Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/07/2019

Bí ẩn quanh một cái chết không mấy người thương

Nhiều tác giả

Sự kiện Trần Bắc Hà : chết vui, sống buồn ?

An Viên, VNTB, 20/07/2019

Ông Trần Bắc Hà tử vong khi đến bệnh viện, mặc dù bản thân ông có tiền sử về bệnh gan, nhưng cái chết trong lúc lò đang nóng đã khiến cái chết trở nên… bất thường.

tran1

Ảnh minh họa - VietnamNet 

Có hai yếu tố khiến tính chất bất thường được tạo nên, một là ông là quan chức trong bộ máy chính quyền, và hai là ông có liên quan đến đường dây lợi ích nhóm khổng lồ mà bản thân chính quyền đương nhiệm đang muốn giải mã.

Nhà báo Phạm Việt Thắng trên trang Facebook cá nhân của mình đã bày tỏ quan điểm trong sự kiện này bằng hai bài thơ trong ngày 18/7.

"Bắc Hà chết, hỏi ai vui ?

Bạn ai không biết, còn tui ba Xờ !",

"Đêm qua anh chết trong lao

Thế là lò tắt, xôn xao miệng người

Anh chết khối kẻ mỉm cười

Phường tham nhũng, cả một trời đứa vui".

Facebooker Nguyễn Đình Hùng trong một phản hồi bày tỏ, ông Trần Bắc Hà tử vong là do gan, nhưng là gan lỳ. Những hình ảnh gắn liền giữa Trần Bắc Hà và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được khơi gợi lại, và luôn đi kèm với mô tả, "đàn em thân tín của ông Dũng đã chết trong tù".

Nhưng chết liệu phải đã hết, bởi chính trường Việt Nam dường như không quy định một lệ nào có liên quan đến những cái chết bất thường. Có cái chết của tướng Ngọ khiến câu chuyện chống tham nhũng trở nên đứt đoạn, nhưng cái chết của tướng Quang lại mở đường cho nhóm lò mạnh hơn ở khối ngành công an, vậy thì cái chết của Trần Bắc Hà, tướng – tư lệnh BIDV thì sao ? Khó có thể đánh giá, nhưng nếu thực sự ông Bắc Hà "gan lỳ", và không bị ảnh hưởng bị việc con trai đã bị bắt, thì đúng như nhà báo Phạm Việt Thắng, "thế là lò tắt". Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự phỏng đoán, thậm chí những tin đồn đại trên mạng xã hội Facebooker cũng không khác gì bữa trà đá, nơi mà nhiều thuyết âm mưa đặt ra và nhiều tin đồn được giật lên để câu like.

Với 7 tháng tạm giam, có thể ông Trần Bắc Hà đã khai đủ để phía cơ quan điều tra tiếp tục công việc, và quy tắc "trọng chứng hơn trọng cung" có thể sẽ được bổ sung một cách gián tiếp bằng nhân chứng thứ cấp, thông qua lời khai của ông Trần Bắc Hà trước đó. Và như thế, lần này, "những giọt nước mắt còn lâu mới chịu khô" sẽ khó có thể được định hình trên khuôn mặt ông Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng.

Quay trở lại căn bệnh của ông Trần Bắc Hà, bệnh gan của ông Hà được ghi nhận, và việc duy trì đến 7 tháng là nỗ lực của chính phía cơ quan điều tra. Ít nhất, những căn bệnh này có thể khiến ông Hà chết nhanh hơn, bởi tình trạng đi xuống về tâm lý.

Có hẳn một nghiên cứu liên quan đến những cái chết bất thường của quan tham Trung Quốc, mà qua đó có thể nhận diện căn bệnh và cái chết của ông Trần Bắc Hà.

Nghiên cứu Rui-Xing Yin cho thấy, cái chết không tự nhiên của nhóm quan chức chính phủ cho thấy đến từ, tự tử, tử vong do tai nạn, bị giết và bị kết án tử hình. Nguyên nhân chính dẫn đến tự tử là do trầm cảm (32,26%), sợ hình phạt, các bệnh khác (5,38%). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cái chết không tự nhiên là tự tử và tử vong do tai nạn, và nguyên nhân chính của tự tử là trầm cảm và sợ hãi hình phạt trong các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, tự sát là hành vi được liên kết giữa các yếu tố xã hội và môi trường, gắn với nhiều đặc điểm và nhược điểm trên mức độ cá nhân, liên quan đến đặc điểm sinh học, tâm lý. Và áp lực công việc quá mức hay bị cáo buộc tham nhũng (dẫn đến tâm lý sợ hãi) có thể thúc đẩy các vụ tự tử chính thức.

Bản thân khi các bê bối được tiết lộ, thì tỷ lệ tự tử ở cá nhân tăng lên tránh bị trừng phạt bởi pháp luật, hoặc thuần túy là làm gián đoạn dấu vết điều tra để bảo vệ quyền lợi được giao phó trước đó. Thậm chí, xu hướng tự tử còn được hiểu như là một hệ quả của quá trình bị "cưỡng bức", Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương, người đã "tự tử" khi đang quản chế tại nhà (25/11/2017), trong bối cảnh đang bị điều tra liên quan đến hai tướng bị bắt là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình là một ví dụ.

Quay lại với cái chết của ông Trần Bắc Hà, ông ta có thể chết vì bệnh lý hoặc chết vì nhằm gián đoạn dấu vết điều tra, nhưng dù lý do nào đi chăng nữa, thì cái chết đó cũng phù hợp với nhu cầu và lợi quyền chính trị của không ít người.

Ở một khía cạnh khác, ông Bắc Hà ra đi để lại những tiếng xì xào của người đời, một gia đình tan nát, với con trai đang trong trại giam và tài sản bị truy thu. Nhìn về Bắc Hà, "thương tiếc" thì ít, mà chửi rủa và hiếu kỳ thì nhiều. Và trong trường hợp này, câu thơ dân gian lại phản ánh đúng và đầy về câu chuyện Bắc Hà.

"Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương".

Nhưng có lẽ điều cay đắng nhất mà ông Trần Bắc Hà có lẽ nhận ra ở cuối đời, đó là bản thân cái chết của ông trở thành một màn bi hài kịch, khi sự ra đi khiến không ít người buồn, nhưng người vui lại là những đồng minh một thời của ông.

An Viên

Nguồn : VNTB, 20/07/2019

*******************

Những điểm bất thường quanh cái chết của Trần Bắc Hà !

Phạm Chí Dũng-Diễm Thi, RFA, 19/07/2019

Trưa 18/7/2019, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam điều tra về tội vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng. RFA phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, người từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.

tran2

Ông Trần Bắc Hà - Courtesy of giaothong.vn

Diễm Thi : Dư luận đang xôn xao về cái chết của ông Trần Bắc Hà vì ông này qua đời khi đang bị giam để điều tra. Nhận định của một người quan sát thời cuộc tại Việt Nam của ông về trường hợp này là gì ?

Phạm Chí Dũng : Theo tôi thì có một số điểm bất thường trong cái chết này.

Điểm bất thường thứ nhất là theo thông tin của báo chí Nhà nước đưa, té ra Trần Bắc Hà bị tạm giam trong một trại giam của quân đội ở Sóc Sơn, Hà Nội chứ không phải một trại tạm giam của Bộ Công an, trong khi Bộ Công an bắt Trần Bắc Hà vào tháng 11/2018.

Theo quy trình của bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan nào bắt thì cơ quan đó tạm giam.

Điểm bất thường thứ hai là khi Trần Bắc Hà chết, nơi giữ xác của Trần Bắc Hà lại là Bệnh viện 105 của Bộ Quốc phòng, cũng không phải là bệnh viện của Bộ Công an. Đến chiều ngày 18/7, báo chí đã chụp một số tấm ảnh cho thấy một số sĩ quan mặc quân phục của Bộ Quốc phòng vào Bệnh viện 105 và bệnh viện này được bảo vệ nghiêm ngặt tối đa.

Điều đó cho thấy vấn đề của Trần Bắc Hà dường như đã được chuyển toàn bộ sang Bộ Quốc phòng. Phải chăng vấn đề của Trần Bắc Hà không đơn thuần là những vụ án sai phạm kinh tế, mà nó còn liên quan tới những vấn đề khác sâu bên trong nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt liên quan tới những quan chức cấp cao về mặt kinh tế cũng như chính trị.

Điểm bất thường thứ ba là nguyên nhân ông Trần Bắc Hà chết thì có báo nói là do cao huyết áp, có báo nói do mắc bệnh hiểm nghèo về gan, nhưng Bệnh viện 105 xác định ông Hà chết bên ngoài bệnh viện, chết trước khi đến bệnh viện mà có thể hiểu là chết trong trại giam. Điều đó có nghĩa là cái chết này xảy ra rất nhanh. Liệu có một chất "xúc tác" gì đó mà nó gây đột tử cho Trần Bắc Hà hay không ?

Điểm bất thường thứ tư cần xem xét là những cái chết trong trại tạm giam quân đội và công an đều rất bí mật mà bên ngoài không thể biết được. Nhưng chỉ đầu giờ sáng ngày 18/7/2019 thì trên mạng xã hội đã có thông tin Trần Bắc Hà chết, và đến buổi trưa thì được báo chí Nhà nước xác nhận.

Làm sao tin tức rất nội bộ trong trại giam có thể lên mạng xã hội và báo chí Nhà nước nhanh như thế. Liệu có một chủ trương nào đó cho phép báo chí Nhà nước đăng những tin tức như thế này hay không ?

Diễm Thi : Vì sao ông lại có những kết luận bất thường như thế, thưa ông ?

Phạm Chí Dũng : Trước đây Trần Bắc Hà được coi là trùm mafia tài chính, nhưng cũng được coi là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị, thậm chí làm chính trị, làm công tác tổ chức nhân sự cấp ủy viên trung ương. Do đó việc Trần Bắc Hà bị bắt cũng có thể dính dáng đến những vụ việc khác như an ninh quốc gia, cho nên cả Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều quản lý ông ta sau khi bị bắt. Đó là dấu hỏi thứ nhất.

Một dấu hỏi nữa là phải chăng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà, ông Nguyễn Phú Trọng không tin tưởng Bộ Công an cho nên đã giao Trần Bắc Hà cho nơi mà ông ta có vẻ tin tưởng hơn là Bộ Quốc phòng mà cụ thể là Tổng cục 2, tức là tổng cục tình báo của Bộ Quốc phòng.

Diễm Thi : Trước đây nhiều ý kiến nói rõ ông Trần Bắc Hà có mối liên hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về điều này ông có ý kiến gì ?

tran3

Ông Trần Bắc Hà (áo xanh ngoài cùng bên phải) trong chuyến công du Ấn Độ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2014 - Courtesy Fb Truong Huy San

Phạm Chí Dũng : Trần Bắc Hà được xem là một quan chức dù chỉ là doanh nghiệp nhưng trước đây đóng vai trò khá tích cực liên quan tới Ngân hàng Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trần Bắc Hà cũng được coi là một cánh tay mặt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thời kỳ trước đây. Mà Thống đốc Bình lại là cánh tay mặt của Thủ tướng Dũng. Trần Bắc Hà nắm rất nhiều thông tin, rất nhiều vụ việc.

Khi Trần Bắc Hà bị bắt vào tháng 11/2018 thì đã dậy lên đồn đoán về khả năng từ nhân vật Trần Bắc Hà sẽ 'phăng' ra rất nhiều quan chức cấp cao khác.

Diễm Thi : Điều này khiến có liên tưởng đến một số trường hợp chết mà người ta thường dùng từ ‘giết người, diệt khẩu’, theo ông trong trường hợp ông Trần Bắc Hà vừa qua đời có thể có hay không ?

Phạm Chí Dũng : Điều này làm chúng ta nhớ lại cái chết đầu năm 2014 của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - thình lình chết trong quá trình dưỡng bệnh. Cái chết đó đến nay vẫn để lại một câu hỏi là liệu có bàn tay nào làm cho ông ta phải chết hay không.

Liệu có bàn tay nào đó đã làm cho Trần Bắc Hà phải chết hay đó là cái chết tự nhiên, là điều dư luận đang dậy sóng và đặt câu hỏi. Thậm chí người ta còn nghi vấn liệu có việc "giết người diệt khẩu" hay không.

Tôi cho là không loại trừ khả năng đó, bởi Việt Nam hiện nay bên ngoài mang vẻ bình yên, êm ả nhưng bên trong lại rất lộn xộn. Chính trường lộn xộn, nội bộ lộn xộn, các phe phái tranh giành quyền lực lẫn nhau. Đã có rất nhiều thông tin được đưa lên mạng xã hội, tuy không được kiểm chứng, nhưng nó cho thấy khả năng bị đầu độc bằng cách này cách khác có thể đã xảy ra.

Diễm Thi : Ông Trần Bắc Hà được bệnh viện xác định 'chết bên ngoài bệnh viện’. Điều này có ảnh hưởng gì đến nơi giam giữ ông Hà trước đó hay không, thưa ông ?

Phạm Chí Dũng : Nếu như vụ việc Trần Bắc Hà bị giam giữ bên tuyến của quân đội chứ không phải bên công an là đúng, thì việc Trần Bắc Hà chết và thông tin tràn ngập ngay trong ngày đã ảnh hưởng khá nhiều về bên quân đội. Tôi nghĩ rằng điều đó không tốt cho cái được gọi là "uy tín" của cơ quan bên quân đội, nơi giam giữ Trần Bắc Hà.

Có lẽ sau sự việc này sẽ xảy ra một cuộc tranh cãi và vật lộn giữa các cơ quan với nhau, nghi ngờ lẫn nhau. Và có lẽ hứa hẹn sẽ là một cuộc đấu nảy lửa quanh việc truy tìm nguồn gốc vì sao Trần Bắc Hà chết và ai đã đưa tin Trần Bắc Hà chết ra ngoài.

Theo tôi thì những thông tin như thế này không thể lọt ra bên ngoài trừ khi có chủ trương ; chiến thuật ; thủ thuật nào đó về mặt chính trị. Dường như có bàn tay nào đó tung thông tin từ bên trong nội bộ ra bên ngoài.

Diễm Thi : Ông Trần Bắc Hà qua đời có ảnh hưởng đến việc điều tra vụ án không, thưa ông ?

Phạm Chí Dũng : Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, khi bị can chết thì vụ án được đình chỉ. Nhưng cần phải nói rõ là chỉ đình chỉ đối với bị can đó thôi, chứ còn những bị can khác liên quan đến ông Trần Bắc Hà thì vẫn tiếp tục điều tra.

Vấn đề tôi muốn nói là khi đình chỉ vụ án với Trần Bắc Hà thì một vụ án khác liên quan đến ông Hà có lẽ sẽ được mở ra, có thể còn dữ dội hơn, đó là liệu có bàn tay nào làm Trần Bắc Hà chết hay không ?

Theo tôi là cuộc điều tra này sẽ huy động lực lượng còn lớn hơn cuộc điều tra cũ đối với Trần Bắc Hà bởi nó sẽ được mở rộng tới nhiều tuyến, nhiều giới, nhiều giới, nhiều quan chức khác nhau.

Chắc chắc cái chết của Trần Bắc Hà sẽ khiến một số quan chức vui mừng vì không muốn bị Trần Bắc Hà khai ra hoặc không muốn bị Trần Bắc Hà là nhân chứng tố cáo họ trước tòa án. Những gì Trần Bắc Hà đã khai trước đây (nếu có) thì vẫn có giá trị, chỉ có điều không biết Trần Bắc Hà đã khai ra những gì và những lời khai đó dẫn đến những vụ việc lớn nào và những quan chức lớn nào. Cái đó thì chưa thể biết vì nằm trong hồ sơ của Cơ quan Điều tra.

Diễm Thi : Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 19/07/2019

*******************

Trần Bắc Hà, đàn em thân tín của Nguyễn Tấn Dũng, chết trong tù

T.K., Người Việt, 18/07/2019

Ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), người còn được biết đến là một đàn em thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đột ngột chết trong tù sau hơn bảy tháng bị khởi tố, tạm giam.

tran4

Trần Bắc Hà và Nguyễn Tấn Dũng. (Hình : Facebook Khanh vũ)

Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin vào Thứ Năm, 18/7.

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày tường thuật : "Ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở một trại quân đội tại Sóc Sơn và được xác định tử vong với nguyên nhân được cho là ‘bị bệnh’. Nguồn tin xác nhận ông Bắc Hà được đưa vào Viện 105 sáng 18/7 và được xác định ‘tử vong ngoại viện’ (mất trước khi đưa vào bệnh viện). Ông Hà nhiều năm nay có trọng bệnh về gan và từng chữa trị ở nước ngoài".

Hồi tháng 11/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thời điểm đó, mạng xã hội dậy sóng trước tin ông Trần Bắc Hà bị bắt ở ở Pakse, Lào, và dẫn giải về Việt Nam, vì từng có tin đồn ông Hà bị ung thư và điều trị tại Singapore.

Do ông Hà khá kín tiếng trên truyền thông nhà nước, nên có nhiều "giai thoại" về ông được lan truyền trên mạng xã hội, và một số blogger tin rằng ông "từng phang cả ghế vào vị phó chủ tịch tỉnh Bình Định ; chửi quan chức cấp tỉnh như chửi con ở ; nằng nặc đòi hút thuốc giữa sàn chứng khoán Tokyo ; bắt cả chuyến bay dừng lại đợi mình tới trễ…".

Đến tháng 3/2019, ông Trần Duy Tùng, 34 tuổi, con trai ông Trần Bắc Hà và là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần An Phú ở Quy Nhơn, Bình Định – cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Tin gần đây nhất là hôm 15/7, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Định cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh này đã ban hành tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án tại khu đất K200 trên đường An Dương Vương, sát bờ biển Quy Nhơn. Đây là "khu đất vàng" từng được ưu ái giao cho ông Trần Duy Tùng.

Vào cuối tháng 5/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận về những vi phạm của ông Trần Bắc Hà trong vụ án Ngân hàng BIDV là rất nghiêm trọng.

Những sai phạm của ông Trần Bắc Hà được kể ra như "vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, bao gồm việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng (hơn 20,1 triệu USD) với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB)".

Sau kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng Sáu, 2018, ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật bằng hình thức "khai trừ khỏi đảng cộng sản Việt Nam". Quyết định này đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận vì theo phân tích của những nhà quan sát chính sự Việt Nam, ông Hà từng có một vai trò rất quan trọng bên cạnh ông Nguyễn Tấn Dũng.

Theo nhận định của một số nhà báo độc lập ở Việt Nam, mặc dù lúc đó ông Hà chỉ là chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV nhưng qua mặt cả ông Nguyễn Văn Bình, là thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhiều nguồn thạo tin trong nước còn biết đến ông Trần Bắc Hà là một Phật tử mộ đạo, cúng dường vô số cho nhiều chùa chiền.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, có 35 năm làm việc tại BIDV. Với 8 năm 8 tháng giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV, ông Hà được coi là "linh hồn" của ngân hàng này trong suốt thời gian dài. Thế nhưng, công luận biết đến ông Trần Bắc Hà nhiều hơn ở vị thế là "đàn em thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có quyền uy đầy tai tiếng một thời". (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 860 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)