Chi tiêu từ ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ cho các dự án và hoạt động tại Việt Nam ngày một giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump theo các thống kê chi tiêu của Hoa Kỳ.
Các con số chi tiêu của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2019 là gần 107 triệu đô la.
Sau khi liên tục tăng từ mức gần 83 triệu đô la trong năm 2013 tới hơn 130 triệu đô la trong năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama, mức chi tiêu của Washington cho Hà Nội giảm dần từ đó.
Tuy mức giảm không lớn, tổng chi cho năm 2017 giảm hơn một triệu đô la so với năm 2016 và tới năm 2018 chỉ còn chưa tới 126 triệu, giảm khoảng gần bốn triệu đô sau hai năm cầm quyền của ông Trump.
Các con số chi tiêu của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2019 là gần 107 triệu đô la, đưa tổng chi tiêu cho Hà Nội lên hơn 360 triệu đô la kể từ khi ông Trump lên cầm quyền hồi tháng 1/2017, tức chưa đầy ba năm tính tới nay. Con số này vẫn lớn hơn mức tổng chi tiêu gần 330 triệu đô la mà chính quyền Tổng thống Obama dành cho Việt Nam trong ba năm 2014 (gần 90 triệu đô la Mỹ), 2015 (gần 110 triệu) và 2016 (trên 130 triệu).
Chính quyền ông Obama đã bỏ ra gần 870 triệu đô la từ ngân sách liên bang cho các hoạt động và dự án ở Việt Nam trong tám năm cầm quyền với mức trung bình 108 triệu đô la mỗi năm với mức khởi điểm khá thấp, chỉ chưa tới 60 triệu đô la trong năm 2008.
Nếu tính gộp tổng chi tiêu từ năm 2008 tới nay, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ có mức chi tiêu ngân sách liên bang lớn nhất ở Việt Nam – trên 700 triệu cho các dự án tăng cường năng lực và hiểu biết cho người dân và chính quyền, bảo tồn, giáo dục và y tế.
Đứng thứ hai với mức gần 165 triệu đô la là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đứng thứ ba là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh với tổng chi gần 157 triệu đô la.
Đứng ở vị trí thứ tư, thứ năm và thứ sáu là Hải quân Hoa Kỳ (gần 72 triệu đô la), Cơ quan Giảm thiểu Đe doạ Quốc phòng (trên 36 triệu) và Lục quân Hoa Kỳ (gần 35 triệu).
Chi tiêu của Không quân Hoa Kỳ và Tuần duyên Hoa Kỳ đều ở mức dưới một triệu đô la dù đã tính tổng chi tiêu từ năm 2008.
Bảng so sánh chi tiêu của các cơ quan, bộ, ngành của chính phủ Hoa Kỳ.
Chi tiêu của Hoa Kỳ ở Trung Quốc
Nếu so Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc, chi phí lớn nhất của Hoa Kỳ ở quốc gia đông dân nhất thế giới là hơn 790 triệu đô la cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kể từ năm 2008 tới nay.
Cơ quan có mức chi tiêu lớn thứ hai trong cùng khoảng thời gian với mức hơn 132 triệu đô là Cơ quan Hậu cần Quốc phòng.
Theo sau đó là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (130 triệu đô la), Sở An sinh Xã hội (118 triệu đô la) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (gần 55 triệu đô la).
Chi tiêu của Hải quân Hoa Kỳ ở mức chưa tới 16 triệu đô la so với gần 72 triệu đô la ở Việt Nam trong cùng giai đoạn từ 2008 tới nay.
Chi tiêu của Cơ quan Giảm thiểu Đe doạ Quốc phòng ở mức trên 13 triệu, bằng hơn một phần ba mức trên 36 triệu dành cho Việt Nam nhưng Không quân Hoa Kỳ tiêu hơn 11 triệu đô la ở Trung Quốc so với mức chưa tới một triệu đô la ở Việt Nam.
Minh bạch chi tiêu
Hoa Kỳ có truyền thống minh bạch cách họ tiêu tiền thuế của dân cũng như tiền đi vay từ các nguồn trong nước và nước ngoài.
Trang USAspending.gov đưa ra con số chi tiêu của chính quyền liên bang trong 12 năm trở lại đây với các khoản chi tiêu cụ thể cho từng đơn vị thụ hưởng ở các nơi khác nhau.
Trang này nói trong năm 2018, chính phủ thu về 3.300 tỷ đô la, tương đương với 68 triệu người có thu nhập 49.000 đô la mỗi năm.
Trong khi đó mức chi của năm 2018 là hơn 4.110 tỷ đô la, tức cứ mỗi 10 giây chính quyền lại tiêu 1,3 triệu đô la Mỹ.
Mức thâm hụt ngân sách trong năm 2018 là 779 tỷ đô la, tức mỗi phút lại bội chi 1,5 triệu đô la. Mức bội chi này gấp 22 lần số nợ tín dụng của người dân Hoa Kỳ, vốn ở mức 36 tỷ đô la trong năm 2018.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 31/07/2019