Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2019

Việt Nam có nên sản xuất đất hiếm : không nên !

An Viên

Bỏ 10 đồng để khai thác, nhưng di hại môi trường lên 100 đồng, trong khi giá bán không bao giờ có thể cạnh tranh với mức giá đất hiếm mà Trung Quốc đưa ra. Đó là những gì mà Việt Nam có thể cân nhắc giữ lại mỏ đất hiếm cho thế hệ sau, ít nhất là không tạo ra các di sản tồi tệ trong tương lai.

dathiem1

Mỏ khai thác đất hiếm ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để có thể triển khai ngay trong trường hợp cần thiết - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.

"Đất hiếm", một nhóm những khoáng sản đất hiếm được cho là Mỹ có mức độ phụ thuộc đặc biệt lớn vào Trung Quốc.

Trong diễn biến mới nhất, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu, "Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đất hiếm của những quốc gia khác, nhưng ‘không chấp nhận’ quốc gia nào sử dụng đất hiếm của Trung Quốc để sản xuất, sau đó quay lại kìm hãm Trung Quốc".

Liên quan đến "đất hiếm", trang VTC đã đăng tải bài viết "Việt Nam xuất khẩu đất hiếm cạnh tranh với Trung Quốc", dẫn quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Việt Nam có đất hiếm với trữ lượng không hề nhỏ, đây chính là cơ hội và tiềm năng xuất khẩu loại khoáng sản này. Tuy nhiên, ông Khiển cho rằng, "tính tới thời điểm hiện tại, các mỏ đất hiếm chưa đi vào khai thác công nghiệp có hiệu quả".. Nhìn chung, quan điểm của vị cựu Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản vẫn là "khai thác", nhưng cần có giải pháp không ảnh hưởng môi trường và có giải pháp bảo hộ lao động.

Hiếm nhưng mà không hiếm

Trung Quốc cung 80% nguồn đất hiếm, dù Bắc Kinh dự trữ 1/3 trữ lượng. Nghĩa là, 2/3 còn lại tập trung ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Việt Nam.

Vấn đề, từ năm 2010, một số quốc gia (Nhật Bản, một quốc gia có nhiều va chạm chủ quyền với Bắc Kinh) đã thay thế đất hiếm có nguồn gốc từ Trung Quốc bằng các quốc gia khác, chẳng hạn như Úc, Brazil, Ấn Độ và Nga.

Mỹ, quốc gia mà Bắc Kinh đang muốn trả đũa qua con bài đất hiếm từng là quốc gia sản xuất đất hiếm số 1 thế giới ở thập niên 60-80 của thế kỷ XX, tại mỏ Mountain Pass ở California. Tuy nhiên, mỏ này bị đóng cửa do liên quan đến vấn đề nước thải độc hại, cũng như không cạnh tranh nổi trước mức giá đất hiếm từ Trung Quốc (vốn hạn chế các vấn đề môi trường).

Mỏ Mountain Pass được mở lại, và cung ứng 10% nguồn cung toàn cầu.

Daniel Wagner, tác giả của cuốn sách mới Tầm nhìn Trung Quốc nhận định, Mỹ thực sự tổn thương, bởi đất hiếm là thứ quan trọng để sản xuất một loạt các sản phẩm trong công nghệ xanh hoặc có các ứng dụng quân sự, nhưng không nhiều như trước đây. Năm 2018, Mỹ đã mua ít hơn 4% số đất hiếm từ Trung Quốc, lý do chính vì cơ sở sản xuất của Mỹ đã được chuyển ra bên ngoài.

Nếu Trung Quốc tiến hành "lệnh cấm", thì Bắc Kinh sẽ gặp ảnh hưởng dây chuyền, khi mà nó có thể khiến các công ty (đặc biệt công ty công nghệ) từ khắp nơi trên thế giới xem xét lại liệu họ có muốn tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất của mình ở Trung Quốc hay ở các nước khác phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Bản thân thời kỳ kinh tế phẳng, chuỗi cung ứng toàn cầu rất đa dạng và có khả năng phục hồi, và nó khiến lệnh cấm có thể vô hiệu hóa một phần.

Đó là chưa kể quy trình pháp lý của thương mại thế giới sẽ chống lại Trung Quốc. Vào năm 2010, Bắc Kinh đã cắt giảm xuất khẩu đất hiếm nhằm trả đũa sự kiện một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với hai tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Năm 2012, Nhật Bản, Mỹ và EU đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những hạn chế của Trung Quốc đối với xuất khẩu đất hiếm, và hai năm sau, các nguyên đơn đã thắng kiện.

Việt Nam có nên sản xuất đất hiếm ?

Quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khiển là phù hợp với xu hướng tận dụng sự trả đũa của Trung Quốc để sản xuất thương mại. Tuy nhiên, xu hướng này không phù hợp về mặt môi trường lẫn tác dụng kinh tế dài lâu.

Về mặt kinh tế, như đã đề cập, nguồn cung đất hiếm không phải là duy nhất từ Trung Quốc, bản thân Trung Quốc cũng khó có thể cắt đi nguồn đất hiếm đối với Mỹ, khi nó tác động đến môi trường thu hút đầu tư cũng như đối diện với cuộc chiến pháp lý thương mại tại WTO, như đã đề cập ở trên.

Đó là lý do vì sao, Dave Gholz, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame khẳng định với Reuters, "Các chính trị gia trở nên quá hoảng hốt hoặc quá mải mê với ý tưởng thao túng chính trị thị trường".

Về mặt môi trường, đất hiếm không hiếm ở sản lượng, bởi theo Khảo sát Địa chất Mỹ chúng "tương đối dồi dào trong lớp vỏ của trái đất", nhưng khai thác chúng lại là quy trình phức tạp, khi phải chiết tách chúng trong các khoáng chất khác nhau, ở các nồng độ khác nhau. Cơ sở chiết tách là quá trình hóa học phức tạp thường gặp nhất là một quy trình gọi là chiết dung môi, trong đó các vật liệu hòa tan đi qua hàng trăm buồng chứa chất lỏng phân tách các yếu tố riêng lẻ hoặc các hợp chất và bước nhảy có thể được lặp lại hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn lần. Có sự hiện diện của thorium phóng xạ trong một số quặng và, một số quy trình khai thác và phân tách liên quan đến các hóa chất tạo ra nước thải độc hại.

Một bài viết vào tháng 3/2014 trên The Guardian tại mỏ ở làng Số Một, nơi mà khai thác đất hiếm từ thập niên 50 của thế kỷ XX, một bãi bùn xám rộng vô tận hiện diện, và vì không có lớp lót thích hợp, các chất thải trong quá trình chiết tách đã thấm vào nước ngầm, và xâm lấn về phía sông Hoàng Hà với tốc độ 20-30m/năm. Năm 1990, dân làng ở đây bắt đầu cảm nhận rõ rệch tác động môi trường của sản xuất đất hiếm, khi cừu, bắp cải dần chết, số người ung thư tăng lên, răng người vàng và xô vẹo.

Chế biến một tấn đất hiếm tạo ra 2.000 tấn chất thải độc hại.

Một khu vực đất hiếm mang tên khu mỏ Nei Mongol [1], do doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành khai thác, và vệ tinh của Nasa năm 2012 ghi nhận được, mảng hố đen, thảm thực vật màu đỏ, đồng cỏ có màu nâu nhạt, đá có màu đen, và mặt nước màu xanh lá cây. 75 mét khối nước thải có tính axit, một tấn chất thải phóng xạ cũng ra đời, 9.600-12.000m3 khí thải có chứa chất cô đặc bụi, axit hydrofluoric, sulfur dioxide và axit sulfuric với mỗi tấn đất hiếm được khai thác.

Có thể tưởng tượng Việt Nam với mỏ khai thác đất hiếm, nhưng tính chất di hại có thể tăng gấp 100 lần so với di hại mà boxite Tây Nguyên đã để lại.

Đó là chưa kể, khả năng quản lý môi trường (đặc biệt các báo cáo về môi trường) Việt Nam là cực kỳ yếu kém, kể cả so với chính quyền Bắc Kinh.

Bỏ 10 đồng để khai thác, nhưng di hại môi trường lên 100 đồng, trong khi giá bán không bao giờ có thể cạnh tranh với mức giá đất hiếm mà Trung Quốc đưa ra. Đó là những gì mà Việt Nam có thể cân nhắc giữ lại mỏ đất hiếm cho thế hệ sau, ít nhất là không tạo ra các di sản tồi tệ trong tương lai.

An Viên

Nguồn : VNTB, 03/06/2019

Tham khảo :

https://earthobservatory.nasa.gov/images/77723/rare-earth-in-bayan-obo

Quay lại trang chủ
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)