Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2019

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông : bễ nước không đáy

Nhiều tác giả

Hà Nội lại đổ thêm tiền vào dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Diễm Thi, RFA, 09/07/2019

Hôm 8/7/2019, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch vay hơn 98 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ đồng) với mục đích được nêu ra là nhằm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là khoản vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án.

catlinh1

Giao thông trên đường phố Hà Nội dưới công trình dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh chụp hôm 7 tháng 4 năm 2013.  AP Photo / Nick Ut

Người dân bất bình, mất niềm tin

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội phản đối việc vay thêm tiền như vậy. Ông cho rằng dân phải è cổ đóng thuế trả nợ nước ngoài trong khi người dân không hề được hỏi ý kiến, và người dân cũng không hề được biết chi tiết dùng số tiền 2.300 tỷ đồng để vận hành, khai thác như thế nào và thời gian cụ thể ra sao. Ông nói :

"Tại sao họp Hội đồng Nhân dân không có một ông, một bà nào hỏi ý kiến của dân ?

Với tư cách là một người Hà Nội, tôi thuộc lòng đường từ nhà tôi đến Hà Đông, trước hết tôi phản đối việc làm đường sắt trên cao tuyến Cát Linh. Cái thứ hai là ai ký kết, tiền là bao nhiêu, thời hạn là bao nhiêu tại sao không công bố ngay lúc đầu. Bây giờ đề nghị thêm 2.300 tỷ chúng tôi không chấp nhận vì cái gì cũng phải có thời hạn".

Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có chiều dài khoảng 13km. Chi phí đầu tư ban đầu của dự án là 553 triệu USD, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Sau đó được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014 ; chạy thử từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015 và chính thức khai thác thương mại từ ngày 30/6/2015.

Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay ODA của Trung Quốc là gần 670 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính nói với RFA từ Hà Nội rằng, thời gian chậm tiến độ quá lâu đã tác động rất tiêu cực đối với hiệu quả kinh tế xã hội, và làm mất lòng tin của người dân :

"Nó chậm thì nó làm cho tiền tăng lên. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mà ùn tắc thì mỗi ngày Hà Nội mất chi phí khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam thì một năm không biết là bao nhiêu ?"

Đến hôm nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động và bị đội vốn lên hơn 200% (từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng).

Bà Tâm, một người dân gốc Hà Đông, sinh sống tại Hà Nội, thường xuyên đi đoạn đường này, ngán ngẩm khi nghe tin lại vay thêm tiền đổ vào dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Theo bà thì nhiều lần đội vốn rồi. Bây giờ phải xem xét bên nào làm sai thì phải đền bù thiệt hại chứ cứ đổ thêm tiền rồi vẽ ra cho đẹp, chỉ khổ dân :

"Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. Mang ra tòa án phân định xem ai sai. Những ông bên chính phủ, bên Bộ Tài chính hãy làm bằng tâm đi. Dân biết hết, dân không ngu đâu !"

Là một kỹ sư xây dựng cầu đường, ông Trần Bang nhận định nếu vay thêm tiền thì chắc nó sẽ vận hành được, nhưng lại đội vốn thì chết dân phải trả nợ. Với những dự án như thế này thì nhà nước cũng rất khó xử vì nếu ngưng luôn thì nhà nước mất mặt, mà để thì cũng ‘dở dở, ương ương’ chẳng ra làm sao.

Nguyên nhân từ đâu ?

catlinh2

Công nhân dọn dẹp vật liệu xây dựng khu vực đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hôm 12/5/2012. AP

Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 vào chiều 5/7/2019, ông Trần Hải Đông, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn lên hơn 200% vì đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, xác định. Quá trình lập dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ, lại thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Mặt khác, do bàn giao mặt bằng chậm, dẫn tới tiến độ thực hiện kéo dài, tăng chi phí nhân công, vật liệu... Cùng với đó, tiến độ thực hiện dự án cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài, nhất là về vốn, dẫn đến nhiều bất cập.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phân tích "yếu tố nước ngoài" ở đây :

"Tôi không đồng ý nói rằng cứ nhà thầu Trung Quốc là kém, bởi vì người ta có thể làm (đường sắt trên cao) từ Bắc Kinh đến Tây Tạng, từ Quảng Châu đến Nam Ninh mấy trăm cây số, chỉ trong hai năm. Tôi đã đi tên tàu đó, 210km/giờ. Đây họ làm với mục đích gì để kéo dài để phá hoại để gây khổ. Không có chuyện sập bẫy ở đây".

Theo kỹ sư Trần Bang thì cái quan trọng là việc quản trị. Quản trị bài bản, tốt thì mọi thứ sẽ tốt, sẽ đâu vào đấy ngay, nhưng ở Việt Nam thì rất khó bởi kẹt cơ chế :

"Cái cơ chế nó ràng buộc nhau lắm. Người thẳng thắn và có trình độ chuyên môn thì lại không được làm quản lý. Mà nếu có tham gia quản lý thì cũng "bị" không làm được việc. Việc chọn nhà thầu đã dở, việc quản lý thi công thì do tham nhũng, dính đến chuyện ăn phong bao nên bị nhà thầu gài rất nhiều điều bất lợi cho chủ đầu tư. Ví dụ không tăng vốn thì nó để tiến độ chậm lại. Cái khó nữa là những dự án như thế này thì thật sự không ai dám quyết làm gì nữa hết".

Sáng 20/9/2018, 5 đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử với tốc độ trung bình 32km/h, tối đa 65km/h. Nhìn bề ngoài, hệ thống đường ray và các nhà ga gần như hoàn thiện, nhưng bên trong các nhà ga khu vực Cát Linh, Thanh Xuân, Hà Đông, nhiều hạng mục đã hư hỏng, nhếch nhác.

Rất nhiều hạng mục công trình vẫn đang được công nhân gấp rút hoàn thiện, chắp vá. Nhiều khu vực như nhà ga Cát Linh, cầu thang lên xuống, hệ thống dây điện, dưới gầm đường sắt vẫn ngổn ngang vật liệu, rác thải.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm tại Hà Nội. Lãnh đạo Bộ Giao thông yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết nguyên đán 2019 nhưng lại tiếp tục lỗi hẹn.

Cát Linh

Nguồn : VNTB, 08/07/2019

*****************

Đổ thêm tiền nhưng chưa biết khi nào đường sắt Cát Linh-Hà Đông ‘chạy’

TN, Người Việt, 09/07/2019

Đoạn đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông chưa biết bao giờ bắt đầu đưa đón hành khách dù vừa phải xin "rót thêm vốn" hơn 99 triệu USD cho "1%" công việc còn lại.

catlinh3

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đưa vào chạy thử rồi "nằm im bất động". (Hình : Thanh Niên)

Dự án đầu tư đường sắt trên cao tại Hà Nội từ Cát Linh đi Hà Đông đầy tai tiếng cả chục năm qua vừa thấy báo chí trong nước nói Hội đồng nhân dân Thành Phố vừa thông qua kế hoạch "vay lại" từ nhà cầm quyền trung ương hơn 2.300 tỷ đồng (hơn 99 triệu USD). Số tiền này, được thấy giải thích là để giải quyết "một số hạng mục nhỏ liên quan đến công tác xây lắp, đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống".

Theo báo Đất Việt hôm thứ Ba, 9/7/2019, cách đây hơn một tháng, ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao thông và vận tải, giải thích như vừa kể khi điều trần ở Quốc hội, nhưng cho tới nay "không ai biết 1% khối lượng công việc ấy sẽ kéo dài đến bao lâu, ngay chủ đầu tư là Bộ Giao thông và vận tải cũng không đưa ra được một mốc thời gian cụ thể bao giờ tàu chạy sau khi dự án đã có tới tám lần lỡ hẹn".

Báo này thuật lời ông Bùi Danh Liên, cựu chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải thành phố Hà Nội, cho rằng "cơ quan chức năng cũng không trả lời được dứt khoát, rõ ràng về thời gian vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì người dân không thể nào hiểu được".

Rất nhiều đại dự án từ thủy điện đến nhiệt điện, sơ sợi, bô xít, sắt thép, hóa chất dính đến nhà thầu Trung Quốc, đều có đủ loại vấn đề "đội vốn", "chậm tiến độ", "máy móc lạc hậu" mà nằm bên dưới các dự án này là các cơ hội để quan chức đảng viên móc ngoặc với tư bản đỏ Trung Quốc chia chác, ăn hối lộ.

"Không chỉ ở Việt Nam, nhiều dự án của Trung Quốc thực hiện ở các quốc gia khác trên thế giới cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hủy hợp đồng… Tuy nhiên, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt. Thế nhưng, hợp đồng của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào… không được công khai nên người ngoài không thể nói gì được", ông Bùi Danh Liên được báo Đất Việt trích lời nói.

catlinh4

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Hình : Lao Động)

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông chiều dài chỉ có 13,5 km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD, làm dở đang, nhà thầu Trung Quốc đòi phải tăng vốn mới làm tiếp. Bộ Giao thông và vận tải chấp nhận nên dự án bị đội lên thành 891,9 triệu USD, trong đó sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam.

Dự án khởi công tháng 10/2011, tin tức lúc đầu nói dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Ì ạch làm được ít lâu thì có tin đến tháng 6/2016, thì xong. Nhưng đến tháng 12/2016, rồi tháng 2/2017, đến tháng 10/2017, và hứa quý II/2018.

Tuy nhiên, cuối năm 2018 vẫn chưa xong, rồi bắn tiếng tháng 4/2019, là bắt đầu "vận hành". Bây giờ là tháng 7/2019, rồi nhưng vẫn thấy im.

Khi ra trả lời chất vấn ở Quốc hội, báo Đất Việt ngày 6/6/2019, thuật lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về khoản vay tín dụng Trung Quốc là "ta ký vay vốn, Trung Quốc chỉ định thầu". Nhà thấu Trung Quốc không phải là một công ty có vốn lớn và chuyên môn về thiết kế và xây dựng đường sắt. Thêm nữa, các điều kiện thỏa thuận thực hiện dự án lại được mô tả là "bất lợi" cho phía Việt Nam nhưng không hề thấy được cho công chúng biết sự thật.

Hôm 8/7, báo Đất Việt thuật lời ông Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài Chính) cho rằng, tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu an toàn, chưa thực hiện được một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa vận hành thử toàn bộ hệ thống, chưa có đủ hồ sơ hệ thống quản lý an toàn vận hành dẫn đến chưa đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ an toàn hệ thống để cấp chứng nhận an toàn theo quy định.

Nguồn tin thuật lời ông Thịnh cho biết có nhiều điều tưởng như không thể xảy ra nhưng lại xảy ra ở dự án này. Đây là một dự án quan trọng của quốc gia, Việt Nam vay tiền để làm nhưng lại giao cho một nhà thầu kém, hợp đồng quá dễ dãi, sơ hở, thiếu những ràng buộc cụ thể, cuối cùng ta trở nên bị động.

"Trong khi tiền Việt Nam vay nợ vẫn phải trả thì lại không có ràng buộc tương xứng đối với tổng thầu. Cuối cùng dự án chậm trễ hết lần này đến lần khác, và giờ có chậm nữa cũng chẳng thể làm gì được họ. Việc duy nhất Bộ Giao thông và vận tải có thể làm lúc này là thúc giục tổng thầu hoàn thiện các hạng mục còn lại, hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án", ông Thịnh nói.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có từ đời ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng và qua ba đời bộ trưởng Giao thông và vận tải, cũng như chẳng có ai chịu trách nhiệm mà "thậm chí trách nhiệm được đổ cho người tiền nhiệm".

Hiện dư luận cũng đang chú ý đến một dự án khác là đường sắt cao tốc Bắc-Nam khi có tin trên báo chí trong nước cho biết : "Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h ; trong khi trước đó Bộ Giao thông và vận tải đề nghị phương án tàu tốc độ 350 km/h, với tổng vốn 58,7 tỷ USD" phí tổn chênh lệch nhau tới kinh hoàng.

Nhiều chuyên gia từng can ngăn không nên làm đường sắt cao tốc Bắc Nam vì vốn đầu tư khổng lồ và "đổ nợ" lên đầu các thế hệ sau này. 

TN

Quay lại trang chủ
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)