Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2019

Cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel có lên gân quá không ?

Nhiều tác giả

Lo ngại nào trước đề xuất của Viettel về khai thác dữ liệu cá nhân ?

Hòa Ái, RFA, 27/06/2019

Tập đoàn Viễn thông Viettel lớn nhất Việt Nam vừa đưa ra đề xuất Nhà nước nhanh chóng có quy định để đảm bảo quyền khai thác dữ liệu của doanh nghiệp, trong đó bao gồm quyền được khai thác dữ liệu cá nhân một cách hợp lý.

viettel1

Hội thảo Khoa học Cấp Quốc gia, với chủ đề "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam", diễn ra vào chiều ngày 24/06/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thesaigontimes.vn

Đề xuất về quyền khai thác dữ liệu cá nhân

Tại Hội thảo Khoa học Cấp Quốc gia, với chủ đề "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam", diễn ra vào chiều ngày 24/06/19, truyền thông quốc nội ghi nhận các doanh nghiệp viễn thông như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội Viettel nêu lên vấn đề các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng và còn thiếu sót trong các quy định về khai thác, bảo vệ dữ liệu cá nhân dẫn đến hậu quả đang là rào cản đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ hoạt động ở Việt Nam.

Trưởng ban Chiến lược của Viettel, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh rằng nguồn dữ liệu khách hàng là rất lớn và là tài nguyên, lợi ích của mô hình kinh doanh số mới ; tuy nhiên việc khai thác, sử dụng dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng là vì một phần chưa có quy định pháp luật để bảo vệ quyền được khai thác dữ liệu cá nhân một cách hợp lý. Đại diện của Tập đoàn Viettel cho rằng cần có hành lang pháp lý và mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng ban hành quy định để đảm bảo quyền khai thác dữ liệu của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0.

Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận xét của ông liên quan đề xuất vừa nêu của Tập đoàn Viettel :

"Tôi nghĩ việc sử dụng các dữ liệu như vậy của các doanh nghiệp có lẽ cũng là một phần tất yếu. Chúng ta có thể thấy tất cả các doanh nghiệp như Google, Facebook thì những tiện ích họ tạo ra cho người sử dụng trên toàn cầu có một phần dựa vào việc họ sử dụng dữ liệu lớn của người dùng đóng góp vào. Đấy là một phần tất yếu của sự phát triển internet. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy là họ lạm dụng, chẳng hạn như gần đây chúng ta thấy Facebook lạm dụng rất nhiều và cũng bị lên án rất nhiều. Do đó, tôi nghĩ đấy cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp internet ở Việt Nam muốn có luật để quy định rõ ràng họ có quyền sử dụng đến đâu".

viettel2

Báo cáo Digital 2019, 64% dân số thường xuyên sử dụng mạng xã hội ; trong số này có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội bằng điện thoại.RFA

Lợi bất cập hại ?

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông tính đến hết tháng 8 năm 2016, Việt Nam có tổng số hơn 128 triệu thuê bao điện thoại di động trên mạng, trong đó thuê bao mạng Viettel chiếm gần 50%. Và theo ghi nhận của Sách trắng CNTT-TT phát hành năm 2017, ba doanh nghiệp Viettel, VNPT và MobilFone chiếm giữ đến 95% thị phần tại Việt Nam trong năm 2016.

Đài RFA nêu vấn đề với một số khách hàng của các tập đoàn viễn thông ở trong nước rằng họ đón nhận đề xuất của Viettel liên quan Việt Nam cần có quy định bảo vệ quyền được khai thác dữ liệu cá nhân của khách hàng và được đa số cho biết họ cũng nghĩ rằng khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi chắc chắn hơn một khi các quy định pháp luật được ban hành. Một sinh viên trẻ tuổi nói với RFA :

"Tôi nghĩ là có hai mặt của nó, cũng có một phần là tốt. Ví dụ như có xảy ra liên quan đến pháp luật chẳng hạn thì sẽ dựa vào luật làm căn cứ để xem xét".

Mặt không tốt của vấn đề mà bạn sinh viên không muốn nêu tên đưa ra là :

"Lo ngại các dữ liệu của bản thân, những gì cần bảo mật mà lại bị xâm phạm thì không tốt".

Qua trao đổi với giới chuyên gia về công nghệ thông tin, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận điều lo ngại của không ít khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp mạng Việt Nam liên quan thông tin cá nhân của họ bị xâm phạm không phải là vô cớ. Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Australia đưa ra lập luận cho rằng đề xuất của Viettel có thể xem như là một phương thức "hợp thức hóa" sự kiểm soát người dân một khi Nhà nước Việt Nam ban hành luật định. Ông Hoàng Ngọc Diêu lý giải qua ứng dụng Messenger :

"Đại diện của Tập đoàn Viettel có những đánh tráo rất tinh vi về chuyện ‘khai thác dữ liệu cá nhân’ và ‘khai thác dữ liệu’. Thứ nhất, không có một quốc gia tự do và minh bạch nào trên thế giới mà cho phép một công ty quân đội hoặc một công ty nào bất kỳ có quyền ‘khai thác dữ liệu cá nhân’. Ngược lại, các quốc gia tự do và minh bạch có luật lệ cụ thể bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân. Thêm nữa, Viettel đề nghị bảo vệ và khai thác thông tin cá nhân vì lý do lợi ích và cho rằng đó là ‘tài nguyên’ và tròng tréo giữa ‘dữ liệu cá nhân’ với dữ liệu chung chung. Từ đó, họ đẩy đến lý do thời đại công nghệ 4.0 cần phải có ‘dữ liệu’ mới phát triển trí tuệ nhân tạo. Đó là cách bẻ vấn đề một cách ma mãnh. Ai cho phép họ quyền sử dụng thông tin và dữ liệu cá nhân ? Và ai cho phép họ biến những thứ riêng tư ấy thành ‘tài sản và ‘tài nguyên’ ?"

Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam đã và đang ngang nhiên sử dụng thông tin cá nhân của người dân một cách tuỳ thích cho mục đích quản lý và trấn áp với mục đích bảo vệ chế độ mà các Chính phủ trên thế giới cùng những tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích rất nhiều vì lý do vi phạm nhân quyền và do đó ông khẳng định :

"Chiêu bài ‘công nghệ 4.0’ tròng tréo với ‘dữ liệu cá nhân’ này nhằm hơp thức hóa những trò sử dụng thông tin cá nhân vừa có thể kiểm soát và quản lý người dân, vừa có thể né được những chỉ trích vì đó là... luật".

Báo mạng techwireasia.com, hồi đầu tháng 5 năm 2017, qua bài báo với nhan đề "Việt Nam có thể là hòn ngọc công nghệ Đông Nam Á-nhưng kiểm soát chặt chẽ những bất đồng quan điểm" ghi nhận Việt Nam là quốc gia "tự do internet", nằm trong số hơn 49 triệu người sử dụng internet và 45 triệu tài khoản mạng xã hội tại khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn không có tự do ngôn luận. Con số này theo Báo cáo Digital 2019 thì nay có 62 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm 64% dân số ; trong số này có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội bằng điện thoại.

Và theo ghi nhận của RFA, các cư dân mạng tại Việt Nam, trong đó hầu hết những người có quan điểm phản biện với chính quyền cùng đồng thuận rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy hiểm khi đề xuất của Viettel về quyền của doanh nghiệp được đảm bảo khai thác dữ liệu cá nhân chính thức được đưa vào quy định pháp luật.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 27/06/2019

********************

Bộ trưởng truyền thông Việt Nam bị chê ‘dại dột’ khi đe dọa Google và Facebook

Người Việt, 27/06/2019

"Các nhà chính trị Việt Nam, xin các bạn hãy thông hiểu nước Mỹ, đừng dại dột. Ông [Nguyễn Mạnh] Hùng, nên rút lại lời đe dọa hai tập đoàn công nghệ của nước Mỹ, càng sớm càng tốt", Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội viết trên trang cá nhân hôm 27/6.

viettel3

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Hình : Zing)

Ông Hải lập luận thêm về đề nghị của mình : "Tôi đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Việt Nam, tuy Mỹ đang ve vãn Việt Nam, và Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều từ Mỹ, nhưng nếu như Việt Nam có chính sách gây hại đến lợi ích và các tập đoàn của Mỹ, họ sẽ có cách gây sức ép tương xứng ngay. Tôi cũng nhấn mạnh, các Tập đoàn Google và Facebook tuy kiếm doanh thu đến nửa tỉ đô ở Việt Nam về quảng cáo nhưng so với thặng dư thương mại của Việt Nam hàng chục tỉ đô đối với Mỹ, cũng không đáng bao. Do đó nếu làm khó hai tập đoàn này ở Việt Nam, các chuyên gia lobby chính sách sẽ tác động ngay đến các quan chức cao cấp Mỹ và thậm chí trực tiếp đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump".

Bình luận của luật sư Hải được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng càng lúc càng khiến công luận bất mãn vì thể hiện sự thiếu hiểu biết về công nghệ của ông khi ra quyết sách chặn doanh nghiệp Việt Nam "quảng cáo trên các clip xấu độc".

Trước đó, báo Zing dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Hùng : "Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới đến làm ăn tại Việt Nam mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp Việt Nam. Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán để đọc dữ liệu khách hàng, hiểu sâu sắc khách hàng nhưng đầu tư không đáng kể vào các thuật toán để ngăn chặn nội dung xấu độc. Còn về phía các doanh nghiệp Việt Nam, các bạn nên chọn đúng nền tảng để quảng cáo, vì quảng cáo trên các nền tảng xấu độc chính là hại đất nước".

Không chỉ mạnh miệng phát ngôn về "clip xấu độc trên YouTube", ông Hùng còn huy động cả hệ thống báo nhà nước công bố danh sách 21 thương hiệu, nhãn hàng Việt Nam "có hành vi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trong các video, clip xấu độc, phản động trên YouTube".

Khái niệm "xấu độc" được báo Thanh Niên hôm 10 tháng Sáu diễn giải là "phản động, chống phá đảng, nhà nước".

Trên mạng xã hội, nhiều blogger chế giễu ông Hùng vì tuy đứng đầu một bộ quản lý về truyền thông mà dường như ông này không hề am hiểu về cách thức Google Adsense cho quảng cáo chạy tự động theo yêu cầu về phân khúc khách hàng của doanh nghiệp, nhãn hàng mua quảng cáo, mà không quan tâm đến nội dung của các clip đó là gì, có "trái ý" nhà cầm quyền Việt Nam hay không.

Tuy người của một số tòa soạn ở Việt Nam có hiểu biết nhất định về việc này nhưng họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc đăng tin theo chỉ thị và tuân theo chủ trương "không được nói ngược lại Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam", nếu như không muốn tổng biên tập tờ báo bị mất ghế ngay lập tức. (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)