Câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 đang được lập lại, và không ai biết nó sẽ còn lập lại bao nhiêu lần nữa, ngoại trừ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng Năm, 2014. Liệu có sẽ xảy ra một vụ tương tự lần này không ?
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sau 75 ngày khiêu khích và gặp sự chống đối của Việt Nam cũng như quốc tế, ngày 16 tháng 7 giàn khoan này đã buộc phải rút khỏi khu vực mà nó chiếm đóng trái phép để di chuyển sang một địa điềm khác.
Ngày 12 tháng 7 năm 2019, theo tin từ South China Morning Post (SCMP), có ít nhất 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đangđối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Người đầu tiên tiết lộ thông tin là ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Naval War College. Trong một tin nhắn Twitter ông cho biết vào ngày 03/07, chiếc tàu khảo sát dầu khí Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất) của Trung Quốc đã “tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại một vùng biển ở ngay phía Tây quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát”.
Theo báo SCMP tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh bảo vệ tàu Haiyang Dizhi của Trung Quốc đã đối mặt với nhau suốt hơn 10 ngày qua. Mặc dù chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng không ai dám chắc lần này có khác với lần trước hay không bởi sự ngông cuồng của Trung Quốc ngày một leo thang và bất chấp mọi phản ứng của quốc tế, kể cả Mỹ là cường quốc hải quân đã công khai lên tiếng phủ nhận mọi ý đồ thống trị Biển Đông bằng đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ ra rồi áp đặt các nước trong khu vực phải nhìn nhận.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung quốc và Mỹ, có lẽ Bắc kinh muốn dùng sự kiện này làm lu mờ tầm quan trọng của cuộc bao vây kinh tế mà Washington phát động nhằm lái sự bất an của người dân trong nước sang một điểm khác qua chiến lược thôn tính Biển Đông. Bắc Kinh có quyền nghi ngờ sự cương quyết của Việt Nam do những kinh nghiệm trước đây và họ tin rằng kéo dài cuộc căng thẳng này sẽ có lợi hơn là có hại, mặc dù Trung Quốc cũng biết rất rõ nếu không nhượng bộ như lần trước thì nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.
Chọn lựa chiến tranh với Việt Nam không phải là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc mà dùng áp lực, đe dọa bằng khí tài quân sự, bao vây kinh tế cũng như giúp Việt Nam ổn định chính trị bằng phương châm 4 chữ vàng mới là con bài mà Trung Quốc đang nắm chặt. Họ không có lý do gì phải lo ngại sự phản kháng mạnh mẽ của Hà Nội nếu con tàu Haiyang Dizhi tiếp tục thả neo tại bãi Tư Chính thêm vài tháng nhằm răn đe, hay chí ít làm cho các công ty đang có hợp đồng khai thác dầu với Việt Nam nghi ngờ sự an toàn mà Việt Nam có thể bảo đảm cho họ vì khu vực mà tàu Haiyang Dizhi đang khiêu khích có hàng chực công ty quốc tế đang khai thác dầu tại đây.
Điều trớ trêu nhất và cũng làm cho Bộ Chính trị Việt Nam bẽ bàng nhất là thái độ trở mặt một cách nhanh chóng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Khi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn đang hạnh phúc với những gì được hứa tại Bắc Kinh, nhất là lời phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam “nhìn vào đại cục” và đưa quan hệ hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới nhưng khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài bà mới giật mình khi biết mình và cả Đảng bị lừa một lần nữa.
Lần trước, vào sáng 6/11/2015 cũng ông Tập đã tha thiết đứng trước Quốc hội Việt Nam phát biểu rằng láng giềng khó tránh va chạm nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng.
Mặc dù báo chí đồng loạt im lặng nhưng lại vô tình tiết lộ rằng sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thămBộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Nếu đây không phải là chuyến đi tình cờ mà là phản ứng có điều kiện thì chắc là Bộ Chính trị đã có quyết sách đối phó, còn đối phó cách nào thì rất khó đoán , kề cả yếu tố sắp tới vào chuyến đi Mỹ của TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như đã được sắp xếp trước đây nhiều tháng.
Nhiều người cho rằng bà Kim Ngân sang Bắc Kinh lần này là vì sự tránh mặt của ông Trọng trước chuyến đi, và cũng có người còn suy ra vụ tàu Haiyang Dizhi là một thông điệp từ Bắc Kinh nhằm đưa ra với ông Trọng. Nếu cả hai đều đúng thì vụ này chỉ là việc nhỏ, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy và Việt Nam có dám phá vỡ “đại cục” để dành lấy sự độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay không ?
Mỹ sẽ khó lòng can thiệp vì không có bên nào nổ súng. Mỹ sẽ lên tiếng hay tăng thêm lực lượng tuần hành tại Biển Đông thì cũng không đủ để làm Bắc Kinh sợ hãi. Một vài đơn hàng mua nông phẩm của Mỹ đủ làm cơn thị phi của Washington hạ nhiệt, và Việt Nam tiếp tục bị lấn lướt, hạnh họe như đã từng bị nhiều lần trước đây.
Tờ South China Morning Post tiên đoán rằng sẽ có làn sóng biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam như vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014. Đó là chuyện của Hà Nội chứ không phải chuyện của Bắc Kinh vì họ biết người dân càng biểu tình thì lãnh đạo Việt Nam càng gắn bó với Trung Quốc.
Năm 2014 lòng dân còn có vẻ tha thiết tới chủ quyền biển đảo nhưng đến năm 2019 thì sự tha thiết ấy ít nhiều phai nhạt. Có nhiều lý do nhưng lý do dễ thấy nhất là sự không vừa lòng của chính quyền khi người dân ra mặt chống Trung Quốc. Sự không vừa lòng ấy ngày càng tăng và rất nhiều người vẫn đang còn trong trại giam vì chống Trung Quốc. Do đó, nói theo ngôn ngữ tòa án, yếu tố biểu tình không được thành lập.
Thay vì biểu tình giành lấy đất nước cho chính quyền tiếp tục cai trị, người dân tỏ ra điềm tĩnh hơn khi im lặng ngồi xem TV chờ nhà nước trực tiếp truyền hình cuộc đấu pháo giữa hai lực lượng cảnh sát biển như xem bóng đá, và biết đâu sẽ có hàng trăm ngàn người đi bão nếu cảnh sát biển Việt Nam hạ gục một trong những chiếc tàu hộ tống của đối phương ?
Mặc Lâm