Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/07/2019

Từ Mường Nhé đến Bangkok, số phận người H’Mong giờ ra sao ?

Tường An

Để tránh sự bắt bớ, đàn áp của công an cộng sản Việt Nam, Thái Lan vẫn là nơi tạm trú của nhiều người bất đồng chính kiến trong khi chờ đợi xin tị nạn ở nước thứ ba. Trong đó có rất nhiều dân tộc thiểu số : Người Thượng và người H’Mong, đặc biệt có hàng trăm người H’Mong trốn thoát kể từ sau cuộc biểu tình tại Mường Nhé năm 2011. Hiện có khoảng 300 người H’Mong đang tạm trú tại Saphangmai, một tỉnh ở ngoại ô Bangkok.

hmong1

Người Hmong trong trại tị nạn Huai Nam Khao, Thái Lan, lo sợ bị trả về Lào - ©MSF - Ảnh minh họa

Trong số những người Việt Nam đang lẩn trốn tại Thái Lan để xin quy chế tị nạn tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc, có những người thiểu số Tây Nguyên và người H’Mong. Phần lớn, những người H’Mong này đã tham gia cuộc biểu tình lớn nhất tại Mường Nhé từ ngày 30/4 đến 5/5/2011. Có mặt trong cuộc biểu tình, hiện đang tạm trú tại Thái Lan và xin quy chế tị nạn, ông Cừ A Páo nhớ lại :

"Năm 2011 là một sự đàn áp rất là khốc liệt đối với bản thân tôi và người H’Mong. Tôi đã bị công an Việt Nam tra tấn chúng tôi rất là nặng nề : dùng dùi cui điện đốt tôi từ đâu đến chân, đánh vào lưng và ngực, máu chảy ướt hết quần áo. Công an Việt Nam dùng điện đốt, tôi ngất đi thì công an đổ nước vào cho tỉnh lại để tiếp tục tra tấn rất nặng nề. Ở Mường Nhé 3 ngày 3 đêm không cho ăn cơm".

Mục đích cuộc biểu tình theo người dân H’Mong là đòi có nhà thờ Tin Lành riêng cho người H’Mong mà không phải chỉ dùng nhà nguyện. Thế nhưng, nhà cầm quyền Việt Nam cho là họ muốn lập Vương quốc tự trị Mông nên ra tay đàn áp khốc liệt. Theo nhiều nguồn truyền thông quốc tế cho biết có 28 người bị tử vong, trong đó có 3 trẻ em, 130 người bị bắt và hàng trăm người khác trốn vào rừng. Theo đạo Tin Lành từ năm 1999 và biểu tình đòi tự do tôn giáo, nhưng ông Cư A Páo bị gán vào tội muốn làm bộ trưởng bộ y tế cho Vương quốc H’Mong, ông nói :

"Công an tỉnh Điện Biên tên Trần Đình Tụi tra tấn tôi và gán cho tôi tội làm bộ trưởng bộ y tế của người H’Mong. Công an Việt Nam chuyển tôi từ Mường Nhé đến Điện Biên giam tại trại giam Lung Bua. Tại đó, họ cùm chân tôi 14 tháng

Tại trại giam Điện Biên, công an Việt Nam tra tấn tôi và công an Việt Nam ra lệnh cho người tù tra tấn người tù. Tôi đã bị tra tấn rất nặng nề từ khi tôi vào trại Lung Bua đó. Ngày 13/3/2012, tôi không đứng dậy được nữa, cùm chân tôi rất là lâu, tôi không đứng đạy được nữ. Khi đem tôi ra toà án Điện Biên thì tôi bị ngất xỉu, suýt mất mạng ở đó".

Theo lời kể của ông Cư A Vành thì nhà cầm quyền cho máy bay thải thuốc độc và cho quân đội đàn áp, ông phải trốn vào rừng sau đó sang Trung quốc nhưng bị trả về Việt Nam và bị công an Việt Nam đánh đập tàn tệ,ông bị kết án 5 năm tù và 3 năm quản chế. Ra tù, ông chạy trốn sang Thái Lan. Ông kể lại :

"Họ đem máy bay về bỏ thuốc độc, sau đó cho quân đội về đàn áp. Tôi không dám về nhà, phải trốn vào rừng, sau đó năm 2012 tôi trốn sang Trung quốc. Sang Trung quốc thì bị chính quyền Trung quốc bắt trả về Việt Nam. Chính quyền Việt Nam khoá chân tay, bịt miệng tôi và đánh đập tàn tệ".

http://www.dreamstime.com/royalty-free-stock-photo-hmong-refugees-idc-nong-khai-thailand-image10692785

Người Hmong trong trại Nong Khai, Thái Lan, tháng 8/2009 - Ảnh minh họa

Chị Mai thị Nga, một phụ nữ H’Mong cho biết con chị đã bị giết trong tù :

"Bọn em là người Thiên Chúa, chính quyền không cho mình sinh hoạt Chúa , họ bắt mình phải bỏ đạo, mình không bỏ. Con cái mình đi học, chính quyền không thích những người con của Chúa đi học nên họ đón đường họ giết. Con em bị chính quyền giết, móc hết cả mắt, gẫy hết cả cằm, gẩy hết cả răng, có đứa gẫy chân, có đứa gấy tay, có đứa gẫy xương vai. Nhà em cũng có lên tiếng để làm đơn kiện từ huyện, xã đến trung ương nhưng họ không can thiệp. Họ nói không biết".

Trong khi chờ đợi xin quy chế tị nạn tại Bangkok, họ là những người sống bất hợp pháp, lúc nào cũng ở tình trạng lo sợ bị cảnh sát Thái lan bắt.

"Rất là sợ cảnh sát Thái Lan vì họ đang lùng bắt những người đang sống bất hợp pháp trên đất Thái Lan này, cho nên ở cũng rất là sợ, cũng không dám đi làm. Đi làm thì có những người chủ tốt thì họ cũng trả tiền, gặp chủ không tốt thì đi làm 2-3 tuần không có đồng nào, không có tiền trả tiền phòng. Tôi phải khất nợ 2 tháng, phải đi mượn tiền của hội Thánh để trả, khổ lắm !"

Những người Việt tị nạn tại Thái Lan có thể tạm chia thành 3 nhóm : Nhóm người Việt hoạt động, đấu tranh cho Tự Do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam, nhóm người Thượng và nhóm người H’Mong. Trong đó, phần lớn người H’Mong không biết tiếng Việt, không biết tiếng Anh, không biết cách trình bày câu chuyện của họ một cách dễ hiểu, suông sẻ. Nhiều gia đình bị Cao uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc từ chối cấp quy chế tị nạn. Anh Hơ A Sử cũng không hiểu vì sao đơn xin tị nạn của anh bị từ chối, qua lời phiên dịch của mục sư Hoà, anh khóc nức nở nói :

"Mình không hiểu rõ vì sao ? Có lẽ vì mình không biết cách trình bày hay do những gì mà bên Cao ủy họ không giải thích rõ ràng thì mình cũng không thể biết. Hiện nay hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Bây giờ mình chỉ nhìn lên trên thấy trời và nhìn dưới thấy đất mình không biết phải làm gì ?".

Theo tổ chức Human Rights Watch, từ năm 2015 đến nay, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại Bangkok đã trao trả về Việt Nam 68 người trong sáu đợt, riêng tỉnh Gia Lai có 25 người. Gia đình chị Mai thị Nga đã bị từ chối 1 lần và đang kháng cáo, hiện cũng sống trong tâm trạng lo lắng :

"Có cả ảnh, video… Có cả những bằng chứng kiện cáo. Nhưng họ (Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok) đã có đơn trả lời, có dấu đỏ hẳn hoi, nhưng không biết làm sao UN đã từ chối, cho nên là rất là khổ. Bây giờ đang sống ở đây nhưng gia đình rất là lo, sợ Cao ủy Tị nạn không chấp nhận nữa thì không biết làm sao để sống được".

Gia đình ông Giàng Seo Dơ bị công an truy nã vì nhiều lần viết thư phàn đối việc nhà cầm quyền bắt ông bỏ đạo Tin Lành và thờ hình Hồ Chí Minh nên đã trốn sang Thái lan và nộp đơn xin tị nạn ngày 14/12/2016. Tuy nhiên, trong 3 năm, Cao ủy Tị nạn chỉ phỏng vấn gia đình ông 1 lần duy nhất ngày 13/11/2017, sau đó từ chối quy chế tị nạn và cũng không xét duyệt đơn kháng cáo.

hmong3

Những người lính Thái Lan trong một trại tị nạn Huay Nam Khao dành cho người Hmong  27/12/2009.AFP Pornchai Kittiwongsakul

Phản đối sự thanh lọc bất công, gia đình ông Giàng Seo Dơ đã biểu tình trước cơ quan của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok từ ngày 1/4/2019 đến ngày 15/5/2019.

Gia đình ông đã biểu tình suốt ngày đêm, nằm ngủ trước văn phòng Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc gần 2 tháng trời. Cảnh sát Thái lan cho biết ông chỉ được phép biểu tình ban ngày, họ muốn đưa gia đình ông về đồn cảnh sát ngủ, nhưng do bất đồng ngôn ngữ, ông tưởng rằng cảnh sát bắt ông vào trại giam nên gia đình phản kháng quyết liệt. Sau một cuộc dằng co với cảnh sát, ông đã bị bắt vào trại giam giữ người nhập cư IDC tại Bangkok, còn con ông thì bị bệnh do đuối sức và bị muỗi cắn khi ngủ ngoài trời. Cuộc biểu tình của gia đình ông coi như chấm dứt. Con ông là Giàng Seo Minh nói :

"Bố bị bắt vì đi biểu tình tại Liên Hiệp Quốc đòi quy chế tị nạn".

Những người có quy chế tị nạn thì được Cao ủy trợ cấp một khoản chi phí nhỏ. Còn những người không có quy chế tị nạn thì phải tự sinh sống, họ cũng không được phép đi làm nên phải làm chui, nhiều gia đình phải nhặt thức ăn từ thùng rác, anh Cư A Vành nghẹn ngào xấu hổ không nói nên lời khi được một mục sư hỏi về nguồn thức ăn của gia đinh. Riêng chị Mai Thị Nga thì thẳng thắng cho biết :

"Buổi sáng 3 giờ phải đi nhặt rau đến 5 giờ mới về, nhặt ở mấy thùng rác to. Họ vất những thịt đã thiu, đã xanh rồi, cá cũng vậy, mình không có thì mình nhặt về rửa lại ăn".

Do không biết tiếng Việt, tiếng Thái cũng như tiếng Anh, họ không tự lên tiếng được cho chính mình. Trên 1000 người dân tộc thiểu số đang sống lây lất tại Thái Lan rất ít được thế giới và các NGO quan tâm. Dù là người Thượng hay người H’Mong, tất cả đều chỉ có cùng một mong ước, ông Nay Them nói :

"Rất mong cộng đồng quốc tế quan tâm đến dân tộc thiểu số chúng tôi và giải cứu chúng tôi thoát khỏi cảnh ngộ này".

Tường An

Nguồn : RFA, 26/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 690 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)