Corona ở Anh : Nhà nhà bị quản thúc tại gia
Nguyễn Hùng, VOA, 15/04/2020
Cuối tuần trước tôi và một nhóm bạn tụ tập "nhậu nhẹt", dĩ nhiên là qua mạng. Chúng tôi dùng Zoom, cảnh báo luôn với quý vị là họ có đặt máy chủ ở Trung Quốc đấy nên chỉ nhậu qua mạng thì được, còn công việc thì hãy cảnh giác. Mỗi người chúng tôi ôm một ly, người uống gin, người uống vang, người thì bia. Mọi người kể cho nhau nghe tuần vừa rồi đi đâu, làm gì. Trừ những người làm ngành y, bán hàng ở siêu thị hay một số nghề chủ chốt khác, còn lại đi thì chỉ từ phòng khách ra phòng ngủ rồi ra bếp. Nếu may có vườn thì ra đó sưởi nắng vì thời tiết mấy ngày qua ở Anh khá đẹp.
Thủ tướng Anh, Boris Johnson.
Dịch corona này làm cho nhiều người thấu hiểu thế nào là quản thúc tại gia. Người Anh vẫn được ra đường tập thể dục ngày một lần và được đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Nhưng hầu hết thời gian trong ngày là ở nhà. Đã có những cảnh báo về chuyện nhiều người bị trầm cảm, thậm chí muốn tự tử vì bỗng dưng chẳng còn được đi đâu. Số người gọi tới đường dây nóng dành cho những người bị bạo hành tại gia cũng tăng. Rồi người đăng ký nhận trợ cấp khó khăn cũng tăng tới cả mấy trăm ngàn. Mở thì nguy cơ chết có thể lên tới nửa triệu người ở Anh theo các nhà khoa học. Đóng chặt như hiện nay khả năng số người chết sẽ ở mức 20.000 người. Dĩ nhiên trong số nửa triệu người được dự đoán sẽ chết vì corona mới, nhiều người không có vi rút này cũng không còn sống được lâu nữa. Mỗi năm ở Anh có hơn 600.000 người tử vong vì các lý do khác nhau và năm nào cũng có chừng 10% người trên 80 tuổi qua đời. Quy luật sinh lão bệnh tử vẫn cứ như vậy dù có corona mới hay không.
Tuy nhiên một thống kê mới được công bố cho thấy số người chết ở Anh và Xứ Wales trong tuần tính tới 3/4/2020 là trên 16.000, tăng 6.000 so với con số trung bình của năm năm trước đó cho cùng tuần. Trong khi đó số người chết được đăng ký vì Covid-19 là gần 3.500, chiếm trên 20% tổng số người chết. Nhưng đây cũng chính là điều gây lo ngại vì số gần 2.500 người chết nhiều hơn so với thống kê trung bình cho năm năm trước đó là do đâu ? Người ta ngờ rằng có nhiều người trong số đó chết vì vi-rút corona mới nhưng không được xét nghiệm để khẳng định. Con số người chết vì Covid-19 tại Anh cũng chỉ giới hạn trong thống kê từ các bệnh viện và cơ sở y tế. Nó không bao gồm số người chết có thể vì Covid-19 tại các trại dưỡng lão. Dữ liệu từ các nước bao gồm số tử vong vì Covid-19 tại các cơ sở chăm sóc người già như vậy tại Pháp và Ai-len cho thấy số người chết trong các nhà dưỡng lão ở hai nước tương ứng là 45% và 54% trong tổng số người chết vì Covid-19. Hiện đang có lo ngại Anh rồi có thể sẽ chỉ đứng sau Hoa Kỳ về số người chết vì vi-rút corona mới.
Trở lại bàn nhậu ảo nhưng rượu bia thật của chúng tôi, có hai người bạn tôi làm ở siêu thị nên họ vẫn phải đi làm. Một người làm quản lý nói cửa hàng lớn nhất của hãng anh tại trung tâm London thông thường mỗi tuần đón trên 36.000 khách giờ tụt xuống còn 12.000 trong khi doanh thu giảm từ nửa triệu bảng một tuần xuống chừng 300.000 bảng. Một số hãng xưởng của Anh đã sắp phá sản vì tình trạng đóng nền kinh tế như hiện nay. Có mô hình còn dự đoán kinh tế Anh sẽteo tới 35% trong giai đoạn từ tháng 4-6 vì chính sách giãn cách xã hội hiện nay. Sẽ là khiếm khuyết nếu không có thống kê những người bị giảm tuổi thọ hay thậm chí chết vì giãn cách xã hội.
Nước Anh trong những ngày Covid-19 này làm tôi nhớ tới sự tê liệt của cả hệ thống mỗi khi tuyết rơi nhiều. Anh không phải là nước thường xuyên sống chung với tuyết nên họ không chuẩn bị gì cả. Xe xúc tuyết không có mấy và tàu cứ có tuyết là chạy như rùa hoặc nghỉ luôn. Với Covid-19, ngành y tế không được đầu tư đúng mức trong nhiều năm vẫn luôn căng thẳng vào mỗi mùa đông, giờ thêm Covid-19 càng thêm oải. Ngoài ra Anh cũng tự nhận là không có nền công nghiệp chẩn đoán bệnh tốt như Đức nên số người được xét nghiệm không đủ mức cần thiết. Trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên ngành y cũng thiếu. Thủ tướng Anh sau khi ra viện vì Covid-19 đã nói "không nghi ngờ gì NHS [hệ thống y tế Anh] đã cứu mạng tôi". Hy vọng ông sẽ không nói đãi bôi và có đầu tư đúng mức cho ngành y tế.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 15/04/2020
******************
Virus corona : Huawei cảnh báo Anh quốc đừng đổi ý về 5G sau đại dịch
Gordon Corera, BBC, 13/04/2020
Công ty viễn thông Trung Quốc Huawei nói rằng việc phá vỡ sự tham gia của Anh vào quá trình triển khai 5G sẽ là "điều bất lợi" cho nước này.
Công ty Huawei cho biết họ tập trung vào việc giữ cho Vương quốc Anh được kết nối trong cơn khủng hoảng Covid-19. Ảnh GETTY IMAGES
Vào tháng Giêng, chính phủ Anh đã phê duyệt một vai trò hạn chế cho Huawei trong việc xây dựng các mạng dữ liệu mới của Anh.
Nhưng đến tháng Ba, một loạt phản ứng trong đảng Bảo thủ đã báo hiệu những nỗ lực lật đổ động thái này.
Trong một bức thư ngỏ, công ty Huawei cho biết họ tập trung vào việc giữ cho Vương quốc Anh được kết nối trong cơn khủng hoảng Covid-19.
Nhưng đại dịch có thể làm tăng áp lực lên chính phủ là phải có một đường lối cứng rắn hơn đối với Huawei.
'Làn đường chậm'
Trong lá thư nói trên, Victor Zhang, người đứng đầu Huawei tại Vương quốc Anh, cho biết việc sử dụng dữ liệu tại nhà đã tăng ít nhất 50% kể từ khi virus này tấn công nước này, gây "áp lực đáng kể" cho các hệ thống viễn thông.
Huawei cho biết đã hợp tác với các đối tác như BT, Vodafone và EE để đối phó với nhu cầu tăng cao, và cũng đã thiết lập ba nhà kho mới trên toàn quốc, để đảm bảo việc có thể sẵn sàng cung cấp các phụ tùng thay thế.
Ông Zhang cũng nói rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy rõ có bao nhiêu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, "bị kẹt trong làn đường chậm của kỹ thuật số". Và ông cảnh báo rằng loại Huawei khỏi vai trò tương lai trong 5G của nước Anh sẽ là một sai lầm.
"Có những người chọn tiếp tục tấn công chúng tôi mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào", ông viết.
"Làm gián đoạn sự tham gia của chúng tôi trong việc triển khai 5G sẽ khiến tạo cho Anh nhiều bất lợi".
Chính phủ Anh đã loại Huawei khỏi các bộ phận nhạy cảm nhất trong các mạng di động của nước này và giới hạn Huawei chỉ được cung cấp ở mức 35% "vùng ngoại biên" của mạng 5G, bao gồm các cột sóng radio.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng cho phép công ty Trung Quốc này đóng bất kỳ vai trò nào tại Anh cũng là một rủi ro an ninh vì lo ngại Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám hoặc thậm chí phá hoại truyền thông.
Đầu tháng Ba, 38 nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối quyết định cho Huawei tham dự vào việc xây dựng các mạng dữ liệu mới của Anh.
Số nghị sĩ tỏ sự bất bình cao hơn dự kiến. Điều đó chỉ ra một kết quả đảo ngược tiềm tàng khi Dự luật cơ sở hạ tầng viễn thông xuất hiện trước Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Cuộc khủng hoảng virus corona nhấn mạnh sự căng thẳng giữa các vấn đề an ninh kinh tế và quốc gia khiến chủ đề này càng trở nên gây tranh cãi.
Một vế của cuộc tranh cãi là nhu cầu kết nối lớn hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phe ủng hộ vai trò của Huawei lập luận rằng việc loại trừ nó sẽ làm chậm đi và tăng chi phí của việc cung cấp các mạng nhanh hơn và đáng tin cậy hơn.
Vế kia là sự tức giận nhắm vào Trung Quốc từ một số thành phần vì đánh già là nước này không xử lý bệnh dịch Covid-19 từ lúc ban đầu, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng đối với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ và công ty của Trung Quốc.
Một số các bộ trưởng và quan chức cấp cao giấu tên gần đây đã được trích dẫn nói rằng sẽ phải có một sự "xét lại" sau khi cuộc khủng hoảng hiện tại đã kết thúc.
Một phần của việc xét lại này có thể liên quan đến việc đảo ngược quyết định của tháng Giêng - một mối quan tâm có thể giải thích cho quyết định viết thư của Huawei.
Vào ngày 4/4, một nhóm gồm 15 nghị sĩ bảo thủ kêu gọi Anh quốc suy nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc trong lá thư họ gửi Thủ tướng Boris Johnson, viết một ngày trước khi ông được đưa vào bệnh viện".Theo thời gian, chúng ta đã để cho mình phụ thuộc vào Trung Quốc và đã không thất bại trong việc có một cái nhìn chiến lược về nhu cầu kinh tế, kỹ thuật và an ninh dài hạn của Anh", nhóm này viết. Trong số những người ký tên có Iain Duncan Smith, David Davis và Bob Seely.
Được biết Huawei đã đợi cho đến khi Thủ tướng ra khỏi bệnh viện trước công bố bức thư.
Đầu tháng Ba tôi có dịp tới Ukraine, vùng đất cách đây 30 năm còn thuộc về quốc gia cộng sản lớn nhất hành tinh. Ngày nay đất nước này đã hoàn toàn rũ bỏ quá khứ cộng sản và hướng về Châu Âu thay vì đi theo đường lối toàn trị như nước láng giềng Nga khổng lồ. Những người theo đường lối cộng sản vẫn còn nhưng các chính đảng như vậy không còn tồn tại.
Ảnh chụp quanh khu tưởng niệm những người ngã xuống vì tự do hồi năm 2014.
Đón tôi ở sân bay Boryspil tại thủ đo Kiev là bác tài xế tuổi trạc 50. Bác kể đã từng đi lính nghĩa vụ dưới tới Liên Xô từ năm 1986-1988. Sau đó bác cưới một cô gái Nga và hôn nhân kéo dài cho tới vài năm gần đây khi mỗi người mỗi ngả. "Tôi không bàn tới chuyện Liên Xô tốt hay xấu, nhưng khi đó các nước trong Liên Xô người ta coi nhau như anh em", bác nói. Giờ thì anh gấu Nga đã vả cho đứa em Ukraine mấy cái và chiếm luôn bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Di ảnh của hàng chục người dũng cảm xuống đường đòi tự do được bày dọc theo bức tường của khu tưởng niệm, một số được treo trên các thân cây ở phía đối diện.
2014 cũng là năm cuối cùng đảng cộng sản ở Ukraine được phép tham gia tranh cử. Luật giải trừ cộng sản trong năm 2015 đã loại Đảng cộng sản Ukraine khỏi các cuộc bầu cử và cũng cấm luôn các biểu tượng cộng sản. Trong các năm sau đó hàng ngàn tượng đài của Lenin và các nhà lãnh đạo Xô Viết khác đã bị dỡ bỏ và hàng chục ngàn tên các địa phương xuất phát từ thời Liên Xô đã được thay đổi.
Trước khi tới Kiev, cũng còn được gọi là Kiev theo cách viết của Nga, tôi có tham khảo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh. Lời khuyên của họ là không nên tới các vùng miền đông Ukraine bao gồm Donetsk, Luhansk và cả Crimea. Miền đông là nơi phiến quân thân Nga và quân chính phủ giao tranh trong mấy năm qua. Ngay gần khách sạn City Hotel nơi tôi ở có một tòa nhà đang bỏ dở. Công ty đầu tư làm ăn chính ở Donetsk và gặp khó khăn về tài chính do chiến sự diễn ra. Tòa nhà đã hoàn thiện phần khung nhưng không còn tiền để làm nốt phần còn lại cũng như nối điện và nước.
Tôi tới Kiev hôm 3/3 thì ngày 4/3 Tổng thống Volodymyr Zelensky, vốn là cựu danh hài, quyết định thay thế gần như toàn bộ nội các. Đó là lần thứ ba ông Zelensky thay thủ tướng và các bộ trưởng trong nửa năm qua. Vị tổng thống vừa bước sang tuổi 42 lên cầm quyền sau khi được sự ủng hộ của trên 70% cử tri trong bầu cử hồi tháng Tư năm 2019. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau số người ủng hộ ông đã giảm xuống dưới 50%. Một trong những lý do khiến người dân không còn ủng hộ ông như trước là họ không tin vào đội ngũ chính trị gia ông chọn để điều hành đất nước. Hơn nữa họ cũng nói ông hứa thật nhiều khi tranh cử nhưng chưa làm được bao nhiêu trong khi đường hướng phát triển cho đất nước còn rất mù mờ.
Ukraine nay không còn là nước cộng sản và những người cộng sản ít ỏi còn lại hiện có cũng như không nhưng nhiều vấn đề họ đang đối mặt chẳng khác gì các vấn đề của Việt Nam. Tham nhũng là một vấn nạn và gần như bất kỳ vấn đề gì trong xã hội cũng có thể được giải quyết bằng tiền dưới gầm bàn. Người ta cũng mua bằng lái xe, trả tiền cho cảnh sát để được bỏ qua những lỗi giao thông, giới tài phiệt dùng tiền để mua công lý trong khi lời hứa tăng lương đáng kể cho công nhân viên chức của ông Zelensky hiện vẫn chỉ là lời hứa. Sang năm đã là 30 năm kể từ khi Ukraine bắt đầu quá trình giải trừ cộng sản nhưng các vấn đề từ thời cộng sản vẫn mới nguyên. Thế mới thấy để có một xã hội thịnh vượng, trong sạch và thượng tôn pháp luật người ta cần phải cố gắng trong vài thế hệ.
Cũng giống như Việt Nam, một trong những trở ngại cho một Ukraine thực sự dân chủ và tự do là ông láng giềng khổng lồ. Nếu Trung Quốc không muốn Việt Nam ngả về phía Hoa Kỳ và Châu Âu thì Nga cũng không hề muốn Ukraine làm điều tương tự. Một số người dân Ukraine đang nghi ngờ rằng ông Zelensky sẽ có chính sách mềm mỏng hơn với Nga. Trong số các vấn đề gây căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay còn có chuyện chính quyền Kiev đã ngưng cung cấp nước cho Crimea từ năm 2014 khiến bán đảo này luôn trong tình trạng thiếu nước. Nếu ông Zelenksy mở lại nguồn nước từ Ukraine tới Crimea, ông sẽ gặp phải sự phản đối từ phần lớn dân chúng vốn không bao giờ chấp nhận chuyện Nga thôn tính Crimea.
Ukraine là quốc gia lớn nhất nằm trọn trong Châu Âu và có diện tích gần gấp đôi Việt Nam. Nhưng dân số Ukraine chưa bằng một nửa dân số Việt Nam trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ nhỉnh hơn quốc gia cộng sản chút ít. Một người bạn Ukraine đi cùng chuyến bay với tôi từ Kiev về lại London nói : "Chúng tôi đang trong một mớ hỗn độn và chưa thấy đường ra. Tổng thống và nhóm lãnh đạo hiện nay chẳng có đường hướng gì rõ ràng cả".
Ukraine nay không còn là nước cộng sản và những người cộng sản ít ỏi còn lại hiện có cũng như không.
Trong ngày thứ Bảy trước khi rời Kiev, tôi ra Quảng trường Độc lập và lặng người đứng trước khu tưởng niệm những người đã ngã xuống vì tự do xung quanh quảng trường hồi năm 2014. Di ảnh của hàng chục người dũng cảm xuống đường đòi tự do được bày dọc theo bức tường của khu tưởng niệm, một số được treo trên các thân cây ở phía đối diện. Người trẻ nhất mới 17 còn người già nhất đã ngoài 80. Thực sự tự do chẳng bao giờ tự nhiên tới và những mất mát trong quá trình đi tìm hay đòi lại tự do thật đáng tiếc lại là điều thật khó tránh nếu không muốn nói là không tránh khỏi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/03/2020
Hôm 21/2 Tân Hoa Xã chi tiền quảng cáo trên Facebook để chuyển một bài viết bằng tiếng Anh tới độc giả trên thế giới. Đó là bài ca ngợi những "kết quả đáng kể" của quốc gia đông dân nhất thế giới trong cố gắng phòng chống vi-rút xuất phát từ Vũ Hán. Chỉ một ngày sau Facebook đã quyết định ngưng chạy quảng cáo này. Lý do ? Tân Hoa Xã đã quảng cáo tin chính trị mà không kèm theo nhãn giải thích đó là tin chính trị xã hội được dùng tiền để kiếm thêm độc giả, vi phạm qua định của Facebook.
Khi đã biết có dịch bệnh hoành hành, giới quan chức tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức sự kiện ăn mừng Tết âm lịch với sự tham gia của 40.000 gia đình.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường tập trung vào những nỗ lực trong hiện tại của Bắc Kinh, dù là những cố gắng đáng kể, mà lờ đi những tuần án binh bất động ban đầu khi họ để cho ngọn lửa dịch bùng cháy. Ngay cả khi sau khi đã biết có dịch bệnh hoành hành, giới quan chức tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức sự kiện ăn mừng Tết âm lịch với sự tham gia của 40.000 gia đình. Lãnh đạo Trung Quốc chính là thủ phạm khiến số ca lây nhiễm trong Trung Quốc vượt quá 100.000 và số người tử vong lên trên 1.000. Nếu họ không bưng bít thông tin trong những tuần đầu tiên, số người nhiễm ở Trung Quốc sẽ ít hơn nhiều và bệnh dịch sẽ không tràn ra tới trên 50 nước như vừa qua.
Các nhà phân tích đưa ra các cách lý giải khác nhau về chuyện Trung Quốc phản ứng chậm trong dịch cúm Covid-19. Phó giáo sư Zeynep Tufekci ở Đại học Bắc Carolina viết cho trang The Atlantic rằng chính hệ thống kiểm soát và kiểm duyệt ở Trung Quốc có thể đã khiến ông Tập Cận Bình cũng không biết những gì đang diễn ra ở chính đất nước mình. Bà Tufekci coi đây là "chứng mù chuyên chế", điều đã khiến Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc khuyến khích người dân ăn "năm bữa mỗi ngày" hồi năm 1958 vì được báo cáo láo rằng Trung Quốc đang thừa đồ ăn. Chỉ vài tháng sau khi người dân đổ cả đồ ăn xuống cống vì phải ăn cho đủ thành tích, Trung Quốc đã gặp một trong những nạn đói khủng khiếp trong lịch sử khiến hàng chục triệu người chết vì sức tàn phá của chính sách Đại Nhảy Vọt. Một lần nữa Mao chỉ biết được tác hại của Đại Nhảy Vọt khi đã quá muộn, theo bài viết của bà Tufekci.
Ông Tập Cận Bình có lẽ cũng không biết tới những lời cảnh báo sớm của bác sĩ Lý Văn Lượng từ đầu tháng Một, lúc bệnh dịch đã tồn tại được hơn ba tuần. Các nhà kiểm duyệt đã nhanh chóng xóa nó đi khỏi các diễn đàn và mạng xã hội trong lúc công an hỏi tội bác sĩ Lý và các đồng nghiệp của ông. Một trong những lời nói cuối cùng của bác sĩ Lý trước khi chết vì vi-rút Covid-19 là : "Trong một xã hội lành mạnh không thể chỉ có một giọng nói được".
Các chính thể cộng sản trong đó có cả Việt Nam muốn tạo ra : nhiều đàn cừu không có tư duy độc lập hoặc phải tự bóp méo tư duy độc lập của mình để có thể hưởng lợi từ hệ thống bệnh hoạn.
Thật trái khoáy đây chính là những gì các chính thể cộng sản trong đó có cả Việt Nam muốn tạo ra : xã hội một giọng. Đó là lý do ban tư tưởng tồn tại với một ông tổng biên tập cho cả quốc gia trong đó báo chí là độc quyền sở hữu của nhà nước. Chính sách này tạo ra nhiều đàn cừu không có tư duy độc lập hoặc phải tự bóp méo tư duy độc lập của mình để có thể hưởng lợi từ hệ thống bệnh hoạn.
Nhưng khi dịch bệnh hoành hành như ở Hồ Bắc, cả cừu lẫn những người có suy nghĩ tự do đều bị ảnh hưởng như nhau. Một đất nước với quân đội có thể coi là mạnh nhất Châu Á mà chật vật trước con vi-rút nhỏ xíu mắt thường nhìn không ra. Covid-19 cho thấy Trung Quốc còn lâu mới là siêu cường, theo lời một giáo sư từ Viện Khoa học Chính trị Paris. Trong bài viết cho ban Brazil của Đài tiếng nói quốc tế Pháp, ông Alfredo Valladão nói rằng các giá trị của Trung Quốc đang gặp thách thức lớn, nhất là sau các cuộc biểu tình kéo dài ở Hong Kong. Cộng thêm với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, mọi việc không hề suôn sẻ với ông Tập Cận Bình trên đường tiến tới đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022.
Nguy cơ từ dịch bệnh ở nước láng giềng Trung Quốc cũng là phép thử đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đại hội 13 vào năm sau. Sau vụ đốt làng ở Đồng Tâm, bất cứ chính sách sai lầm nào trong xử lý dịch bệnh sẽ gây phương hại tới cơ hội thăng tiến của các chính trị gia chóp bu đang cầm quyền. Vụ Đồng Tâm và cả vụ Covid-19 còn cho thấy bệnh dịch kinh niên ở cả Việt Nam và Trung Quốc chính là bệnh "mù chuyên chế" và điều này phải đáng sợ hơn con Covid-19 gấp nhiều lần. "Mù chuyên chế" gây ảnh hưởng tới não chứ không phải phổi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/03/2020
Sau màn ngã ngựa cách đây vài năm của anh Ba, tức cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giờ các cặp mắt hướng về đại hội đảng vào năm sau hẳn đang theo dõi đường quan lộ sắp tới của anh Bảy, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Anh Bảy Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh minh họa
Ngoại trừ vụ gây tai tiếng khủng khiếp ở Đồng Tâm mà ông Phúc hẳn phải chịu một phần trách nhiệm, vị thủ tướng đã ghi được một số điểm son trên con đường tiến tới Đại hội Đảng.
Tin vui mới nhất đối với anh Bảy là việc bất chấp sự phản đối của gần 200 dân biểu Nghị viện âu Châu, 400 dân biểu khác đã bỏ phiếu thông qua hiệp định về tự do buôn bán giữa khối 27 nước trong EU và một trong năm quốc gia cộng sản ít ỏi còn lại trên thế giới. Hiệp định cũng đòi hỏi Việt Nam mở rộng quyền lập hội cho người lao động ở Việt Nam và cho phép xã hội dân sự tham gia giám sát chính sách.
Về kinh tế, hiệp định sẽ giúp Việt Nam xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa hơn nữa vào EU, thị trường mà trong năm ngoái Việt Nam đã bán được tổng cộng hơn 42 tỷ đô la trị giá hàng hóa mà chỉ nhập về lượng hàng có giá 14 tỷ đô la. Và trong khi Việt Nam thu về hơn 28 tỷ đô la trong giao thương với các nước EU trong năm ngoái, Hà Nội chịu thiệt gần 24 tỷ đô la trong buôn bán với Trung Quốc do nhập khẩu nhiều hơn hẳn so với xuất khẩu sang quốc gia láng giềng với sức mua rất lớn.
EU nói Việt Nam đã vượt qua Malaysia và chỉ kém Singapore về tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu song phương với EU trong khối 10 nước ASEAN. EU cũng nhận xét kinh tế Việt Nam đã giữ mức phát triển trung bình 6% trong hai thập niên qua và sẽ còn duy trì được ở mức này trong nhiều năm tới. Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ được mức tăng trưởng kinh tế từ 6-7% hoặc hơn nữa trong năm nay, ông sẽ ở vị thế tốt hơn khi tranh đua vào vị trí tổng bí thư trong chưa đầy 12 tháng nữa.
Điều khó lường hiện nay là ảnh hưởng của vi rút Covid 19 tới tăng trưởng kinh tế. Buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục đạt trên 100 tỷ đô la trong hai năm gần đây nhất. Mỗi năm Việt Nam cũng đón vài triệu khách du lịch Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang phải cô lập một xã ở Vĩnh Phúc và cả thủ đô chính trị lẫn thương mại vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa bệnh dịch. Cả hai quyết sách này dường như đều được nhiều người dân ủng hộ.
Một chính sách khác cũng tỏ ra có tác động tốt từ đầu năm tới nay là việc cấm người uống rượu bia điều khiển các phương tiện giao thông. Trang tin VnExpress nói Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Báo Thanh Niên trong khi đó viết mỗi ngày có trung bình 21 người chết vì tai nạn giao thông trong năm 2019.
Có nhiều lý do khiến ông Nguyễn Xuân Phúc hiện ở vào vị trí thuận lợi hơn ông Nguyễn Tấn Dũng khá nhiều trong cuộc đua vào ghế tổng bí thư.
Thứ nhất ông Nguyễn Phú Trọng sang năm đã 77 tuổi và sức khỏe không còn đủ để tiếp tục ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Cộng thêm với dư âm của vụ Đồng Tâm mà ông Trọng đã có những hành động sốt sắng ghi công cho ba công an được cho là thiệt mạng trong cuộc tấn công, ở góc độ nào đó từ ông lão đốt lò giờ ông còn bị tai tiếng là ông đốt làng.
Thứ hai, do ông Nguyễn Phú Trọng quyết giữ cả hai ghế thay vì chọn một ủy viên Bộ Chính trị ngồi vào ghế chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang ra đi, ông Phúc đã bớt đi được một ủy viên Bộ Chính trị có sức cạnh tranh cao. Hơn nữa người có vẻ được ông Trọng nhắm tới cho chức tổng bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, đã đau ốm từ lâu và giờ không còn là đối thủ của ông Phúc.
Thứ ba, anh Bảy hiển nhiên không phải là đối thủ mà ông Trọng và nhiều ủy viên Bộ Chính trị muốn triệt bằng được như anh Ba trong đại hội lần trước. Bởi vậy ông Phúc không phải lo đối phó với mối đe doạ quá lớn tới từ chính tổng bí thư và phe nhóm của nhân vật này.
Nói như vậy không có nghĩa là ông Phúc hiển nhiên sẽ thay thế ông Trọng vào đại hội tới vì về lý thuyết bất cứ ai trong số 10 ủy viên Bộ Chính trị hàng đầu hiện nay đều có cơ hội trở thành tổng bí thư. Nhiều khi sự ganh đua quyết liệt giữa các phe trong bộ chính trị lại có thể tạo cơ hội cho một ủy viên trung dung vốn có thể tạo được sự đồng thuận trong đảng.
Điều đáng lo ngại là họ vẫn có thể có tổ đồng thuận trong nhóm lãnh đạo chóp bu, những người sẵn sàng diệt các tổ đồng thuận như họ vừa làm ở Đồng Tâm. Mặc dù vậy người ta có quyền hy vọng phe công an sẽ yếu thế do cách xử lý tình huống vô cùng tồi tệ khi giết đảng viên gần 60 tuổi đảng Lê Đình Kình kéo theo cái chết của ba công an mà hiện không thể loại trừ trường hợp họ bị thủ tiêu. Và trong khi anh Ba từng có thời gian làm trong ngành công an, anh Bảy chưa từng một ngày làm trong lực lượng này. Nhưng anh Bảy cũng chẳng phải là người miền Bắc và trình độ lý luận của anh cũng vừa phải thôi nên trong cuộc đua tới cũng chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/02/2020
Đảng cộng sản cứu nguy cho dân tộc
An Viên, VNTB, 07/02/2020
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố : Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn…
Đảng cộng sản có ‘trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo’ khi mà chính đảng cộng sản có thể ‘bản lĩnh’ thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân để ‘thỉnh nguyện tâm ý nhân dân’ và làm căn cứ chứng tỏ các quan điểm trên là đúng đắn.
Không ai nghi ngờ về điều đó, khi mà nguyên tắc kiểm soát quyền lực của đảng luôn đặt mục tiêu, bóp nát mọi lực lượng chính trị thứ ba ngay trong lòng trứng. Gần đây, thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ nhiệm kỳ 2 Tổng bí thư (2016) và kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước, yếu tố lực lượng thứ ba về mảng xã hội (xã hội dân sự) cũng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn sau một thời gian dài lăn lộn ngóc ngách trong xã hội, lịch sử Việt Nam sau 1975.
Không ai có thể nghi ngờ rằng, đảng cộng sản là duy nhất khi triệt tiêu các đảng phái chính trị thứ ba, và dồn nén – kiểm soát các lực lượng xã hội dân sự.
Thế nhưng, điều duy nhất đó không có nghĩa là bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước.
Không có bất kỳ căn cứ nào để cho thấy ‘bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo’ khi mà những quan điểm này xuất phát một cách hời hợt, chủ quan, trịch trượng và có phần phô trương của người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam.
Thực ra, có thể dễ dàng chứng minh đảng cộng sản có ‘trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo’ khi mà chính đảng cộng sản có thể ‘bản lĩnh’ thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân để ‘thỉnh nguyện tâm ý nhân dân’ và làm căn cứ chứng tỏ các quan điểm trên là đúng đắn.
Hãy mơ đi ! Đó là chuyện không bao giờ xảy ra. Một câu chuyện huyền hoặc, đầy viển vông, bởi đảng sẽ chẳng bao giờ đủ ‘bản lĩnh’ làm một thủ tục đơn giản đó, dù rằng, đảng sở hữu nhà tù, cảnh sát, và toà án, cộng với hơn 5 triệu đảng viên.
Thế nhưng, chính vì đảng cộng sản là lực lượng chính trị duy nhất tồn tại trên mảnh đất này, và khi lực lượng xã hội dân sự bị kiềm soát đến mức vai trò của nó chỉ là hình thức thì một vấn đề khó tin lại diễn ra.
Đảng cộng sản trở thành nhân tố quan trọng trong thay đổi vận mạng của một dân tộc, một quốc gia.
Trong ‘Nhật Bản Duy Tân 30 năm, của Đào Trinh Nhất, (1936)’ có đề cập đến ba yếu tố mà theo tác giả là ‘đổi thay vận mạng của một dân tộc.’
Trước hết là nhờ ‘có bọn đương quyền khôn ngoan sáng suốt và bọn chí sĩ thức thời làm hướng đạo tiên phong, nhưng cũng phải nhờ nơi dân tâm dân khí có biết hăm hở tấn hóa tự cường mới được.’
Trường hợp, ‘nếu chí sĩ có, dân tâm có, nhưng vô phước mà bị đám cầm quyền là lũ đầu óc ngu dại, cứ ngồi lỳ trên cao, lấy quyền to sức mạnh của chúng để đè ép cản trở ý muốn tấn hóa của dân, thì việc quốc gia đại kế cũng không trông mong gì làm nổi.’
Và khi gặp ‘cảnh ngộ’ như thế, thì ‘kết quả đố khỏi hoặc là trong nước nổi lên một phen cách mạng đổ máu gớm ghê, hoặc là bị mất nước với người ta ; nếu không cũng bị lợi dụng và yếu hèn mãi.’
Đó là tương lai của dân tộc này, và bản thân những nhân sự trong đại hội 13 lần này phải tự ‘soi mình vào’. Thoát khoei những luận điệu ‘quan liêu, lỗi thời’ để tự cứu nguy cho chính mình và chính bản thân đảng của mình, đồng thời tạo điều kiện thay đổi vận mạng dân tộc.
Cụ thể hơn, nếu ai kế vị chức vụ Tổng bí thư, thì nên kế tục tinh thần dân quyền từ thời ông Hồ Chí Minh, thay vì ‘người đốt lò’. Bởi chỉ khi kế tục ‘tinh thần dân quyền’ thì đầu óc mới không còn ngu dại (quan liêu), không còn ngồi lì trên cao (tham quyền, cố vị), chỉ ưa dùng hạ sách để trị quốc gia (lấy quyền to sức mạnh của chúng để đè ép cản trở ý muốn tấn hóa của dân), đè nén quyền dân, o ép không gian dân sự – chính trị của người dân. Chỉ khi kế tục và thực thi ‘tinh thần dân quyền’ thì khi đó giáo hoá người dân mới được mở ra, bản lĩnh và trí tuệ của chính đảng mới được ghi nhận, và khả năng lãnh đạo của đảng mới thực sự được kiểm chứng và có khả năng được kiểm chứng.
Nhưng quan trọng hơn, khi kế tục ‘tinh thần dân quyền’, chính đảng sẽ đưa dân tộc gần hơn với các quốc gia văn minh, mở cửa cho bền vững trong phát triển và chế ngự được nạn lạm quyền, thụ quyền đời đời trong đảng. Ngăn được nguy cơ của một cuộc cách mạng ‘soán ngôi’ khiến chính đảng có thể bị đặt ra ngoài vĩnh viễn vòng pháp luật và lịch sử phát triển của quốc gia.
Và chỉ khi kế tục tinh thần dân quyền thì chính đảng mới dám tự đổi mới mình, hình thành đội ngũ nhân sự theo đúng Quy định 214, trong đó ‘có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.’
An Viên
Nguồn : VNTB, 07/02/2020
*******************
90 năm gắn bó máu thịt ?
Nguyên Khang, VNTB, 06/02/2020
Đảng cộng sản Việt Nam có quan hệ xác thịt với nhân dân, nhưng nó phải là xác thịt thực sự chứ không phải máu thịt trong báo cáo. Hãy là một phần của đất nước, không cố tách rời và tìm cách cai trị nhân dân.
Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục quấy rối và giam giữ những người bất đồng chính kiến, gọi họ là "tội phạm", buộc tội họ trong nhà tù khắc nghiệt hoặc nói xấu họ trên phương tiện truyền thông. Vậy đó có phải là gắn bó máu thịt ?
Đảng cộng sản Việt Nam kỷ niệm 90 năm thành lập vào ngày 3/2. Nhưng trong thập kỷ tới, liệu vẫn có thể tiếp tục tổ chức kỷ niệm trong thực tế ?
Hà Nội, trung tâm chính trị quốc gia, có thời tiết rất khác vào đêm giao thừa.
Sự bất thường của thời tiết thậm chí còn khiến người vô thần co rúm người lại, lắng nghe sự giận dữ của trời và đất.
Trong triều đại lịch sử, bất cứ khi nào thời tiết bất thường, đều cho thấy vì chính sách của triều đại quá độc đoán và bất nhân tâm. Do đó, giận dữ của trời và đất là không thể tránh khỏi, để lại nhiều bài học về sự trỗi dậy từ người dân, giữ gìn chính quyền cho người dân và xóa bỏ đau khổ.
Đảng cộng sản Việt Nam có lịch sử 90 năm tại đất nước này và đã đạt được nhiều thành tựu cho đất nước này. Tuy nhiên, với sự tham nhũng đảng, những thành tựu này ngày càng trở nên vô giá trị, và ngày càng rõ ràng rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã giành được một số chiến thắng trong việc điều chỉnh đảng, nhưng đã rơi vào các cuộc chiến tranh đảng phái. Chính phủ. Trong ngắn hạn, điều này sẽ làm cho đảng mạnh hơn, nhưng về lâu dài, nó tước quyền của chính phủ trong việc lắng nghe người dân, do đó đặt ra tiêu chuẩn cho căn bệnh "kiêu ngạo cộng sản".
Trong một bài phát biểu vào ngày 3 tháng 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng Đảng cộng sản là máu thịt của nhân dân và Đảng cộng sản có sức mạnh vô địch. Nhưng câu hỏi là, Đảng cộng sản có thực sự gắn bó máu thịt không ? Hay tất cả những suy nghĩ này được viết và nghĩ ra từ trên tháp vàng, nơi những lời khen ngợi vây quanh nó, nhưng những tiếng nói của mọi người không thể chạm tới.
Nếu đảng gắn bó máu thịt với nhân dân cho nhân dân, không ai có thể nghi ngờ về câu chuyện về Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bách chiến, bách thắng trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, ngay cả tiếng nói xã hội đóng góp cho đảng thông qua các kỳ đại hội cũng bị đảng bác bỏ hoàn toàn với quy chụp, đó là một hệ tư tưởng phản động, chống Đảng và chống nhà nước, thế thì gắn bó máu thịt làm sao ?
Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục quấy rối và giam giữ những người bất đồng chính kiến, gọi họ là "tội phạm", buộc tội họ trong nhà tù khắc nghiệt hoặc nói xấu họ trên phương tiện truyền thông. Vậy đó có phải là gắn bó máu thịt ?
Nếu chính sách hoặc chính sách của bên Đảng cộng sản Việt Nam sai, đảng coi đó là "bài học quý giá", nghĩa là Đảng cộng sản Việt Nam luôn tự coi mình là đúng. Không ai sẽ đổ lỗi cho một đảng chính trị không phạm sai lầm, nhưng những lỗi gây ra bởi việc từ bỏ những lời phê bình trực tiếp, trung thực đến mức rất khó nghe, thì đảng cần phải nhìn lại chính mình.
Định mệnh có liên quan, chúng ta hãy nhìn vào Trung Quốc. Những gì đã xảy ra ở Trung Quốc là một bài học đắt giá cho Việt Nam, và đây chính xác là những gì mà chính Đảng cộng sản Việt Nam nên làm để điều chỉnh quyền lực của mình.
Gần đây, "Báo sạch" đã đăng tải một bài phát biểu của ông Xu Zhangrun, cựu giáo sư của Đại học Thanh Hoa (Trường đào tạo chính trị ưu tú Trung Quốc). Ông là một nhà phê bình thường xuyên đối với lãnh đạo Tập Cận Bình, người đã khẳng định trong một bài báo ngày 4 tháng 4 : "nhân dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa".
Bài viết của ông đề cập rằng "dịch bệnh lan tràn là vì một chế độ vô năng, đặc biệt là bại hoại về đạo đức, sẵn sàng hy sinh hàng triệu người dân để bảo vệ quyền lực của mình".
Ý thứ nhất, Chính trị bại hoại, đạo đức chính thể khánh tận. Bảo vệ gia nghiệp và quyền lực là tư duy cốt lõi của chính thể hiện nay.
Ý thứ hai, Chính trị nội đình lên ngôi vì sự tập trung hóa quyền lực, đảng làm thay chính phủ.
Ý thứ ba, Cai trị đất nước và khống chế người dân thông qua chủ nghĩa toàn trị dữ liệu lớn và chủ nghĩa khủng bố Wechat.
Những ý chính này dường như mô tả có phần chính xác vào những gì đang xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là sự kiện Đồng Tâm vào ngày 9 tháng 1 và cách "chỉnh đốn đảng" thông qua quan điểm và chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn. Nó mô tả đầy đủ và chính xác bản chất và những thay đổi bên trong của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn có cơ hội vẫn kỷ niệm 100 năm thành lập nếu giới tinh hoa chính trị chú ý đến bản chất lâu dài của các quy định hiện hành của đảng, và xây dựng mô hình đạo đức và nhân văn của đảng. Phần lớn nguyên liệu để xây dựng đến từ cách các chính trị gia cấp cao đối thoại với những người bất đồng chính kiến, không khoan dung với tham nhũng và sửa sai với những sai lầm trong quá khứ.
Đảng cộng sản Việt Nam có quan hệ xác thịt với nhân dân, nhưng nó phải là xác thịt thực sự chứ không phải máu thịt trong báo cáo. Hãy là một phần của đất nước, không cố tách rời và tìm cách cai trị nhân dân.
Nguyên Khang
Nguồn : VNTB, 06/02/2020
******************
Đảng 90 xuân – Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
Nguyễn Hùng, VOA, 06/02/2020
Vậy là chú Đảng đã 90 xuân. Gọi là chú vì ‘Bác Hồ’ sinh trước cả Đảng bốn thập niên mà cũng vẫn chỉ là hàng bác thôi.
Bảng so sánh thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và của quốc gia ASEAN nawm (thua cả Campuchia, chỉ hơn Lào và Myanmar).
Chú Đảng mới 15 tuổi đã đi cướp chính quyền lần một. Lúc lên 45 tuổi lại cướp thêm lần hai khi đánh chiếm Sài Gòn. Kể từ đó tới nay chú vẫn khư khư ôm của cướp được mà chưa trả lại cho người dân. Khi chú Đảng đi cướp lần một vào năm 1945, đất nước mới có trên 23 triệu dân. Vào lần cướp thứ hai hồi năm 1975 dân số tăng gấp đôi lên 46 triệu và giờ đã đạt gần 97 triệu. Gần 100 triệu người nay đứng nhìn đất nước chạy mướt mải mồ hôi mà còn phải nhiều năm nữa mới đuổi kịp các quốc gia ít dân số hơn như Thái Lan (70 triệu) hay Malaysia (32 triệu).
Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới mà số liệu chỉ có tới năm 2015, khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam với Thái Lan và Malaysia chưa bao giờ được thu hẹp mà ngày càng bị hai nước trong cùng khối ASEAN bỏ xa.
Vào năm 2005, thu nhập bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia tương ứng là xấp xỉ 700, 2.900 và 5.600. Mười năm sau các con số tương ứng là xấp xỉ 2.000, 5.800 và 10.000.
Như vậy từ mức chỉ kém Thái Lan 2.200 đô la Mỹ hồi năm 2005, 10 năm sau thu nhập của dân Việt Nam đã thua Thái Lan 3.800 đô.
So với dân Malaysia, khoảng cách về thu nhập đã tăng từ mức 4.900 đô la hồi năm 2005 lên 7.000 đô la hồi năm 2015. Vậy mà chú Đảng tuyên truyền cứ như dân ta sắp vượt dân Thái Lan và Malaysia tới nơi.
Thật tình cờ là ở cả Malaysia và Thái Lan, dân chúng đều có hơn một đảng để lựa chọn dù họ cũng không phải là tấm gương sáng về dân chủ. Người dân Malaysia và Thái Lan liên tục có thể đổi đảng cầm quyền nếu họ thấy cuộc sống không được cải thiện theo ý nguyện của họ. Nếu như ở Việt Nam lập ra một đảng mới sẽ bị tù mọt gông như xưa kia các đảng viên cộng sản từng bị đày ra Côn Đảo, dân hai nước ASEAN đang khấm khá hơn Việt Nam có thể thoái mái lập đảng để cạnh tranh với đảng cầm quyền.
Vậy mới nói chú Đảng ở Việt Nam chỉ thích ngồi chơi xơi nước. Bạn hãy hình dung giải bóng đá thế giới chỉ có duy nhất một đội bóng tham gia và giải nào đội đó cũng vô địch. Nếu có hai đội, khả năng thắng cũng vẫn là 50/50. Nhưng nếu có 24 hay 32 đội thì mọi chuyện khác đi. Vậy nên nếu có lựa chọn tội gì họ phải thi đấu. Cứ làm màu thế thôi rồi mình vẫn vô địch.
Chú Đảng chỉ thích những việc nhẹ nhàng, gian khó chú đổ hết lên đầu dân. Mới đây có mỗi việc giải quyết một mảnh đất với dân Đồng Tâm mà chú kéo đến cả mấy ngàn quân mang theo đủ loại vũ khí vào để giết một đảng viên theo đảng gần 60 năm. Lúc kéo quân vào chú chưa có bất kỳ lệnh nào của Viện Kiểm sát để khám nhà, bắt người. Ừ thì đêm tối chú dựng chuyện người ta khiêu khích rồi chú xông vào. Người chú giết, tài liệu đất đai chú mang đi, ô tô chú cũng cho cẩu đi nốt. Nếu người ta tấn công chú thật thì họ mang tài liệu ra ném và ô tô ra đâm vào chú sao ? Vậy là đủ hiểu chú làm càn rồi.
Còn cái việc mà đáng ra chú phải làm cho tốt thì chú lại làm như mèo mửa. VụThượng uý Tuấn "khỉ" dùng AK bắn chết năm người, chú cũng cho cả trăm quân đem theo xe bọc thép vây bắt mà từ 29/1 tới nay vẫn chưa tìm được tay súng.
Trước những sự việc tày trời vừa xảy ra, các đảng viên dĩ nhiên là im lặng. Có ai dám mở miệng đòi điều tra làm sao để xảy ra cái chết của bốn người ở Đồng Tâm ? Đã có ai lên tiếng đòi điều tra xem trong lực lượng công an còn có bao nhiêu Tuấn "khỉ" tiềm năng ? Nếu có một đảng đối lập, chắc chắn họ sẽ tận dụng tối đa những yếu kém như vừa rồi của chính quyền để có thêm cơ hội thắng cử vào lần tới. Cũng có khả năng nho nhỏ là những vụ như Đồng Tâm sẽ làm giảm tính chính danh của một số uỷ viên Bộ Chính trị và họ có thể gặp bất lợi trong năm trước đại hội đảng. Người ta cũng hy vọng con số bốn uỷ viên gốc công an trong mười uỷ viên Bộ Chính trị hàng đầu sẽ không lặp lại tại đại hội vào năm sau. Nhưng gần như không có hy vọng đại hội 13 của chú Đảng sẽ trả lại ít nhất là một phần những gì cướp được trong 90 năm qua trong đó có quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền ra báo, lập đài phát thanh và truyền hình cũng như quyền bình đẳng trước hiến pháp và pháp luật. Nếu ai trong hàng ngũ chú Đảng cũng chọn việc nhẹ nhàng cho mình và gia đình mình thì gian khổ hiển nhiên là dành cho người dân Việt Nam rồi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 06/02/2020
Tuần này nước Anh trải qua vài cơn sốt.
Nhiều người dân, nhất là người Trung Quốc ở Anh, vô cùng lo ngại với viêm phổi Vũ Hán. Giá mặt nạ phòng độc tăng từ chỉ 15 bảng 200 chiếc lên tới thậm chí 200 bảng trên eBay. Một số cửa hàng trên Amazon không còn mặt nạ để bán. Nhiều gia đình Trung Quốc thường vẫn cho con đi học tiếng Trung thứ Bảy hàng tuần đã hủy luôn các buổi học trong vài tuần tới. Chuyến bay đón người Anh ở Vũ Hán về lại quê hương sẽ hạ cánh tại một sân bay quân sự và người về bị cách ly trong 14 ngày tại một nơi biệt lập.
Quyết định này phản ánh chuyện chính phủ Anh đã ngủ gật trên vô lăng hồi giữa thập niên 2000 khi hãng BT chọn Huawei cung cấp thiết bị viễn thông.
Cơn sốt thứ hai là những động thái cuốn gói của giới ngoại giao Anh và nhất là các dân biểu Nghị viện Châu Âu của Anh trước ngày 31/1, ngày Anh chính thức không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu EU. EU sẽ hạ cờ Anh, đổi màu nước Anh trên bản đồ trong khi Anh cũng sẽ có những động thái tương tự.
Nhưng cơn sốt được hai nền kinh tế lớn nhất thế giới quan tâm nhiều hơn cả, ít nhất là trong tuần qua, là quyết định của Anh cho phép Huawei tham gia vào xây dựng mạng lưới viễn thông thế hệ 5, còn gọi là 5G.
Chính phủ Anh cho phép Huawei tham gia vào xây dựng mạng lưới viễn thông thế hệ 5, còn gọi là 5G.
Trung Quốc hiển nhiên vui mừng và quan hệ thương mại song phương giữa hai nước thời hậu Brexit sẽ tiến triển tốt đẹp hơn.
Hoa Kỳ từ trước tới nay vẫn vận động Anh cấm cửa Huawei và không hài lòng với chuyện Anh vẫn để Huawei có chân trong mạng 5G dù chỉ được hoạt động trong phần ngoại vi bao gồm các trạm tiếp nối và ăng ten. Theo quyết định của chính phủ Anh, Huawei sẽ không được tham gia vào phần cốt lõi liên quan tới các dữ liệu của người dùng, kết nối cuộc gọi hay chuyển tin nhắn. Hơn nữa Huawei cũng chỉ được cung cấp chừng 35% thiết bị ngoại vi và không được hiện diện tại các khu vực quân sự hay cơ sở hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, người có chuyến thăm Anh trong tuần này, đã thúc giục Anh cân nhắc lại quyết định vừa được đưa ra. Trong khi đó nhiều dân biểu Hoa Kỳ công khai phản đối quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton của Đảng Cộng hòa, thành viên ủy ban tình báo Thượng viện, được BBC dẫn lời nói : "Tôi sợ rằng London vừa thoát khỏi Brussels đã lại nhượng chủ quyền cho Bắc Kinh".
Vị thượng nghị sĩ cũng nói thêm rằng quyết định của Anh khiến Trung Quốc có cơ sở để có các hoạt động "do thám rộng khắp" ở Anh và tạo cho Bắc Kinh đòn bẩy về kinh tế và chính trị. Ông Cotton thậm chí nói chuyện Anh để Huawei tham gia mạng 5G chẳng khác nào để tình báo Soviet KGB tham gia xây dựng mạng lưới điện thoại trong Chiến tranh Lạnh.
Dân biểu Hạ viện Elise Stefanik của Đảng Cộng hòaviết trên Twitter rằng quyết định của thủ tướng Anh là "sai trái, nguy hiểm, và là sai lầm thiển cận".
Cũng không chỉ có các chính trị gia Hoa Kỳ lo ngại về quyết định của Anh. Một cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ đương quyền của Anh, Dân biểu Iain Duncan Smith, nói Trung Quốc là đối thủ của Anh, giống như Nga, và coi quyết định của chính phủ Anh là "cực kỳ kỳ quặc". Người ta cũng nói Đức từng sản xuất tàu ngầm rất tốt hồi cuối thập niên 1930 và Liên Xô cũng có radar rất tốt nhưng Anh chưa bao giờ mua những thứ vũ khí như vậy.
Chính phủ Anh trong khi đó đã có quyết định mà theo họ là thực tế và vẫn kiểm soát được an ninh của mạng 5G khi không cho phép Huawei tham gia vào hệ thống thần kinh của mạng viễn thông cũng như giới hạn đóng góp của họ ở mức 35% thiết bị ngoại vi.
Quyết định này phản ánh chuyện chính phủ Anh đã ngủ gật trên vô lăng hồi giữa thập niên 2000 khi hãng BT chọn Huawei cung cấp thiết bị viễn thông vì giá của họ cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ khác. Từ đó tới nay Huawei đã cung cấp hệ thống thiết bị trị giá nhiều tỷ đô la cho các hãng viễn thông Anh. Trong việc phát triển mạng 5G hiện nay, Huawei cũng được cho là cần ít hệ thống ăng ten hơn so với các hãng khác và như vậy đẩy nhanh tiến trình xây dựng mạng viễn thông thế hệ 5.
Hôm vừa rồi tôi gia hạn hợp đồng với hãng điện thoại kiêm dịch vụ internet TalkTalk thêm một năm nữa và được họ gửi cho một modem mới. Mọi khi tôi không mấy khi xem modem do hãng nào sản xuất nhưng thấy các thảo luận về Huawei trong vài ngày qua nên xem thử. Và quả thật modem đó là của Huawei. Khó mà biết quyết định của Anh có thực sự gây tác hại về lâu dài dù được lợi trước mắt về giá thành và tốc độ phát triển mạng 5G. Nhưng ít ra khi Huawei chỉ là thành viên thiểu số của mạng ngoại vi, Anh vẫn có khả năng xoay sở nếu gặp bất trắc.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 31/01/2020
********************
Hoa Kỳ thất vọng về quyết định của Anh cho phép Huawei xây dựng mạng 5G
VOA, 29/01/2020
Hoa Kỳ bày tỏ thất vọng về quyết định của nước Anh cho phép tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đóng một vai trò hạn chế trong mạng di động 5G của Anh, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết hôm 28/1.
Logo Huawei tại trụ sở chính của tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc ở Reading, Tây London, ngày 28/1/2020. (Photo by DANIEL LEAL-OLIVAS / AFP)
"Không có một giải pháp an toàn để các nhà cung cấp không đáng tin cậy kiểm soát bất kỳ phần nào trong mạng 5G. Chúng tôi nóng lòng làm việc với nước Anh về một bước tiến sẽ dẫn đến việc loại trừ các đối tác không đáng tin cậy cung cấp các bộ phận từ các mạng 5G", quan chức này nói, với điều kiện tên tuổi được giữ kín.
Trước đó trong cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố cho phép tập đoàn Huawei tham gia xây dựng mạng di động 5G ở Anh, dù là một cách hạn chế, đã gây bực bội cho nỗ lực toàn cầu của Hoa Kỳ nhằm đẩy tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc ra khỏi ngành viễn thông thế hệ mới của các nước phương Tây.
Như vậy, Anh thách thức đồng minh thân cận nhất của mình, là Hoa Kỳ, theo hướng có lợi cho Trung Quốc ngay trước khi diễn ra Brexit, khi bật đèn xanh cho ‘các nhà cung cấp có rủi ro cao’ như Huawei, được tham gia các phần ‘không nhạy cảm của hệ thống 5G’.
Chính phủ Anh nói sẽ cấm tập đoàn Trung Quốc cung cấp hàng cho các phần "nhạy cảm", được gọi là mạng lõi. Huawei cũng bị cấm ở các khu vực gần các căn cứ quân sự và địa điểm hạt nhân.
Việc nước Anh gạt bỏ thẳng thừng các quan ngại của Mỹ, rằng Huawei có thể được dùng để đánh cắp các bí mật của phương Tây, đã làm cho chính phủ của Tổng thống Trump thất vọng, nhưng được tập đoàn Trung Quốc hoan nghênh.
Mạng 5G cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ cao, nhanh hơn nhiều so với mạng 4G. Tốc độ truyền dữ liệu và tiềm năng lớn của nó giúp cho mạng 5G, thế hệ mạng vô tuyến thứ 5, trở thành nền tảng của nhiều ngành công nghiệp,và một đầu tàu tăng trưởng kinh tế.
"Tôi e rằng London đã thoát ly khỏi Brussels chỉ để nhượng chủ quyền cho Bắc Kinh", thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton, thành viên đảng Cộng hòa, nói.
Ông khuyến cáo :
"Cho phép Huawei xây dựng mạng 5G của nước Anh ngày nay cũng giống như cho phép KGB xây dựng mạng lưới điện thoại dưới thời chiến tranh lạnh. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi như đã chen chân vào được để có thể tiến hành các hoạt động gián điệp cùng khắp... và qua đó dùng vị thế mạnh hơn của mình để làm đòn bẩy kinh tế và chính trị đối với Vương Quốc Anh".
Nước Anh nói quyết định của họ bảo vệ an ninh quốc gia trong khi cung cấp cho đất nước khả năng kết nối ở tầm cỡ quốc tế. London quả quyết rằng vấn đề chia sẻ tin tình báo, bao gồm với liên minh "Five Eyes- Năm Mắt’ do Mỹ lãnh đạo, sẽ không bị phương hại. Nước Anh là một thành viên trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ được gọi là Five Eyes-Năm Mắt cùng với Úc, Canada và New Zealand.
Liên quan vụ xử Mobifone mua Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG gây thiệt hại 6.500 tỷ vốn nhà nước và các quan chức nhận hối lộ hơn 140 tỷ đồng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay "anh Ba", lại được kéo vào màn tranh tụng tại toà.
Khó có thể kéo ông Nguyễn Tấn Dũng vào vụ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, mà trên thực tế đã được cựu lãnh đạo AVG, ông Phạm Nhật Vũ, hoàn toàn khắc phục hậu quả.
Báo Thanh Niên giật tít "Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai làm theo ‘tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng’".
Nhưng "tinh thần chỉ đạo" và "chỉ đạo" hẳn là khác nhau. Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh trích cáo trạng nêu Văn phòng Chính phủ có công văn số 2678 ra ngày 14/12/2015 mà theo đó ông Dũng "chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".
Cáo trạng cũng nói "đây không phải là quyết định chủ trương đầu tư" mà chỉ là thông báo. Hơn nữa thông báo cũng nói việc mua cổ phần phải làm "theo đúng quy định của pháp luật". Nếu Mobifone mua AVG theo đúng giá trị trên sổ sách và thị trường thì đã không có vụ án này.
Như vậy hiện tại khó có thể kéo ông Nguyễn Tấn Dũng vào vụ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, mà trên thực tế đã được cựu lãnh đạo AVG, ông Phạm Nhật Vũ, em trai người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, hoàn toàn khắc phục hậu quả. Cho tới giờ phút này nhà nước không còn thiệt hại tỷ nào nữa mà "thiệt hại" cả ngàn tỷ đồng giờ dồn về gia đình ông Vũ, theo lời vợ ông.
Những lời khai của ông Son về ông Nguyễn Tấn Dũng từ nay về sau về lý thuyết cũng kém thuyết phục vì tính bất nhất trong những lời khai trong mấy ngày đầu xử án. Lúc ông bác bỏ chuyện nhận ba triệu đô tiền hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, lúc lại thừa nhận đã nhận tiền. Ông Son lúc đầu cũng khai ông đưa ba triệu đô cho con gái, sau lại nói không phải đưa con gái mà "chi tiêu cá nhân". Còn tiêu ba triệu đô vào những việc gì thì ông lại "không nhớ".
Điều có lẽ ít gây tranh cãi hơn là chỉ một ngày sau khi nhận được "tinh thần chỉ đạo" của ông Dũng, ông Son đã lệnh cho cấp dưới phải thực hiện ngay việc mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 để rồi 10 ngày sau việc mua bán đã được thực hiện xong vào đúng ngày Giáng Sinh.
Phi vụ mua AVG với giá trên trời để các quan chức được lại quả hơn 140 tỷ đồng, con số có thể nói là khá khiêm tốn so với giá trị hợp đồng, diễn ra chưa đầy một tháng trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam mà tại đó ông Nguyễn Tấn Dũng đã không thể trở thành tổng bí thư như mong muốn. Cú ngã trên chính trường của ông Dũng kéo theo một loạt các hệ luỵ trong đó có vụ AVG hiện nay, vụ dầu khí khiến uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đang ngồi tù và vụ gang thép mà uỷ viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải bị cáo buộc có vi phạm tới mức "phải xem xét kỷ luật".
Các bị cáo trong phiên xử vi phạm về quy định đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ và nhận hối lộ đều nói họ làm theo lệnh cấp trên. Điều này khiến công chúng không thể không đặt câu hỏi họ là con nít hay những quan chức có suy nghĩ độc lập. Bài học cho các quan chức chưa bị lộ khác và các quan chức nói chung cần nhận ra là sẽ không có ai bảo vệ họ nếu họ "ăn cứt gà sáp" khi bị xui khiến. Bài học khác là đã có gan ăn hối lộ tới cả triệu đô thì cũng nên có gan nhận đã tiêu gì và khắc phục hậu quả đủ để khỏi bị tiêm thuốc độc. Giờ hẳn các bị cáo sẽ tiếc không ủng hộ việc cải cách hệ thống tư pháp bị đảng chỉ đạo vốn coi trọng những lời khai hơn những bằng chứng cụ thể. Có lẽ cựu bộ trưởng tên Son cũng hối tiếc không kêu gọi chính quyền huỷ bỏ án tử hình khi còn có chút chức quyền ngay cả khi lời kêu gọi đó có rơi vào quên lãng.
Ngoài ra, nếu nền tư pháp của Việt Nam thực sự độc lập, khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải xuất hiện tại các phiên toà tham nhũng tới đây, ngay cả trong vai trò làm chứng, là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng kể cả khi nền tư pháp không độc lập, chuyện ông có thể bị kéo vào các vụ án khác cũng không thể loại trừ. Khi các uỷ viên bộ chính trị hiện thời cảm thấy họ có thể và cần phải làm như vậy để phục vụ mục tiêu chính trị trước Đại hội 13 trong hơn một năm nữa, họ sẽ không ngần ngại gì mà không cố.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 21/10/2019
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao lệnh hủy án tử hình đối với thanh niên Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện video được thu từ một kỳ họp Hội đồng nhân dân Long An cách đây hai năm.
Mẹ Hồ Duy Hải kêu oan cho con.
Video được đưa lại trên Facebook dẫn lời ông Đinh Văn Sang, Viện trưởng kiểm sát Long An nói cần "giết quách" tử tù Hồ Duy Hải nhưng có vẻ ông nói "dứt khoát" chứ không phải "giết quách" như người ta dẫn lại.
Đây là những gì ông Sang nói :
"Đã nhiều năm, nhiều kỳ rồi, chúng tôi đề nghị chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc hội về vấn đề thi hành dứt khoát cái vụ tử tù Hồ Duy Hải.
Tới hiện nay cũng chưa có xi nhê gì hết, lâu lắm rồi và hổng biết ra làm sao. Đề nghị các cơ quan trung ương ở đây các đồng chí tác động giùm bởi vì giam giữ cái tội này rất cực, phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương".
Điều rõ ràng là người đứng đầu cơ quan công tố muốn nhanh chóng tử hình người mà có lẽ họ biết rằng không gây ra tội ác.
Lý do là dấu vân tay dính máu thu được ở hiện trường không phải là dấu vân tay của ông Hải nhưng chi tiết này bị bỏ ngoài hồ sơ.
Ngoài ra dao và thớt gỗ được cho là dụng cụ gây án không hề được thu tại hiện trường mà là mua ở chợ.
Nhân chứng duy nhất của vụ án nói nhìn thấy Hồ Duy Hải trong bưu điện, hiện trường của vụ hai nữ nhân viên bị giết chết, không được triệu tập. Trên thực tế nhân chứng này không hề quen biết Hồ Duy Hải và từng khai không chắc người ông nhìn thấy có phải là Hồ Duy Hải không.
Trong khi đó người yêu của một trong hai nạn nhân cũng được khai là có mặt tại bưu điện vào đêm xảy ra vụ án lại không hề xuất hiện trong hồ sơ vụ án, theo báo Người Lao Động.
Còn nhiều sai phạm khác trong quá trình điều tra vậy mà cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Long An đều kết án tử hình. Người đứng đầu cơ quan tố tụng tỉnh muốn thi hành án càng nhanh càng tốt với đủ thứ lý do không thể dùng từ gì khác hơn là ngớ ngẩn. Thế nào là "giam giữ cái tội này rất cực" ? Rồi "phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương" ? Không rõ tỉnh đã giết bao nhiêu người vì những lý do này ? Một người ăn nói trơ tráo như vậy sao có thể đứng đầu ngành kiểm sát tỉnh ?
Ông Sang cũng không phải là người duy nhất đứng ra bảo vệ ngành kiểm sát. Ngay cả người hiện giờ là Phó thủ tướng thường trực, ông Trương Hòa Bình, từng phát biểu khi còn là chánh án nhân dân tối cao hồi năm 2015 :
"Điều tra phát hiện ra nghi can Hồ Duy Hải. Hồ Duy Hải cũng nhận tội có giết người. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác minh một số chứng cứ khác để chứng minh lời nhận tội của Hồ Duy Hải. Sau đó, Viện Kiểm sát tiến hành truy tố và đưa ra tòa án xét xử. Tại tòa sơ thẩm bị cáo vẫn nhận tội và bị cáo nhận không có bức cung, nhục hình".
Tướng Trương Hòa Bình giờ còn là Đại biểu quốc hội của Long An và không rõ chứng cứ ông nói tới có phải là con dao và chiếc thớt mua ở chợ để cho vào hồ sơ. Nếu không được Chủ tịch nước yêu cầu ngưng thi hành án và những người đứng đầu Quốc hội yêu cầu xem xét lại quá trình điều tra, ông Hồ Duy Hải giờ đã chỉ còn là thây ma.
Điều này khiến có những lời kêu gọi bỏ án tử hình. Cây viết Trương Huy San đăng lại những hình ảnh chưa từng công bố của vụ xử tử những người trong vụ án Minh Phụng – Epco và viết :
"Không ai giải oan cho Tăng Minh Phụng, Phạm Huy Phước, Trần Quang Vinh... Mà ngay cả được giải oan họ cũng chỉ còn là nắm đất. Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh liên quan tới đất đai, Minh Phụng, Tamexco... mà so với tham nhũng ngày nay thì chỉ là rất "muỗi". Bắn không có giá trị răn đe khi chính sách quá màu mỡ cho quan tham đục khoét.
"Thay vì tử hình, kể cả các ủy viên BCT hay bộ trưởng. Đừng điều tra như trò đùa trong các vụ như AVG hay PVN... Có người dân nào tin Bắc Son chỉ nhận 3 triệu USD và Minh Tuấn thì chỉ 200 nghìn bạc lẻ. Làm sao chỉ có Son, Tuấn mà tiêu được 8.900 tỷ đồng. Làm sao tiền hối lộ lại chỉ chi cho cấp cao nhất là hai vị ấy…".
Vụ Hồ Duy Hải chỉ là vụ gần đây nhất chứ không phải là duy nhất trong chuỗi các vụ án oan sai ở Việt Nam. Chuyện ép cung, bắt bị can phải chứng minh mình vô tội thay vì cơ quan tố tụng phải có đủ chứng cớ để buộc tội xảy ra thường xuyên. Ngoài ra sự can thiệp của hệ thống chính trị vào các thẩm phán lớn tới mức khả năng xảy ra án oan ở Việt Nam không còn là điều phải nghi ngờ.
Cách đây nhiều năm khi còn làm cho BBC tiếng Việt, tôi cũng đã mở diễn đàn cho công chúng bình luận về chuyện nên hay không nên giữ án tử hình. Diễn đàn xuất hiện do công dân Úc gốc Việt Nguyễn Tường Vân bị Singapore kết án treo cổ và sau đó án đã được thi hành vì thanh niên gốc Việt buôn ma tuý.
Diễn đàn dẫn lại lời cựu Thủ tướng Anh Quốc Ted Heath, người từng nói về những người ủng hộ án tử hình rằng : "Phép thử thực sự là liệu người đó có sẵn sàng là người vô tội bị tử hình hay không ?"
Một trong các độc giả từ Canada cũng viết : "Không có ai có quyền tước đi sinh mạng người khác.
"Chỉ có những người lãnh đạo dùng án tử hình để xóa đi các bằng chứng sống về các vấn đề xã hội, để trốn tránh trách nhiệm của mình đối với xã hội.
"Án tử hình không bao giờ có thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Nó chỉ kéo xã hội loài người gần hơn về thời nguyên thủy, khi con người ta phải chém giết [lẫn] nhau để tranh giành sự sống".
Cũng có những độc giả phản đối và kiên quyết bảo vệ việc giữ án tử hình. Nhưng phần đông cho rằng xã hội nên rộng lượng hơn với những người phạm tội lần đầu, nhất là những người trẻ tuổi.
Đó là trường hợp đã xác định chắc chắn hành vi phạm tội. Trong trường hợp ông Hồ Duy Hải và nhiều trường hợp điều tra và kết án cẩu thả khác, không có gì có thể biện minh cho chuyện nhiều quan chức khăng khăng đòi tử hình một người mới chỉ bị nghi ngờ chứ không hề chứng minh được rằng họ phạm tội.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 04/12/2019
Hơn ba tuần sau vụ chết tập thể 39 người Việt trên đường đi tìm đường cứu nhà, chính quyền Việt Nam chưa nói gì tới chuyện hỗ trợ các gia đình đưa thi thể người thân về. Hiện cũng đang diễn ra những tranh cãi về chuyện ai sẽ trang trải các chi phí đưa 39 người xấu số về lại quê hương nơi có những chùm khế chua khiến họ đành nhắm mắt đưa chân.
Một thân nhân thắp nhang tại bàn thờ cô Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân tại Anh.
Trước tiên phải khẳng định rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói những gì xảy ra là "thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng" chứ không phải tai nạn bình thường và Việt Nam sẵn sàng có những "biện pháp bảo hộ công dân". Nhưng Việt Nam chưa bao giờ nói bảo hộ công dân trong trường hợp họ chết trong tình trạng không khác gì bị tra tấn như thế bao gồm những hành động cụ thể nào.
Cũng phải nói thêm trong số 39 nạn nhân có hai em mới 15 tuổi, tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường ? Các em học trường nào ? Khi các em vắng mặt biết bao nhiêu buổi học, các thầy cô giáo khi đó ở đâu ? Việt Nam cũng có tới 17 tổ chức có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi trẻ em, vậy liệu họ có trách nhiệm gì không ? Ủy ban Quốc gia về trẻ em thậm chí còn do một phó thủ tướng đứng đầu.
Và tôi vẫn khẳng định rằng "thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng" xảy ra có phần do lỗi của chính quyền. Về mặt vĩ mô, họ không làm cho người dân cảm thấy họ có thể yên tâm làm giàu trên quê hương mình như người dân Nhật Bản hay Hàn Quốc. Họ cũng không cố gắng để công dân của họ có thể đàng hoàng tới Anh mà không cần visa như người Singapore hay Malaysia. Chỉ người dân của một đất nước nghèo khó mới sẵn sàng chui vào thùng công-ten-nơ để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về chuyện làm sao để có thể đưa 39 người về nước mà không tốn thêm ngân sách, tôi có thể nghĩ ra ít nhất năm cách sau đây :
1) Trong số 39 người chết thảm có 21 người Nghệ An, quê hương của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Bác Hồ" có nguyện vọng được "hoả táng" trong khi gia đình của 39 "cháu" lại mong muốn được nhìn mặt người thân lần cuối. Vậy nên nếu thực hiện theo đúng di chúc của vị cố chủ tịch thì mỗi năm đâu còn tốn nhiều tỷ để duy trì thi thể đang ngày một phân huỷ trong nhiều năm tới. Số tiền được tiết kiệm trong hàng chục năm tới đây dư sức để trang trải chi phí một lần đưa 39 người Việt xấu số về lại quê hương. Như vậy mong ước của mọi người con Nghệ An sẽ đều được thoả mãn. Thậm chí còn đủ tiền làm một công viên 39 nho nhỏ bên cạnh khu bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong công viên đó nên đặt 39 chiếc ghế tưởng nhớ những con người đã chết thảm trong thùng phần vì đất nước họ suốt 50 năm qua không thực hiện được nhiều điều trong di chúc của người được tôn sùng như thánh.
2) Tôi không rõ báo Nhân Dân ngân sách một năm hiện nay bao nhiêu, nhưng chắc khá nhiều. Từ hồi năm 2014 mà ngân sách của tờ này đã là 46 tỷ đồng. Người dân gọi đó là báo "Cán Bộ" vì dân nào đọc tờ báo ấy. Vậy dẹp nó đi để lấy tiền đưa người dân về quê hương. Điều này có thêm cái lợi nữa là nhân dân không còn bị tờ đó tuyên truyền chống lại mình nữa. Cứ cho là mỗi năm ngân sách cho Nhân Dân là 46 tỷ đồng thì 10 năm đã là 460 tỷ. Số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm tới còn giúp cho người dân Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều vùng nghèo khác có điều kiện sinh sống và làm ăn trên quê hương thay vì tha phương cầu thực.
3) Việt Nam vẫn còn có Hội đồng Lý Luận Trung ương mà người dân gọi là "Hội đồng Lú Lẫn". Hội đồng này vừa bị ném đá khi nhạc sỹ Trần Long Ẩn tuyên bố nền văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng hoà là "độc hại". Tôi nghĩ giải tán hội đồng độc hại này cũng sẽ tiết kiệm được tiền trong nhiều năm tới, đủ để trang trải chi phí cho 39 gia đình có nguyện vọng nhìn mặt người thân lần cuối.
4) Chính quyền vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc vận động vô bổ, tốn tiền ngân sách mà thường không mang lại kết quả gì đáng kể. Thường các cuộc vận động này là cơ hội để các quan chức kiếm chác. Một trong những cuộc vận động như thế là vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cuộc vận động này có vô vàn các loại chi phí khác nhau trong đó có cả các chuyến đi của cán bộ ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm. Riêng chi phí cho mỗi xã ở Việt Nam đã là 20 triệu đồng mỗi năm. Thử hỏi Việt Nam có bao nhiêu xã và cuộc vận động này liệu tới bao giờ kết thúc ? Đây là một khoản nữa có thể ngưng tiêu để góp phần "bảo hộ công dân".
5) Bộ Ngoại giao Việt Nam hãy phối hợp cùng Bộ Cộng an để điều tra xem ngành ngoại giao đã lạm thu của người dân bao nhiêu tỷ trong hàng chục năm qua và đề nghị tất cả các cán bộ ngoại giao hoàn lại khoản tiền này để làm quỹ ủng hộ những đồng bào xấu số như trong trường hợp 39 người ở Anh. Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019 đã chỉ rõ nhưng nơi nào là điểm nóng về tình trạng này và cũng đã được gửi tới thủ tướng chính phủ và bộ trưởng ngoại giao. Tôi cũng đã gửi tới Bộ Ngoại giao đề nghị phản hồi về cáo buộc từng có đại sứ quán mời người dân sang nước giáp EU để từ đó họ đi vào khối này nhưng tám người đã chết ngạt trên đường vào mà thế giới không hề hay biết. Tiện đây cũng đề nghị Bộ Ngoại giao điều tra luôn.
Đây chỉ là năm cách đầu tiên tôi nghĩ tới chứ không phải là duy nhất. Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh có người gặp nạn hãy nhân dịp này suy nghĩ giúp nhà nước các cách khác nữa để vừa giảm gánh nặng ngân sách trong nhiều thập niên lại vừa giúp hàng trăm người trong số gia đình và bạn bè của 39 người tử nạn có dịp đưa tiễn họ trên chính nơi họ coi là quê hương.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 15/11/2019
Tuần cuối tháng Chín này Thủ tướng Anh Boris Johnson bị đòn chí mạng từ Tòa tối cao khi nữ Chánh án Brenda Hale thay mặt cho hội đồng 11 thẩm phán tuyên rằng ông đã vi phạm luật khi đóng cửa Nghị viện trong năm tuần liền.
Đương kim thủ tướng Anh, Boris Johnson, phát biểu trước Nghị viện Anh - Ảnh minh họa.
Quyết định đóng cửa Nghị viện trong ba tuần cuối tháng Chín và hai tuần đầu tháng 10 với lý do cần thời gian chuẩn bị cho chương trình nghị sự của chính quyền, vốn sẽ được Nữ hoàng công bố tại Nghị viện vào 14/10, bị các dân biểu và doanh nhân kiện qua các cấp và lên tới Tòa tối cao.
Tòa phán rằng thời gian đóng cửa Nghị viện quá dài vào giữa lúc nước sôi lửa bỏng, khi mà nước Anh chuẩn bị rời EU theo lịch trình vào ngày 31/10, ảnh hưởng tới khả năng giám sát chính quyền của Nghị viện. Một luật sư thậm chí nói trước Tòa tối cao rằng Nghị viện Anh, vốn cũng được coi là nghị viện lâu đời nhất thế giới, ‘Mẹ các Nghị viện’, đã bị ‘cha nói dối’ Boris Johnson đóng cửa. Tòa tối cao cuối cùng phán rằng Nghị viện chưa bao giờ bị đóng cửa vì ông Johnson làm sai luật.
Vào thời điểm Thẩm phán Brenda Hale tuyên bố chính quyền đã sai trái khi khuyên Nữ hoàng ra lệnh đóng cửa Nghị viện trong năm tuần, ông Johnson đang ở New York để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tôi chợt nghĩ ngay tới Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người bị đảo chính vào tháng Chín năm 2006 khi ông cũng đang tham dự kỳ họp Liên Hiệp Quốc ở New York. Đêm 19/9/2006, tôi ra đường chứng kiến xe tăng án ngữ tại một số đường phố ở thủ đô Bangkok. Thái Lan, cũng có Vua, vốn được coi trọng và có vai trò lớn hơn nhiều so với Nữ hoàng Anh.
Ông Johnson và ông Thaksin giống nhau ở chỗ cả hai ông đều theo chủ nghĩa mị dân. Ông Thaksin được sự ủng hộ của đa số người dân, chủ yếu ở các vùng nông thôn nhưng không được lòng tầng lớp thượng lưu. Ông Johnson cho rằng ông đại diện cho gần 52% người dân bỏ phiếu rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu EU và người dân đã chờ đợi quá lâu kể từ khi bỏ phiếu hồi mùa hè năm 2016.
Một số người dân cáo buộc với kênh truyền hình Sky rằng Nghị viện đã phản bội lại nguyện vọng của họ. Có người nói họ nghĩ rằng đất nước có dân chủ nên đã bỏ phiếu nhưng có thể họ sẽ chẳng bao giờ bỏ phiếu nữa nếu lá phiếu của họ không được tôn trọng. Cũng giống như ở Thái Lan cách đây hơn 10 năm, điều người dân muốn không phải là điều giới thượng lưu đồng tình. Đa số các dân biểu trong Quốc hội và cả chính quyền Anh hồi năm 2016 khuyên người dân bỏ phiếu ở lại EU. Nhưng số người không nghe theo lời khuyên của tầng lớp trên của xã hội lại nhiều hơn số người nghe theo.
Nước Anh hiện đang rơi vào tình trạng bế tắc có lẽ chưa từng có trong lịch sử. Chính phủ của Đảng Bảo thủ hiện muốn có bầu cử toàn quốc để có chính phủ mới nhằm hy vọng có thể giải quyết được Brexit. Chính phủ hiện thời của Đảng Bảo thủ không đủ đa số ghế trong Quốc hội để thông qua các dự luật cần thiết để thực hiện Brexit. Nhưng để có tổng tuyển cử, Nghị viện phải thông qua với 2/3 số phiếu. Phe đối lập chính, Đảng Lao động, hiện không đồng ý tổ chức bầu cử. Họ muốn ông Johnson phải đề nghị EU lùi thời điểm Brexit thêm vài tháng trước khi tổ chức bầu cử vì sợ ông thủ tướng sẽ rời EU mà không có thỏa thuận thương mại nào.
Một số bình luận gia nói rằng cái gốc của khủng hoảng hiện nay chính là quyết định không để Quốc hội cho ý kiến có nên ở lại EU hay không mà đi thẳng tới người dân qua trưng cầu dân ý hồi năm 2016 của Thủ tướng khi đó David Cameron. Và hiển nhiên khi người dân quyết định một đằng và ý chí của dân biểu ở một đằng khác thì khó có thể dung hòa sự khác biệt này. Ngoài ra nước Anh và xứ Wales bỏ phiếu rời EU nhưng phần còn lại của Vương quốc Anh, Bắc Ireland và Scotland lại bỏ phiếu ở lại. Không ít dân biểu Scotland đã tuyên bố sẽ cần có cuộc bỏ phiếu thứ hai để xem người dân Scotland có còn muốn ở lại Vương quốc Anh không khi mà họ bị đưa ra khỏi EU trái với ý nguyện của họ. Trong lần trưng cầu dân ý đầu tiên hồi tháng 9/2014, hơn 55% người dân Scotland quyết định ở lại Liên hiệp Anh.
Trước thất bại từ kết luận của Tòa tối cao, Thủ tướng Boris Johnson nói ông tôn trọng quyết định của tòa dù tòa đã "sai" khi can thiệp vào chính trị. Luật sư của Chính quyền Anh vẫn nói rằng quyết định đóng cửa Nghị viện là quyết định chính trị và không phải là lĩnh vực tòa án có thể can thiệp. Tuy nhiên Tòa tối cao nói rằng chính quyền đã lạm quyền và phạm pháp khi toan cản trở Nghị viện giám sát ngành hành pháp.
Với quyết định của Tòa tối cao hôm 24/9, Nghị viện đã hoạt động trở lại ngay trong ngày 25/9. Và trước khi bị đóng cửa, các dân biểu đã kịp thông qua luật yêu cầu chính quyền phải xin EU gia hạn Brexit nếu không đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 19/10. Có vẻ như quyết định đóng của Nghị viện đã không mang lại cho ông Johnson bất kỳ lợi thế nào. Thậm chí ông còn tự chuốc thêm bất lợi khi một số dân biểu của chính Đảng Bảo thủ của ông đã bỏ phiếu theo phe đối lập để phản đối việc đóng cửa Nghị viện.
Người tiền nhiệm của ông Boris Johnson, bà Theresa May, đã có quyết định sai lầm khi kêu gọi bầu cử sớm với mục tiêu tăng thêm đa số trong Nghị viện nhưng lại để tuột mất đa số mong manh. Canh bạc đóng cửa Nghị viện của ông Johnson đang có vẻ giúp Đảng Bảo thủ tăng thêm độ tín nhiệm trong dân chúng. Nhưng mọi sự chỉ rõ ràng khi có cuộc bỏ phiếu mới và chẳng ai có thể khẳng định kết quả tổng tuyển cử lần tới sẽ ra sao.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 26/09/2019