Trong ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng Tám, một trong những từ khóa lọt vào tốp 20 cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên Google từ Việt Nam là "Ngọc Trinh Bali". Điều này chẳng có gì lạ và chuyện báo An ninh Thủ đô đăng bộ ảnh "Bỏng mắt trước bộ ảnh khoe thân hoang dại của Ngọc Trinh ở Bali" cũng chẳng phải là điều lạ. Nhưng nó nên là điều lạ. Vì sao ư ?
Một tấm hình trong bộ hình Ngọc Trinh trên website anninhthudo.vn.
Vì đây là báo của ngành công an và báo này không phải chỗ phù hợp để đăng tin lá cải. Không rõ Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng biên tập báo có trực tiếp duyệt bộ ảnh này không. Nếu có chắc ông cũng mê Ngọc Trinh như nhiều thanh niên Việt Nam ? Nếu không, có lẽ quân cán của ông mê Ngọc Trinh và đoán là ông cũng không phản đối. Nhưng mà Ngọc Trinh ăn mặc thiếu vải thì liên quan gì tới an ninh thủ đô ngàn năm văn hiến ?
Cũng không hiểu bộ ảnh có liên quan gì tới chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây không. Hồi đầu hè trang của Hội nhà báo Việt Nam có bài về chuyện thủ tướng "đặt hàng để báo chí phát triển". Có thể lãnh đạo An ninh Thủ đô đoán ý thủ tướng thích "câu view" để dân tình xúm vào xem và tiện thể quảng cáo món chính sách của thủ tướng ? Nếu thế thì thật là hết sức thức thời.
Hay An ninh Thủ đô hiểu lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng các nhà báo phải "nhạy bén chính trị". Đăng nhiều ảnh Ngọc Trinh để thanh niên và sinh viên "bỏng mắt" và không thấy sự "hoang dại" của chủ nghĩa tư bản đang phát triển trên mảnh đất tự nhận là xã hội chủ nghĩa.
Truy cập trang web của An ninh Thủ đô, người ta thấy quảng cáo của cả những công ty nhà nước như Tổng công ty khí Việt Nam. Như vậy đây là báo có lẽ vừa lấy tiền thuế của dân để làm báo và lại lấy thêm doanh thu quảng cáo từ những công ty khác cũng sống nhờ vào tiền thuế của người dân. Người dân một cổ mà nhiều tròng thuế là đây.
Có lẽ điểm tích cực duy nhất trong việc đăng ảnh Ngọc Trinh là An ninh Thủ đô có thể tăng số lượt truy cập và qua đó kiếm được doanh thu quảng cáo từ cả các công ty tư nhân. Nhưng nếu vậy cần gì phải có tờ An ninh Thủ đô của nhà nước ? Để các doanh nghiệp tư nhân tự lập ra tờ gì đại loại như ‘An ninh buổi tối’ và đăng ảnh Ngọc Trinh kiếm tiền của các doanh nghiệp tư nhân khác là được rồi.
Chuyện báo của ngành công an, ngành chuyên về điều tra và đảm bảo an ninh, sống nhờ cả nguồn thu từ quảng cáo cũng gây xung đột lợi ích. Liệu khi một trung tá trong vai tổng biên tập được viện ra để mời gọi quảng cáo, các doanh nghiệp có cảm thấy bị sức ép phải mua quảng cáo hay không ? Chuyện khác là báo của ngành liệu sẽ điều tra thế nào về chính ngành chi tiền cho họ làm báo nếu cần phải có các cuộc điều tra như thế ?
Tại một số nước trên thế giới, ngân sách cho cảnh sát địa phương do hội đồng địa phương quyết định và họ có trách nhiệm giải trình với người dân đóng thuế địa phương. Sẽ không có người dân nào chấp nhận trả tiền thuế để nuôi một tờ báo mà có khi họ chẳng bao giờ đọc. Người dân cần cảnh sát đảm bảo an ninh hơn là cần các nhà báo đánh bóng tên tuổi cho ngành và đăng những tin lá cải mà họ có thể đọc ở bất cứ đâu trên mạng.
Báo An ninh Thủ đô năm nay đã 42 tuổi. Trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp, ngành an ninh vừa trải qua một loạt các vụ lùm xùm mà báo nằm trong ngành lại không cố gắng để phanh phui, câu hỏi hoàn toàn chính đáng là người dân có sẵn sàng trả tiền để nuôi các nhà báo mặc cảnh phục hay không ? Câu trả lời có nhiều khả năng là không nhưng điều chắc chắn hơn là người dân sẽ chẳng bao giờ được hỏi. Dân thì chỉ biết "bỏng mắt" vì Ngọc Trinh thôi chứ còn lại thì biết gì mà bàn.
Nguyễn Hùng
Những ngày này cách đây 65 năm, Hải quân Hoa Kỳ lần đầu đưa hàng trăm ngàn người Việt rời bỏ chế độ cộng sản ở miền Bắc để vào Nam, nhiều người trong số đó về sau này lại có cuộc di tản lần hai hồi năm 1975.
Pháp bắt đầu dùng tàu và máy bay để đưa người dân ra đi hôm 5/8/1954 trong chiến dịch mang tên "Sang phía Tự do", tên tiếng Anh là "Passage to Freedom", 1954 - 1955.
Cuộc di tản những người theo phe quốc gia, trong đó có nhiều người công giáo, diễn ra vào tháng 8/1954 sau khi có thỏa thuận về các hiệp định đình chiến ở Đông Dương hôm 20/07/1954. Hiệp định cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp 300 ngày để rút quân về sau vĩ tuyến 17 tương ứng về miền Bắc và miền Nam nơi có Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp. Người dân hai phía được tự do di chuyển tới nơi họ muốn.
Pháp và Quốc gia Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ giúp di tản người dân vào nam. Pháp bắt đầu dùng tàu và máy bay để đưa người dân ra đi hôm 5/8/1954 trong chiến dịch mang tên "Sang phía Tự do", tên tiếng Anh là "Passage to Freedom".
Hải quân Hoa Kỳ dưới quyền Đề đốc Lorenzo Sabin tham gia chiến dịch từ ngày 7/8 và cả thảy đã đưa 310.000 người cùng 69.000 tấn hàng hóa và 8.000 phương tiện vận chuyển trong khoảng thời gian từ đó tới 18/05/1955, theo cuốn Từ Sông Ra Biển của Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Richard Schreadley. Tác giả, người từng chỉ huy khu trục hạm trong Cuộc chiến Việt Nam về sau này, nói 18.000 lính Pháp và lính không thuộc lực lượng cộng sản nằm trong số những người được Hải quân Hoa Kỳ giúp di tản. Pháp đưa thêm tổng cộng nửa triệu người vào nam trong khi chỉ có vài chục ngàn thường dân đi ngược từ Nam ra Bắc.
Hoa Kỳ bắt đầu trợ giúp cho hải quân Việt Nam Cộng Hòa, tên mới của Quốc gia Việt Nam kể từ khi ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống hồi tháng 10/1956, sau khi lực lượng Pháp rút đi hồi tháng 5/1957. Trung tá Schreadley nói số khoảng 100 tàu khởi đầu của Việt Nam Cộng Hòa gần như hầu hết đều được Hoa Kỳ chuyển giao cho Pháp trong giai đoạn trước đó và quân số ban đầu của lực lượng hải quân ở miền Nam chỉ chừng 1.900 lính và sĩ quan.
Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu đóng vai trò lớn hơn ở nam Việt Nam từ tháng 4/1960 sau khi có lệnh từ Đô đốc Harry Felt, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, người sau này đã gặp ông Diệm để "giữ chân ông ở Sài Gòn" ngay trước khi diễn ra đảo chính hôm 1/11/1963. Đó cũng là hôm Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đại tá Hồ Tấn Quyền, bị giết chết vì trung thành với vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Diệm và người em Ngô Đình Nhu bị giết vào hôm sau, ngày 2/11/1963.
Vào cuối năm 1963, số cố vấn Hải quân Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn chỉ ở con số hơn 740 (so với con số đỉnh điểm gần 40.000 lính và sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ năm năm sau đó) và số tàu thuyền của Việt Nam Cộng Hòa đã tăng hơn gấp đôi lên gần 260. Quân số của hải quân miền Nam khi đó là 6.200 (con số này về sau lên tới 42.000 và số tàu các loại là 1.600 hồi đầu thập niên 1970) với 2.000 phục vụ trên biển, 1.200 trên sông và 2.600 trên bờ, theo cuốn Từ Sông Ra Biển. Phần còn lại nằm trong lực lượng hải thuyền hỗn hợp. Trong năm đó Hải quân Việt Nam Cộng Hòa kiểm tra và khám xét hơn 135.000 tàu thuyền và gần 390.000 người trong đó chỉ có sáu người được cho là từ phía cộng sản thâm nhập, vẫn theo tác giả, Trung tá Schreadley.
Sang đầu năm 1964, mười năm sau Chiến dịch Sang phía Tự do, Đô đốc Felt lại cử một nhóm sĩ quan hải quân tới Việt Nam để xem Hoa Kỳ có thể giúp ngăn chặn việc xâm nhập đang ngày một xấu đi của phía cộng sản qua đường sông và đường biển. Tháng 1/1964 cũng là lúc tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền sau khi lật đổ tướng Dương Văn Minh, thủ lĩnh phe quân đội vốn đã đảo chính và sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu trước đó ba tháng. Bắc Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xâm nhập và đánh phá trước các diễn biến này.
Theo cuốn Từ Sông Ra Biển, nhóm sĩ quan tới đánh giá tình hình do Đề đốc Paul Savidge và Đại tá Phillip Bucklew, người sau này viết nhận xét hồi tháng 2/1964 : "Các hoạt động của Việt Cộng, với sự trợ giúp tối thiểu của vỏ việc đánh lạc hướng, che giấu hay quấy rối, hoàn toàn có thể đưa người và thiết bị thâm nhập bằng đường bộ, đường biển hay đường không vào thời điểm và địa điểm họ muốn". Nhóm này khuyến cáo Hải quân Hoa Kỳ tham gia vào tuần tra trên biển mà họ đánh giá là không hiệu quả cho tới lúc đó. Báo cáo cũng khuyến cáo Hải quân Việt Nam Cộng Hòa cần có vai trò lớn hơn trong quá trình ra quyết định của quân đội, điều được cho là đã không bao giờ xảy ra cho tới tận cuối cuộc chiến vào 4/1975.
Năm 1964 cũng là thời điểm Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch chi tiết để tấn công các mục tiêu ở Bắc Việt Nam. Trung tá hải quân Richard Schreadley nói trước khi nghỉ hưu hồi tháng 7/1964, Đô đốc Harry Felt đã lên danh sách các mục tiêu tiềm năng và Bộ trưởng quốc phòng McNamara đã duyệt danh sách này. Hoa Kỳ chưa trực tiếp tham gia nhưng ngầm hỗ trợ Việt Nam Cộng Hòa trong các cuộc tấn công bắt đầu từ hè 1964. Một trong những cuộc tấn công như thế diễn ra hôm 31/7/1964, do bốn tàu của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thực hiện và một trong các mục tiêu là đảo Hòn Mê ở Thanh Hóa. Đó cũng là ngày khu trục hạm USS Maddox do Đại tá John Herrick chỉ huy tiến vào Vịnh Bắc Bộ để rồi sang đầu tháng Tám đã diễn ra các sự kiện khiến Hoa Kỳ đổ quân và tiền bạc ngày một nhiều vào Việt Nam trong gần 10 năm sau đó.
Sáng 2/8/1964, theo Trung tá Schreadley, tình báo Hoa Kỳ chặn và giải mã được lệnh chuẩn bị chiến đấu từ trụ sở hải quân của Bắc Việt Nam và trong cùng ngày còn có một lệnh tấn công bằng ngư lôi. Ít lâu sau khi có lệnh tấn công từ hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, USS Maddox phát hiện ba tàu phóng lôi P-4 do Liên Xô sản xuất và đang được hải quân miền Bắc sử dụng. Đại tá Herrick gửi tin nhắn tới Tự lệnh Hạm đội Bảy và hàng không mẫu hạm Ticonderoga cách đó 280 hải lý yêu cầu trợ giúp vì USS Maddox có nguy cơ bị tấn công.
"Ngay sau 16giờ00, tàu phóng lôi đã xuất hiện trong phạm vi năm hải lý, Maddox khai hỏa với súng 127 ly và 76 ly", ông Schreadley viết.
"Thủy thủ đoàn đổ mồ hôi [vì nã đạn] không thể biết rằng đó là những phát súng mở màn cho những gì sẽ trở thành cuộc chiến dài nhất của Hải quân Hoa Kỳ".
Trong cuộc đụng độ đầu tiên với hải quân từ Bắc Việt Nam, Maddox bắn tổng cộng hơn 280 loạt đạn. Đối phương phóng ít nhất bốn ngư lôi về phía Maddox nhưng không trúng. Mặc dù vậy Maddox cũng bị đạn 14.5 ly bắn trúng thiết bị điều phối hỏa lực và viên đạn này giờ được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân ở Washington D.C., theo Trung tá Shreadley.
Khi các phi cơ Crusader từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga tới ứng cứu, Trung tá James Stockdale đã chỉ huy máy bay chiến đấu tấn công ba tàu phóng lôi đang bỏ chạy khiến một tàu bốc cháy và sau đó chìm xuống biển.
Tàu Maddox và khu trục hạm Turner Joy sang ngày 4/8 còn được cho là bị lực lượng hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đeo bám và cả hai tàu đã "bắn trả". Tuy nhiên chính Đại tá Herrick, chỉ huy tàu Maddox, sau này nghi ngờ chuyện thực sự có tàu hay ngư lôi của đối phương hôm 4/8. Ông cho rằng có khả năng thời tiết bất thường ảnh hưởng tới tín hiệu radar và sự quá cảnh giác của các thủy thủ đã khiến họ nghĩ rằng hai tàu bị tấn công. Chính quyền Hoa Kỳ đã dùng "cuộc tấn công" thứ hai này làm lý do để mở rộng sự can dự vào Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn khẳng định không hề có cuộc tấn công thứ hai dù công nhận có cuộc chạm trán đầu tiên hôm 2/8.
Ngày 31/7/1964, khu trục hạm USS Maddox tiến vào Vịnh Bắc Bộ để rồi sang đầu tháng Tám đã diễn ra các sự kiện khiến Hoa Kỳ đổ quân và tiền bạc ngày một nhiều vào Việt Nam trong gần 10 năm sau đó.
Trong quá trình viết cuốn Từ Sông Ra Biển, Trung tá Schreadley đã phỏng vấn Đô đốc Thomas Moorer, Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương hồi tháng 8/1964 và ông nói : "Điều xảy ra là Bắc Việt đã gửi lệnh… ‘Sẵn sàng gây chiến’. Đó là chiều [4/8] khi chúng tôi chặn, giải mã và đọc được.
"…[L]úc đầu không ai nói… lệnh đã được ban ra vì chúng tôi không muốn Bắc Việt biết chúng tôi phá được mật mã của họ". Ông Moorer nói lệnh ‘sẵn sàng gây chiến’ cộng thêm với việc có mặt các tàu của Bắc Việt Nam trong khu vực khiến các tàu Hải quân Hoa Kỳ xả súng. Ông cũng nói chỉ riêng sự kiện ngày 2/8 cũng đủ để Hoa Kỳ có lý do tấn công. Việt Nam từ trước tới nay vẫn tố cáo Hoa Kỳ "xâm phạm vùng biển Việt Nam" hôm 2/8 và khẳng định Hoa Kỳ "bịa" ra các cuộc tấn công hôm 4/8.
Chỉ 10 năm sau, Hoa Kỳ đã chính thức bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Khi diễn ra Hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và các tàu của Trung Quốc vào tháng 1/1974, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đứng ngoài cuộc. Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa kể từ đó.
Và chỉ hơn một năm sau, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn tồn tại. Hồi năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam, tôi có cuộc gặp Tư lệnh Hải quân cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh tại Virginia, Hoa Kỳ. Ông Tánh cho tôi xem lá cờ Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng bay trên Chiến hạm Trần Hưng Đạo HQ-1, cũng chính là con tàu đã đưa ông và nhiều người khác đi di tản.
Hoa Kỳ có lẽ sẽ khó có khi nào lại có sự can dự lớn về hải quân liên quan tới người Việt như từng xảy ra trong thập niên 1950 và 1960 của thế kỷ trước.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 05/08/2019
Chi tiêu từ ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ cho các dự án và hoạt động tại Việt Nam ngày một giảm dưới thời Tổng thống Donald Trump theo các thống kê chi tiêu của Hoa Kỳ.
Các con số chi tiêu của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2019 là gần 107 triệu đô la.
Sau khi liên tục tăng từ mức gần 83 triệu đô la trong năm 2013 tới hơn 130 triệu đô la trong năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama, mức chi tiêu của Washington cho Hà Nội giảm dần từ đó.
Tuy mức giảm không lớn, tổng chi cho năm 2017 giảm hơn một triệu đô la so với năm 2016 và tới năm 2018 chỉ còn chưa tới 126 triệu, giảm khoảng gần bốn triệu đô sau hai năm cầm quyền của ông Trump.
Các con số chi tiêu của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2019 là gần 107 triệu đô la, đưa tổng chi tiêu cho Hà Nội lên hơn 360 triệu đô la kể từ khi ông Trump lên cầm quyền hồi tháng 1/2017, tức chưa đầy ba năm tính tới nay. Con số này vẫn lớn hơn mức tổng chi tiêu gần 330 triệu đô la mà chính quyền Tổng thống Obama dành cho Việt Nam trong ba năm 2014 (gần 90 triệu đô la Mỹ), 2015 (gần 110 triệu) và 2016 (trên 130 triệu).
Chính quyền ông Obama đã bỏ ra gần 870 triệu đô la từ ngân sách liên bang cho các hoạt động và dự án ở Việt Nam trong tám năm cầm quyền với mức trung bình 108 triệu đô la mỗi năm với mức khởi điểm khá thấp, chỉ chưa tới 60 triệu đô la trong năm 2008.
Nếu tính gộp tổng chi tiêu từ năm 2008 tới nay, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ có mức chi tiêu ngân sách liên bang lớn nhất ở Việt Nam – trên 700 triệu cho các dự án tăng cường năng lực và hiểu biết cho người dân và chính quyền, bảo tồn, giáo dục và y tế.
Đứng thứ hai với mức gần 165 triệu đô la là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đứng thứ ba là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh với tổng chi gần 157 triệu đô la.
Đứng ở vị trí thứ tư, thứ năm và thứ sáu là Hải quân Hoa Kỳ (gần 72 triệu đô la), Cơ quan Giảm thiểu Đe doạ Quốc phòng (trên 36 triệu) và Lục quân Hoa Kỳ (gần 35 triệu).
Chi tiêu của Không quân Hoa Kỳ và Tuần duyên Hoa Kỳ đều ở mức dưới một triệu đô la dù đã tính tổng chi tiêu từ năm 2008.
Bảng so sánh chi tiêu của các cơ quan, bộ, ngành của chính phủ Hoa Kỳ.
Chi tiêu của Hoa Kỳ ở Trung Quốc
Nếu so Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc, chi phí lớn nhất của Hoa Kỳ ở quốc gia đông dân nhất thế giới là hơn 790 triệu đô la cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kể từ năm 2008 tới nay.
Cơ quan có mức chi tiêu lớn thứ hai trong cùng khoảng thời gian với mức hơn 132 triệu đô là Cơ quan Hậu cần Quốc phòng.
Theo sau đó là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (130 triệu đô la), Sở An sinh Xã hội (118 triệu đô la) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (gần 55 triệu đô la).
Chi tiêu của Hải quân Hoa Kỳ ở mức chưa tới 16 triệu đô la so với gần 72 triệu đô la ở Việt Nam trong cùng giai đoạn từ 2008 tới nay.
Chi tiêu của Cơ quan Giảm thiểu Đe doạ Quốc phòng ở mức trên 13 triệu, bằng hơn một phần ba mức trên 36 triệu dành cho Việt Nam nhưng Không quân Hoa Kỳ tiêu hơn 11 triệu đô la ở Trung Quốc so với mức chưa tới một triệu đô la ở Việt Nam.
Minh bạch chi tiêu
Hoa Kỳ có truyền thống minh bạch cách họ tiêu tiền thuế của dân cũng như tiền đi vay từ các nguồn trong nước và nước ngoài.
Trang USAspending.gov đưa ra con số chi tiêu của chính quyền liên bang trong 12 năm trở lại đây với các khoản chi tiêu cụ thể cho từng đơn vị thụ hưởng ở các nơi khác nhau.
Trang này nói trong năm 2018, chính phủ thu về 3.300 tỷ đô la, tương đương với 68 triệu người có thu nhập 49.000 đô la mỗi năm.
Trong khi đó mức chi của năm 2018 là hơn 4.110 tỷ đô la, tức cứ mỗi 10 giây chính quyền lại tiêu 1,3 triệu đô la Mỹ.
Mức thâm hụt ngân sách trong năm 2018 là 779 tỷ đô la, tức mỗi phút lại bội chi 1,5 triệu đô la. Mức bội chi này gấp 22 lần số nợ tín dụng của người dân Hoa Kỳ, vốn ở mức 36 tỷ đô la trong năm 2018.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 31/07/2019
Tháng Bảy này đảng viên của Đảng Bảo thủ đương quyền tại Anh có cơ hội bỏ phiếu chọn ra thủ tướng mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của đảng chính trị lâu đời nhất tại Anh, vốn có nguồn gốc từ thập niên 1830, các đảng viên trực tiếp chọn thủ tướng.
Hai ứng cử viên hàng đầu vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, thủ tướng với đường lối kiên quyết ra đi có thỏa thuận, hợp ý Hạ viện.
Tháng Bảy này đảng viên của Đảng Bảo thủ đương quyền tại Anh có cơ hội bỏ phiếu chọn ra thủ tướng mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của đảng chính trị lâu đời nhất tại Anh, vốn có nguồn gốc từ thập niên 1830, các đảng viên trực tiếp chọn thủ tướng.
Thông thường thủ tướng mới sẽ lên cầm quyền qua kỳ bầu cử Quốc hội và lãnh đạo của đảng nào được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành thủ tướng. Thủ tướng Theresa May hiện nay đã trải qua bầu cử toàn quốc hồi tháng Sáu năm 2017 và để tuột mất đa số mong manh trong Nghị viện Anh khiến Đảng Bảo thủ phải liên minh với Đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để lập chính phủ.
Việc bà May ba lần thất thủ khi đem hiệp định rời Liên hiệp châu Âu EU trình ra Nghị viện đã khiến bà phải tuyên bố từ chức, mở đường cho 10 ứng viên tham gia cuộc đua vào chiếc ghế của bà.
Các ứng viên này đều là dân biểu của Đảng Bảo thủ và một số người đang giữ các chức vụ trong chính quyền.
Hai ứng viên còn lại sau năm vòng bỏ phiếu của các dân biểu Bảo thủ là cựu Ngoại trưởng và cựu Thị trưởng London, Boris Johnson cùng đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt. Tới đây vai trò của các dân biểu kết thúc và số phận của hai ứng viên nằm trong tay 160.000 đảng viên Đảng Bảo thủ, những người mỗi năm phải đóng đảng phí 25 bảng.
Các thống kê trên báo Anh cho thấy số đảng viên của Đảng Bảo thủ đã tăng chừng 30.000 trong một năm qua nhưng vẫn còn thua xa con số chừng nửa triệu thành viên của đảng đối lập chính, Đảng Lao động.
Điểm chung của các thành viên Đảng Bảo thủ là họkhá già và cũng khá giả. Đa số đều muốn rời EU càng sớm càng tốt, kể cả khi phải rời mà không đạt bất kỳ hiệp định thương mại nào.
Điểm chung của hai ứng viên còn lại trong cuộc đua vào số 10 Downing Street, nơi ở và làm việc của các đời thủ tướng Anh, là họ đều học trường tư rồi vào học Đại học Oxford. Ông Hunt, 52 tuổi, sinh ra tại London còn ông Johnson, 55 tuổi, sinh ra ở… New York. Ông Johnson từng có quốc tịch Hoa Kỳ nhưng sau đó đã xin thôi.
Hai ứng viên chính đã tranh luận trực tiếp trên truyền hình về các vấn đề lớn mà nổi bật là Brexit, quá trình rời khỏi EU của Anh. Cả hai đều cam kết sẽ rời EU vào cuối tháng 10 như lịch trình đã định nhưng ông Johnson có vẻ cứng rắn hơn và ông cũng đang có nhiều cơ hội được các đảng viên Bảo thủ ủng hộ hơn rất nhiều.
Hai ứng viên, mỗi người được tiêu không quá 150.000 bảng Anh cho vận động chính trị, hiện cũng đang đi khắp nơi trong cả nước để thuyết phục các đảng viên ủng hộ. Nước Anh sẽ có thủ tướng mới trong tuần cuối tháng Bảy.
Ngoài vấn đề Brexit đang nan giải, tân thủ tướng cũng sẽ phải bổ nhiệm đại sứ mới ở Washington. Đại sứ hiện thời đã vừa từ chức sau khi điện thư ông gửi về London từ Washington bị lộ. Ông Kim Darroch nhận định trong điện thư rằng chính quyền của Tổng thống Trump "vụng về và bất tài", điều khiến ông Trump phản ứng lại bằng cách gọi ông Darroch là "rất ngu ngốc".
Ứng viên Jeremy Hunt công khai ủng hộ ông Darroch và chỉ trích ông Trump không tôn trọng nước Anh. Chuyện ông Trump tuyên bố không làm việc với đại diện của Nữ hoàng tại Washington là điều chưa có tiền lệ và gây nhiều bàn luận ở Anh.
Ứng viên Boris Johnson từ chối ủng hộ ông Darroch và người ta cho rằng đây là lý do khiến ông Darroch từ chức vì gần như chắc chắn ông Johnson sẽ trở thành tân thủ tướng trong vòng hai tuần nữa. Ông Johnson cũng được ông Trump công khai ủng hộ trong cuộc đua vào chức thủ tướng. Thủ tướng mới của Anh sẽ cần có quan hệ gần gũi với ông Trump do hai bên sẽ sớm phải bàn tới hiệp định thương mại song phương khi Anh không còn nằm trong EU.
Cũng giống ông Trump, ông Johnson bị báo chí tấn công vì hay "nói dối". Một nhà bình luận chính trị nói ông Johnson "nói dối" mà không chịu hậu quả vì lúc ông đóng vai người bông đùa, lúc lại đóng vai chính trị gia khiến người ta không biết khi nào ông đóng vai nào.
Đa số các nhà cái ở Anh đều cho rằng ông Johnson sẽ trở thành thủ tướng vào cuối tháng này trong khi cơ hội của ông Hunt, theo các nhà cái, là chưa tới 10%. Sẽ thật thú vị khi theo dõi quan hệ giữa một nước Mỹ do ông Trump đứng đầu và một nước Anh do người khá giống Trump và được Trump thích cầm lái.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/07/2019
Nửa đầu năm 2019 đã qua đi và đây là lúc thích hợp để nhìn lại xem đài tiếng Việt nào truyền tin tức về Việt Nam có lượng tương tác nhiều nhất trên Facebook, mạng xã hội số một ở Việt Nam hiện nay.
Bản thống kê "interaction".
Do không muốn có một biểu đồ quá rối mắt, bài viết chỉ tập trung vào hai đài phát từ Hoa Kỳ, một đài phát từ Anh và một đài từ Trung Quốc. Tất cả bốn đài - BBC tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và VOA tiếng Việt - đều trực tiếp hoặc gián tiếp được chính phủ chi tiền hoặc cho phép thu lệ phí truyền thông từ người dân như trường hợp của BBC.
RFI tiếng Việt khá hơn Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc nhưng tôi nghĩ độc giả sẽ quan tâm nhiều hơn tới đài tiếng Việt phát từ Bắc Kinh. Hơn nữa, dù có khá, RFI tiếng Việt cũng không phải là đối thủ của các đài phát từ Anh và Hoa Kỳ khi tổng lượng tương tác của họ chỉ đạt chưa tới nửa triệu trong nửa đầu năm nay.
VOA tiếng Việt có lượng tương tác lớn nhất, chiếm gần 6,5 triệu lượt bao gồm gần 800.000 lượt chia sẻ cùng hơn 380.000 bình luận trong sáu tháng đầu năm nay, theo thống kê của Crowdtangle, công cụ theo dõi tương tác mạng xã hội do Facebook sở hữu.
Đứng ở vị trí thứ hai là BBC tiếng Việt với gần 3,8 triệu lượt tương tác trong đó có gần 350.000 lượt chia sẻ và gần 295.000 bình luận.
Dù đứng thứ ba về tổng lượng tương tác trên Facebook, gần 2,9 triệu, nhưng Đài Á Châu Tự Do lại đứng đầu về số lượt chia sẻ - trên 800.000. Số lượng bình luận hơn 340.000 cũng nhiều hơn so với BBC tiếng Việt.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc có màn trình diễn có thể nói là thảm hại trên Facebook dù họ cũng bỏ tiền để quảng cáo một số nội dung nhất định trong sáu tháng đầu năm. Tổng lượng tương tác đạt chưa tới 135.000 trong đó số lượt chia sẻ chỉ vỏn vẹn hơn 3.000 và số bình luận chưa tới 6.000.
VOA tiếng Việt bỏ xa các đài còn lại trong các tháng Hai, Ba và Tư nhưng gần đây đã có lúc bị đuổi kịp, thậm chí vượt qua bởi BBC tiếng Việt và Đài Á Châu Tự Do.
Bài được nhiều tương tác nhất của VOA tiếng Việt là video bé gái khiếm thị cất tiếng hát trong khi đang được bác sỹ trị liệu. Video đăng hồi tháng Ba nhận được gần 195.000 phản ứng khác nhau cùng 24.000 lượt chia sẻ và 3.000 bình luận.
Đài Á Châu Tự Do đã bỏ xa cả VOA tiếng Việt và BBC trong tuần giữa tháng Năm nhờvideo quay cảnh cô giáo ở Hải Phòng tát liên tục vào mặt học sinh trong lúc coi thi. Chỉ một video này thu hút gần 300.000 lượt chia sẻ, hơn 115.000 bình luận cùng 65.000 phản ứng các loại.
Tin được nhiều tương tác nhất của BBC tiếng Việt là video về nhà hoạt động Joshua Wong được trả tự do ở Hong Kong hồi tháng Sáu. Video thu hút 30.000 phản ứng, 2.500 bình luận và 7.600 lượt chia sẻ.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc nhận được khá nhiều tương tác cho bài viết về ‘[m]ột vành đai, một con đường’ hồi tháng Tư. Mặc dù số lượt phản ứng đạt 10.000 nhưng bài chỉ có 11 bình luận và 36 lượt chia sẻ. Điều này cho thấy có nhiều khả năng đây là bài đã được chi tiền quảng cáo.
Xét về số lượng tin bài được đăng trong sáu tháng đầu năm, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc thực ra đứng thứ hai với 4.200 tin bài so với 4.800 của VOA tiếng Việt, 2.800 của BBC và 1.600 của Đài Á Châu Tự Do. Có một số tuần đài Trung Quốc còn hoạt động tích cực trên Facebook hơn cả VOA.
Bản thống kê số lượng bài vở, video.
Một trong những lý do có thể lý giải phần nào màn trình diễn kém cỏi của đài Trung Quốc là họ không đầu tư vào làm video. Trong nửa đầu năm nay, họ chỉ đăng chừng 180 video so với gần 330 của BBC tiếng Việt, gần 420 của Đài Á Châu Tự Do và khoảng 2.300 của VOA tiếng Việt.
Trong cuộc đua giành vị trí đứng đầu trong số các đài phát thanh quốc tế tiếng Việt về lượng tương tác trên Facebook, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc gần như không có cơ hội nào. Đài Á Châu Tự do ngày càng đạt nhiều tương tác trong những tháng gần đây và đài Anh đang bám sát hơn VOA sau vài tháng chững lại. Những con số cho nửa cuối năm 2019 có thể sẽ khá thú vị do cuộc đua giờ không còn khoảng cách khá xa như cách đây vài tháng.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VNTB, 09/07/2019
Nửa cuối tháng Sáu này Đại học Goldsmiths nơi tôi dạy tổ chức triển lãm các công trình tốt nghiệp của hàng ngàn sinh viên theo học hàng chục ngành khác nhau. Một trong những công trình thu hút sự chú ý của tôi là tác phẩm bao gồm hàng chục cuộn giấy vệ sinh được bôi các màu khác nhau nằm trên một bồn cầu kèm theo những từ mở đầu : "Tôi là người Hong Kong, tôi thích tự do ngôn luận…".
Một trong những công trình thu hút sự chú ý của tôi là tác phẩm bao gồm hàng chục cuộn giấy vệ sinh. (Hình : Hùng Nguyễn)
Đây là công trình của Hiu Yu Lai, sinh viên học ngành trị liệu và các màu sắc, theo lời cô, thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của các bệnh nhân cần trị liệu. Hiu Yu Lai là sinh viên Hong Kong duy nhất tốt nghiệp ngành này trong năm nay ở Goldsmiths. Nó làm tôi nhớ tới hàng trăm ngàn bạn trẻ đã xuống đường vì một Hong Kong tự do trong mấy tuần qua. Điều kiện cần đầu tiên để xã hội luôn thay đổi theo hướng tốt hơn là khả năng tự do thể hiện chính kiến, quan điểm và tình cảm.
Công trình khác khiến tôi chú ý là bộ năm bức ảnh với chủ đề ‘Thai nghén ở Goldsmiths’ của nữ sinh theo học ngành tâm lý trị liệu qua nghệ thuật, cô Katherine Foster. Cả công trình là sự thách thức chính trường nơi cô đã học và thật khó có cơ hội để được trưng bày tại các trường ở Việt Nam hay Trung Quốc.
Công trình khiến tôi chú ý là bộ năm bức ảnh với chủ đề ‘Thai nghén ở Goldsmiths’ của nữ sinh theo học ngành tâm lý trị liệu qua nghệ thuật, Katherine Foster. (Hình : Hùng Nguyễn)
Đây là lời chú thích cho năm bức ảnh chụp bụng chửa ngày một to của cô khi đang học ở trường.
Tháng 1
Goldsmiths từ chối trả lại tiền mà sinh viên mất khi các giờ học bị hủy vì cuộc đình công [của các giảng viên].
Tháng 4
Tài khoản sinh viên bị Goldsmiths khóa khiến tôi không vào được các cơ sở của trường trong một tháng.
Tháng 5
Goldsmiths đem con bỏ chợ và từ chối nhận trách nhiệm vì những sai lầm liên quan tới học phí của tôi.
Tháng 7
Văn hóa thể chế có vấn đề của Goldsmiths khiến các thành viên được kính trọng và được đánh giá cao của khoa tâm lý trị liệu qua nghệ thuật bỏ việc.
Tháng 9
Bị Goldsmiths dọa tôi sẽ không được nhận bằng nếu tôi không trả số tiền phạt còn lại, vốn đã quá hạn nộp hai ngày…
Việc một trường đại học cho phép sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân cho dù nhà trường có thể không thích quan điểm đó là điều cần thiết để có một thế hệ trẻ dám thách thức quyền lực.
Điều này cũng khiến các vấn đề của trường không bị ém nhẹm đi và người ta buộc phải tìm cách giải quyết các vấn đề.
Hiện một số sinh viên ở Goldsmiths cũng đang chiếm một số phòng trong một toà nhà chính của Goldsmiths để biểu tình từ vài tháng nay để phản đối điều họ coi là chính sách không thoả đáng của trường về chống phân biệt chủng tộc.
Vụ việc xảy ra sau khi một ứng viên cho chức chủ tịch Hội Sinh viên Goldsmiths phải chịu những hành động được coi là phân biệt chủng tộc. Các băng rôn và biểu ngữ vận động tranh cử của nữ ứng viên Hamna bị xé rách hoặc bị vẽ bẩn kèm theo các lời chế nhạo tiếng Anh giọng nước ngoài của cô. Việc trường bị cáo buộc không có phản ứng kịp thời và đúng mức trước diễn biến này đã dẫn tới chuyện các sinh viên chiếm một số văn phòng trong toà nhà Deptford Town Hall từ tháng Ba tới nay. Một trong số các sinh viên tôi dạy viết báo cũng đã có bài về chuyện này và chính tôi là người duyệt cho đăng sau khi yêu cầu người viết kèm theo giải thích của trường để đảm bảo cân bằng. Nhiều nhân viên của Goldsmiths phải chuyển văn phòng làm việc tới các nơi khác kể từ đó.
Dù trước đó đã định có các biện pháp cứng rắn đối với sinh viên, chẳng hạn dọa kỷ luật các sinh viên chiếm toà nhà để biểu tình hay khóa các cửa thoát hiểm để ngăn sinh viên ra vào toà nhà, Goldsmiths cuối cùng đã phải mềm mỏng. Một trong những lý do dẫn tới chính sách này là sự ủng hộ quyền biểu tình của sinh viên của hàng trăm giảng viên và sinh viên. Một thư ngỏ của các sinh viên biểu tình được hơn 1,000 chữ ký ủng hộ. Lãnh đạo trường hôm 25/6 buộc phải tổ chức gặp gỡ các sinh viên biểu tình và cam kết sẽ bỏ ra hàng chục ngàn bảng Anh để tổ chức đào tạo cho nhân viên nhằm tăng ý thức chống phân biệt chủng tộc trong trường. Cuộc gặp đã được một trong những sinh viên tham dựthuật lại trên Twitter để những người quan tâm có thể theo dõi.
Ba ví dụ trên đây cho thấy rõ khi có một số lượng đủ lớn những người dám đứng lên đấu tranh cho lẽ phải và những người dám ủng hộ những người đấu tranh, giới lãnh đạo buộc phải nhìn lại mình và có những thay đổi phù hợp. Điều đáng tiếc ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á là những người như thế còn hiếm. Các trường tiểu học, trung học và đại học cũng không hướng tới đào tạo những người có ý thức thách thức thực trạng. Nhiều sinh viên ở những nước như thế ra tới bên ngoài vẫn ngày đêm ôm nỗi sợ cố hữu và không dám thể hiện suy nghĩ tự do vì sợ khi trở về sẽ gặp rắc rối. Einstein nói "giáo dục không phải là học các dữ kiện mà là học cách suy nghĩ". Nhưng nhiều bạn trẻ sống trong các chế độ độc đoán nhiều khi chẳng buồn suy nghĩ hay phó mặc cho những người khác suy nghĩ thay cho mình.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 30/06/2019
Vụ giang hồ Đồng Nai dưới sự chỉ đạo của ‘Giang 36’ bao vây xe trên đó có hai trung tá đương chức bao gồm cả một sếp của lực lượng cảnh sát 113 địa phương đã khiến ba người bao vây xe bị bắt. Trong số ba người bị bắt vì ‘gây rối trật tự công cộng’ có Ngô Văn Giang, còn được gọi là Giang 36 vì người này quê Thanh Hóa và 36 là biển số xe của tỉnh này.
Một cảnh tại hiện trường. (Hình : Trích xuất từ video của Báo Tuổi Trẻ)
Thông tin từcông an Đồng Nai nói có người trong nhóm công an đi nhậu cùng doanh nghiệp ở nhà hàng ói vào chân của người thuộc nhóm nhậu khác dẫn tới ‘xô xát’ và hai người bị ‘trầy xước’. Sau đó nhóm công an lên xe rời đi nhưng bị chặn lại sau khi đi được vài trăm mét.
Các nhân chứng lại nói khác khá nhiều. Báo Thanh Niên đưa tin về một người bị nhóm công an ‘đánh’ rách trán và phải khâu 13 mũi. Người này, ông Lê Võ Trương Hải, quê Đắc Lắk, cũng nói công an Đồng Nai lúc đầu hứa sẽ đưa ông đi xác định mức độ thương tật nhưng sau đó họ không liên lạc gì lại.
Ông Hải nói sau khi ông và ông Nguyễn Tấn Lương, doanh nhân đã mời ông Hải tới nhà hàng Lam Viên, bị doanh nhân Phạm Văn Hiền của nhóm công an nôn trúng người mà không xin lỗi, ông Lương đuổi theo đôi co và đấm vào mắt ông Hiền. Ông Hải can ông Lương và kéo ông trở lại phòng VIP 8 và ông Hiền về lại phòng VIP 2 nơi có hai trung tá công an và một đại tá công an đã nghỉ hưu.
Khoảng 10 phút sau nhóm công an kéo sang phòng VIP 8 và ông Hải thuật lại : "Hiền hỏi anh Lương lý do đánh Hiền. Hai bên nói qua nói lại vài câu thì người cảnh sát đi đầu đấm một cái trúng mắt anh Lương.
"Tôi mới đứng dậy can, bảo có gì từ từ nói, vừa dứt lời thì bị người cảnh sát đi sau cùng đấm vào mặt, rồi người này cầm cái ghế phang xuống đầu khiến tôi bị rách ở trán, máu chảy đầm đìa. Tôi ngồi tại quán băng bó vết thương, sau đó được anh Lương chở xuống hiện trường, nơi có nhiều thanh niên đang bao vây chiếc xe. Lúc này công an cũng xuất hiện rất đông, tình hình rất căng thẳng".
Một trang mạng xã hội dẫn lời người họ nói là ‘nhân chứng K’ nói rằng sau khi báo chí đưa tin "anh K mới biết những người xông vào phòng hành hung hôm đó gồm có Trung tá Nguyễn Quang Trường (Đội phó Đội cảnh sát 113) và Trung tá Đinh Tú Anh (đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Công an Đồng Nai) và ông Phạm Văn Hiền cùng ngồi ở phòng VIP 2". Nhân chứng K cũng nói thêm nhóm ở phòng VIP 8 chỉ có bảy người chứ không phải tám hay mười như báo chí đưa và thuật lại lời Trung tá Trường của lực lượng 113 nói với ông Lương ở phòng VIP 8 : "[T]ao thích ói để đánh mày thì sao".
Nhân chứng khác, tên H, được Thanh Niên dẫn lời nói : "Lúc đó, tôi ngồi ở cuối bàn và nói chuyện với người bên cạnh nên không để ý nhóm có cảnh sát vào phòng. Khi nghe ồn ào thì thấy anh Hải ôm đầu, máu chảy be bét. Còn nhóm bên phía cảnh sát kia thì say lắm rồi, đi còn không vững".
Ông H nói thêm : "Khi xe cảnh sát 113 tới, họ không làm rõ vụ đánh nhau, gây thương tích chảy máu đầu mà để nhóm có cảnh sát lái ô tô rời khỏi quán. Hơn nữa, để những người đó đang say xỉn mà chạy như vậy rất nguy hiểm. Việc đấy chẳng đâu vào đâu".
Báo Lao Động cũng dẫn lời ông Lương nói ông gọi giang hồ ứng cứu vì cho rằng nhóm công an đã gọi giang hồ tới trước. Một video được tăng tải trên Facebook cho thấy một người của nhóm công an đi tiểu bên vệ đường cũng bị quay phim và áp giải trở lại xe.
Nhà báo Hoàng Hải Vân trong khi đó nhận định : "Kích hoạt mâu thuẫn là do nhóm công an gây ra, khi ông Hiền ói "nhầm" vào người ông Lương, việc này khiến cho hai ông xô xát nhưng chưa gây thương tích. Sau đó, hai sĩ quan công an cùng ông Hiền vào phòng nhậu của nhóm ông Lương, không phải để dàn xếp phải trái, mà để lại kết quả là một người của nhóm ông Lương là ông Lê Võ Trường Hải bị đánh rách đầu phải may 13 mũi".
"Từ sau vụ án Năm Cam, giang hồ khắp nơi trỗi dậy thi nhau "lấy số". Do luật pháp thực thi thiếu công minh, nên ngày càng có nhiều doanh nhân dựa vào sự bảo kê của họ. Nếu như vụ này vẫn tiếp tục thiếu công minh, xử lý không bình đẳng, thì sẽ tạo thêm cơ hội "lấy số" cho các anh chị "xăm trổ". Nghề "giang hồ xăm trổ" do đó không những không giảm đi mà còn có cơ hội phát triển", ông Hoàng Hải Vân viết tiếp.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trong khi đó cho rằng Giang 36 chặn công an để chứng tỏ bản thân trước một nhân vật giang hồ mới ra tù khác – Hưng Vườn Điều, nhân vật bị xử lý trong vụ mà nhà báo Đức Hiển gọi là "chuyên án lớn thứ nhì dẹp loạn giang hồ sau 1975".
Nhân vụ này cây viết Trương Huy San cũng nhắc lại chuyện cố Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang từng có quan hệ với một "ông trùm nổi tiếng" và viết thêm :
"Ra Hải Phòng hay Quảng Ninh, nhiều lãnh đạo địa phương cũng kể chuyện về những bữa cơm của Đại tướng ở nhà những nhân vật mà ở địa phương ai cũng biết.
"Các nhà báo ở một tỉnh miền Trung kể, các anh rất xấu hổ khi chứng kiến vài sỹ quan công an khúm núm trước một ông trùm khi ông này đang ngồi với sếp họ.
"Chẳng có địa phương nào mà cảnh sát không biết ai đánh bạc, ai tín dụng đen... Chỉ là chúng ta không biết ai đã trói tay ai. Khi giang hồ không còn nể mặt công an rất có thể bọn chúng đã cho rằng công an còn đen hơn chúng".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 21/06/2019
*********************
Hai trung tá công an Đồng Nai bị tạm đình chỉ công tác trong vụ côn đồ vây công an (RFA, 21/06/2019)
Công an tỉnh Đồng Nai vào ngày 21/6/2019 ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong vòng một tháng đối với trung tá Đinh Tú Anh, Đội trưởng Cảnh sát trật tự và trung tá Nguyễn Quang Trường, Đội phó Cảnh sát 113 (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội, Công an Đồng Nai).
Giang hồ vây xe có công an hôm 12/6/2019. Courtesy of antt.vn
Báo trong nước đưa tin theo đó hai trung tá này liên quan vụ băng nhóm giang hồ bao vây ôtô gây náo loạn Đồng Nai hôm 12/6/2019. Cơ quan công an đang điều tra xác minh, làm rõ nội dung vi phạm, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật và ngành công an. Hai trung tá này nằm trong số bốn người ngồi trong xe bị "vây nhốt".
Về phía những tay giang hồ bao vây công an thì cho đến nay đã có 4 người bị bắt gồm : Ngô Đình Giang, thường gọi Giang "36" (33 tuổi) ; Nguyễn Duy Kỷ, thường gọi Tuấn "Nhóc" (30 tuổi) ; Mai Văn Căn (29 tuổi) và Nguyễn Tấn Lương (37 tuổi) để điều tra về hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 12/6/2019, tại nhà hàng Lam Viên có hai nhóm ngồi ăn uống rồi xảy ra mâu thuẫn. Nhóm thứ nhất có ông Nguyễn Tấn Lương cùng 9 người. Nhóm thứ hai gồm ông Phạm Văn Hiền, trung tá Nguyễn Quang Trường, trung tá Đinh Tú Anh và đại tá về hưu Huỳnh Bảo Hùng.
Khi ông Hiền đi ra ngoài vô tình nôn ói văng dính vào quần ông Lương tại khu vực quầy lễ tân dẫn đến xô xát giữa hai bên. Nhóm của ông Hiền lên ôtô rời quán thì ông Lương điện thoại cho Giang "36" cùng một số người đuổi theo nhóm của ông Hiền.
Sau đó, nhóm xăm trổ đã chặn xe do trung tá Đinh Tú Anh cầm lái chở ông Hiền cùng trung tá Nguyễn Quang Trường và đại tá về hưu Huỳnh Bảo Hùng.
Vụ việc này cùng vài vụ việc côn đồ tấn công công an trước đó được báo chí trong nước loan tải khiến dư luận đặt câu hỏi, có phải đây là hậu quả nhãn tiền của biện pháp sử dụng côn đồ của công an trong hoạt động đàn áp người dân hay không ?
Những ngày vừa qua Cuộc chiến Việt Nam xuất hiện nhiều trên truyền thông Hoa Kỳ dù không trùng vào dịp kỷ niệm lớn nào.
Bức tường tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Hình minh họa.
Một trong những lý do là các ứng viên cho cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm sau đều bị báo chí soi vì không ai trong số họ từng đi lính ở Việt Nam dù khi đó họ thuộc độ tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự.
Tổng thống Trump được hoãn quân dịch vì đang học dở dang và sau đó có giấy của bác sỹ chứng nhận bị gai xương gót chân. Tuy nhiên con gái của bác sỹ viết giấy chứng nhận đó từng nói cha cô viết giấy vì quen thân phụ của ông Trump.
Thượng nghị sỹ của Đảng Dân chủ Tammy Duckworth, người mất cả hai chân khi phục vụ trong quân ngũ ở Iraq, thậm chí gọi ông Trump là "kẻ hèn nhát" vì tìm mọi lý do để không sang Việt Nam hồi cuối những năm 60 và đầu thập niên 70.
Thượng nghị sỹ Duckworth nói như vậy sau khi ông Trump phát biểu với báo chí Anh rằng ông "không thích cuộc chiến Việt Nam" và cho rằng Hoa Kỳ đáng ra không nên tham chiến ở đó.
Trong phỏng vấn với CNN, vốn được hơn nửa triệu người xem và hàng chục ngàn người tán thưởng, bà Duckworth nói : "Tôi không biết bất cứ ai mặc áo lính, nhất là những người ra trận, lại nói họ thích chiến tranh. Thực ra tôi phản đối Cuộc chiến Iraq nhưng tình nguyện tới đó khi đơn vị của tôi được điều động. Còn vị tổng thống hiện nay đã làm mọi chuyện để không đáp lại lời kêu gọi của đất nước. Nếu ông thực sự là người yêu nước, ông đã đáp lại lời kêu gọi của đất nước. Không chỉ một lần mà ông đã trốn quân dịch năm lần liền."
Bài báo của CNN cũng nói các tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon, Ford và George H.W. Bush đều từng tham chiến trong lực lượng hải quân. Tổng thống Reagan và Carter không tham gia chiến đấu nhưng đều tham gia quân ngũ. Trái lại, các Tổng thống Clinton, Obama và Trump không phục vụ trong quân đội ngày nào còn ông George W. Bush cũng tìm cách để khỏi phải đi Việt Nam bằng cách tham gia lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Trong các ứng viên tổng thống cho kỳ bầu cử vào năm 2020, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng viên độc lập, nộp đơn phản đối cuộc chiến Việt Nam và từ chối đi lính cách đây hơn 40 năm nhưng ông cũng đã quá tuổi vào thời điểm tuyển nghĩa vụ. Về sau này ông nói ông chỉ phản đối chính sách chứ không phản đối những người tham chiến.
Ứng viên của Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, từng hoãn nghĩa vụ năm lần vì còn đang đi học và sau đó bị loại vì bị hen suyễn, vẫn theo CNN. Hãng truyền hình này cũng cho rằng có thể sẽ không có ai từng tham chiến ở Việt Nam trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Trong khi nhiều người tìm cách để ở lại Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra cuộc chiến Việt Nam, New York Times đưa tin về một trường hợp khai tăng tuổi để nhập ngũ và tới Việt Nam chiến đấu. Tờ này dẫn tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng Dan Bullock có thể là người lính Mỹ trẻ nhất bị thiệt mạng kể từ Thế Chiến I khi ngã xuống ở tỉnh Quảng Nam hôm 6/6/1969 khi mới 15 tuổi. Tin về kỷ niệm 50 năm ngày người lính trẻ hy sinh đã được hơn 16.000 lượt chia sẻ và hơn 1.000 bình luận trên Facebook.
Một tin khác cũng được hàng ngàn người chia sẻ là thông báo hôm 10/6 của nhà tang lễ ở bang South Carolina chiêu mộ tình nguyện viên tham dự tang lễ của cựu binh Cuộc chiến Việt Nam James Miske. Ông Miske qua đời ở tuổi 75 và không có ai thân thích.
Tháng Sáu này cũng đánh dấu 47 năm ngày ‘Em bé Napalm’ Phan Thị Kim Phúc bị bom Napalm đốt cháy quần áo và gây bỏng nặng hôm 8/6/1972. Video về bà Kim Phúc nhân dịp này cũng thu hút hàng chục ngàn phản ứng trên trang Facebook mang tên Brut, trang chuyên về các video thời sự ngắn. Video nói hồi năm 1996 bà Kim Phúc đã tới dự và phát biểu nhân Ngày Cựu binh Hoa Kỳ tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, vốn là bức tường ghi tên hơn 58.000 lính Hoa Kỳ không trở về sau cuộc chiến.
Bản sao của bức tường này hiện vẫn đang trên đường đi vòng quanh Hoa Kỳ. Hồi đầu tháng Sáu bức tường đã tới bang Colorado. Bang Ohio sẽ là một trong những điểm dừng chân sắp tới của bức tường ghi nhớ hàng triệu lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam và hàng chục ngàn người tử trận.
Năm 2020 sẽ đánh dấu 45 năm ngày Cuộc chiến Việt Nam kết thúc nhưng những bàn cãi về cuộc chiến này sẽ vẫn còn kéo dài trong nhiều năm tới đây.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/06/2019
Sáng kiến Vành đai và Con đường, nguyên văn theo âm Hán Việt là ‘Nhất đới, Nhất lộ’ có thể đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Ông Tập khai mạc buổi tiệc tại diễn đàn Nhất Đới Nhất Lộ đón khách nước ngoài tại Bắc Kinh, 26 tháng Tư, 2019.
Số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu các nghiên cứu có thẩm định lớn nhất thế giới Elsevier’s Scopus cho thấy các khoa học gia Việt Nam và Trung Quốc đã cùng đứng tên trong gần 1.700 công trình nghiên cứu trong giai đoạn 2013-2017 và mức tăng trưởng hợp tác trong giai đoạn này đạt trên 85%.
Vẫn theo thống kê xuất hiện trên trang chuyên về giáo dục và nghiên cứu ở bậc đại học Times Higher Education có trụ sở tại Anh, số nghiên cứu chung giữa các trí thức Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 80% trong cùng giai đoạn, đạt hơn 3.600 công trình. Con số cho Malaysia là hơn 3.300 nghiên cứu với mức tăng trưởng 175%.
Mức tăng đối với các quốc gia lớn hơn như Nga và Ấn Độ đều ở mức trên 90%. Nước láng giềng của Ấn Độ, Pakistan, thậm chí có mức tăng gần 220% và tổng số nghiên cứu chung giữa hai bên lên tới gần 6.500.
Giáo sư Susan Robertson từ Đại học Cambridge nói với Times Higher Education rằng Trung Quốc khuyến khích các đại học của nước này tìm cách tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bà Robertson nói : "Người ta cũng dành ra ngân quỹ để họ [các trường đại học] phát triển chiến lược xuyên quốc gia".
Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố hồi năm 2013 khi Bắc Kinh cam kết bỏ ra 750 tỷ đô la để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc nhắm tới gần 70 nước với nửa dân số thế giới và trên 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Nhà nghiên cứu Colin Parks từ Khoa Báo chí của Đại học Hong Kong Baptist cho rằng Trung Quốc sẽ có "vai trò trực tiếp trong việc tạo dựng những mặt căn bản" trong quá trình phát triển của các nước liên quan tới sáng kiến của Bắc Kinh.
Chuyên gia này nhận định : "Về mặt lịch sử mà nói, sự áp đảo về kinh tế tất yếu dẫn tới áp đảo về văn hóa ở mức độ nhất định… Nhìn vào sự mất cân bằng quá lớn giữa Trung Quốc và các láng giềng gần, tương quan lịch sử dễ thấy là trường hợp của Hoa Kỳ đối với Mỹ Latin trong phần lớn thế kỷ 20".
Colin Parks dẫn nghiên cứu của nhiều học giả cho rằng sự thống lĩnh của Hoa Kỳ với các quốc gia Mỹ Latin có thể xem là "bành trướng truyền thông và văn hóa". Về mặt truyền thông, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đang phát bằng 44 ngôn ngữtrong đó có cả tiếng Việt. Kênh truyền hình bằng tiếng Anh CGTN trong khi đó tăng cường hoạt động trong cố gắng cạnh tranh với CNN và BBC.
Trong giáo dục, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đón nửa triệu sinh viên quốc tế tới các trường đại học ở Trung Quốc trong năm 2020. Mặc dù Trung Quốc hiện mới chỉ có hai đại học nằm trong 100 đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education, Đại học Thanh Hoa đã lần đầu tiên vươn lên đứng đầu Châu Á trong bảng xếp hạng 2019. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có tham vọng đưa trên 40 đại học của nước này đạt chất lượng quốc tế trong vòng 30 năm nữa.
Quay trở lại lĩnh vực nghiên cứu, Times Higher Education cũng nói trong giai đoạn 1997-2017, số nghiên cứu có thẩm định từ Trung Quốc trong cơ sở dữ liệu đầu bảng thế giới Elsevier’s Scopus tăng trên 1.300% so với mức tăng gần 65% của Hoa Kỳ và trên 110% của Châu Âu trong cùng giai đoạn. Người ta cho rằng số nghiên cứu của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trong vài năm tới.
Đương nhiên mối lo đối với hầu như tất cả những gì tới từ Trung Quốc là chất lượng tới đâu. Times Higher Education nhắc lại trường hợp một tạp chí phương Tây đã rút lại 100 bài nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc trong năm 2017 vì họ cho rằng quá trình thẩm định các bài này có vấn đề. Nhưng người ta cũng nói so với tổng số khổng lồ các công trình nghiên cứu từ Trung Quốc, số công trình có thẩm định theo kiểu dối trá không phải là nhiều.
Người ta còn đang dự đoán chỉ trong vòng một năm nữa Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ về số công trình nghiên cứu khoa học được trích dẫn. Và một khi sức mạnh mềm của Trung Quốc chinh phục được thế giới thì ảnh hưởng của nó ở Việt Nam có lẽ cũng là điều tất yếu.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 29/05/2019
Đảng Xã hội chủ nghĩa Anh, tên tiếng Anh là Socialist Party of Great Britain, viết tắt là SP, đã đứng cuối trong bảng kết quả bầu cử Nghị viện Châu Âu tại Anh vừa qua theo kết quả mới công bố.
Biểu ngữ chống Brexit tại London, 22 tháng Năm, 2019.
Số phiếu Đảng Xã hội chủ nghĩa Anh thu được chỉ vỏn vẹn 3.505 phiếu so với con số gần 5,3 triệu phiếu của đảng về nhất, The Brexit Party, vốn là đảng mới được lập ra với đường lối nhanh chóng đưa nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Đáng ra nước Anh đã ra khỏi EU hồi cuối tháng Ba nhưng thời hạn rời Liên Hiệp Châu Âu nay đã lùi tới cuối tháng 10 và đây là lý do người dân Anh phải tham gia bầu cử Nghị viện Châu Âu.
Đảng về nhì là Đảng Dân chủ Tự do với hơn 3,3 triệu phiếu bầu trong tổng số hơn 17 triệu phiếu.
Cả hai đảng chính, Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động, đều thất bại thảm hại. Đảng Lao động đứng thứ ba với hơn 2,3 triệu phiếu, giảm hơn 11% so với lần bầu cử trước và chỉ hơn chừng 300.000 phiếu so với Đảng Xanh, đảng đứng thứ tư.
Ở vị trí thứ năm chính là Đảng Bảo thủ đương quyền, đảng chỉ được hơn 1,5 triệu phiếu, giảm gần 15%.
Tổng cộng có 22 đảng cùng các ứng viên độc lập tham gia bầu cử Nghị viện Châu Âu.
Đảng Xã hội chủ nghĩa Anh, tên viết tắt là SP – Socialist Party, thậm chí còn không được nhiều phiếu bằng Đảng An sinh Động vật. Đảng chăm lo cho động vật này được hơn 23.000 phiếu, đứng thứ 19 khi có số phiếu hơn đảng mang tên xã hội chủ nghĩa tới 20.000.
SP ủng hộ đấu tranh giai cấp, có kế hoạch quốc hữu hoá chừng 150 công ty và ngân hàng lớn, cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cũng như tăng lương hưu thêm 50%.
Mặc dù vậy SP không nói cụ thể họ sẽ chi trả như thế nào cho các chính sách cấp tiến của họ.
Tài sản của đảng này được định giá ở mức 1,3 triệu bảng Anh theo số liệu sổ sách được BBC dẫn hồi năm 2015.
Vào thời điểm đó SP, đảng được thành lập từ năm 1904, có hơn 450.000 bảng tiền mặt cùng bất động sản trị giá 900.000 bảng.
Tuy nhiên chỉ bốn năm sau SP đang kêu gọi hội viên đóng góp để họ chuyển trụ sở khỏi nơi họ đang thuê vì chủ nhà đòi lại nơi đảng này đang dùng làm cơ sở hoạt động.
Số tiền đóng góp đã lên tới hơn 150.000 bảng.
Thua cả cướp biển
Về mặt chính sách, SP cũng ủng hộ nhiều chính sách của Đảng Lao động, đảng đối lập chính ở Anh.
Trong cuộc bầu cử Nghị viện lần gần đây nhất ở Anh hồi năm 2017, SP cũng chỉ dành được chưa tới 500 phiếu bầu, thua cả Đảng Cướp biển – Pirate Party, vốn được trên 2.000 phiếu.
Số đảng viên của SP hồi năm 2015 chỉ có 300, theo thống kê BBC dẫn lại. Bất chấp việc được thoải mái cạnh tranh trong chính trường, SP dường như đã không cải thiện được vị trí của họ trong những năm gần đây.
Mặc dù được coi là một trong những quốc gia tư bản hàng đầu, Anh có nhiều chính sách an sinh xã hội theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa.
Dịch vụ y tế tại Anh hoàn toàn miễn phí tại các bệnh viện và phòng khám. Chính sách cho người nghèo khó và khuyết tật cũng khá hơn hẳn so với một số ít các nước tuyên bố theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Việc một số công ty tư nhân phá sản khi đang thực hiện các hợp đồng dịch vụ mà họ ký kết với chính phủ cũng gây ra tranh luận về chuyện liệu chính quyền có nên đứng ra trực tiếp cung cấp một số dịch vụ nhất định hay không.
Anh cũng gần giống Hoa Kỳ ở chỗ chỉ có hai đảng chính thay nhau cầm quyền là chủ yếu. Đảng Dân chủ Tự do, đảng lớn thứ ba ở Anh trong hầu hết các cuộc bầu cử Nghị viện, cách đây vài năm cũng được Đảng Bảo thủ mời vào chính phủ liên minh khi phe bảo thủ không đạt được đa số phiếu trong Nghị viện để lập chính phủ đa số.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 28/05/2019