Báo chí Thái Lan, Việt Nam và hải ngoại đều đăng tin lưu vực Mekong hạn hán bị nặng nề nhất của thế kỷ, mực nước xuống từ Trung Quốc (Trung Quốc) trong tháng này bỗng xuống thấp chỉ còn một nửa kỷ lục thấp có trước, các tổ chức dân sự ở Thái cho rằng hạn hán là do các đập thủy điện của Trung Quốc trên Vân Nam đã cắt hãm nước.
Biển Hồ cạn nước do dòng Mekong bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các đập trên thượng nguồn.
Dư luận cáo buộc Trung Quốc như thế là hợp lý, nhất là từ quan điểm Thái Lan, vì Đông Bắc Thái Lan là vùng nằm ngay sát biên giới với Trung Quốc ngay dưới chân chuỗi đập Vân Nam, nên họ phải hứng chịu tác động trực tiếp từ các đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc. Trung Quốc vẫn hứa hẹn lợi ích của chuỗi đập Vân Nam, như giúp hạ lưu giảm lũ lụt và tránh hạn hán, nhưng thực tế các đập Trung Quốc đã không hề mang lại các lợi ích đó.
Vào trận hạn hán năm 2016, Trung Quốc đã bất ngờ gián đoạn cung cấp lưu lượng quan trắc tại trạm Cảnh Hồng trên Vân Nam cho tổ chức hợp tác quốc tế Ủy ban sông Mekong (Mekong River Commission-MRC) và các nước hạ lưu. Năm đó, Trung Quốc cắt giảm mực nước chảy xuống Chiang Sean xuống dưới mức thấp kỷ lục, gây khốn đốn cho Đồng bằng sông Cửu Long, khi đó Viet Ecology Foundation đã phải báo động với tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam, họ đã khẩn cấp gởi đoàn xe nước xuống cứu trợ ; cho mãi đến cuối mùa khô năm đó Trung Quốc mới tăng lưu lượng nước lại bình thường nhưng quá muộn.
Và chỉ mới vừa đây, vào mùa hạn tháng 7/2019, Trung Quốc lại bất ngờ cắt lưu lượng sông, lấy cớ vì phải bảo trì mạng tải điện, chỉ chảy còn một nửa lưu lượng kỷ lục thấp nhất trước đó. Trung Quốc bị báo chí tố cáo, và để xoa dịu dư luận, Trung Quốc mới vừa tuyên bố sẽ cung cấp cho MRC các thông tin hàng ngày về mực nước sông và lượng mưa Vân Nam. Thực tế cho thấy từ khi có các đập Trung Quốc, hạ lưu sông Mekong đã bị nhiều trận hạn hán khắc nghiệt hơn và thường xuyên hơn trong khi Trung Quốc không thay đổi chính sách thủy điện, sau 8 dự án, vẫn tiếp tục quy hoạch xây thêm 20 đập khác và tài trợ các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong trên đất Lào.
Các NGO Thái Lan đã phản đối dự án Xayaburi của Lào và nộp đơn kiện tập đoàn điện lực Thái EGAT từ năm 2012 nhưng rất tiếc họ thất bại. Tổ chức quốc tế Mekong River Commission, MRC ông Phạm Tuấn Phan, CEO tại hội thảo 2017 đã công khai phủ nhận tác hại của các dự án thủy điện và góp tiếng nói vận động cho Lào thông qua dự án Pak Beng. Việt Nam đã không quyết kiệt phản đối Lào và Phạm Tuấn Phan, Việt Nam im lặng có lẽ đã có thỏa hiệp để nhận chia phần thực hiện dự án Luang Prabang. Quyền lợi, sinh kế và môi trường của dân cư đồng bằng Tonle Sap và Cửu Long coi như đã bị hai nhà cầm quyền Cambodia và Việt Nam hy sinh trong các cuộc họp duyệt xét dự án của Lào của MRC.
Trung Quốc và Lào bác bỏ cáo buộc hạn hán do thủy điện gây ra mà cho rằng hạn hán là vì có ít mưa trên lưu vực.
Mưa ít dần trên lưu vực là có thật nhưng hạn hán sớm hơn và khắc nghiệt hơn khi thiếu mưa là do vận hành các hồ chứa thủy điện, chúng có khả năng gây ra hạn hán cả khi có mưa. Nước và phù sa là máu và dưỡng khí của hệ sinh thái lưu vực. Trung Quốc cất giữ 40 tỉ mét khối hay 53% vũ lượng hàng năm của lưu vực sông Lancang Trung Quốc, và Lào cất giữ 30 tỉ mét khối hay 18% vũ lượng hàng năm của lưu vực sông Mekong trên đất Lào để các hồ thủy điện của họ có thể hoạt động. Lượng nước hồ nói trên rất lớn nên mỗi hồ chứa phải tích tụ qua nhiều mùa mưa liền, và lần lượt lấy đầy hết 8 dự án Vân Nam cũng kéo dài suốt nhiều thập niên qua. Và rồi Trung Quốc còn 20 dự án thủy điện khác nữa, chưa kể vào những năm ít mưa, tích trữ nước gây hạn hán càng thêm kinh khủng.
Trung Quốc và còn cả Lào nữa, họ đã cùng cắt giữ nước sông Mekong, họ không chờ mùa khô mà họ giữ lấy nước sông vào suốt mùa mưa, đến nỗi khiến Biển Hồ Tonle Sap hàng năm không còn mực nước dâng theo flood pulse, mất đi mùa nước nổi, rồi sang đến mùa khô, Biển Hồ không có số nước thặng dư đó để chảy xuôi về giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long chống mặn. Trung Quốc và cả Lào trên thực tế đã không hề bù giúp tăng lưu lượng nước cho Cambodia và Việt Nam vào mùa khô, dù lý thuyết và tuyên truyền họ vẫn nguỵ biện cho thủy điện là phải xả nước để chạy tua bin, điều mà nông ngư dân hạ lưu không thể tin vì họ không hề thấy.
Tổ chức International Rivers tại Thái Lan kêu gọi chính phủ các quốc gia trong khu vực phải nỗ lực kiểm soát việc khai thác sông Mekong.
Lời kêu gọi này đã có các NGO các nước Mekong và quốc tế kiến nghị nhiều lần từ lâu, 65 triệu dân cư Mekong đã trở thành nạn nhân của cơn điên thủy điện và sự xoay chuyển địa chính trị do Trung Quốc khởi xướng và chỉ đạo. Không những thế, họ lại đang sống trên một lưu vực phải hứng chịu tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu toàn cầu, một tình trạng không phải do họ gây ra. Vào tháng 11, 2015 dân cư Mekong và 10 tổ chức phi chính phủ đã kết hợp thành lập United Mekong Communities Network và đệ trình các chính phủ Mekong một kiến nghị chưa từng có trong lịch sử : "Các Chính phủ Mekong : Hãy lắng nghe tiếng Dân !" Nhưng tiếc thay kiến nghị của họ đã bị bỏ ngoài tai.
Tóm tắt quan điểm từ hạ lưu
Không phải chỉ có hạn hán, không phải chỉ có Trung Quốc, tất cả các đập thủy điện Trung Quốc và Lào còn giam giữ phù sa, ngăn cản di ngư, gây sói lở ven bờ, cho xâm mặn sâu vào thềm lục địa và soi mòn duyên hải. Thủy điện không phải là năng lượng tái tạo không sạch vì khí thải vô hình do rữa mục từ lòng hồ vùng ngập nhả ra nhiều ngang với điện than. Tổ chức NGO độc lập OXFAM đã có báo cáo về kinh tế cho chuỗi đập hạ lưu Mekong cho rằng không có lợi mà lưu vực sẽ gây tổn thất, tổng cộng trên 7 tỉ USD.
Không tính tổn thất xã hội và môi trường, chi phí xây dựng sản xuất thủy điện Mekong hiện đã tốn kém nhất thế giới, các đập của Lào sẽ có chi phí đắt gấp đôi năng lượng mặt trời và gấp ba năng lượng gió. Chính phủ Lào đang dẫn dắt Lào đầu tư vào những dự án lỗi thời, ngược xu hướng thời đại, dân tộc Lào sẽ gánh chịu công nợ và thiệt hại sớm, khi Thái Lan và Việt Nam không nhập cảng thủy điện Lào vì đắt và còn thất thoát vì đường tải xa xôi.
Thật vậy, Thái Lan đã công bố phải xét lại quy hoạch năng lượng và trì hoãn khế ước mua điện Pak Beng của Lào.
Cambodia đã có thể làm điện từ nắng trên Biển Hồ, Việt Nam từ gió trên duyên hải Trung Nam Việt, đó là những nguồn năng lượng tái tạo, sạch và vô tận sẵn có ngay trên lãnh địa mình.
Chính phủ Lào với 6 triệu dân không thể vì lợi nhuận thủy điện mà bất chấp thiệt hại của 26 triệu dân cư đồng bằng sông Tonle Sap Cambodia và sông Cửu Long Việt Nam. Dân Cambodia và Việt Nam không cần dựa vào thủy điện của Trung Quốc hay Lào, nhà cầm quyền Cambodia và Việt Nam cần liên kết chống lại Lào và Trung Quốc, lập quy hoạch dựa vào tiết kiệm, phát triển năng lượng sạch, giá rẻ, giảm ô nhiễm và sự lệ thuộc vào nhiên liệu nhập cảng, nhất là không hy sinh quyền lợi nông ngư dân và sức khoẻ dân mình.
July 23, 2019
Kỹ sư Phạm Phan Long, PE
Viet Ecology Foundation
Nguồn : VOA, 25/07/2019
Tham khảo :
[2] https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1715595/dam-disaster-on-the-way
[3] https://www.business-humanrights.org/en/xayaburi-dam-lawsuit-re-laos-thailand