Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2019

Thương mại Mỹ - Trung : bên tám lượng người gần nửa cân

Nhiều tác giả

Trump ào ạt ra đòn, Tập lì lợm đáp trả

Thanh Hà, RFI, 27/06/2019

Một lần nữa thương mại lại là trong tâm thượng đỉnh của nhóm G20 bao gồm 20 nền kinh tế có trọng lượng nhất của thế giới. Từ thượng đỉnh Buenos Aires hồi tháng 12/2018 đến Osaka lần này, chưa thấy có dấu hiệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sớm kết thúc.

mytrung1

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng thêm một nấc. Reuters/Damir Sagolj

Sáu tháng trước, tại thủ đô Argentina, tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình sau một bữa tiệc tối, đã đặt bút ký "thỏa thuận ngưng bắn" có hiệu lực 90 ngày trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng lên trở lại vào mùa xuân năm 2019.

Trong hai ngày nữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp lại nhau bên lề thượng đỉnh G20 Nhật Bản để "giải quyết nốt" những khúc mắc còn đọng lại sau hơn 12 vòng đàm phán về mậu dịch.

Trước khi lên đường đến Osaka, chủ nhân Nhà Trắng tin tưởng buổi làm việc được dự trù mở ra vào sáng Thứ Bảy 28/06/2019 sẽ đem lại kết quả tích cực. Bởi vì, theo ông Trump, "kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ, Bắc Kinh cần đạt được thỏa thuận" với Mỹ và ông tin rằng đó sẽ là một "thỏa thuận tốt".

Cao hứng khi trả lời Fox News, kênh truyền hình Donald Trump ưa thích nhất, tổng thống Hoa Kỳ dọa luôn đối thủ : nếu không san bằng được những bất đồng lần này, Washington sẽ "đánh thuế tiếp" và đó sẽ là những "khoản thuế khá nặng" đánh vào 300 tỷ đô la hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.

Giới phân tích dù đã bắt đầu làm quen với cung cách đàm phán và chiến thuật hù dọa của nguyên thủ Mỹ nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên khi Donald Trump khẳng định rằng kinh tế Trung Quốc đang "sụp đổ". Điều này không hoàn toàn phản ánh sự thực như thống kê của cả phía Trung Quốc lẫn của các cơ quan nghiên cứu quốc tế cùng cho thấy.

Nhìn lại cuộc đọ sức được khơi mào từ tháng 3/2018 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, căng thẳng thương mại không hề thuyên giảm. Ban đầu, Washington đánh thuế nhôm và thép của Trung Quốc, rồi áp thuế 10 %, 25 % nhắm vào 50 tỷ đô la, 100 tỷ đô la, rồi 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên cũng đã có những biện pháp trả đũa. Song song với những đòn đánh qua đánh lại này, đôi bên đã mở ra tổng cộng là 12 vòng đàm phán. Gần đây nhất là vào đầu tháng 5/2019.

Với báo chí, cả Mỹ lẫn Trung Quốc cùng lạc quan cho rằng một thỏa thuận đang trong "tầm tay". Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, Steve Mnuchin thậm chí còn tuyên bố đôi bên đã "đi được 90 % đoạn đường" trước khi đạt đến đích. Nhưng rồi vào giờ chót, Nhà Trắng tố cáo Bắc Kinh "bội ước" : Xóa bỏ các cam kết sẽ thay đổi luật pháp chấm dứt nạn đánh cắp bằng sáng chế và công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ, chấm dứt cạnh tranh không lành mạnh, đối xử bất bình đẳng với các công ty nước ngoài vào Trung Quốc hoạt động.

Cũng từ sau cáo buộc Trung Quốc nuốt lời hứa này, Washington tăng mức áp thuế đang từ 10 lên thành 25 % nhắm vào 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhà Trắng để ngỏ khả năng sẽ áp thuế lên thêm 300 tỷ đô la hàng hóa – tức là hầu như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Đáng chú ý hơn nữa là từ hơn một tháng qua, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã trở thành một cuộc chiến về công nghệ. Chính quyền Washington cấm Hoa Vi tiếp cận với công nghệ của Mỹ, cấm tập đoàn viễn thông này tham gia vào dự án kết nối mạng 5G tại Hoa Kỳ, cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng và cung cấp trang thiết bị cho tập đoàn do một cựu quân nhân trong quân đội Trung Quốc này lập ra. Nhưng Hoa Vi không là trường hợp riêng lẻ. Hoa Kỳ đã đưa thêm nhiều tập đoàn Trung Quốc khác vào danh sách đen. Chính quyền Trump cũng đã liên tục vận động các đồng minh để thuyết phục các nước này tẩy chay công nghệ Trung Quốc.

Bắc Kinh không khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc dọa "phản ứng một cách tương xứng". Trong những tuần lễ gần đây các phương tiện truyền thông nước này nêu lên một số những công cụ mà chính quyền của ông Tập Cận Bình đang có trong tay để phản công. Đó có thể là đất hiếm, là viễn cảnh Bắc Kinh bán bớt một khối lượng khá lớn công trái phiếu của Hoa Kỳ đang có trong tay.

Có điều giới phân tích nhận thấy rằng, cả phía Mỹ lẫn Trung Quốc cùng cứng giọng với nhau. Đối với Trung Quốc đây có thể là dấu hiệu kinh tế nước này tuy không bị suy sụp như lời Donald Trump nhưng đang thực sự thấm đòn. Hơn thế nữa, Washington có lẽ cũng đang chĩa mũi dùi vào một điểm nhậy cảm đó là công nghệ cao của Trung Quốc mà ở thời điểm này, thì ngay cả tập đoàn được coi là thành công nhất là Hoa Vi cũng còn lệ thuộc vào các trang thiết bị của Mỹ và nhiều đối tác châu Âu. Tham vọng của Bắc Kinh làm chủ công nghệ cao và trở thành một ngọn hải đăng trong công nghệ số ở thế kỷ 21 đang bị đe dọa.

Về phía Donald Trump, thái độ cứng rắn của lãnh đạo Nhà Trắng tương đối dễ hiểu khi ông vừa chính thức lao vào cuộc vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai và cần ghi được những bàn thắng cụ thể nhằm thuyết phục cử tri.

Nhưng không chắc là chiến thuật "gây áp lực tối đa", bắt đối phương "đầu hàng vô điều kiện" luôn được tổng thống Trump khai thác giúp ông nhanh chóng giành được thắng lợi dù chỉ là những thắng lợi bề ngoài.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 27/06/2019

******************

Hai tin vui buồn cho Tập Cận Bình

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 26/06/2019

Tập Cận Bình sẽ gặp Donald Trump cuối tuần này nhân hội nghị G-20 của 20 nước kinh tế mạnh nhất. Trước khi Tập gặp Trump, có một tin vui và một tin buồn. Tin vui là công ty Huawei vẫn mua được "chip" của các hãng Mỹ dù chính phủ Trump đã có lệnh cấm từ tháng 5/2019. Tin buồn là dân tiêu thụ trong nước Tàu giảm chi tiêu. Tập sẽ nhớ đến cả hai tin vui buồn này khi nói chuyện với Trump ở Osaka.

mytrung2

Gian hàng Huawei tại triển lãm Ces Asia 2019 ở Thượng Hải hôm 11 tháng Sáu, 2019. (Hình : Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Không ai hy vọng cuộc hội kiến sẽ đưa tới kết quả ngoạn mục nào, vì mối bất đồng quá lớn. cộng sản Trung Quốc muốn Mỹ ngưng đánh thuế quan và ngưng cấm vận các món kỹ thuật cao để các công ty như Huawei vẫn sống mạnh. Thứ Bảy vừa qua, báo Nhân Dân ở Bắc Kinh còn đặt điều kiện chỉ tiếp tục nói chuyện thương mại nếu Mỹ bỏ hết không đánh thuế trên hàng nhập cảng từ nước Tàu nữa.

Ngược lại, Mỹ đòi Trung Quốc mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp nước ngoài, tôn trọng bản quyền sáng chế các món kỹ thuật tiên tiến và ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước để cạnh tranh bất cân xứng với các xí nghiệp Mỹ. Đòi điều kiện sau cùng này chẳng khác nào yêu cầu Trung Quốc thôi không còn là cộng sản nữa.

Ngoài đề tài chiến tranh mậu dịch, Trump và Tập sẽ nói chuyện Iran (Trung Quốc đã khuyên Mỹ tự kiềm chế), Đài Loan (Mỹ đánh tiếng sắp bán máy bay F-16 và thiết giáp M1 Abrams cho Đài Bắc) và Bắc Hàn. Tập Cận Bình mới đến thăm Kim Jong-un và được tiếp đón huy hoàng trong hai ngày, cuộc thăm viếng chính thức của một nhà lãnh đạo Trung Quốc sau 14 năm. Trước đó, báo đài Trung Quốc đã kể công cứu viện thời chiến tranh Cao Ly và nhắc lại khẩu hiệu "Kháng Mỹ Viện Triều". Nhưng ông Trump sẽ từ Osaka bay qua Seoul, có thể thu xếp gặp ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ giữa hai miền Nam Bắc Hàn để qua mặt Bắc Kinh.

Nhưng trước khi lên đường đi Osaka, Tập Cận Bình đã có một tin vui, biết rằng công ty Huawei chưa đến nỗi khốn đốn ; và các xí nghiệp kỹ thuật cao của Trung Quốc cũng hy vọng. Vì nhiều công ty Mỹ vẫn cung cấp các nguyên liệu cho công nhân của họ làm việc.

Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm nhắm vào Huawei vào tháng Năm. Đáp lại, Bắc Kinh đã triệu tập đại diện các công ty Mỹ như Microsoft, Dell và Apple để cảnh cáo sẽ trừng phạt nếu họ ngưng cung cấp nguyên liệu và phụ tùng cho các công ty kỹ thuật cao của nước Tàu.

Mỗi năm Huawei trả 11 tỷ USD để mua các món đồ và dịch vụ do Mỹ cung cấp. Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các hãng tiếp tục bán cho Huawei, từ 15 tháng Tám này. Thiếu những cái "chip" mua của Mỹ thì Huawei sẽ không làm được các "điện thoại cao cấp" (smartphone) và các máy computer chủ (server).

Nhưng các luật sư đã mách cho các công ty Mỹ biết rằng các chi nhánh của họ vẫn được phép bán hàng cho Huawei, nếu tất cả được chế tạo ở ngoại quốc. Từ đầu tháng Sáu, Huawei lại mua được các bộ phận của Mỹ.

Công ty Micron đã ngưng bán nhưng lại bắt đầu việc cung cấp chip cho Huawei để làm smartphone từ hai tuần nay. Micron, đặt trụ sở tại tiểu bang Idaho, không muốn bị mất mối hàng lớn này cho hai công ty Nam Hàn Samsung và SK Hynix. Những công ty Mỹ như Micron, Intel đặt cơ xưởng khắp thế giới, số sản xất hiện cao hơn ở Mỹ ; cho nên họ không lo có các chi nhánh ở ngoài nước Mỹ chở hàng bán cho các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu sau khi bán chip làm ở nước khác mà rồi mà một khách hàng như Huawei phải kêu cứu nhờ chỉ dẫn về kỹ thuật sử dụng, thì các chuyên viên tại trụ sở chính ở Mỹ không được phép làm cố vấn ! Chính phủ Mỹ cấm bán cả các dịch vụ cho Huawei nữa !

Nếu cuộc chiến tranh mậu dịch còn tiếp tục thì nhiều công ty kỹ thuật cao của Mỹ sẽ phải tính kế hoạch di chuyển ! Họ sẽ đưa nhiều bộ phận ra làm việc ở nước khác, các việc nghiên cứu, cố vấn kỹ thuật, việc sản xuất các thứ chip cao cấp sẽ được đưa ra làm ở ngoài nước Mỹ để tránh lệnh cấm vận. Trừ khi chính phủ Trump sẽ phải mở lệnh cấm vận rộng hơn nếu Tập Cận Bình găng quá.

Tất nhiên cả hai ông Trump và Tập đều mong cuộc chiến tranh chấm dứt. Họ chỉ không thể nhượng bộ đến nỗi mất mặt sau khi đã nói rất găng suốt cả năm qua. Trong cuộc đấu kinh tế này, rõ ràng bên nào chịu đòn giỏi, chịu đựng được lâu, sẽ chiếm ưu thế.

Ông Trump tin rằng Tàu bán hàng qua Mỹ nhiều, Mỹ bán lại ít hơn, cứ tiếp tục chạy đua đánh thuế quan thì số hàng của Tàu bị đòn cao gấp ba lần hàng Mỹ, Bắc Kinh sẽ không chịu đựng nổi. Ông Tập thì tin rằng với dân số hơn 1,4 tỷ người đã thuộc giới trung lưu, nước Tàu có thể chuyển hàng xuất cảng về cho dân tiêu thụ trong lục địa mua, khỏi lo bán cho Mỹ ; Tập Cận Bình đã nói như vậy với các nhà báo Nga. Tân Hoa Xã bình luận rằng, "Trung Quốc sẽ cho cả thế giới thấy sức chịu đựng dẻo dai của mình".

Và đây là một tin buồn cho Tập Cận Bình : Người tiêu thụ trong lục địa đang bớt mua sắm !

Trong bốn tháng đầu năm 2019, số xe hơi bán đã tụt giảm trung bình 10% mỗi tháng. Tháng Năm vừa rồi, tụt mất 15%. Ở Mỹ, người ta đo lường số xe hơi bán để bắt mạch nền kinh tế, chắc bên Tàu cũng không khác.

Một thước đo quan trọng nữa là số bán nhà mới. Trong bốn tháng đầu năm nay số nhà bán tăng 11% ; trong tháng Năm số bán đã giảm xuống thay vì tăng lên. Mua nhà mới là một động lực cho người ta mua sắm rất nhiều thứ để đặt vào trong căn nhà. Số nhà bán giảm là một chỉ dâu báo động cho kinh tế nước Tàu, cũng như nước Mỹ.

Điều đáng lo là nhiều thứ hàng hóa ở bên Tàu đang xuống giá chứ không lên khiến người tiêu thụ nản lòng. Chỉ có giá thịt heo là lên cao vì bệnh dịch, và giá trái cây cũng tăng. Nhưng các món hàng tiêu thụ như điện thoại cầm tay, máy móc dùng trong nhà đã xuống giá.

Đúng là người Tàu trong lục địa tiêu thụ ít hơn. Cho nên, trong năm 2018, số hàng Trung Quốc nhập cảng tăng hơn 10%, trước mối lo thuế quan sẽ lên, nhưng vào tháng Năm năm nay số nhập cảng tụt bớt 8,5%. Hiện giá trị đồng nguyên của nước Tàu đang xuống so với đô la Mỹ. Ông Trump sẽ than phiền với ông Tập về tình trạng này vì hàng nhập cảng vào nước Tàu sẽ tăng giá khi đồng nguyên đi xuống.

Nhưng thử hỏi, nếu quý vị là người dân Trung Hoa bây giờ thì quý vị tính toán thế nào ? Hăng hái mua hàng theo lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình ? Hay là lo tiết kiệm, để dành tiền vì sợ công ăn việc làm ngày càng khó khăn khi cuộc chiến mậu dịch không biết bao giờ kết thúc ?

Trước viễn tượng nền kinh tế không thể trông cậy vào người tiêu thụ, cộng sản Trung Quốc lại đem bài bản cũ ra dùng : Xây cất. Xây cầu, làm đường, mở rộng nhà máy, đi ngược lại chủ trương mà Đảng cộng sản muốn thi hành để cải tổ cơ cấu. Mặc dù số nợ chồng chất đang lo giải quyết, chính quyền các địa phương lại mới được lệnh cứ xây cất thêm, tạm quên mối lo nợ nần. Tuy nhiên, số chi tiêu cho hạ tầng cơ sở lên cao trong bốn tháng đầu năm đã giảm xuống trong tháng Năm.

Đó là một mối lo tâm phúc của ông Tập Cận Bình trước khi gặp ông Donald Trump ở Osaka.

Không ai hy vọng các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được kết quả cụ thể nào trong thời gian hội nghị G-20 năm nay. Xung đột thương mại giữa hai nước có rất nhiều chỗ khúc mắc, các mâu thuẫn chằng chịt với nhau cần các chuyên viên cả hai bên bàn cãi, mặc cả qua nhiều tháng chưa chắc đã xong.

Nhưng chỉ cần hai ông Trump và Tập bắt tay chụp hình cũng đủ giúp cho các thị trường chứng khoán thở phào nhẹ nhõm ! Mỗi bên sẽ nhượng bộ bên kia một điều nho nhỏ để làm quà mang về nhà. Khi cuộc chiến mậu dịch không leo thang thì cả hai ông đều có thể tuyên bố mình đang thắng ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 26/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 623 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)