Một số đại biểu quốc hội mới đây đề xuất cần đổi mới cách thức thảo luận tại nghị trường để tăng khả năng tranh biện, tránh ‘lối mòn’ mỗi người rút một tờ giấy ra đọc.
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân và đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng
Tại buổi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi mới đây, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân thuộc Đoàn Cà Mau và đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng từ Quảng Trị đưa ra đề xuất như vừa nêu.
Theo ông Lê Thanh Vân, chuyển từ tham luận sang thảo luận sẽ khiến chất lượng hoạt động của Quốc hội được nâng lên. Còn ông Hà Sỹ Đồng thì cho rằng việc đổi mới cách thức thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, thiên về tranh luận chắc chắn sẽ khiến đa số đại biểu tự tin hơn khi đưa ra quyết định của mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước.
Từ Nha Trang hôm 7/11, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :
"Tôi thấy hai đại biểu quốc hội đó đề xuất cũng đúng, tôi tán thành… vì lâu nay họp Quốc hội các đại biểu nêu lên rồi các bộ trưởng, thủ tướng trả lời nó rất chung chung vô bổ. Lâu lâu mới có một đại biểu quốc hội hỏi một câu xác thực được cử tri quan tâm. Nếu như Quốc hội chấp nhận đề xuất đó thì điều đó tốt cho đất nước, bởi vì những chất vấn thực tiễn đi vào vấn đề nóng bỏng có lợi cho quốc tế dân sinh".
Nhưng nhà báo Võ Văn Tạo e rằng hiệu lực của những đề xuất đó không được bao nhiêu. Những vấn đề thật sự nóng thì chưa chắc đã tiếp thu, ông Tạo nêu dẫn chứng :
"Như vừa rồi đang lúc nóng bỏng ảnh hưởng đến toàn dân, vì xăng dầu ở Hà Nội và Sài Gòn khăn hiếm bất thường, trong khi giá thế giới xuống rồi nhưng vẫn không có xăng bán, nhiều cây xăng đóng cửa, đó là hiện tượng rất không bình thường… Đáng lẽ họp Quốc hội nên bàn cái đó, nếu thống nhất thì có thể yêu cầu thủ tướng ra quyết định tạm thời để cải thiện tình hình xăng dầu khăn hiếm. Hay một nghị quyết của Quốc hội sửa luật thì cơ bản sẽ giải quyết được ngay nếu có sự quan tâm. Nhưng ngay lúc đó Quốc hội lại bàn một chuyện xa lắc xa lơ kỳ lạ lắm, không đáp ứng được nhu cầu của đất nước và nhân dân".
Theo ông Tạo hai vị đại biểu quốc hội góp ý như vậy mà được tiếp thu thì rất tốt. Nhưng ông Tạo cho rằng, sự phản ứng của nhà nước Việt Nam và của Đảng cộng sản Việt Nam rất chậm chạp, khó có hy vọng là có thể tiếp thu một một cách đầy đủ ý kiến của hại đại biểu quốc hội này.
Trong thời gian qua, không ít lần các đại biểu quốc hội đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực thậm chí ngớ ngẩn mà chính truyền thông nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc : ‘Sao một vị đại biểu quốc hội, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy ?’
Anh Đức, một người dân ở Sài Gòn cho biết ý kiến của mình :
"Họp Quốc hội ở Việt Nam chỉ là hình thức, lòe mỵ dân mọi thứ do một nhóm người quyết định trước rồi thế thôi".
Một đại biểu quốc hội phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều người cho rằng đại biểu quốc hội bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của đại biểu quốc hội có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào ?
Đơn cử vào tháng 11/2019, đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chúng cư vì… sợ cháy.’ Theo bà Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe hơi, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.
Hay trước đó vào tháng 6/2019, đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cũng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất ‘thu phí chia tay từ 3 USD đến 5 USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết :
"Cũng có thể nói một cái yếu của Quốc hội Việt Nam là tính chuyên nghiệp không cao. Do cơ chế tổ chức, có người có năng lực thể hiện chưa phát huy hết thì đã hết nhiệm kỳ. Có ra tiếp tục ứng cử hay không thì không thuộc cái quyền của đại biểu đó, mà do cơ chế của tổ chức phân công. Cái đó ai cũng nhìn thấy nhưng chưa được khắc phục một cách căn bản".
Trở lại với đề xuất của đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân và đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trao đổi với RFA hôm 7/11, cho biết một số ý kiến :
"Thứ nhất đại biểu quốc hội của Việt Nam có thể nói hầu hết họ không đạt trình độ của một chính khách cần phải có, họ chỉ thể hiện như một quan chức nhà nước. Thứ hai, đặc điểm chung của đại biểu quốc hội hầu hết họ là đảng viên và nếu không phải là đảng viên thì cũng là người đảng chọn, rồi qua hiệp thương họ vào Quốc hội. Họ không có đủ tư cách và vị thế để đại diện cho người dân chúng tôi. Thứ ba là hầu hết đại biểu quốc hội không được đào tạo chuyên nghiệp như thế giới, họ không được đào tạo về chính trị học, triết học, quản trị nhà nước, luật học… và thực tế vì không có cạnh tranh nên họ không được đào luyện, cũng như vì tất cả đều do đảng chọn nên kỹ năng tranh luận của họ không có".
Cũng tại buổi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, đại biểu quốc hội Nguyễn Quang Huân từ Bình Dương cho rằng : ‘Nếu yêu cầu không được cầm giấy đọc, thì một số đại biểu quốc hội sẽ e ngại, sợ là cử tri không được nêu tiếng nói của mình. Nếu không có giấy đọc thì có thể đại biểu vô tình phát biểu trùng, nếu không nói rõ thì có một số vị có thể thấy tổn thương’.
Nhưng nhà báo Nguyễn Ngọc Già lại cho rằng, việc đề nghị thay vì cầm giấy đọc thì phải tranh luận trên nghị trường là điều tốt. Tuy nhiên ông Già lo ngại :
"Ngoài những điều vừa nói, tôi nghĩ đại biểu quốc hội Việt Nam vì không đủ kỹ năng nên họ rất sợ mất mất mặt, bẽ mặt lẫn nhau. Đối với các quốc gia tự do dân chủ, các dân biểu không ngại chuyện đó, nhưng đối với Quốc hội của Việt Nam thì đó là nỗi nhục. Một điều nữa là người chế độ cộng sản Việt Namrất sợ làm mất đoàn kết, mặc dù họ không bao giờ đoàn kết, nhưng trước mặt người dân họ cố gắng giữ. Tôi cho rằng thiếu quá nhiều điều kiện để có thể có một cuộc tranh luận thật sự của những chính trị gia gia trên nghị trường Quốc hội".
Theo ông Nguyễn Ngọc Già, ý định của đề nghị này là rất tốt, nhưng thực tế thì rất khó khăn khi áp dụng. Mặc dù vậy ông Già vẫn chúc Quốc hội Việt Nam dần dần tiếp cận được cái văn minh nghị trường giống như các quốc gia khác.
Nguồn : RFA, 07/11/2022
Đại biểu quốc hội đề xuất ‘ngớ ngẩn’ để vừa lòng ai ?
RFA, 02/04/2021
Trong thời gian qua, không ít lần các Đại biểu quốc hội đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực, thậm chí ngớ ngẩn mà chính truyền thông nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc : ‘Sao một vị đại biểu quốc hội, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy ?’
Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, tại buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021. Courtesy quochoi.vn
Mới nhất là vào buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, nữ Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, đã đề xuất xây dựng luật buộc nam giới mặc áo dài.
Bà Khánh dẫn chứng việc khi đi tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến thắc mắc Đại biểu quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc complet (!).
Đài Á Châu Tự Do hôm 2/4 liên lạc Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng ở Hà Nội, người đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV, và được ông cho biết ý kiến của mình :
"Tôi cho rằng Đại biểu quốc hội có quyền đề xuất bất kỳ ý kiến nào mà họ thấy cần. Nếu đa số đại biểu hoặc Chủ tịch quốc hội thấy là vô bổ thì bác đi. Riêng quy định khi tiếp xúc cử tri, đáng ra không cần quy định trang phục cụ thể là nữ đại biểu phải mặc áo dài, và nam đại biểu phải mặc complet. Đã là Đại biểu quốc hội thì họ tự biết phải dùng trang phục thế nào cho đúng. Quy định quá cụ thể là việc làm không nên, đó là việc mang tính trịch thượng, dạy khôn".
Một đại biểu quốc hội phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều người cho rằng đại biểu quốc hội bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của đại biểu quốc hội có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào ?
Tại sao một người được cho là đại diện cho dân mà lại phát biểu không cần biết người dân nghĩ gì ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 2/4, nhận định :
"Họ đề nghị như thế, hay họ đề nghị những chuyện quái đản hơn nữa thì tôi không lấy làm lạ. Tại vì cái đề nghị đó không liên quan gì đến chuyện họ có trúng cử hay không. Hãy tưởng tượng trong một xã hội được tổ chức sao cho một Đại biểu quốc hội nói năng làm trò cười cho thiên hạ, thì ngay sau đó họ nhận ngay hậu quả, không bao giờ người dân bỏ phiếu cho họ được, thì tự nhiên các đại biểu quốc hội sẽ trở nên thông minh hơn, dè dặt hơn, và trước khi nói gì họ phải uốn lưỡi bảy tám lần. Nhưng bây giờ tất cả do một người nào đó không phải người dân quyết định số phận của họ. Cho nên họ chỉ cần được lòng người kia, chứ không cần biết họ giỏi hay dốt. Vì vậy họ nói như thế hay điên rồ hơn gấp 10 lần cũng không lạ".
Anh Quang, một người dân miền Trung, khi trả lời RFA hôm 2/4, cho rằng, Quốc hội là nơi hoạt động lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp và tư pháp trong việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội đề ra. Ngoài ra, Quốc hội còn là nơi đề xuất, thảo luận các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội, quốc kế dân sinh... Nói như thế để thấy rằng, các đại biểu khi họp Quốc hội không được sa vào bàn luận những tiểu tiết hay quá cụ thể vì những công việc này sẽ do chính phủ quy định cụ thể theo đặc thù từng ngành. Anh Quang cho biết tiếp :
"Riêng đề nghị ra luật để nam giới cũng phải mặc áo dài truyền thống của Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, tôi thấy bà này không những quá sa vào cái cụ thể, chi tiết mà còn thiếu hiểu biết về tính đặc thù của từng ngành, từng dân tộc (Việt Nam có 54 dân tộc), đó là mỗi ngành, mỗi dân tộc đều có những quy định riêng về trang phục công sở theo đúng tính chất công việc của ngành đó, dân tộc đó. Chẳng hạn, ngành tòa án, kiểm sát, hải quan, kiểm lâm, thuế vụ, thanh tra... đều có quy định riêng về trang phục của ngành mình ! Hãy tưởng tượng thử xem, cán bộ hải quan hay cán bộ kiểm lâm mà mặc áo dài truyền thống khi làm việc thì có thấy phản cảm không ? !"
Theo anh Quang, Quốc hội không phải là nơi để bàn về quần áo, váy dài, váy ngắn hay ăn mặc như thế nào vì vấn đề này đã được Chính phủ quy định rồi. Cụ thể, tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Anh Quang cho rằng :
"Tóm lại, việc đề xuất như bà Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh như nói trên là vô bổ, làm mất thời giờ họp Quốc hội mà không mang lại một chút hiệu quả nào. Họp Quốc hội mà không phát biểu gì thì cũng dở và sẽ bị cử tri cho là dốt nên nhiều Đại biểu quốc hội cứ phát biểu đại, trúng đâu thì trúng ! Nhà văn Mark Twain từng nói : ‘Thà không nói để người ta tưởng mình ngu còn hơn nói ra để người ta không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa !’ Khi phát biểu ‘Đề nghị ra luật...’, bà Đại biểu quốc hội này đã ứng với câu nói đó !"
Mới đây, tại buổi thảo luận ở Quốc hội hôm 26/3/2021, Đại biểu quốc hội Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiến nghị để phát huy các hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật về hoạt động giám sát của nhân dân.
Trả lời RFA khi đó, Blogger Tuấn Khanh cho rằng, tất cả những gì thuộc về Nhân dân nó đã có luật, không cần một luật chi tiết. Và nếu như có thì rõ ràng đây là một sự cựa quậy mang tính tuyệt vọng của các nhà lập pháp trong bối cảnh người dân ngày càng bị gò ép và hoàn toàn không còn quyền gì nữa trong một xã hội.
Hay vào tháng 11 năm 2019, dư luận trên mạng xã hội bày tỏ sự ngán ngẩm khi Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chúng cư vì… sợ cháy.’ Theo bà Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe hơi, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.
Hay trước đó vào tháng 6 năm 2019, Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cũng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất ‘thu phí chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 2/4, nhà hoạt động Trần Bang, nhận xét :
"Ở Việt Nam thì những tầng lớp đòi hỏi phải có năng lực nhất như Đại biểu quốc hội chẳng hạn... thì phải nêu các vấn đề quan trọng, cấp thiết với người dân. Nhưng Đại biểu quốc hội lại đề xuất luật nam giới mặc áo dài chẳng hạn, hay Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thì nói để khắc phục nước lụt thì mỗi nhà sắm vài cái lu... Trước kia cũng có nhiều đề xuất ngớ ngẩn, thể hiện chất lượng của những người đáng lẽ ra phải ưu tú trong 100 triệu dân. Thì những người đó chỉ là những người được chọn để bợ đỡ, họ không thấy bức xúc của dân, cũng không có năng lực để tìm ra cái gì tốt đẹp cho dân, để đề xuất với Quốc hội. Ví dụ sao không đề xuất Luật biểu tình, hay vì sao không đề xuất cải cách tư pháp để tư pháp độc lập... Điều này cho thấy sự phi lý, vì Đại biểu quốc hội không phải do dân chọn mà do đảng sắp đặt, để đảng nói là họ nghe, và ca tụng".
Theo nhà hoạt động Trần Bang, các Đại biểu quốc hội vì không thể nói gì hay hơn, mà chả lẽ trong năm năm lại không nói gì, nên phải nói, nhưng nói toàn điều ngớ ngẩn, và đúng là nghị gật theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng nữa.
Vào tháng 7 năm 2019, khi nói về nạn ngập lụt tại Sài Gòn khi mưa, bà Phan Thị Hồng Xuân - Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp ‘người Sài Gòn nên dùng lu chống ngập theo kinh nghiệm dân gian’.
Cụ thể, theo bà Xuân : "Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa".
***********************
Cải cách tư pháp và chính sách đất đai : hai đề xuất căn bản cho Quốc hội
RFA, 01/04/2021
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vào ngày 30/3 vừa qua đã gửi một thư ngỏ đến Quốc hội khóa XIV với đề nghị cải cách tư pháp và chính sách sở hữu đất đai. Vì sao cần phải có những cải cách vừa nêu ?
Họp Quốc hội ngày 24 tháng 3 năm 2021.AFP
Bức thư gửi đến Quốc hội Việt Nam khóa XIV có dẫn nội dung Điều 69 Hiến pháp 2013 nêu rõ : "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".
Do đó, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIV có ý nghĩa quan trọng mà mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều hy vọng sẽ có sự đổi mới gì đó đáng gọi đổi mới và mang tính thực chất.
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khẳng định rằng, nếu đường lối chính sách căn bản vẫn không thay đổi và mang tính đột phá cách mạng thì mọi thứ cũng sẽ đi vào bế tắc.
Trao đổi với RFA tối 1/4, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nói rõ thêm mục đích bức thư gửi cho Quốc hội :
"Cả hàng trăm, hàng ngàn chuyện phải giải quyết chứ không phải một, hai chuyện, nhưng bây giờ đi vào bắt đầu giải quyết cái gì mà có thể từ đó làm thay đổi từng bước xã hội Việt Nam và thể chế Việt Nam thì đi vào hai vấn đề cấp bách nhất là cải cách tư pháp và chính sách ruộng đất".
Phân tích rõ hơn về từng vấn đề vừa nêu, ông Lê Thân cho rằng Tư pháp Việt Nam hiện nay nằm trên một ý chí của một nhóm người hay một cá nhân chứ không dựa trên luật pháp đã được ban hành. Do đó :
"Nếu không cải cách tư pháp thì chuyện oan sai cứ diễn ra suốt, nếu không có cải cách tư pháp thì tất cả cán bộ nhà nước, những người đảng viên tiếp tục là những ông vua trên từng mảng của mình. Cho nên bắt buộc phải cải cách tư pháp, không thể để theo kiểu hiện nay được.
Chắc ai cũng biết rằng một bản án dựa trên những chứng cứ điều tra nhưng điều tra có sai sót thì ông đứng đầu ngành tư pháp cho rằng điều tra có sai sót nhưng bản chất vụ án không thay đổi. Khi nói như thế là đạp đổ ngành tư pháp".
Thư gửi Quốc hội của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cũng nhắc đến tình trạng nhiều vụ án oan, nhiều "vụ án bỏ túi"…, nhất là những vụ có liên quan chính trị hoặc kinh tế mà trong đó có sự tranh chấp quyền lực giữa các phe phái.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Thân, tình trạng tư pháp không công bằng còn thể hiện qua việc khi luật sư ra cãi nhưng quan tòa cũng làm việc theo nghị quyết về một bản án có sẵn.
"Vai trò luật sư không có, tức là vấn đề làm minh bạch bản án không có điều kiện thì làm sao xử án tốt. Ở Việt Nam bây giờ vai trò luật sư suy cho cùng cũng chỉ là tô điểm cho chế độ".
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang cho rằng nếu muốn có tư pháp độc lập, Việt Nam cần thay đổi :
"Tư pháp đó không thể dưới một đảng mà đảng đó đang nắm chính quyền. Bởi vì trong tranh chấp, mâu thuẫn xã hội giữa cá nhân người dân và tổ chức hay giữa người dân với chính quyền thì có thể người dân đúng, chính quyền sai nhưng ông tòa án lại là cấp dưới của chính quyền về mặt đảng và phải là đảng viên mới được là thẩm phán thì làm sao họ xét xử vượt mặt cấp trên trong đảng bộ ?"
Tổng kết của các cơ quan chức năng được Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng trích dẫn cho hay, có đến 80% các cuộc khiếu kiện của dân đều liên quan đến đất đai.
Theo quan sát của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, từ thực tế cũng cho thấy, có khoảng 80% vụ việc bị xử lý kỷ luật đều dính tới quan chức các cấp từ địa phương đến trung ương, kể cả cấp thượng tướng, cấp ủy viên bộ chính trị, mà chức càng lớn, quy mô tham nhũng đất đai càng nhiều, càng phức tạp khó xử.
Từ đó cho thấy rõ ràng từ chính sách vô lý về đất đai, đã làm mất lòng dân, làm tha hóa hỏng bét bộ máy nhà nước với mức độ vô phương cứu chữa.
Ông Lê Thân nhận định rằng ruộng đất là nguồn gốc của tất cả mọi tham nhũng và là nguồn gốc của mọi bất công, nên muốn xã hội tốt hơn cần phải giải quyết vấn đề chính sách ruộng đất.
"Hiện giờ luật đất đai là luật cướp đất, không phải là luật đất đai. Nếu không sửa luật đất đai thì ngày càng tham nhũng tràn lan, từ thấp đến cao, đâu cũng tham nhũng và người nông dân nói riêng, người dân nói chung luôn luôn bị thiệt thòi, bị cướp đất".
Với thực tế vừa nêu, ông Lê Thân khẳng định do chính sách đất đai hiện nay đã dẫn đến hệ quả là tạo điều kiện cho tham nhũng ngày càng gia tăng, không bao giờ chấm dứt bởi vì theo ông, hiện giờ tham nhũng dễ nhất là tham nhũng đất đai.
Nhà hoạt động Trần Bang nêu ra nguyên nhân vì sao đất đai trở thành vấn đề nóng trong hàng chục năm qua :
"Khi kinh tế phát triển thì đất có giá trị. Lúc đó luật đất đai cũng như quy định đất đai là sở hữu toàn dân trong Hiến pháp không còn phù hợp, thích ứng với nền kinh tế thị trường, vì với nền kinh tế thị trường thì tất cả mọi thứ đều là hàng hóa và phải có chủ sở hữu.
Nếu vẫn để tình trạng sở hữu toàn dân thì khi nhà nước quy hoạch làm dự án gì đó thì nhà nước dùng sức mạnh của nhà nước, công an, quân đội, tòa án, tư pháp, chính quyền để cưỡng chế đất, giải phóng mặt bằng. Điều đó quá rõ ràng là một hình thức tước đoạt tài sản hợp pháp của một cá nhân hoặc tổ chức".
Bên cạnh việc cần cải cách tư pháp và chính sách sở hữu đất đai, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng bày tỏ rằng Quốc hội cũng là cơ quan cần phải có sự thay đổi trong hoạt động, cụ thể là việc bầu cử.
Theo đó, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đề xuất rằng Quốc hội nên đề nghị mỗi chức danh được đưa ra bầu cử thì phải có từ hai người trở lên để Quốc hội lựa chọn biểu quyết bằng phương thức bỏ phiếu kín.
Ông Lê Thân giải thích về vấn đề này như sau :
"Ra bầu chỉ có một người, ví dụ đưa ông Huệ ra bầu Chủ tịch quốc hội một mình ông thì không bầu ông cũng trúng cử vậy bầu làm gì ?
Đòi hỏi cái tốt hơn thì không có nên họ phân hóa chuyện bầu cử đó nhưng ít nhất cho hai người để còn gọi là bầu. Hai người đó ít nhất khi người nào bầu được trúng thì họ thấy họ trúng là được bầu nên họ có trách nhiệm".
Quốc hội Việt Nam bắt đầu quy trình kiện toàn nhân sự cho nội các mới từ ngày 30/3 đến 8/4. Trong đó, chức Chủ tịch quốc hội thuộc về ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ cũng đã có buổi lễ tuyên thệ vào sáng 31/3.
Đến chiều ngày 1/4, Quốc hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình, đề nghị miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Quyết định này sẽ được thực hiện vào sáng 2/4.
Truyền thông trong nước trước đó dẫn lời Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.
Đây được nói là lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.
Nguồn : RFA, 01/04/2021
*****************
Sở hữu toàn dân về đất đai chỉ làm thiệt hại cho Đảng và Nhà nước
RFA, 31/03/2021
Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây đã cho đăng bài cho rằng những ý kiến kêu gọi nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai giống như nhiều nước khác ‘là sai lầm’.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 8/2020. AFP PHOTO
Trong khi một số chuyên gia phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘mù mờ về mặt pháp lý’, vì không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp... , cơ quan này cho rằng nếu tư hữu về đất đai sẽ có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư hữu cũng sẽ làm xáo trộn quan hệ sở hữu, sử dụng đất đai hiện tại mà không đem lại lợi ích cho người sử dụng đất cũng như quốc gia.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 31/3, bày tỏ không đồng tình với giải thích của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam :
"Về vấn đề sở hữu đất đai và tài sản trên đất thì chính quyền nên cho phép đa dạng các hình thức sở hữu. Làm như vậy nó sẽ giúp làm dễ dàng các giao dịch trong thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển dễ dàng. Việc có các sự đa dạng trong sở hữu và nhà nước bảo vệ bằng pháp luật nó còn giúp các nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vào phát triển thị trường địa ốc. Sự phát triển của thị trường địa ốc lúc này sẽ có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư khác nhau và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế".
Ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc duy trì hình thức sở hữu toàn dân, tức nhà nước nắm quyền sở hữu như hiện nay, thì đất đai nghiễm nhiên trở thành tài sản của nhà nước. Nhà nước có quyền tiếp tục cấp pháp, duy trì quyền sử dụng cho nhiều người đáng lẽ là chủ đất và tài sản trên đất. Điều này chỉ khiến cho giới đầu tư bất an rằng việc đầu tư vào đất đai là có một rủi ro về mặt hành chính. Và khi mà có rủi ro thì tất dẫn đến chi phí để xử lý, bảo hộ khỏi rủi ro, và những chi phí đó rơi vào chỗ tham nhũng. Ông Vũ giải thích thêm :
"Nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai nhưng nhà nước là một thực thể rất lớn, và khi quá lớn thì lại mất kiểm soát. Sự mất kiểm soát dẫn đến quá trình quản lý đất đai do đó trở thành cơ hội kiếm chác của giới quan chức địa phương. Từ đó dẫn đến vô số vụ chiếm đất, cưỡng đoạt đất đai, xử lý đất đai không đúng với pháp luật, nhưng người bị hại không thể kêu oan vì họ phải đối chọi lại giới quan chức địa phương.
Nói như vậy để thấy rằng việc tiếp tục chính sách sở hữu toàn dân chỉ làm thiệt hại cho chính Nhà nước và hình ảnh của Đảng Cộng sản. Các cấp dưới ở địa phương họ muốn duy trì vì đây là cơ hội kiếm chác của họ. Chính quyền trung ương trong một thời gian dài ngó lơ vì muốn nhận được sự ủng hộ của địa phương".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, đã đến lúc chính quyền trung ương phải cải tổ lại chính sách này nếu họ muốn vực dậy nền kinh tế, vì thị trường phát triển bất động sản ở mọi quốc gia luôn là một nhánh kinh tế đem lại nhiều thâm dụng lao động, cung cấp một sức bậc cho sự phát triển quốc gia.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phủ nhận quyền sử dụng đất của các pháp nhân, chỉ yêu cầu các pháp nhân này sử dụng đất đúng mục đích được giao cũng như bảo hộ lợi ích của chủ sử dụng đối với tài sản của họ là quyền sử dụng đất.
Khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này :
"Sở hữu đất đai là đặc biệt, không bao giờ tư nhân hay công hữu một cách đầy đủ, nhằm phát triển... đó là nói trong hoàn cảnh chấp nhận kinh tế thị trường và có đầu tư phát triển, như Bắc Hàn thì tôi không bàn tới. Đối với những nước có như cầu phát triển, ngay cả những nước chấp nhận sở hữu tư nhân thì người nắm giữ đất cũng không có quyền toàn bộ. Hiện nay Việt Nam cứ loay hoay với việc nên chấp nhận chế độ sở hữu nào, dưới góc độ sở hữu đồ vật cụ thể, chính vì vậy nó cứ quẩn quanh chuyện này".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, chấp nhận chế độ sở hữu đất đai toàn dân hay cho tư nhân sở hữu đất đai cũng đều được, vì đó chỉ là một thuật ngữ. Tuy nhiên ông nói tiếp :
"Điều quan trọng là luật phải quy định rõ, Nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì... Câu chuyện nằm ở đó thôi, đó là sở hữu đất đai đích thực phù hợp với cơ chế thị trường, thì Việt Nam có thể đi từ chế độ công hữu mở rộng đi lại từ bên phải... Hoặc chấp nhận chế độ sở hữu tư nhân hạn chế đi từ bên trái. Còn thuận ngữ sở hữu gì chỉ mang tính biểu tượng, chứ không phải là nội dung cụ thể. Luật đất đai lần này sử phải làm rõ được nhà nước quyền đến đâu, tư nhân quyền đến đâu... trong tất cả các trường hợp khác nhau về người sử dụng, người nắm giữ, cũng như thể loại đất. Đừng lấy cái lý sở hữu đồ vật để nói về sở hữu đất đai".
Không chỉ phê phán ý kiến nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cho rằng sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường là điều bất lợi, vì sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo khiến người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi, nhất là tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp của người giàu.
Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết ý kiến của mình :
"Muốn hay không muốn thì đất đai có yếu tố được thụ hưởng toàn dân. Vậy thì nó nằm ở sắc thuế như thế nào để toàn bộ người dân được thụ hưởng về đất đai. Tôi cho rằng người càng có nhiều đất mà sử dụng hiệu quả thì càng nên khuyến khích. Đừng nhìn vào đó để tị nạnh, có những người không có đất nông nghiệp thì sao ? Phải có hệ thống kiểm soát hiệu quả sử dụng đất như thế nào ? Sử dụng tốt có thể động viên nhận chuyển nhượng thêm, có thêm đất để phát triển. Nếu sắc thuế phù hợp thì người sử dụng đất không hiệu quả sẽ tự tìm cách chuyển nhượng đi".
Luật Đất đai nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ, đất đai là sở hữu toàn dân. Tuy nhiên người dân thực chất không có quyền sở hữu, mà khi mua đất hay đất do ông bà cha mẹ để lại... thì sẽ được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/3, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nói :
"Họ đã đánh tráo khái niệm, làm tù mù vấn đề bằng những nhận thức hồ đồ. Bởi vì lịch sử tiến hóa của nhân loại do một bộ tộc, gia đình nào đấy chiếm đoạt, tức là họ đi đến cư trú khai thác làm ăn... Ban đầu là của chung của bộ tộc ấy, từ từ khi lực lượng sản xuất phát triển thì từng gia đình có quyền sống riêng lẻ... Và mặc nhiên họ có quyền sở hữu đất đai, ở vùng mà họ khai thác được. Từ xưa đến giờ người ta vẫn công nhận như vậy, và công nhận có quyền sở hữu tư nhân của đất đai. Trừ những người cộng sản tạo ra nhận thức có vẻ có lý, nhưng thật ra là phi lý để đánh lừa nhân dân, từ đó cướp đoạt đất đai cho dễ".
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Luật đất đai phải sửa để công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Đó là lẽ công bằng mà nhân loại đã thiết lập được cho đến hôm nay. Theo ông Mai, nếu xử lý vấn đề này có văn hóa, có đạo lý... thì xã hội sẽ ổn định và sẽ không có những vụ việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân như Đồng Tâm, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng gieo rắc đau đớn cho con người. Vì vậy, để tiến tới, ông Nguyễn Khắc Mai khuyên những nhà chính trị lãnh đạo Đảng, Quốc hội mới tại Việt Nam cần nghiên cứu để có những bước tiến mới nhằm xử lý vấn đề đất đai cho tốt.
Khi thông tin 9 người đi theo đoàn tuỳ tùng của chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trốn lại Hàn Quốc bị rò rỉ. Cộng đồng mạng được một phen hả hê, đắc chí với vụ tai tiếng đáng xấu hổ này. Nhưng liệu chúng ta có vô tội khi mỉa mai, kết án họ không ? Họ trốn ở Hàn Quốc, còn chúng ta đang trốn trong những vỏ ốc mang tên mưu sinh, làm giàu, trình độ dân trí thấp, bất đồng ý kiến, chưa có tổ chức chính trị... để khước từ trách nhiệm dân chủ hóa Việt Nam, bảo vệ và bênh vực công lý, chống lại bất công.
Không có tộc người nào trên thế giới mà không phải mưu sinh. Nhưng nhiều dân tộc vẫn đóng góp tích cực để thay đổi vận mệnh đất nước mình, thậm chí còn chia sẻ những giá tốt đẹp cho cả những đất nước khác. Chúng ta thì cứ mê muội trong men say kiếm tiền, luồn lách và ảo tưởng về một đội quân, một lãnh tụ nào đó sẽ đến đánh đổ độc tài, mang lại cho người Việt một nền dân chủ đa nguyên miễn phí, hoặc tệ hơn nữa, thì chúng ta còn một lựa chọn "khôn ngoan" : tìm cách định cư để hưởng thụ những giá trị tiến bộ ở những nước dân chủ, giàu đẹp.
Không chỉ ra đi bằng việc tìm cách trốn lại nước ngoài, nhiều người Việt đã "ra đi" ngay trên chính đất nước mình.
Chúng ta cũng thường nguỵ biện rằng chúng ta thích làm giàu hơn. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta chỉ đang làm giàu cho quan chức cộng sản. Danh sách triệu phú, tỷ phú thế giới chắc sẽ tăng đột biến nếu tài sản của các đảng viên cộng sản được công khai minh bạch. Mong muốn làm giàu của chúng ta đang làm nghèo đa số, làm cho đất nước ngày càng nghèo tài nguyên, nghèo văn hoá… Và cái ngày đất nước tuyên bố giải thể sẽ càng gần hơn, nếu chúng ta cứ tiếp tục không làm gì khác ngoài làm giàu.
Một số ít cá nhân may mắn được học hành bài bản, có khả năng suy luận sâu sắc… thì lại khước từ chiếc áo trí thức đích thức. Vì theo họ "đám ngu đông quá", nồi cơm quan trọng hơn... Kết quả là họ né tránh các diễn đàn tranh luận, xem các sân chơi non trẻ này không xứng tầm, và về trang cá nhân qui tụ, thu hút fan hâm mộ để được tung hô, tự sướng... Có vị thầy giáo khá nổi tiếng vì sự cương trực còn mắng đám trẻ Hồng Kông đang tự đạp đổ nồi cơm của mình.
Một số ít cá nhân tham gia tranh luận tại các diễn đàn, câu lạc bộ, thì xem thường trình độ của các thành viên khác. Chỉ cần một vài ý kiến trái với quan điểm của mình, một vài căng thẳng trong tranh luận, là họ lập tức tự ái, bực bội và rút khỏi các cuộc thảo luận một cách lạnh lùng. Trong khi các sân chơi non trẻ này đang rất cần sự kiên trì, thậm chí chịu đựng của những con người có trình độ, kinh nghiệm, để không chỉ chia sẻ kiến thức, mà còn giúp dân tộc hình thành một văn hóa thảo luận, điều mà chúng ta đã quá kém may mắn khi bị tước bỏ vì sống dưới các chế độ độc tài.
Chúng ta dễ dàng chui vào vỏ ốc vì chúng ta không yêu thương anh em mình. Chúng ta cùng sinh ra trong dưới một mái nhà mang tên Việt Nam, nhưng chúng ta luôn xem những người cùng màu da, ngôn ngữ là xa lạ, đáng ghét, gánh nặng... Những người may mắn thoát khỏi mảnh đất khốn khó hình chữ S đã chứng minh điều đó, họ tiêm nhiễm vào đầu con cái mình hình ảnh Việt Nam xấu xí, độc tài, bẩn thỉu và nếu dây vào thì chỉ thêm khổ thân. Nên con cái của họ chẳng có lý do gì để tự hào về nguồn gốc Việt, ngược lại chúng luôn tự nhận là người Mỹ, người Pháp… Chúng ta đã đặt những mâu thuẫn, những đổ vỡ, những mất mát... lên trên sự thiêng liêng của tình anh em, tình đồng bào. Và chúng ta nên tự hỏi xem mình còn yêu nước không, hay thực tế hơn nữa là tự hỏi chúng ta đã từng yêu nước chưa ? Chúng ta là một dân tộc đang bỏ trốn, và nếu có điều kiện như 9 người nêu trên, tôi tin rằng không ít người sẽ lựa chọn giống họ.
May mắn thay, đích thân người viết vẫn được chứng kiến những bạn trẻ vì trốn gia đình, phải chui vào gầm bàn lúc mưa to để thảo luận về chính trị, về đất nước qua những ứng dụng họp trực tuyến. Hay vẫn có những bạn vất vả học tập, mưu sinh ở nơi đất khách quê người, nhưng vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, để tích luỹ kiến thức chính trị qua màn hình điện thoại nhỏ bé, chật chội o ép đôi mắt đến ngột ngạt. Hoặc những anh chị đã sức cùng lực kiệt, vật vã đau đớn với những căn bệnh nan y, nhưng thay vì trăn trở về sức khoẻ của mình, thì họ lại luôn đau đáu về sự trưởng thành của phong trào, của anh em tranh đấu, của tương lai dân tộc. Đó là những ánh sáng leo lét cuối đường hầm, nó cần phải được tiếp lửa để bùng cháy. Và chỉ có cách chui ra khỏi những vỏ ốc mang tên trốn tránh thì chúng ta mới có thể làm được điều này.
Việt Nghĩa
(28/09/2019)
Còn vài ngày nữa kỳ họp thứ 37 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa 14 mới kết thúc. Lần này, trong vòng mười ngày (9/9/2019 – 20/9/2019), Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam góp ý cho 12 dự luật và dự thảo hai nghị quyết (1), trước khi chúng được đem ra trình cho các đại biểu quốc hội khóa 14 ở kỳ họp lần thứ tám của toàn thể Quốc hội (dự trù sẽ khai mạc vào 21/10/2019 và kéo dài cho đến 20/11/2019).
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong số 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ngày 22/05/2016 - Ảnh minh họa
Theo hiến pháp, quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội rất lớn : Chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp của toàn thể Quốc hội. Thay mặt Quốc hội ban hành, giám sát việc thi thành các nghị quyết, pháp lệnh, giải thích hiến pháp, luật pháp. Giám sát hoạt động của chính phủ, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội. Có thể đình chỉ việc thi hành văn bản của chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và đề nghị Quốc hội bãi bỏ văn bản đó. Giới thiệu để Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Nhà nước và các lãnh đạo Quốc hội. Giám sát, hướng dẫn hoạt động các Hội đồng nhân dân, bãi bỏ nghị quyết của các Hội đồng nhân dân, giải tán các Hội đồng nhân dân. Quyết định thành lập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Tuyên bố tình trạng chiến tranh nếu Quốc hội không thể họp toàn thể. Quyết định tổng động viên. Ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Tổ chức trưng cầu dân ý theo quyết định của Quốc hội…
***
Một trong 12 dự luật mà Ủy ban thường vụ của Quốc hội Việt Nam xem xét, góp ý ở kỳ họp đang diễn ra là Dự luật sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội. Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì vấn đề khiến Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam bận tâm nhiều nhất đối với việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội là có tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách (chỉ là đại biểu Quốc hội, không giữ bất kỳ chức vụ nào trong hệ thống công quyền) hay không (?).
Theo luật thì tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách tối thiểu phải là 35% trên tổng số đại biểu Quốc hội nhưng ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, bảo rằng, hiện có hai khuynh hướng : Một đề nghị giữ nguyên tỉ lệ này, một đề nghị nâng tỉ lệ mà trên thực tế vốn chưa đạt này lên cao hơn, thậm chí nâng lên đến 50% để giảm số lượng cá nhân vừa là viên chức, vừa là đại biểu cho dân chúng tại Quốc hội.
Ông Phúc lưu ý, Quốc hội Việt Nam hiện giờ chỉ có 167/484 đại biểu Quốc hội chuyên trách (tỉ lệ 34,5% trên tổng số, thấp hơn Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành là 0,5%). Nếu "chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào", khi sửa Luật tổ chức Quốc hội, nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên "sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật".
Trước khuynh hướng "giảm số lượng phó của các Ủy ban thuộc Quốc hội và uỷ viên thường trực tại Hội đồng Dân tộc", ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch quốc hội, lưu ý "cần cân nhắc thấu đáo" vì "nâng tỉ lệ ‘đại biểu chuyên trách’ là xu hướng chung của thế giới". Có lẽ cần chú thích thêm, "xu hướng chung của thế giới" không phải là "nâng" mà cấm đại biểu cho dân tại Quốc hội kiêm những chức vụ khác trong hệ thống công quyền.
Trong cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Dự luật sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, có hai nhân vật cương quyết phải nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên cao hơn là bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Cả hai cùng nhấn mạnh, có tăng số lượng chuyên gia trong các lĩnh vực làm "đại biểu chuyên trách" mới nâng được chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Có một điểm hết sức thú vị là bà Nga, ông Hải cùng đề cập đến thực trạng : Khi thực hiện "quy hoạch nhân sự", tìm kiếm - rút người từ các cơ quan khác về làm Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực các Ủy ban của Quốc hội, hoặc là làm "đại biểu chuyên trách", phần lớn những cá nhân được chọn đều xin… "đừng đưa em vào quy hoạch", kèm cảnh báo, nếu không tôn trọng nguyện vọng, cố đưa, đương sự sẽ xin… rút (2).
Hóa ra, Quốc hội cũng… khổ lắm chứ có sung sướng gì đâu ! Chẳng hạn, chỉ kể riêng khóa này, ông Đinh La Thăng vốn được dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh bầu vào Quốc hội nhưng khi ông Thăng bị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, điều ông về làm… đại biểu cho dân chúng Thanh Hóa, Quốc hội phải chấp hành. Tương tự, ông Nguyễn Thiện Nhân vốn được dân chúng Vĩnh Long bầu vào Quốc hội nhưng khi Bộ Chính trị phân công ông làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội cũng phải tán thành việc ông Nhân đương nhiên trở thành… Trưởng Đoàn đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh ở Quốc hội (3). Hoặc ông Đinh Thế Huynh, đại biểu của dân chúng thành phố Đà Nẵng nhưng ba năm qua không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của Quốc hội và vì Bộ Chính trị chưa cho ý kiến nên Quốc hội không dám quyết định có miễn nhiệm hay không (4)…
***
Cần phải ghi nhận thành tâm, thiện ý của bà Nga, ông Hải trong nỗ lực gia tăng "đại biểu chuyên trách", cải thiện chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên những trăn trở của họ về nhân lực, chỉ ra một điều, Quốc hội vẫn chỉ là một trong những cái "bánh vẽ", làm sao nhân dân có thể thể hiện quyền lực "bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội" như hiến định khi tất cả đại biểu đều được "quy hoạch" ?
Qua "quy hoạch", đảng "chọn mặt, gửi vàng", giới thiệu để dân bầu… "trực tiếp" thì làm sao Quốc hội có thể trở thành cơ quan đại diện cho "ý chí, nguyện vọng của toàn dân" ? Một quốc gia mà toàn bộ nhân sự của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp từ trung ương đến địa phương, thậm chí nhân sự của các đoàn thể cũng được "qui hoạch" thì gọi bầu cử là trò hề có quá đáng không ?
Một Quốc hội mà hơn 96% thành viên là đảng viên và 65,5% không là Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng thì cũng là các viên chức lãnh đạo nhà nước, chính phủ, chính quyền các địa phương, các đoàn thể thì hoạt động sẽ hướng vào đối tượng nào, dân hay đảng ? Việc soạn thảo – ban hành – thực thi cả hiến pháp lẫn pháp luật sẽ vì đối tượng nào ? "Công bằng, dân chủ, văn minh" sẽ theo chuẩn nào ? Sẽ giám sát đối tượng nào ?
Đến giờ, người ta chỉ biết, chi phí cho mỗi ngày họp chính thức của Quốc hội (họp toàn thể) khoảng một tỉ đồng (5). Cho dù chưa rõ chi phí để tổ chức, duy trì hoạt động của toàn bộ Quốc hội mỗi năm là bao nhiêu nhưng chắc chắc con số này không nhỏ ! Khi đảng đã cũng như đang lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối như thế, có cần phải dùng hơn 70% tổng chi hàng năm để nuôi Quốc hội, chính phủ, hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp, các đoàn thể không ?
Với thực trạng kinh tế, xã hội như hiện nay, bỏ hết "trang sức" dùng vào tô điểm cho "dân chủ xã hội chủ nghĩa", thể hiện đúng bản chất – đảng trực tiếp điều hành từ lập pháp, hành pháp, đến tư pháp – dẫu không giống ai nhưng có lẽ sẽ lương thiện hơn vì không gạt ai. Chưa kể có thể giảm được một nửa chi phí, may ra nhờ vậy mà không cần phải cắt cả phúc lợi tối thiểu cho giáo dục, y tế, xén luôn an sinh xã hội tối thiểu cho những người bất hạnh, người già, đỡ phải vay mượn để "chi thường xuyên", giảm nợ nần.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/09/2019
Chú thích
(1) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Khai-mac-Phien-hop-thu-37-cua-Uy-ban-Thuong-vu-Quoc-hoi/374719.vgp
(2) https://tuoitre.vn/tai-sao-nhieu-can-bo-tu-choi-ve-quoc-hoi-20190914162320503.htm
(5) https://news.zing.vn/moi-ngay-hop-quoc-hoi-chi-phi-1-ty-dong-post366011.html
Chính các quan chức quốc hội vừa phải thừa nhận một sự thật mà đã miêu tả không thể rõ hơn bản chất của chế độ cầm quyền : nhiều cán bộ trẻ thuộc dạng ‘tương lai của đất nước’ đã xin không nhận quy hoạch về cơ quan quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu thực tế : "Tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội họ thường từ chối. Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều "xin đừng đưa em vào quy hoạch".
Thừa nhận trên hiện ra vào chiều 14/9, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.
"Là tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội họ thường từ chối. Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều "xin đừng đưa em vào quy hoạch" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải thuật lại.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết điều tương tự : "Có những cán bộ ở cơ quan khác, khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường xin đừng cho em vào, nếu chị cho em vào quy hoạch sang Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em nên em xin rút".
Vì sao cơ quan quốc hội ‘to’ thế mà các cán bộ trẻ lại phủi như phủi đất ?
Nguyên do chính yếu là vai trò của Quốc hội trong thể chế chính trị độc đảng và kéo theo dàn nhân sự của các cơ quan quốc hội. "Nhất bộ, nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang quốc hội" - giới quan chức quốc hội vẫn thường ta thán như thế khi so sánh với các bộ ngành màu mỡ bên chính phủ và sau đó là các ban đảng ít màu mỡ hơn. Và trong thực tế đúng là như vậy, số quan chức này không có thực quyền, chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Còn Quốc hội cho dù được tiếng là ‘cơ quan dân cử tối cao’, nhưng về thực chất chỉ là một loại cơ quan ‘yếu’, nếu không nói thẳng là cơ quan bù nhìn.
Trong rất nhiều năm, dù không được phát lộ trong các cuộc họp chính thức của Quốc hội, nhưng bên lề nghị trường đã có một số đại biểu than vãn về tình trạng Quốc hội khá bị động khi xem xét và quyết định một số vấn đề, dự án mà bên chính phủ trình, nhưng vẫn phải ‘gật’. Trong một số trường hợp, Quốc hội còn bị xem là ‘bù nhìn’ vì chẳng được quyết định…
Tiêu biểu cho cơ chế ‘bù nhìn’ của Quốc hội là một vấn đề được nêu ra trong kỳ họp thứ 7 : bất chấp các nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công quy định dự án có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được trình qua Quốc hội, phía các cơ quan chính phủ vẫn phớt lờ, mà chỉ đến khi dự án gây hậu quả hoặc đội vốn quá cao và sinh nạn thiếu tiền thì mới chịu kêu gào đòi được thông qua vốn bổ sung.
Hẳn đó là nguồn cơn giới cán bộ trẻ ‘tương lai của đất nước’ chỉ chăm chăm chạy ghế ở các bộ ngành ngon ăn.
Trong khi đó, Quốc hội không chỉ hành xử khuất tất với dự luật đặc khu mà còn ‘gật vô thức’ với một số vụ khác mang đậm yếu tố lợi ích nhóm như bỏ phiếu cho tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, với nhiều loại thuế được ‘kiến tạo’ để bóp hầu bóp họng dân chúng…, Quốc hội đã tự biến nó thành cơ quan không chỉ vô tích sự về công tác phản biện và giám sát, mà còn bị không ít người dân xem là ‘phản động’ - theo đúng nghĩa hành động ngược lại quyền lợi của tuyệt đại đa số nhân dân đã bầu ra nó.
Nhưng với ‘bạn vàng’ thì khác hẳn. Nếu trong vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng trút ra được một nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn : trong khi bà Ngân ‘mắt liếc mày cong’ với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về ‘làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là ‘đại cục’, cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay và bất chấp ‘nhóm tàu Hải Dương 8’ vẫn quần thảo khu vực Bãi Tư Chính chốn vô chủ quyền, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 18/09/2019
Quốc hội có "sáng suốt" không ?
Mặc Lâm, VOA, 06/06/2019
Có lẽ chưa bao giờ Quốc hội Việt Nam được theo dõi kỹ như lúc này, bởi người dân thấy rõ mỗi một động thái của Quốc hội, mặc dù chỉ trong mơ hồ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn nói : Không phải phải Quốc hội không muốn xử phạt người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, luật hiện hành đã có quy định
Trong tâm thế đó, khi báo chí loan tin việc Quốc hội biểu quyết về người điều khiển phương tiện giao thông trong lúc máu có nồng độ cồn sẽ bị xử lý ra sao qua hai phương án :
Phương án 1 : Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông).
Phương án 2 : Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Kết quả biểu quyết, chỉ có 44,21% Đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 và có 49,59% Đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2. Do vậy, cả 2 phương án đều không quá bán, tức không được Quốc hội thông qua.
Với kết quả bất ngờ như thế, người dân thật sự bị ‘kích động’ vì nhận ra rằng những người được gọi là Đại biểu nhân dân ấy thật ra không thể đại diện cho họ để bấm những chiếc nút trong nghị trường Quốc hội. Kết quả của hai phương án đều dưới 50% làm cho người dân hỏi nhau : Vậy Quốc hội cho phép uống rượu bia có nồng độ không giới hạn và kết quả này sẽ dẫn đất nước về đâu ?
Thật ra, tình trạng uống rượu lái xe gây tai nạn chết người đã đến mức báo động trong vài năm qua. Theo một bài báo của Thanh Niên Online (1) cho biết "Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ tai nạn giao thông với 8.700 người chết thì chỉ riêng tai nạn giao thông do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn".
Bài báo này cũng chỉ ra từ nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ. Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới.
Người dân chứng kiến không biết bao nhiêu là tai nạn xảy ra do rượu bia mang lại và những hình ảnh ghê rợn ấy phải được phòng ngừa bằng các biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, khi đọc bản tin của báo chí liên quan tới đề tài này, ngay lập tức sự giận dữ bùng vỡ trên mạng xã hội với nhiều ý kiến phản biện của các nhà báo, trí thức, ngay cả những người không quen viết lách cũng đưa ra những nhận xét sát với thực tế cuộc sống.
Quốc hội bị cho là được các nhóm lợi ích lobby để ngăn cản một cách gián tiếp Điều 8, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ-CP về mức xử phạt đối với người điều khiển xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định.
Từ bao lâu nay, người dân biết rất rõ nếu uống rượu lái xe gắn máy mà độ cồn bị Cảnh sát giao thông đo được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ cồn vượt quy định bao nhiêu. Riêng người lái các loại xe bốn bánh thì độ cồn là 0 vì vậy chỉ cần một lon bia cũng đủ bị tịch thu bằng lái.
Việc báo chí loan tải các Đại biểu Quốc hội biểu quyết dưới quá bán tức là không thông qua có vẻ như Quốc hội vô ý đạp lên những quy định mà Bộ công an đã thực hiện từ bao lâu nay nhằm ổn định tình trạng an toàn giao thông.
Có vẻ thông tin mà báo chí loan tải thiếu một chi tiết quan trọng khiến cho dư luận liên tục đưa ra những chống đối mạnh mẽ. Phải chăng "Quốc hội biểu quyết về độ cồn trong máu phải tăng hơn hay giảm xuống căn cứ theo quy định 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở như đang hiện hành" ?
Nhưng cũng không đúng. Nếu quả thật có sự xem xét lại độ cồn cho hợp lý thì đại biểu nào là tác giả trình dự thảo luật này ? Tất cả các bài báo đều không nói đến việc này chỉ chung chung viết rằng : "Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2018, dự kiến thông qua ngày 14-6. Tuy nhiên, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo Luật".
Và quá trình thảo luận ấy bị kẹt lại mà người dân không hiểu nguyên nhân, chỉ biết là Quốc hội không chịu thông qua mà thôi.
Không lẽ Quốc hội chơi trò cút bắt với người dân để đến khi họ mỏi mệt rã rời thì nhóm lợi ích nào đó ngồi đếm thành quả mà họ đã bỏ công vận động trong nhiều tháng trời qua ?
Ngay sau phiên biểu quyết, bà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phấn khởi cho rằng con số hơn phân nửa chống đối chứng tỏ tình trạng dân chủ trong nghị trường đã tiến tới một tầm cao mới. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận xét này và họ cho rằng sở dĩ đại biểu bỏ phiếu chống vì họ rất mơ hồ về khái niệm độ nguy hiểm của rượu bia tác động tới người dân.
Có người như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thẳng thừng cho rằng "Một nghị quyết của Quốc hội là sáng suốt chỉ khi các Đại biểu Quốc hội sáng suốt. Một nghị viện gồm các nghị sĩ dân trí thấp không bao giờ cho ra các quyết định sáng suốt. Cho nên muốn Quốc hội hoạt động hiệu quả nhất thiết phải nâng cao dân trí của các Đại biểu Quốc hội" (2).
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 06/06/2019
(2) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1631297610336996
**********************
Heineken và Sabeco đọ sức trên chiến trường bia Việt Nam (BBC, 06/06/2019)
Thị trường bia Việt Nam đang trở thành một sân chơi cho những người khổng lồ nước ngoài, với nhiều thương hiệu Việt Nam bị xóa sổ hoặc phải vật lộn để duy trì hoạt động.
Heineken và Sabeco nhòm ngó thị phần của nhau
Thị trường bia hiện đã vượt mốc bốn tỷ lít, dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng luôn giữ mức trên 5% ngay cả khi nhiều thị trường khác sụt giảm.
Nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và không phải tất cả các nhà sản xuất bia đều kiếm được tiền.
Thực tế đáng buồn cho bia Việt Nam
Thị trường bia Việt Nam hiện gần như chỉ nằm trong tay các đại gia nước ngoài. Thương hiệu Việt Nam đang dần biến mất.
Trong nhiều trường hợp, sau khi thành lập liên doanh với một công ty trong nước, đối tác nước ngoài đã mua lại đối tác trong nước, biến đơn vị này thành một doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường bia trong nước, hiện đã vượt mốc bốn tỷ lít, dự kiến sẽ đạt 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Sapporo là một ví dụ điển hình cho việc này. Sau khi mua 29% cổ phần của Vinataba tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapporo Việt Nam năm 2015, công ty đã chính thức trở thành công ty con thuộc sở hữu của Công ty Quốc tế Sapporo (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapporo Holdings - Nhật Bản).
Carlsberg cũng theo chiến lược tương tự tại Việt Nam. Họ gia nhập thị trường thông qua liên doanh với các đối tác Việt Nam để thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Bia Huế, chủ sở hữu nhãn hiệu Huda từ năm 1994.
Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, Carlsberg đã chính thức trả 1.875 nghìn tỷ đồng (81,52 triệu USD) vào cuối năm 2011 để mua 50% cổ phần từ Ủy ban nhân dân Thừa Thiên-Huế, qua đó mua 100% bia Bia Huế.
Một ví dụ khác là nhãn hiệu bia Zorok, tới từ Vinamilk.
Năm 2006, Vinamilk thành lập SABmiller Vietnam Co., Ltd., liên doanh với nhà sản xuất bia nổi tiếng thế giới SABmiller. Nhà máy sản xuất bia SABmiller chính thức ra đời vào đầu năm 2007 và ra mắt thương hiệu Zorok.
Tuy nhiên, với kế hoạch bán hàng dựa vào sử dụng mạng lưới phân phối sữa Vinamilk, bia Zorok không thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế trên thị trường như Tiger, Heineken và San Miguel.
Chỉ sau hai năm lúng túng trong hoạt động, Vinamilk phải bán cổ phần của mình tại SABmiller.
Không lâu sau đó, SABmiller đã phải bán hoạt động tại Việt Nam cho Anheuser-Busch InBev vì kinh doanh không hiệu quả.
Cuộc đọ sức giữa Heineken và Sabeco
Tập đoàn TCC của Thái Lan, sau khi mua phần lớn cổ phần của Tập đoàn Rượu và Đồ uống Bia Sài Gòn (Sabeco), hiện đang để mắt tới cổ phần của các nhà sản xuất bia khác.
Công ty Heineken của Hà Lan cũng mua nhiều nhãn hiệu bia trong nước.
Các trận chiến mới đang được triển khai khi Heineken Việt Nam và đại diện địa phương Sabeco trau chuốt các dịch vụ sản phẩm của họ và xây dựng các chiến lược tiếp thị dài hơi.
Heineken đang mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô và nông thôn, nơi vốn là địa bản của các nhãn bia trong nước
Nhà sản xuất bia Hà Lan vào tháng 3 tung ra một phiên bản mới, Heineken Silver, và đang mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô và nông thôn cùng với nhãn hiệu Tiger hạng trung và các loại bia Larue và Bivina có giá thấp hơn.
Việc mở rộng ra ngoài các thành phố ở phía Nam được đẩy mạnh nhờ tăng gấp đôi lực lượng bán hàng của Heineken Việt Nam trong ba năm qua và nhắm vào lãnh thổ do Sabeco, một nhà sản xuất bia thuộc sở hữu nhà nước hiện do ThaiBev kiểm soát.
Doanh số của Heineken Việt Nam tăng vọt với tỷ lệ hai chữ số trong bốn năm qua và quốc gia này là nguồn lợi nhuận lớn thứ hai sau Mexico. Các nhà phân tích ước tính Việt Nam chiếm hơn 10% trong số 3,87 tỷ euro (4,3 tỷ USD) Heineken kiếm được năm ngoái.
Tăng trưởng chủ yếu là nhờ Tiger, một nhãn bia phổ biến ở Châu Á mà Heineken có được khi mua toàn bộ Nhà máy bia Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2012. Thị phần chung của Heineken đã tăng lên 31% từ 20% vào năm 2013, theo công ty phân tích dữ liệu GlobalData.
"Chúng tôi nhắm đến vị trí số một, không chỉ về lợi nhuận mà còn về sản lượng", Giám đốc điều hành của Heineken Việt Nam Leo Evers nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Doanh số tăng vọt của Heineken Việt Nam chủ yếu là nhờ thương hiệu Tiger
Bia Sài Gòn
Sabeco nóng lòng muốn thâm nhập vào phân khúc trung cấp do Tiger thống trị - chiến lược mà họ hy vọng sẽ giúp nâng thị phần của mình lên mục tiêu 50% từ 40% hiện nay. Nhưng nhà sản xuất bia thừa nhận họ còn nhiều việc phải làm để chia phân khúc các loại bia tốt hơn.
Neo Gim Siong Bennett, cựu giám đốc điều hành của Heineken do ThaiBev đưa về làm tổng giám đốc Sabeco vào tháng 8, nói với Reuters rằng các thương hiệu của Sabeco, bao gồm Saigon Lager, Saigon Export và 333 Export "thực sự rất lộn xộn".
Kể từ khi ThaiBev nắm quyền kiểm soát, thương hiệu bia Sài Gòn đã trở thành nhà tài trợ áo đấu cho đội bóng đá hàng đầu nước Anh Leicester City và nhà sản xuất bia đã tìm cách liên minh với đội bóng đá quốc gia của Việt Nam để tổ chức truyền hình các trận đấu tại các địa điểm công cộng.
Bia Sài Gòn đã có mặt trên áo đấu cho đội bóng đá hàng đầu nước Anh Leicester City
Về phía Heineken, họ là nhà tài trợ của Champions League, giải đấu của các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Châu Âu và đua xe Công thức 1, giải đấu sẽ xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm tới.
Vũ khí của Sabeco với Tiger là Saigon Special, có giá cao hơn khoảng 30% so với các sản phẩm khác và được đổi thương hiệu sang chai màu xanh lá cây. ThaiBev, công ty mẹ Sabeco đã sử dụng chiến lược tương tự với bia Chang vào năm 2014, nâng thị phần bia bia tại Thái Lan từ dưới 30% lên trên 40% trong hai năm.
*********************
Thực hư chuyện Quốc hội Việt Nam ‘không thông qua 2 quy định về uống rượu bia’
VOA, 04/06/2019
Quốc hội Việt Nam bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội sau khi nhiều tờ báo trong nước đưa tin cơ quan lập pháp không thông qua hai quy định về "đã uống rượu bia thì không lái xe". Tuy nhiên, một chuyên gia độc lập lên tiếng cho rằng công luận nên thận trọng khi chưa nắm rõ bản chất của sự việc.
Quốc hội Viêt Nam lấy ý kiến về hai điều khoản liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu, 3/6/2019
Nhiều báo trong đó có Lao Động, Người Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh loan tin vào hồi chiều hôm 3/6 rằng các đại biểu quốc hội "đã biểu quyết 2 lần" về quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn "nhưng đều không quá bán". Vì vậy, quy định này "chưa được ghi" vào dự luật có tên "Phòng, chống tác hại của rượu, bia".
Các bài báo cụ thể hơn cho hay dự luật nêu ra hai phương án về cấm mọi người lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Trong đó, phương án 1 cấm điều khiển xe cộ khi trong máu hoặc khí thở có bất kỳ nồng độ cồn nào ; và phương án 2 cấm điều khiển xe khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định được nêu trong luật về an toàn giao thông.
Tin cho hay quốc hội "biểu quyết hai lần" về phương án 1 với kết quả lần lượt là 48,76% và 44,21% ý kiến đồng ý, đều không vượt quá bán. Phương án 2 nhận được 49,59% số phiếu tán thành, cũng không quá bán.
Với các kết quả nêu trên, cả hai phương án không được ghi vào dự luật. Sau khi có kết quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét rằng "Quyết định một vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất là khó khăn", theo các bản tin trong nước.
Diễn biến này được báo Lao Động tường thuật dưới hàng tít "Quy định ‘đã uống rượu bia thì không lái xe’ chưa được Quốc hội áp dụng" ; báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh sử dụng tiêu đề "Hai quy định về rượu, bia không được Quốc hội thông qua" ; trong khi đó, báo Thanh Niên đặt tên cho bài viết của mình là "Quốc hội vẫn chưa quyết 'đã uống rượu bia thì không lái xe'". Nhiều báo, trang mạng khác cũng đặt tít với từ ngữ tương tự.
Dư luận nhanh chóng phản ứng với phần lớn là các lời chỉ trích dành cho quốc hội. Một loạt những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như các nhà báo Bạch Hoàn, Hoàng Linh, Nguyễn Như Phong, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, v.v… khẳng định họ và phần đông cử tri "thất vọng", "choáng váng" về việc chỉ có chưa đến 50% đại biểu quốc hội ủng hộ việc cấm lái xe sau khi uống rượu bia, trong khi có đến 42% không đồng ý.
Việt Nam là nước có mức độ tiêu thu rượu bia cao ở Châu Á
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi "Phải chăng trong quốc hội có những người nghiện rượu ?" Về phần mình, nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng có thể "suy diễn" là số 42% đại biểu nêu trên "thường xuyên nhậu nhẹt và còn lái xe, hoặc con cái họ, hoặc chính lái xe của họ hay uống rươu bia" cho nên họ sợ nếu biểu quyết thông qua "thì có khi chính họ bị [xử lý] đầu tiên". Một giả định khác ông Phong đặt ra là "số đại biểu này rất vô trách nhiệm trước đại nạn lái xe khi đã uống rượu bia" đang làm hàng ngàn người chết trong tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm.
"Cái mà dân đang cần là thông điệp mạnh mẽ từ quốc hội trong việc phòng chống tác hại của rượu bia", nhà báo Hoàng Linh viết trên trang cá nhân. Ông đề nghị rằng luật pháp phải khắt khe hơn, theo đó "chỉ cần có uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là có thể bị xử lý hình sự".
Một bài đăng trên Facebook của nhà báo Bạch Hoàn được hơn 5.300 phản ứng yêu thích và gần 600 lời bình luận ủng hộ có đoạn "Thật kinh tởm cho cái gọi là biểu quyết của đại biểu Quốc hội". Tuy nhiên, nữ nhà báo có tổng cộng hơn 195.000 người theo dõi cho hay chị "chẳng lấy gì làm bất ngờ" vì trong quốc hội có một số đại biểu "như Nguyễn Sỹ Cương, Dương Trung Quốc" vẫn đưa ra các "luận điệu bảo vệ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp rượu bia bất chấp nguy cơ huỷ diệt giống nòi".
Giữa lúc quốc hội đang hứng chịu búa rìu dư luận với những lời lẽ hết sức nặng nề, thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu lên tiếng cho rằng đang có một sự hiểu nhầm.
Lái xe sau khi uống rượu bia là nguyên nhân gây ra nhiều tan nạn ở Việt Nam
Sử dụng chữ in hoa với hàm ý nhấn mạnh, ông Hậu, một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và nhân quyền ở Việt Nam, đặt tên cho bài viết trên Facebook của mình là "Không đúng, Quốc hội không ủng hộ lái xe khi đã uống rượu thoải mái".
Luật sư tốt nghiệp ở Đức lưu ý rằng theo quy định hiện nay của Luật Giao thông Đường bộ 2008, ngưỡng cho phép về độ cồn là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy (0.05%) và là 0 đối với người điều khiển ô tô, đồng nghĩa là là hiện nay, Việt Nam "đã rất khắt khe" với người điều khiển ô tô đến mức "hễ đã uống rượu thì không được cầm vô lăng".
Về ngưỡng 0.05% đối với người lái xe máy, ông Hậu cho rằng nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn khá khắt khe.
"Như vậy, có thể kết luận là việc cấm lái xe sau khi uống rượu là không có gì mới", thạc sĩ, giảng viên luật Lê Nguyễn Duy Hậu viết.
Bàn đến cáo buộc của nhiều người cho rằng quốc hội "đã thông qua luật ‘tự do uống rượu khi lái xe’", ông Hậu không ngần ngại khẳng định "Điều này là hoàn toàn sai sự thật".
Theo chuyên gia này, việc hai phương án được đưa ra bỏ phiếu ở quốc hội là để lấy ý kiến từ các đại biểu, chưa phải để thông qua. Từ góc nhìn của mình, ông Hậu đưa ra quan điểm là về cơ bản, quốc hội vẫn "cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia", nhưng còn chưa nhất quán về ngưỡng nồng độ để cấm là thế nào.
Thạc sĩ luật phân tích thêm : "Phương án 1 là cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0 như tài xế ô tô. Phương án 2 thì có hai cách hiểu : hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới". Từ đó, ông Hậu đưa ra kết luận : "Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe".
Ông Hậu viết thêm rằng báo chí trong nước "phải chịu trách nhiệm vì đã giựt những dòng tít gây hiểu lầm" đồng thời bày tỏ hy vọng "mọi người khách quan và bình tĩnh hơn khi đánh giá vụ việc".
*********************
Khen chê việc Quốc hội không có phương án cho luật rượu bia (BBC, 05/06/2019)
Hôm 3/6, các đại biểu Quốc hội đã "thể hiện chính kiến" về ba nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng kết quả cho thấy vẫn chưa luật hóa được quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010
Hơn phân nửa đại biểu Quốc hội không tán thành phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, hoặc nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Mạng xã hội sau đó nổ ra tranh cãi về chuyện Quốc hội "không muốn xử phạt người dùng rượu bia lái xe".
Bình luận về việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào của Quốc hội, một nhà báo lại nhận định rằng Quốc hội "hoặc coi thường tính mạng người dân, hoặc kém hiểu biết..". trong khi đó một luật sư cho là đây có thể là "một việc làm có suy xét, trách nhiệm".
'Coi thường tính mạng người dân ?'
Hôm 4/6, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC :
"Khi Quốc hội bấm nút để thông qua luật cấm uống bia rượu khi tham gia giao thông chỉ có 50% phiếu đồng ý thì tôi biết rằng số người chết vì tai nạn giao thông khi uống bia rượu sẽ vẫn "ổn định".
"Theo thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, số người chết do uống bia rượu dẫn đến mất kiểm soát hành vi chiếm gần 50% cho cả người say lẫn người không uống rượu bị xe tông".
"Vậy mà 50% đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua luật này thì chứng tỏ số người này hoặc coi thường tính mạng người dân, hoặc kém hiểu biết hoặc có ý đồ hòng cho người dân lao vào nhậu nhẹt bê tha không còn suy nghĩ để quan tâm đến xã hội cũng như vận mệnh đất nước".
"Việc này cũng cho thấy ý thức phát triển xã hội lành mạnh có vẻ xa xỉ trong nghị trường".
"Theo như tôi hiểu, các nước văn minh cấm uống bia rượu đã thực thi từ rất lâu rồi. Người say rượu lái xe không chỉ đóng phạt tiền mà còn bị phạt tù hoặc tước bằng lái xe".
'Việc làm có suy xét' ?
Hôm 4/6, Luật sư Duy Hậu từ Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC :
"Có người phẫn nộ đến mức cho rằng Quốc hội đã thông qua luật "tự do uống rượu khi lái xe". Điều này là hoàn toàn sai sự thật".
"Hai phương án được đưa ra cho Quốc hội cho ý kiến, chứ chưa thông qua là :
1. Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
2. Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Có nghĩa là, về cơ bản, Quốc hội một lần nữa khẳng định việc cấm sử dụng phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Vấn đề là ngưỡng nồng độ là như thế nào. Phương án 1 "cấm tuyệt đối việc uống rượu lái xe" và trên thực tế sẽ chỉ là kéo ngưỡng cho tài xế xe máy xuống mức 0 như tài xế ô tô.
Phương án 2 thì có hai cách hiểu : Hoặc giữ nguyên ngưỡng như hiện nay, hoặc để dành lại cho Luật Giao thông Đường bộ quy định cụ thể trong lần chỉnh lý tới ngưỡng cho phép, có thể là kéo xuống 0.03% cho xe máy ? Không có phương án nào nói rằng từ nay tài xế được tự do uống rượu lái xe (hợp pháp hóa). Vẫn là bất hợp pháp hóa, nhưng là bất hợp pháp hóa thế nào mà thôi".
Vận chuyển bia trong thành phố - Ảnh minh họa
"Việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào hôm nay của Quốc hội có thể là một việc làm có suy xét, trách nhiệm. Việc nghi ngờ hay lên án đại biểu Quốc hội bị nhóm lợi ích mua chuộc là một cáo buộc rất nghiêm trọng và do đó cần có bằng chứng chứ không thể nói vô trách nhiệm được".
"Đại biểu Dương Trung Quốc khi lên tiếng cũng có lý của ông, rằng chúng ta chỉ nên chống tác hai của bia rượu, chứ không nên chống bia rượu như một sản phẩm có từ lâu đời. Báo chí cũng phải chịu trách nhiệm vì đã giựt những dòng tít gây hiểu lầm và bày tỏ thái độ khi đưa một bản tin. Đây cũng là hệ quả của việc các thảo luận chính sách ở Việt Nam thường rất nông cạn, không đầy đủ".
"Thiết nghĩ, vấn đề ở đây lại không phải là vấn đề luật, mà là vấn đề thực thi pháp luật. Và đó là lỗi của công an, không phải lỗi của Quốc hội. Cho đến khi nào mà công an vẫn còn dám nói rằng đặt trạm kiểm tra nồng độ cồn trước quán rượu sợ phản cảm thì khi đó vẫn còn tai nạn do lái xe say rượu gây ra".
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được báo Zing dẫn lời : "Không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bởi luật hiện hành đã có quy định".
"Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến ngày 3/6 thì không phương án nào quá 50%".
"Việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không xử phạt tài xế uống rượu, bia".
"Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành".
Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ ba Châu Á sau Nhật, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ đô la. Cụ thể, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn.
Nói về những phát biểu ngô nghê của Đại biểu quốc hội Việt Nam có lẽ phải viết riêng một cuốn sách phân tích về hiện tượng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Dưới mắt người dân bây giờ Đại biểu quốc hội chẳng qua là những người thích nói, nói không cần biết có đúng hay không và đúng tới mức nào. Trách nhiệm trong lời nói của họ gần như số không, bất cần phía sau những lời nói hoa hòe gượng ép ấy sẽ ảnh hưởng tới dư luận như thế nào.
Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước, đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. (Ảnh : Quochoi.vn).
Khi Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khóa trước vô tư tuyên bố rằng "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai ?" thì cả nước ngẩn cả mặt ra về cái tư duy vượt thời đại này. Không cần bàn chi sâu xa, tầm hiểu biết về Quốc hội của một ông Chủ tịch chính cái quốc hội ấy đã lộ rõ mười mươi, nó làm cho người dân ngao ngán cho cái bánh vẽ quốc hội mà mình đang có.
Rồi Chủ tịch quốc hội đời kế tiếp là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bắt chước câu nói nổi tiếng của Tổng thống Kennedy một cách máy móc và không hề ngượng miệng khi tuyên bố : "Tôi xin hỏi những người phản biện, các người đã làm được gì cho đất nước chưa ?".
Người dân lại lãnh thêm một hòn đá lớn ném vào quyền bày tỏ của mình.
Nếu thống kê cho hết những phát biểu trật lề của các Đại biểu quốc hội trong nhiều khóa gần đây có lẽ tốn thời gian cho người đọc mà không mấy khơi gợi thêm sự khinh bỉ của dân chúng đối với họ, bởi người dân đã hằn sâu định kiến về kiến thức, lòng tự trọng, kể cả sự ương bướng cố hữu của người Cộng sản đối với từng lời từng chữ của các Đại biểu quốc hội trước một diễn đàn lớn nhất nước.
Chẳng những ngô nghê mà họ còn ác độc nữa.
Vào chiều ngày 12 tháng 11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Đại biểu quốc hội Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.
Theo báo chí ghi nhận lại thì ông Hồ Đức Phớc cho rằng "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.
Ông Phớc còn đề nghị "để quản lý những phạm nhân được phép ở tù tại gia, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nhà sắt giam giữ. Buồng giam này được cán bộ đưa đến nhà phạm nhân, chìa khóa giám thị cầm, gia đình chỉ chăm sóc, đến bữa cho ăn. Giám thị sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để phạm nhân trốn thì gia đình cùng chịu trách nhiệm".
Bao nhiêu cũng đủ thấy sự độc ác trong lời đề nghị của một kẻ mang danh hiệu Đại biểu quốc hội. Độc ác và vi hiến một cách trầm trọng khi chủ trương làm cho người bị giam lẫn gia đình của họ xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm và gia đình. Đối với đề nghị này thì ông Phớc ngang nhiên vi hiến vì đã cổ vũ một biện pháp xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người dân vi phạm Khoản 1 Điều 20 của Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Phớc không hiểu rằng vi phạm pháp luật phải được xử lý nhưng quyền cơ bản con người được Hiến pháp bảo vệ thì không ai có quyền xúc phạm, kể cả ông, một Đại biểu quốc hội rất tồi khi không nhớ nỗi điều căn bản này.
Ông đem cả gia đình của tù nhân ra làm thế chấp cho cái gọi là "xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm". Ông không ý thức được hậu quả của sự "xấu hổ" ấy sẽ đẩy cả gia đình họ trôi dạt về đâu trong ánh mắt xa lạ khinh bỉ của láng giềng, vốn cũng rất ngô nghê với chính cái quyền căn bản của mình. Ông Phớc tỏ ra rất chuyên chính trong lời đề nghị rặt tính cộng sản khi một phạm nhân bị mang tấm bảng kê khai tội danh mình đi bêu rếu trên đường phố của thập niên 50 trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Ông trừng phạt thân nhân của họ vì phải nấu ăn, cung phụng cho tù nhân trong khi trách nhiệm này phải thuộc về nhà nước. Ông cưỡng chế không gian riêng tư của gia đình họ bằng hành vi đi ngược lại với quyền tự do cư trú của người dân.
Ông mang hình ảnh nhà giam tới từng hộ dân khi cho giám thị nhà giam tự do đi lại tới từng nhà, ám ảnh tự do của từng công dân, những người chưa bao giờ phạm tội. Ông mang chế độ công an trị tới từng ngóc ngách xã hội mà không tốn một xu nào cho ngân sách.
Chưa thấy đủ, ông Phớc còn đề nghị đem cả củi sắt về tận nhà để nhốt người, đủ hiểu mức ác độc trong tư duy của ông là không giới hạn.
Ông xem tù nhân là con vật, và củi sắt là nơi mà chúng phải thuộc về.
Ông Phớc với tư cách là một Tổng kiểm toán nhà nước, chắc không phải lả người xa lạ với những con số. Hãy thử tính xem trên toàn quốc nếu số củi sắt này cung ứng đầy đủ thì Việt Nam có phải là một nhà tù vĩ đại hay không ?
Ai cho phép ông có một đề nghị xảo quyệt như vậy khi bắt cả gia đình tù nhân ở tù chung với nhau trong một không gian tự do mà hiến pháp quy định ? Đặt cái củi sắt trong nhà của họ có khác gì mang một vết thương chia đều cho từng người khi phẩm giá, lòng tự trọng, danh dự của họ bị chà đạp ?
Vậy mà lạ thay, lời đề nghị này được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an hứa sẽ xem xét và nghiên cứu, bên cạnh những đại biểu "tầm cỡ" khác rất phấn khởi vì đề nghị khác thường này... mặc cho bên ngoài xã hội làn sóng phỉ nhổ nổi lên tiếp theo các làn sóng căm phẫn khác.
Ở những nước phát triển người ta không dùng hình ảnh "tù tại gia" để miêu tả biện pháp theo dõi phạm nhân có thời gian ngắn được phép rời nhà tù vì lý do đặc biệt nào đó. Cảnh sát gắn một vòng khóa có thiết bị điện tử dưới chân xác định vị trí mà tù nhân đang đứng để khi cần thì cảnh sát có thể không chế nếu tù nhân ấy có ý định bỏ trốn.
Biện pháp này chỉ được áp dụng cho tội tiểu hình trong một thời gian sau khi được tòa xem xét lý do hợp lý và chấp nhận. Cái vòng điện tử phải được lắp dưới cổ chân cho người khác không nhìn thấy chứng tỏ phẩm giá và danh dự của người vi phạm pháp luật vẫn được tôn trọng như bất cứ công dân bình thường nào khác.
Tứ chiếc vòng điện tử dưới cổ chân tiến tới cái củi sắt nhốt người ngay trong gia đình của tù nhân thật là một bước nhảy vọt vượt bậc đáng tự hào của Quốc hội Việt Nam.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 15/11/2018 (canhco's blog)
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan đại diện cho "nguyện vọng và ý chí" của 95 triệu người Việt, thay mặt họ quyết định tất cả những vấn đề liên quan tới vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc : Lập hiến - Lập pháp - Xác lập chính sách cả về đối nội (1), lẫn về đối ngoại (2).
Các Đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn.
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa bao giờ công bố chi phí cho việc vận hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam là bao nhiêu mỗi năm nhưng cách nay năm năm, báo chí Việt Nam từng công bố tính toán của một chuyên gia, theo đó, mỗi khi Quốc hội Việt Nam họp, công khố phải chi chừng một tỉ đồng/ngày. Vào thời điểm ấy, một số đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 13 từng thừa nhận, nhiều sinh hoạt của Quốc hội Việt Nam không hiệu quả. Nhiều đại biểu vừa đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân một địa phương, vừa đại diện cho hệ thống chính trị, hoặc hệ thống công quyền của địa phương đó hay trung ương nên chuyện đi lại, ăn ở, nhằm bảo đảm việc góp mặt tại tất cả các nơi vừa tốn kém, vừa không hiệu quả, cuối cùng trở thành hết sức lãng phí, phải tiết kiệm bằng cách… bớt các sinh hoạt khoáng đại, giảm số ngày họp định kỳ (3). Một tỉ/một ngày họp tuy đã rất lớn song chắc chắn không phải là con số cuối cùng. Nếu cộng thêm khoản lương phải trả cho cả các Đại biểu quốc hội lẫn hệ thống tham mưu, giúp việc và chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm : đất đai, nhà cửa, xe cộ, các tài sản khác) dành cho Văn phòng Quốc hội và 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổng chi phí hàng năm cho việc vận hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam có lẽ không dưới mức ngàn tỉ.
***
Các Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14 đang dự kỳ họp thứ sáu. Cuối tuần vừa qua, họ thay mặt nhân dân chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao về những chuyện mà ở các kỳ họp trước, họ từng thay mặt nhân dân xác định là chưa ổn.
Thêm một lần nữa, nhiều Đại biểu quốc hội đương nhiệm chứng minh, Việt Nam không cần Quốc hội vì sinh hoạt Quốc hội không có chỗ cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân. Chẳng hạn, khi bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu của dân chúng tỉnh Phú Yên tại Quốc hội, đòi ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo) cho biết, ông sẽ làm gì để "bảo vệ sự tôn nghiêm của giáo dục" vì "nhân dân nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay", bà Lê Thị Thanh Xuân, đại biểu của dân chúng tỉnh Đắk Lắk tại Quốc hội, lập tức lên tiếng cảnh cáo bà Hiền và những đồng viện khác rằng, "tất cả mọi người đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam thành ra bên cạnh các hạn chế, cần có những đánh giá tích cực về ngành giáo dục để có cái nhìn khách quan, toàn diện" (4).
Tuy đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân và bản chất buổi sinh hoạt tại diễn đàn Quốc hội hôm 30 tháng 10 là thay mặt nhân dân chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởnng Viện kiểm sát Tối cao nhưng với bà Xuân (nhân vật vừa là Đại biểu quốc hội, đồng thời còn là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắc Lắk), thể hiện nguyện vọng, thực hiện ý chí của nhân dân không quan trọng bằng việc tấn công đồng viện này, cảnh cáo những đồng viện khác để bảo vệ cả lãnh đạo lẫn ngành của mình !
Tương tự, khi ông Lê Thanh Vân, đại biểu của dân chúng tỉnh Cà Mau tại Quốc hội, chất vấn ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, rằng tại sao điều tra đã bốn năm mà vẫn chưa khởi tố vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, xâm hại lợi ích của 60 triệu nông dân (5), ông Nguyễn Quang Dũng, đại biểu của dân chúng tỉnh Quảng Nam tại Quốc hội, cảnh cáo ông Vân không được phát biểu như thế vì "có thể làm cử tri hiểu sai về ngành kiểm sát" (6). Sở dĩ ông Dũng không những không thay mặt nhân dân chất vấn mà còn bào chữa cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và ngành kiểm sát vì ngoài việc là Đại biểu quốc hội, ông còn là… Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam.
Giống như ông Dũng, ông Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu của dân chúng tỉnh Quảng Nam tại Quốc hội, đã bỏ trái bóng chất vấn, "đá" ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu của dân chúng tỉnh Bến Tre tại Quốc hội, kiêm Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì khi chất vấn ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, ông Nhưỡng đã dẫn hàng loạt số liệu chứng minh cho nhận định, các cơ quan điều tra của ngành công an đang "vi phạm pháp luật khủng khiếp". Bộ trưởng Công an không thèm giải trình bởi đã có ông Cầu - một Đại biểu quốc hội khác – thay mặt ông Tô Lâm và cả ngành công an, phản bác ông Nhưỡng, đòi ông Nhưỡng phải "đính chính" vì xúc phạm ngành công an (7). Thật ra khó trách ông Cầu vì ngoài việc nhận các đãi ngộ dành cho một Đại biểu quốc hội, ông còn là Giám đốc Công an Nghệ An.
Chuyện "chất vấn" các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao của Quốc hội Việt Nam trở thành trò hề, lố bịch đến mức, các cơ quan truyền thông chính thức phải nhắc nhở, trong những sinh hoạt kiểu đó, các Đại biểu quốc hội không nên diễn "nhầm vai", "chất vấn lẫn nhau" (8). Cũng đã có những Đại biểu quốc hội như ông Trương Trọng Nghĩa, tự thấy thẹn nên khuyến cáo cả lãnh đạo Quốc hội lẫn các đồng viện, chú ý xây dựng "văn hóa nghị trường", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và nên tôn trọng lẫn nhau. Cho dù ông Nghĩa đã nhấn mạnh : "Chúng ta có quyền tranh luận nhưng chúng ta không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác" (9) – song diễn biến sau ý kiến chất vấn Bộ trưởng Công an càng ngày càng phức tạp. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – đại diện cho dân chúng tỉnh Nghệ An tại Quốc hội đã tạm lui vào hậu trường, nhường chỗ cho một Đại biểu quốc hội khác, đồng thời cũng là Giám đốc Công an một tỉnh : Ông Sùng A Hồng - đại diện cho dân chúng tỉnh Điện Biên tại Quốc hội. Ông Hồng tuyên bố ông Nhưỡng sai, còn ông Nhưỡng tiếp tục khẳng định, ông đã dự trù sẽ gặp tình huống này nhưng trách nhiệm với nhân dân lớn hơn trách nhiệm với một ngành nên vẫn chất vấn và dứt khoát không đính chính, không xin lỗi (10).
***
Đâu chỉ có "chất vấn". Còn vô số bằng chứng khác chứng minh Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân. Nếu đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân, chắc chắn ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu cho dân chúng tỉnh Sóc Trăng tại Quốc hội, người được Quốc hội bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, sẽ không thách thức dư luận thêm một lần nữa, khi khẳng định, hệ thống công quyền tỉnh Cần Thơ phạt ông Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng khi ông Rê đem 100 Mỹ kim đến đổi tại Tiệm vàng Thảo Lực là đúng, vấn đề duy nhất đáng bận tâm chỉ là làm sao để có thể "giáo dục nhân dân" hiệu quả hơn về "sự nghiêm minh của pháp luật" (11). Giờ, bất kể bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã thừa nhận, qui định pháp luật mà chính quyền Cần Thơ áp dụng là không hợp lý, phải sửa thì ông Kiên cũng chẳng sao. Nếu giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thấy còn cần ông Kiên ở Quốc hội, ông sẽ tiếp tục là đại biểu của dân chúng tỉnh nào đó tại Quốc hội khóa 15 như đã từng đại diện cho họ trong ba khóa vừa qua.
Giống như vậy, nếu các Đại biểu quốc hội thật sự đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân, chắc chắn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, không khơi khơi nhắc nhở các Đại biểu quốc hội phải bỏ phiếu tán thành Dự thảo Luật Đặc khu vì đó là chủ trương của Bộ Chính trị (12). Nhắc nhở bất cận nhân tình, bất kể nhân tâm ấy chính là nguyên nhân dẫn tới biểu tình bùng phát trên toàn lãnh thổ hồi trung tuần tháng 6 khiến vài trăm người bị tống giam, phạt tù nhưng bà Ngân chẳng hề gì vì bà chỉ truyền đạt chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong 496 đại biểu, đại diện cho 95 triệu dân Việt Nam tại Quốc hội Việt Nam khóa này, chỉ có hai là tự ứng cử (Nguyễn Anh Trí, Phạm Anh Dũng) nhưng cả hai đều là đảng viên cộng sản Việt Nam. 494 đại biểu còn lại tuy có 21 "không đảng phái" nhưng tất cả đều do Đảng cộng sản Việt Nam tiến cử. Trừ số chết (bốn), vào tù (bốn – Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Quốc Khánh), xin "thôi" (ba – Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Ngô Đức Mạnh), Quốc hội Việt Nam còn 485 đại biểu và số "không đảng phái" tiếp tục giảm xuống chỉ còn 19. Cũng cần lưu ý rằng trong 466 Đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản Việt Nam có hơn 1/3 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam để bảo đảm quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của đảng tại cơ quan đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của toàn dân (13).
Cho đến giờ này, chắc chẳng còn bao nhiêu người mơ hồ về bản chất và hoạt động của Quốc hội. Bày thêm một hệ thống mà chẳng mấy người trong số 95 triệu dân tin là thật sự đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của họ chỉ tăng thêm gánh nặng thuế, phí. Không có Quốc hội bởi có cũng như không sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ mỗi năm, chắc chắn sẽ giúp giảm một phần thuế, phí. Chẳng ai mơ sẽ thêm trường học cho trẻ con, bệnh viện - thuốc men cho người nghèo, phúc lợi cho người già, người tàn tật, công trình công cộng phục vụ dân sinh nhưng ít nhất gánh đang mang sẽ không nặng hơn, mức độ oán thán, phẫn nộ sẽ bớt nghiêm trọng hơn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/11/2018
Chú thích :
(1) Qui định cách thức tổ chức – hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, bỏ phiếu lựa chọn và bãi nhiệm những cá nhân đứng đầu Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát,… Chỉ Quốc hội mới có quyền thành lập, tách – nhập hay xóa bỏ các cơ quan công quyền, các đơn vị hành chính. Chỉ Quốc hội mới có quyền đặt định mục tiêu, phê duyệt các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng – giảm thuế. Thu – chi – sử dụng ngân sách,… Quốc hội cũng là cơ quan giám sát hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu điều chỉnh hoạt động
(2) Phê chuẩn các công ước, hiệp định. Quyết định chính sách đối ngoại. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên bình diện quốc gia. Tuyên chiến
http://quochoi.vn/gioithieu/gioithieuveqh/Pages/chuc-nang-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=24419
(3) https://news.zing.vn/moi-ngay-hop-quoc-hoi-chi-phi-1-ty-dong-post366011.html
(8) https://tuoitre.vn/dai-bieu-co-nen-chat-van-lan-nhau-20181102083339691.htm
(12) http://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu-20180416130046666.htm
(13) https://thanhnien.vn/thoi-su/100-uy-vien-trung-uong-trung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-711848.html
Kỳ họp thứ tư (từ 23 tháng 10 đến 24 tháng 11) của Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc và nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội khóa này cho thấy họ không khác gì lắm so với nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội các khóa trước !
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một dự luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
***
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành, ông Nguyễn Bắc Việt – Phó Đoàn Đại biểu của tỉnh Ninh Thuận tại Quốc hội, đòi luật mới phải minh định "rèn luyện thân thể" là nhân quyền, không phân biệt đối xử giữa công dân lẫn cán bộ. Ông Việt tỏ ra hết sức bất bình khi dân có thể tham gia thể dục, thể thao nhưng "cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà tham gia thể dục, thể thao thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc". Ông Việt yêu cầu nội dung luật mới về thể dục – thể thao phải giúp "cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis vì đó là ‘quyền’ của họ".
Ông Việt nói thêm, dẫu dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành có khuyến khích cán bộ, công chức tham gia các hoạt động thể dục – thể thao nhưng chừng đó chưa đủ. Luật mới phải "tạo điều kiện" để "đầu tư, hỗ trợ" cán bộ, công chức về "cả nơi tập lẫn trang, thiết bị".
***
Trước đó một tuần, hôm 8 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Tố cáo, ông Ngô Tuấn Nghĩa – thành viên Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội, đề nghị hệ thống công quyền không nên chấp nhận những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vì sẽ ảnh hưởng tới giới này. Ngoài ra, theo lời ông Nghĩa, Luật Tố cáo mới nên buộc người tố cáo phải "xuất đầu, lộ diện" bằng cách chỉ chấp nhận tố cáo trực tiếp, nếu không "sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan hoặc tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để quấy rối cán bộ".
Ngày hôm sau, 9 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Phòng - Chống tham nhũng, ông Trần Hoàng Ngân – một thành viên khác của Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội, đề nghị luật mới nên buộc đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng. Ông Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội tỏ ra rất tâm đắc với đề nghị của ông Ngân. Ông Nhân nhấn mạnh, hồi ông sang Mỹ học về "quản lý nhà nước", tham quan trại giam là một phần trong chương trình học (người viết bài này đã cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy chương trình nào đào tạo về "quản lý nhà nước" tại Mỹ đưa tham quan trại giam vào chương trình đào tạo để răn đe các viên chức trong hệ thống công quyền đừng tham nhũng như ông Nhân dẫn chứng).
Khoan bàn tới nhận xét từ công chúng về những "góp ý lập pháp" của các đại biểu vừa kể, chỉ xét bình luận của các cán bộ, viên chức thì đã đủ để thấy những "góp ý lập pháp" này không ổn. Tờ Đất Việt kể rằng, một "viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu" và bà Lê Thị Thu Ba – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 12, cùng cho rằng, dùng luật để ngăn chặn việc tố cáo cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu vừa vi hiến, vừa vi phạm pháp luật vì mọi người bình đẳng trước pháp luật.
Đối với ý tưởng buộc phải đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng, "viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu" lưu ý, "nhiều khi ở tù sướng hơn ở ngoài vì đầy đủ tiện nghi chẳng thiếu thứ gì" thành ra coi chừng… phản tác dụng.
***
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì đại diện cho toàn bộ dân chúng Việt Nam để lập hiến, lập pháp, quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của quốc gia, giám sát toàn bộ hoạt động của hệ thống công quyền.
Trong thực tế, đa số đại biểu của dân chúng Việt Nam tại Quốc hội vừa là thành viên của Đảng cộng sản Việt Nam vừa tham gia lãnh đạo hệ thống công quyền. Ông Nguyễn Bắc Việt – người đòi Luật Thể dục – thể thao mới phải giúp "cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis", phải "tạo điều kiện" để "đầu tư, hỗ trợ" cán bộ, công chức về "cả nơi tập lẫn trang, thiết bị" là Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy Ninh Thuận. Ông Ngô Tuấn Nghĩa – người đòi Luật Tố cáo mới phải vô hiệu hóa những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, buộc người tố cáo phải "xuất đầu, lộ diện" là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Hoàng Ngân thì là Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Đó có thể là lý do người ta không thấy bóng dáng nhân dân trong các "góp ý lập pháp". Đó hình như cũng là lý do Quốc hội Việt Nam miệt mài "sửa đổi, bổ sung" hết luật này sang luật khác, từ thập niên này sang thập niên khác...
Sau khi được ban hành lần đầu vào năm 1998, đến năm 2004, Luật Khiếu nại – Tố cáo được "sửa đổi, bổ sung" lần thứ nhất. Năm 2005 được "sửa đổi, bổ sung" lần thứ hai rồi đến năm 2011 thì được tách ra thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Từ 2012, khi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực, năm nào Quốc hội Việt Nam cũng bàn về việc "sửa đổi, bổ sung" thêm !
Tương tự, sau khi ban hành Bộ Luật Hình sự đầu tiên năm 1985 và "sửa đổi, bổ sung" bốn lần trong các năm 1989, 1991, 1992, 1997, đến năm 1999, Quốc hội Việt Nam thay thế Bộ Luật Hình sự 1985 bằng một Bộ Luật Hình sự mới. Bộ Luật Hình sự 1999 tiếp tục được "sửa đổi, bổ sung" cho đến năm 2009 thì có một Bộ Luật Hình sự mới hơn thay thế. Năm 2015, Bộ Luật Hình sự mới hơn Bộ Luật Hình sự 2009 ra đời. Tuy nhiên ba ngày trước khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các đại biểu Quốc hội khóa 13 – những người đã từng "nhất trí thông qua" bộ luật này – "nhất trí hoãn thi hành" nó vì tới lúc đó họ mới chịu "nhất trí" với các chuyên gia rằng Bộ Luật Hình sự 2015 "có nhiều sai sót nghiêm trọng" không hoãn và sửa thì… "dân chết". Chuyện "sửa đổi, bổ sung" Bộ Luật Hình sự 2015 vừa hoàn tất hồi tháng 7 năm nay và đến 1 tháng Giêng năm tới nó mới có hiệu lực !
***
Không phải tự nhiên mà khi đề cập đến Quốc hội Việt Nam, nhiều người cố tình viết thành "Cuốc hội". Nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam không những không thèm bận tâm, mà luôn tìm đủ mọi cách chứng minh họ đúng là đại biểu "Cuốc hội" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/11/2017
Vẫn biết, truy cứu trách nhiệm hình sự bất cứ ai cũng phải được tiến hành thận trọng, nhưng sau khi Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình ; Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng... đã bị bắt, mà thấy Đinh La Thăng vẫn mũ cao áo dài đường hoàng bước vào phòng họp Quốc hội thì không khỏi có cảm giác như công lý đang bị bỡn cợt. Các bị can, bị cáo trên đây bị đưa vào vòng tố tụng vì liên quan đến các sai phạm ở OceanBank (OJB), một trong hàng loạt vụ phạm pháp xảy ra tại tập đoàn Dầu Khí (PVN) trong thời gian Đinh La Thăng làm Chủ tịch. Bàn tay của Đinh La Thăng "nhúng chàm" ở tất cả mọi vụ việc, nhưng chỉ với những gì được làm rõ ở phiên tòa OJB đã thấy đủ cơ sở để còng tay "kẻ chủ mưu" này.
Ông Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt về đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa
Vai trò của PVN ở OJB không chỉ là góp 800 tỷ đồng vốn mà còn để dòng tiền có khi lên tới 25.000 tỷ chảy qua tài khoản của ngân hàng này. Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn "là người có ảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đến nguồn tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên của Tập đoàn tại OJB" là đã để lọt tội cho Thăng. "PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng OJB" là "cam kết" bằng văn bản của Đinh La Thăng với Hà Văn Thắm vào ngày 18/9/2008, ba tháng trước khi Nguyễn Xuân Sơn về OJB.
Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc OJB từ ngày 19-12-2008 khi đã chấm dứt hợp đồng lao động với PVN chứ không phải là đại diện cho PVN (đại diện vốn của PVN tại OJB lúc này là ông Nguyễn Ngọc Sự). Hai năm sau khi cam kết với Hà Văn Thắm, ngày 17/9/2010, khi thấy các "công ty con" chậm trễ mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OJB, Đinh La Thăng còn gửi văn bản tới không chỉ các công ty thuộc quyền mà còn gửi các nhà thầu dầu khí đốc thúc phải "khẩn trương phối hợp với OJB thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản và báo cáo kết quả thực thiện về Tập đoàn trước ngày 15-10-2010".
Cũng nên nhắc lại, PVN và các đơn vị thành viên còn kẹt tại OJB 11.000 tỷ từ đầu năm 2015 đến nay không thể rút hoặc sử chi dùng được. Chỉ Vietso Petro rút dc 1 phẩn trong số 70 triệu USD mắc kẹt khi OJB bị mua 0 đồng (nhờ sức ép từ Nga). Đó cũng là "hậu quả nghiêm trọng" mà Đinh La Thăng phải chịu.
Về hành vi "cố ý làm trái" góp thêm 100 tỷ đồng, đưa tỷ lệ vốn góp của PVN tại OJB lên 20%, người chủ mưu và chịu trách nhiệm trước pháp luật vẫn là Thăng. Tỷ lệ 20% là thỏa thuận giữa Thăng và Thắm. Tất cả những lần OJB tăng vốn, Đinh La Thăng thường trực tiếp ký, kể cả ký báo cáo, đề nghị lên Thủ tướng. Tuy nhiên, vào lần góp vốn cuối cùng, tháng 5/2011, khi Luật Các Tổ chức Tín dụng - có hiệu lực từ 1/1/2011 - đã khống chế tỷ lệ vốn một tổ chức được nắm giữ trong một tổ chức tín dụng không quá 15%, thì Thăng mới chơi trò "ném đá giấu tay".
Ngày 10/5/2011, khi nhận được công văn của Hà Văn Thắm đề nghị PVN tăng vốn, Đinh La Thăng bèn ký quyết định ủy quyền điều hành Hội đồng thành viên PVN cho ông Hoàng Xuân Hùng (từ 10 đến ngày 13/5/2011), cho ông Nguyễn Xuân Thắng (từ 16 đến ngày 18/5/2011). Trên thực tế, Thăng chỉ "vắng mặt kỹ thuật" hơn một ngày và trong cùng ngày đó, 16/5/2011, ba quyết định được đưa ra : Phó tổng giám đốc Tập đoàn ký đề nghị ; Ủy viên Nguyễn Xuân Thắng ký nghị quyết của Hội đồng thành viên chấp thuận ; Nguyễn Xuân Sơn ký chuyển 100 tỷ đồng.
Trong thời gian nắm quyền ở PVN không có một xu nào được quyết định mà không có ý kiến của Đinh La Thăng. Văn bản của ông Nguyễn Xuân Thắng ký cũng ghi rõ là "thừa ủy quyền của Chủ tịch". Từ ngày 18/5/2011, khi quay lại nắm quyền "trên văn bản" (trên thực tế là không bỏ sót ngày nào) Đinh La Thăng đã không hề có một văn bản nào bác bỏ hành vi cố ý làm trái được thừa hành bởi thuộc cấp.
Một phần lớn khoản tiền 246 tỷ "chăm sóc khách hàng" mà Nguyễn Xuân Sơn khai đưa về cho Ninh Văn Quỳnh là ở trong thời gian Đinh La Thăng đang làm Chủ tịch. Ninh Văn Quỳnh đã từng chối bay chối biến lời khai của Sơn. Chỉ một ngày sau khi bị bắt, Quỳnh mới thừa nhận mình có "tiêu" 20 tỷ đồng trong phần Sơn đưa đó. Hy vọng là cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc trước đây có bị cáo đã "rút lại" những lời khai liên quan tới Đinh La Thăng. Một khi những người có liên quan nghĩ Thăng sẽ thoát họ sẽ chưa dám khai ra con người gian hùng này.
Lẽ ra, phiên tòa xử vụ OJB phải được tạm dừng để chờ kết quả điều tra bổ sung sau khi khởi tố các bị can ở Bình Sơn và sau khi Quỳnh khai nhận khoản tiền 20 tỷ đồng. Tuyên án Nguyễn Xuân Sơn tử hình khi chưa làm rõ đích đến của 246 tỷ đồng này, khi chưa xác định ai mới là "bị cáo đầu vụ", là chưa thuyết phục. Khởi tố, bắt giam Đinh La Thăng, vì thế, không chỉ làm cho tiến trình điều tra vụ án OJB cũng như các vụ án khác ở PVN diễn ra nhanh và thuận lợi hơn mà còn làm cho dân chúng cảm thấy : "chống tham nhũng" là một nỗ lực nghiêm túc ; pháp luật không chỉ nghiêm với những người thấp cổ bé miệng ; công lý không phải là thứ có thể đem ra nhạo báng.