Tờ Thanh Niên vừa nhỏ thêm một… giọt sầu vào bể sầu : Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, cựu sinh viên từng theo học chương trình "Kỹ sư tài năng" thuộc Khoa Kỹ thuật xây dựng của Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, từng là một trong sáu người được Intel – một tập đoàn công nghệ của Mỹ - chọn trao học bổng, trị giá 65.000 Mỹ kim để theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Đại học Arizona, đang vừa làm việc cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh, vừa chạy xe ôm nhưng không đủ… sống (1).
Phạm Quốc Thái đang chạy Grab. (Hình : Trích xuất từ trang web báo Thanh Niên)
Trước đây, sau khi tốt nghiệp đại học, Thái từng được một doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam tuyển dụng, lương 12 triệu đồng/tháng. Vì muốn tiến xa hơn, Thái nộp hồ sơ xin học bổng và được cả chính phủ Ý lẫn Intel cùng chọn để trao học bổng. Thái bỏ học bổng do chính phủ Ý cấp để đi theo chương trình mà Intel vạch ra : Hỗ trợ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện "Chương trình Đô thị thông minh" bằng cách chọn trao sáu học bổng – đài thọ cho sáu người mà Intel tin là sau khi hoàn tất chương trình tu nghiệp, cả sáu sẽ giúp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thành công "Chương trình Đô thị thông minh".
Tốt nghiệp, Thái quay về Việt Nam, trình diện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công về Ban quản lý An toàn thực phẩm. Nơi này giao cho Thái "nhập liệu". "Nhập liệu" – tên gọi loại việc vốn xa lạ với nhiều người – chỉ là chuyển dữ liệu từ giấy tờ vào máy tính, còn nói theo kiểu bình dân, "nhập liệu" là… đánh máy vi tính. Thái đã làm công việc "nhập liệu" hơn nửa năm. Thu nhập một tháng tròm trèm… 2,8 triệu đồng, thua cả phụ hồ ! Bởi không thể bỏ việc vì đã cam kết sẽ phục vụ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ít nhất ba năm, để không chết đói, không thành vô gia cư vì không trả được tiền thuê nhà, buổi tối, Thái chạy… xe ôm.
Vào lúc này, công việc duy nhất mà Thái làm, có liên quan đến chuyên môn mà nhờ vậy, được thiên hạ tuyển chọn, cấp học bổng là tham dự một chương trình do một tổ chức ngoại quốc tài trợ, cứ vào cuối tuần, Thái theo xe buýt đến Tây Ninh, truyền bá kiến thức khoa học cho dân chúng vùng sâu, vùng xa ! Thái không phải là trường hợp cá biệt. Cậu chỉ là một ví dụ. Trong kế hoạch trợ giúp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện "Chương trình Đô thị thông minh", Intel đã chi khoảng 400.000 Mỹ kim để đào tạo sáu thạc sĩ các chuyên ngành : Công nghệ thông tin, Vật liệu xây dựng, Giao thông Vận tải, Môi trường,… Khi quay về, chỉ có 2/6 may mắn được sắp đặt vào những vị trí đúng chuyên môn !
***
Tờ Thanh Niên xem trường hợp của Phạm Quốc Thái là một bằng chứng về chuyện lãng phí nhân tài. Với kẻ viết bài này, nhìn như thế chưa đúng bản chất của vấn đề.
Trong mười năm vừa qua, tình trạng cử nhân, thạc sĩ tại Việt Nam thất nghiệp, phải làm những công việc trái với chuyên môn càng ngày càng trầm trọng. Một số "chuyên gia" và hệ thống truyền thông Việt Nam giải thích, tình trạng có học vấn cao nhưng thất nghiệp là do… cha mẹ đương sự và chính đương sự… lệch lạc về mặt nhận thức, sính bằng cấp, chỉ thích làm "thầy" chứ không không muốn làm "thợ" và do… hệ thống, chương trình đào tạo lạc hậu, không bắt kịp chuyển động của thị trường lao động (2). Thậm chí một số "chuyên gia" và cơ quan truyền thông còn lên án những cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao đang thất nghiệp là thiếu cố gắng tự đào tạo, tự thích nghi…
Với kẻ viết bài này, lối giải thích và lập luận theo hướng đã kể là một kiểu ngụy biện thiển cận và tàn nhẫn để che đậy lõi của vấn nạn.
Thời nào và ở đâu, người ta cũng tin học vấn và cố gắng vươn lên không ngưng nghỉ là con đường tốt nhất giúp cá nhân thành đạt. Ở Việt Nam cũng thế, nếu có khác thì khác biệt chỉ nằm ở chỗ cả phụ huynh lẫn học sinh phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt hơn để con cái có thể đi xa hơn, vững vàng hơn trên con đường mở mang học vấn. Nhiều triệu người Việt thuộc nhiều thế hệ đã đi hết con đường mở mang học vấn trải bằng mồ hôi, nước mắt, sức lực của cha mẹ ít nhất cũng hai thập niên. Cha mẹ càng nghèo, con đường mở mang học vấn của con cái càng đẫm mồ hôi, nước mắt.
Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sức lực đã trở thành vô dụng khi hàng trăm ngàn cá nhân có học vấn cao thất nghiệp ? Chẳng có ai thèm thống kê nhưng con số đó chắc chắn rất lớn. Khi nỗ lực học hành, vươn lên bằng học vấn không còn là lối để thay đổi số phận, để lập thân, chẳng phải chỉ có hàng trăm ngàn cá nhân đã và đang thất nghiệp bế tắc mà còn có thêm nhiều trăm ngàn phụ huynh tuyệt vọng vì đã vắt kiệt mồ hôi, nỗ lực hết mức nhưng vẫn không thể thấy gì khác hơn sự vô vọng về tương lai con cái. Tại sao càng ngày càng nhiều cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái với chuyên môn, với mơ ước ?
Thất nghiệp là hệ quả có tính tất nhiên của suy thoái, sản xuất - kinh doanh lụn bại. Suy thoái là con đẻ của chính sách, phương thức điều hành – quản lý kinh tế, xã hội tồi tệ, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Làm sao Việt Nam có thể thoát khỏi suy thoái khi việc lựa chọn viên chức cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp phụ thuộc vào "quy hoạch", "qui trình" mà xét về bản chất chỉ nhằm hỗ trợ cha con, dâu rể, vợ chồng, anh em, thân bằng quyến thuộc, huynh đệ cùng băng nhóm tiếp tục nắm giữ quyền lực ? Tại sao Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dành rất nhiều thời gian để sắp đặt công việc cho ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 (3) nhưng lại không bận tâm đến những trường hợp như Phạm Quốc Thái dù cả hai cùng là đảng viên, sự khác biệt nếu có, chỉ nằm ở chỗ Thái học rất giỏi nên được vận động vào đảng ?
Tại sao chính quyền thành phố Cần Thơ lại dụng công sắp đặt, thuyết phục ông Nguyễn Thành Nhơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang chuyển công tác về Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang để giới thiệu bầu làm Phó Chủ tịch hội này dù ông Nhơn không ưng và rõ ràng là cả kiến thức và kỹ năng của ông Nhơn không phù hợp với công việc mà chính quyền thành phố Cần Thơ muốn dành cho ông (4) ? Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tham gia tính toán, sắp đặt nhân sự theo kiểu bất cận nhân tình cho cả những cá nhân như ông Nhơn, những tổ chức vốn đề cao yếu tố thiện nguyện, nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ thì xứ sở này còn chỗ nào cho những người thật sự tâm huyết và có khả năng ?
Toàn đảng đang hối hả quy hoạch nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam cho nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hồi thượng tuần tháng này, kẻ viết bài này từng đề nghị, muốn biết việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo từ địa phương đến trung ương có chặt chẽ, khách quan trong việc lựa chọn cán bộ, có nâng được chất lượng nhân sự lên cao hơn, có sàng lọc, loại bỏ được những người bất xứng, có thể xem như bằng chứng về sự thận trọng, bài bản hay không thì cứ ngắm nghía, ngẫm nghĩ kỹ về hai scandal Đoàn Ngọc Hải và Nguyễn Thành Nhơn. Giờ xin đề nghị thêm : Hãy tham khảo trường hợp Phạm Quốc Thái !
Khi hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn chỉ "cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó", xem "qui hoạch", "qui trình" tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức như một thứ quyền "mặc định" của đảng, bất kể thế nào cũng "đời đời ơn đảng" thì chắc chắn các bi kịch sẽ còn hoài và trầm trọng hơn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/06/2019
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/lang-phi-nguoi-tai-du-hoc-thac-si-ve-lam-nhap-lieu-1095840.html
(2) http://petrotimes.vn/cu-nhan-that-nghiep-ngay-cang-nhieu-494120.html