Darren sinh ra tại Anh nhưng từng quản lý hàng chục nhân viên trong ngành công nghệ thông tin và có mức lương tới 300.000 đô la một năm tại Hoa Kỳ.
Nước Anh giờ đã vào mùa đông và nhiệt độ có thể xuống 0 độ C, là khoảng thời gian khắc nghiệt đối với những người phải ngủ ngoài đường. Hình minh họa.
Nhưng rồi ông mắc hết bệnh này tới bệnh khác, bị nhồi máu cơ tim tới mức phải nghỉ việc và có bao nhiêu tiền lương hưu tích luỹ được khi làm việc ở Hoa Kỳ lấy ra tiêu hết.
Kết quả là ông thành người không nhà ít lâu sau khi trở lại xứ Wales của Anh và sống vạ vật ở vùng biển Anglesey.
Darren, không phải tên thật của ông là một trong số hơn 10 người có mặt trong tường thuật đặc biệt của BBC về người không nhà sống ở gần các bãi biển của nước Anh hồi đầu năm 2018.
Số liệu mới được tổ chức giúp đỡ người không nhà Shelter công bố vào tháng 11/2018 xác nhận trong ba tháng đầu năm nay số người ngủ vạ vật ngoài đường ở Anh lên tới mức kỷ lục – 320.000 người.
CNN tính ra cứ 200 người Anh thì có một người không nhà. Hãng tin này cũng dẫn số liệu nói London là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 168.000 người bị coi là không nhà cửa, tức là cứ khoảng 50 người lại có một người ngủ vạ vật.
Ngay từ hồi cuối năm 2017, BBC cũng đã đưa tin số hộ gia đình không nhà ở Anh tăng tới hơn 60% và các chuyên gia nói lý do chính là chính sách khắt khe hơn của Đảng Bảo thủ đối với trợ cấp xã hội.
Trong số những người sống ở những nơi tạm bợ hồi cuối năm 2017 có hơn 120.000 trẻ em.
Đảng Bảo thủ giảm số tiền trợ cấp cho người nghèo và chuyển nhiều gia đình ở nhà trợ cấp ra khỏi các vùng đắt đỏ như London. Người ta đã làm phim tài liệu về các cụ già tóc đã bạc phơ bị đưa lên xe buýt để tới những vùng xa xôi hơn nhưng ít tốn kém hơn cho chính phủ.
BBC nói mỗi năm các hội đồng địa phương phải bỏ ra hơn một tỷ bảng để đối phó với cuộc khủng hoảng không nhà cửa của hơn 77.000 hộ gia đình, chủ yếu là tiền thuê nơi ở tạm cho họ.
Tại một nước giàu hàng đầu thế giới, những con số thống kê trong thời gian vừa qua cho thấy một bức tranh ảm đạm về số người mà giấc mơ của họ chỉ là đêm có giường nằm và ngày có cơm ăn.
Phóng sự đặc biệt của BBC hồi đầu năm nay cho thấy những người không nhà có thể là bất cứ ai. Trong số những người được phỏng vấn có những người làm đủ nghề, từ người dọn rác tới thợ cơ khí hay sử gia. Có những người ở tuổi đôi mươi, có người đã già. Người ta nói nhiều người ở Anh chỉ cần không có lương hai tháng là đã có nguy cơ mất nhà rồi.
Ở vùng biển Brighton, cách London không xa, phóng viên BBC gặp một người lấy tên là Robert vì không muốn dùng tên thật. Anh này nói thà ở tù còn hơn ngủ ngoài đường :
"Cuối cùng tôi phải ngồi tù vì nghiện ma tuý. Tôi ở tù hai năm và có cơm ăn ba bữa, có giường ngủ. Tôi biết đó là nhà tù nhưng nó an toàn, an toàn hơn ở ngoài đường. Khi ra tù, tôi không được coi là ưu tiên để xét cấp nhà trợ cấp. Đó là vì tôi khoẻ mạnh lại là đàn ông độc thân, không có bạn đời".
Tường thuật của CNN cho hay Brighton là vùng có cuộc khủng hoảng người không nhà trầm trọng chỉ sau London. Tại Brighton, cứ 67 người lại có một người ngủ đường ngủ chợ. Tiếp theo đó là Birmingham và Manchester với các con số tương ứng là cứ 73 người có một và cứ 135 người có một.
Tổ chức từ thiện chuyên giúp người không nhà Shelter đưa ra con số người sống vạ vật vào lúc này không phải là không có ý của họ. Nước Anh giờ đã vào mùa đông và nhiệt độ có thể xuống 0 độ C. Đây là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất đối với những người phải ngủ ngoài đường.
Thị trưởng London Sadiq Khan hôm 29/11 vừa khai trương các điểm đóng góp giúp người không nhà chỉ bằng cách chạm thẻ ngân hàng vào bảng điện tử có tại một số nơi trong thành phố. Chủ thẻ ngân hàng sẽ đóng góp ba bảng mỗi lần chạm thẻ. Riêng trong ngày đầu đã có gần 500 người đóng góp số tiền tổng cộng gần 1.500 bảng.
Một số tổ chức từ thiện từ lâu nay vẫn tổ chức phát thức ăn miễn phí mỗi chiều tối tại các khu trung tâm London. Có những điểm có tới gần 100 người xếp hàng lấy thức ăn. Một trong những điểm như thế nằm ngay sau cơ sở của Học viện Kinh tế Chính trị London LSE trên đường Kingsway.
Ngoài mùa đông giá lạnh, một mùa Giáng Sinh cũng đang tới gần. Thị trưởng London nói năm ngoái người dân thành phố này đã đóng góp từ thiện 200.000 bảng để giúp đỡ những người không nhà. Ông hy vọng người ta sẽ lại mở hầu bao và đóng góp hào phóng tại các điểm nhận tiền chỉ qua chạm thẻ hay qua mạng.
Ngoài bóng đá, mạng xã hội vừa râm ran vụcô giáo lệnh cho 23 học sinh tát một bạn học cùng lớp sáu cả thảy 230 cái. Rồi cô bồi thêm cái thứ 231. Quảng Bình quê ta ơi, nếu ai hỏi vì sao thì ta biết trả lời thế nào ?
Cô giáo chỉ đạo 900 cái tát và trò chỉ biết... im lặng
Thì cô giáo Thuỷ ấm đầu đã giải thích rồi đấy. Cô chịu "áp lực thi đua quá lớn" nên phải tát thôi. Lớp cô phụ trách đứng cuối bảng xếp hạng của trường và cô nghĩ phải tát học sinh để còn lên hạng. Cô hiệu trưởng cũng được báo chí dẫn lời nói cô mong báo chí đừng đưa tin vụ này vì trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Còn một học sinh cùng lớp với bạn bị tát nói trước đó đã có tới gần 10 bạn khác bị tát như thế rồi.
Bạo lực học đường, dù là từ thầy cô hay từ bạn bè, đáng tiếc đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Không ăn à. Bốp. Biếng học à. Bốp. Bướng à. Bốp.
Thời tôi đi học, chuyện cô giáo dùng thước kẻ vụt vào tay học sinh, véo tai nhấc lên hay ném phấn vào mặt là điều bình thường. Dĩ nhiên không phải trường nào cũng thế và thầy cô nào cũng thế. Nhưng nó không phải là điều gì hiếm hoi. Có lẽ chính các thầy cô cũng được giáo dục bằng những cái vụt, cái tát, cú ném. Cả ở nhà, ở trường và trong xã hội. Vậy mong gì hơn họ sẽ hành xử khác đi.
Cùng lúc thiên hạ ồn ào vụ cô giáo Thuỷ, ở Thanh Hoá ba thanh niên đã đánh và đạp ngã một nữ nhân viên ở sân bay Thọ Xuân trong vụ đòi chụp ảnh chung với nhân viên hàng không mà không được đáp ứng. Báo Người lao động đưa tin một trong ba tên côn đồ là con trai cựu chủ tịch huyện Thọ Xuân Lê Văn Biền.
Chuỗi vụ việc này làm tôi nhớ lại chuyện mà một anh bạn tôi bảo là mặt người biểu tình đập hỏng dép Biti’s "nâng niu bàn chân Việt" của một đại uý công an. Chính quyền Hà Nội sau đó kết luận "không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình".
Còn chính anh Nguyễn Chí Đức được Đài Á châu Tự do dẫn lời nói : "[S]au sự việc này thì tôi quá buồn. Tôi chả còn gì để mất cả. Họ đã xúc phạm danh dự của tôi, mà họ lại là đồng chí của tôi. Họ đổi trắng thành đen, làm tôi rất buồn. Tôi đã muốn giảm nhẹ sự việc nhưng mà bây giờ họ viết lên báo khẳng định tôi không bị đánh".
"Mình không muốn mơ mộng vì ở hoàn cảnh thế này, một đất nước như thế này ở mặt bằng thế giới, mình cũng chỉ là người bình thường thôi", anh Đức được dẫn lời nói tiếp. Anh cũng nói thêm bố mẹ anh đã thốt lên "quân phát-xít" khi xem video quay cảnh anh bị đạp vào mặt.
Ông Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình
Và vấn đề chính là ở chỗ "quân phát-xít" đấy đấy. Trong một xã hội mà người ta chỉ được phép lên đồng về những vấn đề nhất định, trong một khoảng thời gian và không gian nhất định, xã hội đó luôn có nhiều vấn đề bị đắp chiếu. Những người tài cũng không muốn tham gia hoặc không được trọng dụng để giải quyết những vấn đề mà người ta muốn che đậy.
Hãy nhìn lãnh đạo ngành giáo dục "nờ nờ nẫn nộn" mà người ta vẫn hay trêu "ăn thì nắm, nàm thì nười mà suốt ngày cứ ní nuận, ní nuận". Từ đầu năm nay ông Phùng Xuân Nhạ đã bị cáo buộc dối trá trong khoa học. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, người đưa ra cáo buộc, nói với VOA hồi tháng Hai năm 2018 : "Theo tôi, một người đã là giả khoa học thì không xứng đáng với một chức vụ nào hết. Nếu hội đồng thẩm định công nhận chuyện ông Phùng Xuân Nhạ là một người giả khoa học, thì theo tôi ông ta sẽ không đủ tư cách để giữ một chức vụ quản lý nào hết".
Thậm chí còn có cáo buộc người ta làm giả giấy tờ để đủ tuổi ở lại Bộ Chính trị và rồi từ bộ trưởng công an leo lên chủ tịch nước. Cáo buộc này đầy rẫy trên không gian mạng nhưng báo chí cũng không được và không dám vào cuộc để làm rõ trắng đen hay minh oan cho ông chủ tịch nay đã lìa trần. Trong một xã hội có những chuyện tày đình như thế mà người ta nhắm mắt làm ngơ thì việc làm bậy ở học đường và nhiều chuyện chướng tai gai mắt khác đương nhiên có thể xảy ra. Nhà đã dột từ nóc rồi làm sao có thể chỉ đem xô, chậu đi hứng mà mong nóc sẽ tự lành.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 26/11/2018
Ngoài hai cựu tướng xuất hiện tại tòa với tư cách bị cáo trong vụ xử hơn 90 người liên quan tới đường dây đánh bạc nghìn tỷ trong những ngày vừa qua, hai tướng đã lìa trần cũng được nêu tên.
Báo trong nước né tên ông Trần Đại Quang trong phiên tòa xử vụ đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh minh họa : Bộ trưởng công an Trần Đại Quang và tướng Phan Văn Vĩnh (giữa, phía sau) trong một cuộc tiếp xúc cán bộ công an và an ninh
Một trong hai tướng đã chẳng "còn mình" dù đảng vẫn còn được nhắc tại tòa là ông Trần Đại Quang, người đã qua đời cách đây ít lâu trong vai trò chủ tịch nước. Với mấy ông tướng trong vụ này và nhiều ông quan cướp ngày khác, câu "còn đảng còn tiền" có lẽ hợp hơn.
Trang VnExpress thuật lại lời khai của ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch hội đồng quản trị công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC, công ty bình phong của Bộ Công an :
"Một lãnh đạo Bộ Công an từng nói cảnh sát công nghệ cao nếu không có lực lượng như chúng mày thì không hoạt động tốt, thế mà hôm qua anh Hóa nói như vậy, thật đáng buồn".
Thực ra nguyên văn lời khai của ông Dương nhằm phản bác lại cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa mà chính VnExpress có đăng tải video là :
"Anh Hóa [cựu cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao] cũng đã có những bút phê và thường xuyên nói với tôi là cần phải hoạt động bí mật. Thế nhưng mà đó là những điều tôi thấy anh Hóa phủ nhận.
"Sau đó những năm 2013, 2014 đều có những cuộc hội thảo. Anh Hóa đi đến đâu, kể cả báo cáo lãnh đạo, đều giới thiệu tôi với lãnh đạo cấp trên.
"Thời đó tôi nhớ, lúc bấy giờ anh Trần Đại Quang là bộ trưởng công an, tôi và cô Hồng [cựu tổng giám đốc CNC] có đi dự một số hội thảo anh Hóa giới thiệu.
"Sau đó anh Trần Đại Quang có nói "lực lượng cảnh sát công nghệ cao nếu như không có những công ty như chúng mày thì sẽ rất khó mà thực hiện được".
"Đó là những lời động viên, khích lệ với chúng tôi nên chúng tôi rất cố gắng".
Không rõ vì lý do gì cố Đại tướng và cố chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ còn là "một lãnh đạo Bộ Công an".
Tướng Ngọ
VnExpress cũng không nhắc tới tên tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng công an đã qua đời từ vài năm trước và cũng bị cáo buộc tham nhũng triệu đô, mà chỉ nói "một thứ trưởng Bộ Công an" dù ông Dương nhắc tới tên ông Ngọ không chỉ một lần trong lời khai của mình trước tòa :
"Tôi nhớ thời điểm đó đầu tiên là chú Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an [giới thiệu tôi]. Thời điểm đó tôi đang làm doanh nghiệp về đầu tư… Sau một số lần trao đổi, anh Hóa có nói với tôi là hiện nay theo quyết định 450, C50, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có chức năng là phải có công ty bình phong để hoạt động nghiệp vụ.
"Anh ấy trao đổi với tôi và sau đó có một lần tôi nhớ tôi và anh Hóa lên báo cáo chú Ngọ và chú ấy đồng ý là chú ấy giới thiệu tôi để phụ trách công ty bình phong đó".
Như vậy ông Dương được một tướng công an giới thiệu và thậm chí cả bộ trưởng công an lúc bấy giờ còn ghi nhận đóng góp của công ty bình phong CNC.
Sau những lời khai của ông Dương, cựu thiếu tướng Hóa đã công khai xin lỗi và nói do sức khoẻ kém nên ông khai nhầm.
Tướng Vĩnh bỏ tiền tỷ mua đồ có giá 200 triệu
Còn đối với cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, người được cho là bảo kê cho CNC khi giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát cho tới tháng 4/2017, ông Dương khai đã biếu tướng Vĩnh lúc hai tỷ, lúc 200.000 đô la mỗi tháng. Ông Vĩnh đương nhiên phủ nhận chuyện này. Ông thậm chí cũng không nhận từng được "biếu" hàng chục ngàn đô mỗi dịp Tết hay được tặng đồng hồ Rolex mà ông nói đã bị mất khi tháo ra để trong nhà vệ sinh ở một hội thảo.
Điều hài hước là không hiểu vì lý do gì ông Vĩnh nghĩ rằng đồng hồ Rolex trị giá những hơn một tỷ đồng. Ông nói ông mua lại đồng hồ từ ông Dương và đã trả 1,1 tỷ đồng. Thực tế người ta đã nói cho ông biết ngay tại tòa đồng hồ đó chỉ có giá chừng 200 triệu đồng. Dù ông Vĩnh nói "mua bán là chuyện bình thường của cuộc sống", việc một tướng công an trả đắt gấp năm lần để mua lại đồng hồ của người dưới quyền là chuyện nhảm nhí.
Cựu tướng công an cũng khai lương ông chỉ chừng 20 triệu đồng mỗi tháng, còn lương giáo viên của vợ ông khoảng 7-8 triệu đồng nữa. Khi được hỏi gia đình có kinh doanh gì không, ông trả lời : "Dạ không. Trừ có bị cáo là… cây cảnh". Ông nói ông có những cây cảnh trị giá 10 tỷ đồng. Vậy là sau buôn chổi đót và nuôi lợn, các quan to giờ còn kinh doanh cây cảnh để kiếm tiền mua đồng hồ Rolex. Thật là sang chảnh.
Nhiều bị cáo ra tòa đều nhớ nhớ quên quên và đề nghị hội đồng xét xử xem lại văn bản họ đã khai trước đó với cơ quan điều tra. Có vẻ họ có nhiều phiên bản khác nhau về cùng một sự việc nên không nhớ đã khai phiên bản nào và khi nào khai đúng, khi nào khai sai.
Hiện hai cựu tướng đều mới chỉ bị xử vì tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Người ta cũng nói chưa chứng minh được hai cựu tướng có hưởng lợi bất chính hay không. Thật đáng thương cho mấy tướng chỉ có làm mà chẳng có ăn. Mua đồng hồ phải trả đắt gấp mấy lần giá thị trường mà còn bị nghi là nhận hối lộ. Nỗi oan Thị Màu này rồi ai sẽ minh oan cho họ đây.
Nguyễn Hùng
Mấy ngày qua một số bạn tôi trên Facebook chia sẻ bài viết ‘Việt Nam chưa giàu đã già’ của tạp chí The Economist của Anh. Tờ này viết cũng hơi ẩu vì họ có vẻ nhầm chính sách một con của Trung Quốc với chính sách hai con của Việt Nam thời thập niên 1980. Họ cũng cẩu thả khi dẫn lời một ông lão 78 tuổi mà họ nói tên là ‘Toau’, tên mà tôi nghĩ không phải là tên Việt. Chắc là cụ Toàn nào đó.
'Bí Chủ' Nguyễn Phú Trọng.
Bỏ qua những lỗi không ảnh hưởng tới nội dung cả bài viết này, The Economist nói số người trên 60 tuổi ở Việt Nam hiện chiếm trên 10% dân số nhưng sẽ tăng lên trên 20% vào năm 2040. Điều tích cực là tuổi thọ trung bình tăng từ 60 tuổi hồi năm 1970 lên 76 tuổi vào thời điểm hiện nay. Điều đáng buồn là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt hơn 5.000 đô la khi lực lượng lao động lên tới đỉnh điểm hồi năm 2013 so với mức gần 10.000 đô la của Trung Quốc và trên 30.000 đô la của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nói tóm lại đất nước "chưa có bao giờ đẹp như hôm nay" chưa kịp giàu thì đã già mất rồi.
Chẳng phải lấy ví dụ đâu xa, cứ nhìn người được gọi là ‘bí chủ’ Nguyễn Phú Trọng cũng đã thấy điều này đúng. Ông đốt lò năm nay đã 74 tuổi nhưng người ta vẫn nói về sự giản dị và tuềnh toàng của ông. Trông ông ăn mặc cũng có lúc nông dân, điều tôi nghĩ chẳng có gì đáng tự hào. Nhưng ông sướng hơn người nông dân vì ông không phải cày cuốc ngoài đồng nên năng suất lao động của ông về già không bị giảm. Ông còn có vẻ nói rằng ‘gừng càng già càng cay’ nên đã ngồi ngay thêm ghế nữa khi có cơ hội. The Economist nói có tới 40% người Việt trên 75 tuổi ở các vùng quê vẫn phải tiếp tục công việc đồng áng so với con số chỉ chưa tới 5% tại Anh Quốc.
Tạp chí của Anh nói thông thường khi các nước tăng thu nhập bình quân đầu người, họ sẽ hướng tới các ngành năng suất hơn, chẳng hạn như dịch vụ. Nhưng tại Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm gần một phần năm tỷ trọng của cả nền kinh tế vào thời điểm dân số ở độ tuổi lao động đạt mức cao nhất hồi năm 2013. Trong lúc đó ở cùng thời điểm tại Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội. The Economist cũng nói chính vì phụ thuộc nhiều vào các ngành như nông nghiệp mà có tới ba phần tư nhân công Việt Nam làm những việc mà năng suất lao động của họ giảm đi khi tuổi của họ cao thêm. Con số tương ứng cho Malaysia chỉ là một nửa lực lượng lao động.
Ở cuối bài viết The Economist nhận định : "Tăng năng suất lao động sẽ là điều khó khăn. Chính quyền vẫn đánh đu với chủ nghĩa nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó hầu hết sinh viên đại học bỏ phí một năm học lý thuyết của Marx và Lenin."
Tôi nghĩ có thể The Economist nói hơi quá vì sinh viên đại học giờ ngu gì mà học mấy thứ ngày xưa ông ‘bí chủ’ học. Có thể họ bị bắt phải học và họ trả bài cho có mà thôi. Và có lẽ thời gian họ bỏ ra chỉ vài tuần hay cùng lắm là vài tháng chứ không đến một năm.
Nhưng riêng chuyện Việt Nam vẫn theo đuổi xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 21 đã cho thấy tư duy nhìn đèn điện lại hỏi sao đèn Hoa Kỳ tây cứ đem treo ngược thế kia. Chỉ còn hai năm nữa Cuộc chiến Việt Nam đã lùi sau 45 năm. Đó là khoảng thời gian quá dài để luẩn quẩn quanh luỹ tre làng.
Ông lão 74 đang mang cái lò ra để làm người dân quên đi những vấn đề muôn thuở. Đó là một xã hội trong đó người dân bị quyền dùng chứ thực ra không được dùng quyền. Họ không có quyền được nói những gì họ nghĩ mà không sợ bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước. Họ không có quyền truyền bá tư tưởng tự do nếu không muốn bị cho một phát Chu Hảo. Họ không có quyền cự cãi công an khi vào đồn vì họ sẽ lăn cổ tự tử nếu làm như vậy. Họ thậm chí cũng không có quyền thực sự sở hữu đất đai vì đó là sở hữu toàn dân, tức là của mấy ông cộng sản đỏ, khi nào thích lên thì lấy đất dâng tư bản kiếm hào.
Tuần này tôi gặp một cựu đại sứ Hàn Quốc ở London và là người từng phục vụ trong chính quyền của cố Tổng thống Nam Hàn Kim Đại Trọng. Nghe ông hỏi mấy câu mà tôi thấy buồn quá.
Ông bảo ở Việt Nam có các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động không ? Thưa có nhưng họ hơi đâu mà ăn lương nhà nước để đi bảo vệ lũ công nhân làm gì. Ông hỏi có các tổ chức đấu tranh vì dân chủ không ? Dạ, thưa có cái Đảng Dân chủ thì đã giải tán từ lâu và giờ ai lập đảng gì họ bỏ tù mọt gông giống thời Pháp thuộc. Ông lại bảo ông biết Việt Nam có huấn luyện viên người Hàn Quốc và dân Việt Nam mê bóng đá lắm. Vậy có thể biến sự đam mê bóng đá đó để thay đổi xã hội không ? Dạ, câu này khó trả lời quá ạ.
Nguồn : VOA, 16/11/2018
Chuyến bay BA017 của hãng hàng không Anh British Airways đưa tôi tới Seoul vào một sáng Chủ Nhật trong tháng 11. Từ xứ sở sương mù tôi ngạc nhiên thấy cảnh mù sương ở sân bay Incheon. Nhưng máy bay hạ cánh một lúc thì sương tan và mặt trời hiện ra hứa hẹn một ngày nắng đẹp dù dự báo thời tiết nói trời hơi lạnh.
Ảnh chụp từ văn phòng BBC xuống phía trước Seoul Station. (Hình : Hùng Nguyễn)
Tôi đã tới các quốc gia có nền kinh tế phát triển khác ở châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc nên rất muốn tận mắt chứng kiến xem Hàn Quốc phát triển tới đâu. Trước chuyến đi chừng hơn một tháng, tôi có dịp gặp một bạn người Hàn trẻ tuổi làm việc cho hãng truyền thông Anh BBC. Chúng tôi cùng tham gia khóa học bốn ngày của BBC dành cho những người sẽ đi đào tạo nhân viên BBC tại các văn phòng hải ngoại. Tôi không còn là nhân viên BBC nhưng thỉnh thoảng vẫn được mời tham gia đào tạo trong mảng báo chí kỹ thuật số, vốn là thế mạnh của tôi và cũng là lĩnh vực tôi đang dạy ởĐại học Goldsmiths, University of London.
Bạn trẻ tôi gặp cao to và điển trai như diễn viên điện ảnh. Anh rất ham học hỏi và là một trong những trụ cột của Ban tiếng Hàn mới được BBC lập ra từ hơn một năm nay (anh Nguyễn Giang, trưởng ban Tiếng Việt BBC hiện nay thực ra đã có vai trò chủ chốt trong việc lập ban này) để phát thanh về Bắc Hàn cũng như cung cấp thông tin về hai miền nam bắc qua trang web và các mạng xã hội Facebook và Instagram.
Tới Hàn Quốc tôi mới biết Google không phải là công cụ tìm kiếm số một ở nước này. Trang tìm kiếm nội địa Naver chiếm tới hơn 90% thị phần trong khi Google chỉ được chừng 60%. Naver chủ yếu phục vụ người biết tiếng địa phương nên tôi sang đây cũng chỉ dùng Google. Được biết vì lý do an ninh, Hàn Quốc đặt ra những giới hạn nhất định cho dịch vụ bản đồ của Google. Phải chăng họ sợ đội quân của nhà lãnh đạo Bắc Hàn một ngày đẹp trời dùng Google Map tiến thẳng vào Seoul như quân đội Bắc Việt Nam từng "tiến vào Sài Gòn ta quét sạch giặc thù" đồng hương ? Dựa vào sự ấm nóng gần đây trong quan hệ giữa hai miền, tôi nghĩ ít khả năng một cuộc chiến huynh đệ tương tàn như cuộc chiến vốn chấm dứt ở Việt Nam hồi năm 1975 sẽ lại diễn ra ở đây. Tôi hy vọng vào một kịch bản thống nhất như đã diễn ra giữa Đông và Tây Đức trong đó sự văn minh và lịch sự trong tư tưởng dẫn dắt sự phát triển hậu thống nhất.
Khi gặp bạn trẻ Hàn Quốc ở London, tôi đem điều ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với tôi trong một lần gặp gỡ ở Hà Nội ra hỏi. Ông Thành nói nhiều người Hàn Quốc ông gặp đã nói Hàn Quốc đi trước Việt Nam nhiều chục năm về kinh tế nhưng cũng đi sau nhiều chục năm về thống nhất đất nước, điều khiến họ tiếc nuối. Bạn trẻ Hàn Quốc chẳng quan tâm lắm tới chuyện thống nhất đất nước. Bạn nói thống nhất cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Bạn là thế hệ dưới tuổi 35, thế hệ chủ yếu dùng Facebook ở Hàn Quốc. Những người già hơn thường có xu hướng dùng mạng xã hội khác là Kakao và Naver. Cả Instagram và Twitter đều ít người dùng ở Hàn Quốc.
Tôi rời máy bay lúc gần 9h sáng và tiến tới nơi làm thủ tục nhập cảnh. Cầm hộ chiếu Anh tôi lấy visa tại sân bay. Trước lúc đi tôi cũng không kiểm tra tôi sẽ ở khách sạn nào vì BBC đã bố trí người ra sân bay đón và đưa tôi về khách sạn. Tôi có địa chỉ khách sạn trong điện thư nhưng cần có internet để kiểm tra và ghi địa chỉ vào tờ khai nhập cảnh. Thật may vừa bước vào bên trong sân bay đã có wifi miễn phí mà chẳng cần đăng ký gì cả. Tôi tới bàn để tờ khai nhập cảnh đã thấy một tờ khai dở dang của anh Nguyễn Hoà nào đó ghi sinh ngày 10/6 vứt lại do anh nghi ngày và tháng trước, trong khi tờ khai yêu cầu ghi năm rồi tới tháng và ngày. Lúc xếp hàng tôi cũng thấy một đoàn khách toàn chị em phụ nữ Việt Nam nhập cảnh. Một chị tóc xoã được nhân viên xuất nhập cảnh yêu cầu vén tóc sang hai bên. Nhưng mọi người đều làm thủ tục nhanh chóng. Có cả một đôi trẻ Việt Nam gần tới lượt thì anh bạn phát hiện ra vali còn để đâu đó ở chỗ xếp hàng mà không kéo theo. Thế là anh hớt hải chạy. Một nhoáng sau đã thấy kéo theo chiếc vali về lại chỗ xếp hàng. Tới lượt tôi, anh nhân viên xuất nhập cảnh chẳng hỏi han gì, lấy dấu vân tay hai ngón trỏ, chụp ảnh rồi kẹp một tờ xác nhận nhập cảnh nhỏ xíu vào hộ chiếu. Trên tờ xác nhận có tên đầy đủ, số hộ chiếu, ngày nhập cảnh, được ở tới đầu tháng 2/2019 và tên sân bay Incheon. Mặt sau họ ghi nếu chẳng may mất tờ giấy này thì cũng không sao, không phải xin cấp lại vì khi xuất cảnh không cần tới nó. Và nếu mất vẫn được ở Nam Hàn cho tới khi hết hạn visa. Hợp lý quá !
Xong thủ tục nhập cảnh tôi tới băng chuyền nhận vali. Lúc tôi tới cũng là lúc vali đi ngang qua. Ra ngoài đã thấy một bác taxi cầm biển có tên tôi đứng chờ. Bác cúi người chào theo kiểu Hàn Quốc và nhanh tay cầm giúp tôi một vali. Đi một đoạn ngắn thấy chiếc vali tôi kéo to hơn, bác xin lỗi rối rít và muốn cầm nốt cả chiếc đó cho tôi. Tôi hơi buồn cười vì bác đã đứng tuổi mà tôi vẫn tự cho mình vẫn còn thanh niên. Tôi bảo không sao cả đâu. Trong đầu chợt nghĩ nếu tỷ phú người Anh Richard Branson mà gặp bác này chắc sẽ cho qua vòng tuyển người cuối cùng. Ông Branson thường hay đóng giả làm ông già lái taxi tới đón các nhân viên mà ông tuyển từ các nơi tới London làm việc. Ai giúp ông xách vali lên taxi thì họ đã trở thành nhân viên của tập đoàn Virgin của ông. Ai không giúp ông mời họ sớm lấy vé quay về nơi xuất phát. Tính người quan trọng hơn mọi tố chất khác.
Tôi ở Seoul một tuần và chủ yếu sẽ có các cuộc gặp gỡ trong văn phòng BBC. Tôi sẽ kể thêm về ấn tượng với Seoul trong blog sau. Hẹn gặp lại.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 07/11/2018
Ngày chính thức kết thúc hôn nhân hơn 40 năm giữa Anh và Liên hiệp Châu Âu (EU), 29/3/2019, đang tới gần nhưng hai bên vẫn chưa đồng ý được với nhau về một thóa thuận thương mại trong lúc làn sóng phản đối cuộc chia tay mang tên Brexit ở Anh ngày càng tăng.
Thủ Tướng Anh, Theresa May, sau khi phát biểu tại EU summit, Brussels, 18 tháng 10, 2018.
Hơn nửa triệu người đã xuống đường ở London trong nửa cuối tháng 10/2018 để đòi có cuộc trưng cầu dân ý nữa về cách thức rời bỏ EU. Cuộc vận động của tờ Independent để có cuộc bỏ phiếu về thóa thuận cuối cùng giữa Anh và EU cũng nhận được hơn một triệu chữ ký dù không ai có thể dự đoán kết quả sẽ ra sao nếu lại có trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang có màn đu dây vô cùng chông gai giữa những người muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với EU trong đảng của bà, hàng triệu người dân muốn có cuộc trưng cầu dân ý nữa và các quan chức EU đang không muốn có cuộc ly dị êm đẹp để nêu gương cho những nước có ý định theo Anh.
EU kiên quyết bảo vệ bốn trụ cột của thị trường chung Châu Âu đó là sự tự do đi lại cho người dân, tự do lưu thông tiền tệ, hàng hóa và dịch vụ. EU là bạn hàng lớn nhất của Anh trong năm 2017 và xứ sương mù đã xuất khẩu lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá khoảng 350 tỷ đô la vào EU so với gần 145 tỷ đô la xuất khẩu vào Hóa Kỳ. Anh cũng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với giá trị hơn 435 tỷ đô la từ EU so với gần 90 tỷ đô la từ Hóa Kỳ.
Cái giá phải trả để đứng trong thị trường chung Châu Âu là các nước phải tuân theo luật lệ do EU đề ra, không có quyền hạn chế di dân từ 27 nước EU còn lại vào nước mình và cũng không có quyền đàm phán hiệp định thương mại song phương với các nước khác.
Bà thủ tướng Anh hiện muốn có quyền kiểm soát di dân và cũng muốn được tự do đàm phán các hiệp định thương mại giữa Anh với các nước trong đó có các nền kinh tế lớn ngoài EU như Hóa Kỳ và Trung Quốc.
Bà May cũng muốn Anh và EU đạt thóa thuận chung về các chính sách đồng nhất giữa hai bên về hàng hóa để đảm bảo giao thương tự do giữa hai bên. Nhưng những người muốn cưa đứt đục suốt với EU cho rằng việc Anh chấp nhận luật lệ của EU về hàng hóa là điều không chấp nhận được. Kế hoạch được cho là thân EU quá mức của bà May đã khiến cả bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng brexit đã từ chức cách đây vài tháng để phản đối.
EU cũng không mặn mà gì với kế hoạch Brexit của bà May vì họ cho rằng nó không đảm bảo được việc tách biệt giữa lãnh thổ EU và lãnh thổ Anh vì hiện không có biên giới cứng giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hóa Ireland, vốn nằm trong EU. Mà Anh thì không muốn dựng đường biên và chốt biên phòng giữa hai miền Ireland vì người dân ở cả hai phía đều phản đối hành động như thế.
Với kim ngạch thương mại hơn 785 tỷ đô la giữa Anh và EU và phần xuất siêu nghiêng về EU, có nhiều lý do để hai bên có thóa thuận thương mại cùng có lợi. Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn là điều này sẽ xảy ra trước ngày 29/3 năm tới, thời hạn có thể được nới rộng nếu 27 nước EU còn lại đồng ý.
Kể cả khi một thóa thuận được ký kết trước cuối tháng Ba năm sau, nó cũng còn cần được phê chuẩn bởi quốc hội Anh cũng như quốc hội quốc gia và trong một số trường hợp là cả quốc hội vùng của 27 nước Châu Âu. Anh cũng đề nghị một khoảng thời gian chuyển giao tới hết năm 2020 khi hiện trạng được giữ nguyên.
Và trong khi hàng triệu người đang đòi có cuộc trưng cầu dân ý nữa, cuộc trưng cầu dân ý thứ ba nếu tính cả lần thăm dò ý kiến hồi năm 1975 khi đa số áp đảo quyết định ở lại EU, không phải ai cũng tin rằng đây là điều sáng suốt.
Trong bài viết cho Huffington Post ở Anh, người dẫn chương trình có tiếng một thời của BBC Robin Lustig có bài về chuyện tại sao ông không tham gia biểu tình cùng hàng trăm người khác ở London để đòi lại có trưng cầu dân ý :
"Nguyên tắc căn bản của tất cả các hoạt động dân chủ là người thua – cũng như người thắng – chấp nhận kết quả được chọn lựa. (Ngoại trừ bạn là Donald Trump… người nói rằng ông sẽ chỉ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hóa Kỳ năm 2016 với một điều kiện : là ông ấy thắng)".
Ông Lustig nói không có gì đảm bảo là cuộc trưng cầu dân ý lần ba sẽ thay đổi kết quả trong khi nguy cơ chia rẽ sâu thêm trong nước Anh là rất lớn.
Trong lần trưng cầu hồi năm 2016, Anh và xứ Wales muốn rời EU trong khi Scotland và Bắc Ireland muốn ở lại. Thủ đô London bỏ phiếu ở lại với tỷ lệ 59,9% trong khi vùng Kent giáp London nơi tôi sống muốn rời EU với số phiếu 54,9%.
Không ít người Anh cảm thấy vô lý khi những người nông dân ở Romania hay Bulgaria nếu muốn là có thể lên đường sang Anh xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp, chờ được phân nhà ở và hưởng hệ thống y tế miễn phí dù số này không nhiều. Nhưng những người Anh trẻ tuổi lại muốn có cơ hội tự do tới học tập, làm việc hay định cư tại bất cứ nước EU nào họ muốn. Bản thân EU hiện cũng phải cải tổ để đảm bảo sự tồn vong của khối và chuyện Anh bỏ phiếu rời EU chắc chắn sẽ tác động tới những thay đổi của EU trong tương lai. Tương lai của bà thủ tướng Anh hiện cũng đang bấp bênh và khó mà biết người ta sẽ để cho bà yên thêm bao lâu nữa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/11/2018
Hồi bé tôi hay nghe mấy đứa trẻ hàng xóm chúng nó nói "quân đội nhân dân" là "quân dận nhân đôi". Rồi "quân dận nhân đôi" là "quân dận nhân hai". "Quân dận nhân hai" là "quân hại nhân dân". Lúc đó nghĩ chúng nó nhí nhố thế thôi.
Giáo sư Chu Hảo.
Nhưng vừa đọc bài "Xử lý nghiêm để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước" liên quan tới Giáo sư Chu Hảo mới thấy tờ Quân đội nhân dân quả đáng đổi tên thành Quân hại nhân dân thật.
Tờ này nói họ nhận được nhiều ý kiến "tâm huyết" của độc giả sau khi đăng bài "Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo : Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính".
Tôi có đọc nhầm không đây ? Vậy ông Chu Hảo không phải là trí thức chân chính thì các trí ngủ chân giò ở tờ Quân hại nhân dân muốn được danh hiệu đó sao ? Cũng không hiểu sao họ không lấy ý kiến về vụ"xẻ thịt" đất quốc phòng mà lại tập trung vào vụ ông Chu Hảo.
Ý kiến đầu tiên là của một trí ngủ mang tên Nguyễn Túc từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông này được dẫn lời như sau :
"Tôi rất đồng tình với quan điểm của Báo Quân đội nhân dân... Ủy ban Kiểm tra [Ủy ban Kiểm tra] Trung ương đã kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
"Điều này khiến tôi rất buồn và suy nghĩ. Bởi tôi và ông Chu Hảo từng quen biết đã lâu, có thời gian cùng công tác tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Hơn nữa, đây là một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được Đảng, Nhà nước quan tâm trong đào tạo ; trong những năm đang công tác, đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện ; được tổ chức trọng dụng, tin tưởng đề bạt, giao nhiều trọng trách, trong đó có chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ".
Vậy là đây là người có đủ trình độ dạy đại học cơ đấy. Nhưng tôi đảm bảo trình độ của ông này không bằng mấy bạn trẻ mới 18 tuổi mà tôi đang dạy cách làm báo ở trường Goldsmiths, University of London nếu chỉ dựa vào những gì ông viết.
Mấy đứa trẻ học năm đầu đại học đã hiểu vai trò của trí thức là thách thức hiện trạng để mang lại thay đổi tích cực trong xã hội. Cứ một lòng theo đảng và không thách thức thì Việt Nam ta ngày nay vẫn còn ăn bo bo chứ đâu được "cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày".
Nhờ có những người dám rời bỏ chính sách kinh tế ngu xuẩn một thời mới có Đổi Mới. Nhưng giờ những người kêu gọi tiếp tục đổi mới như ông Chu Hảo lại bị coi là "tự diễn biến" và "tự chuyển hoá". Hôm trước tôi vừa dẫn thống kê cho thấy giờ hộ chiếu của Cam Pu Chia và Lào đều đã có giá trị hơn hộ chiếu Việt Nam. Thành tựu này là nhờ công của những ông Nguyễn Túc này chứ đâu.
Một ý kiến khác được đăng là của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Ngọ, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Ông này viết : "Lẽ ra với cương vị của mình, được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, đào tạo bài bản, nắm giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị, ông Chu Hảo phải ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận với Đảng, với nước, với dân. Đằng này, ông lại lợi dụng vốn tri thức đã được Đảng giáo dục, rèn luyện để có những hành động chống lại Đảng, chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân, thì không thể chấp nhận được.
"Tri thức là tài sản vô giá, nếu được sử dụng để phụng sự cho lý tưởng của Đảng, cho lợi ích của toàn dân đó là điều rất đáng trân trọng. Ngược lại, nếu nó bị chính những người mang danh trí thức lợi dụng để phục vụ cho ý đồ không trong sáng thì hậu quả sẽ rất tai hại".
Vậy là ông tướng này hiểu "tri thức là tài sản vô giá" nhưng chắc ông ăn phải bả gì đó nên mới bắt tri thức phải đi theo tôn giáo cộng sản. Chắc ông cũng đã đọc về sự khảng khái của Galileo trước Giáo hội từ Thế kỷ 17 mà sách giáo khoa Việt Nam từng dẫn lời ông nói "nhưng dù sao trái đất vẫn quay" cho dù Giáo hội kết án ông về điều mà họ cho là sai trái này. Người ta cũng từng trích Lenin nói hồi năm 1919 về trí thức rằng họ là "những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia" nhưng [t]rên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt". Tôi đã qua lăng Lenin hai lần mà quên không hỏi ý ông định nói ai.
Thú thực là mấy ngày qua theo dõi những tranh luận trên mạng về vụ kỷ luật ông Chu Hảo và vài vụ khác, tôi thấy nản quá. Đám đông bị "ngu dân" trong nhiều năm quả là đã "quá đông và nguy hiểm". Tôi biết mình có lỗi khi không nghe lời khuyên rằng "đừng cãi nhau với kẻ ngu vì người ngoài nhìn vào không biết ai ngu ai khôn". Tôi cũng biết vật nhau với lợn thì mình vấy bẩn còn "lợn khoái vì được vầy". Nhưng tôi tin là trong đám đông đấy cũng có nhiều kẻ giả ngu thủ lợi mà thôi. Họ chẳng lú tới mức đó đâu.
Vậy là nước ta đã có Chủ tiệm nước mới, cách người dân thân mật gọi người vừa chiến thắng trong cuộc đua cam go với những một ứng viên và giờ tay trái ký việc đảng, tay phải ký việc nước.
Đổi ông Tơn lấy ông Hồ - Hình minh họa.
Còn vụ đổi ông Tơn bị phạt ông Hồ được đưa tin trong cùng ngày diễn ra lễ tuyên thệ mà khá khen ông Chủ tiệm nước nhắc tới Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp trước khi chợt nhớ ra là khi thực hiện nhiệm vụ thì ông vẫn phải để đảng lên trên hết.
Chuyện là nhiều tháng trước khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành ứng viên duy nhất tranh chức chủ tịch nước, thợ điện Nguyễn Ca Rê bước vào tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ để đổi 100 đô la, dân vẫn gọi là tiền ông Tơn (Washington), lấy 2,2 triệu đồng, hay còn được gọi là tiền ông Hồ. Chưa kịp hưởng xu nào từ số tiền người thân cho vừa được quy đổi, lực lượng chức năng đã từ đâu ập tới và lập biên bản để rồi gần đây ra quyết định phạt ông Rê 90 triệu đồng vì mua bán ngoại tệ ở nơi không được cấp phép, theo báo trong nước. Người ta cũng tịch thu luôn số tiền vừa đổi được.
Tiệm vàng còn đen hơn vì bị phạt tổng cộng gần 300 triệu đồng vì thu đổi ngoại tệ không phép, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc và sản xuất hàng hòa có chất lượng không phù hợp. Họ bị chính quyền tịch thu 100 đô la mà ông Rê đem tới đổi cộng thêm với 20 viên kim cương cùng gần 20.000 viên hột đá nhân tạo với giá trị hơn nửa tỷ đồng. Tôi đồ là tiệm này không chọn hoặc chọn nhầm người bảo kê thôi. Tôi biết có những tiệm vàng làm chuyện này ngay giữa thủ đô từ nhiều năm nay mà chẳng hề hấn gì.
Đó là chuyện xảy ra với một cá nhân. Còn đối với các pháp nhân thì sao ? Viện Kiểm sát ở thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị tòa án bắt hãng taxi Grab bồi thường cho công ty taxi Vinasun hơn 41 tỷ đồng vì có các hành vi khiến Vinasun không cạnh tranh nổi dẫn tới bị mất khách hàng và mất tiền.
Một nhà báo viết trên Facebook : "Như nhiều người đã nói, nó giống như câu chuyện con trâu đi kiện cái máy cày vì làm mất việc của nó. Như ông báo in đi kiện ông báo mạng vì làm tiara sụt giảm ; như doanh nghiệp đường sắt [muốn] kiện hãng hàng không vì cho là cướp mất hành khách ...
"Ô thế mà cái Viện kiểm sát ấy lại làm được cái điều mà người ta nghĩ rằng sẽ không xảy ra.
"Cơ mà nhìn lại một loạt sự việc xảy ra gần đây với các doanh nghiệp, bỗng cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ. Ấy là môi trường kinh doanh chẳng những [không] được cải thiện hơn mà đang xấu đi, trong cách hành xử của một số chính quyền địa phương, ở một số ngành ...
"Tuần trước là ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp đã tham gia đấu giá, trúng thầu các lô đất với giá có lợi nhất cho ngân sách, nhưng Thành phố này lại không chịu giao đất cho họ theo đúng chính sách đề ra".
Qua hai ví dụ này có thể thấy tân chủ tịch nước có nhiều việc để làm nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi cách hành xử cửa quyền và ấu trĩ của nhiều quan chức. Tuy nhiên làm được điều này không dễ vì chính ông Trọng đã thừa nhận sau khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 23/10 :
"Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ, hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu… Cho nên thật tình là rất lo. Trong khi đó thì tuổi tác đã lớn, như Bác Hồ đã nói là khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần ấy".
Nếu ông Trọng nói thật thì tôi cũng thật tình là rất lo. Một người mà tự thấy hạn chế về năng lực và trình độ, biết là mình không đủ hiểu biết để ngồi vào ghế chủ tịch mà vẫn ngồi vào đó thì thật là liều quá. Đó là còn chưa nói tới sức khoẻ đang ngày càng giảm sút như chính ông nói.
Nhưng riêng chuyện ông Trọng là ứng viên duy nhất cho vị trí chủ tịch nước cho thấy chưa ai trong số những người còn lại trong Bộ Chính trị muốn để lộ tham vọng chính trị của họ vào lúc chiếc lò của ông Trọng đang nóng giãy. Họ sợ rằng họ có thể lại cao vút rồi mất hút như ông Trần Đại Quang, nếu không phải là theo nghĩa đen thì cũng là theo nghĩa bóng.
Ông Trọng hiện đang mạnh tới mức nếu muốn có lẽ ông có thể tiếp tục ở lại trong chính trường tới tận tuổi 80. Vấn đề là ông sẽ làm gì cho người dân Việt Nam thay vì cho đảng của ông.
Tôi nghĩ đã qua rồi thời người dân chỉ muốn có ‘cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày’. Họ muốn có quyền sở hữu thực sự đối với đất đai, có quyền làm những gì pháp luật không cấm, có quyền nói ra sự thật mà không sợ làm mất lòng các quan chức, có quyền được xét xử công bằng nếu không may vướng vào vòng lao lý và nhiều điều khác nữa.
Điều trớ trêu là những điều này khó có thể xảy ra nếu Việt Nam không phát triển một hệ thống triết lý mới để phát triển nhằm thay thế hệ tư tưởng ngoại nhập lỗi mốt và không tưởng mang tên xã hội chủ nghĩa. Đã có những nước tư bản vừa phát triển kinh tế tốt vừa có hệ thống y tế miễn phí cho toàn bộ dân chúng như nước Anh, cho người dân đi học ở mọi bậc không mất tiền như Phần Lan hay hệ thống an sinh xã hội tương đối tốt cho người nghèo và người cơ nhỡ ở hầu hết các nước tư bản. Việt Nam cũng đã cử các đoàn sang Châu Âu tìm hiểu nhưng chưa áp dụng được bao nhiêu các kinh nghiệm phát triển của Châu lục này.
Mong rằng cơ hội được giao tiếp nhiều hơn với các chính trị gia trên thế giới trong cương vị chủ tịch nước sẽ giúp ông Trọng thực sự hiểu điều người ta đã góp ý cho Việt Nam từ nhiều năm nay là chính quyền cần mở rộng không gian hoạt động cho người dân để họ chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Chuyện nhà nước độc quyền xử lý các khó khăn trong xã hội là điều có thể nói là ngớ ngẩn và chừng nào các quan chức còn chưa hiểu ra và chấp nhận thực tế này, Việt Nam sẽ vẫn còn là nước không chịu phát triển bất chấp tiềm lực đáng kể từ cả trong và ngoài nước.
Miệng quan trôn trẻ - từ lâu người ta đã nói thế. Từ nói dối có nghề tới điêu toa vụng về, khắp mọi nơi đều có những chính trị gia xạo bà cố cả. Chẳng phải vô cớ mà trong các thăm dò dư luận ở nhiều nước trên thế giới, chính trị gia luôn thuộc dạng có độ khả tín thấp. Ba chuyện liên quan tới Việt Nam, Nga và Saudi Arabia dưới đây cho thấy rõ điều này.
Nhà báo Jamal l Khashoggi.
Cuối tháng Bảy năm 2017, mạng xã hội rộ tin cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh, khi đó 51 tuổi và đang sống với vợ và con ở Đức, đã bị "dẫn độ" về Việt Nam. Phía Slovakia mới đây đưa tin rất có thểông Thanh khi đó về bằng hộ chiếu với tên người khác trên cùng chuyến chuyên cơ chở Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong tháng đó qua Nga trước khi về Việt Nam.
Vậy mà hôm 30/7/2017 ông Tô Lâm được trang Zing dẫn lời nói : "Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì [về Trịnh Xuân Thanh]". Ngay ngày hôm sau Bộ Công an ra thông báo nói ông Thanh đã "đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú". Vậy là ông Tô Lâm, người được tổng bí thư lệnh "bắt bằng mọi giá" Trịnh Xuân Thanh, còn chẳng biết ông bay cùng với người sẽ sớm ra trình diện tại chính bộ của ông. Đúng là… xạo bà cố.
Ông Thanh đúng là thánh chứ chẳng phải người thường, tàng hình thế nào mà bộ trưởng công an còn không nhận ra. Lại còn làm giả được cả hộ chiếu để đi từ Berlin ở Đức qua Brno của Czech, tới thủ đô Bratislava của Slovakia, qua Moscow của Nga rồi băng qua hải quan cửa khẩu về đến tận trụ sở Bộ Công an đầu thú. Bảo sao người ta nói gấu vào tay công an Việt Nam một lúc sẽ tự nhận là thỏ. Bộ đầy quyền lực ở Việt Nam mà phương châm chẳng khác gì của các báo lá cải – ‘đừng để sự thật xen vào câu chuyện’.
Tháng Ba năm nay cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và cô con gái 33 tuổi bị nhiễm chất độc Novichok tại vùng quê thanh bình và thơ mộng Salisbury của Anh, vốn nằm cách di tích lịch sử Stonehenge trên 10 km. Ông Skripal sống lưu vong ở Anh trong khi con gái ông bay từ Nga sang thăm ông. Hai cha con ông Skripal phải nằm viện nhiều ngày nhưng qua khỏi.
Tuy nhiên cảnh sát Anh nói lọ nước hoa đựng chất độc mà kẻ thủ ác bỏ lại xung quanh hiện trường đã khiến một người địa phương, bà Dawn Sturgess, cầm phải và bà đã chết vì trúng độc hồi tháng Bảy. Chính quyền Anh nói vụ đầu độc này do lực lượng an ninh Nga gây ra và phải được phê chuẩn ở cấp cao. Ông Skripal từng là đại tá tình báo trong quân đội Nga và đã bị toà án Nga kết án tù 13 năm hồi năm 2006 vì cáo buộc làm gián điệp cho Anh. Hồi năm 2010, ông Skripal được cho sang Anh trong vụ trao đổi điệp viên giữa Nga và Hoa Kỳ.
Cảnh sát Anh có băng video ghi lại cảnh hai nghi phạm người Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov tới sân bay Gatwick hôm 2/3/2018, chỉ một ngày trước khi con gái ông Skripal bay sang thăm cha. Ngày 3/3 họ có chuyến đi tiền trạm tới Salisbury và ngày hôm sau quay lại bôi thuốc độc vào cửa nhà ông Skripal rồi bay trở lại Nga ngay trong ngày 4/3.
Một cuộc điều tra của trang nhà báo công dân Bellingcat của Anh nói người có tên là Ruslan Boshirov thực ra là Đại tá quân đội Anatoliy Chepiga, người từng được Tổng thống Vladimir Putin phong ‘Anh hùng Liên bang Nga’ hồi năm 2014. Sau khi vụ đầu độc diễn ra, ông Putin nói Đại tá Chepiga chỉ là dân thường. Còn Alexander Petrov chính là Alexander Mishkin, vốn là bác sỹ trong lực lượng tình báo Nga. Cảhai người này đều lên TV ở Nga và nói họ đi du lịch sang Anh và tới Salisbury vì ở đó có nhà thờ cổ kính với tháp cao 123 mét và chiếc đồng hồ cổ bậc nhất thế giới mà vẫn chạy tốt. Những giải thích của họ khiến nhiều người Nga cũng thấy nực cười và khó tin vào sự vụng về của màn bào chữa. Lại là… xạo bà cố.
Tới màn xạo bà cố ghê rợn nhất của Thái thử Mohammed bin Salman (MbS) từ thủ đô Riyadh thuộc Saudi Arabia về nhà báo bị mất tích Jamal Khashoggi. Ông Khashoggi người thực ra đã bị giết và xác bị chặt ra thành nhiều khúc tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10/2018 bởi một đội an ninh do ông bin Salman, người thường được gọi với tên tắt là MBS, cử sang.
Ông Khashoggi, cây viết cho tờ Washington Post và là người chỉ trích dữ dội MBS, vào lãnh sự quán để lấy giấy tờ chuẩn bị cho đám cưới với hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ Hatice Cengiz, người hiện đang được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ. Hôm 3/10, MbS nói với hãng tin Bloomberg rằng ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán và sẵn sàng để Thổ Nhĩ Kỳ vào kiểm tra. Các quan chức Saudi Arabia trong những ngày sau đó tiếp tục khẳng định ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán trong ngày 2/10.
Tới ngày 7/10, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói ông Khashoggi đã bị giết trong lãnh sự quán và chính quyền ở Riyadh nói cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là "vô căn cứ". Gần hai tuần sau, hôm 15/10, một kênh truyền hình của Saudi Arabia vẫn nói "đội hành sát" 15 người mà truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói tới thực ra chỉ là "khách du lịch".
Nhưng sang ngày 19/10, Saudi Arabia buộc phải thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết bên trong lãnh sự quán nhưng lại nói ông chết trong cuộc "ẩu đả" với lực lượng an ninh được cử sang để bắt ông về. Saudi Arabia còn nói các nhân viên của lực lượng an ninh, trong đó có cả những người gần cận MbS, đã hành động vượt thẩm quyền và họ đã bị bắt giam. Xạo… thấy bà cố.
Ba vụ xạo bà cố trên đây liên quan tới những vụ việc khác nhau nhưng điểm chung là sự thật đã bị lực lượng an ninh và các quan chức sát hại không thương tiếc. Nó cũng cho thấy chính những người cần nêu gương về thượng tôn pháp luật lại quay về với luật rừng để đạt được mục tiêu của họ. Việc giải quyết hậu quả của cả ba vụ vẫn còn chưa chấm dứt và người ta sẽ chẳng dễ tin những gì ba bên đưa ra vì một lần bất tín thì vạn sự còn lại làm sao mà tin được.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 22/10/2018
Vậy là mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đã tới Hoa Kỳ chỉ ba ngày sau khi thủ tướng Việt Nam "lên án độc tài".
Poster phim tài liệu "Mẹ Vắng Nhà".
Liệu có phải vì lời lên án độc tài của ông Nguyễn Xuân Phúc mà người ta phải trả tự do cho mẹ Nấm không ? Chắc chắn là không phải rồi.
Nhưng hãy xem lại bối cảnh của phát biểu mà ông Phúc đưa ra hôm 15/10 giữa lúc ông công du châu Âu để vận động cho Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tại họp báo chung với thủ tướng Áo hôm đó tại Vienna, ông Phúc được các trang tin trong đó có VietInfo dẫn lời phát biểu sau câu hỏi của một phóng viên Áo, người nói Việt Nam là "cộng sản độc tài".
"Việt Nam là một nước dân chủ, có quan hệ quốc tế sâu rộng, không có chế độ độc tài như ngài vừa nêu", ông Phúc nói.
"Chúng tôi lên án chế độ độc tài. Hiến pháp Việt Nam bảo vệ nhân quyền, quyền con người hết sức sâu sắc trên tất cả lãnh vực".
Tôi cũng đã gặp ông Phúc vài năm về trước khi ông thăm London với tư cách phó thủ tướng. Ông tỏ ra cởi mở, tay bắt mặt mừng hỏi tôi quê ở đâu và thậm chí còn nói khi nào về Việt Nam gọi ông. Chắc ông nói cho vui và giờ ông cũng đã lên thủ tướng nên làm sao gọi nổi. Nhưng ông không quan cách thế là khá lắm rồi. Có ông chỉ là thứ trưởng Bộ Công an mà khi tôi gọi điện thoại về hỏi chuyện đã sẵng giọng : "Cậu có biết tôi là ai không [mà dám gọi cho tôi] ?".
Mặc dù có những người nói ông Phúc thua thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng về khả năng nhanh chóng nắm bắt các vấn đề, cũng có những người lại coi ông là người biết lắng nghe hơn và có cách tiếp cận cấp tiến.
Nhưng liệu có thể giải thích thế nào về chuyện một mặt người đứng đầu Nhà nước Việt Nam lên án độc tài nhưng mặt khác lại giam giữ những người như mẹ Nấm cho tới tận gần đây. Theo cách giải thích của một nhà hoạt động thì chẳng thể nào giải thích được những gì diễn ra ở Việt Nam vì đó là những cách hành xử "khùng điên". Mà đã "khùng điên" thì khi thế này, lúc thế khác, chẳng biết đâu mà lần.
Chỉ riêng chuyện họ đối xử với mẹ Nấm cũng đã thấy sự trái ngược thường thấy giữa lời nói của lãnh đạo cộng sản và những gì họ làm.
Họ lên án độc tài nhưng đã kết án thật nặng người dám phản đối chính quyền, dù chỉ là phản đối ôn hoà.
Họ nói bảo vệ nhân quyền nhưng lại cướp đi quyền tự do, quyền được làm mẹ, làm con, làm cháu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Thậm chí bà của Quỳnh đã qua đời trong thời gian hai năm cháu gái bị giam cầm.
Họ nói bảo vệ quyền con người nhưng lại tống người bảo vệ quyền này ra khỏi Việt Nam để họ không còn cơ hội bảo vệ ai được nữa.
Nếu nhìn vào các bản án gần đây mà Hà Nội đưa ra đối với những người phản kháng bất bạo động, người ta khó hy vọng vào những thay đổi mang tính bản chất của chính quyền. Nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng thậm chí vừa bị kết án tới 20 năm tù và năm năm quản chế.
Những bản án nặng như thế giúp Hà Nội đạt được ba mục đích. Một là trả thù các cá nhân dũng cảm đấu tranh và gia đình họ. Hai là nêu gương để những người yếu bóng vía thấy thế sẽ nhụt chí đấu tranh. Ba là găm sẵn những gì có thể đem ra đổi chác với phương Tây khi cần mua súng về tăng cường cho cảnh sát, cần đô la từ bán hàng vào các thị trường phương Tây hay cần đầu tư từ đó.
Hà Nội đang hành động theo kiểu ‘thế thời phải thế thời phải thế’ hơn là tự nguyện thay đổi để trở thành đảng cai trị nhân bản hơn.
Vả lại cũng không thể hy vọng có sự thay đổi khi họ đang làm điều chẳng có gì mới – trả tự do cho một vài người để rồi lại trám vào chỗ trống những người khác. Hơn nữa những người được trả tự do lại cũng mất luôn quyền cư trú ở quê hương mình. Người dân trong nước thậm chí còn không biết có chuyện trả tự do trước thời hạn cho những người từng bị kết án tuyên truyền chống lại nhà nước nếu họ không tìm tới truyền thông lề trái.
Và nếu ông Phúc đọc được những dòng này mong ông cứ nhớ đã từng "lên án chế độ độc tài" ngay giữa lòng châu Âu và mạnh dạn lên án mấy ông có khuynh hướng độc tài trong Bộ Chính trị giúp tôi. Nhắn với họ rằng vẫn còn những người như ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Trần Thị Nga, mới nhất là ông Lê Đình Lượng cùng mấy trăm người khác bị toà án kết án chỉ vì họ nói ngược. Ngày Việt Nam hết bị coi là độc tài là ngày họ được tự do và không có ai thế chỗ họ nữa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/10/2018