Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2019

Việt Nam tìm cách hạn chế vốn Trung Quốc

David Hutt

Đảng cộng sản bắt đầu đặt câu hỏi Việt Nam có thể tiếp nhận bao nhiêu thương mại và đầu tư của Trung Quốc mà không gây ra phản ứng dữ dội

von01

Một cảnh sát ngăn các nhiếp ảnh gia chụp ảnh trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước Nhà hát lớn ở Hà Nội trong một bức ảnh. Ảnh : Facebook - Ảnh minh họa

Trong khi chủ nghĩa dân tộc bài Trung trở nên phổ biến ở Việt Nam, thì Đảng cũng bắt đầu đặt câu hỏi nghiêm túc liệu Việt Nam có thể tiếp nhận thêm bao nhiêu đầu tư của Trung Quốc mà không bị phản ứng dữ dội, và liệu dòng chảy thương mại bất bình đẳng có đang lấn át các công ty trong nước.

Việc hoãn luật đặc khu vào năm ngoái được xem là một lần nhượng bộ hiếm hoi của nhà cầm quyền để đối phó với áp lực của công chúng. Luật Đặc khu lại một lần nữa bị hoãn khi thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biệt việc này không nằm trong chương trình nghị sự lập pháp vào năm 2019 hoặc 2020. 

Có khả năng Đảng đã quyết định hoãn thảo luận về luật Đặc khu cho đến sau Đại hội 2021, sau khi đã có đội ngũ lãnh đạo mới. Cũng có thể Đảng đã quyết định bỏ hoàn toàn kế hoạch Đặc khu do lo ngại Trung Quốc thâm nhập sâu vào nền kinh tế.

Chỉ có một trong ba Đặc khu được xây dựng gần biên giới Trung Quốc, nhưng không đặc khu nào dành độc quyền cho Trung Quốc. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về khả năng kinh tế và tài chính của Đặc khu.

Bộ Tài chính ước tính sẽ tốn khoảng 70 tỷ đô la để phát triển ba Đặc khu, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài chỉ dự kiến sẽ góp một nửa số vốn, khu vực nhà nước và tư nhân phải trả phần còn lại.

Xây dựng đặc khu làm dấy lên lo ngại có thể dẫn đến rủi ro bẫy nợ tiềm ẩn của Trung Quốc tương tự như ở các quốc gia khác. Nợ công tăng cao, lên tới gần 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016, trong khi đó chính phủ phải kiềm chế đầu tư, cắt giảm ngân sách và áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Số tiền đầu tư ban đầu liệu sẽ thu hồi lại được hết trong dài hạn cũng là mối nghi ngại lớn khác.

Ông Vũ Quang Việt cảnh báo về việc các Đặc khu có thu hút các công ty trong lĩnh vực công nghệ cao cấp và họ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư đầu cơ vào bất động sản và cờ bạc như Trung Quốc đã làm ở Campuchia.

Các nhà kinh tế và nhà hoạt động quyền nổi tiếng khác cho rằng các Đặc khu có vốn đầu tư nước ngoài có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề quyền đất đai vốn đã căng thẳng, và rằng nguyên nhân chính của việc gia tăng biểu tình chống Đảng trên cả nước thường liên quan đến đầu tư Trung Quốc.

Năm 2009, nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc nổ vì lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc khai thác bauxite ở miền trung Việt Nam. Một số các vị lãnh đạo lão thành lên tiếng chỉ trích chính phủ và coi đó là thỏa thuận bán dần chủ quyền cho Trung Quốc vì khu vực miền Trung là vùng núi nguyên sơ và cũng có tầm quan trọng chiến lược trong các tranh chấp hàng hải đang diễn ra với Trung Quốc.

Bảy năm sau, lại có các cuộc biểu tình trên toàn quốc sau khi tập đoàn Đài Loan Formosa Nhựa đổ chất thải độc hại vào vùng biển miền trung Việt Nam, hủy hoại môi trường và nghề cá ở một số tỉnh.

Cả hai vụ biểu tình này, một chống Trung Quốc và một chống Đài Loan, khiến Đảng cầm quyền phải xem xét lại các chính sách thúc đẩy đầu tư nước ngoài của họ. 

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia nhận xét đảng và chính phủ Việt Nam bị bất ngờ trước các vụ biểu tình chống Trung Quốc dữ dội hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Thayer cho biết thêm, "Lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục dập tắt chỉ trích trong nước về Trung Quốc đồng thời thúc đẩy sự tham gia kinh tế với Trung Quốc. Điều này phản ánh chính sách từ lâu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hạn chế chứ không hoàn toàn kiểm duyệt những bình luận chống Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông trong nước trong khi "hợp tác và đấu tranh với Trung Quốc trong quan hệ song phương".

Điều đó đặt Đảng vào một vấn đề nan giải. Là một quốc gia độc tài, tính hợp pháp của Đảng Phụ thuộc phần lớn vào khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, hiện đang thuộc hàng nhanh nhất thế giới, cũng như vai trò lịch sử của Đảng đã đẩy lùi chủ nghĩa thực dân nước ngoài.

Ý kiến đối lập cho rằng Việt Nam đã quá thân thiện với Trung Quốc trong khi vẫn đang có những tranh chấp gay gắt ở Biển Đông với Bắc Kinh.

Việc thừa nhận tầm quan trọng của đầu tư của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Hà Nội có thể sẽ thay đổi khi nhận thức về sự thống trị của Trung Quốc với rủi ro về chính trị gia tăng.

Quyết định hoãn luật Đặc khu cho đến năm 2021 hoặc xa hơn chắc chắn sẽ được coi là một chiến thắng của những ai không đồng tình với kế hoạch này, cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc bài Trung. 

Tuy nhiên, sự hoài nghi về đầu tư của Trung Quốc trong Đảng đã ngày càng tăng khi một số Đảng viên và quan chức cao cấp gần đây dường như đang kêu gọi giới hạn FDI lần đầu tiên .

Một phần do cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra, nhiều công ty Trung Quốc chuyển hoạt động về phía Nam.

Việt Nam, một trong số ít các quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi về đầu tư.

Theo một báo cáo gần đây của Rong Viet Securities Corporation, một công ty tư vấn có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, số tiền đầu tư chỉ riêng quý đầu năm nay của các công ty Trung Quốc đã bằng khoảng hai phần ba số tiền họ đầu tư vào Việt Nam trong cả năm 2017.

Trong phiên họp mới nhất của Quốc hội vào đầu tháng này, các đại biểu đã đặt câu hỏi liệu vốn đầu tư Trung Quốc này có thực sự tốt cho Việt Nam trong dài hạn hay không.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương thành phố Hồ Chí Minh, đã kêu đề phòng các công ty Trung Quốc mang công nghệ lạc hậu vào và làm cho các công ty trong nước mất đi thế cạnh tranh. Một đại biểu khác kêu gọi đặt hàng cản bảo hộ mới để chính phủ có được nhiều quyền hơn khi chọn và xem xét đầu tư của Trung Quốc.

Việt Nam vẫn có thể có chọn lựa khi các nhà đầu tư nước ngoài khác mở rộng đầu tư của họ ở Việt Nam. Việt Nam hiện được xem là điểm đến hấp dẫn nhất ở Châu Á đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, theo khảo sát năm nay của hãng tin Nhật Bản NNA.

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chiếm gần một phần tư trong tổng số 35,4 tỷ đô la vốn FDI năm ngoái. Hàn Quốc cũng đang tăng nhanh đầu tư, đặc biệt là khi Seoul giảm đầu tư vào Trung Quốc.

Chỉ riêng Samsung Electronics đã đầu tư khoảng 17 tỷ đô la vào Việt Nam, biến Việt Nam thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai sau Trung Quốc, và công ty con của Samsung trong nước thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam. Samsung đã đạt doanh thu 58 tỷ USD ở Việt Nam trong năm 2017.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang hạn chế thương mại với Trung Quốc vì thâm hụt thương mại hiện trị giá khoảng 5,2 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục giảm, giảm 16% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 18,6% trong quý một.

Hiện đồng Nhân dân tệ bị mất giá và đã giảm khoảng 9% kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu. Đại biểu quốc hội hiện đang đặt câu hỏi liệu có nên phá giá đồng nội tệ để ngăn chặn thâm hụt mở rộng hay không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố với quan chức cấp cao Trung Quốc năm ngoái rằng doanh nghiệp Trung Quốc nên nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Việt Nam hơn, bắt đầu với các sản phẩm nông nghiệp, để cân bằng thương mại song phương.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cân bằng thương mại đó. Nhưng rõ ràng là chủ nghĩa dân tộc bài Trung đang gia tăng ở Việt Nam, đến mức tạo áp lực buộc chính phủ độc đảng phải cân nhắc về quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc.

Ngay khi các nhà hoạt động và các nhà kinh tế chỉ trích luật Đặc khu vì cho rằng họ đặt lợi ích của Trung Quốc lên trên lợi ích quốc gia, một số quan chức trong Đảng hiện đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu đầu tư và thương mại Trung Quốc có nhất thiết vẫn là lợi ích quốc gia hay không.

David Hutt

Nguyên tác : Vietnam seeks to slow China inflows, AsiaTimes, 30/05/2019

Phương Thảo lượt dịch

Nguồn : VNTB, 03/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)