Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/06/2019

Trả biển lại cho dân !

An Viên

"Trả biển lại cho dân" chính là trả lại quyền của nhân dân, và đây là yêu cầu, mệnh lệnh mang tính chính trị đối với mỗi địa phương ven biển.

bien1

Di dời 3 khách sạn lớn ở vịnh Quy Nhơn. Ảnh : internet

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có một quyết định hợp lòng dân, khi quyết định di dời ba khách sạn lớn, trả lại toàn bộ dải bờ biển vịnh Quy Nhơn cho cộng đồng.

Quyết định này nhận được sự hưởng ứng từ nhiều phía, và quan điểm "khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng" của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt.

"Ủng hộ chủ trương tỉnh : quá tuyệt ; ghi nhận tầm nhìn và sự quyết tâm của tỉnh" đã trở thành những ngôn từ biểu thị của người dân dành cho chính bản thân ông Dũng cũng như dàn tập thể lãnh đạo tỉnh Bình Định. Và họ xứng đáng được như vậy.

"Trả lại biển cho dân"

Muốn hiểu quyết định của lãnh đạo tỉnh Bình Định quan trọng và hợp lòng dân như thế này, thì có thể tìm đến quê hương Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam) và quê hương của ông cựu Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng). Dọc tuyến kéo dài từ thành phố Hội An ra đến hết khu vực đường biển Võ Nguyên Giáp là những village, resort, sân golf, khu chung cư và biệt thự cao cấp. Thỉnh thoảng, xuất hiện những con đường nhỏ dành cho người dân ra biển, hoặc những khu vực biển phục vụ cho việc tắm, nhưng hầu hết khu vực tắm này là quá nhỏ so với các công trình - hạ tầng phục vụ du lịch nêu trên. Nói cách khác, biển của khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã từ biển cộng đồng trước đó trở thành biển của các nhà đầu tư, dưới lớp áo "đổi đất lấy cơ sở hạ tầng".

bien2

Biển tại Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục trở thành một khu vực biển tư

Đà Nẵng, đã từng có một thời điểm mà chính quyền phải xử lý các "di sản đổi đất" của thế hệ lãnh đạo trước, bằng cách quyết liệt mở lối trả biển cho dân, tuy nhiên, việc giải tỏa các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp chậm chạp hơn rất nhiều việc cấp phép đầu tư - xây dựng các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn và sân golf. 

Biển tại Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục trở thành một khu vực biển tư, và hai địa phương này cũng xem như là một trong nhiều địa phương khác trên cả nước (Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,...) có tỷ lệ biển bị "xâm thực" lớn, và tiếp tục mở rộng.

Trong quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2015 (Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển), trong đó "việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng" đã thành một chỉ dạo hình thức, bởi số lượng dự án ven biển được cấp phép vẫn đang gia tăng lên từng ngày. Chỉ tính riêng khu vực Điện Dương tỉnh Quảng Nam, thì các dự án bất động sản nghỉ dưỡng mọc lên và được đánh giá là "sôi động", phát sinh những dự án chưa có trong luật đầu tư bất động sản, như condotel. Một loạt dự án lớn như VinaCapital, Vinpearl Nam Hội An,... đã khiến cho bờ biển tiếp tục quây kín bởi các tòa nhà và công trình phục vụ du lịch.

Khi người dân không còn không gian biển cộng đồng, thì đúng như quan điểm của Kiến trúc sư Huỳnh Tòa, người trong một bài đăng trên báo Thanh Niên đã nhấn mạnh, đó là "thất bại lớn của các địa phương có biển". Nói đúng hơn, người dân đã và đang tiếp tục bị tước đoạt "quyền tiếp cận biển" theo Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

"Trả lại biển cho dân", trả lại quyền tiếp cận vùng biển của người dân, trả lại không gian cộng đồng cho người dân chính là nhu cầu bức thiết, đòi hỏi sự siết chặt quản lý trong quy hoạch đất đai ven biển, cũng như tránh như hệ lụy về sau này liên quan đến môi trường - đất đai ven biển.

Năm 2018, báo chí trong nước đưa tinh bờ biển Mỹ Khê (bờ biển được báo chí Mỹ đánh giá là đẹp nhất thế giới) đã bị xâm thực nghiêm trọng, hàng km bờ biển bị sóng đánh sạt lở.

Năm 2019, báo chí trong nước đưa tin, bờ biển Cửa Đại Hội An tiếp tục bị xâm thực nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm biển do hoạt động dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng từ các công trình tiếp tục làm nóng quyền lợi cộng đồng, và gây bức xúc cho chính bản thân mỗi người dân ở các tỉnh thành có biển. 

N.L, người dân sống tại Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết : Họ (giới lãnh đạo) thực sự không hiểu người dân đang cần gì, họ biến bờ biển để tạo cơ hội làm giàu cho một nhóm nhà đầu tư, nhưng họ đang gây hại cho môi trường và làm xói mòn danh hiệu thành phố biển. 

Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa,... đã và đang trả giá cho các quyết định đầu tư thiếu tầm nhìn. Và chính vì vậy, quyết định của lãnh đạo tỉnh Bình Định là một quyết định quan trọng, có tầm nhìn. Bởi từ quyết định này, có thể tạo cơ hội cho các địa phương khác nhìn lại mình, trước khi các tỉnh thành này biến bãi biển trở thành bãi rác thải, một các bờ biển đẹp bị xé nát bởi quy hoạch ngắn hạn, gây thiệt hại đến chính ngành du lịch không khói trong thời gian dài.

"Trả biển lại cho dân" chính là trả lại quyền của nhân dân, và đây là yêu cầu, mệnh lệnh mang tính chính trị đối với mỗi địa phương ven biển.

An Viên

Nguồn : VNTB, 11/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 758 times

2 comments

  • Comment Link Phi Loan jeudi, 13 juin 2019 13:53 posted by Phi Loan

    Chưa có thời kỳ nào chính quyền quản lý đất nước kỳ lạ như hiện tại. Tất cả bải biển bị chiếm dụng, Công viên bị chiếm dụng, không thể tưởng tượng sân bay lại bị chiếm làm sân golf. Ao hồ, sông suối bị lấp nước mưa không lối thoát làm cả thành phố bị chìm trong biển nước chỉ sau một cơn mưa.. Tệ nhất là Nam Saigon là nơi vùng trủng để thoát nước cho Saigon lại biến thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
    Sau khi chiếm hết đất công bất chấp công năng của nó người ta bắt đầu dòm ngó đất nhà ở của dân, xua đuổi họ đi bằng hai từ quy hoạch.
    Quản lý đất nước mà không tổ chức cho xã hội có nề nếp, có trật tự, có luật pháp nghiêm minh, Quản lý đất nước mà không mang lại hạnh phúc cho người dân, tiếng oán hờn vang thấu trời xanh. quản lý mà cứ có miếng nào béo bổ thì chia chác cho nhau, tự biến mình thành kẻ ăn hại đái nát bị toàn dân nguyền rủa.

  • Comment Link Phan Thanh mercredi, 12 juin 2019 06:22 posted by Phan Thanh

    Dốc Lết là một bãi biển đẹp, là tài sản của toàn dân nhưng toàn bộ bãi biển Dốc Lết đã biến thành khu resort của tư nhân. Người dân rất cần một công viên biển, rất cần một con đường ven biển để đi dạo , ngắm biển nhưng họ đã bị tước đoạt . Thậm chí có một lối đi chật hẹp xuống biển cũng lấy một nửa giao làm bến xe buýt , nhà hàng Quyết Thắng. Người dân chỉ còn một lối đi nhỏ để xuống biển như đi tắm ké biển của resort White Sand, Dốc Lết Resort và Quyết Thắng. Khi trải một tấm bạt lên b4i biển để ngồi liền có người tới xua đuổi, hung dữ như đầu gấu.
    Chổ bãi biển chút xíu đó người ta còn dựng lều bán hải sản luộm thuộm, dơ bẩn, tanh hôi không thể tưởng, đi trên cát vỏ cua vỏ ghẹ cắt chân chảy máu. Không hiểu chính quyền xã Ninh Diêm quản lý biển Dốc Lết theo kiểu gì??? Bài viết này rất hay nói lên một việc rõ như ban ngày là kẻ có tiền, cấu kết với kẻ có quyền xâm chiếm đất đai, biển hồ, tước đoạt sở hữu chung của toàn dân.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)