Trong những ngày cuối năm con chó tôi muốn mua vui cho quý độc giả chút xíu. Xin kể hầu quý vị chuyện tiếu lâm mà chính cốTổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, người có thú vui sưu tầm tiếu lâm Soviet, từng kể.
Ca sĩ Maria Alyokhina (trái) của ban nhạc Pussy Riot : "Đó là tình huống nguy hiểm khi các nhà báo bắt đầu phục vụ lợi ích của quyền lực vì đó là lý do tự do có thể bị mất đi".
"Ba con chó từ Hoa Kỳ, Ba Lan và Nga gặp nhau. Con chó Hoa Kỳ nói : ‘Tôi cứ sủa lâu lâu một chút là sẽ có người mang thịt tới cho xơi’"
"Con chó Ba Lan hỏi : ‘Thịt là gì vậy ?’
"Con chó Nga hỏi : ‘Sủa là gì ?’"
Giờ Ba Lan đã khá hơn rất nhiều nhờ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Tại Anh có tới hơn một triệu người Ba Lan và thực phẩm Ba Lan xuất hiện nhiều ở cả các siêu thị lớn cũng như những cửa hàng nhỏ hơn của chính người Ba Lan.
Nhưng câu hỏi của con chó Nga vẫn còn đó. Có lần tôi gặp và phỏng vấn nữ ca sĩ Maria Alyokhina, thành viên của ban nhạc Pussy Riot từng bị chính quyền Putin bỏ tù, và cô nói :
"Đó là tình huống nguy hiểm khi các nhà báo bắt đầu phục vụ lợi ích của quyền lực vì đó là lý do tự do có thể bị mất đi".
Cô cũng nói tin tức là những gì người dân đăng tải và tuyên truyền là điều chính quyền hay làm. Nước Nga khá hơn một số nước khác trong đó có Việt Nam vì dù sao họ vẫn có sở hữu tư nhân với báo chí. Nga cũng không còn là chế độ độc đảng dù các đảng chính trị đối lập đều bị Tổng thống Putin tìm cách vô hiệu hoá. Con chó Nga giờ đã biết sủa là gì nhưng sủa thì người ta cho đi tù chứ không mang thịt tới.
Điều trớ trêu đối với các nước xã hội chủ nghĩa là họ luôn tự nhận xã hội của họ tốt đẹp nhưng lại không dám để cho người dân tự nói ra điều đó bằng cách để họ được quyền ra báo, lập đài phát thanh hay truyền hình. Điều này đương nhiên dẫn tới những chuyện ngớ ngẩn.
Chẳng hạn mới đây Việt Nam bị cho là có mức độ tham nhũng "tăng nghiêm trọng" trong năm 2018, năm mà Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có vẻ đẩy mạnh chiến dịch "đốt lò". Đáng ra truyền thông phải mổ xẻ kỹ vấn đề này và đặt câu hỏi liệu có phải chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thực ra chỉ là cuộc chiến phe phái. Dĩ nhiên điều này không xảy ra mà người ta lại tập trung vào chuyện cô giáo cũ của ông Trọng nói sẽ cho ông những 10 điểm cho thư ông gửi chúc Tết.
Xem tin tức thời sự về Venezuela ngày nay nhiều bạn trẻ thấy xa lạ. Nhưng những người lớn tuổi hơn sẽ nhìn thấy Việt Nam của mấy chục năm về trước khi cả triệu người rời bỏ đất nước nghèo khó, lạc hậu và độc đoán để tìm tới bến bờ tự do và hạnh phúc thực sự. Về mức độ và cách thức có thể khác nhau nhưng hai nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa này đều thuộc địa hóa chính đất nước mình. Cả hai đáng ra đều đã có thể phồn vinh và vững mạnh hơn nhiều nếu các chính trị gia không tham nhũng quyền lực và tự cho mình quyền tước đoạt những quyền căn bản của người dân trong đó có quyền "mở miệng".
Năm Kỷ Hợi đang gõ cửa và chưa có dấu hiệu gì cho thấy mọi sự sẽ thay đổi ở cả hai nước trong tương lai gần. Cũng không rõ liệu một thập niên nữa có mang lại thay đổi gì đáng kể ở hai nước có chữ cái đầu tiên trong tên nước đứng cuối bảng chữ cái và bản thân hai nước này cũng đội sổ trong nhiều lĩnh vực. Ít ra hy vọng Việt Nam sẽ không quay trở lại thời như trong chuyện hài Soviet khác mà chính cố Tổng thống Reagan cũng từng kể :
"Ở Liên Xô ô tô là hàng hiếm và cứ bảy gia đình mới có một gia đình mua được ô tô. Người ta thường phải đặt cọc tiền trước và 10 năm sau mới được nhận xe. Một hôm có ông Liên Xô tới đặt cọc và được hẹn 10 năm sau quay lại. Ông liền hỏi : ‘Buổi sáng hay buổi chiều vậy ?’. Nhân viên nhận tiền hỏi lại : ‘Những 10 năm nữa cơ mà, sáng hay chiều thì có gì quan trọng ?’. Ông Liên Xô trả lời : ‘Thợ sửa ống nước hẹn đến buổi sáng’".
Chúc mọi nhà đón Tết Kỷ Hợi vui vẻ và đầm ấm. Trong năm con lợn mọi người đừng quên câu nói của mấy con lợn quản lý chính quyền trong tiểu thuyết Trại Súc Vật của George Orwell : "Mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con bình đẳng hơn những con khác".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/02/2019
Hôm vừa rồi Facebook đẩy cho tôi xem một video của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ phát biểu bằng tiếng Anh tại London. Video ông Nhạ nói tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới hôm 21/1 do BBC Tiếng Việt đăng tải đã được hơn 2.000 lượt chia sẻ và hơn 1.000 bình luận.
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc mừng đến Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân.
Các bình luận đi theo những chiều hướng khác nhau. Người bảo ông "đọc dễ nghe", người nói tiếng Anh của ông không bằng "một thằng đi lao động nước ngoài".
Người bảo họ mang bài trình bày của ông cho con nghe mà cháu không hiểu gì mấy mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của cháu.
Ông Nhạ không phát biểu suông mà có kèm theo các biểu đồ được chiếu lên màn hình lớn và có lẽ người ta sẽ đoán ra được những gì ông muốn nói dựa vào các thông tin có trên biểu đồ phóng lớn.
Công bằng mà nói ông Nhạ chọn phát biểu bằng tiếng Anh là đã tiết kiệm được cho người nghe và xem một nửa thời gian vì không còn cần tới phiên dịch. Nếu phải chấm điểm tiếng Anh của ông Nhạ để nhận vào học ở bậc đại học chắc tôi sẽ đánh trượt. Ông phát ông sai hay lệch chuẩn tương đối nhiều, nói có những lúc khá khó nghe dù có lẽ đã chuẩn bị trước và cũng đã có những thông tin trên biểu đồ giúp ông định hướng.
Nhưng nếu chỉ để giao tiếp và nói để người ta hiểu những ý chính thì tôi sẽ châm chước cho qua. Chỉ có điều tôi đã có dịp nghe một trong những người tiền nhiệm của ông Nhạ phát biểu bằng tiếng Anh và khẳng định rằng đã có sự thụt lùi về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ biến thế giới này của bộ trưởng giáo dục sau 12 năm.
Người tiền nhiệm mà tôi muốn nói tới chính là ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện đang là bí thư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi năm 2007 ông Nhân tháp tùng chủ tịch nước khi đó Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ. Tôi đã có mặt khi ông Triết tới thăm The New School ở New York và sau đó ông Nhân có bài thuyết trình về giáo dục Việt Nam và tiềm năng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Nhân nói tiếng Anh rất khá, chắc chắn sẽ được điểm gấp đôi ông Nhạ xét về mặt phát âm chuẩn và độ lưu loát. Về mặt tự tin về khả năng tiếng Anh của mình chắc hai ông không khác nhau mấy. Điều duy nhất tôi thấy không ấn tượng với ông Nhân khi đó là PowerPoint của ông có một số lỗi chính tả tiếng Anh. Chắc chắn tôi sẽ trừ điểm ông Nhân từ 1-2 điểm vì cẩu thả. Tôi thường nói với các sinh viên của tôi rằng người ta hay nói "không có cái gì gọi là viết hay, chỉ có cái gọi là viết đi viết lại mới hay". Bất cứ ai viết văn hay viết PowerPoint để trình bày đều phải đọc đi đọc lại và viết đi viết lại cho tới khi không còn lỗi nữa.
Sau khi xem video ông Nhạ nói tiếng Anh tôi tò mò tìm hiểu xem các bộ trưởng giáo dục trong khối ASEAN nói tiếng Anh ra sao. Người đầu tiên tôi muốn xem trình độ nói tiếng Anh là bộ trưởng giáo dục Malaysia. Tiến sỹ Maszlee Malik, người mới lên đứng đầu ngành giáo dục Malaysia từ giữa năm 2018, nói tiếng Anh rất trôi chảy dù ông cũng chịu nhiều chỉ trích về các mặt khác. Tôi cũng được nghe cựu Bộ trưởng Giáo dục Indonesia Anies Baswedan trả lời phỏng vấn Al Jazeera hồi năm 2015 với khả năng nói tiếng Anh khá tốt. Còn tiếng Anh của Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung thì quả là miễn chê.
Nghe phát âm tiếng Anh của ông Nhạ tôi cũng tự hỏi không hiểu ai là giáo viên của ông. Một là giáo viên của ông "chuối" quá hoặc khả năng học ngoại ngữ của ông không còn tốt. Hồi tôi mới sang London vào năm 2000, tiếng Anh được học ở Việt Nam mang sang dùng cũng có vấn đề. Sau này tôi mới hiểu kiểu dạy tiếng Anh bằng A, B, C của Việt Nam thời cuối những năm 1990 có thể giúp người ta đọc và viết ở mức độ nào đó nhưng nói thì không ăn thua. Lý do là khả năng phát âm cho chuẩn của các thầy cô là khá hạn chế.
Trong tiếng Anh có một số phụ âm viết giống tiếng Việt nhưng phát âm lại khác. Một ví dụ là phụ âm th vốn cũng có hai cách phát âm khác nhau như trong "thank you" (cảm ơn) hoặc "this man" (ông này). Tiếng Việt cũng không có âm i kéo dài và người Việt có khuynh hướng đọc chữ"ship" (con tàu) và "sheep" (con cừu) giống y nhau trong khi đúng ra âm i trong chữ "sheep" dài gấp đôi âm i trong chữ "ship". Hãy tưởng tượng cũng phát âm như thế với chữ "sheet" có nghĩa là tờ giấy và chữ "shit" có nghĩa là "cứt". Đúng là cách phát âm tiếng Anh của bộ trưởng giáo dục hơi khó nghe nhưng người Anh cũng nói "practice makes perfect" mà tiếng Việt người ta dịch là "có công mài sắt có ngày nên kim". Miễn là ông Nhạ ý thức được rằng một là ông phải đổi thầy hay cô giáo, hai là ông phải đổi cách học để đỡ mệt cho người nghe.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 29/01/2019
Mấy chục năm qua tôi đã đón đủ các loại Tết tây, Tết ta nhưng đọng lại trong tôi lâu hơn cả vẫn là những cái Tết nghèo.
Tục gói và nấu bánh chưng vào dịp Tết là sự thể hiện nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc - Ảnh minh họa
Cái Tết tôi nhớ nhất lại là cái Tết nửa vui nửa buồn hồi đầu thập niên 1980.
Tết năm đó tôi đang được ở với ông bà nội ở Ân Thi thuộc tỉnh Hải Hưng mà sau này tách thành Hưng Yên và Hải Dương. Tôi thích ở với ông bà nhất vì được chiều. Học bao nhiêu thì học mà không học thì thôi, ông bà chẳng bao giờ ép. Chơi thì cứ thoải mái đi.
Bố tôi bận làm việc trên Hà Nội và không có tài gà trống nuôi con. Mẹ tôi đã mặc cả với bố tôi từ Tết trước là bố tôi phải nuôi ông con trai lớn là tôi, còn mẹ tôi chỉ nuôi hai cô em gái thôi. Bố tôi chắc buồn lắm còn tôi thì vui vì vậy là có cơ hội lên thủ đô, chẳng còn cảnh viết xấu là bị vụt thước kẻ vào tay nữa.
Vậy là trong năm học lớp sáu đó tôi đã chuyển trường không phải lên thủ đô mà còn về chỗ quê hơn nữa, từ thị xã Hưng Yên về luôn Ân Thi. Thay vì đưa tôi lên Hà Nội, bố tôi đã thông minh nghĩ ngay ra cách đưa tôi về nhờ ông bà chăm. Tôi có thoáng buồn vì mộng lên thủ đô đã tan đi nhanh chóng nhưng sau đó là những chuỗi ngày vui bất tận. Tôi được thoải mái đi lấy nhựa mít để bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng. Mới hơn 10 tuổi đã tự đi câu tôm, câu cá về rang lên ăn và tự thấy mình siêu quá. Tôi từ thị xã về học vẫn giỏi hơn các bạn trường làng nên được các bạn quý. Có bạn gần như sáng nào cũng rủ tôi qua nhà ăn cơm rang và cùng đi học để ôn bài chung.
Dịp giáp Tết là lúc tôi được thức khuya, dậy sớm cùng bà đi chợ phiên. Bà tôi buôn mắm tôm và nước mắm từ Hải Phòng về quê bán. Sáng sáng hai bà cháu dậy từ bốn, năm giờ sáng gánh hàng đi bộ cả tiếng đồng hồ để kịp tới các chợ bầy hàng bán. Chợ ngày đó không họp cả tuần mà chỉ một, hai hay ba phiên một tuần tùy chợ nên bà tôi phải đi khắp nơi. Nhiều hôm gặp trời mưa, hai bà cháu đi dép được một đoạn thì chỉ còn chân đất vì dép gặp bùn đất dính không nhấc chân lên được.
Chợ Tết hiển nhiên là vui hơn với đủ thứ mùi - đào, quất, rau mùi, hành lá và cả mùi ngô luộc mà bà tôi thường mua về thưởng cho tôi sau những lúc tôi ngồi trông hàng cho bà. Ông bà tôi cũng có đất canh tác và dịp Tết đến cũng là lúc thu hoạch su hào, bắp cải, hành, mùi đem bán lấy tiền mua tôm cá, măng miến, mứt Tết và những thứ khác. Những món khoái khẩu của tôi khi đó là cá kho, dưa muối và bánh chưng. Nhưng Tết năm đó nhà tôi không có bánh chưng.
Ông nội tôi phụ trách việc luộc bánh chưng. Bà tôi và người thím nấu các món khác. Tôi chạy quanh, thỉnh thoảng được nhờ giúp việc vặt như lấy thêm một ít rơm vào bếp hay đổ thêm ít trấu. Ông tôi điếc nặng. Có lẽ nhờ thế mà ông bà tôi sống khá hoà thuận. Bà cáu gắt ông cũng chẳng biết. Cáu lắm bà ghé sát tai ông nói thì ông cũng chỉ "cái nhà bà này" rồi thôi. Tôi chẳng thấy ông to tiếng bao giờ. Còn bà lúc nào cũng bắt nạt ông. Năm đó ông vừa luộc bánh chưng vừa gà gật. Thế là trộm nó bê cả cái nồi đi lúc nào không biết. Ông chạy đôn chạy đáo đi tìm nhưng làm sao thấy. Bà thì chửi cho thằng trộm "đi đằng đông chết đằng đông, đi đằng tây chết đằng tây" và cho nó ăn rất nhiều món ngon và bổ. Nhưng mất vẫn hoàn mất. Tết đến vẫn không có bánh chưng. Nhưng có mấy bánh pháo tét. Sáng mồng một mùi hoa bưởi quyện với mùa pháo đón chào năm mới mà mọi thứ chẳng có gì mới. Tôi thế nào cũng được tiền mừng tuổi. Bố mẹ tôi thể nào cũng sẽ cãi nhau trong mấy ngày Tết. Tôi thể nào cũng chui ra sau nhà giỏng tai nghe Chí Cường đọc chuyện Thuỷ Hử trên Đài phát thanh Bắc Kinh phát đi từ đài nhà hàng xóm. Mọi ngày tôi thường sang nhà người ta nghe nhưng Tết đến bà bảo không nên sang. Tôi thể nào cũng về nhà thím Hảo, người tôi quý chẳng kém gì mẹ. Thật tiếc sau này tôi không còn gặp thím nữa. Con trai thím về nhà bà ngoại chơi và ngã xuống ao. Bà ngoại thuê người gọi hồn cậu em bốn tuổi của tôi và người ta bảo hồn em từ ao đi lên vì có vết chân trên tro mà họ rải lên tấm gỗ bắc từ ao lên. Chú thím tôi chia tay ít lâu sau đó.
Từ quê nội, tôi lên xe đạp về quê ngoại cùng mẹ. Hai quê cách nhau hơn chục cây số và có hè ông nội và tôi đã đi xe căng hải về thăm ông ngoại. Đi và về trong ngày mà không hiểu sao ngày đó tôi chẳng ngại ngần gì, ông bảo đi là đi. Món ăn nhà nghèo ngày Tết đâu cũng giống nhau – gà luộc, xôi gấc, giò, chả… Tôi còn khoái món đốt pháo. Kiếm được quả pháo đùng có ngòi dài, bật lửa đốt, chạy một đoạn rồi bịt tai xem nó nổ là khoái lắm.
Mẹ tôi về Tết chớp nhoáng đảo nhoàng rồi đi. Bác gái, bố và chú tôi ở lâu hơn. Nhưng khoảng mồng ba, mồng bốn là hết Tết, mọi người lại đổ đi các nơi kiếm ăn. Bà lại kéo tôi lên nhà một ông thầy cúng để dâng lễ cầu mong một năm yên ấm cho cả nhà. Thế rồi Tết hết, năm mới đã đến, cả nhà lại chỉ còn hai ông bà và tôi. Ông ngày ra đồng, bà chạy chợ, tôi đến trường. Tối về bà lại đọc cho tôi mấy câu :
Ngày trước có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung…
Giờ Tết đã khác xưa. Gần 20 năm qua tôi hầu hết đều xa nhà mỗi khi Tết đến. Tôi giờ cũng đã có con lớn và đối với chúng Giáng Sinh quan trọng hơn cả. Tết ta đến chúng vẫn đi học, tôi vẫn đi làm. Nhưng năm nào tôi cũng vẫn làm mâm cơm cúng mời ông bà không quản xa xôi sang ăn Tết với tôi. Năm nay tôi sẽ báo với ông bà cậu con cả của tôi đã được Đại học Cambridge của Anh nhận vào học ngoại ngữ, tiếng Đức và tiếng Ý trong bốn năm từ tháng 9/2019 trong đó có một năm học tại Đức. Ông bà tôi sẽ mừng và vui cả năm vì trong nhà giờ đã có người vào được trường hàng đầu thế giới.
Năm mới cũng xin kính chúc quý độc giả vạn sự như ý và xin được nghe những kỷ niệm về Tết của mọi nhà.
Lâu lắm tôi không vào lớp học phổ thông cơ sở nào ở Việt Nam. Hôm trước tình cờ xem ảnh lớp học trên mạng thấy vẫn treo ‘năm điều Bác Hồ dạy’ :
Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup
Mới đây đọc bài phỏng vấn ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ, lại thấy ông này nói : "Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng 3 điểm : một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh. Chốt lại có đúng 3 từ đấy thôi". So sánh thấy cũng hao hao giống nhau. Lại thêm điểm tỷ phú Vượng chẳng có tì vết gì nên lại càng giống.
Chỉ có điều các cháu bây giờ có vẻ chẳng nghe lời Bác Hồ nữa rồi, chỉ nghe có Bác Vượng thôi. Yêu tổ quốc gì mà hết hàng chục lại đến hàng trăm người sang nước người ta rồi trốn ở lại. Có những vùng đông đảo người dân rủ nhau bỏ phiếu bằng chân tới các nước tư bản bằng cách đi chui, vờ du lịch tới các quốc gia gần EU rồi tìm cách trốn vào.
Trong lớp giờ các cháu bắt chước các cô, hết chửi nhau lại sang tát nhau. Người Việt vẫn chia làm hai phe, cờ đỏ và cờ vàng, chưa biết ngày nào mới đoàn kết. Cái khoản giữ gìn vệ sinh thân thể thì không dám bàn nhưng vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường thì thuộc tốp hàng đầu tính từ dưới lên trong một số lĩnh vực.
Khoản thật thà không rõ bao giờ mới lại được như ngày xưa. Giờ nghệ sỹlên sân khấu chụp ảnh xuống đã mất túi. Người Nhật biết người Việt hay trộm đồ nên ghi hẳn biển ở một số nơi trong nước họ, nhắc nhở dân Việt rằng "lao động là vinh quang".
Còn dũng cảm thì buộc phải dũng cảm thôi. Không đội nồi cơm điện xuống đường thì còn biết đi bằng gì dù số người chết và bị thương trên đường bộ cứ hai năm lại bằng tổn thất nhân mạng của trận Điện Biên Phủ.
Tóm lại năm điều Bác Hồ dạy chỉ treo đó làm cảnh thôi. Giờ người ta nghe Bác Vượng rồi. Bác Vượng còn oai hơn cả thủ tướng. Nhớ dạo cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đặt câu hỏi ai cấp phép cho toà nhà trên 50 tầng góp phần làm hạ tầng quá tải ở nội đô thì câu hỏi đó đã rơi vào hư không. Các báo dẫn lại câu hỏi này đồng loạt sửa tít và nội dung. Chỉ vì toà nhà 50 tầng đó có công ty của Bác Vượng tham gia.
Sau khi có phỏng vấn mới nhất với ông Vượng với Tuổi Trẻ và Thanh Niên, nhiều ý kiến đặt lại các vấn đề mà trước đây không bao giờ được báo chí chú ý tới vì tầm ảnh hưởng của Bác Vượng cao và xa quá. Một bình luận trên Facebook viết :
"Không có bất kỳ cái gì chỉ có một mặt mà chúng đều tổ thành bởi các mặt đối lập, Vingroup không phải là ngoại lệ.
"[T]hí dụ : [H]ọ "làm việc" với Chính quyền [thành phố Hồ Chí Minh] thế nào (thời [ông] Lê Thanh Hải chưa về hưu) mà vị trí tuyệt đẹp của Sở Giáo dục [thành phố] (trước là nơi làm việc của Bộ Văn hóa – Giáo dục và [T]hanh niên thời chế độ cũ) biến nhẹ nhàng thành Vincom bề thế, hoành tráng, còn sở bị thu hẹp thành toà cao ốc dẹp lép 12 tầng, như cái chuồng chim cu !!!
"Hồi đó nhiều ý kiến phản đối mà không được !?".
Với khả năng chi phối chính giới và báo giới, những nhận xét mà Bác Vượng không thích chỉ có thể tồn tại trên không gian có nút thích. Đây là một dòng tâm trạng khác cũng trên Facebook từ tháng 8/2018 :
"Nói về tài năng kiếm tiền, tôi kính nể anh Phạm Nhật Vượng. Nhưng cách Vin group bịt các thông tin xấu về mình trên báo chí là không thể chấp nhận được.
"Hi vọng đó không phải là chủ trương của anh Vượng, ngược lại đó là mối nguy cho một "đế chế" mà anh đã ra sức xây dựng. Mới đây là ngộ độc thức ăn trong trường học đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng trăm học sinh (tôi có viết, sau đó fb bị hack). Giờ thì tòa nhà cao nhất Việt Nam bị cháy #landmark từ sáng giờ, nhưng báo chí không có lấy một dòng tin (?!)".
Bác Vượng nói cho tới giờ này bác đã kinh doanh ở Việt Nam được 25 năm. Mặc dù Bác vẽ ra một tương lai đáng nể cho Vingroup trong đó có việc lấy công nghệ làm đầu, đó vẫn là chuyện tương lai. Cho tới giờ này Bác cũng chỉ giàu lên chủ yếu từ đất có được từ đầu tư vào quan hệ với các chính trị gia mà không ít người có lòng tham vô đáy. Trong môi trường kinh doanh "nhất tiền tệ, nhì hậu duệ" ở Việt Nam, thật là điều kỳ diệu nếu khối tài sản hơn sáu tỷ đô la của ông Vượng đã có được mà chẳng có sự "nâng đỡ không trong sáng nào". Muốn biết thì phải có những điều tra công phu của cánh báo chí mà ở các nước khác được coi là quyền lực thứ tư chuyên rọi đèn pha vào những góc tối. Còn ở ta, tiếc thay, báo chí chỉ như ngọn đèn dầu trước gió mà gió xứ ta lại to nên đèn khi tối khi sáng. Vậy nên những gì Bác Vượng nói cũng chỉ là một nửa sự thật thôi. Bác lái cánh báo chí thế là tài lắm rồi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 16/01/2019
Một trong những vụ án của năm 2018 sẽ còn gây tranh cãi trong năm mới là vụ xét xử cựu Đại tá an ninh Nguyễn Anh Tuấn, trú tại Hà Nội đánh anh trai của mình bị thương nặng và sau đó qua đời.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (nguyên đại tá công an) và con trai (Nguyễn Đức Bình) hầu tòa. Ảnh Infonet (20/12/2018)
Vụ xử diễn ra đúng ngày Giáng Sinh 25/12 sau vài lần trì hoãn.
Mặc dù ông Tuấn, 59 tuổi, cùng con trai Nguyễn Đức Bình, 24 tuổi, và hai người khác đánh ông Nguyễn Mạnh Hồng, 61 tuổi, gây thương tích 13% và sau đó đã chết, tòa đã chỉ kết án treo cho cả hai bố con ông Tuấn trong vụ tra tấn liên quan tới tranh chấp nhà đất ở Vân Đồn, Quảng Ninh.
Các báo Việt Nam không dám nói ông Tuấn công tác ở đâu cho tới khi nghỉ hưu cách đây chừng một năm mà chỉ nói thuộc một cơ quan an ninh của Bộ Công an.
Nhìn bức ảnh hai vợ chồng ông Hồng bịem trai và cháu đánh làm cho mặt mũi biến dạng và ảnh chụp hiện trường có thể thấy sự hung hãn và thú tính của nguyên đại tá an ninh và của người con trai. Tôi rùng mình nghĩ cảnh nếu tội phạm nào chẳng may bị cựu đại tá an ninh này hỏi cung khi ông còn đương chức thì sự thể sẽ ra sao.
Vợ chồng nạn nhân bị chính người em ruột, người cháu đánh đập dã man. Ảnh VTC News (19/04/2018)
Bà Cao Thị Hoan, 45 tuổi, vợ ông Hồng, được trang tin VTC dẫn lời kể thêm diễn biến sau khi hai vợ chồng bị đánh bằng tay chân và bằng búa tới mức máu me be bét : "Tôi bảo tôi xin cầm máu cho chồng tôi thì nó [Nguyễn Đức Bình, con cựu Đại tá Tuấn] bảo "con kia mày nói cái gì, mày ngồi yên đấy… mày đan tay lên đầu cho tao… không mày chết".
Bà Hoan cũng nói cựu Đại tá Tuấn còn nhằm vào cằm bà đá ngược từ dưới lên nhưng chính người con ông Tuấn gạt được ra và cú đá chỉ sượt cằm. "Nếu… thằng con nó không gạt thì chắc chết lúc đấy rồi".
Bà Cao Thị Hoan (vợ ông Nguyễn Mạnh Hồng) bên bàn thờ chồng, đau đớn kể lại sự việc bị nhóm người do Nguyễn Anh Tuấn cầm đầu hành hung. Ảnh VTC News (19/04/2018)
Vụ tra tấn hai vợ chồng ông Hồng và bà Hoan diễn ra sau khi xảy ra tranh chấp giữa hai vợ chồng này và gia đình ông Tuấn, người vốn đã bỏ tiền ra để xây nhà từ đường trên mảnh đất đứng tên bố của cả hai ông Hồng và Tuấn. Ông Hồng là người từ trước tới nay vẫn ở mảnh đất này và bà Hoan nói ông Tuấn chỉ quay trở về tìm anh và xây nhà từ đường sau khi có dự án phát triển Vân Đồn. Bà Hoan cũng nói lúc đầu ông Tuấn nói xây nhà xong sẽ vẫn để ông Hồng ở nhà đó nhưng sau này đổi ý và không cho hai vợ chồng ông bà ở nhà mới xây.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn trong việc xây dựng và sử dụng nhà từ đường ở thôn 4 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) giữa ông Hồng và ông Tuấn. Ảnh VTC News (19/04/2018)
Vụ đánh người xảy ra vào buổi sáng 9/3/2018 khi ông Tuấn cùng con trai và hai thanh niên tìm về nhà ông Hồng với lý do di chuyển bát hương của người cha hai ông ra Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội nơi ông Tuấn và gia đình sinh sống. Riêng chuyện chỉ để đưa một bát hương về Hà Nội mà cựu đại tá phải đưa thêm ba thanh niên đi cùng đã là chuyện vô lý. Còn vô lý hơn nữa khi đại tá khai thuê hai thanh niên đi cùng ở chợ người với giá 200.000 đồng mỗi người cho cả ngày, và giờ không còn biết họ ở đâu mà tìm.
Đương nhiên là người làm trong ngành công an tới bậc đại tá ông thừa biết cách khai thế nào cho có lợi cho bản thân. Và dường như tòa án cũng vào hùa với Đại tá Tuấn khi tách một vụ án to ra làm hai vụ án nhỏ hơn. Họ nói khi nào xác định được danh tính của hai thanh niên lạ mặt kia thì xử một vụ khác. Thực tế đây có nhiều dấu hiệu của vụ hành hung người có tổ chức và được dàn dựng công phu. Thêm nữa, cả bà Hoan và ông Tuấn đều thừa nhận ông Tuấn và con trai đã ép ông Hồng và bà Hoan ký giấy ghi nợ hơn ba tỷ đồng cho ngôi nhà mà các luật sư nói chỉ đáng giá một tỷ. Tòa cũng lại nói do không tìm thấy tờ giấy ghi nợ đó nên không thể xử ông Tuấn vào tội "chiếm đoạt tài sản".
Ngoài ra bà Hoan cũng nói bố con Đại tá Tuấn còn lấy đi của gia đình bà hai chiếc điện thoại nhưng cơ quan điều tra cũng không tìm ra được hai chiếc điện thoại này.
Ngoài những gì hai bố con ông Tuấn khai khi ra đầu thú tại công an Vân Đồn, Quảng Ninh, cơ quan điều tra dường như không điều tra thêm được gì trong gần 10 tháng kể từ khi vụ việc xảy ra. Các luật sư của phía bị hại cho rằng cơ quan điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội khi không tìm cách xác minh danh tính của hai thanh niên đi cùng bố con ông Tuấn. Họ nói thậm chí một việc đơn giản là kiểm tra các số điện thoại mà bố con ông Tuấn đã liên hệ để truy xem họ có gọi cho hai thanh niên lạ mặt kia trong ngày diễn ra vụ hành hung không mà cơ quan điều tra cũng không làm.
Và mặc dù ông Tuấn không bác bỏ chuyện buộc vợ chồng ông Hồng ghi giấy nợ hơn ba tỷ đồng, cơ quan điều tra cũng vẫn nói họ bỏ chuyện này sang một bên vì không tìm ra giấy ghi nợ. Nhờ những yếu tố có lợi cho bố con ông Tuấn này mà vị cựu đại tá và con trai chỉ bị án treo chứ không phải ngồi tù dù đánh người hết sức dã man. Trong khi đó tại Ninh Kiều, Cần Thơ, một thanh niên 21 tuổi đã bịcả tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án tù 18 tháng cách đây hơn một tháng vì cầm ly nước đánh vào mặt một phụ nữ gây thương tích 15%. Vậy có thể hiểu muốn thoát cảnh ngồi tù thì cứ đánh người thương tích 13% cho dù sau đó người ta có chết chứ đừng gây thêm 2% nữa ? Mà giám định của cơ quan nhà nước liệu có tin được không đây ?
Cô gái người dân tộc Ê Đê, H’Hen Niê, với làn da ngăm ngăm từng bị những người xấu bụng dè bỉu, đã trở thành hoa hậu trong trái tim của nhiều người hâm mộ trên thế giới dù cô chỉ đứng thứ năm trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018.
Hoa hậu H'hen Niê (Việt Nam) lọt vào top 5 cuộc thi Miss Univers 2018. Ảnh : Internet
Một trong những người hâm mộ của cô bình luận cô "không cần vương miện vì cô đã là hoa hậu rồi". Còn bản thân H’Hen Niê nói trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi rời Thái Lan, nơi diễn ra cuộc thi năm nay, để về lại Việt Nam rằng cô quá hạnh phúc với vị trí thứ năm vì mục tiêu đặt ra chỉ là vào được top 20 hay 15. Cô nói mình đã khóc.
Theo dõi cách nói chuyện và hành xử của cô trong cuộc phỏng vấn hơn 40 phút với BBC Tiếng Việt mới hiểu lý do tại sao cô gái 26 tuổi có đông đảo người hâm một từ khắp nơi trên thế giới. H’Hen Niê toát ra một sự tự tin, vô tư, hoạt bát và quan trọng hơn cả là bao dung. Cô kể về chuyện bị ép lấy chồng từ năm 14 nhưng không chịu và quyết định theo con đường học hành. Ở phần cuối phỏng vấn cô cũng hát bằng tiếng dân tộc Ê Đê bài hát ru mà cô vẫn hát khi ru ba đứa em ngủ giúp mẹ lúc còn ở Đắc Lắk.
Phần trình diễn trang phục bánh mì mà cô đưa lên trang Instagram của mình đã được hơn 170.000 lượt xem trong khi tài khoản Instagram của cô cũng có tới hơn 160.000 người hâm mộ. Một video tán dương cô là "ứng viên ấn tượng nhất" cũng thu hút hơn 120.000 lượt xem trên YouTube.
Trong khi đó trang tin ABS-CBN News của Philippines, nước có ứng viên đoạt vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, đăng bài "Câu chuyện truyền cảm hứng của Hoa hậu Việt Nam lôi cuốn fan Hoa hậu Hoàn vũ". Trang này nhắc lại chuyện H’Hen Niê là người dân tộc thiểu số đầu tiên đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi và cũng là người đầu tiên từ Việt Nam lọt vào top 5. Họ nói người dân tộc Ê Đê của cô chỉ chiếm 5% dân số Việt Nam và đăng video trong đó cô kể : "Hen sinh ra trong gia đình sáu anh chị em, ba mẹ đều làm nông… Trong thời điểm hiện tại gia đình Hen vẫn đang sinh sống ở quê [Đắc Lắk], chỉ có một mình Hen lên Sài Gòn để sinh sống".
Một trang mạng của Singapore, Mothership, cũng nói H’Hen Niê "có thể là câu chuyện hay nhất" trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Trang này nhắc tới chuyện H’Hen Niê bị Hoa hậu Hoa Kỳ Sarah Rose Summers "chê" là kém tiếng Anh nhưng H’Hen Niê không hề bực tức mà còn cảm ơn Hoa hậu Hoa Kỳ đã quan tâm tới cô. Sau này H’Hen Niê cũng giải thích thêm cô nghĩ đã có sự hiểu lầm vì những gì cô Summers đăng lên Instagram chỉ là một khoảnh khắc trong khi mối quan hệ giữa họ với nhau trong nhiều ngày dựa trên tinh thần tôn trọng và quan tâm lẫn nhau.
Kiểu tóc ngắn của H’Hen Niê cũng được Mothership cho là điều mới mẻ với cuộc thi trong khi trang phục bánh mì và kiểu cách nói chung của Hoa hậu Việt Nam đều được tán dương. Mothership kết thúc bài với từ "Legendary" tạm dịch là "Quá chuẩn". Trước đó họ nhắc thêm chuyện H’Hen Niê kêu gọi mọi người đừng trách người phiên dịch của H’Hen Niê khi dịch không chuẩn trong phần thi ứng xử. H’Hen Niê nói cô vào sâu đến vòng trong có phần nhờ người phiên dịch nên không nên đổ lỗi làm gì. Đây quả là sự bao dung đáng ngưỡng mộ bên cạnh chuyện cô bỏ qua những ồn ào quanh bình luận của Hoa hậu Hoa Kỳ.
Trong phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hôm 18/12, H’Hen Niê cũng bị hỏi khó đôi lần. Chẳng hạn khi được hỏi nếu cô phải trả lời câu hỏi "tại sao tự do báo chí lại quan trọng ", vốn là câu hỏi được dành cho một thí sinh khác trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua, thì cô sẽ trả lời thế nào. "Với em thì em nghĩ là trong tất cả các phương diện mình làm việc, nó phải có tự do báo chí", H’Hen Niê nói và giải thích thêm : "Đây cũng là điều mà em rất là hào hứng khi mà báo chí Việt Nam họ muốn viết gì thì viết, đó là quyền của họ. Mình không nên ép buộc họ có một cái khuôn khổ. Nếu làm trong khuôn khổ dễ bị chán. Và môi trường của mình là môi trường thoáng, giống như nói về trái đất thì nó cũng là cái gì đó rất là thoáng. Cái suy nghĩ, tư duy, làm việc của mình cũng phải thoáng như vậy và phải cho cơ hội cho mọi người được tự do. Cái sự tự do là cái giúp cho mọi người thoải mái, yêu thích công việc của mình và giúp công việc của mình phát triển hơn".
Còn có câu hỏi thời sự hơn về Luật An ninh Mạng và H’Hen Niê có ý nói cô nghĩ nên có luật này để đảm bảo sự văn minh và an ninh mạng. Nhưng có lẽ cô cũng không thực sự hiểu những gì cô nói. Điều này phần nào giải thích cho vị trí thứ năm của cô chứ không phải là hoa hậu hay á hậu của cuộc thi vừa rồi, vốn đòi hỏi người thắng cuộc phải mười phân vẹn mười. Nhưng có mấy lĩnh vực mà Việt Nam hơn cả Anh lẫn Mỹ đâu, nên xin chúc mừng H’Hen Niê.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 19/12/2018
Với hai bàn thắng trên sân khách và một bàn trên sân nhà, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã lần thứ hai vô địch giải đấu bóng đá của các nước ASEAN. Khu vực này là vùng trũng của bóng đá châu Á khi chưa từng có đội tuyển quốc gia nào lọt vào World Cup. Mà tại vùng trũng ấy Việt Nam cũng phải mất 22 năm mới vô địch được hai lần, lần đầu tiên cách đây đúng 10 năm. Trong khoảng thời gian đó người Thái chạm cúp năm lần, Singapore bốn lần và Malaysia một lần, bằng với Việt Nam cho tới hôm 15/12 vừa qua.
Huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò nâng cao Suzuki Cup sau trận chung kết gặp Malaysia tại Mỹ Đình, 15 tháng 12, 2018. (AP Photo/Minh Hoang)
Ấy vậy mà người dân ăn mừng cứ như Việt Nam vừa thắng World Cup. Ăn mừng tới mức một thanh niên Sài Gòn ngã ra đường bị xe bồn cán chết. Ăn mừng tới mức hai người khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu chết khi "bàn nhậu nát bét dưới gầm xe khách". Ăn mừng tới mức ở Lâm Đồng "nam thanh niên bị đâm chết khi xuống đường mừng chiến thắng". Nhưng nếu người ta sẵn sàng chết trong ngày đại thắng thì tôi tuổi gì mà bàn.
Tôi cũng không có ý nói không nên ăn mừng. Cảm xúc ta thế nào cứ thể hiện như thế thôi. Miễn là thể hiện xong nên gói rác mang về nhà mà vứt chứ đừng để lại sân bóng hay dưới lòng đường. Thể hiện nhưng chịu khó đội cái nồi cơm điện để bảo vệ não. Thể hiện nhưng đừng chập mạch tới mức để mất mạng hay làm người khác mất mạng.
Tôi không xem được hiệp một trong trận Việt Nam – Malaysia ở Mỹ Đình nhưng xem hết hiệp hai qua Facebook Live của một kênh Malaysia. Quả thực các cầu thủ Việt Nam ở cả hàng công và hàng thủ đều chơi chắc chắn, xem đỡ thót tim hơn nhiều so với trước đây. Có bạn dè bỉu nói Việt Nam ăn may vì Anh Đức ghi bàn trong tình huống việt vị. Nhưng một số bạn am hiểu bóng đá nói nếu Anh Đức không ghi bàn trước thì Việt Nam đã không đá thiên về phòng ngự trong phần còn lại của trận đấu và tỷ số có khi còn cao hơn. Thực tế là các cầu thủ Việt Nam đã ghi được hai bàn trên sân khách trong khi Malaysia không ghi được bàn nào ở Mỹ Đình. Dù có hoà 0-0 hay 1-1 thì Việt Nam vẫn thắng.
Trở lại với chuyện người Việt chỉ được phép xuống đường khi vui, còn khi sầu xin cứ ở nhà, tôi xin được giải thích rõ thêm. Tôi có đọc ở đâu đó người ta xử lý hàng chục trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi ra đường đi bão đêm 15/12, nhưng tôi tin hôm đó số người không đội mũ có lẽ lên tới hàng ngàn hay hàng vạn. Có những clip trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát thậm chí còn đập tay ăn mừng với cả những người đi xe máy không mang mũ bảo hiểm. Vui là chính mà. Chấp gì.
Thế nhưng mai bạn buồn cứ thử xuống đường mà xem. Nếu bạn bị tư bản truyền thống hay tư bản đỏ bóc lột mà lại trả lương thấp bạn thử xuống đường kêu xem thế nào. Nếu bạn muốn bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh, bạn thử tụ tập lấy 20 bạn và diễu phố xem công an sẽ đập tay với bạn hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nếu bạn có người thân bị đánh cho tới mức phải nhận tội và bị kết án từ tù nhiều năm tới tử hình, bạn thử xuống đường kêu oan xem sao.
Tôi từng có dịp nói chuyện với cây viết Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và thương bạn vô cùng khi thấy bạn bị trục xuất sang Hoa Kỳ sau vài năm ở tù. Cũng chỉ vì bạn hay xuống đường vì những người thấp cổ bé họng, vì những hàng cây, những con sóng biển không biết nói. Mà xuống đường là việc làm được Hiến Pháp khuyến khích các bạn nhé. Chỉ có điều chính quyền sợ các bạn quá nên không dám viết luật hướng dẫn các bạn làm theo đúng hiến pháp thôi.
Cũng chẳng phải vô cớ mà họ sợ đâu. Vừa rồi cháy lò mới ra một đống mặt chuột đấy. Từ uỷ viên Bộ Chính trị tới bộ trưởng, thứ trưởng, tới tướng, tới tá. Thuế bạn đi làm mửa mật mới có mà đóng nhưng chúng đốt hàng tỷ, chục tỷ, ngàn tỷ. Nhưng bạn đừng mơ xuống đường phản đối. Từ nhà tù lớn bạn sẽ vào ngay các nhà tù nhỏ với những cai ngục sẵn sàng chửi mắng và tát vào mặt bạn như Mẹ Nấm đã kể. Hay nếu họ không đánh thì sẽ sai "đại bàng" tẩn bạn. Cho chừa cái thói đủ thông minh để dùng quyền hiến định.
Cách hành xử thô bạo của những người chưa quên "bạo lực cách mạng" làm nhiều người nhụt chí. Nhưng xưa họ chẳng sợ như bạn đâu, họ liều lắm vì họ bảo "đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu, dấn thân vô là phải chịu tù đày". Mà bạn có làm gì đâu ? Bạn xuống đường đi dạo thôi mà. Dạo bộ vì người nghèo, dạo bộ vì môi trường, dạo bộ vì chó mèo. Giống như hàng vạn người dạo bộ vì quyền của người đồng tính hay hàng triệu người vỡ oà với niềm vui vô địch bóng đá trên mọi nẻo đường.
Bóng đá Việt Nam cứ 10 năm mới vô địch một lần trong 22 năm qua. Ở khoảng giữa có lẽ bạn cứ thoải mái ca "đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào". Trong khoảng thời gian chờ được xuống đường mà không bị đánh đập đó, bạn ra đường có nguy cơ bị cảnh sát đòi tiền, bị tai nạn giao thông. Tới chỗ làm có thể bị bắt nạt, bị trả lương thấp một cách bất công mà chẳng có công đoàn nào giúp bạn. Nếu không may bạn có mảnh đất lọt vào mắt quan chức như đã xảy ra ở Thủ Thiêm, Văn Giang hay nhiều nơi khác, bạn sẽ chẳng cãi lại được miệng nhà quan đâu. Còn các quan làm đường theo kiểu vừa làm đã có ổ voi, quy hoạch thành phố cứ mưa là ngập, bệnh viện cứ đến là quá tải. Con bạn đến mẫu giáo không ăn có thể bị ăn tát. Còn đến lớp lớn hơn thì có khi ăn cả trăm cái tát nếu lỡ miệng văng tục. Rừng người ta đã và đang đốn khiến lũ lụt ngày một trầm trọng. Biển ô nhiễm khiến có lúc người ta không còn dám ăn hải sản.
Đấy chỉ là danh sách những thứ ai cũng thấy sờ sờ trước mắt. Còn dưới tấm thảm xã hội chủ nghĩa còn vô số thứ khác mà ông đốt lò đang đổ mồ hôi hột để xử lý. Nhưng tấm thảm đó xét về mặt đẻ ra những thứ vô văn hoá và đồi bại thì phải nói nó đúng là thảm thần. Nên ông đốt lò một mình chống lại mafia có lẽ chẳng được lâu đâu. Còn bạn nếu chỉ khi nào vui mới xuống đường thì những ngày còn lại cứ thoải mái ca "đời là vạn ngày sầu" đi nhé.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/12/2018
Người đốt lò nướng một đương kim ủy viên Bộ Chính trị và hàng loạt tướng tá trong năm 2018 nằm trong số10 nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong 12 tháng qua.
Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam ngày 23 tháng 10 tại Hà Nội.
Nếu chỉ tính các chính trị gia, ông Trọng đứng thứ thứ ba sau chính trị gia được tìm kiếm nhiều nhất Đinh La Thăng và nhân vật thứ nhì Trần Đại Quang, người đã qua đời và được ông Trọng ngồi thay ghế.
Việc ông Trọng nằm trong số các chính trị gia được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2018 không có gì đáng ngạc nhiên. Chiếc lò của ông vẫn đang nóng rẫy và ông giờ vừa đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước, vừa là Bí thư Quân ủy Trung ương và cũng tham gia luôn Đảng ủy Công an Trung ương.
Sau ông Trọng là một chính trị gia cũng đã về thế giới bên kia trong năm 2018 – cố Tổng bí thư Đỗ Mười.
Ông Đinh La Thăng được tìm kiếm nhiều nhất là điều dễ hiểu khi ông bay cao vút vào Bộ Chính trị rồi mất hút luôn trong lò đốt củi, cả khô lẫn tươi, của ông Trọng. Ông Thăng thậm chí còn không được cho về dự tang bố, người đã qua đời ít lâu sau khi ông bị bắt. Vị cựu ủy viên Bộ Chính trị và cựu bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nói trước tòa hồi tháng 3/2018 :
"Nếu không có những vụ án thế này, bố bị cáo đã không ra đi đột ngột như thế. Gia đình bị cáo rơi vào hoàn cảnh tột cùng đau thương, mất mát ; bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mất đã không được ở nhà, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là nỗi ám ảnh, day dứt suốt quãng đời ở tù sau này. Ngay sau lễ viếng bố của bị cáo, trong đầu bị cáo luôn hiện lên hình ảnh ông cụ với những lời dặn dò. Dù bị cáo xin phép được về gặp bố lần cuối nhưng cũng không được phép".
Thật mỉa mai là khi đương chức ông Thăng có lẽ chẳng quan tâm gì tới quyền con người của người dân nhưng khi bị đưa ra xét xử lại xin được đối xử như một con người :
"Trong những đêm dài nằm trằn trọc trong phòng giam, bị cáo luôn nhớ đến câu của người xưa : "Trong đêm tối vẫn còn vì sao tỏa sáng, những vì sao đó chính là sự hy vọng". Quả thực sống mà không hy vọng thì không còn ý nghĩa gì. Vì vậy, bị cáo hy vọng [Hội đồng xét xử] sẽ căn cứ vào chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, về kết quả kiểm tra, chứng cứ, để có một phán quyết công tâm, khách quan, nhân đạo và khoan hồng, hãy đối xử với bị cáo như đối xử với một con người", ông Thăng nói những lời cuối cùng trước tòa trong cùng phiên xử hồi tháng 3/2018.
Cũng như ông Đinh La Thăng, ông Trần Đại Quang được xem là người từng thuộc về phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ôm mộng ngồi vào ghế hiện nay của ông Trọng nhưng bất thành. Ông Quang đổ bệnh ít lâu sau khi ngồi vào ghế chủ tịch nước và bệnh tình của ông khó mà thuyên giảm khi thấy người ta rục rịch bắt nhân vật Vũ Nhôm, vốn cũng lọt vào top 10 tìm kiếm của năm 2018. Thượng tá Phan Văn Anh Vũ là người của Tổng Cục tình báo và đàn em của Trung tướng bị kỷ luật và cách chức trong vụ này, ông Bùi Văn Thành. Tướng Thành, đồng hương Ninh Bình của ông Quang, và Vũ Nhôm, người bị kết tội chín năm tù hồi 7/2018, đều có dính dáng tới vị chủ tịch nước khi đó. Ngay cả sau khi ông Quang đã chết, tên ông còn được nhắc tới trong một phiên xử hai tướng công an khác bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Ông Đỗ Mười, một nhân vật khác trong danh sách được nhiều người tìm kiếm, qua đời chỉ hơn 10 ngày sau cái chết của ông Trần Đại Quang. Ông Mười giữ chức tổng bí thư Đảng cộng sản giai đoạn 1991-1997, khi Việt Nam ngả vào vòng tay Bắc Kinh sau sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng cũng trong giai đoạn này Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, một động thái góp phần giúp Hà Nội mở mày mở mặt về kinh tế trong những năm sau này. Nhưng người ta cũng nhớ tới ông Mười với vai trò đi đầu trong công cuộc cải tạo công thương, vốn đã biến hòn ngọc Viễn Đông thành thành phố Hồ Chí Minh đau thương trong đói nghèo sau năm 1975. Không phải tự dưng trong những ngày sau khi ông Mười chết trên mạng xã hội xuất hiện trở lại mấy câu thơ của Bùi Giáng :
"Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,
Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam".
Còn ông đốt lò giờ có lẽ đã tương đối hả dạ sau khi đánh gục nhiều tay chân trước đây của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã khiến ông phát khóc vì muốn kỷ luật nhưng không được nhiều năm về trước. Khi đó ông Dũng mạnh tới mức người ta chỉ gọi người mà Đảng kỷ luật không nổi là "đồng chí X". Câu hỏi hiện nay là liệu ông đốt lò rồi có động tới "đồng chí X" không sau khi đã dẹp xong ngoại vi của đồng chí nổi tiếng với câu "làm rõ tới đâu, xử lý tới đó" nhưng rất nhiều chuyện chưa bao giờ được làm rõ khi đồng chí đương quyền.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/12/2018
Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đã có những lúc thất thủ và đương nhiên là thất thu trong những ngày đầu tháng Mười Hai. Do quá nhiều tài xế không mua vé khi qua trạm này hôm 3/12, chủ đầu tư đã phải để tất cả các xe đi qua mà không thu phí từ18g30 tới 23g00 cùng ngày. Tình trạng tài xế phản đối không mua vé còn xảy ra trong những ngày sau đó dù không tới mức phải xả trạm.
Các tài xế không muốn mua vé khi qua trạm thu phí cho đoạn đường 14 km từ An Sương tới An Lạc vì cho rằng thời hạn thu phí ở đây chỉ từ 2/1/2015 tới 31/1/2017. Họ hoặc thẳng thừng từ chối mua vé hay lấy lý do xe hỏng để gây tình trạng tắc nghẽn giao thông tại trạm thu phí.
Một video được đưa lên YouTube hôm 7/12 cho thấy các nhân viên công quyền hùng hổ xông tới thách thức những người quay phim cảnh hỗn loạn ở trạm BOT. Dù biết đang bị quay phim, một trong những nhân viên này sừng sộ, văng tục "đ.m. mày" và đập vào xe của các tài xế không muốn mua vé. Những người quay phim cáo buộc các "dân phòng" có hành vi "côn đồ" và dùng luật rừng để bảo vệ công ty IDICO, tức Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng, chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc. Ở phút thứ ba trong video, cảnh quay cho thấy các dân phòng dàn hàng ngang trước xe ô tô mà từ đó người ta quay phim nhằm không cho ống kính thấy những gì đang xảy ra với các tài xế khác cũng không chịu mua vé. Trong khi đó ở phút 4’30, dường như đã có người bị đánh giữa đám đông có cả một cháu nhỏ có lẽ chỉ chừng hai tuổi.
Video khác được đưa lên mạng một hôm sau khi xảy ra việc xả trạm cho thấy có người sẵn sàng đôi co với nhân viên thu phí cả tiếng đồng hồ mà không mua vé. Một hành khách trong xe không mua vé khi qua trạm đưa ra cáo buộc anh đã bị đánh tại trạm và bị đưa về công an phường gần khu vực có trạm thu phí để tiếp tục đánh và bị doạ "cho đi tù". Các tài xế và hành khách khác có video tố cáo xe của họ bị đập phá khi dừng tại trạm thu phí. Họ cũng đòi phải trả lời câu hỏi vì sao vẫn tiếp tục thu phí dù thời hạn đã hết từ lâu.
Báo Lao Động nói dù hợp đồng ban đầu cho thu phí đến năm 2017, chủ đầu tư IDICO đã đầu tư thêm các công trình khác nên tiếp tục được thu phí đến năm 2033 và nhận xét :
"Đây là một tiền lệ không tốt và không nên khuyến khích nhân rộng vì có ngủy cơ tạo sự không công bằng giữa người dân và chủ đầu tư BOT".
Dân phòng sừng sộ và văng tục với những người không mua vé khi qua trạm BOT An Sương - An Lạc.
Tờ Lao Động cũng nói hợp đồng đầu IDICO ký với Bộ Giao thông Vận tải còn hợp đồng sau trị giá 2.000 tỷ để xây thêm bốn cầu vượt được ký với ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau khi đoạn đường 14 km được bàn giao lại cho ủy ban vì về bản chất đây là đường đô thị chứ không phải quốc lộ.
Giám đốc IDICO Nguyễn Hồng Ninh nói với báo Người lao động rằng doanh thu từ trạm BOT An Sương – An Lạc là hơn 900 triệu đồng mỗi ngày. Như vậy doanh thu mỗi năm ở mức gần 330 tỷ và sau 16 năm lên tới hơn 5.000 tỷ cho bốn cầu vượt được đầu tư ban đầu 2.000 tỷ. Lý giải về sự khác biệt lớn giữa vốn đầu tư và doanh thu, ông Ninh nói : "Lãi suất ngân hàng cùng việc dủy tu, bảo dưỡng, vận hành, tiền nhân công…, đều là các chi phí trong doanh thu dự án". Ông nói thêm riêng lãi suất ngân hàng đã là 3.800 tỷ đồng. Tủy nhiên không thể kiểm chứng được con số này thể hiện trên giấy tờ thực tế ra sao.
Báo Lao Động trong khi đó dẫn lời Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, một kiến trúc sư và chuyên gia qủy hoạch, nói : "Trạm thu phí mới nên đặt tại các hạng mục được đầu tư thêm theo nguyên tắc đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Không nhất thiết phải để nguyên trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc cũ để thu phí các hạng mục mới".
Ông Sơn cũng nói thêm với Lao Động về chuyện nên tách dự án đầu tư thêm bốn cầu vượt về sau này thành dự án hoàn toàn mới : "Khi làm một dự án mới thì thủ tục đấu thầu, qủy trình đầu tư cũng hoàn toàn mới, không phụ thuộc vào dự án cũ.
"Chủ đầu tư dự án này có thể là một công ty khác trúng thầu, không nhất thiết phải là công ty IDICO đầu tư đoạn An Sương - An Lạc trước đây".
Nhưng đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Khi quan hệ của chủ đầu tư với chính quyền đang tốt vì nhiều lý do khác nhau, họ việc gì phải lập dự án mới để phải thêm việc làm mà chắc gì đã được hưởng lợi như hiện tại. Khi lý giải về việc họ được phép thu phí trong nhiều năm tới đây, công ty IDICO và các nhân viên đều nói đã được chính quyền cho phép mà không hề nói tới luật pháp.
Công cuộc đốt lò hiện nay cho thấy đã có bao quan chức từ ủy viên Bộ Chính trị tới tướng, tá công an và quân đội đều ngồi xổm lên luật cả nên không thể cứ ông quan này nói làm được là được làm nếu xét theo khía cạnh pháp lý. Chính sách ngu dân lâu nay của chính quyền biến nhiều khái niệm từ trắng thành đen nhưng khi người dân bị móc túi nhiều quá họ sẽ khôn ra. BOT đâu phải là cái bùa kiếm bộn tiền cho cả các công ty có quan hệ hữu hảo với cán bộ và các ông quan mà nhiều ông bụng đã bự mà tài khoản ngân hàng còn bự hơn nhiều.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 12/12/2018
Thợ xăm hình xăm nghệ thuật Dương Đắc Long ở Hà Nội chỉ cao 1m15 và anh không có vẻ gì là tự ti với chiều cao của mình.
Thợ xăm hình xăm nghệ thuật Dương Đắc Long ở Hà Nội - Ảnh Bloomberg
Còn tin vui trong tháng Mười Một đầy những vụ xét xử và bắt bớ ở Việt Nam chính là việc dự án tẩy chất độc dioxin trị giá 110 triệu đô la do Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại đã kết thúc sau sáu năm thực hiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ bắt tay cảm ơn đại diện USAID đã hoàn thành xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng giai đoạn 2 và bàn giao cho phía Việt Nam. (Ảnh : Facebook USAID)
Vậy anh thợ xăm có chiều cao khiêm tốn và dự án 110 triệu đô la có điểm gì chung ? Cả hai đều liên quan tới chất màu da cam, vốn là chất độc dioxin thường được quân đội Hoa Kỳ đựng trong các thùng màu da cam và đem rải xuống 15% diện tích Nam Việt Nam từ 1961-1971. Cả thảy khoảng 72 triệu lít chất da cam chứa hơn 360 kg chất dioxin, sau này được chứng minh là rất độc hại, đã được dùng để khai quang rừng nhằm phá bỏ lớp nguỵ trang tự nhiên cho quân đội từ Bắc Việt Nam.
Anh Long, năm nay 22 tuổi, nói trong video được Bloomberg đưa lên Twitter hôm 2/12 : "Em cao 1m15. Em bị chậm phát triển về chiều cao và cong cột sống".
Long nằm trong số ba triệu người mà Việt Nam ước tính bị nhiễm độc dioxin trong khi số người có tiếp xúc với chất này lên tới 4,8 triệu. Long nói tiếp với Bloomberg : "Ngày xưa ông ngoại em đi chiến tranh chống Mỹ thì mẹ em bị nhiễm, xong rồi đến em bị. Em trai của em cũng bị". Người ta cũng ước tính những người thuộc thế hệ hai như mẹ của Long hay thế hệ ba như Long bị nhiễm dioxin ở mức 300.000 người.
Các đại diện cho hàng triệu người được cho là nhiễm dioxin ở Việt Nam đã sang tận New York để kiện hơn 30 công ty hóa chất Hoa Kỳ nhưng cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đã bác đơn của họ. Lý do được tòa ở cả hai cấp đưa ra là chất dioxin được sử dụng để bảo vệ quân đội Hoa Kỳ khỏi bị lực lượng cộng sản tràn vào tấn công chứ không phải để tấn công dân thường. Phán quyết của tòa phúc thẩm hồi năm 2008, ba năm sau kết luận của tòa sơ thẩm cũng tại New York, nói : "Một chi tiết quan trọng là chính các nguyên đơn cũng không đưa ra cáo buộc rằng chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình dùng chất da cam để hại dân thường".
Mặc dù chấp nhận bồi thường tới 180 triệu đô la cho các cựu binh Hoa Kỳ của Cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1984, bảy công ty hóa chất của Hoa Kỳ trong đó có Dow và Monsanto chưa bao giờ thừa nhận có liên hệ trực tiếp giữa chất dioxin với các chứng bệnh như máu trắng hay dị tật bẩm sinh. Họ cũng nói họlàm theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ. Khoản tiền 180 triệu đô la được chi trả cho cả thảy hơn 290.000 người bị ảnh hưởng bởi chất khai quang dioxin từ 1984-1997.
Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn Việt Nam - Ảnh : VETERANS FOR PEACE
Bộ Cựu binh Sự vụ Hoa Kỳ từ lâu cũng đã trả các khoản trợ cấp cho cựu binh Cuộc chiến Việt Nam và con cái họ nếu chứng minh được họ đã từng có mặt tại các vùng bị ảnh hưởng bởi chất khai quang và họ hay con cháu mắc một trong 14 bệnh được liệt kê trên trang mạng của bộ này. Trong số các bệnh này có bệnh máu trắng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường hô hấp, tiểu đường và Parkinson. Việt Nam cũng trợ cấp cho khoảng hơn 300.000 nạn nhân chất độc da cam.
Hồi năm 2016, trang ProPublica cáo buộc Bộ Cựu binh Sự vụ của Hoa Kỳ đã không nghiên cứu số liệu của chính họ để tìm hiểu khả năng chất dioxin ảnh hưởng tới con cái của cựu binh Cuộc chiến Việt Nam. ProPublica nói họ đã bỏ công nghiên cứu số liệu mà Bộ Cựu binh Sự vụ cho phép ProPublica sử dụng và thấy rằng con cái của các cựu binh Cuộc chiến Việt Nam dễ bị dị tật bẩm sinh hơn mức bình thường tới trên 30%.
Việt Nam có số người được cho là bị nhiễm dioxin cao hơn nhiều so với các cựu binh Hoa Kỳ và người thân của họ nhưng cho tới nay chưa có nghiên cứu công phu nào giữa hai nước cựu thù về tác hại của chất dioxin tới sức khoẻ những người bị ảnh hưởng. Trong khi đó hai bên tập trung vào việc xử lý các điểm nóng dioxin, vốn là các nơi được dùng để chứa chất khai quang trước khi chúng được đưa lên máy bay đem đi rải.
Sau sáu năm và tiêu tốn 110 triệu đô la, gần 14 héc ta đất không còn nhiễm dioxin ở Sân bay Đà Nẵng đã được bàn giao lại cho chính quyền địa phương hồi đầu tháng 11, theo báo Lao Động. Báo này cũng nói Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ hồi đầu năm nay cũng đã ký thoả thuận tài trợ hơn 180 triệu đô la cho một dự án làm sạch dioxin khác ở Sân bay Biên Hoà. Cơ quan này cũng được Báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ dẫn lời nói chi phí tẩy sạch dioxin ở Sân bay Biên Hòa có thể lên tới 800 triệu đô la tuỳ phương pháp kỹ thuật.
Chất dioxin được cho là có thể tồn tại trong đất trong hàng chục năm, thậm chí cả thế kỷ. Ngay từ hồi thập niên 1990, các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện ra chất này trong nguồn nước và trong cá ở thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới, cách Huế chừng 70 km.
A Lưới nằm trong đường mòn Hồ Chí Minh vốn được dùng để vận chuyển vũ khí, trang thiết bị và nhu yếu phẩm vào miền nam cho các lực lượng cộng sản trong thời chiến và bị rải một lượng lớn chất dioxin. Tại đây cũng có căn cứ quân sự A So, nơi bị nhiễm dioxin nặng nhất ở A Lưới. Người dân ở vùng này hiện vẫn mong có được những bộ thử dioxin để họ có thể biết được nồng độ chất độc dioxin tại nơi họ sống, nơi mà các nước công nghiệp phát triển có lẽ đã phong toả và làm sạch ngay lập tức. Cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm nhưng đối với các cựu binh ở cả hai phía và con cái họ cũng như người dân ở những vùng như A Lưới, chất độc dioxin vẫn ở thời hiện tại và cả tương lai.