Trưa Chủ Nhật 21 tháng Bảy vừa qua tại nhà hàng Phú Lâm ở San Jose, California đã có buổi họp mặt với hơn ba trăm người dự để nhớ về một biến cố lịch sử cách đây 65 năm.
Lối vào tự do ("Passage to Freedom", 1954 - 1955) - Ảnh minh họa
Người Việt ngày nay chỉ ít người còn nhớ ngày 20 tháng Bảy 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết tại Genève, Thụy Sĩ để tạm chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17, nơi có dấu mốc là cầu Hiền Lương bắc ngang con sông Bến Hải ở phiá bắc tỉnh Quảng Trị.
Những ai trong ký ức còn đọng lại hình ảnh của biến cố này thì người trẻ nhất bây giờ cũng ở tuổi ngoài 70 tuổi.
Ngày lịch sử đó, ở miền Nam gọi là "Ngày Quốc Hận" và cuộc chia ly vào năm 1954 tưởng như tạm thời nhưng đã kéo dài 21 năm. Với một số gia đình người Việt chia ly còn tiếp tục lâu hơn, vì sau khi rời quê bắc lại một lần nữa phải cất bước ra đi tìm tự do nơi xứ lạ vào năm 1975.
Tại sao gọi 20 tháng Bảy là "Ngày Quốc Hận" ? Vì Pháp cùng với Liên Bang Sô Viết và Trung Cộng đã ký kết với nhau để chia đôi đất nước Việt Nam, miền Bắc theo chế độ cộng sản, miền Nam theo chế độ tự do.
Ngày đó cùng với biến cố 30 tháng Tư 1975, mà ở hải ngoại cũng có người gọi là "Ngày Quốc Hận", vì cả hai dấu mốc lịch sử đã được ghi lại bằng những cuộc di cư chạy trốn cộng sản của người Việt, năm 1954 gần triệu người di cư từ bắc vào nam ; năm 1975 hàng trăm nghìn người Việt di tản ra nước ngoài, theo sau là làn sóng thuyền nhân với cả triệu người từ bỏ chế độ cộng sản ra đi, bất chấp hiểm nguy.
Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, giám đốc IRCC (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Lịch sử cận đại của Việt Nam, nếu nhắc lại với những hiệp định chỉ là những ký kết đã không đem lại cho dân tộc Việt một nền hoà bình, hay một đời sống hạnh phúc ấm no mà là những chia lìa, khổ đau.
Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, một nửa lãnh thổ với 20 triệu người phải sống dưới chế độ cộng sản. Hiệp định Paris 1973 dọn đường cho việc thống nhất đất nước bằng quân sự vào năm 1975, đưa đất nước và 50 triệu dân vào con đường chủ nghĩa cộng sản từ đó đến nay.
Buổi gặp mặt ở San Jose cuối tuần qua có lẽ là sinh hoạt duy nhất của người Việt ở Hoa Kỳ để tưởng nhớ ngày 20 tháng Bảy.
Cơ quan IRCC, do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc làm giám đốc, đứng ra tổ chức bữa cơm thân mật tạo cơ hội cho những người di cư, con cháu của họ và những người Việt hải ngoại còn nhớ về quê hương chia sẻ với nhau câu chuyện của 65 về trước. Bản thân gia đình ông Lộc cũng là người di cư.
Ông Phạm Phú Nam phụ trách Dân Sinh Media điều hợp chương trình. Mở đầu, sau nghi thức chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà là phần chiếu phim giới thiệu các hoạt động của cơ quan IRCC trong hơn 40 năm qua, từ giai đoạn đầu giúp người tị nạn học Anh ngữ, học nghề để hội nhập, cùng lúc bảo tồn lịch sử và phát huy văn hóa Việt, cho đến chương trình "Thực đơn Thân ái" giúp kẻ không nhà, chương trình trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà, dự án Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng hoà cũng như Dân Sinh Media đã thực hiện nhiều bộ phim về quân đội Việt Nam Cộng hoà.
Gợi lại hình ảnh của 65 năm về trước, cạnh sân khấu là biển chữ "Passage to Freedom" mà những người di cư đã nhìn thấy khi bước chân lên tàu ở cảng Hải Phòng để giã từ quê bắc. Đó là tên của chiến dịch đưa gần một triệu người từ bắc vào nam tìm tự do.
Ra đi nhưng lòng luôn nhớ về quê cũ nên thời đó đã có những ca khúc gợi lại hình ảnh và hồi tưởng về quê xưa. Những lời ca đã một thời vang vang trên làn sóng phát thanh ở miền Nam và hôm nay được các ca sĩ vườn nhà San Jose trình diễn.
Cô Trương Thu Thủy, con của bố mẹ bắc kỳ di cư, đã giới thiệu những ca khúc nhớ về Hà Nội. Cô cũng kể lại chuyện tình của người chú của mẹ cô với một thiếu nữ Hà Thành.
Bài hát đầu tiên là "Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội" do Phạm Đình Chương phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, được trình bày tam ca với Văn Quân, Đồng Thảo và Diệu Linh.
Mưa hoàng hôn,
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Thương màu áo ngà thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha…
Mưa ngày nay, như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
Giăng mắt heo may
Sầu rơi ướt vai, hồn quê tê tái...
Có một bài hát, mà mấy năm trước đây dư luận xôn xao về tác giả, với những lời ca không chỉ làm rung động con tim người Hà Nội đã bỏ đi vào sống trong Nam, mà cho đến bây giờ vẫn làm thổn thức người nghe dù ở quê nhà hay nơi hải ngoại. Đó là ca khúc "Nỗi lòng người đi" của Anh Bằng, do Lê Minh hát.
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi ! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa…
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi ! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ…
Hà Nội có cảnh đẹp nên thơ, có người yêu duyên dáng, nhưng ông chú của mẹ cô Thuỷ đã bỏ đi để sang Pháp du học. Rồi thời cuộc với bao chuyển biến không cho hai người gặp lại nhau, mà lòng ông vẫn luôn nhớ về hình bóng xưa. Từ phương trời Pháp quốc, ông mơ có một ngày về, như tâm tình của nhạc sĩ Hoàng Giác mà Diệu Linh đã thể hiện.
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi
Luyến tiếc bao ngày xanh
Tha thiết mong tìm về bạn cũ
Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió…
Mấy chục năm sau, khi biết tin người thiếu nữ Hà Thành vẫn chưa lập gia đình và một dịp về Hà Nội ông đã đến tận đầu ngõ muốn tìm lại người xưa. Nhưng rồi ông quyết định trở ra vì sợ phải đối mặt với hiện thực. Ông không muốn thấy hình ảnh một bà già, tóc bạc, da nhăn mà chỉ muốn giữ mãi hình ảnh đẹp của người yêu xưa trong ký ức những năm 1950. Ông không muốn giết người trong mộng. Cô Thuỷ kể chuyện tình của người trong gia đình lắm éo le như thế.
Cựu tổng trưởng Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị IRCC, phát biểu trong buổi họp mặt (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị IRCC, lên phát biểu có nói ông di cư từ bắc vào nam bằng máy bay DC-3 và hàng trăm nghìn người đã đi tầu há mồm vào nam để từ đó khai sinh ra nền cộng hoà trên nước Việt. Sau đó ông có cơ hội du học tại Đại học MIT ở Hoa Kỳ, trở về tham gia việc xây dựng đất nước trong nhiều công tác, sau cùng với chức vụ tổng trưởng thương mại và kỹ nghệ của Việt Nam Cộng hoà.
Ông nói so sánh với nhiều giai đoạn lịch sử thì 20 năm của nền cộng hòa là thể chế tốt nhất mà Việt Nam đã có. Dù không bảo vệ được Việt Nam Cộng hoà, nhưng tinh thần tự do, dân chủ của thời điểm lịch sử đó sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt.
Sau đó ông Vũ Văn Lộc giới thiệu khách tham dự kỷ niệm 20 tháng Bảy. Có mấy cụ trên 90, cao nhất là 98 tuổi. Có vị năm 1954 từng chỉ huy cuộc rút lui vào nam của Quân đội Quốc gia. Có học giả Đỗ Thông Minh đến từ Nhật. Hưng Ca với anh Huỳnh Lương Thiện. Hội Cao niên với cụ Ngọc Bích là hội trưởng. Thi văn đoàn Lạc Việt với nhà thơ Chinh Nguyên là trưởng đoàn, có phu nhân là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp ESL từ IRCC.
Có cựu học sinh Hồ Ngọc Cẩn, cựu sinh viên Đại học Berkeley. Có anh thương phế binh dù, lấy vợ gốc Miên và được cô đưa đi vượt biên. Có gia đình cố Trung tá Đỗ Đình Tá đã đóng góp 100 nghìn đôla cho việc xây dựng Bảo tàng Thuyền Nhân VNCH.
Có những cựu sĩ quan hải quân, có hoa hậu áo dài, có luật sư Hoàng Cơ Long, bà Trương-gia Vy. Có người đến Mỹ năm 1975 định cư ở tiểu bang Illinois và một năm sau cùng với ông Lộc tây tiến về California.
Người viết bài còn ghi nhận có sự hiện diện của nhà báo Thanh Thương Hoàng, cựu thẩm phán di trú Phan Quang Tuệ, cựu Trung tá Bùi Đức Lạc, các giáo sư Lê Thức Lân, Nguyễn Bá Liệu, nhà văn Thái NC, thi sĩ Nguyễn Đình Tạo, hoạ sĩ Phạm Bách Phi, luật sư Đinh Ngọc Tấn.
Về những sinh hoạt của Bảo tàng Thuyền nhân VNCH, ông Vũ Văn Lộc cho biết mỗi năm có nhiều nghìn học sinh từ các trường đến tìm hiểu và học hỏi về lịch sử cộng đồng người Việt. Sau hơn mười năm bảo tàng được hình thành, nay ông đang vận động để trong tương lai có thêm trung tâm văn hoá được xây dựng như ngôi đình làng của Việt Nam trên đất San Jose.
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 26/07/2019