Ngày chính thức kết thúc hôn nhân hơn 40 năm giữa Anh và Liên hiệp Châu Âu (EU), 29/3/2019, đang tới gần nhưng hai bên vẫn chưa đồng ý được với nhau về một thóa thuận thương mại trong lúc làn sóng phản đối cuộc chia tay mang tên Brexit ở Anh ngày càng tăng.
Thủ Tướng Anh, Theresa May, sau khi phát biểu tại EU summit, Brussels, 18 tháng 10, 2018.
Hơn nửa triệu người đã xuống đường ở London trong nửa cuối tháng 10/2018 để đòi có cuộc trưng cầu dân ý nữa về cách thức rời bỏ EU. Cuộc vận động của tờ Independent để có cuộc bỏ phiếu về thóa thuận cuối cùng giữa Anh và EU cũng nhận được hơn một triệu chữ ký dù không ai có thể dự đoán kết quả sẽ ra sao nếu lại có trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang có màn đu dây vô cùng chông gai giữa những người muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với EU trong đảng của bà, hàng triệu người dân muốn có cuộc trưng cầu dân ý nữa và các quan chức EU đang không muốn có cuộc ly dị êm đẹp để nêu gương cho những nước có ý định theo Anh.
EU kiên quyết bảo vệ bốn trụ cột của thị trường chung Châu Âu đó là sự tự do đi lại cho người dân, tự do lưu thông tiền tệ, hàng hóa và dịch vụ. EU là bạn hàng lớn nhất của Anh trong năm 2017 và xứ sương mù đã xuất khẩu lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá khoảng 350 tỷ đô la vào EU so với gần 145 tỷ đô la xuất khẩu vào Hóa Kỳ. Anh cũng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với giá trị hơn 435 tỷ đô la từ EU so với gần 90 tỷ đô la từ Hóa Kỳ.
Cái giá phải trả để đứng trong thị trường chung Châu Âu là các nước phải tuân theo luật lệ do EU đề ra, không có quyền hạn chế di dân từ 27 nước EU còn lại vào nước mình và cũng không có quyền đàm phán hiệp định thương mại song phương với các nước khác.
Bà thủ tướng Anh hiện muốn có quyền kiểm soát di dân và cũng muốn được tự do đàm phán các hiệp định thương mại giữa Anh với các nước trong đó có các nền kinh tế lớn ngoài EU như Hóa Kỳ và Trung Quốc.
Bà May cũng muốn Anh và EU đạt thóa thuận chung về các chính sách đồng nhất giữa hai bên về hàng hóa để đảm bảo giao thương tự do giữa hai bên. Nhưng những người muốn cưa đứt đục suốt với EU cho rằng việc Anh chấp nhận luật lệ của EU về hàng hóa là điều không chấp nhận được. Kế hoạch được cho là thân EU quá mức của bà May đã khiến cả bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng brexit đã từ chức cách đây vài tháng để phản đối.
EU cũng không mặn mà gì với kế hoạch Brexit của bà May vì họ cho rằng nó không đảm bảo được việc tách biệt giữa lãnh thổ EU và lãnh thổ Anh vì hiện không có biên giới cứng giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hóa Ireland, vốn nằm trong EU. Mà Anh thì không muốn dựng đường biên và chốt biên phòng giữa hai miền Ireland vì người dân ở cả hai phía đều phản đối hành động như thế.
Với kim ngạch thương mại hơn 785 tỷ đô la giữa Anh và EU và phần xuất siêu nghiêng về EU, có nhiều lý do để hai bên có thóa thuận thương mại cùng có lợi. Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn là điều này sẽ xảy ra trước ngày 29/3 năm tới, thời hạn có thể được nới rộng nếu 27 nước EU còn lại đồng ý.
Kể cả khi một thóa thuận được ký kết trước cuối tháng Ba năm sau, nó cũng còn cần được phê chuẩn bởi quốc hội Anh cũng như quốc hội quốc gia và trong một số trường hợp là cả quốc hội vùng của 27 nước Châu Âu. Anh cũng đề nghị một khoảng thời gian chuyển giao tới hết năm 2020 khi hiện trạng được giữ nguyên.
Và trong khi hàng triệu người đang đòi có cuộc trưng cầu dân ý nữa, cuộc trưng cầu dân ý thứ ba nếu tính cả lần thăm dò ý kiến hồi năm 1975 khi đa số áp đảo quyết định ở lại EU, không phải ai cũng tin rằng đây là điều sáng suốt.
Trong bài viết cho Huffington Post ở Anh, người dẫn chương trình có tiếng một thời của BBC Robin Lustig có bài về chuyện tại sao ông không tham gia biểu tình cùng hàng trăm người khác ở London để đòi lại có trưng cầu dân ý :
"Nguyên tắc căn bản của tất cả các hoạt động dân chủ là người thua – cũng như người thắng – chấp nhận kết quả được chọn lựa. (Ngoại trừ bạn là Donald Trump… người nói rằng ông sẽ chỉ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hóa Kỳ năm 2016 với một điều kiện : là ông ấy thắng)".
Ông Lustig nói không có gì đảm bảo là cuộc trưng cầu dân ý lần ba sẽ thay đổi kết quả trong khi nguy cơ chia rẽ sâu thêm trong nước Anh là rất lớn.
Trong lần trưng cầu hồi năm 2016, Anh và xứ Wales muốn rời EU trong khi Scotland và Bắc Ireland muốn ở lại. Thủ đô London bỏ phiếu ở lại với tỷ lệ 59,9% trong khi vùng Kent giáp London nơi tôi sống muốn rời EU với số phiếu 54,9%.
Không ít người Anh cảm thấy vô lý khi những người nông dân ở Romania hay Bulgaria nếu muốn là có thể lên đường sang Anh xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp, chờ được phân nhà ở và hưởng hệ thống y tế miễn phí dù số này không nhiều. Nhưng những người Anh trẻ tuổi lại muốn có cơ hội tự do tới học tập, làm việc hay định cư tại bất cứ nước EU nào họ muốn. Bản thân EU hiện cũng phải cải tổ để đảm bảo sự tồn vong của khối và chuyện Anh bỏ phiếu rời EU chắc chắn sẽ tác động tới những thay đổi của EU trong tương lai. Tương lai của bà thủ tướng Anh hiện cũng đang bấp bênh và khó mà biết người ta sẽ để cho bà yên thêm bao lâu nữa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/11/2018