Quốc hội có "sáng suốt" không ?
Mặc Lâm, VOA, 06/06/2019
Có lẽ chưa bao giờ Quốc hội Việt Nam được theo dõi kỹ như lúc này, bởi người dân thấy rõ mỗi một động thái của Quốc hội, mặc dù chỉ trong mơ hồ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn nói : Không phải phải Quốc hội không muốn xử phạt người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, luật hiện hành đã có quy định
Trong tâm thế đó, khi báo chí loan tin việc Quốc hội biểu quyết về người điều khiển phương tiện giao thông trong lúc máu có nồng độ cồn sẽ bị xử lý ra sao qua hai phương án :
Phương án 1 : Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông).
Phương án 2 : Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Kết quả biểu quyết, chỉ có 44,21% Đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 và có 49,59% Đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2. Do vậy, cả 2 phương án đều không quá bán, tức không được Quốc hội thông qua.
Với kết quả bất ngờ như thế, người dân thật sự bị ‘kích động’ vì nhận ra rằng những người được gọi là Đại biểu nhân dân ấy thật ra không thể đại diện cho họ để bấm những chiếc nút trong nghị trường Quốc hội. Kết quả của hai phương án đều dưới 50% làm cho người dân hỏi nhau : Vậy Quốc hội cho phép uống rượu bia có nồng độ không giới hạn và kết quả này sẽ dẫn đất nước về đâu ?
Thật ra, tình trạng uống rượu lái xe gây tai nạn chết người đã đến mức báo động trong vài năm qua. Theo một bài báo của Thanh Niên Online (1) cho biết "Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ tai nạn giao thông với 8.700 người chết thì chỉ riêng tai nạn giao thông do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn".
Bài báo này cũng chỉ ra từ nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới.
Người dân chứng kiến không biết bao nhiêu là tai nạn xảy ra do rượu bia mang lại và những hình ảnh ghê rợn ấy phải được phòng ngừa bằng các biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, khi đọc bản tin của báo chí liên quan tới đề tài này, ngay lập tức sự giận dữ bùng vỡ trên mạng xã hội với nhiều ý kiến phản biện của các nhà báo, trí thức, ngay cả những người không quen viết lách cũng đưa ra những nhận xét sát với thực tế cuộc sống.
Quốc hội bị cho là được các nhóm lợi ích lobby để ngăn cản một cách gián tiếp Điều 8, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ-CP về mức xử phạt đối với người điều khiển xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định.
Từ bao lâu nay, người dân biết rất rõ nếu uống rượu lái xe gắn máy mà độ cồn bị Cảnh sát giao thông đo được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ cồn vượt quy định bao nhiêu. Riêng người lái các loại xe bốn bánh thì độ cồn là 0 vì vậy chỉ cần một lon bia cũng đủ bị tịch thu bằng lái.
Việc báo chí loan tải các Đại biểu Quốc hội biểu quyết dưới quá bán tức là không thông qua có vẻ như Quốc hội vô ý đạp lên những quy định mà Bộ công an đã thực hiện từ bao lâu nay nhằm ổn định tình trạng an toàn giao thông.
Có vẻ thông tin mà báo chí loan tải thiếu một chi tiết quan trọng khiến cho dư luận liên tục đưa ra những chống đối mạnh mẽ. Phải chăng "Quốc hội biểu quyết về độ cồn trong máu phải tăng hơn hay giảm xuống căn cứ theo quy định 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở như đang hiện hành" ?
Nhưng cũng không đúng. Nếu quả thật có sự xem xét lại độ cồn cho hợp lý thì đại biểu nào là tác giả trình dự thảo luật này ? Tất cả các bài báo đều không nói đến việc này chỉ chung chung viết rằng : "Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2018, dự kiến thông qua ngày 14-6. Tuy nhiên, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo Luật".
Và quá trình thảo luận ấy bị kẹt lại mà người dân không hiểu nguyên nhân, chỉ biết là Quốc hội không chịu thông qua mà thôi.
Không lẽ Quốc hội chơi trò cút bắt với người dân để đến khi họ mỏi mệt rã rời thì nhóm lợi ích nào đó ngồi đếm thành quả mà họ đã bỏ công vận động trong nhiều tháng trời qua ?
Ngay sau phiên biểu quyết, bà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phấn khởi cho rằng con số hơn phân nửa chống đối chứng tỏ tình trạng dân chủ trong nghị trường đã tiến tới một tầm cao mới. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận xét này và họ cho rằng sở dĩ đại biểu bỏ phiếu chống vì họ rất mơ hồ về khái niệm độ nguy hiểm của rượu bia tác động tới người dân.
Có người như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thẳng thừng cho rằng "Một nghị quyết của Quốc hội là sáng suốt chỉ khi các Đại biểu Quốc hội sáng suốt. Một nghị viện gồm các nghị sĩ dân trí thấp không bao giờ cho ra các quyết định sáng suốt. Cho nên muốn Quốc hội hoạt động hiệu quả nhất thiết phải nâng cao dân trí của các Đại biểu Quốc hội" (2).
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 06/06/2019
(2) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1631297610336996
**********************
Heineken và Sabeco đọ sức trên chiến trường bia Việt Nam (BBC, 06/06/2019)
Thị trường bia Việt Nam đang trở thành một sân chơi cho những người khổng lồ nước ngoài, với nhiều thương hiệu Việt Nam bị xóa sổ hoặc phải vật lộn để duy trì hoạt động.
Heineken và Sabeco nhòm ngó thị phần của nhau
Thị trường bia hiện đã vượt mốc bốn tỷ lít, dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng luôn giữ mức trên 5% ngay cả khi nhiều thị trường khác sụt giảm.
Nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và không phải tất cả các nhà sản xuất bia đều kiếm được tiền.
Thực tế đáng buồn cho bia Việt Nam
Thị trường bia Việt Nam hiện gần như chỉ nằm trong tay các đại gia nước ngoài. Thương hiệu Việt Nam đang dần biến mất.
Trong nhiều trường hợp, sau khi thành lập liên doanh với một công ty trong nước, đối tác nước ngoài đã mua lại đối tác trong nước, biến đơn vị này thành một doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường bia trong nước, hiện đã vượt mốc bốn tỷ lít, dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Sapporo là một ví dụ điển hình cho việc này. Sau khi mua 29% cổ phần của Vinataba tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapporo Việt Nam năm 2015, công ty đã chính thức trở thành công ty con thuộc sở hữu của Công ty Quốc tế Sapporo (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapporo Holdings - Nhật Bản).
Carlsberg cũng theo chiến lược tương tự tại Việt Nam. Họ gia nhập thị trường thông qua liên doanh với các đối tác Việt Nam để thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Bia Huế, chủ sở hữu nhãn hiệu Huda từ năm 1994.
Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, Carlsberg đã chính thức trả 1.875 nghìn tỷ đồng (81,52 triệu USD) vào cuối năm 2011 để mua 50% cổ phần từ Ủy ban nhân dân Thừa Thiên-Huế, qua đó mua 100% bia Bia Huế.
Một ví dụ khác là nhãn hiệu bia Zorok, tới từ Vinamilk.
Năm 2006, Vinamilk thành lập SABmiller Vietnam Co., Ltd., liên doanh với nhà sản xuất bia nổi tiếng thế giới SABmiller. Nhà máy sản xuất bia SABmiller chính thức ra đời vào đầu năm 2007 và ra mắt thương hiệu Zorok.
Tuy nhiên, với kế hoạch bán hàng dựa vào sử dụng mạng lưới phân phối sữa Vinamilk, bia Zorok không thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế trên thị trường như Tiger, Heineken và San Miguel.
Chỉ sau hai năm lúng túng trong hoạt động, Vinamilk phải bán cổ phần của mình tại SABmiller.
Không lâu sau đó, SABmiller đã phải bán hoạt động tại Việt Nam cho Anheuser-Busch InBev vì kinh doanh không hiệu quả.
Cuộc đọ sức giữa Heineken và Sabeco
Tập đoàn TCC của Thái Lan, sau khi mua phần lớn cổ phần của Tập đoàn Rượu và Đồ uống Bia Sài Gòn (Sabeco), hiện đang để mắt tới cổ phần của các nhà sản xuất bia khác.
Công ty Heineken của Hà Lan cũng mua nhiều nhãn hiệu bia trong nước.
Các trận chiến mới đang được triển khai khi Heineken Việt Nam và đại diện địa phương Sabeco trau chuốt các dịch vụ sản phẩm của họ và xây dựng các chiến lược tiếp thị dài hơi.
Heineken đang mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô và nông thôn, nơi vốn là địa bản của các nhãn bia trong nước
Nhà sản xuất bia Hà Lan vào tháng 3 tung ra một phiên bản mới, Heineken Silver, và đang mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô và nông thôn cùng với nhãn hiệu Tiger hạng trung và các loại bia Larue và Bivina có giá thấp hơn.
Việc mở rộng ra ngoài các thành phố ở phía Nam được đẩy mạnh nhờ tăng gấp đôi lực lượng bán hàng của Heineken Việt Nam trong ba năm qua và nhắm vào lãnh thổ do Sabeco, một nhà sản xuất bia thuộc sở hữu nhà nước hiện do ThaiBev kiểm soát.
Doanh số của Heineken Việt Nam tăng vọt với tỷ lệ hai chữ số trong bốn năm qua và quốc gia này là nguồn lợi nhuận lớn thứ hai sau Mexico. Các nhà phân tích ước tính Việt Nam chiếm hơn 10% trong số 3,87 tỷ euro (4,3 tỷ USD) Heineken kiếm được năm ngoái.
Tăng trưởng chủ yếu là nhờ Tiger, một nhãn bia phổ biến ở Châu Á mà Heineken có được khi mua toàn bộ Nhà máy bia Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2012. Thị phần chung của Heineken đã tăng lên 31% từ 20% vào năm 2013, theo công ty phân tích dữ liệu GlobalData.
"Chúng tôi nhắm đến vị trí số một, không chỉ về lợi nhuận mà còn về sản lượng", Giám đốc điều hành của Heineken Việt Nam Leo Evers nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Doanh số tăng vọt của Heineken Việt Nam chủ yếu là nhờ thương hiệu Tiger
Bia Sài Gòn
Sabeco nóng lòng muốn thâm nhập vào phân khúc trung cấp do Tiger thống trị - chiến lược mà họ hy vọng sẽ giúp nâng thị phần của mình lên mục tiêu 50% từ 40% hiện nay. Nhưng nhà sản xuất bia thừa nhận họ còn nhiều việc phải làm để chia phân khúc các loại bia tốt hơn.
Neo Gim Siong Bennett, cựu giám đốc điều hành của Heineken do ThaiBev đưa về làm tổng giám đốc Sabeco vào tháng 8, nói với Reuters rằng các thương hiệu của Sabeco, bao gồm Saigon Lager, Saigon Export và 333 Export "thực sự rất lộn xộn".
Kể từ khi ThaiBev nắm quyền kiểm soát, thương hiệu bia Sài Gòn đã trở thành nhà tài trợ áo đấu cho đội bóng đá hàng đầu nước Anh Leicester City và nhà sản xuất bia đã tìm cách liên minh với đội bóng đá quốc gia của Việt Nam để tổ chức truyền hình các trận đấu tại các địa điểm công cộng.
Bia Sài Gòn đã có mặt trên áo đấu cho đội bóng đá hàng đầu nước Anh Leicester City
Về phía Heineken, họ là nhà tài trợ của Champions League, giải đấu của các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Châu Âu và đua xe Công thức 1, giải đấu sẽ xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm tới.
Vũ khí của Sabeco với Tiger là Saigon Special, có giá cao hơn khoảng 30% so với các sản phẩm khác và được đổi thương hiệu sang chai màu xanh lá cây. ThaiBev, công ty mẹ Sabeco đã sử dụng chiến lược tương tự với bia Chang vào năm 2014, nâng thị phần bia bia tại Thái Lan từ dưới 30% lên trên 40% trong hai năm.
*********************
Thực hư chuyện Quốc hội Việt Nam ‘không thông qua 2 quy định về uống rượu bia’
VOA, 04/06/2019
Quốc hội Việt Nam bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội sau khi nhiều tờ báo trong nước đưa tin cơ quan lập pháp không thông qua hai quy định về "đã uống rượu bia thì không lái xe". Tuy nhiên, một chuyên gia độc lập lên tiếng cho rằng công luận nên thận trọng khi chưa nắm rõ bản chất của sự việc.
Quốc hội Viêt Nam lấy ý kiến về hai điều khoản liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu, 3/6/2019
Nhiều báo trong đó có Lao Động, Người Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh loan tin vào hồi chiều hôm 3/6 rằng các đại biểu quốc hội "đã biểu quyết 2 lần" về quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn "nhưng đều không quá bán". Vì vậy, quy định này "chưa được ghi" vào dự luật có tên "Phòng, chống tác hại của rượu, bia".
Các bài báo cụ thể hơn cho hay dự luật nêu ra hai phương án về cấm mọi người lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Trong đó, phương án 1 cấm điều khiển xe cộ khi trong máu hoặc khí thở có bất kỳ nồng độ cồn nào ; và phương án 2 cấm điều khiển xe khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định được nêu trong luật về an toàn giao thông.
Tin cho hay quốc hội "biểu quyết hai lần" về phương án 1 với kết quả lần lượt là 48,76% và 44,21% ý kiến đồng ý, đều không vượt quá bán. Phương án 2 nhận được 49,59% số phiếu tán thành, cũng không quá bán.
Với các kết quả nêu trên, cả hai phương án không được ghi vào dự luật. Sau khi có kết quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét rằng "Quyết định một vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất là khó khăn", theo các bản tin trong nước.
Diễn biến này được báo Lao Động tường thuật dưới hàng tít "Quy định ‘đã uống rượu bia thì không lái xe’ chưa được Quốc hội áp dụng" ; báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh sử dụng tiêu đề "Hai quy định về rượu, bia không được Quốc hội thông qua" ; trong khi đó, báo Thanh Niên đặt tên cho bài viết của mình là "Quốc hội vẫn chưa quyết 'đã uống rượu bia thì không lái xe'". Nhiều báo, trang mạng khác cũng đặt tít với từ ngữ tương tự.
Dư luận nhanh chóng phản ứng với phần lớn là các lời chỉ trích dành cho quốc hội. Một loạt những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như các nhà báo Bạch Hoàn, Hoàng Linh, Nguyễn Như Phong, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, v.v… khẳng định họ và phần đông cử tri "thất vọng", "choáng váng" về việc chỉ có chưa đến 50% đại biểu quốc hội ủng hộ việc cấm lái xe sau khi uống rượu bia, trong khi có đến 42% không đồng ý.
Việt Nam là nước có mức độ tiêu thu rượu bia cao ở Châu Á
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi "Phải chăng trong quốc hội có những người nghiện rượu ?" Về phần mình, nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng có thể "suy diễn" là số 42% đại biểu nêu trên "thường xuyên nhậu nhẹt và còn lái xe, hoặc con cái họ, hoặc chính lái xe của họ hay uống rươu bia" cho nên họ sợ nếu biểu quyết thông qua "thì có khi chính họ bị [xử lý] đầu tiên". Một giả định khác ông Phong đặt ra là "số đại biểu này rất vô trách nhiệm trước đại nạn lái xe khi đã uống rượu bia" đang làm hàng ngàn người chết trong tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm.
"Cái mà dân đang cần là thông điệp mạnh mẽ từ quốc hội trong việc phòng chống tác hại của rượu bia", nhà báo Hoàng Linh viết trên trang cá nhân. Ông đề nghị rằng luật pháp phải khắt khe hơn, theo đó "chỉ cần có uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là có thể bị xử lý hình sự".
Một bài đăng trên Facebook của nhà báo Bạch Hoàn được hơn 5.300 phản ứng yêu thích và gần 600 lời bình luận ủng hộ có đoạn "Thật kinh tởm cho cái gọi là biểu quyết của đại biểu Quốc hội". Tuy nhiên, nữ nhà báo có tổng cộng hơn 195.000 người theo dõi cho hay chị "chẳng lấy gì làm bất ngờ" vì trong quốc hội có một số đại biểu "như Nguyễn Sỹ Cương, Dương Trung Quốc" vẫn đưa ra các "luận điệu bảo vệ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp rượu bia bất chấp nguy cơ huỷ diệt giống nòi".
Giữa lúc quốc hội đang hứng chịu búa rìu dư luận với những lời lẽ hết sức nặng nề, thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu lên tiếng cho rằng đang có một sự hiểu nhầm.
Lái xe sau khi uống rượu bia là nguyên nhân gây ra nhiều tan nạn ở Việt Nam
Sử dụng chữ in hoa với hàm ý nhấn mạnh, ông Hậu, một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và nhân quyền ở Việt Nam, đặt tên cho bài viết trên Facebook của mình là "Không đúng, Quốc hội không ủng hộ lái xe khi đã uống rượu thoải mái".
Luật sư tốt nghiệp ở Đức lưu ý rằng theo quy định hiện nay của Luật Giao thông Đường bộ 2008, ngưỡng cho phép về độ cồn là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy (0.05%) và là 0 đối với người điều khiển ô tô, đồng nghĩa là là hiện nay, Việt Nam "đã rất khắt khe" với người điều khiển ô tô đến mức "hễ đã uống rượu thì không được cầm vô lăng".
Về ngưỡng 0.05% đối với người lái xe máy, ông Hậu cho rằng nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn khá khắt khe.
"Như vậy, có thể kết luận là việc cấm lái xe sau khi uống rượu là không có gì mới", thạc sĩ, giảng viên luật Lê Nguyễn Duy Hậu viết.
Bàn đến cáo buộc của nhiều người cho rằng quốc hội "đã thông qua luật ‘tự do uống rượu khi lái xe’", ông Hậu không ngần ngại khẳng định "Điều này là hoàn toàn sai sự thật".
Theo chuyên gia này, việc hai phương án được đưa ra bỏ phiếu ở quốc hội là để lấy ý kiến từ các đại biểu, chưa phải để thông qua. Từ góc nhìn của mình, ông Hậu đưa ra quan điểm là về cơ bản, quốc hội vẫn "cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia", nhưng còn chưa nhất quán về ngưỡng nồng độ để cấm là thế nào.
Thạc sĩ luật phân tích thêm : "Phương án 1 là cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0 như tài xế ô tô. Phương án 2 thì có hai cách hiểu : hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới". Từ đó, ông Hậu đưa ra kết luận : "Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe".
Ông Hậu viết thêm rằng báo chí trong nước "phải chịu trách nhiệm vì đã giựt những dòng tít gây hiểu lầm" đồng thời bày tỏ hy vọng "mọi người khách quan và bình tĩnh hơn khi đánh giá vụ việc".
*********************
Khen chê việc Quốc hội không có phương án cho luật rượu bia (BBC, 05/06/2019)
Hôm 3/6, các đại biểu Quốc hội đã "thể hiện chính kiến" về ba nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng kết quả cho thấy vẫn chưa luật hóa được quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010
Hơn phân nửa đại biểu Quốc hội không tán thành phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, hoặc nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Mạng xã hội sau đó nổ ra tranh cãi về chuyện Quốc hội "không muốn xử phạt người dùng rượu bia lái xe".
Bình luận về việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào của Quốc hội, một nhà báo lại nhận định rằng Quốc hội "hoặc coi thường tính mạng người dân, hoặc kém hiểu biết..". trong khi đó một luật sư cho là đây có thể là "một việc làm có suy xét, trách nhiệm".
'Coi thường tính mạng người dân ?'
Hôm 4/6, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC :
"Khi Quốc hội bấm nút để thông qua luật cấm uống bia rượu khi tham gia giao thông chỉ có 50% phiếu đồng ý thì tôi biết rằng số người chết vì tai nạn giao thông khi uống bia rượu sẽ vẫn "ổn định".
"Theo thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, số người chết do uống bia rượu dẫn đến mất kiểm soát hành vi chiếm gần 50% cho cả người say lẫn người không uống rượu bị xe tông".
"Vậy mà 50% đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua luật này thì chứng tỏ số người này hoặc coi thường tính mạng người dân, hoặc kém hiểu biết hoặc có ý đồ hòng cho người dân lao vào nhậu nhẹt bê tha không còn suy nghĩ để quan tâm đến xã hội cũng như vận mệnh đất nước".
"Việc này cũng cho thấy ý thức phát triển xã hội lành mạnh có vẻ xa xỉ trong nghị trường".
"Theo như tôi hiểu, các nước văn minh cấm uống bia rượu đã thực thi từ rất lâu rồi. Người say rượu lái xe không chỉ đóng phạt tiền mà còn bị phạt tù hoặc tước bằng lái xe".
'Việc làm có suy xét' ?
Hôm 4/6, Luật sư Duy Hậu từ Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC :
"Có người phẫn nộ đến mức cho rằng Quốc hội đã thông qua luật "tự do uống rượu khi lái xe". Điều này là hoàn toàn sai sự thật".
"Hai phương án được đưa ra cho Quốc hội cho ý kiến, chứ chưa thông qua là :
1. Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
2. Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Có nghĩa là, về cơ bản, Quốc hội một lần nữa khẳng định việc cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Vấn đề là ngưỡng nồng độ là như thế nào. Phương án 1 "cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe" và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0 như tài xế ô tô.
Phương án 2 thì có hai cách hiểu : Hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới ngưỡng cho phép, có thể là kéo xuống 0.03% cho xe máy ? Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe (hợp pháp hóa). Vẫn là bất hợp pháp hóa, nhưng là bất hợp pháp hóa thế nào mà thôi".
Vận chuyển bia trong thành phố - Ảnh minh họa
"Việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào hôm nay của Quốc hội có thể là một việc làm có suy xét, trách nhiệm. Việc nghi ngờ hay lên án đại biểu Quốc hội bị nhóm lợi ích mua chuộc là một cáo buộc rất nghiêm trọng và do đó cần có bằng chứng chứ không thể nói vô trách nhiệm được".
"Đại biểu Dương Trung Quốc khi lên tiếng cũng có lý của ông, rằng chúng ta chỉ nên chống tác hai của bia rượu, chứ không nên chống bia rượu như một sản phẩm có từ lâu đời. Báo chí cũng phải chịu trách nhiệm vì đã giựt những dòng tít gây hiểu lầm và bày tỏ thái độ khi đưa một bản tin. Đây cũng là hệ quả của việc các thảo luận chính sách ở Việt Nam thường rất nông cạn, không đầy đủ".
"Thiết nghĩ, vấn đề ở đây lại không phải là vấn đề luật, mà là vấn đề thực thi pháp luật. Và đó là lỗi của công an, không phải lỗi của Quốc hội. Cho đến khi nào mà công an vẫn còn dám nói rằng đặt trạm kiểm tra nồng độ cồn trước quán rượu sợ phản cảm thì khi đó vẫn còn tai nạn do lái xe say rượu gây ra".
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được báo Zing dẫn lời : "Không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bởi luật hiện hành đã có quy định".
"Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến ngày 3/6 thì không phương án nào quá 50%".
"Việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không xử phạt tài xế uống rượu, bia".
"Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành".
Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ ba Châu Á sau Nhật, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ đô la. Cụ thể, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn.