điều này không sai. Bởi lẽ, sự thay đổi của phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất phải dựa trên sự cạnh tranh thị trường thay vì "mệnh lệnh chính trị" (Nghị quyết Đại hội), dựa trên nguồn lực phân bổ công bằng cho các thành phần kinh tế thay vì "kinh tế chủ đạo". Và trên cả là sự đối đãi đối với tầng lớp trung lưu một cách công bình, dựa trên "nuôi dưỡng" thay vì vắt kiệt sức bằng hệ thuế phí như hiện nay.

Và chỉ khi nào loại bỏ quan điểm, tư duy hẹp hòi đến mức bảo thủ, "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" thì khi đó, đất nước này mới có cơ hội cất cánh, và vượt ra khỏi những vết sai của Trung Quốc được.

An Viên

Nguồn : VNTB, 29/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 506 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)