Xuất hiện trong chương trình truyền hình ‘Chào nước Anh’ hôm 5/6 khi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này, người đứng đầu nước Mỹ đã nói về chiến tranh Việt Nam như sau : "Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại" ; và rằng "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia"…
Ông Trump tại cuộc họp báo với thủ tướng Anh, Theresa May, 4 tháng Sáu, 2019.
Phát ngôn này của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh Việt Nam gây ra những phản ứng khác nhau trong công luận, có người thông cảm, nhưng cũng có người phản đối. Sự bất đồng này mang tính chủ quan theo vị trí, cách nhìn và đánh giá của mỗi cá nhân khi bày tỏ.
Bài viết này, muốn trả lời khách quan hơn cho hai nhận định chủ quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, rằng :
Chiến tranh Việt Nam có là "một cuộc chiến tệ hại như nhận định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không ?
Qua nhận định của Tổng thống Trump, rằng "Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại" dường như ông muốn nói đến sự tệ hại vì "nhiều người đã chết" trong cuộc chiến này. Nhưng có lẽ ông Trump chỉ nghĩ đến sự tệ hại đối với nước Mỹ, với cái chết của 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ tham chiến và hàng chục ngàn người Mỹ bị thương cách này cách khác ; mà không quan tâm, có thể đã không biết đến sự tệ hại hơn nhiều về phía các bên Việt Nam, với cái chết của hàng triệu quân và dân người Việt Nam hy sinh ở cả hai chiến tuyến đối nghịch Miền Bắc (cộng sản Bắc Việt) Miền Nam (quốc gia Nam Việt).
Có lẽ, sự tệ hại còn là vì Hoa Kỳ đã bỏ ra hàng tỷ dollar tài trợ cho một cuộc chiến ở "một đất nước rất xa xôi và vào lúc đó không có ai từng nghe đến đất nước đó cả…" như ông Trump nói, để cuối cùng phải rút chân ra khỏi cuộc chiến mà nhiều người Mỹ như ông vẫn không hiểu "điều gì đang xảy ra ở đó vậy ?". Dường như ông không quan tâm để biết rằng, một điều tệ hại hơn nữa "đã xẩy ra ở đó" là Hoa Kỳ đã thực hiện "chính sách Việt Nam hóa chiến tranh" sau bốn năm "Mỹ hóa chiến tranh" (1965-1969) bằng cách đưa quân tham chiến trực tiếp, nói là để giúp chính phủ và nhân dân Việt Nam nhanh chóng đánh bại cuộc xâm lăng của phe cộng sản Bắc Việt, bảo vệ chế độ dân chủ và Miền Nam Việt Nam tự do không bị cộng sản hóa. Thế nhưng mục tiêu này đã không thành đạt, dù Hoa Kỳ đã huy động cao độ mọi khí tài, phương tiện chiến tranh hiện đại, rốt cuộc không đem lại chiến thắng, ngoài lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn tư bản quân sự quốc phòng Hoa Kỳ và đồng minh. Nay lại tìm cách rút chân ra khỏi cuộc chiến bằng chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh", trao lại gánh nặng chiến đấu cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa (mà Việt cộng gọi là "thay màu da trên xác chết"), với những cam kết không có bảo chứng. Hậu quả tệ hại là chỉ ít năm sau phe cộng sản Bắc Việt đã dùng bạo lực cưỡng chiếm được Miền Nam, vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày 27/01/1973, trước sự phủi tay của Hoa Kỳ và làm ngơ của những cam kết quốc tế.
Thực tế là như thế. Vậy mà Tổng thống đương nhiệm Hòa Kỳ đã không biết "điều gì đang xảy ra ở đó vậy ?". Sự thể này cho thấy tình trạng Tổng thống Trump cũng như nhiều người Mỹ lúc đó và cho đến bây giờ vẫn không hiểu biết gì về sự tham dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam (1954-1975) dù đã kết thúc hơn 44 năm rồi (1975-2019), nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam đã được giải mật.
Phải chăng vì vậy mà Tổng thống Trump đã cho rằng "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta (người Mỹ) nên tham gia" ? Ông nói thế và cho biết mặc dù lúc đó ông không xuống đường phản chiến như nhiều người, nhưng ông không hề ủng hộ cuộc chiến Việt Nam. Nhưng cũng có người cho rằng Tổng thống Trump nói ra điều này còn là một phản ứng mặc cảm tâm lý, vì muốn biện minh cho việc trốn tránh nhập ngũ qua chiến đấu tại Việt Nam thời tuổi trẻ, kể cả bằng cách gian lận để được cấp giấy chứng nhận ‘bị gai xương gót chân’. Các đối thủ của ông đã chỉ trích việc ông trốn lính là ‘gian trá’ và giấy tờ ông đưa ra là ‘giả tạo’. Hồi tháng Hai năm nay, ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, đã khai trước Quốc hội rằng ông Trump ‘đã dựng lên chuyện thương tật đó’ để trốn quân dịch.
Vậy thì Tổng thống Hoa Kỳ nói "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia…" có đúng không ?
Theo nhận định của chúng tôi, vấn đề không phải là nên hay không nên mà do tình thế buộc Hoa Kỳ phải tham gia vào cuộc chiến Việt Nam. Vấn đề chỉ là Hoa Kỳ tham gia đến mức độ nào để đỡ tệ hại nhất mà vẫn thành đạt được mục đích tham chiến tối hậu của mình.
Bởi vì, sau khi Thế Chiến II kết thúc (1939-1945) đã hình thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Liên Xô đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, phất cao ngọn cờ"Cách mạng vô sản" để giải phóng giai cấp, chống các đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc bị áp bức, để xây dựng một "xã hội không còn cảnh người áp bức bóc lột người…". Hoa Kỳ lãnh đạo phe tư bản chủ nghĩa (còn gọi là Thế giới tự do) thì phất cao ngọn cờ "Đọc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa tự do" để lôi kéo các nước nghèo yếu đi vào quỹ đạo của mình.
Liên Xô đã thông qua các đảng cộng sản bản xứ làm lính xung kích, phát động và tiến hành các cuộc chiến tranh dưới ngọn cờ"giải phóng dân tộc" (ngụy dân tộc, vì chủ nghĩa quốc tế cộng sản không có hấp lực mà xa lạ và còn là hiểm họa gây kinh hoàng đối với người dân ở các nước) để cộng sản hóa các nước, mở mang bờ cõi cho phe xã hội chủ nghĩa. Trong tình thế này và với vai trò cường quốc lãnh đạo phe các nước tư bản chủ nghia, Hoa Kỳ buộc lòng phải tìm cách giúp các nước đang có hiểm họa bị cộng sản hóa, trong đó có Việt Nam cũng rất cần sự tham chiến của Hoa Kỳ.
Hiểm họa cộng sản hóa Việt Nam khởi sự từ năm 1930, sau khi đảng cộng sản Việt Nam được ông Hồ Chí Minh nhận lệnh từ Đệ tam quốc tế cộng sản đứng ra thành lập. Cuộc nội chiến ý thức hệ giữa những người Việt Nam mang ý thức hệ quốc gia (gọi tắt Việt Quốc) và những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (gọi tắt Việt Cộng) khởi phát từ đây. Theo thời gian cuộc nội chiến này ngày một gia tăng mức độ, cường độ, phạm vi, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975). Cuộc chiến tranh này là một giai đoạn của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam (hai giai đoạn kia là "Tiền chiến tranh Quốc-Cộng" (1930-1954) và hậu chiến tranh Quốc-Cộng"(1975-nay vẫn chưa kết thúc). Vì vậy cuộc chiến tranh Việt Nam mang ý nghĩa song đôi, nội chiến giữa người Việt Nam vốn mang ý thức hệ quốc gia (nationalism) đối kháng với ý thức cộng sản (communism). Nhưng vì cuộc chiến này lồng trong khung cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nên cả hai gọi chung là cuộc chiến Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam mang hai ý nghĩa song đôi này khởi sự từ năm 1954, sau khi thực dân Pháp thất thủ trận Điện Biên Phủ, đã phải ký Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam. Hệ quả là Pháp đã mất một nửa thuộc địa Miền Bắc Việt Nam cho phe cộng sản miền Bắc, với Đảng cộng sản Việt Nam thiết lập chế độ độc tài toàn trị cộng sản dưới bảng hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (ngụy dân chủ ngụy cộng hòa từ trong kháng chiến chống Pháp để giấu mặt cộng sản). Thực chất cũng như thực tế đảng và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt đã là công cụ tri tình cho Cộng sản quốc tế làm tên lính xung kích, chủ động phát động và tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam, cộng sản hóa cả nước, mở mang bờ cõi cho phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là hai tân đế quốc cộng sản Nga-Tàu.
Thế nhưng, để tạo chính nghĩa lôi kéo được quần chúng tham gia cuộc chiến này, phe cộng sản Bắc Việt đã ngụy trang cuộc chiến dưới ngọn cờ"Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước" để khơi động lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của người Việt Nam. Vì vậy, khi khởi sự phát động chiến tranh vào tháng 12/1960, phe cộng sản Bắc Việt đã thành lập một công cụ quân sự ngụy dân tộc là "Mặt trân dân tộc giải phóng Miền Nam" và sau đó thành lập "Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam" (1967). Cuộc chiến tranh này đã được Liên Xô, Trung cộng và các nước xã hội chủ nghĩa tài trợ tối đa tài lực, nhân lực, vũ khí đạn dược và mọi phương tiên chiến tranh hiện đại để xâm chiếm cho kỳ được Miền Nam Việt Nam.
Trong khi đó, còn nửa nước Miền Nam, sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải trao trả độc lập hoàn toàn, sau khi đã trao trả độc lập từng phần cho chính quyền chính thống quốc gia của vua Bảo Đại từ 1948, qua các Thủ tướng chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Bửu Lộc, Nguyễn Văn Tâm và sau cùng là Thủ tướng chính phủ quốc gia Ngô Đình Diệm. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 đã truất phế vua Bảo Đại, cáo chung chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm lịch sử, chuyển đổi qua chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa và Thủ tướng Ngô Đình Diệp được coi là vị Tổng thống đầu tiên của Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa trên nền tảng Hiến pháp ban hành ngày 26/10/1956. Hệ quả tất nhiên là chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa phải thực hiện một cuộc chiến tranh tự vệ, trước mắt là để chặn đứng cuộc chiến tranh xâm lăng của phe cộng sản Bắc Việt để bảo vệ độc lập, chủ quyền trên một nửa đất nước còn lại như di sản của tiền nhân ; để sau đó về lâu dài tìm cách thống nhất giang sơn về một mối. Thống nhất một cách hòa bình bằng sự ưu thắng của chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa và giầu mạnh của Miền Nam, đối với chế độ độc tài toàn trị cộng sản nghèo yếu, lạc hậu đang tạm chiếm Miền Bắc Việt Nam (như thực tế nước Đức thống nhất sau Chiến tranh Lạnh, với ưu thế chế độ Tây Đức dân chủ trên chế độ Đông Đức độc tài cộng sản…).
Tất nhiên để thực hiện được mục tiêu gần xa này, trong gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa rất cần và phải được sự trợ giúp toàn diện từ ngoại viện, không chỉ từ cường quốc Hoa Kỳ mà của tất cả các quốc gia đồng minh khác trong phe thế giới tự do. Điều này cũng là hiển nhiên, để đối xứng với sự chi viện tối đa mọi mặt của Liên Xô, Trung cộng và các nước xã hội chủ nghĩa cho công cụ xâm lăng của cộng sản quốc tế là phe cộng sản Bắc Việt.
Tuy nhiên, vấn đề chỉ là Hoa Kỳ tham chiến đến mức độ nào để dỡ tệ hại nhất mà thành đạt được mục đích tối hậu của mình. Theo nhận định của chúng tôi, thì ngay từ khi phe cộng sản Bắc Việt phát động cuộc chiến, Hoa Kỳ chỉ nên tham gia đúng với vai trò một nước đồng minh, có mức độ theo yêu cầu của chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ; tôn trọng, độc lập chủ quyền của một quốc gia độc lập, không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam Cộng Hòa ; coi vai trò chống cộng chủ yếu, chủ động là của Việt Nam Cộng Hòa và chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa người Việt quốc gia và người Việt cộng sản để giải quyết mâu thuẫn ý thức hệ đối kháng ; Hoa Kỳ chỉ đóng vai phụ trợ giúp, tuyệt đối không đưa quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Vì điều này sẽ (và đã) là "Mỹ hóa chiến tranh", làm mất chính nghĩa quốc gia "độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa tự do" của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, giúp đối phương phe cộng sản Bắc Việt ngụy dân tộc tạo được chính nghĩa "chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng, Miền Nam, thống nhất đất nước"… như thực tế đã xẩy ra.
Đến đây, có thể tạm kết luận là Hoa Kỳ cần phải tham gia vào cuộc chiến Việt Nam do vai trò lãnh đạo phe Thế giới tự do tư bản chủ nghĩa, để trợ giúp chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa xâm lăng của phe xã hội chủ nghĩa đứng đấu là Nga-Tàu, trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế chiến II. Tuyệt nhiên không phải như Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump nói, rằng "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia".
Còn chiến tranh Việt Nam vẫn luôn là tệ hại (vì chiến tranh nào cũng là điều tệ hại) chẳng ai mong muốn xẩy ra. Vì đó cũng là điều mà nhân dân Việt Nam trên cả hai miền Bắc-Nam đều không bao giờ muốn có cuộc chiến tranh "cốt nhục tương tàn" này. Tất cả chỉ là nạn nhân của lịch sử và trách nhiệm lịch sử thuộc về những kẻ cầm quyền trên hai miền Bắc Nam trong cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt 44 năm qua (1975-2019)
Houston, ngày 14/06/2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 22/06/2019