Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2019

Đảng cộng sản Việt Nam có đang ngóng chờ "biểu tình tự phát" ?

Nguyễn Hiền

Sẽ chẳng có cuộc biểu tình nào xảy ra. Và bài học, "chỉ sợ lòng dân không theo" của cái thời nhà Hồ, một nhà nước cải cách với quân đội mạnh, nhưng sớm bại vào tay quân Minh (Trung Quốc) lại được tái diễn sinh động trong những ngày tháng 7.

lo1

Tàu Hải Dương 8 thăm dò địa chất ở Bãi Tư Chính

Nhưng "chỉ đạo" đó trở nên thừa thãi, bởi không có cuộc biểu tình nào xảy ra, khác xa với diễn biến của các năm trước đó.

Nhà nước và truyền thông náo nhiệt !

Nhà nước Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam tiếp tục sử dụng hình thức ngoại giao, thông qua việc trao công hàm phản đối và yêu cầu tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời hoan nghênh đóng góp tích cực của cộng đồng quốc tế.

Báo chí trong nước được Ban Tuyên giáo bật đèn xanh "chỉ trích Trung Quốc" và khơi gợi lòng tự tôn dân tộc.

Báo Tuổi Trẻ đanh thép với quan điểm bài viết : Không để Trung Quốc 'viết luật' ở Biển Đông.

Trang tin Zing cũng cập nhật thời sự với loạt tin về Biển Đông với cách tiếp cận từ các học giả và chính khác Mỹ như, Trung Quốc tạo ra cảnh 'bình yên giả tạo' trên Biển Đông ; Đô đốc Mỹ : Quốc tế cần phản đối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông ; 'Trung Quốc sẽ trả giá nếu đẩy cao căng thẳng Biển Đông ; Căng thẳng ở Biển Đông : Mỹ, Anh, Nhật có trách nhiệm đối với hòa bình.

Và riêng với Vietnamnet, Bãi Tư Chính được liệt vào sự kiện nóng với loạt bài chỉ trích thẳng mặt Bắc Kinh : GS Dukakis : Trung Quốc đang phá hoại hòa bình và an ninh khu vực ; Xung đột vũ trang trên Biển Đông sẽ là thảm họa ; Trung Quốc dồn 'dân quân biển' trong căng thẳng Tư Chính ; Không gian sinh tồn của dân tộc đang bị thách thức ; Trung Quốc không hề có vùng biển nào ở bãi Tư Chính ! ; Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dân lãnh đạm trước sức nóng Bãi Tư Chính ?

Điều bất ngờ là bài viết trên trang Vietnamnet, "Huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc" đã bị gỡ bỏ sau khi bị giễu nhại bởi không ít quan điểm.

"Việt Nam cần có cơ chế phát huy cao nhất sức mạnh tổng lực của 96 triệu người đầy nhiệt huyết, có tinh thần quật khởi bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ phẩm giá dân tộc. Đó chính là sức mạnh lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc đang làm điều tệ hại là xâm phạm quyền, chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông ?".

Phóng viên Mai Quốc Ấn ngay sau đó bày tỏ trên Facebook cá nhân.

"Nếu 2007, 2012, 2014, 2016, 2018 mà báo chí cũng kêu gọi như vầy tôi tin nhân dân sẽ chung lòng. Nhưng những trận đòn của cảnh sát cơ động, trật tự đô thị, thanh niên xung phong, an ninh chìm nổi,... và luận điểm "mọi việc có Đảng và Nhà nước lo" hay cách mạt sát, doạ nạt những người yêu nước chân chính, đã khiến cho tình hình tệ đi".

Quan điểm của phóng viên Mai Quốc Ấn nhận được nhiều sự tán đồng. Trước đó, trong một chia sẻ có liên quan, nhà báo Mạnh Kim trên Facebook cá nhân cũng đã chia sẻ rằng.

"Có bao giờ trong lịch sử Việt Nam mà chính quyền lại bị người dân "đối xử" ra mặt như vậy ? Có giai đoạn nào trong lịch sử mà sự yêu nước của người dân đã không hề song hành với việc "yêu" cái chính quyền mà theo lẽ mặc định là nơi để họ nương tựa vào giúp bảo vệ chủ quyền quốc gia ?"

Chỉ sợ lòng dân không theo

Nhà nước Việt Nam thực hành một chiến lược đối phó với Trung Quốc trên vùng Biển Đông dựa vào sự hữu hảo của ý thức hệ, về chiến lược tự vệ qua mua sắm vũ khí từ các nước khác nhau, hay thậm chí là kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè mà trong đó, Mỹ là trụ cột.

Thế nhưng, rõ ràng, chính quyền đã thua một cách cay đắng nhất, trong một hoàn cảnh bất ngờ nhất mà bản thân những nhà lãnh đạo cao nhất đã không hề lường trước được.

Trong buổi gặp với các cán bộ công đoàn, vào ngày 20/7, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.

"Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc".

Nhưng "chỉ đạo" đó trở nên thừa thãi, bởi không có cuộc biểu tình nào xảy ra, khác xa với diễn biến của các năm trước đó.

Trả lời cho hiện tượng không biểu tình khi Bãi Tư Chính bị xâm phạm, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm trong phỏng vấn của BBC Việt Ngữ đã khẳng định :

"Người dân không xuống đường vì họ cảm thấy lòng yêu nước của họ đã từng bị chính quyền lợi dụng và ‘phản bội’ thể hiện qua các sự kiện biểu tình phản đối HD-981 năm 2014 hay biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam năm 2015".

Nhưng thực tế, "lợi dụng và phản bội" phải kể từ năm 2007, khi cuộc biểu tình vì chủ quyền biển đảo nổ ra. Với tâm thế của người yêu nước chân chính, những người biểu tình năm đó đã bị câu lưu về đồn và hạch sách. Các năm kế tiếp theo là hiện tượng bị chia tách, bị đánh đập, đe dọa, sỉ nhục, hạch sách, quái nhiễu. Và một hình ảnh đặc trưng nhất của cách nhà nước ứng xử với những người biểu tình vì tự tôn và yêu nước chính là hình ảnh một công an viên đạp thẳng vào mặt ông Nguyễn Chí Ðức, vào tháng 7/2011 tại Hà Nội vì phản đối chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh.

Từ đó đến nay, những người biểu tình đã bị đối xử như những kẻ lạc lối, kẻ bất trị, và những "con vật", thay vì là công dân, đồng bào, và người quan tâm đến hiện tình quốc gia. Thế nên Facebooker trong một chia sẻ vào ngày 25/7, cũng đã mỉa mai đầy chua chát : đèn xanh với chả đèn đỏ […] đi biểu tình mà bị còng tay, bị nhốt chung cùng gái mại dâm, giam luôn một lèo sáu ngày thế đấy.

Nếu có một nhà viết sử, thì cách mà nhà nước ứng xử với công dân đi biểu tình là làm cho họ "sáng mắt, sáng lòng" về cái gọi là nhà nước của dân, do dân, và vì dân.

Cách mà nhà nước ứng phó với công dân như thế đã gián tiếp đẩy sự vô cảm chủ quyền biển đảo về phía người dân, và bằng cách đó Bắc Kinh đã chiến thắng. Chiến thắng vì từ nay, người dân đã khoanh tay đứng nhìn sự nóng hổi biển đảo, khoanh tay với lời kêu gọi của chính quyền trong "bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc".

Đó là điều ông Nguyễn Phú Trọng không hề hay biết, hoặc chưa bao giờ nghĩ tới. Cái ông nghĩ vẫn là "dập biểu tình", trong khi lòng yêu nước nguội lạnh của người dân sẽ là cái khiến cho số phận đảng mà ông đang cố gắng cứu vãn sớm đi vào hồi kết hơn.

Câu chuyện không có biểu tình khi bãi Tư chính bị xâm phạm, trong khi nhà nước phải kêu gào sự hỗ trợ của quốc tế đã biến chính quyền Việt Nam trở thành một chính quyền đơn độc.

Nhà nước Việt Nam không thể biểu tình phản đối Trung Quốc vì lo ngại "bẻ gãy ngoại giao", nhưng một nhà nước sẽ mất chính danh nếu người dân không có một sự lên tiếng chung (thông qua biểu tình), dù đó là biểu tình tự phát. Chính vì vậy, ở một góc độ nào đó, chính quyền Hà Nội đang rất mong mỏi một "biểu tình phản đối Trung Quốc" xảy ra ở các tỉnh thành, nhưng có vẻ đó là điều mong mỏi hão huyền bởi những trò "côn đồ, tàn bạo" mà Đảng và nhà nước ứng xử với những người biểu tình.

Sẽ chẳng có cuộc biểu tình nào xảy ra. Và bài học, "chỉ sợ lòng dân không theo" của cái thời nhà Hồ, một nhà nước cải cách với quân đội mạnh, nhưng sớm bại vào tay quân Minh (Trung Quốc) lại được tái diễn sinh động trong những ngày tháng 7.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 27/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)