Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/07/2019

Vụ Bãi Tư Chính : những góp ý và bình luận ngoài luồng

Nhiều tác giả

Bãi Tư Chính : Nguy cơ Việt Nam đơn thân không có Mỹ

Thường Sơn, VNTB, 25/07/2019

Ba tuần sau vụ tàu Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính như vào chốn không người, chính thể ‘đảng em’ ở Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ không có được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến giành quyền khai thác dầu khí ở Biển Đông với ‘đảng anh’ Bắc Kinh.

tuchinh1

'Đảng anh' và 'đảng em' thời chưa gấu ó

Những phản ứng mới nhất từ Washington và từ lực lượng tuần duyên Mỹ là khá hờ hững, so với yêu cầu can thiệp sâu hơn nhiều của chế độ bị xem là ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Ngày 23/7/2019, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz đã chỉ nói chung chung và rất ngoại giao rằng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam. "Trước những hành xử mang tính cưỡng ép và khiêu khích đang diễn ra, USCG mang đến sự minh bạch trong tiếp cận và hợp tác", ông Schultz nói. "Năng lực đặc biệt trong mở rộng quan hệ quốc tế của USCG cho phép chúng tôi hỗ trợ cải thiện năng lực của các nước đối tác và thúc đẩy cách ứng xử dựa trên pháp luật mà Mỹ mong muốn nhìn thấy trong khu vực".

Nhưng khi được báo chí hỏi về việc tàu Trung Quốc đang có những hành động quấy rối tại Bãi Tư Chính trong vùng biển "thuộc chủ quyền của Việt Nam", Đô đốc Schultz đã từ chối bình luận về khả năng lực lượng tuần duyên Mỹ có hành động trong tương lai nhằm đối phó "kiểu hành xử ngang ngược này" hay không. Ông Schultz cho biết vấn đề này thuộc phạm vi trả lời của Hạm đội 7 và Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của USCG tại khu vực.

Cách trả lời trên của Đô đốc Schultz cho thấy ít ra ngay trước mắt, không chỉ lực lượng tuần duyên Mỹ mà cả Hạm đội 7 của Hoa Kỳ sẽ không có động thái can thiệp, dù là gián tiếp, vào khu vực Bãi Tư Chính đang nóng bỏng bởi những trận đánh võ mồm và vờn nhau qua lại của hai đảng anh em Việt - Trung.

Sau khi trở thành quốc gia đầu tiên,và có lẽ là duy nhất, lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính, người Mỹ vẫn không có bất kỳ động thái quân sự nào để ‘dằn mặt’ Trung Quốc. Hiện tương này là khá trái ngược với những năm gần đây khi, Mỹ không chỉ phản ứng bằng hành động ngoại giao mà còn cho máy bay chiến đấu và tàu chiến tuần tiễu, tàu khu trục vào vùng biển và không gian Biển Đông để răn đe hoạt động cường bá của Trung Quốc.

Vì sao vào lần này Mỹ có vẻ thay đổi thái độ mà không hoặc chưa có những hành đông cụ thể hỗ trợ Việt Nam ?

Chung quy cũng tại thói du dây trả treo của Hà Nội.

Vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Hà Nội, hầu hết các "đối tác chiến lược" của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Khi đó, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô Đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách "đu dây" nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn "bốn tốt – mười sáu chữ vàng".

Đã 5 năm trời qua kể từ vụ Hải Dương 981 năm 2014, nhưng sự thể tồi tệ là não trạng ngả ngớn đu lắc và õng ẹo đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc của giới chóp bu Việt Nam. Não trạng luôn duy trì hy vọng đầy ảo tưởng vào tình cảm ‘bốn tốt’ và ‘mười sáu chữ vàng’ với Bắc Kinh đã dẫn đến hậu quả là cho đến nay, đã chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong khi vấn đề sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một. Và lẽ ra tại Cam Ranh giờ đây đã phải có hình ảnh thường trú của một hàng không mẫu hạm Mỹ.

Hậu quả là giờ đây tại Bãi Tư Chính, chính thể độc tài Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đơn thân đối chọi với ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc. Trong khi đó, Trump chỉ… khoanh tay đứng nhìn. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 25/07/2019

******************

Chỉ một con đường duy nhất có thể cứu Việt Nam !

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 25/07/2019

Đành rằng, nhà cầm quyền nào cũng muốn nắm quyền mãi mãi nhưng nắm quyền để mất nước thì đảng Cộng Sản đắc tội với dân tộc.

tuchinh2

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên đi lại ở khu vực bãi Tư Chính.

Từ 3/7/ 2019 Trung Quốc lại cho tàu thăm dò địa trấn đến khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khảo sát, quấy phá công việc sản xuất dầu, khí của Việt Nam, đúng dịp bà Nguyễn Thị Kim Ngân chủ tịch Quốc hội đang vui vẻ ở Trung Quốc.

Không thể tính nổi những hành vi xâm lược từng nấc một của Trung Quốc với Việt Nam. Từ việc ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, phần lớn quần đảo Trường Sa đến việc xua đuổi các dự án của Việt Nam liên doanh với nước ngoài, đâm chìm tàu cá, dìm ngư dân xuống biển, cướp sản phẩm... Những cuộc xâm lăng mang tính khủng bố này của Trung Quốc cứ từng bước dấn vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam biến thành các vùng tranh chấp với Trung Quốc... Bằng thủ đoạn "tằm ăn dâu" này biển của Việt Nam cứ hẹp dần và chẳng bao lâu nữa hoàn toàn thuộc Trung Quốc... 

Ngoài cưỡng chiếm biển Đông, Trung Quốc cũng dần triệt hạ nguồn sống của nước Việt bằng cách tự mình và xúi Lào, Camphuchia xây hàng chục đập thủy điện trên sông Mekong, sông Hồng dẫn đến đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, xâm mặn, sạt lở, không còn phù sa, đồng bằng sông Hồng thiếu nước,hạn hán, ngày càng cằn cỗi. Ngoài mọi phá phách về kinh tế, môi trường, đầu độc sức khỏe, truy lùng đến cả con giun, cái kiến của Việt Nam, Trung Quốc còn tài trợ xúi dân Việt ở các vùng cao, biên giới phía bắc di cư tự do vào nam và các địa phương phá nốt số rừng còn lại và bỏ trống biên giới để dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang Việt Nam...

Trung Quốc đã, đang bao vây, tàn phá bốn mặt Việt Nam, cái thòng lọng ở cổ dân tộc Việt Nam đang thít dần !

Đứng trước tình hình biển Đông, an nguy của dân tộc như thế nhưng xem ra lãnh đạo Việt Nam vẫn không có đối sách chiến lược nào để phá cái thòng lọng đang thít vào cổ nước Việt. Cứ mỗi khi Trung Quốc có hành vi xâm phạm quá đáng không thể dấu diếm thì nhà cầm quyền vẫn chỉ loanh quanh phản ứng mơ hồ : "Nước ngoài xâm phạm... là không có giá trị... Đấu tranh bằng biện pháp hòa bình... Vừa hợp tác, vừa đáu tranh...". Sự thật là Việt Nam cứ hòa bình nhưng Trung Quốc cứ lấn tới. Đặc biệt, kẻ bị xâm lược lại có chính sách "ba không" tự cô lập mình : "Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự để chống nước khác". 

Phải chăng, đây là nguyên tắc do Trung Quốc chỉ đạo ?

Bởi vì, từ 2.000 năm qua chỉ có Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong khi nền kinh tế, tiềm lực quân sự của Việt Nam yếu hơn Trung Quốc rất nhiều, nếu một mình Việt Nam thì có thể chống lại được Trung Quốc ?

Sở dĩ thời phong kiến ông cha ta có thể một mình chống được Trung Quốc khi họ tràn vào nước ta do thời đó tham gia cuộc chiến chỉ có sức người, sức ngựa, xe thô sơ nên dù Trung Quốc có tiềm lực lớn nhưng không thể huy động lực lượng tác chiến cùng lúc vào Việt Nam đi trên những con đường mòn hiểm trở. Năm 1979 nền quốc phòng Trung Quốc còn lạc hậu mà chỉ cỡ nửa tháng đã chiếm, tàn phá phần lớn 6 tỉnh biên giới phía bắc. Ngày nay sau 40 năm tiềm lực quân sự Trung Quốc đã đứng thứ 3 thế giới với xe cơ giới, máy bay, tên lửa,thông tin liên lạc hiện đại thì sao ? Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1984 đánh chiếm Gạc Ma, trên biển đông họ liên tục đánh giết ngư dân, quấy phá các dự án kinh tế của ta như "chỗ không người".

Hiện nay Việt Nam chỉ có hai thuận lợi nhỏ : Thế giới "phẳng", tức hành động sai trái của quốc gia nào cũng bị thế giới quan sát và biển đông liên quan lợi ích của nhiều nước khác. Trung Quốc chưa ồ ạt đánh chiếm Việt Nam ngay một lần mà phải dùng biện pháp "tằm ăn dâu" là nhờ hai yếu tố này.

Tuy nhiên, Trung Quốc không từ bỏ kế hoạch cưỡng chiếm toàn bộ biển Đông, nước Việt vì lợi ích chiến lược : Khống chế con đường hàng hải châu Á-Thái bình dương-Ấn Độ dương và nguồn dầu, khí, băng cháy khổng lồ ở biển Đông.

Khi "sự đã rồi" Việt Nam đừng hòng ai giúp Việt Nam chống Trung Quốc vì nước nào cũng tính đến lợi ích của họ. Sau khi chiếm biển đông Trung Quốc chỉ thay Việt Nam quản lý việc đi lại của tàu bè quốc tế không có gì thay đổi và hãy xem Nga chiếm Creame của Ucraina, chiếm Osetia, Apkhazia của Gruzia...có ai làm gì ? Hãy xem ngay trong khối Asean cùng chung vận mệnh biển Đông còn chia rẽ, hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 13 họp ở Bangkok ngày 11/7 vừa rồi có ai dám nhắc tên Trung Quốc quân sự hóa biển đông ? Những lần Trung Quốc gây hấn với Việt Nam các nước bạn "chí cốt" Lào, Campuchia, Cu Ba, Triều Tiên có ai hé nói một câu ? Đặc biệt vụ Hải Dương 981 năm 2014 Nga còn ủng hộ Trung Quốc.

Vì vậy chỉ còn cách học theo các nước như Hàn, Đài, Philipine, Nhật... để có thể giữ được nước. Tuy nhiên, các nước hùng mạnh có thể ngăn chặn Trung Quốc đều là những nước dân chủ, văn minh, nhân dân không thể cho chính phủ của mình đem tài sản, xương máu con em họ đi bảo vệ một chế độ độc tài lạc hậu như Việt Nam.

Vì vậy, nếu đảng cộng sản Việt Nam muốn cứu nước, đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của đảng thì trước hết phải kiên quyết kiện Trung Quốc ra tòa, huy động toàn lực ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm, khẩn trương dân chủ hóa đất nước để có thể biến Việt Nam thành nước văn minh, hùng cường được thế giới tôn trọng và đủ điều kiện được các quốc gia dân chủ hùng mạnh ủng hộ mới ngăn chặn được Trung Quốc. Khi là một thể chế dân chủ đảng CS sẽ phải cạnh tranh với các lực lượng chính trị khác tự thay đổi mình theo hướng tiến bộ, trong sạch, văn minh để nhân dân trao quyền quản lý đất nước chứ không được "cha truyền con nối" như 70 năm qua để nay thoái hóa, biến chất, tham nhũng ngập đầu...

Đành rằng, nhà cầm quyền nào cũng muốn nắm quyền mãi mãi nhưng nắm quyền để mất nước thì đảng CS đắc tội với dân tộc.

Ngoài con đường dân chủ hóa xã hội để xây dựng thành nước hùng cường, toàn dân đoàn kết với sự ủng hộ của thế giới văn minh Việt Nam không còn con đường nào khác để thoát khỏi sự thôn tính, xâm lược của Trung Quốc.

Theo tôi, bây giờ đã quá muộn nhưng muộn còn hơn không.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 25/07/2019

****************

Kẻ bắt nạt ở Biển Đông và món trà Trung Quốc

Nguyễn Hiền, VNTB, 25/07/2019

Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc, trong mục ý kiến trên Asiatimes đã cho rằng, Trung Quốc là kẻ bắt nạt ở Biển Đông.

Bằng ngôn ngữ hài hước, anh cho rằng, thuyết giảng là một trong những điều mà giới quan chức Bắc Kinh thực hiện một cách xuất sắc trên trường với tế, nhấn mạnh mối quan hệ quốc tế và vai trò cường quốc có trách nhiệm của Trung Quốc. Rằng, Bắc Kinh coi trọng sự bình đẳng giữa các quốc gia và lên án ý chí bá chủ áp đặt lên nước nhỏ ; rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng hay phạm vi ảnh hưởng ; rằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không bao giờ gây ra chiến tranh hay xung đột, và cũng chưa từng xâm chiếm một quốc gia nào, hay lại một mét đất từ quốc gia khác, hay quyền bá chủ không phù hợp với giá trị của Trung Quốc và lợi ích quốc gia.

tuchinh3

Hàng không mẫu hạm Liên Ninh và các tàu hộ tống tập trận ở Biển Đông ngày 18/4/2018.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hành động quốc tế của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, không phải lúc nào cũng thực hành những gì mà Tập Cận Bình hay giới lãnh đạo cao cấp khác của Trung Quốc giảng dạy. Các cuộc tấn công và chiếm giữ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và rạn san hô Johnson của Việt Nam lần lượt vào năm 1974 và 1988, bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012 là những ví dụ đầy sinh động cho lề lối "nói đường, làm nẻo" của Bắc Kinh. Và kể từ khi Tập nắm quyền vào năm 2012, quân đội Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn ở vùng Biển Đông với việc thực hiện cải tạo đảo, bồi lấp đảo, quân sự hóa đảo, tiền đồn hóa đảo.

Và gần đây nhất là sự kiện tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc, cùng với các tàu bảo vệ bờ biển có vũ trang, đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 3/7 cho đến nay.

Trong khi tàu khảo sát Trung Quốc và các tàu hộ tống vẫn đang tiếp tục ngang nhiên và trắng trợn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, thì trong một cuộc họp đầu tháng 7, với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình đã tiếp tục nhấn mạnh tình đồng chí và anh em giữa hai quốc gia.

Tập là kẻ đạo đức giả, và là kẻ bắt nạt ở vùng Biển Đông.

Quan điểm của Ts. Đoàn Xuân Lộc là cách nhìn của hàng triệu người Việt Nam, khi họ phản ứng phẫn nộ đối với cách ứng xử của Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền Việt Nam tại vùng Biển Đông. Láng giềng trở thành một cụm từ miêu tả đầy tráo trở và thủ đoạn mà Tập Cận Bình đã và thế hệ lãnh đạo trước đó của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã hung hăng hơn, khi tìm kiếm quyền kiểm soát nhiều hơn Biển Đông. Nhưng nguy hiểm hơn, Tập Cận Bình đã hiện thực điều này bằng cách tiêm doping vào trong quân đội Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu cách đây không lâu, trước quân đội Trung Quốc. Tập đã tìm cách bảo vệ tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên trường chính trị quốc tế, và nhiệm vụ mà Tập giao cho quân đội nước này chính là tăng cường kiểm soát Biển Đông, với một quân đội mạnh mẽ hơn. Thậm chí, Tập còn giao nhiệm vụ cho giới quân đội, theo đó, cần "chuẩn bị cho chiến tranh", và hai chiến trường trọng điểm được nhắc đến là Biển Đông và Đài Loan. Việc thực hiện các bài tập sẵn sàng chiến đấu, các cuộc tập trận chung, bài tập đối đầu, và hiện địa hóa mạnh lực lượng hải quân của Bắc Kinh cũng đã tiếp tục châm ngòi cho khả năng lấn lướt Biển Đông nhiều hơn trong thời gian tới.

Việt Nam : trà Việt Nam ngon hơn trà Trung Quốc

Hà Nội đã phản ứng cẩn trọng nhưng cần thiết trong sự kiện Bãi Tư Chính, từ lên án Trung Quốc, đòi Bắc Kinh rút tàu vi phạm ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho đến kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình và sự ổn định của Biển Đông.

Điều Hà Nội lo ngại hiện nay là không thể dự đoán chính xác bao lâu nữa thì Tập sẽ rời ngai vàng, bởi thời gian Tập còn tại vị, với quyền lực to lớn được trao, thì nhu cầu "chuẩn bị chiến tranh", với việc "cân nhắc mọi tình huống phức tạp và lên kế hoạch khẩn cấp phù hợp" khi Tập đến thăm và phát biểu tại một Bộ tư lệnh quân đội vẫn sẽ còn là cơ sở nền tảng xâm lấn và xung đột ngay ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tương tự như diễn ra tại Bãi Tư Chính.

Việt Nam, với gánh nặng chủ quyền của mình cần tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên quyết chống lại các hoạt động xâm hại chủ quyền từ "láng giềng" Trung Quốc trên tinh thần, ý chí giữ gìn và bảo vệ chủ quyền là một món trà, thì trà của Việt Nam sẽ luôn luôn ngon hơn trà Trung Quốc. Việt Nam bằng mọi cách thức và kế hoạch, bằng chính trị, ngoại giao lẫn quân sự sẽ đẩy lùi những hành vi ngang ngược, thủ đoạn của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Và một trong những giải pháp cho giới lãnh đạo Bắc Kinh và truyền thông thế giới thấy được tinh thần "chủ quyền trên hết" đó là tổ chức cuộc biểu tình rộng lớn để người dân bày tỏ sự phẫn nộ và lên án Bắc Kinh, để biểu lộ dứt khoát nguyên tắc, đối với người Việt Nam, "không để một tất đất của cha ông rơi vào tay ngoại bang".Kẻ bắt nạt ở Biển Đông và món trà Trung Quốc

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 25/07/2019

*****************

Trung Quốc ‘quậy’ không chỉ Việt Nam mà cả Nga !

Thường Sơn, VNTB, 24/07/2019

Khi vụ Bãi Tư Chính bùng nổ từ đầu tháng 7 năm 2019, đã dần hé lộ thêm những tin tức châm dầu vào lửa : trước đó vào đầu tháng 6, Trung Quốc bắt đầu có động thái cản trở việc hãng Rosneft của Nga và một công ty Nhật thực hiện hợp đồng khoan mở rộng để thăm dò dầu khí ở vùng biển, và hành vi đó kéo dài từ đó đến nay.

tuchinh4

Trong chuyến thăm Nga tháng 9 năm 2018, phải chăng Tổng bí thư Trọng muốn thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ ?

Như vậy, quy mô cuộc khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2019 còn vượt hơn cả hai lần khủng hoảng cùng địa chỉ : vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2108, các tàu hải cảnh Trung Quốc bao vây Bãi Tư Chính để gây sức ép buộc Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, nhưng chưa đụng chạm trực tiếp đến mỏ dầu khí Lan Đỏ - dự án liên doanh giữa Tập đoàn Rosneft của Nga với VietsoPetro của Việt Nam.

Có thể hiểu một cách không chính thức, hoặc chính thức, chiến dịch mang mục tiêu biến vùng lãnh hải Việt Nam thành ‘vùng tranh chấp dầu khí’ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Bắc Kinh mở rộng và đánh vỗ mặt cả quốc gia đang được xem là cùng ‘trục’ với Trung Quốc là Cộng hòa Liên bang Nga.

Còn chính thể dộc tài ở Việt Nam đang trở thành nạn nhân phải gánh chịu mối nguy hiểm thiệt kép : nguy cơ không chỉ mất mỏ Cá Rồng Đỏ mà có thể cả mỏ Lan Đỏ vào tay Trung Quốc.

Việc mỏ Lan Đỏ nằm trong danh sách khủng hoảng Việt - Trung vào lần này đã lý giải một trong những nguyên do khiến Nguyễn Phú Trọng, khi còn chưa ngồi vào ghế của kẻ quá cố Trần Đại Quang, đã tiến hành một chuyến thăm Nga vào tháng 9 năm 2018.

Vào khoảng thời gian đó, chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, đã lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở phía Nam và mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển miền Trung trước đe dọa của Trung Quốc, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau hai lần liên tiếp phải tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến đầu năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.

Nhưng vào năm 2018, ngay cả Rosneft của người Nga cũng rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.

Vào tháng Năm năm 2018, Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Một công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng là Wood Mackenzie cho biết lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra.

Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.

Phải chăng Tổng bí thư Trọng muốn thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ ?

Tuy nhiên, thái độ của người bạn được xem là truyền thống ấy của Việt Nam lại không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm. Đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.

Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga có thể được lý giải phần nào : Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ.

Logic của sự im lặng trên đang dẫn ra một nguy cơ mới đối với giới chóp bu Việt nam : sắp tới, nếu Putin và Tập Cận Bình thỏa thuận được với nhau một lợi ích nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ mà Rosneft hợp tác với Việt Nam cùng khai thác, tương lai chắc chắn là Rosneft cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 24/07/2019

*****************

Ý đảng-chính phủ và lòng dân trong vụ căng thẳng do Trung Quốc gây nên ở Bãi Tư Chính

RFA, 23/07/2019

Thông tin chậm và thiếu

Tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đã tiến vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, Vũng Mây từ ngày 3/7/2019 để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

tuchinh5

Tàu thăm dò địa chấn của Trung Quốc ở ngoài khơi Việt Nam - Courtesy of Twitter Ryan Martinson/ RFA Edited

Thông tin này được báo mạng tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ.

Trên Twitter của ông Ryan Martinson vào hôm 11/7 cũng đã đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu cho thấy sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.

Đến chiều 12/7, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin cho biết có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính thuộc lãnh hải Việt Nam trong khoảng một tuần.

Tuy nhiên, truyền thông trong nước suốt thời gian này không hề loan tin gì về những diễn tiến đang xảy ra ngoài khơi. Đến tối ngày 16/7, báo trong nước mới đồng loạt loan tin khi Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng cho biết "Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam".

Tuy nhiên, trong bài phát biểu của bà Hằng không hề đề cập đến Trung Quốc hay bãi Tư Chính.

Mãi đến buổi họp báo chiều ngày 19/7, bà Lê Thị Thu Hằng mới nói rõ trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.

Nhận xét về việc này, Nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng :

"Cho đến nay, chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những thông tin cơ bản. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết hơn thì Việt Nam chưa đưa hoặc còn dè dặt, chẳng hạn Trung Quốc xâm phạm như thế nào, vi phạm đến cái gì của Việt Nam. Vấn đề chỉ có một số báo chí đưa tin thôi chứ chính phủ Việt Nam vẫn cón chưa phát ngôn rõ ràng về thông tin đó. Vấn đề tiếp theo là trên thực tế là bắt đầu từ đầu tháng 7 mà mãi đến hai tuần sau chính phủ Việt nam mới cung cấp thông tin và mới cho phép báo chí viết bài về vấn đề này. Điều đó khá là chậm trễ".

Đồng tình với ý kiến này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng những thông tin về tình hình Biển Đông trong những ngày qua mà chính phủ Hà Nội đưa ra vừa muộn vừa không đầy đủ, như thế không đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà họ đang rất mong mỏi.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết tại Hà Nội lại cho rằng dù thông tin không đầy đủ và chậm trẽ, nhưng so với trước đây, rõ ràng chính phủ Hà Nội đã có tiến bộ :

"Hiện nay là chúng tôi khen lãnh đạo của Đảng và chính phủ nói rõ mưu đồ, tội ác và hành xử rất xấu, rất đê tiện của Trung Quốc đã bắt đầu nói, bắt đầu để cho các báo chí công khai lên án cái gian trá của phía Trung Quốc. Hiện nay những tờ báo được gọi là báo của đảng, của chính phủ bắt đầu có tiếng nói. Chúng tôi cho rằng như thế là họ thấy được vấn đề và có tiến bộ nhất định, không thể phủ định được. Họ đã đứng thẳng về phía nhân dân, đấy là cái hoan nghênh".

Tuy vậy, ông Nguyễn Khắc Mai bày tỏ thất vọng đối với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vì khi sự việc xảy ra, vào ngày 11/7, bà Kim Ngân đang có chuyến thăm Trung Quốc, gặp gỡ và tiếp xúc với chủ tịch Tập Cận Bình cũng như người tương nhiệm Lật Chiến Thư, nhưng bà Ngân đã không hề phê phán hành động của Bắc Kinh.

"Có thể dùng lời lẽ mềm mỏng nhưng phải nói rõ ràng vấn đề Biển Đông ở bãi Tư Chính, hành xử như thế là không đúng và chúng ta phải bàn, sửa lại vấn đề này… Ít ra cô phải nói như thế. Cô im hơi lặng tiếng, có thể nói cô có tội với dân với nước trong vấn đề này. Không thể bào chữa đấy là thái độ để mềm mỏng, tranh thủ hòa bình, không đao to búa lớn kích động Trung Quốc. Mình phải dõng dạc nói là họ sai, không nên làm như vậy mà phải thành thật bàn thảo đến nơi đến chốn với mình về vấn đề này, không được ỷ nước nước lớn mà làm vậy. Có thể nói là thua cả ông Mahathir ở bên Malaysia".

Xâm phạm lãnh hải

Vẫn trong buổi họp báo ngày 19/7, Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố khu vực mà tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

tuchinh6

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng. Ảnh minh họa (AFP)

Nhận xét về hành động này của Trung Quốc, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng :

"Nói chung, một mặt Trung Quốc luôn duy trì lợi ích và tham vọng của họ trong việc độc chiếm biển Đông. Mặt thứ hai thì Việt nam cũng luôn luôn kiên quyết bảo vệ lợi ích của họ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định Công ước luật biển mà Việt nam được hưởng. Chính vì vậy, hai bên đều có những lý lẽ để bảo vệ quyền lợi ích của riêng mình. Tuy nhiên, về mặt luật pháp thì rõ ràng Việt Nam có lợi thế hơn khi mà Việt Nam tuân thủ luật pháp Quốc tế và trong trường hợp này nó nằm trong quy định của Quốc tế. Trung Quốc biết điều đó nhưng lại muốn dùng sức mạnh của mình để thực hiện tham vọng, âm mưu của họ. Do vậy mà dẫn đến sự căng thẳng. Nếu không có biện pháp để gỡ, nếu Trung Quốc không "xuống thang" thì có lẽ sẽ dẫn đến sự căng thẳng như cái đợt 2014 khi Trung Quốc kéo cái dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam, cách đây 5 năm, vào năm 2014, Trung Quốc đã cho hạ đặt giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ việc đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước trong nhiều tháng cho đến khi Trung Quốc quyết định rút giàn khoan về.

Vào tháng 4 vừa qua, Tân Hoa Xã loan tin cho biết Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu khí lớn thứ nhì của nước này có tên Dongfang (Đông Phương) 13-2 CEPB ra lưu vực Yinggehai, hay còn gọi là lòng chảo Quỳnh Hải, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam.

Và mới đây nhất là vụ việc đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 đến bãi Tư Chính.

Sự ủng hộ của Hoa Kỳ ?

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 20/7 cũng đã ra thông cáo với lời lẽ mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động bị cho là đe dọa, bắt nạt các nước trong khu vực Biển Đông.

Washington D.C. cho rằng hoạt động của Bắc Kinh đang cản trở phát triển, gây bất ổn đến hòa bình, an ninh trong khu vực.

Thêm vào đó, trong cuộc họp báo qua điện thoại vào ngày 23 tháng 7, Tư lệnh Tuần Duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Karl L. Schultz, nói rõ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Đồng thời đánh giá sức mạnh của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam được tăng cường rất nhiều.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, phát biểu của phía Hoa Kỳ được đưa ra trong thời gian này nhằm ủng hộ Việt Nam, khi mà Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu ăn hiếp các nước bé. Tuy nhiên, Thạc sĩ Hoàng Việt lại cho rằng Hoa Kỳ không ủng hộ Việt Nam mà đang ủng hộ luật Quốc tế bởi vì Việt Nam tuân thủ luật Quốc tế.

"Hoa Kỳ muốn rằng tất cả các quốc gia trên thế giới phải tuân thủ luật Quốc tế. Và đó là điều Hoa Kỳ muốn : xây dựng một trật tự Quốc tế như vậy. Chính vì thế mà Hoa Kỳ mới ủng hộ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chỉ là lên tiếng thôi vì nếu xảy ra căng thẳng thì cũng còn tùy. Nếu tình trạng đối đầu căng thẳng hơn thì Hoa Kỳ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn. Nếu xảy ra xung đột thì không tốt cho tất cả các bên. Và nếu có xung đột thì cũng không bên nào can thiệp giúp cho Việt Nam cả".

Đòi hỏi của người dân

Trước tình hình căng thẳng Việt – Trung về những tranh chấp Biển Đông, Nhóm lập quyền dân phối hợp cùng Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và Diễn đàn xã hội dân sự đề ra bản Tuyên bố về Biển Đông lần thứ 3. Bản Tuyên bố nêu lên 4 điểm cụ thể, trong đó có yêu cầu chính phủ Việt Nam cần lên tiếng tố cáo trước Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại bãi Tư Chính, và khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Tòa án Quốc tế thích hợp.

Là một trong những người tham gia ký tên vào Tuyên bố về Biển Đông lần thứ 3 này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :

"Tôi nghĩ có thể họ rất muốn nhưng phải cân nhắc kỹ lưỡng vì một nước đi như thế mang lại những lợi ích và rắc rối gì vì việc kiện Trung Quốc như Philippine đã kiện thì từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị rất sẵn sàng nhưng họ không đem ra kiện vì một mối quan hệ tế nhị với Trung Quốc".

Còn theo Thạc Sĩ Hoàng Việt, người từng tham gia cố vấn cho chính phủ trong việc khởi kiện Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam lại nghĩ rằng việc khởi kiện phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang, duy trì căng thẳng cao hơn thì khả năng khởi kiện của Việt Nam là đương nhiên.

Ngoài yêu cầu khởi kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ; những người ký tên trong Tuyên bố Biển Đông lần thứ ba còn yêu cầu chính phủ Hà Nội tăng cường nội lực đất nước, ‘khoan thư sức dân để làm kế râu rễ bền gốc’ ; thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết cũng như những qui định trong Hiến pháp Việt Nam ; trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tiến tới dân chủ hóa đất nước…

Nguồn : RFA, 23/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 555 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)