Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/07/2019

Mục tiêu 'Make in Vietnam' khả thi tới mức nào đây ?

Ben Ngô

Một chuyên gia kinh tế bình luận với BBC rằng mục tiêu Make in Vietnam "là khả thi" trong lúc một nhà quan sát nói "chuyện nhân lực cho chuyển đổi số ở Việt Nam sao mà xa xôi".

make1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có nhiều phát ngôn về "Make in Vietnam"

Thời gian qua, tại các sự kiện công nghệ, người ta thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng liên tục có nhiều phát ngôn về "Make in Vietnam".

Hồi tháng 1/2019, báo InfoNet giải thích : "Make in..." là một sáng kiến xuất phát từ Ấn Độ nhằm phát triển các sản phẩm nội địa, Trung Quốc cũng có một chiến lược Make in China...".

Đến tháng 5/2019, báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng :

"Make in Vietnam" có hàm ý rộng hơn "made in Vietnam", thông qua đấy truyền tải nội hàm phát triển doanh nghiệp Việt Nam, ý muốn nói là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, khác với khái niệm doanh nghiệp khoa học công nghệ bấy lâu nay... Trong giai đoạn hiện nay, đừng chờ việc đào tạo bài bản mà phải mất hàng chục năm sau mới có, hãy tận dụng phẩm chất đặc biệt này của chúng ta để bắt tay ngay vào việc. Hãy biết cách giao việc, ắt sẽ có người đáp ứng... "

Còn theo trang The Leader, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam "được coi là ưu tiên số một với mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030".

'Xa xôi'

Hôm 24/7, từ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, người khởi xướng chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nói với BBC :

"Make in Vietnam" là khẩu hiệu được đưa ra và nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Tôi quan tâm tới nội dung được công bố tại diễn đàn này hơn khẩu hiệu "Make in Vietnam".

"Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho biết : Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số, hướng tới kinh tế số và xã hội số. Còn 5 tháng nữa là hết năm 2019, là thời điểm để đưa ra một chiến lược mà chính phủ cho rằng sẽ đem lại sự thay đổi cho Việt Nam, tức bao hàm nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia : Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, thay đổi môi trường kinh doanh, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hình thành và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao".

"Về phần mình, tôi nghĩ, nếu 2019 công bố chiến lược chuyển đổi số, điều đầu tiên phải nghĩ tới là : Nhân lực ở đâu ? Và tôi cũng nhớ tới ý kiến thẳng thắn của một giáo sư Đại học Arizona khi ông dự hội nghị về giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ở Đà Nẵng cũng mới tháng 5/2019, rằng 80% trong số 54 triệu lao động Việt Nam là không có kỹ năng phù hợp để tham gia kinh tế số. Rồi nghĩ tới nền giáo dục hiện nay thì càng thấy chuyện nhân lực cho chuyển đổi số sao mà xa xôi".

"Ở một góc nhìn khác, có thể lạc quan khi những đòi hỏi khắc nghiệt của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… thực ra cũng sẽ thúc đẩy tốt cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Ví dụ như CPTPP đòi việc mua sắm công phải minh bạch công khai thì chính yêu cầu của cuộc chuyển đổi số cũng phù hợp như thế".

"Bây giờ là lúc một chiến lược có kế hoạch hành động rõ ràng, tiến hành đồng bộ, hiệu quả. Có như vậy thì mới rõ có làm được "Make in VietNam" hay không".

make2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một sự kiện của BKAV

'Cạnh tranh bình đẳng'

Trả lời BBC hôm 24/7, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói :

""Make in Vietnam", nói nôm na là làm tại Việt Nam, sản xuất/chế biến/gia công ở Việt Nam, hãy sản xuất ở Việt Nam".

"Đây là khẩu hiệu được giới chức chính phủ đưa ra mới đây ở nhằm khuyến khích sản xuất, chế biến công nghệ ở Việt Nam".

"Theo tôi, dù có hay không có khẩu hiệu này thì Việt Nam cần phải thúc đẩy sản xuất, chế biến công nghiệp, khoa học kỹ thuật".

"Thực tế, nền công nghiệp Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, nên nếu có nhiều chính sách để sản xuất tại Việt Nam thì sẽ tốt".

"Tuy vậy, để thật sự "Make in Vietnam", một trong những điều chính phủ cần làm ngay là phải xem lại về chính sách đối với các doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân".

"Tiếp đó là xem lại chính sách về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, về nghiên cứu khoa học…".

"Vai trò của các quan chức là làm chính sách, mà các phát ngôn "Make in Vietnam" như vậy thì tôi nghĩ không sáo rỗng đâu".

"Vì ở Việt Nam từ trước tới nay, người ta hay dùng khẩu hiệu, phong trào... có vậy thì mới lan tỏa xuống phía dưới, xuống các địa phương...".

"Về các doanh nghiệp, nên có cơ chế cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt nhà nước hay tư nhân".

"Cạnh tranh bình đẳng không có nghĩa là cạnh tranh tự do không giới hạn, mà phải là cạnh tranh có luật pháp, có biện pháp bảo vệ nhà sáng chế, nhà đầu tư".

"Về giáo dục, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa về nghiên cứu và đào tạo đại học trong bối cảnh đầu tư về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam còn rất thấp)".

"Làm được những điều đó thì mới có đủ nhân lực cho sản xuất công nghiệp hiện đại, phát minh sáng chế trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu".

"Cuối cùng, mục tiêu "Make in Vietnam" sẽ là khả thi nếu có các chính sách đi theo phù hợp, nhất là trong các lĩnh vực nêu trên".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 26/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)