Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một bài viết mang tựa đề rất ấn tượng "Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng C03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan" của một tác giả ẩn danh hiện ra trên mạng xã hội vào đầu tháng Tám, 2019 – xảy ra gần như đồng thời với thời điểm "lên tiếng" của phát ngôn viên Bộ Công an là Lương Tam Quang về "cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả" – đã vô hình trung tiết lộ nhiều dấu hiệu và dấu vết mang "mùi" gấu ó nội bộ.

tbh1

Tang lễ Trần Bắc Hà diễn ra hôm 22 tháng Bảy. (Hình : Tiền Phong)

Từ sự mô tả của bài viết trên về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu "nhân quyền" và sau đó phải tuyệt thực đến chết, cùng tên và chức danh một số điều tra viên phụ trách vụ án Trần Bắc Hà chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào…

Có thể xác định gần như chắc chắn là bài viết này được đạo diễn, viết ra và loan tải công khai trên mạng xã hội bởi một số, nếu không muốn nói là một thế lực chính trị trong nội bộ đảng. Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong khoảng một thập niên qua và đã dẫn đến một kết luận như đinh đóng cột rằng, chỉ có những tác giả nằm sâu trong nội bộ đảng mới có được thông tin sắc đến thế.

Một khi bài viết trên có nguồn tin từ nội bộ đảng, có thể cho rằng tính xác cứ của một số thông tin trong bài viết này là đáng tham khảo hoặc đáng tin cậy.

Hình thức thông tin này cũng rất giống cách thức đưa tin của trang mạng Chân Dung Quyền Lực về Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh trong những ngày gần đất xa trời vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 (bệnh viện ở Mỹ nơi ông Thanh điều trị, tình trạng sức khỏe của ông Thanh, số hiệu chuyến bay và ngày giờ chuyến bay đưa ông Thanh về Đà Nẵng, cái chết thực thể của ông Thanh trong lúc báo chí nhà nước vẫn ra rả dẫn lời quan chức quản lý y tế về "tau khỏe mà, có chi mô"…).

Hoặc cũng khá giống với cách thức đưa tin của một vài trang mạng xã hội về Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh (đi chữa bệnh ở Pháp, chuyến bay về Việt Nam, nhân vật đóng thế Phùng Quang Thanh…).

Việc kiểm nghiệm lại thông tin của trang mạng Chân Dung Quyền Lực sau khi Nguyễn Bá Thanh được chính quyền thông báo chính thức qua đời, cũng như kiểm nghiệm lại thông tin mạng xã hội sau khi Phùng Quang Thanh chính thức "biến mất" khỏi chính trường kể từ khi trở về từ Pháp, đã cho thấy những thông tin trên mạng xã hội là cơ bản phù hợp với thực tế diễn biến của hai vụ việc đình đám đó.

Nhưng vào lần này, có sự khác biệt cơ bản giữa một kết luận rất quan trọng của bài viết "Sự thật cái chết của Trần Bắc Hà…" của tác giả ẩn danh với những gì xảy ra ngay sau cái chết này.

Tuyệt thực hay bị diệt khẩu ?

Bài "Sự thật cái chết của Trần Bắc Hà…" đã chỉ xoáy vào trách nhiệm của Bộ Công an đối với cái chết của Trần Bắc Hà mà không hề nói đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, dù Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam 771 của Bộ Quốc phòng chứ không phải trong trại tạm giam của công an.

Vì sao thế ? Phải chăng tác giả, hoặc nhóm tác giả của bài viết này được đạo diễn bởi một bàn tay nào đó bên quân đội ?

Cũng theo bài viết trên, nguyên nhân Trần Bắc Hà chết là do tuyệt thực – khác với đồn đoán đã dậy sóng về việc Trần Bắc Hà bị đầu độc hoặc bị ám sát trong trại giam nhằm diệt khẩu. Nếu quả đúng là Trần Bắc Hà chết do tuyệt thực, đó là nguyên nhân dễ chịu nhất để khi bị quy trách nhiệm về việc để Trần Bắc Hà chết trong thời gian bị tạm giam, trại giam đang "phụ trách" Trần Bắc Hà (Trại 771) và cấp trên của nó (Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc phòng) sẽ phải chịu mức kỷ luật nhẹ nhàng nhất.

Thế nhưng lại có dấu hiệu về cái chết của Trần Bắc Hà không phải do tuyệt thực.

Vào ngày 18 tháng Bảy khi Trần Bắc Hà được báo chí nhà nước, có thông tin từ nguồn tin nào đó trong nội bộ, bất ngờ cho biết ông ta "tử vong ngoại viện". Một số tờ báo thậm chí còn khẳng định Trần Bắc Hà chết do bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, hoặc do bệnh cao huyết áp – những bệnh lý mà hẳn báo nhà nước đã được ai đó mớm cho để đăng tải nhằm định hướng dư luận rằng cái chết của Trần Bắc Hà là rất bình thường.

Thế nhưng từ đó đến nay lại không có bất kỳ lời nhận xét nào của bệnh viện quân y 105 – nơi Trần Bắc Hà được đưa đến cấp cứu, cũng chẳng có bất kỳ thông tin nào từ cơ quan pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết của Trần Bắc Hà, trong khi việc khám nghiệm tử thi và đưa ra kết luận là quá đơn giản với các cơ quan này, nếu quả đúng Trần Bắc Hà đã tuyệt thực mà chết.

Chỉ đến cuối tháng Bảy năm 2019, không phải Cục Điều Tra Hình Sự Bộ Quốc phòng mà là Trung Tướng Lương Tam Quang (phát ngôn viên của Bộ Công an) cho báo chí biết là việc giảo nghiệm tử thi (khám nghiệm tử thi) được chủ trì bởi Bộ Quốc phòng.

Vì sao việc giảo nghiệm tử thi được chủ trì bởi Bộ Quốc phòng mà không phải bởi Bộ Công an, trong khi Trần Bắc Hà bị bắt bởi công an chứ không phải quân đội ? Và vì sao Trần Bắc Hà được thông báo chết ngày 18 tháng Bảy, đã được chôn cất sau đó nhưng đến cuối tháng Bảy mới có tin về giảo nghiệm tử thi ? Phải chăng đã có nghi ngờ về cái chết này không phải là "tự chết" mà bởi một nguyên do ẩn khuất ?

Những câu hỏi trên lại cần được khớp nối với những dấu hỏi trước đó vào lúc hiện ra thông tin Trần Bắc Hà "tử vong ngoại viện" : Vì sao Trần Bắc Hà bị bắt bởi công an nhưng lại chuyển sang giam tại trạm tạm giam quân đội chứ không phải trại tạm giam công an ?

Phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội ? Hoặc thuộc loại án "an ninh quốc gia" nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng Cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an ?

Hay do "Tổng Tịch" Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an – nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên "đội hình chiến lược" các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội – khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn ?

Và nếu Trần Bắc Hà không phải chết do tuyệt thực thì ông ta đã bị ai giết ?

Trong khi vụ Trần Bắc Hà đã xuôi tay khó bề nhắm mắt vẫn chìm trong màn sương mù mờ đục lạnh lẽo, Nguyễn Phú Trọng đã mất đi một nguồn thông tin và cũng là nhân chứng cực kỳ quan trọng nhằm phục vụ cho quy trình tố tụng hình sự những cái bóng thấp thoáng sau lưng Trần Bắc Hà.

Bầu không khí vụ án, hoặc kỳ án Trần Bắc Hà, đang trôi ngược về thời gian cuối năm 2014, phảng phất hương hồn Nguyễn Bá Thanh sau khi lan tràn đồn đoán ông ta bị đầu độc.

Và cả hương hồn của những kẻ còn sống sót. Sát cạnh "tử thi ngoại viện" Trần Bắc Hà… 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 11/08/2019

Published in Diễn đàn

Hai tuần sau khi được báo chí nhà nước thông tin ‘tử vong ngoại viện’ vào ngày 18/07/2019 cùng lời phát ngôn như thể thanh minh của lãnh đạo Quân y viện 105 ‘Bệnh viện không tác động gì về mặt chuyên môn đối với ông Trần Bắc Hà’ và ‘Bệnh viện không chịu trách nhiệm pháp y’, cái chết của nhận vật từng một thời đình đám ‘lưu manh ngân hàng’ đồng thời là ‘cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng’ vẫn còn nguyên ẩn số với mối nghi ngờ rất lớn về yếu tố thực chất của nó.

tbh1

Trần Bắc Hà thời còn làm chủ tịch BIVD. (Hình : Screenshot từ VietnamFinance.vn)

Những dấu hỏi phát sinh

Ngày cuối tháng 7 năm 2019, Bộ Công an một lần nữa ‘lên tiếng’ về cái chết của Trần Bắc Hà, sau một thời gian khá dài gần như bị ‘á khẩu’.

"Hiện nay Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang chủ trì khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà" - Trung tướng Lương Tam Quan, Chánh văn phòng Bộ Công an nói như thế khi trả lời câu hỏi của báo giới về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên tướng Quang lại thòng thêm câu "cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả".

Lương Tam Quan luôn khiến nhiều người nhớ về ông ta như một người phát ngôn ‘chưa có thông tin’ trước dư luận và báo chí đã trở nên rất sôi động trong hai lần rộ lên thông tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt tại cửa khẩu biên giới Singapore - Malaysia vào tháng Giêng năm 2018, và vụ Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bị ‘câu lưu’ vào tháng 3 năm 2018. Trong ít nhất hai lần đó, tướng Quang hoặc bị ‘hố’ nặng, hoặc đã trở thành dẫn chứng rất tiêu biểu cho tình trạng cực kỳ thiếu minh bạch thông tin trong hoạt động của Bộ Công an.

Còn vào lần này, lại một lần nữa tướng Quang ‘chưa có thông tin’. Vậy vì sao vào lúc Trần Bắc Hà chết, một số tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin nguyên nhân tử vong là do bị bệnh gan và cao huyết áp - những bệnh lý quá sức đơn giản đối với công tác pháp y, nhưng cho tới nay cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra công an và Cục Điều tra hình sự quốc phòng vẫn chưa ‘điều tra’ làm rõ được ?

Phải chăng đã có một khuất tất đủ lớn hoặc đủ ghê gớm nào đó mà đã khiến các cơ quan trên không chỉ ngậm tăm trong suốt thời gian qua mà còn chẳng dám hứa hẹn gì về việc sẽ thông tin về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà trong thời gian tới ?

Dấu hỏi trên lại khiến người ta nhớ lại những dấu hỏi khác đã hiện ra ngay vào lúc có tin Trần Bắc Hà ‘tử vong ngoại viện’ : từ bản tin của báo Tuổi Trẻ về cái chết của Trần Bắc Hà đã lần đầu tiên cho biết Hà chết trong khi đang ở trong trại giam quân đội tại Sóc Sơn (Trại 771), phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội ? Hoặc thuộc loại án ‘an ninh quốc gia’ nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an ? Hay do ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an - nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên ‘đội hình chiến lược’ các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội - khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn ?

‘Mùi’ gì từ một bài viết ẩn danh ?

Trong khi những dấu hỏi trên chưa có cơ may nào được làm rõ, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết mang tựa đề rất ấn tượng "Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng C03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan" của một tác giả ẩn danh.

Theo tác giả này, việc chuyển bị can sang tạm giam tại Trại 771 chỉ áp dụng đối bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chuyên án ma tuý, hoặc vụ án mà bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bí mật nhà nước...

Cũng theo tác giả này, việc không cho phép bị can Trần Bắc Hà được hưởng quyền của bị can theo luật định, việc chuyển bị can sang Trại 711 không đúng quy định để giam giữ theo hình thức biệt giam trong những ngày hè nắng nóng... của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 rõ ràng có đủ dấu hiệu mặt khách quan của hành vi sử dụng nhục hình, song là cách dùng nhục hình hết sức tinh vi, lách luật nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với bị can Trần Bắc Hà. Hành vi này đã xâm phạm quyền con người, vi phạm Công ước Chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1987 ; bị cấm trong hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm là : "Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".

Đáng chú ý, bài viết trên đã mô tả về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu ‘nhân quyền’ và sau đó phải tuyệt thực đến chết… rất chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào.

Bài viết trên đã xuất hiện gần như đồng thời với thời điểm ‘lên tiếng’ của người phát ngôn Bộ Công an là Lương Tam Quang - như một đòn phản bác dữ dội vào bộ này.

Mặc dù nhiều chi tiết của tác giả ẩn danh trên được cho là rất khó để kiểm chứng về tính xác thực của chúng, nhưng sự xuất hiện của bài viết rất chi tiết này - vào đúng lúc hai cơ quan điều ta của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có vẻ còn đang lúng túng chưa biết nên công bố nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà là do đâu hay ai đã làm cho Trần Bắc Hà phải ‘tử vong ngoại viện’ - đã khiến nồng lên một thứ mùi rất đặc trưng : mùi đấu đá phe phái.

Hầu như có thể chắc chắn là bài viết của tác giả ẩn danh trên - lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội - sẽ trở thành tâm điểm ‘điều nghiên’ của không chỉ hai cơ quan Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, mà còn có thể gây xáo động trong phòng họp của Bộ Chính trị đảng và các phòng họp cơ mật khác.

Cách đặt vấn đề và lối hành văn dẫn dắt chi tiết của bài viết trên còn cho thấy tác giả - mà đứng phía sau có thể là một lực lượng chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền - không chỉ dừng lại ở việc quy kết ‘trách nhiệm hình sự’ đối với Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, mà còn có thể sẽ nêu ra những cái tên khác, ở cấp cao hơn.

Cái chết ‘tử vong ngoại viện’ của Trần Bắc Hà cũng bởi thế nhiều hứa hẹn trở thành một cái cớ xác đáng để thổi bùng một cơn địa chấn không mấy êm dịu vào thời kỳ ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’, đặc biệt trước thềm những hội nghị trung ương quyết liệt ‘làm nhân sự’ sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VOA, 02/08/2019

********************

Bộ Công an vẫn đang xác minh nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà (RFA, 02/08/2019)

Bộ Công an Việt Nam vẫn đang phối hợp với Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) chủ trì việc khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, người vừa qua đời trong trại tạm giam quân đội hôm 18/7 khi đang bị giam giữ để điều tra các sai phạm trong thời gian đương chức.

tbh2

Ông Trần Bắc Hà, nguyên cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Courtesy of thuonggiaoonline.vn

Truyền thông trong nước loan tin hôm 2/8 dẫn lời của Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều 1/8 tại Hà Nội.

Hôm 18/7 vừa qua, báo chí nhà nước loan tin ông Trần Bắc Hà đột ngột qua đời tại trại tạm giam quân đội ở Sóc Sơn sau 7 tháng bị tạm giam.

Báo trong nước dẫn một nguồn tin không nêu tên xác nhận ông Hà qua đời vì nguyên nhân bệnh lý trước khi đưa vào bệnh viện 105. Ông Hà được nói từng có bệnh về gan trong nhiều năm và từng đi chữa ở nước ngoài.

Mạng báo Thanh Niên sau đó loan tin cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi ông Trần Bắc Hà vào chiều 18/7. Thân nhân của ông Hà được nói có mặt ở bệnh viện và sẽ đưa thi thể ông này về quê an táng sau quá trình khám nghiệm tử thi.

Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà bị Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố và bắt tạm giam, khám xét nơi ở với cáo buộc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự 2015.

Ông Hà và 3 thuộc cấp bị nói gây ra sai phạm tại dự án vay vốn chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Trần Bắc Hà được nói là một trong những người thân cận của ông Dũng và là nhân vật nắm ‘tay hòm, chìa khóa’ của ông Thủ tướng lúc đó.

Published in Diễn đàn

Sự kiện Trần Bắc Hà : chết vui, sống buồn ?

An Viên, VNTB, 20/07/2019

Ông Trần Bắc Hà tử vong khi đến bệnh viện, mặc dù bản thân ông có tiền sử về bệnh gan, nhưng cái chết trong lúc lò đang nóng đã khiến cái chết trở nên… bất thường.

tran1

Ảnh minh họa - VietnamNet 

Có hai yếu tố khiến tính chất bất thường được tạo nên, một là ông là quan chức trong bộ máy chính quyền, và hai là ông có liên quan đến đường dây lợi ích nhóm khổng lồ mà bản thân chính quyền đương nhiệm đang muốn giải mã.

Nhà báo Phạm Việt Thắng trên trang Facebook cá nhân của mình đã bày tỏ quan điểm trong sự kiện này bằng hai bài thơ trong ngày 18/7.

"Bắc Hà chết, hỏi ai vui ?

Bạn ai không biết, còn tui ba Xờ !",

"Đêm qua anh chết trong lao

Thế là lò tắt, xôn xao miệng người

Anh chết khối kẻ mỉm cười

Phường tham nhũng, cả một trời đứa vui".

Facebooker Nguyễn Đình Hùng trong một phản hồi bày tỏ, ông Trần Bắc Hà tử vong là do gan, nhưng là gan lỳ. Những hình ảnh gắn liền giữa Trần Bắc Hà và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được khơi gợi lại, và luôn đi kèm với mô tả, "đàn em thân tín của ông Dũng đã chết trong tù".

Nhưng chết liệu phải đã hết, bởi chính trường Việt Nam dường như không quy định một lệ nào có liên quan đến những cái chết bất thường. Có cái chết của tướng Ngọ khiến câu chuyện chống tham nhũng trở nên đứt đoạn, nhưng cái chết của tướng Quang lại mở đường cho nhóm lò mạnh hơn ở khối ngành công an, vậy thì cái chết của Trần Bắc Hà, tướng – tư lệnh BIDV thì sao ? Khó có thể đánh giá, nhưng nếu thực sự ông Bắc Hà "gan lỳ", và không bị ảnh hưởng bị việc con trai đã bị bắt, thì đúng như nhà báo Phạm Việt Thắng, "thế là lò tắt". Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự phỏng đoán, thậm chí những tin đồn đại trên mạng xã hội Facebooker cũng không khác gì bữa trà đá, nơi mà nhiều thuyết âm mưa đặt ra và nhiều tin đồn được giật lên để câu like.

Với 7 tháng tạm giam, có thể ông Trần Bắc Hà đã khai đủ để phía cơ quan điều tra tiếp tục công việc, và quy tắc "trọng chứng hơn trọng cung" có thể sẽ được bổ sung một cách gián tiếp bằng nhân chứng thứ cấp, thông qua lời khai của ông Trần Bắc Hà trước đó. Và như thế, lần này, "những giọt nước mắt còn lâu mới chịu khô" sẽ khó có thể được định hình trên khuôn mặt ông Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng.

Quay trở lại căn bệnh của ông Trần Bắc Hà, bệnh gan của ông Hà được ghi nhận, và việc duy trì đến 7 tháng là nỗ lực của chính phía cơ quan điều tra. Ít nhất, những căn bệnh này có thể khiến ông Hà chết nhanh hơn, bởi tình trạng đi xuống về tâm lý.

Có hẳn một nghiên cứu liên quan đến những cái chết bất thường của quan tham Trung Quốc, mà qua đó có thể nhận diện căn bệnh và cái chết của ông Trần Bắc Hà.

Nghiên cứu Rui-Xing Yin cho thấy, cái chết không tự nhiên của nhóm quan chức chính phủ cho thấy đến từ, tự tử, tử vong do tai nạn, bị giết và bị kết án tử hình. Nguyên nhân chính dẫn đến tự tử là do trầm cảm (32,26%), sợ hình phạt, các bệnh khác (5,38%). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cái chết không tự nhiên là tự tử và tử vong do tai nạn, và nguyên nhân chính của tự tử là trầm cảm và sợ hãi hình phạt trong các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, tự sát là hành vi được liên kết giữa các yếu tố xã hội và môi trường, gắn với nhiều đặc điểm và nhược điểm trên mức độ cá nhân, liên quan đến đặc điểm sinh học, tâm lý. Và áp lực công việc quá mức hay bị cáo buộc tham nhũng (dẫn đến tâm lý sợ hãi) có thể thúc đẩy các vụ tự tử chính thức.

Bản thân khi các bê bối được tiết lộ, thì tỷ lệ tự tử ở cá nhân tăng lên tránh bị trừng phạt bởi pháp luật, hoặc thuần túy là làm gián đoạn dấu vết điều tra để bảo vệ quyền lợi được giao phó trước đó. Thậm chí, xu hướng tự tử còn được hiểu như là một hệ quả của quá trình bị "cưỡng bức", Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương, người đã "tự tử" khi đang quản chế tại nhà (25/11/2017), trong bối cảnh đang bị điều tra liên quan đến hai tướng bị bắt là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình là một ví dụ.

Quay lại với cái chết của ông Trần Bắc Hà, ông ta có thể chết vì bệnh lý hoặc chết vì nhằm gián đoạn dấu vết điều tra, nhưng dù lý do nào đi chăng nữa, thì cái chết đó cũng phù hợp với nhu cầu và lợi quyền chính trị của không ít người.

Ở một khía cạnh khác, ông Bắc Hà ra đi để lại những tiếng xì xào của người đời, một gia đình tan nát, với con trai đang trong trại giam và tài sản bị truy thu. Nhìn về Bắc Hà, "thương tiếc" thì ít, mà chửi rủa và hiếu kỳ thì nhiều. Và trong trường hợp này, câu thơ dân gian lại phản ánh đúng và đầy về câu chuyện Bắc Hà.

"Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương".

Nhưng có lẽ điều cay đắng nhất mà ông Trần Bắc Hà có lẽ nhận ra ở cuối đời, đó là bản thân cái chết của ông trở thành một màn bi hài kịch, khi sự ra đi khiến không ít người buồn, nhưng người vui lại là những đồng minh một thời của ông.

An Viên

Nguồn : VNTB, 20/07/2019

*******************

Những điểm bất thường quanh cái chết của Trần Bắc Hà !

Phạm Chí Dũng-Diễm Thi, RFA, 19/07/2019

Trưa 18/7/2019, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam điều tra về tội vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng. RFA phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, người từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.

tran2

Ông Trần Bắc Hà - Courtesy of giaothong.vn

Diễm Thi : Dư luận đang xôn xao về cái chết của ông Trần Bắc Hà vì ông này qua đời khi đang bị giam để điều tra. Nhận định của một người quan sát thời cuộc tại Việt Nam của ông về trường hợp này là gì ?

Phạm Chí Dũng : Theo tôi thì có một số điểm bất thường trong cái chết này.

Điểm bất thường thứ nhất là theo thông tin của báo chí Nhà nước đưa, té ra Trần Bắc Hà bị tạm giam trong một trại giam của quân đội ở Sóc Sơn, Hà Nội chứ không phải một trại tạm giam của Bộ Công an, trong khi Bộ Công an bắt Trần Bắc Hà vào tháng 11/2018.

Theo quy trình của bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan nào bắt thì cơ quan đó tạm giam.

Điểm bất thường thứ hai là khi Trần Bắc Hà chết, nơi giữ xác của Trần Bắc Hà lại là Bệnh viện 105 của Bộ Quốc phòng, cũng không phải là bệnh viện của Bộ Công an. Đến chiều ngày 18/7, báo chí đã chụp một số tấm ảnh cho thấy một số sĩ quan mặc quân phục của Bộ Quốc phòng vào Bệnh viện 105 và bệnh viện này được bảo vệ nghiêm ngặt tối đa.

Điều đó cho thấy vấn đề của Trần Bắc Hà dường như đã được chuyển toàn bộ sang Bộ Quốc phòng. Phải chăng vấn đề của Trần Bắc Hà không đơn thuần là những vụ án sai phạm kinh tế, mà nó còn liên quan tới những vấn đề khác sâu bên trong nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt liên quan tới những quan chức cấp cao về mặt kinh tế cũng như chính trị.

Điểm bất thường thứ ba là nguyên nhân ông Trần Bắc Hà chết thì có báo nói là do cao huyết áp, có báo nói do mắc bệnh hiểm nghèo về gan, nhưng Bệnh viện 105 xác định ông Hà chết bên ngoài bệnh viện, chết trước khi đến bệnh viện mà có thể hiểu là chết trong trại giam. Điều đó có nghĩa là cái chết này xảy ra rất nhanh. Liệu có một chất "xúc tác" gì đó mà nó gây đột tử cho Trần Bắc Hà hay không ?

Điểm bất thường thứ tư cần xem xét là những cái chết trong trại tạm giam quân đội và công an đều rất bí mật mà bên ngoài không thể biết được. Nhưng chỉ đầu giờ sáng ngày 18/7/2019 thì trên mạng xã hội đã có thông tin Trần Bắc Hà chết, và đến buổi trưa thì được báo chí Nhà nước xác nhận.

Làm sao tin tức rất nội bộ trong trại giam có thể lên mạng xã hội và báo chí Nhà nước nhanh như thế. Liệu có một chủ trương nào đó cho phép báo chí Nhà nước đăng những tin tức như thế này hay không ?

Diễm Thi : Vì sao ông lại có những kết luận bất thường như thế, thưa ông ?

Phạm Chí Dũng : Trước đây Trần Bắc Hà được coi là trùm mafia tài chính, nhưng cũng được coi là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị, thậm chí làm chính trị, làm công tác tổ chức nhân sự cấp ủy viên trung ương. Do đó việc Trần Bắc Hà bị bắt cũng có thể dính dáng đến những vụ việc khác như an ninh quốc gia, cho nên cả Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều quản lý ông ta sau khi bị bắt. Đó là dấu hỏi thứ nhất.

Một dấu hỏi nữa là phải chăng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà, ông Nguyễn Phú Trọng không tin tưởng Bộ Công an cho nên đã giao Trần Bắc Hà cho nơi mà ông ta có vẻ tin tưởng hơn là Bộ Quốc phòng mà cụ thể là Tổng cục 2, tức là tổng cục tình báo của Bộ Quốc phòng.

Diễm Thi : Trước đây nhiều ý kiến nói rõ ông Trần Bắc Hà có mối liên hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về điều này ông có ý kiến gì ?

tran3

Ông Trần Bắc Hà (áo xanh ngoài cùng bên phải) trong chuyến công du Ấn Độ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2014 - Courtesy Fb Truong Huy San

Phạm Chí Dũng : Trần Bắc Hà được xem là một quan chức dù chỉ là doanh nghiệp nhưng trước đây đóng vai trò khá tích cực liên quan tới Ngân hàng Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trần Bắc Hà cũng được coi là một cánh tay mặt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thời kỳ trước đây. Mà Thống đốc Bình lại là cánh tay mặt của Thủ tướng Dũng. Trần Bắc Hà nắm rất nhiều thông tin, rất nhiều vụ việc.

Khi Trần Bắc Hà bị bắt vào tháng 11/2018 thì đã dậy lên đồn đoán về khả năng từ nhân vật Trần Bắc Hà sẽ 'phăng' ra rất nhiều quan chức cấp cao khác.

Diễm Thi : Điều này khiến có liên tưởng đến một số trường hợp chết mà người ta thường dùng từ ‘giết người, diệt khẩu’, theo ông trong trường hợp ông Trần Bắc Hà vừa qua đời có thể có hay không ?

Phạm Chí Dũng : Điều này làm chúng ta nhớ lại cái chết đầu năm 2014 của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - thình lình chết trong quá trình dưỡng bệnh. Cái chết đó đến nay vẫn để lại một câu hỏi là liệu có bàn tay nào làm cho ông ta phải chết hay không.

Liệu có bàn tay nào đó đã làm cho Trần Bắc Hà phải chết hay đó là cái chết tự nhiên, là điều dư luận đang dậy sóng và đặt câu hỏi. Thậm chí người ta còn nghi vấn liệu có việc "giết người diệt khẩu" hay không.

Tôi cho là không loại trừ khả năng đó, bởi Việt Nam hiện nay bên ngoài mang vẻ bình yên, êm ả nhưng bên trong lại rất lộn xộn. Chính trường lộn xộn, nội bộ lộn xộn, các phe phái tranh giành quyền lực lẫn nhau. Đã có rất nhiều thông tin được đưa lên mạng xã hội, tuy không được kiểm chứng, nhưng nó cho thấy khả năng bị đầu độc bằng cách này cách khác có thể đã xảy ra.

Diễm Thi : Ông Trần Bắc Hà được bệnh viện xác định 'chết bên ngoài bệnh viện’. Điều này có ảnh hưởng gì đến nơi giam giữ ông Hà trước đó hay không, thưa ông ?

Phạm Chí Dũng : Nếu như vụ việc Trần Bắc Hà bị giam giữ bên tuyến của quân đội chứ không phải bên công an là đúng, thì việc Trần Bắc Hà chết và thông tin tràn ngập ngay trong ngày đã ảnh hưởng khá nhiều về bên quân đội. Tôi nghĩ rằng điều đó không tốt cho cái được gọi là "uy tín" của cơ quan bên quân đội, nơi giam giữ Trần Bắc Hà.

Có lẽ sau sự việc này sẽ xảy ra một cuộc tranh cãi và vật lộn giữa các cơ quan với nhau, nghi ngờ lẫn nhau. Và có lẽ hứa hẹn sẽ là một cuộc đấu nảy lửa quanh việc truy tìm nguồn gốc vì sao Trần Bắc Hà chết và ai đã đưa tin Trần Bắc Hà chết ra ngoài.

Theo tôi thì những thông tin như thế này không thể lọt ra bên ngoài trừ khi có chủ trương ; chiến thuật ; thủ thuật nào đó về mặt chính trị. Dường như có bàn tay nào đó tung thông tin từ bên trong nội bộ ra bên ngoài.

Diễm Thi : Ông Trần Bắc Hà qua đời có ảnh hưởng đến việc điều tra vụ án không, thưa ông ?

Phạm Chí Dũng : Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, khi bị can chết thì vụ án được đình chỉ. Nhưng cần phải nói rõ là chỉ đình chỉ đối với bị can đó thôi, chứ còn những bị can khác liên quan đến ông Trần Bắc Hà thì vẫn tiếp tục điều tra.

Vấn đề tôi muốn nói là khi đình chỉ vụ án với Trần Bắc Hà thì một vụ án khác liên quan đến ông Hà có lẽ sẽ được mở ra, có thể còn dữ dội hơn, đó là liệu có bàn tay nào làm Trần Bắc Hà chết hay không ?

Theo tôi là cuộc điều tra này sẽ huy động lực lượng còn lớn hơn cuộc điều tra cũ đối với Trần Bắc Hà bởi nó sẽ được mở rộng tới nhiều tuyến, nhiều giới, nhiều giới, nhiều quan chức khác nhau.

Chắc chắc cái chết của Trần Bắc Hà sẽ khiến một số quan chức vui mừng vì không muốn bị Trần Bắc Hà khai ra hoặc không muốn bị Trần Bắc Hà là nhân chứng tố cáo họ trước tòa án. Những gì Trần Bắc Hà đã khai trước đây (nếu có) thì vẫn có giá trị, chỉ có điều không biết Trần Bắc Hà đã khai ra những gì và những lời khai đó dẫn đến những vụ việc lớn nào và những quan chức lớn nào. Cái đó thì chưa thể biết vì nằm trong hồ sơ của Cơ quan Điều tra.

Diễm Thi : Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 19/07/2019

*******************

Trần Bắc Hà, đàn em thân tín của Nguyễn Tấn Dũng, chết trong tù

T.K., Người Việt, 18/07/2019

Ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), người còn được biết đến là một đàn em thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đột ngột chết trong tù sau hơn bảy tháng bị khởi tố, tạm giam.

tran4

Trần Bắc Hà và Nguyễn Tấn Dũng. (Hình : Facebook Khanh vũ)

Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin vào Thứ Năm, 18/7.

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày tường thuật : "Ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở một trại quân đội tại Sóc Sơn và được xác định tử vong với nguyên nhân được cho là ‘bị bệnh’. Nguồn tin xác nhận ông Bắc Hà được đưa vào Viện 105 sáng 18/7 và được xác định ‘tử vong ngoại viện’ (mất trước khi đưa vào bệnh viện). Ông Hà nhiều năm nay có trọng bệnh về gan và từng chữa trị ở nước ngoài".

Hồi tháng 11/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thời điểm đó, mạng xã hội dậy sóng trước tin ông Trần Bắc Hà bị bắt ở ở Pakse, Lào, và dẫn giải về Việt Nam, vì từng có tin đồn ông Hà bị ung thư và điều trị tại Singapore.

Do ông Hà khá kín tiếng trên truyền thông nhà nước, nên có nhiều "giai thoại" về ông được lan truyền trên mạng xã hội, và một số blogger tin rằng ông "từng phang cả ghế vào vị phó chủ tịch tỉnh Bình Định ; chửi quan chức cấp tỉnh như chửi con ở ; nằng nặc đòi hút thuốc giữa sàn chứng khoán Tokyo ; bắt cả chuyến bay dừng lại đợi mình tới trễ…".

Đến tháng 3/2019, ông Trần Duy Tùng, 34 tuổi, con trai ông Trần Bắc Hà và là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần An Phú ở Quy Nhơn, Bình Định – cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Tin gần đây nhất là hôm 15/7, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Định cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh này đã ban hành tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án tại khu đất K200 trên đường An Dương Vương, sát bờ biển Quy Nhơn. Đây là "khu đất vàng" từng được ưu ái giao cho ông Trần Duy Tùng.

Vào cuối tháng 5/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận về những vi phạm của ông Trần Bắc Hà trong vụ án Ngân hàng BIDV là rất nghiêm trọng.

Những sai phạm của ông Trần Bắc Hà được kể ra như "vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, bao gồm việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng (hơn 20,1 triệu USD) với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB)".

Sau kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng Sáu, 2018, ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật bằng hình thức "khai trừ khỏi đảng cộng sản Việt Nam". Quyết định này đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận vì theo phân tích của những nhà quan sát chính sự Việt Nam, ông Hà từng có một vai trò rất quan trọng bên cạnh ông Nguyễn Tấn Dũng.

Theo nhận định của một số nhà báo độc lập ở Việt Nam, mặc dù lúc đó ông Hà chỉ là chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV nhưng qua mặt cả ông Nguyễn Văn Bình, là thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhiều nguồn thạo tin trong nước còn biết đến ông Trần Bắc Hà là một Phật tử mộ đạo, cúng dường vô số cho nhiều chùa chiền.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, có 35 năm làm việc tại BIDV. Với 8 năm 8 tháng giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV, ông Hà được coi là "linh hồn" của ngân hàng này trong suốt thời gian dài. Thế nhưng, công luận biết đến ông Trần Bắc Hà nhiều hơn ở vị thế là "đàn em thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có quyền uy đầy tai tiếng một thời". (T.K.)

Published in Diễn đàn

Chiến dịch bắt Trần Bắc Hà – một quan chức cộng sản bị nhiều dư luận xem là trùm tài phiệt lưu manh và móc đậm dính sâu tới cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – vào cuối tháng Mười Một năm 2018 đã vô tình khiến lộ ra, thêm một lần nữa trong khá nhiều lần chỉ riêng hai năm 2017 và 2018, một bệt màu loang lổ trên bức tranh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" của Bộ Công an Việt Nam.

bca1

Trùm tài phiệt Trần Bắc Hà. (Hình : ndh.vn)

Khi tướng Quang "lên tiếng"…

Ngày 29 tháng Mười Một, 2018, sau thông tin ồn ào trên mạng xã hội về việc Trần Bắc Hà bị bắt, phóng viên của báo Người Đưa Tin đã "săn" Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an. Sau đó, tờ báo này giật tín cho bài tường thuật của mình : "Chánh Văn phòng Bộ Công an lên tiếng về thông tin bắt ông Trần Bắc Hà".

bca2

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an. (Hình : giaoduc.net.vn)

Nhưng tướng Quang đã "lên tiếng" ra sao ?

"Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, ông chưa nhận được thông tin về sự việc này" – báo Người Đưa Tin thuật lại.

Một lần nữa trong nhiều lần, quan chức Chánh Văn phòng – người nắm giữ các kế hoạch làm việc chủ yếu của dàn lãnh đạo bộ này cùng hoạt động của các cục vụ cấp dưới – đã "chưa có thông tin gì" về một vụ việc đầy tràn trên mạng xã hội.

Nhưng đến buổi chiều cùng ngày 29 tháng Mười Một, trang tin điện tử của Bộ Công an đã phải thông tin chính thức về vụ bắt Trần Bắc Hà.

Dù vẫn chẳng có bằng chứng nào cho thấy Thiếu tướng Lương Tam Quang có biết hay không về vụ bắt Trần Bắc Hà, nhưng cái cách ông Quang "lên tiếng" đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong cơ chế phối hợp được tự đánh giá là "đồng bộ, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn" của Bộ Công an.

Một lần nữa, người phát ngôn Bộ Công an lại khiến bộ "đàn áp nhân quyền" này rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, Thiếu tướng Lương Tam Quang đã bị "hố" nặng hai vụ Phan Văn Anh Vũ và Phan Văn Vĩnh.

Cố tình bưng bít thông tin hay chẳng biết gì ?

Vào ngày 31 tháng Mười Hai, 2017, mạng xã hội bất chợt dậy sóng bởi thông tin Phan Văn Anh Vũ bị cơ quan cửa khẩu Singapore tạm giữ tại cửa khẩu Singapore – Malaysia. Sau đó, báo Straits Times của Singapore cũng đăng tin một nhân vật có tên "Phan Van Anh Vu" bị chặn lại tại cửa khẩu Tuas của Singapore ngày 28 tháng Mười Hai.

Đến ngày 2 tháng Giêng, 2018, website của Cơ quan Xuất nhập cảnh (Immigration Checkpoint Authority - ICA) Singapore có tên miền www.ica.gov.sg đã đăng tải thông tin. ICA xác nhận đã tạm giữ người có tên "Phan Van Anh Vu" từ ngày 28 tháng Mười Hai vì "vi phạm quy định Luật Xuất Nhập Cảnh". Khi đó, câu chuyện về Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore đã rất rõ và tràn ngập trên mạng xã hội.

Nhưng vào buổi sáng 3 tháng Giêng, 2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn Phòng Bộ Công an lại cho báo chí nhà nước hay là vẫn chưa nhận được thông tin ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") đang bị tạm giữ tại Singapore.

Chỉ một ngày sau – ngày 4 tháng Giêng, 2018, chính các nhân viên công an của Bộ Công an đã "dẫn độ" Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về sân bay Nội Bài của Việt Nam.

Đến ngày 12 tháng Giêng, 2018, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà – được cho là khá thạo tin tức nội bộ – đã phát tin : "Gần tháng trước, Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club".

Nhưng cùng ngày 12 tháng Giêng, 2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang lại "phản ứng nhanh" khi thông tin cho báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh : "Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì".

Sau Tết Nguyên Đán 2018 ít ngày, cả hai viên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa và Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã phải tra tay vào còng.

Vẫn chưa hết.

"Thứ trưởng Bùi Văn Thành còn rất nhiều việc khác phải làm, tham gia vào rất nhiều công việc khác của Bộ Công an. Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật nhà nước chúng tôi không thể nói được" – Thiếu tướng Lương Tam Quang trả lời báo Giao Thông, liên quan đến việc giải thích với báo chí về tại sao bộ này vừa phải đột ngột "điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng" vào ngày 9 tháng Bảy, 2018.

Trong thực tế, thật khó hình dung "đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành" còn việc gì để làm sau khi toàn bộ chức trách nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ; hậu cần – kỹ thuật của viên thứ trưởng này đã được chuyển giao cho hai viên thứ trưởng khác là Thượng tướng Lê Quý Vương và Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.

Chỉ 4 ngày sau khi "điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng", Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tại phía Nam", mà có thể hiểu là hoạt động "nhận bàn giao công tác".

Thế còn "Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật nhà nước chúng tôi không thể nói được" ?

Từ tháng Tư năm 2017, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu "MẬT" và kể cả "TUYỆT MẬT", mang danh nghĩa Bộ Công an liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu công ty Nova 79 của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") là "công ty bình phong". Dựa vào những văn bản này, Vũ "Nhôm" đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến bất động sản ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ "Nhôm" đã được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50.000 tỷ đồng Việt (khoảng 2,3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.

Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công an ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ "Nhôm" đi "quan hệ" là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành.

Sau đó, cả Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đều bị kỷ luật, tuy chưa bị bắt…

Chưa kể một "hố" khác của Bộ Công an là vụ Trịnh Xuân Thanh : vào cuối tháng Bảy, 2017, ít giờ đồng hồ sau khi nhà báo Huy Đức bất thần đưa tin trên facebook của ông "Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ !". Bộ trưởng công an Tô Lâm lại nói như phân bua với báo chí nhà nước : "Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì" trước câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi của phóng viên Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Để chỉ một ngày sau – ngày 31 tháng Bảy năm 2017 – Trịnh Xuân Thanh dường như đã được đặc cách cho "đầu thú tại trực ban Bộ Công an".

Hoặc Bộ Công an luôn xem dư luận xã hội là ngu ngốc để muốn nói thế nào cũng được, hoặc chính Bộ này thường rơi vào tâm thế "không nói ra thì người ta còn tưởng mình khôn…".

Có mấy Bộ Công an ?

Từ khá lâu nay đã xuất hiện dư luận về "có hai Bộ Công an". Dư luận này càng nổi lên kể từ sự kiện Tổng bí thư Trọng "tự cơ cấu" vào Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương vào cuối năm 2016. Thậm chí còn có dư luận "không phải hai mà có đến ba bộ công an".

Gần hai năm sau đó, thế cục trong Bộ Công an đã chuyển biến lớn với một chiến dịch "thay máu" bộ này, đặc biệt là việc xóa bỏ toàn bộ 6 tổng cục. Cho đến lúc này, vẫn còn tồn tại dư luận về "có ba bộ công an".

Tháng Tám năm 2018, một chiến dịch "thay máu" lần hai ở Bộ Công an đã diễn ra : lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng "nắm" được cả hai Cơ quan An ninh Điều tra và Cơ quan Cảnh sát Điều tra thông qua việc hai viên tướng được xem là "thân Trọng" – Thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an ; và Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an – được bổ nhiệm làm thủ trưởng hai cơ quan này.

Chỉ một tháng sau đó, Trần Đại Quang chết.

Bỗng nhiên sau cái chết của cựu cố bộ trưởng công an Trần Đại Quang, dư luận "ba bộ công an" đã xẹp hẳn. Không biết đã có bao nhiêu và sẽ có bao nhiêu tướng tá thuộc "cánh Quang" đang bị đảng "hồi tố"…

Vào lúc này, chỉ còn dư luận "hai bộ công an".

Không biết hay không được biết thông tin về những vụ mà cả thiên hạ đều biết, những quan chức như Thiếu tướng Lương Tam Quang thuộc về "bộ công an" nào ? 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 09/12/2018

Published in Diễn đàn

Mấy hôm nay khi ông Trần Bắc Hà bị bắt, ngoài việc thi nhau kể những giai thoại về sự ngạo mạn, hung hãn, lố bịch của ông khi còn đắc thế, dân mạng Việt Nam còn chuyền tay nhau một bức ảnh do facebooker Trương Huy San (Huy Đức) đăng lên.

Ông Huy Đức viết : "Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là Phật tổ từng ngồi, Bắc Hà là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng’ ; và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi".

tba1

Ông Trần Bắc Hà (áo xanh ngoài cùng bên phải) trong chuyến công du Ấn Độ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2014 - Courtesy Fb Truong Huy San

Tôi cũng lấy bức ảnh về xem. Trái với ông Huy Đức, tôi thấy dáng ngồi hơi sụm lưng xuống của ông Trần Bắc Hà không có vẻ gì là "rúm ró khác thường". Có thể là ngồi lâu, mệt. Cũng có thể ngồi sụm lưng xuống như thế ông ấy dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, sự thành kính của những vị mặc comple có mặt trong ảnh thể hiện rõ trên từng nét mặt thì khỏi phải bàn. Từ lâu rồi việc số đông quan chức Việt Nam hết lòng tin vào tâm linh và phong thủy không còn là chuyện lạ. Không xác tín được nhưng người ta đồn rằng hầu hết các quan chức lớn đều có một (hoặc một đội) thầy (phong thủy, tướng số, tử vi) riêng, lo từ gót chân lên đỉnh đầu. Xem giờ trước khi quyết định một việc quan trọng đã đành, còn phải xem màu sắc trang phục, hướng ngồi, tuổi tác của thủ hạ thân tín. Không những của bản thân người ấy mà còn của vợ, của chồng họ, để tính toán những gì tả phù hữu bật.

Khi ông Nông Đức Mạnh còn tại vị, người ta đồn mái tóc của ông (rẽ ngôi lệch, ngôi không nằm trên đầu mà nằm tại thái dương) chính là kết quả của thầy tướng số. Chữ ký của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nét gạch đậm ở dưới dài hết bề ngang trang giấy, cũng thế. 

tba2

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với đầu ngôi rẽ (hình chụp ở Hà Nội hôm 25/4/2006) AFP

Người ta kể : đến Tết, việc chính của các phu nhân không phải là ngồi nhà đợi họ hàng (và cấp dưới) đến chúc tết (người ta chúc hết cả trước tết rồi, và phải xếp hàng, trông nhau mà vào chúc). Không. Các quan bà phải lo đi chùa. Cầu khấn, trả lễ, van vái, hứa hẹn thay cho ông. Thường phải đi hết 10 cảnh chùa ngay trong vài ngày đầu năm. Và đi chùa nào, đi giờ nào, "đi" bao nhiêu, thì có thầy tính hộ hết. Vụ này không cần đồn mà tôi làm chứng được.

Thành kính, một lòng một dạ tin tưởng thế cho nên các ngôi chùa to vĩ đại cứ thay nhau mọc lên tại Việt Nam. Cách đây mấy tháng tôi đi Tiền Giang đúng ngay dịp khánh thành ngôi chùa, à không, phải gọi là quần thể chùa, tên là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, chiếm trọn (theo con số trên website Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam là 30 ha ; theo trang vntrip.vn về du lịch thì sau đó 30 ha + 20 ha nữa- "tất cả do phật tử hiến tặng" ; còn theo những người khác đồn, thì hiện tại đang là 60 ha ; chả biết đường nào mà lần) một vùng giữa rừng tràm và rẫy khóm xanh ngắt của huyện Tân Phước.

Bữa ấy, (lại nghe đồn) có một vị hiến tặng tượng phật, nhà chùa làm lễ an vị. Xe hơi xếp hàng dài từ vài cây số ngoài cổng lớn thiền viện. Cách một cây số, công an đã ra hiệu cho xuống xe hết đi bộ vào vì xe quá đông. Xung quanh thiền viện, xe đậu áng chừng cả ngàn chiếc. Trên khu đất mênh mông bạt ngàn những người là người chen chúc. Rất nhiều thanh niên, trung niên mặc đồ lam phật tử, tay cầm bộ đàm, nói giọng Bắc mới đi qua đi lại. Nghe kể những kiến trúc ở đây đều là lấy theo nguyên mẫu bên Ấn Độ, kinh phí tính hàng trăm tỷ.

***

Điểm lại, mới chục năm nay trên ba miền Bắc Trung Nam đã có 4 quần thể chùa to lớn : ở miền Bắc có Bái Đính ; ở miền Trung-Bình Định có Dự án tâm linh Phật pháp Linh Phong của chính ông Trần Bắc Hà vừa bị bắt ; ở miền Nam hồi trước có khu chùa mang cái tên quá oách Đại Nam quốc tự tại Bình Dương, bây giờ chắc Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã thay thế. Và (lại người ta đồn), những dự án chùa này cực kỳ hoành tráng này xây lên đều để làm hòn đá tảng tâm linh cho các vị lãnh đạo, quan chức cấp cao nào đó.

Trái ngược với việc chủ nghĩa cộng sản tuyên bố (và giáo dục chính thống cho) vô thần, thực tế tại Việt Nam, càng ngày người ta càng dễ tin, càng tin say sưa và nhu cầu tin vào những điều vô hình ngày càng tăng. Năm sau cao hơn năm trước.

Bình dân thì lạy rắn, xá cây, vọng hòn đá, rình những sự kiện đặc biệt như đám tang chết bất đắc kỳ tử cùng lúc nhiều người, hay bất cứ cái gì có vẻ lạ lùng để đánh lô đề (hôm đám tang ông Võ Nguyên Giáp, dân lô đề khoe đánh theo số xe chở linh cữu-trúng đậm). Những tin tức ly kỳ kiểu người đẻ ra rắn luôn hút lượng đọc khủng khiếp, kèm theo vô số xuýt xoa.

tba3

Hình minh hoạ. Các nhà sư làm lễ cho cố Chù tịch nước Trần Đại Quang tại chùa Quốc Tự ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9/2018 - AFP

Người ta bắt đầu nói nhiều đến nhân quả, đến kiếp sau, đến sự trừng phạt và ban thưởng của Đấng Giấu mặt (ối giời ơi may quá Cô thương, cháu nhà tôi nó được vào nhà nước, mất có mấy trăm triệu thôi các bác ạ). Người ta cũng không quên trả thù và dọa dẫm trong chính lời cầu xin với thánh thần (cái thằng cạnh nhà nom mà ghét, dám xây cao hơn nhà chúng con ạ cầu xin thánh thần quật chết cha nó đi). Người ta treo hình Phật trên facebook và comment "Nam mô a di đà Phật". Những hãng thời trang nhanh nhẹn đã kịp thiết kế đủ kiểu mẫu áo lam để gái trai già trẻ mặc đi chùa. Treo tượng phật trên facebook trở thành một dấu hiệu nhận diện. Mặc áo lam đi chùa (phải nhớ selfie đấy nhá) trở thành một mốt thời trang. Các khóa học thiền trở thành một thứ chứng chỉ cho sự tinh hoa, tri thức. Và càng bỏ tiền sang tận Thái Lan, Myanmar, vào rừng tu… thì càng được trầm trồ là "tu sang" !

Nguyên nhân ở chỗ, ở Việt Nam, tài năng, nhân cách và phẩm giá không phải là yếu tố đảm bảo thành công hay hạnh phúc. Với công danh, điều tiên quyết để một "đồng chí" tiến cao trên hoạn lộ là "đồng chí" ấy phải là con một "đồng chí" khác. Với kinh doanh, những quan hệ ruột rà, em út, chiến hữu, sân trước sân sau đủ để đảm bảo một doanh nghiệp mua bán nước bọt phất lên như diều. Còn các cô "gái ngành" thì công khai lên báo khoe giàu, khoe sang, làm gương sáng cho vô khối cô gái khác thèm thuồng và noi theo.

Người dân bình thường thì hoang mang vì chẳng có điều gì chắc chắn. Đi làm còm cọm cả đời đóng tiền bảo hiểm thì Quỹ bảo hiểm xã hội lúc nào cũng phập phồng sợ vỡ. Sáng đi làm, chẳng biết tối có nguyên lành về nhà không vì tai nạn giao thông quá khiếp. Gửi tiền ngân hàng, bị mất thì ngân hàng bảo đi mà đòi cái thằng lừa đảo ấy (thật bất tiện vì nó lại là chính là giám đốc chi nhánh cái ngân hàng ấy). Bệnh thì tự bán nhà bán cửa chạy chữa…Hiện tại hoang mang, tương lai cũng rứa. Trong cái xã hội chả biết thế quái nào mà lần như thế, chả tin vào đấng vô hình, vào sự may mắn, thì tin vào ai ?

Ấy bởi cái mâu thuẫn xé người ấy nên cũng chưa bao giờ dân Việt Nam dễ hờn (cả thế giới) đến thế. Mà khi hờn, người ta lại có sở thích chém nhau. Đang chạy bon bon trên đường, thấy đứa khác vượt lên trên mình-chém. Uống nước mía chê dở-chém. Khen ngon-cũng chém ! Và chả duyên cớ gì, vẫn chém ! Như mới đây một đám giang hồ vác mã tấu xông vào tìm địch thủ, thấy một nhóm thanh niên đang ngồi cà phê gần đấy bèn tranh thủ chém phứa lấy vài nhát.

Thậm chí những nghề nghiệp mà tiêu chí là phải khó hờn nhất như bảo mẫu, cô giáo tiểu học…, người ta cũng hờn ! Nên cô giáo treo học sinh lên, bảo mẫu nhúng đầu học sinh vào thùng nước, và người trông trẻ đập thằng bé vài tháng tuổi cứ bùm bụp. 

Hóa ra, tin tâm linh nhiều thế mà xem ra dân Việt chẳng mát tính lên được tí nào cả.

Với những nơi gọi là linh thiêng, người ta cũng giữ một cái thái độ rất là hai mặt. Một mặt thì gọi rùa là "cụ Rùa", lo lắng tái tê khi "cụ" sa sút sức khỏe (cụ Rùa mà chết đi thì hồ Gươm còn đâu là linh thiêng nữa). Một mặt, người ta nghiễm nhiên xem hồ Gươm là cái hố rác công cộng, ném vào từ phế thải vật liệu xây dựng cho đến vỏ hộp xốp, kim tiêm, bao cao su…

Niềm tin tâm linh dâng trào mạnh mẽ khiến đất sống của các thầy tu cũng màu mỡ lên gấp bội. Chùa chiền bây giờ phải "lớn nhất Đông Nam Á", "tượng phật cao nhất Đông Nam Á" "to nhất Đông Nam Á" với những tượng phật tạc nguyên khối từ ngọc đỏ ngọc xanh… Càng đắt tiền, càng xa hoa càng được xem là linh thiêng. Sự tỉnh thức, tĩnh lặng trong tâm trí không còn là điều thu hút phật tử đông đảo nữa.

tba4

Hình mình hoạ : hình chụp hôm 15/2/2011 - một bức tượng Phật cao 67 m được cho là cao nhất Việt Nam ở Đà Nẵng AFP

Có vẻ như đây là một cặp phạm trù đối nghịch : người bình dân thì mê mụ, dễ bị dắt mũi. Người có điều tà ám trong lòng thì cái tay càng hung hãn, cái đầu càng lo sợ quả báo, còn cái tâm càng giục giã phải "lập công chuộc tội".

Nhưng, soi lại các trường hợp những nhân vật trùm cuối ở Việt Nam, điển hình như ông Trần Bắc Hà mới đây, có vẻ như họ đã sai trong cách "chuộc tội". Hoặc, do quen hối lộ nên họ cũng chỉ biết có mỗi một kiểu chuộc bằng cách hối lộ thánh thần (cho nó nhanh, được việc) chăng ?

Ai dè thánh thần chứng tỏ các ngài có những quan niệm hết sức độc lập về sự chuộc tội, rất khác với người phàm.

Tiền muôn bạc vạn bỏ ra xây trường, xây chùa, đúc chuông tô tượng, thần thánh vẫn nhận. Nhận để tái cơ cấu chứ ! Nhưng cái mồm niệm phật mà cái tay ra sức vơ vét tiền bẩn, làm hại đất nước thì dù thành kính bao nhiêu, kết quả cuối cùng cũng chỉ là "thành kính phân ưu" đấy thôi.

Cơ mà chả biết các anh có nhận ra tí nào không, hay là lại tưởng thần thánh dỗi vì hối lộ chưa đủ mức ?

Tre

Nguồn : RFA, 02/12/2018

Tham khảo :

http://bit.ly/2DWenkr

https://www.vntrip.vn/cam-nang/thien-vien-truc-lam-chanh-giac-tien-giang-79887

http://www.thtg.vn/ngay-169-thien-vien-truc-lam-chanh-giac-se-to-chuc-an-vi-thanh-tich-tu-dong-tam/

http://danviet.vn/tin-tuc/tuong-phat-o-du-an-tam-linh-do-ong-tran-bac-ha-keu-goi-co-gi-dac-biet-856298.html

https://phunutoday.vn/nguoi-lon-vo-tu-xa-rac-ho-guom-tre-cam-cui-nhat-d19063.html

https://baomoi.com/tp-hcm-kinh-hoang-dang-uong-ca-phe-bi-nhom-nguoi-truy-sat-chem-cut-tay/c/25847991.epi

http://bit.ly/2SmiKcD

Published in Diễn đàn

Việt Nam : Công an bắt giam trùm tài phiệt Trần Bắc Hà (RFI, 29/11/2018)

Bộ Công an Việt Nam ngày 29/11/2018 loan báo đã bắt giam ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) vì vi phạm các quy định về ngân hàng.

vn1

Ảnh minh họa : Một chi nhánh của ngân hàng BIDV tại Hà Nội, 08/01/2016. Reuters/Kham/File Photo

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ trang web của bộ Công an Việt Nam cho biết, ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc "vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Tội danh này có mức án tối đa lên đến 20 năm tù.

Báo chí trong nước cho biết thêm, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng BIDV, và quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông Trần Bắc Hà.

Công an cũng khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Lục Lang, nguyên phó tổng giám đốc BIDV ; Kiều Đình Hòa, nguyên giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Bà Lê Thị Vân Anh, một cựu trưởng phòng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cũng bị khởi tố và quản thúc.

Trước khi bị bắt, ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc nhiều sai phạm trong vụ đại án Phạm Công Danh, liên quan đến việc BIDV cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vay 4.700 tỉ đồng.

Thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt đã bị rò rỉ trên mạng xã hội từ tối 28/11, gây chấn động lớn vì tuy chỉ là doanh nhân, nhưng được cho là ông trùm tài chính Việt Nam suốt gần một thập niên, trùng với hai nhiệm kỳ của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo blogger Huy Đức, ông Trần Bắc Hà bị bắt hôm 28/11 ở Pakse, Lào và bị dẫn độ về cửa khẩu Lalay, Quảng Trị vào nửa đêm.

Theo lời đồn đãi trên mạng, nhân vật này có quyền hành rất lớn trên thực tế và rất hống hách. Dư luận cho rằng như vậy cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị đe dọa.

Thụy My

*****************

Tăng trưởng tiền lương đối với người làm công ! (RFA, 29/11/2018)

Báo cáo tiền lương toàn cầu năm 2018/2019 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận dịnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng tiền lương thực tế cao nhất toàn cầu trong giai đoạn 2006 – 2017 và trong đó Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia dẫn đầu.

vn2

Ảnh minh họa. AFP

Phân tích của ILO chỉ ra rằng tăng trưởng tiền lương thực tế của các quốc gia phát triển trong nhóm G20 đã giảm từ 0,9% năm 2016 xuống còn 0,4% năm 2017. Ngược lại, ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi, tăng trưởng tiền lương thực tế dao động trong khoảng 4,9% năm 2016 và 4,3% năm 2017.

Tổng Giám đốc ILO ông Guy Ryder trả lời Reuters và nêu ra thắc mắc rằng : "Điều khó hiểu là ở các nền kinh tế có thu nhập cao, tình hình tăng trưởng GDP khôi phục và mức thất nghiệp giảm nhưng tăng trưởng tiền lương lại chậm lại. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, bất bình đẳng về tiền lương vẫn duy trì ở mức cao và tiền lương thường không đủ để trang trải nhu cầu của người lao động và gia đình họ".

Thực tế thu nhập tiền lương của lao động Việt Nam có đúng như thắc mắc của vị giám đốc ILO hay không ? Chúng tôi liên lạc với anh Khoa một tài xế xe tải chở hàng hóa tại khu vực chợ Lớn, Quận 5, Sài Gòn cho biết mức lương mỗi năm đều tăng nhưng tăng không có bao nhiêu và đủ chi tiêu hay không thì tùy vào cách của mỗi người.

"Nói chung là cũng có tăng nhưng ít lắm, nói chung là cũng do mình xài thôi nói chung là vừa đủ, vừa ngám chứ không có dư, là mình xài đúng chứ không có xài sang ăn uống ngoài đường, chỉ xài căn bản thôi đó, là làm xong ở nhà thôi không đi đâu là đủ. Lương phải ít nhất 6-7 triệu thì mới gọi là vừa ngám chứ dưới là không thể nào đâu. Tôi làm ở chợ lớn lương là 7 triệu đó. Một năm tăng lương cao lắm là 2 đợt mỗi đợt tầm 200 ngàn thôi và tùy theo năng lực mình làm nữa, tăng trung bình là vậy thôi chứ không có tăng nhiều đâu".

Còn đối với chị Hòa, một nữ công nhân hiện đang làm việc tại một nhà máy ở Đồng Nai, Việt Nam thì với mức lương của công nhân như chị hiện nay nếu lo cho thêm gia đình thì chắc chắn không bao giờ đủ nhiều khi nợ nần chồng chất.

"Theo chị biết thì mức lương lấy bản thân của chị ra, chị làm được 8 năm rồi mà mức lương của chị chỉ có 6 triệu 700 ngàn thôi. Với mức lương này mà nếu có nhà cửa mà không cần phải lo cho ai, chỉ sắm cho bản thân của mình thôi thì mới được gọi là tạm đáp ứng được nhu cầu sống của mình. Còn nếu có gia đình phải lo cho con cái, lo cho cha mẹ là không thể nào đủ, phải tiết kiệm dữ lắm luôn và không dám bệnh đó thì mới chỉ gọi là tạm đủ sống qua ngày thôi, không có dư nổi đâu".

Chị Hòa xác nhận mỗi năm đều có tăng lương nhưng thực tế mức lương được tăng so với mức tăng giá của các loại sinh hoạt đời sống hàng năm thì mức tăng lương không hợp lý và giống như ‘cho có’.

"Với bậc của chị tăng được khoảng 200 trăm mấy thôi và chị thấy nó không hợp lý tại vì so với vật gía ở ngoài nó tăng rất là cao, nó tăng nhiều hơn so với công ty và nhà nước tăng. Bởi vì mức lương của công ty cộng nhà nước một năm chỉ có 600 ngàn/người thôi mà vật giá xăng cộ, điện nước đua nhau tăng còn hơn mức lương nữa".

vn3

Ảnh minh họa. AFP

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính ngân hàng khi trao đổi với chúng tôi, cho rằng nếu Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhất trong khu vực về tiền lương thì đối với ông điều đó không có gì đáng phải ngạc nhiên, bởi vì xuất điểm tiền lương của Việt Nam đã quá thấp. Ông trình bày thêm :

"Đúng là do nguồn thu nhập của lao động Việt Nam thấp quá cho nên sống trong thành phố mà mức sinh hoạt nó ngày càng tăng, giá sinh hoạt tăng. Giá sinh hoạt ở đây là tiền điện, nước rồi giáo dục, y tế, vận chuyển thì tất cả các giá đó càng ngày càng tăng và với mức lương thu nhập thấp như thế thì những người sống trong thành thị rất khó khăn trong cuộc sống của họ, chính vì vậy việc tăng lương là hợp lý. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hiểu một điều rằng mức sống của người Việt Nam so với thế giới còn rất thấp thành ra với mức thu nhập thấp nhưng họ vẫn cố gắng xoay sở được".

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng đồng ý về thực tế đời sống của người lao động Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và cần nổ lực cải thiện thu nhập về tiền lương và nâng cao đời sống lao động. Tuy nhiên, để giải bài toán tăng lương thì cũng phải nâng cao hiệu quả trong sản xuất của các doanh nghiệp.

"Hơn thế nữa Việt Nam hiện nay đã mở cửa rất sâu rộng cho nên thị trường Việt Nam bây giờ không còn là thị trường của riêng các doanh nghiệp Việt Nam mà của các doanh nghiệp trong khối Asean cũng như sắp tới đây là doanh nghiệp trong khối CPTPP cho nên vấn đề then chốt, cốt lõi để nâng cao tiền lương là phải nâng cao năng suất lao động. Điều này cũng phụ thuộc vào đầu tư trang thiết bị máy móc và phụ thuộc vào việc nâng cao trình độ, đào tạo, tay nghề của người lao động Việt Nam".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ thêm với chúng tôi, một trong những lý do đến nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và đầu tư vào Việt Nam là vì nguồn lao động trẻ của Việt nam còn rất dồi dào và mức lương thu nhập tại Việt Nam tương đối thấp so với khu vực. Do đó, họ đầu tư trang thiết bị tốt và với mức lương đó thì họ sẽ có lãi to. Tuy nhiên người công nhân lại đòi hỏi cần phải có khoản lương có thể trang trải mọi chi phí cuộc sống, đồng thời còn phải có một khoản tích lũy nào đó nhằm khi ‘trái gió, trở trời’…

Published in Việt Nam

Ông Trần Bắc Hà, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (Bank for Investment and Development of Vietnam-BIDV) bị bắt và bị khởi tố về tội danh vi phạm các qui định về hoạt động ngân hàng. Có nhiều nguồn tin nói ông bị bắt tại nước ngoài, sau khi có tin từ đầu năm nay ông đi chữa bệnh ở nước ngoài và không về nước.

bat1

Báo Việt Nam đưa tìn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Ảnh chụp màn hình.

Ông Trần Bắc Hà từng bị đồn đoán nhiều lần là sẽ bị bắt, và cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người theo dõi sát sự việc này là nhà báo Phạm Chí Dũng cho Kính Hòa đài RFA cuộc trao đổi về nhiều tình tiết xung quanh nhân vật Trần Bắc Hà và vụ bắt giữ này.

Kính HòaThưa ông Phạm Chí Dũng, Trần Bắc Hà là ai ?

Phạm Chí Dũng : Trần Bắc Hà từng là Tổng giám đốc ngân hàng BIDV, một trong năm ngân hàng nhà nước hàng đầu của Việt Nam. Trước đây 100% vốn nhà nước, sau đó cổ phần hóa một phần.

Vấn đề là BIVD nhận được một chính sách rất ưu đãi, hàng đầu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong suốt thời gian làm việc của ông ta, ông ta nổi tiếng về hai việc.

Thứ nhất, ông ta là một đại gia ngân hàng, nhưng mà nhiều người cho rằng không phải Nguyễn Văn Bình là thống đốc ngân hàng thời đó mà Trần Bắc Hà mới là thống đốc ngân hàng.

Người ta đồn rằng trong một buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một bộ trưởng đến xin ý kiến ông Dũng thì Trần Bắc Hà chửi là mày đến xin ý kiến anh Dũng lúc này hay sao ? Cút đi.

Đó là cái cách cho thấy rằng Trần Bắc Hà chỉ dưới một anh Ba X mà trên vạn người.

Thứ hai, Trần Bắc Hà được xem là tay hòm chìa khóa của nhà anh Ba X, tức là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trước Đại hội 12 người ta đã nói về một cái trục là Trần Bắc Hà – Nguyễn Văn Bình, nhưng cần phải nói thêm là cái trục đó kéo dài thêm hai cái tên nữa là Nguyễn Tấn Dũng và Trầm Bê.

Tháng 8/2017 Trầm Bê bị bắt, thì xôn xao tin đồn Trần Bắc Hà cũng sẽ bị bắt. Nhưng sau đó lại không thấy gì cả. Đến tháng 5/2018, lần đầu tiên cơ quan kiểm tra trung ương đảng họp, công bố chính thức rằng sai phạm của đồng chí Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng.

Khi nói rất nghiêm trọng có thể là sẽ bị cách chức, bị khai trừ đảng, hoặc có thể bị bắt.

bat2

Hình minh họa. Người dân đi qua một cơ sở của Ngân hàng BIDV ở Hà Nội hôm 10/5/2013 AFP

Sau đó mọi chuyện tự nhiên lại lắng hẳn đi. Trong phiên tòa xử ông Phạm Công Danh của Ngân hàng xây dựng thì không có mặt ông Trần Bắc Hà, mặc dù hội đồng xét xử có triệu tập ông ta, nhưng ông ta lấy lý do bị bệnh phải đi điều trị ở Singapore.

Nhưng lại có một nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, vào thời điểm đó cho biết không thấy có sự xuất cảnh của Trần Bắc Hà. Như vậy ông ta vẫn ở Việt Nam.

Cho đến ngày hôm qua mới có một tin hoàn toàn ngoài lề, của một Facebook có nick là Phạm Việt Thắng cho biết rằng Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang, cựu Phó Tổng Giám đốc của BIDV, cùng bị bắt ở Cam Pu Chia.

Vụ này gợi chúng ta nhớ vụ bắt Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Vinalines, Công ty hàng hải Việt Nam, cũng ở Cam Pu Chia, vào năm 2012 khi mà Dương Chí Dũng được một "ông anh" trong ngành công an đưa trốn sang đó.

Kính HòaTội danh người ta dùng để bắt Trần Bắc Hà là gì ?

Phạm Chí Dũng : Vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật hình sự.

Theo tôi thì tội danh này chỉ là danh nghĩa thôi. Bắt giam cái đã, rồi sau đó trong quá trình điều tra sẽ mổ xẻ, phân tích, những tội danh khác.

Kính HòaÔng ấy có làm thất thoát, gây ảnh hưởng đến vốn nhà nước không ?

Phạm Chí Dũng : Chuyện thất thoát thì cơ quan điều tra của Bộ Công an chưa chứng minh được điều đó.

Có một điều khá lạ lùng là thế này. Theo tôi biết thì vụ Trần Bắc Hà đã được điều tra từ năm 2016.

Từ đó cho đến giữa năm 2018, khi Ủy ban kiểm tra Trung ương của ông Trần Quốc Vượng, và sau này là ông Trần Cẩm Tú, kết luận mức độ rất nghiêm trọng, cơ quan điều tra lại đưa ra quan điểm là trong vụ Ngân hàng xây dựng, ông Trần Bắc Hà không có tội, chỉ vi phạm hành chính.

Ví dụ như là vào tháng 10/2017, cơ quan điều tra Bộ Công an có kiến nghị chỉ kiểm điểm và xử lý kỷ luật ông Trần Bắc Hà, cho rằng ông Trần Bắc Hà có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền, nhưng BIDV không có thiệt hại, nên các cá nhân ở BIDV không vi phạm qui định cho vay.

Đó là một hiện tượng khá lạ. Và dựa vào kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an lúc đó, thì không có lý do gì để bắt Trần Bắc Hà.

Vậy sao bây giờ lại bắt ? Đánh giá của cơ quan điều tra vào tháng 10/2017 là đúng hay sai ?

Tôi nghĩ rằng bây giờ ông ta bị bắt thì chắc là có tội, hay nói chính xác là sau khi điều ra thì có tội. Mà con số thất thoát từ ngân hàng của Phạm Công Danh là đến 4700 tỉ chứ không ít.

Vậy cơ quan điều tra của công an lúc đó làm ăn như thế nào ? Liệu có "vấn đề" gì đó giữa một số nhân vật cơ quan điều tra với ông Trần Bắc Hà hay không ? Mà lại đưa ra một đánh giá gần như phủi tội cho Trần Bắc Hà như vậy ?

Kính HòaNhư vậy có nghĩa là ông Trần Bắc Hà đang lọt vào chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ?

Phạm Chí Dũng : Chúng ta nên có một đánh giá thời sự, cập nhật hơn. Tức là một nhân vật nữa bị hồi tố từ thời ông Trần Đại Quang.

Chúng ta đặt câu hỏi thế này : Tại sao Trần Bắc Hà không bị bắt trước khi Trần Đại Quang chết ?

Tại sao Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không bị bắt trước khi Trần Đại Quang chết ?

Tại sao vụ tra xét đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh ra nước ngoài không có ai bị bắt cả trước khi Trần Đại Quang chết ?

bat3

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được xem là đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng, và là người đỡ đầu của ông Trần Bắc Hà. AFP

Kính HòaAnh có đề cập Trần Bắc Hà có liên quan mật thiết với Nguyễn Văn Bình, vậy liệu nhân vật này sẽ bị gì không ?

Phạm Chí Dũng : Đây là điều hết sức khó hiểu. Ông Nguyễn Văn Bình từ trước đại hội 12, cuối năm 2015, đã có những thông tin rằng sẽ bị loại ra khỏi Trung ương đảng.

Điều kỳ lạ là đến đại hội 12 thì Nguyễn Văn Bình nhảy thẳng đường hoàng vào Bộ chính trị, nắm Ban kinh tế trung ương và trụ đến ngày nay khá là vững chắc. Ngay cả khi Đinh La Thăng bị đưa về đó như kiểu bị nhốt quyền lực, rồi sau đó bị bắt, mà Nguyễn Văn Bình vẫn không sao cả.

Có nhiều người đặt dấu hỏi phải chăng là Nguyễn Văn Bình đã có những thành tích đặc biệt để giúp Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng ?

Hay nói chính xác hơn là ông Bình có những thành tích đặc biệt, những hồ sơ đặc biệt của nhóm anh Ba X, cung cấp cho Nguyễn Phú Trọng để ông Trọng "đả hổ diệt ruồi" đối với phe cánh chính trị của Nguyễn Tấn Dũng ?

Kính HòaLúc đầu anh có nói ngoài mối quan hệ Trần Bắc Hà - Nguyễn Văn Bình, còn mối quan hệ Trần Bắc Hà - Nguyễn Tấn Dũng nữa, vậy liệu việc này có làm cho chiến dịch chống tham nhũng lan tới dinh cơ ông Nguyễn Tấn Dũng không ?

Phạm Chí Dũng : Đây là vấn đề cốt tử, vì nói cho cùng Trần Bắc Hà cũng chỉ là một chướng ngại trên con đường của Nguyễn Phú Trọng dẫn tới trước của nhà Nguyễn Tấn Dũng mà thôi.

Tới giờ này chúng ta thấy có những tay chân đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng như là Đinh La Thăng, như là Trầm Bê, và bây giờ là Trần Bắc Hà bị bắt. Điều đó cho thấy vòng vây đang siết chặt dần xung quanh nhà của Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi nghĩ là Nguyễn Phú Trọng đang đi những nước đi khôn khéo, tỉa dần tay chân, tỉa cành rồi mới tới gốc.

Việc bắt Trần Bắc Hà có thể nói là nghiêm trọng không kém vụ bắt Trầm Bê. Vì có hai nhân vật được cho là kinh tài ghê gớm của Nguyễn Tấn Dũng, chưa kể Nguyễn Thanh Phượng con gái ông ấy, đó là Trầm Bê và Trần Bắc Hà.

Nhưng Trầm Bê coi như kinh tài thuần túy chứ không làm chính trị, còn Trần Bắc Hà theo nhiều đánh giá vừa là doanh nhân vừa làm chính trị.

Trần Bắc Hà có mối quan hệ rộng khắp và có ảnh hưởng chính trị rộng lớn. Như tôi kể lúc đầu, không phải tự nhiên mà Trần Bắc Hà có thể chửi một bộ trưởng và dùng từ mày tao. Thậm chí người ta còn kể Trần Bắc Hà đi làm việc ở tỉnh, tát tai Phó chủ tịch tỉnh đó mà không ai dám làm gì. Điều đó cho thấy Trần Bắc Hà có quyền thế chính trị lớn đến mức nào.

Thành ra theo tôi việc bắt Trần Bắc Hà đưa ra một tín hiệu sống động và kinh khủng hơn việc bắt Trầm Bê.

Nó mang một thông điệp là đừng nghĩ Nguyễn Tấn Dũng an toàn.

Đừng nghĩ rằng những chuyện từ đầu năm đến nay như là Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Nguyễn Tấn Dũng, hay là Nguyễn Tấn Dũng được mời dự hội thảo này hội thảo kia, tất cả những cái đó có thể chỉ là một màn diễn thuần túy mà thôi. Trong thực chất là Nguyễn Tấn Dũng không an toàn.

Việc bắt một tay thủ hạ có thể nói là kinh tài thân tín, am hiểu thâm sâu nhất về gia tộc Nguyễn Tấn Dũng, là Trần Bắc Hà, chính là một thông điệp cho thấy rằng "lò" đã tiến đến sát cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng lắm rồi.

Kính HòaNếu chúng ta bỏ qua những chuyện phe phái nội bộ đấu đá nhau của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì liệu việc bắt Trần Bắc Hà, và trước đó là nhiều nhân vật trong ngành ngân hàng, thì liệu có phải đây là nhân vật cuối cùng bị bắt để có thể chỉnh đốn lại ngành ngân hàng mà bị cho là có quá nhiều bê bối không ?

Phạm Chí Dũng : Không có nhân vật cuối cùng của ngành ngân hàng Việt Nam.

Cho tới nay chưa có ngân hàng nào phá sản, mà chỉ có những vụ bắt bớ lẻ tẻ bắt đầu từ năm 2016 mà thôi. Và anh hình hình dung là chuyện đó chỉ mới bắt đầu.

Trong những năm tới chuyện ngân hàng làm ăn lụn bại bao nhiêu thì chuyện bắt bớ sẽ dữ dội bấy nhiêu.

Đối với ngân hàng, tất cả chỉ mới bắt đầu mà thôi.

Kính HòaXin cám ơn ông.

Kính Hòa thực hiện

Nguồn : RFA, 29/11/2018

*******************

Trần Bắc Hà bị bắt trên đường trốn sang Campuchia như thế nào ? (RFA, 29/11/2018)

Đêm 28/11/2018, dư luận trên mạng xã hội xuất hiện tin cho rằng, cựu bí thư Đảng Ủy, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV), và ông Trần Lục Lang phó tổng giám đốc BIDV, đã bị phía Việt Nam bắt giữ khi đang ở Campuchia. Song trên thực tế thì chưa hẳn đúng như vậy.

bat4

Truyền thông Việt Nam nói Trần Bắc Hà tự nguyện về nước - Ảnh minh họa

Tin đồn này được cho là có xuất xứ từ nhà báo Mạnh Quân viết trên facebook cá nhân của mình. Tuy nhiên vào đầu giờ chiều ngày 29/11, facebooker Nhân Thế Hoàng đã đưa tin với nội dung cụ thể như sau :

Về Trần Bắc Hà

Nhiều trang mạng đưa tin là ông Hà bị bắt ở Campuchia nhưng thực chất là không phải. Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì ông Hà cùng cộng sự thân tín của mình và hai chân dài bị bắt ở quán phở Lankham - Pakse - Lào. Những người tham gia bắt giữ đã theo xe của ông Hà từ tỉnh Savanakhet - Lào lên đến thành phố Pakse, hai thành phố này cách nhau 250km.

Ngay khi bị bắt, ông Hà được đưa về đại bản doanh đóng ở Lào để khám xét và lấy một số giấy tờ cần thiết. Sau đó ông được di lý về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lalay - Quảng Trị lúc nửa khuya. Sáng nay trong chuyến bay sớm từ Huế ra Hà Nội, Trần Bắc Hà đã có mặt trên chuyến bay sớm đó cùng với những người áp giải ông.

Được biết, người đi cùng với trùm tài phiệt Trần Bắc Hà khi bị bắt là ông Trần Lục Lang phó tổng giám đốc BIDV, người được xem là cánh tay phải của ông Trần Bắc Hà.

Theo nhà báo Phạm Việt Thắng cũng cho biết :

Bắc Hà ăn lòng lợn trước khi nhập kho

Lúc 5 giờ 30 phút sáng nay (29/11), nhiều người dân thấy Trần Bắc Hà xuống xe cùng một số đồng chí công vụ, vào quán lòng lợn bà Đức ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, ăn sáng. Như vậy có thể hiểu, Trần Bắc Hà được dẫn giải tử Campuchia về Lào, rồi từ Lào về Việt Nam bằng đường bộ.

Nghĩa là, xe chở Bắc Hà đã đi thâu đêm để kịp ra Hà Nội làm các thủ tục tố tụng. Và, nghĩa là, Nghệ An ta đã rất vinh dự được "mời" anh Trần Bắc Hà bữa lòng lợn trước lúc anh nhập kho.

Tuy nhiên, việc nhà báo này cho rằng, "...có thể hiểu, Trần Bắc Hà được dẫn giải tử Campuchia về Lào, rồi từ Lào về Việt Nam bằng đường bộ". không phải chưa chính xác, song cũng có thể hiểu là Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang chưa đi đến đích cần tới.

Trước đây, theo nhà báo Lê Hồng Hà cho biết, tại bản Kè, huyện Pakse, tỉnh Champasak (Nam Lào), Trần Bắc Hà và những người thân thuê đã thuê một biệt thự có diện tích 1.000 m2 để ở, làm việc mỗi khi sang Lào. Song từ tháng 5/2018 đến nay, khi cảm thấy không an toàn thì căn biệt thự này đã được đổi biển hiệu, không còn người ở. Người ta cho rằng, có lẽ Trần Bắc Hà đã nhanh chân cao chạy xa bay hoặc đi chữa bệnh như thông tin trước đây.

Sự hiện diện của trùm tài phiệt Trần Bắc Hà không chỉ ở lĩnh vực đầu tư nông nghiệp như nhiều người biết đến, mà ít ai biết rằng ông Trần Bắc Hà còn đầu tư về ngân hàng, tài chính tại Lào. Mà Ngân hàng Lao - Viet Bank. Những cái đó đã giúp ông Trần Bắc Hà có một ảnh hưởng lớn đối với các quan chức cao cấp ở Lào. Điều này cũng có nghĩa, nhà nước Lào sẽ đảm bảo vấn đề an toàn cho ông Trần Bắc Hà như cam kết.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây nhiều người thân quen với ông Trần Bắc Hà cho biết có nhiều động thái cho thấy Trần Bắc Hà đang chuẩn bị chạy sang Campuchia để trú ẩn. Vì sự ảnh hưởng của Việt Nam đối với Lào dù đã giảm sút đáng kể, nhưng vẫn không tệ bằng Campuchia của Thủ tướng Hunsen hiện nay. Nếu ở Campuchia thì ông Trần Bắc Hà sẽ được bao bọc an toàn hơn. Mặt khác, quan hệ giữa Hunsen và Ba Dũng vẫn giữ được không khí nồng ấm vốn có từ trước, nó khác hẳn với quan hệ của Hunsen với nhà nước Việt nam hiện nay dưới thời của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.

Việc hai ông Trần Bắc Hà và Trần Lục Lang, bị Cảnh sát Lào (dưới sự chỉ đạo của An ninh Việt Nam) bắt tại quán Phở Việt Nam Lan Kham cùng với 2 em chân dài tại thành phố Packse, một địa điểm chỉ cách biên giới Campuchia hơn 50 km. Điều đó đã cho thấy, Trần Bắc Hà vẫn rất khỏe mạnh chứ chẳng bị ung thư gan giai đoạn cuối như đồn đoán và vẫn rất ung dung tự tại trên đường di chuyển sang Campuchia. Thông tin "giả" Trần Bắc Hà bị bắt tại Campuchia được đưa ra có thể coi là một thông điệp gửi tới "người hùng" Kiên Giang là "nhất cử nhất động đã và đang bị giám sát chặt chẽ". Có nghĩa là cuộc điện đàm giữa nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Hunsen về việc "gửi" trông nom Trần Bắc Hà đã bị nghe lén.

Sau khi bị bắt, ông Trần Bắc Hà được đưa về thành phố Savannakhet thủ phủ miền Trung Lào, là nơi ta túc cuối cùng để thực hiện việc khám xét và được đưa bằng đường bộ về Việt Nam qua cửa khẩu Lalay Quảng trị để về Huế trước khi bị di lý ra Hà Nội.

Ông Trần Bắc Hà được mệnh danh là kẻ dưới một người, trên vạn người, ông này từng được ví là phó Thủ tướng thứ nhất dưới thời Ba Dũng làm Thủ tướng. Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Đinh La Thăng thời ấy sợ Trần Bắc Hà như sợ cọp vì uy của ông Ba Dũng.

Dưới thời của Ba Dũng, Trần Bắc Hà đã có công xây dựng tỉnh Bình Định trở thành một pháo đài vững chắc của gia tộc Ba Dũng tại Trung Nam bộ. Việc quý tử của Ba Dũng là Nguyễn Minh Triết về làm Bí thư tỉnh đoàn Bình định để nhăm nhe chiếc ghế Ủy viên Trung ương dự khuyết, hay việc Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu tại Đại hội 12, với lý do già rồi là những minh chứng rõ nhất. Vì thế, động thái Tổng Bí thư cho bắt bằng được Trần Bắc Hà cũng chỉ vì mục đích xông thẳng vào Biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính vì thế, Trần Bắc Hà là người duy nhất nắm trọn bộ mọi bí mật cao cấp nhất, có thể giúp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tù.

Anh Ba Kiên Giang lại mất ngủ nữa rồi.

Ngày 29 tháng 11 năm 2018

© Kami

*****************

Ông ‘trùm’ ngân hàng Trần Bắc Hà bị bắt (VOA, 29/11/2018)

bat5

Bộ Công an loan tin ông Trần Bắc Hà bị bắt 29/11/2018.

Chiều ngày 29/11, B Công an Vit Nam loan tin đã bt tm giam ông Trn Bc Hà, 61 tui, cu Ch tch Hi đng qun tr Ngân hàng Thương mi c phn Đu tư và phát trin Vit Nam (BIDV), v ti "Vi phm quy đnh v hot đng ngân hàng, hot đng khác liên quan đến hot đng ngân hàng".

Cổng thông tin B Công an cho biết Cơ quan Cnh sát điu tra B Công an (C03) đã thc hin lnh bt, và khám xét đi vi 4 b can có liên quan đến v án xy ra tại Ngân hàng BIDV, trong đó ông Trn Bc Hà.

Hãng tin Reuters tường thut rng din tiến này xy ra gia lúc Đng Cng sn Vit Nam đang mnh tay bài tr tham nhũng, điu tra, giam cm và b tù hàng trăm viên chc nhà nước.

Nhà báo độc lp Võ Văn To Khánh Hòa nhn đnh v v bt gi ông Trần Bc Hà :

"Việc ông Trn Bc Hà b bt là chuyn không sm thì mun vì các du hiu đã cho thy rt rõ ri. Sau khi ông Nguyn Tn Dũng không còn làm th tướng chính ph, thì nhng tiêu cc trong hai nhim kỳ ca ông bt đu được phanh phui t cp thp đến cp cao, mà giới quan sát gi là "đàn em, chiến hu, sân sau" ca ông Dũng".

Vào tối ngày 28/11, mng xã hi lan truyn tin nói ông trùm ngân hàng Trn Bc Hà, cp dưới thân cn ca ông Dũng, đã b bt nước ngoài.

Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook hôm 29/11 : "Bắc Hà bị bt hôm qua Pakse, Lào, khi đang đi cùng vi hai người đp. Na đêm hôm qua, ông ta b dn đ v Vit Nam qua ca khu Lalay, Qung Tr".

Nhà báo Trương Duy Nht Đà Nng viết : "Cánh ca Bc Hà, liu có dn đến ngôi bit th 91 Nguyn Đình Chiu, Hồ thành ?"

Ngôi nhà tại 91 Nguyn Đình Chiu, Q3, Tp. H Chí Minh, được biết là tư gia ca ông Nguyn Tn Dũng.

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm :

"Việc ông Hà b bt nm trong chính sách chung mà người ta gi là "nhm lò đt ci" ca ông Tng Bí thư Nguyn Phú Trng. Mt s người t ra phn khi, hưởng ng, nhưng cũng có mt s người t ra nghi ng vì cho rng có nhiều nhân vật cao cp trong b máy nhà nước có du hiu tiêu cc rt rõ nhưng chưa b trng pht, và theo h thì đây là hành đng thanh trng ni b".

Vào cuối tháng 6/2018, ông Trn Bc Hà b k lut bng hình thc khai tr khi đng sau khi y Ban Kim Tra Trung Ương đưa ra kết lun v nhng vi phm ca ông Trn Bc Hà trong v án Ngân Hàng BIDV là "rt nghiêm trng" như "vi phạm quy trình, th tc, thm quyn, quy đnh v tín dng trong vic phê duyt ch trương, quyết đnh mt s khon vay, bo lãnh, đu tư, qun lý n…"

Ngoài ông Trần Bc Hà, Cơ quan Cnh sát điu tra B Công an đã công b chính thc vic tng đt quyết định khi t b can, khám xét đi vi các cu lãnh đo ca ngân hàng BIDV như ông Trn Lc Lang, cu Phó tng giám đc, ông Kiu Đình Hòa, cu giám đc BIDV Hà Tĩnh, bà Lê Th Vân Anh, cu Trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh.

https://youtu.be/tvMT_lFIo84

*****************

Vụ Trần Bắc Hà và tham nhũng ngân hàng 'từ lâu' (BBC, 29/11/2018)

Việc ông Trần Bắc Hà bị bắt chỉ thể hiện "sự yếu kém, vấn nạn từ lâu của ngành ngân hàng với khối nợ xấu khổng lồ" ở Việt Nam, một ý kiến từ Hoa Kỳ cho BBC biệt hôm 29/11.

Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Florida, tham gia Chương trình Bàn tròn Thứ Năm trong studio của BBC Tiếng Việt ở London, bình luận :

"Việt Nam sau 40 năm vẫn chưa đạt được thế kinh tế hùng mạnh, độc lập và tự chủ chỉ vì sự yếu kém của những cải cách, thực sự chưa cải cách ra khỏi guồng máy bộ máy xã hội chủ nghĩa".

Sau năm 1986, Việt Nam tuyên bố thoát khỏi nền kinh tế bao cấp ; tuy vậy, ông Chí cho rằng "sức sản xuất vẫn rất yếu ớt và chưa nắm được những mối lợi của kinh tế thị trường vì Việt Nam chưa bao giờ chính thức trở thành nền kinh tế thị trường".

Giải thích cho những yếu kém lâu nay của ngành ngân hàng, theo ông là vì "những hành động của giới lãnh đạo ngân hàng" dẫn đến chỉ trong vòng 2-3 năm nay liên tiếp nhiều nhân vật nổi cộm bị bắt.

bat6

Ông Trần Bắc Hà là cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng BIDV

Và những nhân vật nổi cộm nhất, như trường hợp mới đây nhất là ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng BIDV bị cơ quan cảnh sát điều tra Việt Nam khởi tố hôm 29/11 chỉ là "những câu chuyện rất cũ mà chúng tôi được biết từ lâu", ông Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói thêm.

"Ngay từ hồi tôi có thời gian về Việt Nam làm việc từ năm 2003 đến 2014, trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích.

"Bây giờ, từ từ những vụ này bị khui ra thì đây không phải là chuyện gì mới mà là hình phạt tất phải đến".

Do đó, thời điểm này chính là lúc "Việt Nam phải dứt khoát hơn để cải tổ hệ thống ngân hàng", ông Chí nhận xét.

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn khác với BBC, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí nói về hệ lụy tiêu cực thuộc về di sản thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

"Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.

"Trong những năm gần đây thì họ cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia. Chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng".

Tiến sỹ Chí nói về những vấn đề rất nghiêm trọng như chuyện thất thoát tài sản quốc gia hay chuyện làm ăn sai trái :

"Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều".

"Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ".

Cùng tham gia chương trình trong studio của BBC ở London hôm 29/11, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin đồng tình với những nhận định của ông Chí.

Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, ông Hùng cho rằng những vụ việc như trên của ngành ngân hàng là "hậu quả tất yếu của một quá trình phát triển Việt Nam hiện nay".

"Có nghĩa là chính trị phát triển với kinh tế không đồng bộ, cải cách về chính trị không theo kịp cải cách về kinh tế, mở cửa với tốc độ quá nhanh trong khi bộ máy quản lí không theo kịp thì ắt dẫn tới", ông giải thích.

Nhà báo Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng : "Còn rất nhiều những vụ việc còn đang trong bóng tối mà tới đây nếu khám phá ra thì mới thấy hậu quả nó lớn như thế nào".

Bộ Công an Việt Nam hôm 29/11 xác nhận đã bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà, 61 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đồng thời, ông Trần Lục Lang, cựu phó tổng giám đốc BIDV và Kiều Đình Hòa, cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh, cũng bị bắt.

Con số các sai phạm này được báo chí Việt Nam đưa là lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Published in Diễn đàn

Hơn chục năm trước, nhiều nhà đầu tư bảng quảng cáo ngoài trời – trong đó có công ty đang thành công với loạt bảng đắc địa ngay khi cầu Mỹ Thuận chính thức thông xe, đã nhận được ‘mách nước’ là muốn dựng bảng dọc hai bên tuyến cao tốc, hãy hỏi ý kiến của ông Trần Bắc Hà. Khi ấy ông Hà là phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

"Ông Hà nói rằng tất cả các dịch vụ về bảng quảng cáo ngoài trời, các trạm dừng đổ xăng, các dịch vụ ăn uống nằm trên tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ đều sẽ do một công ty của BIDV khai thác độc quyền. Ai muốn làm ăn thì phải chịu phụ thuộc vào đơn vị này của BIDV". Ông N.C.K, giám đốc một doanh nghiệp quảng cáo, nhớ lại.

caotoc1

Tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Ảnh minh họa

Hồi những năm đầu 2000, các giao dịch làm ăn liên quan khu vực miền Tây, giới chủ doanh nghiệp hay cậy tới một người đàn ông tên gọi Tư Thắng (tên đầy đủ Nguyễn Tiến Thắng). Anh ruột của ông Tư Thắng là ông Nguyễn Tấn Dũng, khi ấy là phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng chính phủ. Người ‘mách nước’ vụ dựng bảng quảng cáo ngoài trời (nói ở trên) chính là ông Tư Thắng. Thời điểm đó, trên báo chí tuyệt nhiên không có tin tức gì chuyện BIDV sẽ độc quyền khai thác tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Hạ tuần tháng 10/2007, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký quyết định (văn bản số 1611/Ttg-CN) đồng ý cho BIDV cùng các đối tác thành lập Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc BIDV, thực hiện dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

caotoc2

"Tất cả các dịch vụ về bảng quảng cáo ngoài trời, các trạm dừng đổ xăng, các dịch vụ ăn uống nằm trên tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ đều sẽ do một công ty của BIDV khai thác độc quyền" - Trần Bắc Hà. Ảnh : Phapluatplus

Theo kế hoạch, công ty cổ phần này sẽ mua lại quyền thu phí trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đang trong giai đoạn xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, và sẽ đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Thời điểm đó, ông Trần Bắc Hà đã ngồi vào ghế Tổng Giám đốc BIDV.

Sáng 29/11/2009, Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc BIDV đã tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài khoảng 54 km ; tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công. Cùng dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang.

Thông cáo báo chí cùng phong bì được phát tận tay các nhà báo tham dự lễ khởi công, cho biết cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 54km, điểm đầu là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (đoạn cuối của đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tỉnh Tiền Giang), điểm cuối là đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận, mặt đường rộng 25,5 - 26,5m cho 4 làn xe lưu thông, vận tốc cho phép 120km/giờ.

Các công trình trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận gồm : 4 nút giao khác mức liên thông (gồm nút giao Thân Cửu Nghĩa, Cai Lậy, Cái Bè và An Thái Trung) ; hơn 60 cầu các loại và các công trình, thiết bị phục vụ khác. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào quý IV/2012.

BIDV dự kiến hoàn vốn sau khoảng 34 năm khai thác thu phí, với mức phí 1.000 đồng/km. Đồng thời, BIDV cũng được Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí và đầu tư xây dựng hệ thống trạm thu phí Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Đây cũng chính là thời điểm mà phía công ty quảng cáo (đã nói ở phần đầu bài viết) chính thức ký kết thỏa thuận làm ăn với ông Trần Bắc Hà. Một số vị trí đắc địa cũng được dành riêng cho bảng quảng cáo thương hiệu BIDV. 

Chi phí ngoại giao cho chuyện làm ăn này, còn là bên phía công ty quảng cáo chấp nhận thực hiện ‘miễn phí’ cho BIDV tại Thành phố Hồ Chí Minh vài điểm bảng quảng cáo có giá trị xây dựng ban đầu tròm trèm cả tỷ bạc cho loại bảng kích cỡ lớn 200m2.

Bánh ít đi thì bánh quy lại. Không sao hết. Thế nhưng sau đó thì vẫn không có bảng quảng cáo nào được dựng. Lý do là phía ông Trần Bắc Hà ‘buông’ dự án này. Nhiều nguyên cớ được nhắc đến đàng sau hậu trường, trong đó có việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin bị vỡ nợ.

Vinashin lại là một trong những cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc BIDV. Các cổ đông sáng lập còn lại ngoài 25% vốn góp của BIDV, có : Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam ; Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco5) ; Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thương mại khách sạn Tân Hoàng Minh.

Những hoạch định của ông Trần Bắc Hà về huy động 50% vốn đầu tư từ bên ngoài, bao gồm vốn của các quỹ đầu tư hải ngoại và phát hành trái phiếu quốc tế. Sau đó, dự định sẽ phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế để rót vốn cho dự án đường cao tốc vào cuối năm 2008-2009 đã không thể thực hiện, khi mà râm ran tin đồn về những cú áp phe mờ ám của Vinashin liên quan đến người đứng đầu chính phủ.

Tuy nhiên sau đó thì ông Nguyễn Tấn Dũng không bị cáo buộc gì trong chuyện con tàu đắm Vinashin. Còn phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lại lùm xùm đến chuyện bảo lãnh nợ nần của Becamex. Phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thì lo đối phó làn sóng phản đối dự án bauxite Nhân Cơ tại Đắk Nông và dự án bauxite Tân Rai tại Lâm Đồng. Thời điểm đó, tuy trụ sở chính của Cienco5 ở Đà Nẵng, song giới làm ăn đều biết đây là mối ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc, xứ Quảng Nam.

BIDV không thu xếp được vốn và dự án đình trệ đến tận hôm nay, mặc dù vào tháng 2-2015, Bộ Giao thông Vận tải cho thành lập Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thay thế cho Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc BIDV. Việc tất toán vốn góp cổ đông ban đầu của BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà trong dự án đường cao tốc đình đám nhất nhì miền Tây này ra sao ? Dường như tất cả đã chìm vào quên lãng.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 01/12/2018

Published in Diễn đàn

Một ngày sau khi nhiu người s dng mng xã hi ti Vit Nam chuyn cho nhau thông tin ông Trn Bc Hà, 61 tui, cựu Ch tch Hi đng Qun tr Ngân hàng Đu tư và Phát trin Vit Nam (BIDV), b bt ti Lào, h thng truyn thông chính thc ca Vit Nam đng lot loan báo, ông Hà cùng vi ba thuc cp đã b khi t và tm giam vì có du hiu "vi phm quy đnh v hot động ngân hàng, hot đng khác liên quan đến hot đng ngân hàng" (1).

bacha0

Trần Bc Hà thi còn là đàn em thân tín của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là ch tch BIVD. Ảnh minh họa 

Cách nay năm tháng, hồi tháng 6, tuy y ban Kim tra (UBKT) ca Ban Chp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (BCH TƯ Đảng cộng sản Việt Nam) tng đ ngh khai tr ông Hà vì vi phm quy trình, th tc, thm quyền, quy đnh v tín dng trong phê duyt ch trương, quyết đnh đi vi mt s khon cho vay, bo lãnh, đu tư, qun lý n, trong đó có phê duyt ch trương cho 12 công ty liên quan ti Ngân hàng Xây dng (VNCB) vay 4.700 t đng… nhưng không ai dám chc ông Hà sẽ x khám !..

***

Dẫu ch là Ch tch Hi đng Qun tr mt… ngân hàng thương mi cm gi ch yếu là vn nhà nước nhưng ti Vit Nam, ông Hà to ra rt nhiu… huyn thoi và s kin ông Hà b bt là dp đ nhiu facebooker ôn li nhng… huyn thoiy.

Ngoài những facebooker dn li nhn đnh kiu như ca Trương Huy San v mt Trn Bc Hà "ch dưới Ba Dũng – Nguyn Tn Dũng, cu Th tướng Vit Nam – và hách dch vi phn còn li", có nhng facebooker như Quang Tran, ôn li chuyn ông Hà tát mt n tiếp viên hàng không, buc cô phi quì xung xin li, vì làm ông pht ý, chuyn ông Hà đui mt n nhân viên ca BIDV vì chm chào ông khi bước vào thang máy, chuyn ông chi mng – da đánh din viên ca Đoàn Ngh thut tnh Gia Lai, chuyn ông tát mt Phó Chủ tch tnh Bình Đnh gia cuc hp, đui mt b trưởng ra khi phòng làm vic ca Th tướng vì Th tướng sp đi cùng ông, chuyn máy bay ch Thng đc Ngân hàng Nhà nước hoãn ct cánh vì ông Hà – Ch tch BIDV – chưa đến…(2).

Cũng đã có những facebooker như Lan Anh Nguyen thut li mt s chuyn liên quan đến ông Hà vi tư cách nhân chng. Đó là ln Lan Anh trò chuyn vi ông Hà v Tp đoàn Hoàng Anh Gia Lai ri vì đó là thi đim lm phm lên ti 20%, câu chuyn chuyn sang x lý lm phát bng siết tín dụng, nâng lãi sut khiến hàng lot doanh nghip phá sn. Khi ông Hà khng đnh đy t hào rng, chính ông là người tư vn phương thc kim chế lm phát, Lan Anh đã hi vi hàm ý châm biếm : Trước na, anh có tư vn to ra lm phát bng vic vung tin ra không ? - ông Hà nổi gin, quát qua đin thoi : Cô là loi phóng viên có tư tưởng chng đi chính ph ! Tôi s cho công an theo dõi cô !.. Lan Anh k cô không ngc nhiên vì ông Hà thuc típ "coi tri bng vung", sc so hơn người nhưng tàn bo kiu "mc hnhân"… Lan Anh còn kể thêm, ti mt cuc hp báo tr s Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ca Ngân hàng Nhà nước v vic hp nht ba ngân hàng b cho là "yếu kém" thành Ngân hàng Thương mi Sài Sài Gòn mà người đng sau là bà Trương M Lan, Tp đoàn Vn Thnh Phát, ông Hà ngồi ti bàn ch ta đã mt sát Phó Tng biên tp mt t báo ln : Anh lãnh đo mt t báo mà sao hi ngu vy ?.. Ri ông Hà đùng đùng ri khi phòng hp, thuc cp khúm núm chy theo phía sau, không ai dám vượt lên đi ngang hàng (3)...

Trong thế gii thc, nơi "công bng – dân ch - văn minh" hin hu, không có nhng nhân vt được bao bc bng các huyn thoi kiu như ông Hà. Trong thế gii thc, nhng huyn thoi kiu đó là… chuyn thn tiên ! Xét theo hướng này, Vit Nam là mt… x thn tiên vì có quá nhiều… chuyn thn tiên. Bi là… x thn tiên nên ông Hà, du ch là mt viên chc đng đu mt ngân hàng cm gi vn nhà nước nhưng hn là có… đũa thn nên giàu có thuc loi "nt đ, đ vách". V, con trai, con gái ông Hà là ch nhng bt động sn tr giá tính bng hàng ngàn t. Ch tính riêng T hp Khách sn - Thương mi - Căn h cao cp Thiên Hưng ti Quy Nhơn do gia đình ông Hà đu tư, giá tr đã xp x 3.000 t đng. Chưa k hàng chc ngàn t đng rót sang Lào, đu tư vào 60.000 héc ta đất trng các loi trái cây đ xut cng sang Trung Quc.

Bởi là… x thn tiên nên càn r thế nào, du hiu giàu có bt minh rõ ràng ti c nào đi na, ông Hà vn như mt th thn thánh, lut pháp ca phàm nhân không th xúc phm hay xâm hi. Tháng 2 năm 2013, tin ông Hà bị bt đt nhiên loang như du, th trường chng khoán lp tc tr thành hn lon, ch sau mt phiên giao dch, 1,6 t M kim vn trên th trường chng khoán bc hơi. Tng cc An ninh lp tc t chc săn lùng và đến tháng 7 năm 2013, loan báo đã bắt ba k tung tin đn nhm. Tháng 8 năm ngoái li có tin ông Hà b bt, giá c phiếu các ngân hàng trên th trường chng khoán rt xung đáy, hai t M kim bc hơi (5).

Tháng giêng năm nay, khi đưa ông Phm Công Danh (Ch tch Hi đng Qun tr VNCB, Chủ tch kiêm Tng Giám đc Tp đoàn Thiên Thanh) và các đng phm b cáo buc "c ý làm trái quy đnh v qun lý kinh tế gây hu qu nghiêm trng", tuy đi din Vin Kim sát đ ngh triu tp ông Hà ba ln vi tư cách "người có quyn và nghĩa v liên quan" nhưng ông Hà cáo bnh, không đến. Cho đến thi đim đó, Kết lun Điu tra đt hai v án "c ý làm trái quy đnh v qun lý kinh tế gây hu qu nghiêm trng" xy ra ti VNCB (đt đu ông Danh đã b ht 30 năm tù) vn xác đnh ông Hà không có gì sai. Nếu Tòa án không tr h sơ yêu cu điu tra li, ông Hà vn là… thn tiên !

***

Giống như nhiu… thn tiên khác ti Vit Nam b… đa, tin ông Hà b bt to ra mt s hưng phn khác thường trên mng xã hi. Có nhng facebooker như Nguyn Quang Lp lý gii, đó là vì ông Hà và "đại ca" ca ông phm c bn đi k : Quyn bt tn thi - Có quyn đng áp chế người khác thái quá. Ngôn bt tn xut - Nói năng đng huênh hoang quá. Lc bt tn dng - Làm đúng năng lc, đng leo cao quá. Lc bt tn hưởng - Đng có vơ vét cho mình nhiều quá (6). Thêm mt ln na, công chúng công khai bày t hy vng "đi ca" ca ông Hà đn ti. Tuy nhiên khác vi thu ông Đinh La Thăng x khám, Trnh Xuân Thanh đu thú, nim tin vào yếu t "thiết din vô tư" ca "người đt lò vĩ đi" đã giảm đáng k.

Hình như là thế !

Nếu công minh như thế gii thc, làm gì có chuyn tháng 9 năm 2012, ông Nguyn Phú Trng, Tng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – người đng đu h thng chính tr lãnh đo toàn din, tuyt đi ti Vit Nam, nghn ngào khi thông báo kết qu Hi ngh ln th sáu ca BCH TƯ Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 11, theo đó, BCH TƯ Đảng cộng sản Việt Nam dt khoát không tán thành đ ngh ca B Chính tr k lut mt đng chí y viên B Chính tr (7). Nếu công minh như thế gii thc, làm gì có chuyn sau đó, ông Trương Tn Sang, thời điểm y là Ch tch Nhà nước, t chi cho c tri biết "đng chí y viên B Chính tr" mà B Chính tr bt lc, không th k lut là ai. Ch có… x thn tiên mi có… chuyn thn tiên, Ch tch Nhà nước cũng ch dám m , gi k phm nhiu sai lm nghiêm trọng là… "đng chí X" !

Thiên Hạ Luận

Nguồn : VOA, 30/11/2018

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/cuu-chu-tich-bidv-tran-bac-ha-bi-bat-3846286.html

(2) http://gnews.host/2018/11/29/duoi-thoi-anh-ba-tran-bac-ha-hong-hach-duoi-1-nguoi-tren-van-nguoi/

(3) https://www.facebook.com/lan.a.nguyen.942/posts/10157912003327738

(4) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/lo-dien-ba-nguoi-tung-tin-don-chu-tich-bidv-bi-bat-2850803.html

(5) https://vtc.vn/nhung-lan-chung-khoan-do-san-vi-tin-don-lien-quan-ong-tran-bac-ha-d403776.html

(6) https://www.facebook.com/bienkich.on/posts/477917419399336

(7) https://www.youtube.com/watch ?v=K0Zvjog75Mk

Published in Diễn đàn

Trong lúc đại án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" Trầm Bê- Phạm Công Danh được Tòa án Sài Gòn cho biết dự kiến sẽ xét xử giai đoạn 2 từ ngày 24/7- 15/8/2018 thì một nhân vật được mệnh danh là "trùm" trong giới tài phiệt Việt Nam ông Trần Bắc Hà đang bị bủa vây với những tin đồn là sắp bị khởi tố hình sự và tống giam…

tbh1

Trần Bắc Hà, nhân vật bài viết (Hình : báo vietnamnet-các trang mạng)

Tin đồng sắp bị khởi tố hình sự và tống giam bủa vây dồn dập hơn đối với ông Trần Bắc Hà ngay sau khi có thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối ông Hà-nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV.

Thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương có nêu rõ ông Hà phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 tại ngân hàng BIDV và bản thân ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm. Cụ thể do cần tiền để tăng vốn đề lệ tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) nên nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Phạm Công Danh (SN 1965) chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty, chuẩn bị hồ sơ gửi cho ngân hàng BIDV, đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng.

Sau khi có báo cáo tổng hợp do các ý kiến của các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư chứ không tiến hành họp Ủy ban quản lý rủi ro, vào ngày 3/10/2013 ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng do ông Danh đề xuất.

Cơ quan điều xác định, ông Danh sử dụng tiền vay sai mục đích dẫn đến việc gây thất thoát cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng. Trong khi đó, ông Trần Bắc Hà mặc dù ký quyết định phê duyệt chủ trương vay vốn của ông Danh nhưng theo giới thiệu của VNCB chứ không phải theo quyết định cá nhân của ông Danh, mặc khác những sai phạm trong phương án kinh doanh này lại không gây thiệt hại cho BIDV, vẫn thu đủ tiền gốc và lãi các khoản vay nên không có căn cứ xử lý hình sự đối với ông Hà.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 26 Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá những việc làm ông Hà tại Ngân hàng BIDV làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngân hàng BIDV là rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ông Hà hiện đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối với Đảng viên, trình tự từ thấp đến cao của các mức kỷ luật là: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ vậy ông Hà đã nhận mức kỷ luật cao nhất. Thông thường, đảng viên nếu bị dính vào các vấn đề pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án thì trước tiên theo Chỉ thị 15 do Bộ Chính trị đưa ra vào ngày 7/7/2015 "tuyệt mật" thì phải nhận hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Trường hợp với những sai phạm ở ngân hàng BIDV, ông Hà bị Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận là rất nghiêm trọng và có liên can đến đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh mà Tòa án Sài Gòn đang xét xử thì liệu thời gian sắp tới ông Hà có bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam để điều tra những sai phạm hay không ?

Được biết trước đó, vào tháng 1/2018, ông Hà đã rời Việt Nam sang Singapore để chữa bệnh, được bác sĩ chứng nhận là đang mắc chứng bệnh ung thư. Căn cứ theo pháp luật Việt Nam, bệnh tật không phải là điều kiện bắt buộc để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể là một trong những căn cứ để xem xét ban hành quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, có nghĩa là ông Hà vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam.

Sinh năm 1956, tại Hà Tây, nguyên quán ở Bình Định, ông Hà bắt đầu làm việc tại ngân hàng BIDV từ năm 1981 và đi từ chức danh lãnh đạo chi nhánh lên đến chức danh Tổng giám đốc BIDV vào tháng 12/2007. Đỉnh cao quyền lực của ông Hà tại ngân hàng BIDV là được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV vào năm 2008.

Không là Thứ trưởng mà cũng chẳng phải Bộ trưởng nhưng ông Hà có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của BIDV mà ngân hàng này là một trong những ngân hàng quốc doanh có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính ở Việt Nam. Chính vì vậy, ông Hà rất có uy trong giới tài phiệt Việt Nam, không chỉ được nể trọng mà còn được tôn vinh là "ông trùm". Thậm chí "cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được rất nhiều tiền" quả đúng như vậy, đồng tiền đã giúp ông Hà làm lu mờ hình ảnh nhiều quan chức.

Tại nguyên quán Bình Định, có rất nhiều "dự án vàng" về tay gia đình ông Hà như : Dự án Khu đô thị thương mại An Phú, dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng…

Sức ảnh hưởng của ông Trần Bắc Hà còn được minh chứng với hai lần có tin đồn ông bị bắt thì cả hai lần thị trường chứng khoán Việt Nam tụt dốc thê thảm. Lần thứ nhất là vào năm 2013, thời điểm có nhiều ông lớn trong ngành ngân hàng Việt Nan bị vướng vào vòng lao lý thì tin đồn bị bắt lan tới bản thân ông Hà khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý hoang mang, lo lắng tranh thủ bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trong một ngày bay mất 1,6 tỷ USD. Lần thứ hai là vào tháng 8/2017, thị trường chứng khoán Việt Nam trong một ngày bay mất 1,8 tỷ USD cũng vì tin đồn ông Hà bị bắt mặc dù vào ngày 1/9/2016 ông Hà đã nghỉ hưu.

Và hiện tại, một lần nữa tin đồn bị bắt lại bủa vây ông Hà và thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng hơn tháng qua đã tụt dốc, mất hơn 30 tỷ USD trở thành thị trường tệ nhất trên thế giới trong cùng giai đoạn.

Mặc dù nhiều chuyên gia tài chính, chứng khoán đưa phân tích cho rằng sở dĩ thị trường chứng khoán Việt Nam tụt dốc trong thời gian qua chủ yếu là hai nguyên do : Một là, vào tháng 6/2018 Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất điều hành. Hai là, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc. Hai nguyên do này không chỉ khiến thị trường tài chính-chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng mà còn cả thế giới. Tuy nhiên, liên quan đến ông Hà dư luận đặt câu hỏi tại sao có sự trùng hợp đến nhiều lần như vậy ?

Cuộc sống không có gì là vĩnh viễn, "ngai vàng" quyền lực dù ông "trùm" tài phiệt Trần Bắc Hà có cố gắng xây dựng vững chắc đến mấy cũng phải đến ngày sụp đỗ huống chi cái "ngai vàng" ấy xét cho cùng cũng chỉ chủ yếu để phục vụ cho lợi ích cá nhân thì càng sớm sụp đỗ hơn.

"Nhị bất quá tam", ông Trần Bắc Hà một lần nữa liệu có vượt ải ?

Quê Hương

Nguồn : CaliToday, 08/07/2018

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2