Các bạn trẻ ở Anh bắt đầu lạnh nhạt dần với Facebook trong khi những người già hơn lại tìm đến với mạng xã hội này, theo báo cáo hàng năm về digital công bố hồi đầu tháng 8/2018. Trong khi đó báo Anh từng dẫn lời các bạn trẻ nói họ chán Facebook có phần vì sự xuất hiện của cha mẹ trên mạng xã hội này.
Giới trẻ bớt sử dụng Facebook vì ... ngại phụ huynh ?
Báo cáo do cơ quan giám sát truyền thông của Anh, gọi tắt là Ofcom, cho hay Facebook vẫn có trên 40 triệu người dùng, chiếm 90% số người sử dụng internet ở Anh nhưng số người trẻ từ 18-24 tuổi đã giảm 4%.
Trong khi đó những người dùng Facebook ở tuổi ngoài 54 đã tăng tới 24%, tức thêm 2,2 triệu và đưa tổng số lên 11,4 triệu, theo số liệu tính tới hết tháng 3/2018.
Số người dùng ở độ tuổi 18-24 giảm xuống 5,4 triệu từ con số 5,6 triệu và người dùng ở độ tuổi 25-34 cũng giảm từ 8,5 triệu xuống còn 8,2 triệu trong cùng thời gian. Như vậy Facebook đã mất đi nửa triệu người dùng ở độ tuổi 18-34 trong 12 tháng qua.
Số phút trung bình mỗi ngày mà người Anh dùng Facebook là 27, giảm 8% so với năm 2017.
Một phóng sự của BBC cách đây ít lâu cũng cho biết thêm cứ ba người ở Anh thì có một người không dùng mạng xã hội và nếu nhìn trên bình diện toàn cầu thì cứ 10 người lại có ít nhất sáu người không dùng mạng xã hội.
Phóng sự cũng dẫn ý kiến nói nhiều người đang dùng mạng xã hội cảm thấy bị cuốn vào vòng xoáy khó rời xa của các mạng như Facebook, vốn được thiết kế để thu hút tối đa sự chú ý của người dùng nhằm kiếm lời từ quảng cáo.
Vì sao các bạn trẻ rời Facebook và họ đi đâu ?
Hồi đầu năm nay báo Guardian của Anh đã có bài nói về chuyện hơn ba triệu người dưới 25 tuổi ở Anh và Hoa Kỳ sẽ thôi hoặc ít dùng Facebook thường xuyên trong năm 2018.
Tựa đề của bài báo dường như đã có ý nói tới nguyên nhân : ‘Phụ huynh giết nó’ : vì sao thanh niên rời bỏ Facebook’.
Bài báo dẫn lời một bạn trẻ : "Các phụ huynh giết nó [Facebook] ngay khi họ lên [mạng xã hội này]". Bạn trẻ Jordan Ranford, 24 tuổi, cũng được dẫn lời nói bạn đã huỷ kết bạn với mẹ vì bà làm bạn "khó chịu quá".
Một bạn trẻ khác, Georgia Davey, 21 tuổi nói bạn ít đăng tải thông tin lên Facebook mà chỉ dùng nó để liên hệ với bạn và lên kế hoạch gặp nhau cũng như để "thám thính" xem mọi người làm gì. Georgia Davey cho rằng Facebook gần như đã trở thành chỗ để người già theo dõi tụi trẻ và cô chuyển sang dùng Instagram nhiều hơn, phần cũng vì nó có nhiều hình ảnh hơn.
Thực tế báo cáo mới nhất của Ofcom cho thấy những người ở độ tuổi 18-24 trên Instagram tăng thêm 500.000 lên năm triệu sau một năm và số người từ 25-34 cũng tăng thêm 400.000 lên 5,9 triệu.
Nhưng số người già hơn cũng lên Instagram ngày một nhiều với 3,9 triệu ở độ tuổi 45-54, tăng 1,3 triệu so với năm 2017. Số người ngoài 55 cũng tăng thêm 1,3 triệu lên 3,8 triệu.
Cứ theo ý kiến của một số bạn trẻ ở trên, khả năng có mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái trên sân chơi mới Instagram có lẽ không nhiều.
Instagram cũng là mạng xã hội do Facebook sở hữu và cho dù Facebook đứng đầu về mạng xã hội, họ vẫn thua Google về tổng số người dùng ở Anh. Tính tới tháng 3/2018, 41,9 triệu người trên 18 tuổi dùng các trang của Google trong đó 40 triệu dùng YouTube, 37 triệu dùng trang tìm kiếm Google, 25 triệu dùng Google Maps và 23 triệu dùng Gmail. Trong khi đó các trang và ứng dụng trong thực thể Facebook bao gồm cả Whatsapp được 40,2 triệu người dùng. Đứng thứ ba là các trang của BBC với 39,5 triệu sau khi hãng tin sống chủ yếu nhờ thu lệ phí truyền hình vượt qua cả Amazon và Microsoft trong năm qua.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 06/08/2018
Nhiều quý vị có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết không có trang truyền thông lâu đời nào ở Việt Nam hay hải ngoại là trang có nhiều fan nhất trên Facebook. Thay vào đó, trang Đại Kỷ Nguyên, vốn mới xuất hiện từ năm 2015, đã qua mặt toàn bộ những tên tuổi lớn và tổng số lượt fan từ các trang Facebook khác nhau của họ đạt gần 33 triệu.
Môn sinh Pháp Luân Công luyện thân trí Ảnh minh họa (Đại Kỷ Nguyên)
Đây là số fan lớn hơn nhiều so với tổng số khoảng 13 triệu fan từ các trang Facebook chính của ba trang tin trong nước đông người hâm mộ và ba trang tin hướng về Việt Nam từ Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc với lượng fan lớn trên Facebook.
Trong số các trang tin trong nước, số fan củaVnExpress đạt hơn 2,9 triệu, củaTuổi Trẻ là hơn 2,2 triệu và củaZing đạt gần 1,9 triệu.
Đứng đầu các trang tin hướng về Việt Nam từ hải ngoại là VOA Tiếng Việt với 2,5 triệu fan và người theo dõi tin, theo sau là BBC Tiếng Việt với gần 2,2 triệu và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc với hơn 1,9 triệu.
Trong khi đó chỉ riêngtrang chính của Đại Kỷ Nguyên đã có gần 12,8 triệu fan. Trang này cũng có nhiều tin bài được chia sẻ hàng vạn lần. Video vềtệ nạn bắt cóc trẻ em hôm 28/7 được hơn 21.000 lượt chia sẻ và đường dẫn tới video về những sinh hoạt hàng ngày củangười đàn ông mất cả hai tay hôm 25/7 nhận được hơn 10.000 lượt chia sẻ.
Theo giới thiệucủa chính Đại Kỷ Nguyên, họ là phiên bản tiếng Việt trong số 21 ngôn ngữ được Tập đoàn Truyền thông Đại Kỷ Nguyên, tên tiếng Anh là Epoch Media Group, “chính thức công nhận và uỷ quyền xuất bản” với ngày ra mắt là 1/1/2015.
Epoch Media Group được cho là do nhiều người theo Pháp Luân Công sở hữu và họ đã cho ra ấn bản tiếng Anh The Epoch Times ở New York từ hồi năm 2000. Theo chính lời những người chủ củaThe Epoch Times, họ ra báo và đăng tin trên mạng sau khi chứng kiến cuộc đàn áp ở Thiên An Môn cũng như sự đàn áp đối với những người theo Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Lời giới thiệu của Đại Kỷ Nguyên trên Facebook cũng có đoạn : “Với niềm tin tưởng mạnh mẽ những giá trị đạo đức đẹp đẽ sẽ là chìa khóa giúp độc giả tìm thấy lời giải cho những bề bộn và trăn trở về cuộc sống, Đại Kỷ Nguyên cố gắng đăng tải các bài viết hay nhất tìm về giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền từ ngàn năm – cội nguồn thuần khiết và đẹp đẽ nơi nhân loại bắt đầu ; đề cao các giá trị đạo lý, nhân sinh, tín ngưỡng đối với Thần Phật – niềm tin bất tử để chúng ta luôn vững vàng và bình yên trong biển lớn đầy sóng gió của cuộc sống này.”
Đại Kỷ Nguyên cũng có nhiều bài viết về Pháp Luân Công như ‘Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học nói gì về Pháp Luân Công’, ‘Cảnh sát thế giới tập Pháp Luân Công trong khi đồng nghiệp Trung Quốc bắt bớ gần 20 năm’, hay ‘Vấn đề Pháp Luân Công, chủ trương của Việt Nam là gì’.
Hồi cuối năm 2017 đã xuất hiệnbài viết cáo buộc những người điều hành ấn bản tiếng Việt của Đại Kỷ Nguyên bỏ tiền ra mua những trang Facebook đã nổi tiếng sẵn và biến chúng thành Đại Kỷ Nguyên. Thông tin từ Facebook cho thấy hai trang nhiều fan nhất của Đại Kỷ Nguyên đều từng có các tên khác không liên quan gì tới Đại Kỷ Nguyên.
Trang Đại Kỷ Nguyên chính với gần 12,8 triệu fan hồi tháng 8/2015đổi tên thành Sơn Hồ Quốc Việt từ tên gốc Sơn Tùng M-TP, tên của một ca sỹ nổi tiếng ở Việt Nam, để rồi thành Hồ Quốc Việt trong cùng tháng. Hôm 1/9/2015, trang này đổi tên thành Hồ Quốc Việt Đại Kỷ Nguyên và sau đó chỉ còn là Đại Kỷ Nguyên từ 9/9/2015.
Một trang khác mang tên Đại Kỷ Nguyên -Epoch Times với hơn 9,4 triệu người theo dõi trên thực tế được thành lập từ tháng 9/2013, hơn một năm trước khi Đại Kỷ Nguyên ra đời, với tên ban đầu là Nhắn gửi yêu thương sau được đổi thành Lời Chưa Nói.
Tới tháng 10/2015, trang này có tên mới Lời Chưa Nói Đại Kỷ Nguyên 2 và một tuần sau là Đại Kỷ Nguyên-EpochTimes Vietnam.
Hiện cả hai trang này, vốn đều nhiều fan hơn con số 5,2 triệu người thích và theo dõi của trang tiếng AnhThe Epoch Times, đều chưa trả lời tin nhắn trên Facebook hỏi về chuyện họ từng có các tên khác trước khi thành Đại Kỷ Nguyên.
Đại Kỷ Nguyên cũng còn sở hữu các trang Facebook khác trong đó có Đại Kỷ Nguyên – News với trên sáu triệu người thích và theo dõi và hai trang video khác nhau,một trang có gần 3,5 triệu fan và trang còn lại có gần 1,3 triệu người thích và theo dõi.
Dù hai trang chính với tổng số trên 22 triệu fan đều có các tên khác trước khi trở thành Đại Kỷ Nguyên, các trang còn lại với gần 11 triệu người theo dõi đều giữ nguyên tên ban đầu. Đại Kỷ Nguyên cũng dùng hai trang chính để quảng cáo cho các trang này.
Báo Tuổi Trẻ đã có thêm hơn 10.000 fan trên Facebook sau một tuần bị đình bản trên mạng, theo số liệu của Facebook. Điều này là sự thay đổi lớn vì trong tuần trước khi bị đình bản số fan của Tuổi Trẻ mỗi ngày đều giảm từ vài chục tới 100 fan mỗi ngày. Tổng số fan của Tuổi Trẻ cho tới cuối ngày 23/7 đã đạt hơn 2.266.000.
Việc bị đình bản đã giúp Tuổi Trẻ có mức tăng fan trên Facebook nhanh hơn nhiều so với các trang Facebook truyền thông khác.
Việc bị đình bản đã giúp Tuổi Trẻ có mức tăng fan trên Facebook nhanh hơn nhiều so với các trang Facebook truyền thông khác như của Thanh Niên, vốn tăng khoảng 2.600 fan hay VnExpress với hơn 3.700 fan mới trong cùng tuần từ 16-23/7.
Mặc dù bản thân Tuổi Trẻ chấp nhận bị đình bản thay vì khiếu nại hay khiếu kiện, phong trào kêu gọi ủng hộ Tuổi Trẻ bằng cách mua báo in cũng như theo dõi trang Facebook đã khiến trang Facebook của Tuổi Trẻ tăng tới hơn 4.000 fan chỉ trong ngày 20/7.
Một trong nhữngtin đăng trên Facebook của Tuổi Trẻ được nhiều người chia sẻ nhất với hơn 2.700 lượt là tin về chuyện một số con cháu của lãnh đạo Hà Giang có tên trong số những thí sinh được sửa điểm. Tin vềchỉnh sửa điểm ở Sơn La cũng được hàng trăm người chia sẻ.
Do không còn được ra báo mạng, Tuổi Trẻ đã đẩy mạnh việc dùngchức năng Notes của Facebook để đăng thêm bài bên cạnh ảnh và video. Tuy nhiên các Notes của Tuổi Trẻ không có được sức hút như ảnh và video, một phần có lẽ vì thuật toán của Facebook ưu tiên video và ảnh hơn. Chẳng hạnvideo trong đó có phát biểu của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về diễn biến mới nhất ở Sơn La được hơn 80.000 lượt xem sau hai ngày.
Đình chỉ bộ trưởng quản lý báo chí
Trong khi đó Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, người đứng đầu ngành ra quyết định xử phạt và đình bản Tuổi trẻ Online cũng vừa mới bị đình chỉ chức vụ trong diễn biến được cho là sự khởi đầu cho màn trượt vỏ chuối khỏi bộ máy công quyền của ông này.
Tuy nhiên nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng ông Tuấn không phải là người đầu trò ra vụ đình bản mà phải là những người ở vị trí cao hơn.
Ông Chênh viết trên Facebook : “Để đình bản được tờ báo có tầm vóc chính trị và có sức lan tỏa lớn trong xã hội như tờ TT phải là quyết định từ BCT [Bộ Chính trị] hay ít ra cũng từ ban tuyên giáo. Bộ 4T [Thông tin và truyền thông] chỉ là kẻ thừa hành ra quyết định để hợp lệ pháp lý.
“Nói rõ ra như vậy để chúng ta thấy rằng bóp nghẹt hay trừng trị báo chí là chủ trương của đảng chứ không phải của cá nhân Trương Minh Tuấn”.
Báo chí và xã hội dân sự ở Việt Nam đã chịu sức ép lớn từ phía đảng và chính quyền trong mấy năm gần đây khi mà ông Nguyễn Phú Trọng dùng chiếc lò của mình để nướng quan tham nhưng cũng nướng luôn những người hoạt động đòi quyền bày tỏ chính kiến. Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được thế giới biết tới với tên Mẹ Nấm, đang chịu án tù 10 năm trong khi một nhà hoạt động nữ khác, Trần Thị Nga, chịu án chín năm tù. Không những thế, các nhà đấu tranh vì quyền con người ở Việt Nam tố cáo chính quyền đối xử tàn tệ với cả hai nữ tù nhân này.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 24/07/2018
Với vụ gian lận điểm ở Hà Giang đang nóng, Bí thư tỉnh Triệu Tài Vinh là ông quan được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong ngày 19/7.
Bộ trưởng Giáo Dục họp báo về vụ nâng điểm thi ở Hà Giang, 17 tháng Bảy.
Ông Triệu Tài Vinh đứng ở vị trí thứ hai và thứ tám trong danh sách 10 cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất hôm thứ Năm tuần này.
Trong diễn biến mới nhất, công an Hà Giang đã khởi tố và bắt giam ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khả thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vì lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi sửa điểm trên 300 bài thi của hơn 100 thí sinh ở Hà Giang.
Trong số các thí sinh được sửa điểm có con gái ông Triệu Tài Vinh mà cụ thể là điểm môn toán bị hạ từ 9,4 xuống 6 và ngoại ngữ giảm từ 10 xuống 8 sau khi chấm lại theo Dân Trí. Trang tin này cũngdẫn lời ông Triệu Tài Vinh : “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?”
Trong khi đó báo Người lao động cũng nói lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có công văn yêu cầu các cấp dưới trong tỉnh phải “[t]uyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.” Cấp dưới cũng được yêu cầu phải “[l]àm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, internet…”
Trong những ngày qua những người dùng mạng xã hội chia sẻ lạiphỏng vấn của VietNamNet được thực hiện từ năm 2016 với em trai Bí thư Triệu Tài Vinh, ông Triệu Tài Phong, Bí thư huyện Quang Bình cũng ở Hà Giang, về chuyện cả nhà làm quan mà anh ông cũng đã giải thích.
“Dư luận chỉ là dư luận, cá nhân tôi chẳng thấy nó có gì liên quan cả,” ông Phong nói trong phỏng vấn cách đây hai năm. “Nếu bảo có tức thì có tức đôi chút vì nó không đúng sự thật. Chúng tôi đi từ cơ sở, phải lăn lộn từ cơ sở mới làm được. Cũng phải học thì mới làm được chứ đâu phải tự nhiên làm được đâu.”
Khi đó ông Phong cũng xác nhận : “Nhà tôi có 5 anh em ruột, cùng làm trong cơ quan nhà nước. Gia đình dù là dân tộc thiểu số [dân tộc Dao] nhưng sinh ra trong gia đình cán bộ, không phải là nông dân. Con gia đình cán bộ thì chắc là ở đâu cũng được học hành, còn học cái gì, làm cái gì thì có thể (mỗi gia đình) có sự khác nhau.”
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 20/07/2018
Vừa tới Anh hôm 12/7, ông Trump đã xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng lớn vì lý do có phần khác sự hiện diện của chính ông tại nơi mẹ ông ra đời.
Ông Trump và bà Thủ Tướng May tại nhà nghỉ mát của Thủ Tướng Anh ở Ellesborough.
Trước khi rời Brussels tới London, ông Trump đã bỏ gần nửa tiếngtrả lời phỏng vấn báo lá cải The Sun của Anh trong đó ông chê cách ly dị EU của Thủ tướng Theresa May. Ông nói bà May đã không nghe ông và chọn một mối quan hệ gần gũi với EU tới mức mà Hoa Kỳ sẽ thà đàm phán thương mại với EU thay vì với Anh vì Anh lệ thuộc vào EU quá nhiều nếu cứ ly dị theo cách hiện nay.
Những người phản đối ông Trump nói ông thật vô lối vì chưa tới nhà người ta đã chê chủ nhà và thậm chí còn nói đối thủ của bà May, ông Boris Johnson sẽ là “thủ tướng tuyệt vời” trong khi ông Johnson vừa từ chức ngoại trưởng để phản đối cách chia tay EU của bà May. Ông Johnson có vẻ cùng quan điểm với Tổng thống Trump khi nói rằng Anh sẽ là “thuộc địa” của EU nếu vẫn chịu tuân theo những quy định của EU về trao đổi mậu dịch liên quan tới xuất nhập khẩu với EU.
Nhưng nhiều người cũng ủng hộ ông Trump đã nói thẳng những gì ông nghĩ và nói Anh cần cân nhắc để có hiệp định thương mại riêng với Hoa Kỳ vì hiện nay Anh đang xuất siêu sang Hoa Kỳ nhưng lại nhập siêu từ EU.
Cuộc ly dị Anh – EU sẽ phải kết thúc vào tháng 3/2019 nhưng hiện giờ hai bên vẫn chưa thể đồng ý quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ ra sao. Nếu nhìn vào cách hai bên ly dị người ta có thể nói ly dị có lẽ đúng vì hai đối tác tốt sẽ biết cách để có cuộc ly dị êm ả. Nhưng EU muốn dạy cho Anh một bài học để các nước khác trong EU noi gương để đừng dám rời EU kể cả nếu người dân có muốn. Hầu hết các chính trị gia Anh và đa số dân biểu trong Hạ viện cũng đều muốn ở lại EU, trái với kết quả trưng cầu dân ý, nên họ đang buộc phải làm điều mà bản thân họ không muốn.
Một số nhà phân tích trong đó có ông Larry Elliotđã chỉ ra rằng Anh nhập khẩu từ EU nhiều hơn so với xuất khẩu vào thị trường này kể từ năm 1999 và thâm hụt thương mại với EU tăng từ hơn 40 tỷ bảng Anh hồi năm 2012 tới 80 tỷ bảng Anh vào năm 2016, thời điểm cuộc trưng cầu dân ý diễn ra.
Trong khi đó Anh có thặng dư thương mại từ buôn bán với phần còn lại của thế giới trong đó có Hoa Kỳ với giá trị xuất siêu từ chưa tới 10 tỷ bảng hồi năm 2012 tới gần 40 tỷ bảng trong năm 2016.
Nhà bình luận Larry Elliott cũng nói thị trường chung châu Âu chủ yếu đảm bảo tự do thương mại cho hàng hoá trong khi đó dịch vụ mới là thế mạnh của Anh.
Tổng thống Trump rõ ràng muốn Anh cứng rắn hơn trong đàm phán với EU và sẵn sàng rời bàn đàm phán nếu thấy đối thủ muốn được lợi quá nhiều. Ông Trump rõ ràng đã rất rắn khi đàm phán với các nhà lãnh đạo NATO hồi đầu tuần này và ông có vẻ hài lòng vì đã buộc các nước EU phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và tiến gần về mức chi 4% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng của Hoa Kỳ. Nhưng cũng như Hoa Kỳ, người dân Anh đang chia rẽ. Nhiều người muốn bà May cứng rắn với EU nhưng không ít người lại muốn bà cứng rắn với ông Trump. Nếu số nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều như trước hẳn người ta sẽ thấy tít báo ‘Tư bản rối bời và cơ hội của chúng ta’. Còn ông Trump lại có ý nói Hoa Kỳ không muốn là ‘Liên Xô’ đối với các đàn em tư bản.
Nguyễn Hùng
Nguồn VOA, 13/07/2018
Nước Anh mà Tổng thống Donald Trump đặt chân tới hôm 12/7 quả là ‘rối bời’ như lời ông nói khi rời Mỹ. Ngoại trưởng và bộ trưởng phụ trách việc tách Anh khỏi EU vừa từ chức được vài hôm vì bất bình với thủ tướng. Đội tuyển Anh lại vừa bị dội gáo nước lạnh khi giấc mơ vào chung kết World Cup đã bị Croatia cuỗm mất.
Ông Trump không muốn ở London và hầu hết các sự kiện quan trọng trong chuyến đi đều không diễn ra ở trung tâm.
Nhưng chẳng vì đang rối bời thế mà người ta quên đón tiếp ông cho thật kỹ càng và ‘hoành tráng’. Thủ tướng Theresa May sẽ đãi cơm tối, Nữ hoàng mời trà chiều và ông cũng sẽ thăm Scotland thơ mộng nơi ông sở hữu sân golf.
Những người phản đối ông cũng đã sẵn sàng. Người ta quyên tiền để làm ra một em bé Trump mặc bỉm trong hình dạng một quả bóng cao tới hơn 6m. Bé Trump tay phải cầm điện thoại, bỉm cài kim băng và ngực đã kịp có lông. BBC đưa tin số tiền quyên được lên tới 18.000 bảng trong khi 10.000 người ký đơn đề nghị thị trưởng London cho phép thả bóng bay bé Trump ngay trung tâm London và họ được toại nguyện.
Bóng bay bé Trump cộng thêm với các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch của hàng ngàn người khiến ông Trump không muốn ở London và hầu hết các sự kiện quan trọng trong chuyến đi đều không diễn ra ở trung tâm. Thủ tướng mời cơm tối tại nhà nghỉ của bà cách trung tâm London 65 km. Cuộc gặp với Nữ hoàng diễn ra tại Lâu đài Windsor nơi nếu lái xe từ Điện Buckingham ở London cũng mất cả tiếng. Và Scotland thì rõ ràng là xa rất xa rồi.
Chuyện chính quyền London cho phép bóng bay bé Trump mặc bỉm xuất hiện ở trung tâm London cũng gây chia rẽ. Nhà báo có tiếng Piers Morgan đã chất vấn Thị trưởng Sadiq Khan trên truyền hình và nói rằng ông Khan đã "đạo đức giả" vì ông sẽ chẳng bao giờ cho phép bóng bay Hillary Clinton hay Barack Obama mặc bỉm bay giữa London. Còn ông Khan nói ông tôn trọng quyền tự do của mọi nhóm và nếu họ thể hiện quyền của họ một cách ôn hoà và an toàn.
Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 10/7 cũng đã cảnh báo các công dân tránh để bị chú ý và phải cẩn thận nếu chẳng may bị kẹt tại nơi biểu tình đông người vốn có thể dẫn tới bạo lực.
Nhưng chính một công dân Hoa Kỳ mà tôi biết đã thúc giục mọi người xuống đường và tham gia cuộc biểu tình chính vào lúc 14 :00 ngày thứ Sáu từ toà nhà BBC tới Quảng trường Trafalgar. "Và đừng có quên nhìn quả bóng bay", ông nhắc trong thư gửi những người ông biết.
Anh và Hoa Kỳ từ trước tới nay vẫn xem nhau như đồng minh nhưng Anh cũng từng bị tố cáo là theo đuôi Mỹ. Hồi ông Tony Blair còn là tổng thống người ta từng đùa ông chỉ như chú cún và khi ông chủ Toà Bạch Ốc bảo nhảy câu hỏi duy nhất là "nhảy cao chừng nào".
Giờ quan hệ của Thủ tướng May và ông Trump cũng khá gượng gạo. Ông Trump có vẻ thân với ông Boris Johnson, người vừa mới từ chức ngoại trưởng trong nội các của bà May và cũng là người luôn chẳng coi bà thủ tướng ra gì. Nhưng Anh đang rời khỏi EU và họ cần xích lại gần hơn với Hoa Kỳ nếu có thể được. Chẳng phải vì tôn kính hay yêu quý gì nhau mà là quan hệ ‘ông có chân giò bà thò chai rượu’.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 12/07/2018
Khi đến với blog này trên VOA, tôi đã sống nhờ nghề viết, phát thanh, truyền hình trực tuyến… 20 năm có lẻ. Giữa lúc tin tức thật giả khó lường, xin chia sẻ đôi điều học được sau hơn hai thập niên chuyên sàng lọc và kiểm chứng thông tin.
Làm báo trong thời kỳ tin giả lan nhanh hơn tin thật - Hình minh họa.
Điều đầu tiên là "sự thật không bao giờ là thuần khiết và chẳng bao giờ giản đơn". Quý vị hãy nghĩ về một trận đấu bóng đá chẳng hạn. Vì sao trọng tài ở ngay trên sân mà nhiều khi còn phải xem lại video để đưa ra quyết định hoặc xem quyết định của họ có đúng không ? Tùy vào vị trí của trọng tài trên sân mà họ có thể bao quát tốt hay bị hạn chế về tầm nhìn. Và vài cặp mắt vẫn tốt hơn một. Nhà báo cũng vậy. ‘Tầm nhìn’ của họ đôi khi còn phụ thuộc vào người khác. Nếu họ nói chuyện với đúng người và người đó có tầm nhìn bao quát về một sự việc cụ thể, họ sẽ có bài tốt. Nếu họ nói chuyện với những người "nghe hơi nồi chõ," độ khả tín của tin họ đưa là không đáng kể.
Các hãng tin nước ngoài đa số đều có nguyên tắc cần phải có hai nguồn độc lập xác nhận một tin nào đó trước khi đăng tải. Nhưng mới đây hầu hết các hãng tin đều bị hố khi cảnh sát Ukraine dựng lên vụ một nhà hoạt động Nga bị ám sát ở Kiev. Họ yêu cầu nhà hoạt động hợp tác và vờ chết để họ bẫy những kẻ thực sự đang muốn ám sát ông này. Nhà báo nào chẳng tin khi cảnh sát và vợ của nhà hoạt động xác nhận ông đã chết. Hai nguồn độc lập đôi khi cũng không đủ. Bởi vậy càng kiểm tra chéo với nhiều nguồn càng tốt. Trong trường hợp cụ thể này cần có giấy chứng tử của bệnh viện để kiểm chứng thêm chẳng hạn.
Theo dõi truyền thông xã hội, tôi chứng kiến nhiều tin thất thiệt được chia sẻ tràn lan trước khi người ta phát hiện ra rằng đó là tin rởm. Thời mạng xã hội lên ngôi cũng là lúc người dùng mạng cần đa nghi như Tào Tháo. Chúng ta cần luôn tự hỏi "ai là người đang chia sẻ thông tin này ?", "người này có đáng tin không ?", "liệu họ đã đọc trước khi chia sẻ chưa ?"… Xin hãy suy nghĩ kỹ trước khi khi chia sẻ bất kỳ thông tin gì trên mạng vì khả năng tin giả lan nhanh hơn tin thật là có thật.
Điều thứ hai là nên đa dạng nguồn tin. Mỗi cơ quan truyền thông có tôn chỉ và chủ trương riêng. Các nhà báo của họ có thể có mức độ độc lập và xông xáo khác nhau. Đó là lý do cùng một tin mà có báo đưa, có báo không và cách đưa tin cũng khác nhau nếu họ cùng quan tâm tới tin đó. Chỉ đọc một, hai tờ báo sẽ khó có thể có cái nhìn thấu đáo về một vấn đề gai góc.
Điều thứ ba là quá trình quyết định đưa tin gì hay không đưa tin gì của các nhà báo không có một cơ sở khoa học nào cả. Nó tùy thuộc vào kinh nghiệm, năng lực và việc có hay không sự tự kiểm duyệt của các nhà báo. Nhiều quyết định về tin bài được đưa ra sau hàng loạt các cuộc họp của những người có nguồn tin riêng và sau khi họ đã đọc tin tức của các hãng thông tấn hay báo chí nói chung. Nhiều khi quyết định tới từ một biên tập viên cụ thể. Đôi khi các cộng tác viên hay ngay cả độc giả hoặc khán, thính giả cũng có thể gợi ý tòa soạn đưa một tin nhất định.
Điều thứ tư là người tiêu thụ các sản phẩm truyền thông không còn bị động như trước nữa. Với các mạng xã hội hiện đang có hàng tỷ người dùng, khán giả, thính giả và độc giả có kênh để phản hồi nếu truyền thông đưa tin không chuẩn. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện những cây viết với những sản phẩm truyền thông có độ tương tác không kém gì các cơ quan truyền thông chính thống.
Điều thứ năm là nhiều lỗi của báo chí không phải là cố ý. Các nhà báo thường có sức ép về thời gian, họ phải lên sóng hay nộp bài vào giờ nhất định để tin tức còn nóng hổi. Chính sức ép này khiến họ có thể đưa tin hoặc nhận định không chuẩn xác. Đôi khi họ cũng có thể gặp phải một nguồn tin không đáng tin cậy và do vậy tin họ đưa không đúng. Đương nhiên họ cần công khai nhận sai và xin lỗi đúng cách mỗi khi mắc sai lầm.
Điều thứ sáu là hãy nói không với tình trạng đánh cắp tác quyền tràn lan trên mạng xã hội nói riêng và mạng internet nói chung. Thông thường người ta có thể trích dẫn một bài viết nhưng cũng không thể trích quá 30%. Về ảnh minh họa, người ta chỉ có thể dùng khi đã được sự đồng ý của tác giả. Video cũng vậy. Không có lý do gì có thể biện minh cho việc đánh cắp ảnh hay video của người khác vì bất kỳ lý do gì.
Đó là sáu điều chia sẻ với mục đích giúp quý vị có cách tiếp cận các sản phẩm truyền thông thực tế và an toàn hơn.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 06/07/2018
Dân biểu Anh và hiện cũng là bộ trưởng ngoại giao, Boris Johnson, vừa phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì một lời hứa mà ông đưa ra trước cử tri ở vùng tây London nhưng lại đang có vẻ ngãng ra.
"Tôi rời Việt Nam năm 28 tuổi và phải thú thực tôi chưa từng biết người đại diện của mình trong Quốc hội là ai". Hình minh họa : Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tuần trước Hạ viện Anh thông qua dự án mở rộng sân bay Heathrow, điều ông Johnson hứa trước cử tri từ vài năm trước rằng ông sẽ phản đối quyết liệt. Thậm chí ông còn được dẫn lời nói : "Tôi sẽ nằm trước các xe ủi và chặn việc xây đường băng thứ ba".
Nhưng khi cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Hạ viện, ông Boris Johnson lại đi công tác nước ngoài và không thể tham gia bỏ phiếu.
Trong khi đó một thứ trưởng ngoại thương của Anh lại làm điều ngược lại. Ông đã từ chức để có thể bỏ phiếu phản đối mở rộng Heathrow và giữ đúng lời hứa trước cử tri. Ông còn từ một chuyến công du nước ngoài trở về đúng ngày bỏ phiếu để thực thi quyền của mình.
Hai hành động trái ngược này làm người ta đặt câu hỏi liệu có thể tin được bao nhiêu trong số các dân biểu mà ở Việt Nam gọi là Đại biểu Quốc hội. Nếu quý vị sống ở Việt Nam, liệu quý vị có biết dân biểu của mình là ai ? Họ đã hứa hẹn những gì và có giữ lời không ? Liệu quý vị có thể mong họ giúp gì cho quý vị không ?
Tôi rời Việt Nam năm 28 tuổi và phải thú thực tôi chưa từng biết người đại diện của mình trong Quốc hội là ai. Tôi thậm chí cũng không nhớ đã từng bỏ phiếu cho họ hay chưa.
Khi tới Anh, tôi từng có vài lần cần liên hệ với dân biểu địa phương và luôn được phản hồi và giúp đỡ. Tôi thường gửi điện thư cho họ để thông báo tôi đang gặp vấn đề gì. Họ luôn phản hồi lại bằng thư gửi qua đường bưu điện và nói họ có thể giúp được không và nếu được sẽ giúp như thế nào. Họ thường sẵn sàng gửi thư cho quan chức chính phủ hay các cá nhân có liên quan để thay mặt tôi hỏi về điều tôi muốn họ giúp.
Các dân biểu Anh luôn phải sẵn sàng giúp cử tri của mình cho dù họ có bầu cho dân biểu đó hay không. Tôi thường bỏ phiếu cho Đảng Lao động trong khi khu tôi ở đa số cử tri ủng hộ Đảng Bảo thủ đương quyền. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện dân biểu nơi tôi ở thường được bầu lên không phải bởi những người như tôi, vốn thiên về các đảng khác. Cũng phải nói thêm ở Anh, lập một đảng chính trị cũng dễ dàng như lập một công ty và thậm chí có thể đăng ký thành lập qua mạng internet.
Trở lại câu chuyện người đại diện cho cử tri, mới đây tôi chứng kiến một buổi phát trực tiếp trên Facebook của một nhà hoạt động. Bà đã gọi cho một loạt các Đại biểu Quốc hội để hỏi về việc họ bỏ phiếu thuận hay phiếu chống đối với Luật An ninh Mạng. Có đại biểu từ chối trả lời, có người nói các cử tri hãy tin vào các đại biểu.
Câu hỏi đặt ra là có thực sự các đại biểu bỏ phiếu theo đòi hỏi của cử tri ? Ngay cả ở Anh, Đảng Bảo thủ cũng yêu cầu các dân biểu trong đảng này bỏ phiếu ủng hộ dự án mở rộng Heathrow. Đây có lẽ là điều khiến dân biểu Boris Johnson kiếm cớ ra nước ngoài để khỏi trái lệnh đảng và như thế có thể phải từ chức giống thứ trưởng ngoại thương, người coi cử tri cao hơn cả đảng của mình. Trái lại, Đảng Lao động cho các dân biểu của đảng này được phép bỏ phiếu theo ý riêng của họ. Điều oái oăm là nhiều đảng viên Đảng Lao động đã bỏ phiếu ủng hộ dự án theo như lời kêu gọi của đảng đối lập. Đây cũng là lý do quan trọng khiến dự án được thông qua.
Mặc dù Hạ viện Anh đã chấp thuận dự án xây đường băng thứ ba cho sân bay Heathrow, những người phản đối vẫn có thể kiện ra toà vì khả năng gây ô nhiễm môi trường của dự án. Chuyện toà án ở Anh đưa ra phán quyết bất lợi cho chính phủ không có gì là bất thường nên có thể dự án sẽ chưa thể bắt đầu theo dự kiến vào năm 2021. Ngoài khả năng hành động độc lập của cả dân biểu lẫn các qua toà, điều khác biệt nữa là những người dân phải di chuyển chỗ ở sẽ được đền bù theo giá thị trường vì họ là người sở hữu nhà chứ không phải chỉ có quyền sử dụng đất.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/07/2018
Một loạt các tờ báo lớn trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress và VietnamNet dẫn lời Chủ tịch Hà Nội nói thành phố muốn "thu giá" nhờ bán thông tin thu thập được từ các công dân. Ông Nguyễn Đức Chung mong sẽ thu về 300 tỷ từ việc kinh doanh cơ sở dữ liệu cư dân.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định không lộ thông tin cá nhân trước việc chia sẻ dữ liệu dân cư. Ảnh : TH
Nhưng không phải báo nào cũng chấp nhận cách nói "thu giá". Báo Người lao động chạy tít
‘Hà Nội đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư, thu 300 tỉ đồng/năm’. Mặc dù vậy trong câu đầu tiên của bài viết báo cũng đề cập tới đề xuất "thu giá".
Cách dùng từ của người đứng đầu thành phố khiến thành viên của một trong các diễn đàn mạng bình luận : "[T]hu giá" là gì vậy ? [S]ống mấy chục năm trên đời chưa nghe từ này".
Trong khi đó chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng dùng từ "phí" để nói về giá trong phỏng vấn với VietnamNet :
"Mọi người cũng đang cho là phí này sẽ thu của người dân, thực tế thì không phải như vậy. Ở đây, các đơn vị như ngân hàng, phòng công chứng… muốn truy cập vào hệ thống thì phải trả phí".
Dữ liệu cá nhân
Trong khi cuộc tranh luận "phí" và "giá" có vẻ đã ngã ngũ và phần thắng nghiêng về phía các quan chức, bàn cãi về chuyện chia sẻ thông tin cá nhân mới chỉ bắt đầu.
Khi bị chất vấn về chuyện chính quyền định chia sẻ thông tin cá nhân, ông Chung có vẻ muốn hô ‘biến’ để thông tin cá nhân bỗng nhiên trở thành thông tin công cộng. Ông nói với VietnamNet :
"Thông tin chia sẻ là thông tin trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân. Mọi người hiện nay đang bình luận sai ở chỗ đó".
Theo như ông Chung nói thì bảy thông tin trên chứng minh thư như họ tên đầy đủ, ngày tháng và năm sinh, nguyên quán cũng như nới đăng ký hộ khẩu thường trú "không phải là thông tin cá nhân" và chính quyền có thể lấy chúng đem bán để thu về vài trăm tỷ. Ông cũng nói thêm bên cạnh cơ sở dữ liệu công dân mà thành phố đã xây dựng xong, Bộ Công an cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng họ cho thành phố Hà Nội và sẽ xong vào năm 2022.
Truyền thông Việt Nam cũng nói một cơ sở dữ liệu tương tự cho thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Bộ Công an hoàn thành vào năm 2020. Hiện chưa rõ cơ sở dữ liệu của công an khác với cơ sở dữ liệu của chính quyền các tỉnh và thành phố như thế nào.
Với sức ép phải tăng thu để trang trải chi phí cho bộ máy chính quyền lắm người nhưng làm việc kém hiệu quả, dường như lãnh đạo cả trung ương và địa phương đang nghĩ ra đủ cách để kiếm thêm thu nhập. Nếu họ muốn bán dữ liệu, điều quan trọng là họ cần phải có sự thoả thuận của các cá nhân sở hữu dữ liệu nếu muốn bán các thông tin của họ. Đây là điều không được chủ tịch Hà Nội đề cập tới và cũng không rõ người cung cấp thông tin đã bao giờ được tham khảo ý kiến hay chưa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 03/07/2018
Có cuộc biểu tình nào diễn ra ở Việt Nam trong tháng Sáu không ?
Theo truyền thông chính thống, có lẽ là không. Nếu bạn dùng các từ khóa ‘biểu tình Việt Nam 2018’ để tìm trên Google, tin tức đầy đủ và không thiên vị về các cuộc biểu tình chỉ có trên mạng xã hội, BBC, RFI, VOA và các trang tin từ bên ngoài Việt Nam khác.
Báo chí chính thống nhiều khi trở thành kênh tin thất thiệt chính thống với cách đưa tin có lợi cho những người có quyền và bất lợi cho người dân. Hình minh họa.
Một trong những người đi biểu tình nói họ ước gì các nhà báo có mặt và chứng kiến cảnh bạo lực phi lý đối với những người xuống đường thực hiện quyền mà Điều 25 của Hiến Pháp đã ghi nhận.
Điều 25 Hiến Pháp cũng thừa nhận quyền "tự do tiếp cận thông tin" và "tự do báo chí". Vậy tại sao các nhà báo từ mấy trăm tờ báo không thực hiện các quyền này ? Không phải ở Việt Nam không có các nhà báo giỏi và xông xáo, nhưng đừng mong họ giỏi và xông xáo trong lĩnh vực chính trị nhạy cảm ở Việt Nam.
Khi tôi còn làm ở BBC, đôi khi tôi đùa với các đồng nghiệp là nhờ chính sách kiểm duyệt thông tin của Việt Nam mà chúng tôi có việc làm. BBC đã đóng cửa một loạt các ban ngôn ngữ Châu Âu trong đó có Ba Lan, Slovakia và Hy Lạp chỉ vì các quốc gia đó không còn thiếu thông tin độc lập nữa.
Điều rõ ràng là truyền thông chính thống vờ như một số sự kiện ở Việt Nam không xảy ra hoặc xảy ra theo cách hoàn toàn khác so với những gì truyền thông không bị sức ép thuật lại.
Một số nhà báo như Huy Đức hay Trương Duy Nhất buộc phải dùng mạng xã hội để truyền đi những thông điệp mà truyền thông chính thống không đủ can đảm để đăng tải.
Cái gốc của sự thiếu vắng những thông tin trung thực hoặc sự tồn tại của những tin tức biến dạng trên truyền thông chính thống ở Việt Nam chính là sự tham nhũng quyền lực.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam hay nói "của dân, do dân và vì dân", những gì họ làm trong lĩnh vực truyền thông cho thấy họ chỉ nói vậy nhưng không làm vậy.
Có trang web, tờ báo, đài phát thanh hay truyền hình có ảnh hưởng nào là "của dân" không ? Hoàn toàn không ? Các cơ quan đảng và nhà nước sở hữu tất cả.
Người dân có được tham gia tự do vào các hoạt động truyền thông không ? Dĩ nhiên là không, ngoại trừ họ lên Facebook và rồi vẫn có thể gặp rắc rối với chính quyền vì dám làm vậy.
Và nếu truyền thông không phải "của dân" và "do dân" thì đương nhiên họ không thể vì dân được mà phải vì những người ban phát cho họ quyền lực và bổng lộc.
Tại các đất nước mà truyền thông thực sự là của dân và do dân, lãnh đạo báo chí không phải họp hàng tuần với lãnh đạo tư tưởng của một đảng để được khen, bị chê, nhận chỉ thị không đưa tin gì, được đưa tin gì và đưa như thế nào.
Xin dẫn một ví dụ để cho thấy thế nào là sự độc lập trong các quyết định về tin tức và thời sự. Khi quyết định chọn nơi đăng cai World Cup 2018 đang được các quan chức FIFA thảo luận, BBC làm phóng sự điều tra về ba quan chức FIFA nhận hàng triệu đô la tiền hối lộ.
Khi đó Anh và Nga là hai đối thủ được cho là nặng ký và các quan chức Anh muốn BBC không phát phóng sự điều tra trước khi diễn ra một cuộc bỏ phiếu quan trọng của FIFA. Tuy nhiên BBC đã không nghe theo và bị coi là "không yêu nước" và là "điều đáng hổ thẹn". Có lẽ phóng sự đó đã góp phần nào đó giúp Nga về sau được quyền đăng cai World Cup 2018. Nhưng nghĩa vụ của nhà báo là đưa tin trung thực và có trách nhiệm. Nhiều quan chức FIFA sau này đã điêu đứng vì cuộc điều tra của FBI, vốn phần nào bắt nguồn từ các phóng sự điều tra của báo chí.
Nhiều phóng viên trong nước thừa hiểu những nguyên tắc căn bản của báo chí độc lập đó là đưa tin trung thực và không chịu tác động của quyền lực, ân sủng hay các sức ép nào khác. Nhưng họ phải tự kiểm duyệt để bài viết được đăng và điều này nhiều khi gắn với thu nhập hàng tháng của họ. Nếu họ viết đúng, viết đủ, bài của họ vẫn có thể bị cắt xen hay nhiều khi đăng lên rồi lại bị gỡ xuống. Họ cũng có thể mất việc hoặc thậm chí bị điều tra nếu không uốn cong ngòi bút. Những rủi ro này khiến báo chí chính thống nhiều khi trở thành kênh tin thất thiệt chính thống với cách đưa tin có lợi cho những người có quyền và bất lợi cho người dân.
Tin thất thiệt chính thống cũng là lý do mỗi năm các chính phủ nước ngoài bỏ ra nhiều triệu đô la để duy trì các kênh phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt để đảm bảo người dân tiếp cận được với các thông tin gần với sự thật nhất có thể.
Có một điều có lẽ không nhiều quan chức Việt Nam hiểu ra là chính họ cũng có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống truyền thông thiên vị chính quyền. Cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã từng bị gỡ bài viết và có lẽ không vui vẻ gì với cách đưa tin của truyền thông sau khi ông bị bắt. Và mới đây ngay cả phát biểu của đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang được đăng lên nhưng cũng sớm bị gỡ xuống.
Khi truyền thông bị gắn sẵn vòng kim cô tư tưởng của Đảng cộng sản thì chuyện nó bị buộc phải lên đồng hay buộc phải nhắm mắt, bịt tai là ‘chuyện thường ngày ở huyện’.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 26/06/2018