Những ngày đầu tháng Năm nước Anh chứng kiến một bộ trưởng quốc phòng mất chức vì cái rễ của hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tại đảo quốc này.
Những ngày đầu tháng Năm nước Anh chứng kiến một bộ trưởng quốc phòng mất chức vì cái rễ của hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tại đảo quốc này.
Ông Gavin Williamson bị Thủ tướng Theresa May sa thải sau cuộc điều tra về chuyện ai để lộ tin Chính phủ Anh có thể sẽ để Huawei tham gia phát triển mạng lưới di động 5G, dù chỉ là tham gia cung cấp thiết bị vòng ngoài, chẳng hạn như hệ thống ăng-ten, chứ không phải cho phần cốt lõi của mạng 5G. Ông Williamson cùng bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng ngoại giao được cho là đã bày tỏ lo ngại về việc để công ty Trung Quốc tham gia phát triển hệ thống 5G. Trước đó Hoa Kỳ đã cảnh báo các đồng minh đừng để Huawei dính vào phát triển công nghệ không dây thế hệ 5.
Trong số năm quốc gia có quan hệ mật thiết về chia sẻ tin tức tình báo gồm Anh, Australia, Canada, Hoa Kỳ và New Zealand, ba nước đã quyết định không để Huawei có chân trong hệ thống di động 5G, vốn sẽ tăng tốc độ tải lên và tải xuống từ 10-20 lần so với 4G.
Hai nước còn chưa quyết định chính là Anh và Canada.
Huawei đã đầu tư chừng 1,65 tỷ đô la Mỹ vào Anh trong vòng năm năm qua, tạo hàng trăm công ăn việc làm. Sau khi bị Hoa Kỳ dội gáo nước lạnh bằng việc cấm bán thiết bị vào Hoa Kỳ bên cạnh việc đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính và con gái ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi, hãng cung cấp thiết bị mạng viễn thông số một thế giới đang có vẻ dồn đầu tư vào Anh.
London từ lâu đã mở rộng vòng tay với những xấp tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Thêm nữa, Chính phủ Anh cũng bị cho là thiếu viễn kiến khi chỉ cam kết đầu tư nhỏ giọt chừng hơn 1,5 tỷ đô la cho mạng 5G trong vòng vài năm tới so với hàng trăm tỷ đô la mà Bắc Kinh sẽ bỏ ra. Đây lại là lý do nữa họ muốn dựa vào nguồn đầu tư từ bên ngoài.
Thực tế Huawei đã bám rễ trong ngành viễn thông Anh từ năm 2005. Đó là khi họ đưa ra gói thầu có trị giá thấp hơn so với các công ty đối thủ hàng trăm triệu đô la để được chọn tham gia cung cấp thiết bị cho dự án nâng cấp mạng viễn thông trị giá 15 tỷ đô la của hãng viễn thông Anh BT. Tám năm sau các chuyên gia an ninh và tình báo của Anh mới giật mình và lên cơn "sốc" khi không có bộ trưởng nào được thông báo về sự tham gia của Huawei vào quá trình nâng cấp hệ thống viễn thông vào thời điểm ký kết hợp đồng, theo BBC.
Các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo ngay từ năm 2008 rằng về lý thuyết chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng các sơ hở trong thiết bị của Huawei để thâm nhậm mạng lưới của BT. Tình báo Anh cho rằng BT đã có những biện pháp để xử lý các rủi ro như vậy nhưng chính quyền Anh lại "không có bất kỳ chiến lược" nào để theo dõi hay phản ứng trước các cuộc tấn công có thể xảy ra.
Trên thực tế BT cũng xác nhận họ đang tháo bỏ các thiết bị của Huawei trong phần cốt lõi của hệ thống 3G và 4G, đó là các phần có liên quan tới dữ liệu về người dùng và của người dùng cũng như kết nối các cuộc gọi.
Dù Huawei luôn khẳng định họ không có liên quan gì tới chính quyền Bắc Kinh, bản thân ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi, 74 tuổi, từng thừa nhận với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng ông đã gia nhập quân đội Trung Quốc từ thời Cách mạng Văn hoá và cũng trở thành đảng viên cộng sản hồi năm 1978, chín năm trước khi ông lập Huawei.
Ông Nhậm cũng xác nhận với phóng viên BBC rằng tại Huawei có chi bộ của Đảng Cộng sản dù ông nói mọi công ty hoạt động ở Trung Quốc đều phải có chi bộ theo luật pháp hiện hành.
Ông chủ Huawei nói ông thà đóng cửa công ty có doanh số hơn 100 tỷ đô la Mỹ thay vì nghe lệnh chính phủ Trung Quốc làm phương hại tới khách hàng.
Nhưng Hoa Kỳ cũng dẫn luật được Trung Quốc thông qua trong năm 2017 mà theo đó các công ty phải "hỗ trợ, hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực tình báo quốc gia" để nói rằng các công ty như Huawei "không an toàn và không đáng tin".
Trong khi đó một phóng sự công phu của BBC dẫn lời chuyên gia nói rằng việc loại Huawei ra khỏi các mạng viễn thông ở Hoa Kỳ sẽ khiến nước này tụt hậu về năng lực 5G bởi họ không thể tham gia vào các mạng có sử dụng Huawei ở châu Âu và châu Á. Quyết định của Hoa Kỳ cũng được cho là sẽ tạo ra "tấm màn sắt digital" giữa một bên dùng thiết bị Trung Quốc và một bên không.
Anh đang muốn có quyết định làm hài lòng cả Hoa Kỳ và cả Trung Quốc. Trung Quốc có hài lòng không hiện chưa rõ nhưng Hoa Kỳ đã nói rằng không có mức độ tham gia nào của Huawei trong hệ thống 5G là an toàn cả. Số ít nước đã quyết định ngả về với Hoa Kỳ như Australia tin rằng không có lý do gì họ đánh đổi an ninh quốc gia bằng việc dùng thiết bị của công ty vốn không thoát khỏi hệ thống chính trị của Trung Quốc như Huawei. Quyết định của Anh sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhiều nước mà cho tới giờ vẫn chưa ngả về bên nào trong cuộc đua xây dựng mạng lưới 5G.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 04/05/2019
********************
Bộ trưởng quốc phòng Anh bị cách chức vì tiết lộ tin về Hoa Vi (RFI, 02/05/2019)
Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã loan báo quyết định cách chức bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson vào tối hôm qua, 01/05/2019, sau vụ thông tin bị rò rỉ trên báo chí về việc tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi được tham gia xây dựng mạng 5G ở Anh Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson vừa bị cách chức. Ảnh chụp ngày 02/04/2019. Reuters/Alkis Konstantinidis
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :
Người mách lẻo là ông ấy ! Gavin Williamson đã lớn tiếng phủ nhận việc ông là người rò rỉ thông tin, cho dù vẫn tiếp tục tiết lộ tin ra cho báo chí sau một cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Trong cuộc họp này, nhiều bộ trưởng đã tỏ ý nghi ngờ quyết định của thủ tướng Theresa May cho phép Hoa Vi tham gia việc triển khai mạng 5G ở Anh Quốc. Tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ tình nghi làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh.
Tức giận vì thái độ hoài nghi nói trên bị nêu bật công khai trên báo chí, chính phủ Anh đã nhanh chóng mở điều tra và sau cùng thủ tướng May đã kết luận rằng không còn giải thích hợp lý nào khác ngoài việc chính ông Gavin Williamson can dự vào việc tiết lộ thông tin.
Là một nghị sĩ trẻ tuổi đầy tham vọng, được đề bạt làm bộ trưởng quốc phòng vào cuối năm 2017, là một ngôi sao đang lên của đảng Bảo Thủ, được cho là cũng đang ngắm nghía chiếc ghế thủ tướng, ông Williamson đã thấy sự nghiệp đột nhiên bị gẫy đổ.
Tuy nhiên, việc ông bị cách chức cũng là một thất bại đối với bà Theresa May, vừa mất thêm một cột trụ của chính phủ sau một loạt vụ từ nhiệm, và trong bối cảnh khủng hoảng về Brexit.
Ngoài ra, Gavin Williamson còn là một đồng minh thân cận của bà May và cho đến giờ ông rất trung thành với thủ tướng. Việc ông ra đi không mấy vẻ vang, lại càng cô lập hơn nữa vị nữ thủ tướng nước Anh.
Mai Vân
*******************
Bộ trưởng quốc phòng Anh bị sa thải vì vụ rò rỉ tin về Huawei (BBC, 02/05/2019)
Ông Gavin Williamson bị cách chức bộ trưởng quốc phòng sau cuộc điều tra về vụ rò rỉ thông tin một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia.
Phát ngôn viên của bà Theresa May nói an ninh quốc gia là "quan trọng nhất"
Downing Street nói thủ tướng "mất tín nhiệm đối với khả năng phụng sự của ông", và ông Penny Mordaunt sẽ thay thế.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi có các tường thuật về kế hoạch cho phép hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc quyền tiếp cận hạn chế nhằm giúp xây dưng mạng lưới 5G mới tại Anh.
Ông Williamson, người giữ chức bộ trưởng quốc phòng kể từ 2017 tới nay, tiếp tục bác bỏ việc mình đã tiết lộ thông tin.
Cuộc điều tra về vụ rò rỉ thông tin cuộc họp của Hội đồng Anh ninh Quốc gia được tiến hành sau khi báo Daily Telegraph tường thuật về các cảnh báo trong nội các về khả năng có nguy cơ rủi ro đối với an ninh quốc gia liên quan tới hợp đồng Huawei.
Hội đồng An ninh Quốc gia gồm các bộ trưởng cao cấp trong nội các và các cuộc họp hàng tuần do thủ tướng chủ trì; các bộ trưởng, quan chức và những gương mặt cao cấp từ các lực lượng có vũ trang, các đơn vị tình báo cũng được mời họp khi cần.
Đây là nơi bàn thảo mà các tin tức bí mật có thể được các cơ quan tình báo Anh GCHQ, MI6 và MI5 chia sẻ. Tất cả những người này đều tham gia cam kết giữ bí mật theo Đạo luật Giữ Bí mật của Anh.
Không có xác nhận chính thức về vai trò của Huawei trong mạng lưới 5G, và Số 10 Downing Street nói kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối mùa xuân.
Huawei bác bỏ việc có bất kỳ nguy cơ gián điệp hoặc phá hoại nào trong các sản phẩm do hãng cung ứng, và bác bỏ việc hãng bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
Hơn 10 ngày sau khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện, chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều xác nhận điều mà mạng xã hội đã nói ngay trong ngày ông Trọng ngã bệnh hôm 14/4, cũng là ngày ông tròn 75 tuổi.
Báo Thanh Niên loan tin về tình hình sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng. Photo Báo Thanh Niên
Có điều bất thường là ngay cả các blogger vốn đã từng viết về sức khoẻ của các lãnh đạo cao cấp khác, chẳng hạn như bệnh tình cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng không cảm thấy họ cần viết gì về thể trạng của ông Trọng trong hơn một tuần qua. Nếu không có phong trào dân làm báo trên mạng xã hội, Việt Nam hẳn giống đất nước của ‘thiên bồng nguyên soái’ Bắc Triều Tiên mà ông Trọng đón tiếp rất trọng thị mới đây trong 10 ngày đầu sau khi ông Trọng ốm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội hôm 25/4 đã khẳng định sức khoẻ của ông Trọng "có bị ảnh hưởng" do lịch làm việc dày đặc trong điều kiện khi thì đi ngoài trời nóng 38 độ lúc lại vào cơ sở đông lạnh. Nhưng cả bà Ngân và người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều không nói cụ thể ông Trọng ốm thế nào dù nói ông sẽ sớm trở lại làm việc.
Trước đó cũng có thuyết âm mưu rằng ông Trọng chỉ giả ốm và đây là một phần của kế sách chính trị của ông lão đốt lò. Tuy nhiên điều này nay đã được chứng minh là vô lý. Ngay kể cả không có những khẳng định ông Trọng ốm từ các quan chức chính phủ, người ta cũng có thể phán đoán không có chuyện ông vờ ốm. Nếu thực sự ông giả vờ để bẫy đối thủ chính trị, hệ thống truyền thông của đảng sẽ được sử dụng cho mục đích này và họ không bị cấm đưa tin như trong mười ngày đầu. Thời điểm này cũng không phải là lúc để tổng bí thư kiêm chủ tịch nước giả ốm. Người ta trông đợi ông có chuyến đi tới Trung Quốc để tham gia hội nghị ‘Vành đai và Con đường’ tại Bắc Kinh mà cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thay.
Ông Trọng cũng ngã bệnh vào lúc củi lửa tham nhũng đang cháy to với việc ông Phạm Nhật Vũ, em trai người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, bị cho vào lò vì cáo buộc đưa hối lộ. Người ta còn đồn đoán rằng đích nhắm tới của ông Trọng là con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng.
Câu hỏi đặt ra là liệu chiếc lò của ông Trọng sẽ ra sao nếu ông không còn có khả năng trông coi nó như thời gian vừa qua. Liệu một số lớn đảng viên đã bán chính thức tham gia ‘đảng ăn’ khi họ ‘ăn của dân không từ thứ gì’ có tiếp tục bị thanh trừng khi người chủ trì chống tham nhũng rời chính trường ? Đây là câu hỏi mà có lẽ chính ông Trọng cũng không có câu trả lời. Và việc ông Trọng đổ bệnh vô hình chung đã là phát súng mở đầu cho cuộc đua vào vị trí tổng bí thư khi Đảng Cộng sản mở Đại hội lần tới trong hai năm.
Chuyện ông Phúc, một trong những ứng viên mạnh cho vị trí đứng đầu đảng, đi Trung Quốc từ 25-27 và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình tạo cho ứng viên này thêm lợi thế bên cạnh những lợi thế sẵn có. Thâm niên của ông Phúc trong Bộ Chính trị vượt trội hơn các đối thủ khác và kinh nghiệm điều hành bộ máy hành chính cũng giúp ông trong cuộc đua. Nhưng nếu kinh nghiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy bất cứ điều gì thì đó là trở thành người miền nam đầu tiên giữ chức tổng bí thư sẽ không dễ. Một điều không dễ nữa là ông Phúc cũng sẽ bằng tuổi ông Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm ông Dũng muốn ở lại làm tổng bí thư, 66 tuổi, vào thời gian diễn ra Đại hội tới vào năm 2021.
Ứng viên nhẹ ký hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong khi đó vừa có cuộc tiếp xúc cử tri tại Ninh Kiều, Cần Thơ, nơi bà đã có tuyên bố chung chung về chuyện ông Trọng không được khoẻ. Dù bà là ứng viên không hẳn nổi bật nhưng trong một cuộc đua mà các ứng viên nặng ký bất phân thắng bại, họ sẽ thà tìm người thoả hiệp thay vì ủng hộ đối thủ của mình và bà Ngân có thể là một nhân vật như vậy.
Hai ứng viên khác từ bên đảng và có nhiều khả năng họ sẽ trung thành với công cuộc đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng hơn nếu họ thành công trong cuộc chạy đua.
Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và cựu Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương là cánh tay phải của ông Trọng trong việc thanh trừng tham nhũng hiện nay. Nhưng cây bình luận Nguyễn Khắc Giang nhận định trong bài viết trên trang The Diplomat rằng ông Vượng có những điểm bất lợi. Ông chưa từng giữ bất kỳ vị trí quản lý nhân sự đáng kể nào, dù là bí thư hay chủ tịch tỉnh. Ông Vượng cũng sẽ vượt giới hạn tuổi 65 dành cho những người có thể ở lại bộ chính trị vào năm 2021 mà không cần được đặc cách như đã từng xảy ra với ông Trọng.
Ứng viên trẻ nhất trong nhóm bốn người có tiềm năng thay ông Trọng là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, một cựu tướng công an. Ông Chính sẽ ở tuổi 62 khi Đại hội 13 diễn ra. Nhân vật này cũng có một số điểm yếu, vẫn theo chuyên gia phân tích Nguyễn Khắc Giang - đó là ông hiện mới đang có nhiệm kỳ đầu tiên trong Bộ Chính trị dù có kinh nghiệm cải cách hành chính và đổi mới kinh tế khi là Bí thư Quảng Ninh, một trong năm địa phương giàu nhất cả nước. Nhưng trong lịch sử Đảng Cộng sản chưa từng có chuyện một người làm tổ chức đảng và nắm hồ sơ của mọi đảng viên cao cấp lại lên làm tổng bí thư, ông Giang nhận định.
Cho đến khi cuộc đua vào vị trí tổng bí thư ngã ngũ, người ta khó có thể khẳng định công cuộc đốt lò hiện nay sẽ đi về đâu. Cũng không loại trừ chuyện ông Trọng sẽ hồi phục và lại tiếp tục ở lại thêm nhiệm kỳ nữa. Người ta nói "một tuần đã là quá dài trong chính trường" nên thật khó đoán những gì sẽ xảy ra trong cả 100 tuần nữa.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VOA, 26/04/2019
Chủ Nhật vừa rồi ‘tổng bí chủ’ Nguyễn Phú Trọng bước sang tuổi 75. Thất thập cổ lai giờ không còn hiếm nữa nhưng cũng khó mà giữ phong độ khi tuổi ngày một cao. Đúng ngày sinh nhật của ông, mạng xã hội tràn lan tin ông lăn ra ốm.
Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Kim Jong-un ở Hà Nội, 1 tháng Ba, 2019.
Mạng xã hội lên cơn sốt cao vì tin ông phải nhập viện khi đang thăm Kiên Giang, thủ phủ của gia đình cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thay vì cầu nguyện cho ông chóng khoẻ trở lại người ta có những phản ứng khiến ông có ngày sinh nhật mất vui.
Có người dẫn lại câu nói của ông ‘một không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước’ để nói về phản ứng của truyền thông xã hội. Người nói họ sẽ "ăn mừng" nếu ông không may về với các Vua Hùng. Thật là "thiên hạ đại loạn" trên mạng xã hội theo cách nghĩ của ông Trọng và những người đứng đầu lỗi mốt khác.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta lại hành động như thế ? Ông Trọng vẫn hay nói "mình phải có thế nào người ta mới thế chứ". Vậy cái "phải có thế nào" đó là thế nào ?
Thứ nhất đó là sự chán nản của một phần không nhỏ dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi, về sự tụt hậu của Việt Nam so với những nước không có gì xuất sắc như Thái Lan, Malaysia, Philippines và ở trong một số góc độcả Lào và Campuchia.
Tại một đất nước phong cảnh đẹp, khá giàu tài nguyên và số người trẻ tuổi và sung sức lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào danh sách 20 quốc gia hàng đầu thế giới nếu các diễn biến từ sau năm 1975 cho tới nay không cám cảnh như đã xảy ra. Nhưng danh sách top 20 thế giới hiếm hoi mà Việt Nam lọt vào là tổng dân số, đứng thứ 15 với 97 triệu dân. Dân số cũng là một trong những chỉ số tăng đều kể từ năm 1960 khi dân số Việt Nam ở mức trên 32 triệu.
Về thu nhập bình quân đầu người lấy theo số liệu năm 2017, Lào với mức 2270 đô la Mỹ đã vượt Việt Nam với con số 2160. Con số tương tự cho Singapore là 54.530, Malaysia – 9.650, Thái Lan – 5.950 và Philippines – 3.660.
Một nhà báo trong nước cũng nói Việt Nam đứng thứ 11/12 ở Châu Á về chất lượng lao động. Và mặc dù có tới trên 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ nhưng Việt Nam lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á về nghiên cứu khoa học với số bằng sáng chế được cấp bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 0 Malaysia, 1/30 của Singapore. So với Hàn Quốc chỉ còn được 1/1240 và Trung Quốc – 1/1370.
Thứ hai, về mặt xã hội, báo chí gần đây đưa tin nhiều về cảnh cô đánh trò, trò đánh lẫn nhau, nam tấn công nữ trong thang máy rồi lại quay sang tấn công cả trẻ em. Mọi thứ trong xã hội đều có thể mua được từ điểm đại học cho tới chức quyền. Quan chức xung khắc thanh toán nhau bằng súng. Tôn giáo đươc dùng làm lá bài kiếm tiền. Nói dối được chính thức hoá từ nhiều năm và được gọi là báo chí.
Ấy vậy mà ông Trọng vẫn nói "chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới". Câu nói này đúng ở một số nơi nhưng nó thiếu đi góc nhìn so sánh. Gần như mọi nước đều phát triển mỗi năm, chỉ có điều tốc độ ra sao và mặt bằng như thế nào so với hàng xóm láng giềng.
Trở lại chuyện ông Trọng ốm, sức khoẻ của "người đốt lò vĩ đại" đáng ra phải được truyền thông quan tâm và nếu có chạy sau mạng xã hội thì cũng không quá lâu. Nhưng nếu vậy nó đã không phải là tuyên truyền theo kiểu cộng sản trong đó các nhà báo thấy chính quyền bảo sao thì nghe vậy. Truyền thông chính thống như bao lần trước đây nhường sân cho mạng xã hội đang ngày càng có thêm người đọc.
Trong cùng khoảng thời gian thiên hạ râm ran chuyện ông Trọng phải nhập viện, nữ bất đồng chính kiến Huỳnh Thục Vy cũng kể chuyện cha cô phải nhập viện nhưng không được chăm sóc kịp thời. Cô viết :
"Ba em, Huỳnh Ngọc Tuấn, bị lao phổi kháng thuốc từ hồi còn ở trong tù. Ông cầm cự gần 20 năm nay, nhưng 2 tháng gần đây bệnh trở nặng. Vợ chồng em thuyết phục mãi ông mới chịu vô cấp cứu ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn.
"Ông đã ói ra máu. Nhưng đến hôm nay đã hơn 2 ngày nhập viện mà các bác sĩ vẫn chưa thăm khám, các xét nghiệm vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Tình hình sức khỏe ba em đang tệ lắm, nếu không được xét nghiệm đầy đủ và điều trị thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Có ai quen bác sĩ chuyên lao phổi ở Phạm Ngọc Thạch không, giúp em với".
Những chuyện như thế này cho thấy những người không muốn làm cừu, không có quan hệ với quan chức và không có tiền để lót tay khổ tới đâu dưới sự cai trị của ông Trọng và các đảng viên. Bởi vậy có lẽ ông đốt lò cũng nên quá ngạc nhiên khi mình lăn ra ốm giữa sinh nhật mà mạng xã hội chỉ toàn trù ẻo.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 19/04/2019
Đầu tháng Tư tôi có dịp tới Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria, nơi một ông lão 76 tuổi người miền bắc có tiếng trong sạch vừa được bầu làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa hồi tháng Hai.
Ông Muhammadu Buhari, 76 tuổi người miền Bắc có tiếng trong sạch, vừa được bầu làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa hồi tháng Hai
Giống như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam, ông Muhammadu Buhari chiến thắng phần nhiều nhờ cam kết tiếp tục chống tham nhũng và lập lại kỷ cương. Và cũng giống ông Trọng, ông Buhari bị cáo buộc dùng cuộc chiến chống tham nhũng để loại bỏ đối thủ chính trị.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân tới Lagos là đi ngược về quá khứ dù Châu Phi được coi là tương lai của thế giới sau nhiều thập niên nữa. Khách nước ngoài tới sân bay Murtala Muhammed được yêu cầu trình bằng chứng đã tiêm chủng sốt vàng da. Cô nhân viên xem giấy chứng nhận đã tiêm chủng của tôi nghiêm túc hỏi tôi có mang quà gì cho cô không. Khi tới hải quan sau quá trình lấy vali lâu và khá lộn xộn, một nữ nhân viên khác cũng có câu hỏi tương tự. Tôi nghe nói nếu ai quên tiêm chủng chỉ cần đưa vài chục đô la là người ta quên chuyện đó luôn.
Tình hình an ninh ở Nigeria khá phức tạp. Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân không nên tới nhiều nơi ở miền Bắc vì nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram vẫn còn lẩn trốn ở đó. Một số vùng khác cũng ở miền Bắc thuộc dạng chỉ nên tới khi thật cần thiết. Ngay trước hôm tôi tới Nigeria, 50 dân thường và dân phòng ở bang Zamfara thuộc vùng tây bắc đã bị băng đảng giết chết sau khi một nhóm dân phòng thách thức các tay anh chị tại vùng này.
Lagos nơi tôi tới nằm ở miền Nam và là thành phố đông dân nhất của đất nước đông dân nhất Châu Phi. Trên 20 triệu trong tổng số 180 triệu dân Nigeria sống ở Lagos. Nigeria được cho là một trong số hiếm các nước nơi phụ nữ vẫn có nhiều con dù học vấn của họ khá lên nhiều. Trung bình mỗi phụ nữ hiện có trên năm con. Một thống kê mà truyền thông đưa ra là trong ngày đầu của năm 2018, tại Nigeria có hơn 20.000 trẻ em ra đời so với con số gần 45.000 của Trung Quốc, trên 69.000 của Ấn Độ, gần 15.000 của Indonesia, trên 13.000 của Pakistan và trên 11.000 của Hoa Kỳ.
Nigeria như gia đình đông con và rất nhiều đứa vất vưởng. Cũng số liệu của năm 2018 cho thấy có tới gần 87 triệu dân sống trong đói nghèo cùng cực, nhiều nhất trên thế giới. Tại các con phố ở Lagos, rất nhiều người ngồi bên vệ đường chờ việc hoặc đứng dưới lòng đường bán đủ loại đồ từ nước, tới bánh kẹo, hoa quả, báo và tạp chí. Sự nghèo khó cũng thể hiện qua những chiếc ô tô quá cũ kỹ, vô cùng ô nhiễm và là thủ phạm gây tắc đường. Từ sân bay về tôi thấy khoảng năm chiếc xe hỏng giữa đường khiến các ô tô khác phải tránh. Có hôm tôi ngồi trong taxi hai tiếng để tới nơi mà lúc không tắc đường chỉ mất 15 phút. Hôm đó tôi cũng chứng kiến chiếc xe tải hạng nhẹ trước mặt cũ tới mức cửa không đóng kín hoàn toàn được và thỉnh thoảng lại có người phải chạy xuống đẩy để nổ máy. Nó làm tôi nhớ lại những năm 1980 ở Việt Nam khi người ta đỗ xe hơi trên dốc để lúc cần đi đâu dùng đà xuống dốc để nổ máy bằng cách cài số khi xe đang lao xuống.
2222222222222222222
Nạn kẹt xe ở Lagos cũng không khác gì Việt Nam, những số người đi bộ nhiều hơn
Lagos có nhiều nơi hoành tráng và sang trọng nhưng bên cạnh đó là sự nghèo khó và nhếch nhác tới nao lòng. Tôi bàng hoàng khi tận mắt thấy Nigeria thua kém Việt Nam tới đâu về kinh tế dù theo đánh giá của tôi, Việt Nam cũng vẫn còn rất nghèo.
Nhưng về mặt tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, Nigeria hơn Việt Nam nhiều. Tổng thống Buhari của Nigeria được bầu lại thêm nhiệm kỳ nữa qua cuộc bầu cử đa đảng. Thống kê của Ủy ban Bầu cử Nigeria cho thấy có trên 90 đảng chính trị đăng ký hoạt động. Bản thân ông Buhari, vốn là cựu tướng quân đội và từng tham gia đảo chính hồi thập niên 80, đã tranh cử tổng thống bất thành ba lần cho tới khi lên cầm quyền lần đầu hồi năm 2015. Trong cuộc bầu cử đầu năm nay chỉ có 18% cử tri tới hòm phiếu vì nhiều lý do trong đó có lo ngại về an ninh và thất vọng với những thay đổi chậm chạp ở Nigeria. Ông Buhari cũng chiến thắng với chỉ56% số phiếuthay vì những con số 80 hay thậm chí 90% như ở Việt Nam.
Nigeria cũng vẫn tìm cách gây sức ép với truyền thông qua lực lượng an ninh dù bất cứ công dân nào cũng có quyền ra báo, lập đài ở đất nước này. Tôi đã tới thăm một cụm đài tư nhân và chứng kiến một buổi phát thanh của đài Lagos Talks 91.3 FM bằng tiếng Anh, ngôn ngữ mà đa số người dân được học hành đều hiểu. Người ta gọi tới để bình luận về các vấn đề thời sự, than phiền về chuyện mất nước, mất điện, không có đèn đường và nhiều vấn đề khác. Tự do chính trị và tự do truyền thông tương đối chưa mang lại thành công về kinh tế cho Nigeria. Nhưng chắc chắn nó làm cho cuộc sống của người dân bớt ngột ngạt đi nhiều.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 13/04/2019
Theo bảng xếp hạng toàn cầu mới nhất về chỉ số hạnh phúc do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, Việt Nam tiến một bậc lên vị trí 94 trong tổng số 156 nước có tên.
Hình minh họa.
Trong khi đó Anh tăng bốn bậc về hạnh phúc đứng ở vị trí 15 bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan tới Brexit.
Là người sống tại Anh nhưng theo dõi sát những diễn biến tại Việt Nam, tôi có thể hiểu được tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa độ hài lòng của người dân Anh và các đồng hương của tôi tại Việt Nam.
Điều lớn nhất chính là sự tự do quyết định các vấn đề trong cuộc sống của mình mà không có sự can thiệp quá lố của chính quyền.
Nếu một ngày đẹp trời bạn chán công việc tẻ nhạt và muốn lập công ty kinh doanh, bạn chỉ việc lên mạng, điền các thông tin cần thiết và nộp vài chục bảng lệ phí. Chỉ sau một, hai ngày bạn đã đàng hoàng là giám đốc công ty tư nhân mà bạn vừa lập ra với trụ sở tại tư gia.
Nếu bạn chán chính quyền và muốn rủ vài chục bạn cũng chán chính trị gia đương quyền giống bạn xuống đường, bạn chỉ việc đăng ký với cảnh sát nơi bạn muốn biểu tình. Họ sẽ đảm bảo an ninh trật tự giúp bạn thay vì cử người tới nhà canh để bạn khỏi đi biểu tình.
Nếu bạn chán nước Anh và muốn đi đây đi đó, bạn có thể tới cả trăm nước mà không cần xin visa.
Nước Anh nơi tôi đang sống cũng không đòi hỏi người dân phải có hộ khẩu. Để chứng minh nơi ở, bạn cần có hoá đơn điện, nước và giấy tờ ngân hàng gửi tới địa chỉ của bạn. Nếu thuê nhà, bạn cần có hợp đồng thuê nhà cộng thêm với giấy tờ ngân hàng gửi tới chẳng hạn.
Họ cũng không bắt người ta phải có chứng minh thư nhân dân. Bạn ra đường chẳng cần mang giấy tờ gì trong người. Nếu bạn phạm luật, người ta cho bạn hai tuần để mang giấy tờ ra cho họ xem.
Có lẽ điều không kém phần quan trọng là Anh vẫn nằm trong số 10 nước phát triển hàng đầu thế giới còn Việt Nam vẫn nằm ngoài 100 nước đầu bảng tính theo thu nhập bình quân đầu người.
Sự giàu có tương đối và tư duy phụng sự người dân thay vì hành họ khiến Anh có hệ thống an sinh xã hội tốt. Những phụ nữ nuôi con một mình được chính quyền địa phương ưu tiên cấp nhà cho họ ở. Các gia đình có con cái có khuyết tật được hưởng trợ cấp và ưu đãi của nhà nước. Anh cũng có hệ thống y tế khám chữa bệnh miễn phí. Khi bạn có bệnh người ta chỉ quan tâm tới chuyện chữa trị cho bạn thay vì hỏi bảo hiểm y tế hay khả năng chi trả của bạn.
Ngay cả cuộc khủng hoảng hiện nay trong chính trường Anh cũng cho thấy hệ thống kiểm soát quyền lực của họ hoạt động tốt. Thủ tướng không thể muốn làm gì thì làm như trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng làm mưa, làm gió, cho quân đốt nhiều tỷ đô la vào những dự án không hề khả thi mà các ông nghị gật cũng chẳng dám ho he nói gì.
Tôi nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng được mời tới dự một phiên chất vấn thủ tướng của Quốc hội Anh khi ông tới thăm nước này hồi năm 2013. Tuy nhiên ông Trọng không dự vì ốm. Người thay ông đi dự là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện thời, lúc đó là phó cho ông Dũng. Ông Phúc hẳn không thể quên màn chất vấn Thủ tướng David Cameron tại Hạ viện Anh cách đây sáu năm. Có thể các nhà lãnh đạo Việt Nam coi lãnh đạo phương Tây thật bất hạnh khi chịu sự kìm kẹp và kiểm soát của Quốc hội, toà án và báo chí.
Ở góc độ nào đó, quan chức càng khổ sở vì bị soi bao nhiêu, người dân có lẽ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Phải chăng đây là lý do người dân Anh có chỉ số hạnh phúc tăng tới bốn bậc cho dù đất nước đang trong cơn khủng hoảng. Phải chăng họ hài lòng vì đã dạy cho các chính trị gia một bài học rằng người dân mới thực sự là các ông bà chủ ?
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 22/03/2019
Người ta bảo ‘đời không như là mơ’ và điều này đúng với bé Đỗ Thị Thúy Phượng vào một ngày hè định mệnh hồi năm 2004 tại tỉnh Quảng Nam. Khi đó em mới 14 tháng tuổi và bị cha mẹ đặt vào giữa hai người cùng bọc thuốc nổ. Cả hai chọn đem em theo sang thế giới bên kia trong cuộc tự sát tập thể. Sức công phá của thuốc nổ khiến cha mẹ của Phượng chết ngay lập tức còn em bị bắn ra xa gần chục mét nhưng may mắn thoát chết. Tuy vậy hai chân em bị dập nát tới mức người ta phải cắt bỏ từ đầu gối trở xuống để tránh nhiễm trùng.
Đỗ Thị Thúy Phượng - Haven Shepherd. (Hình : Từ trang Facebook của Haven Shepherd)
Câu chuyện của Phượng đã được báo chí quốc tế đăng tải từ vài năm trở lại đây vì nay em đã là công dân Mỹ với tên Haven Shepherd và đang cố gắng để được chọn đại diện cho Hoa Kỳ tham gia Paralympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản ở môn bơi lội. Phượng may mắn được một gia đình Hoa Kỳ nhận làm con nuôi ít lâu sau khi sự cố xảy ra hồi năm 2004 mà lý do được cho là cha em ngoại tình trong khi đã có gia đình và cả hai người thấy bế tắc nên đã đưa em đi cùng tự tử.
Haven vừa tròn 16 tuổi hôm 10/3 và quà tặng của gia đình cho cô là một chiếc xe hơi màu vàng. Ngay ngày hôm sau cô đã thi đỗ bằng lái xe và giờ đã có thể tự lái xe tới bể bơi mà không cần cha mẹ đưa đón.
Lần gần đây nhất mà Haven xuất hiện trên báo chí quốc tế là trong tường thuật đặc biệt và kỳ công của BBC với tựa ‘Cô gái đáng ra đã chết’. Đồng nghiệp cũ của tôi ở BBC, Georgina Pearce, đã kể lại hành trình tới Việt Nam để đưa Phượng về Hoa Kỳ, ban đầu là cho một gia đình khác. Nhưng cuối cùng gia đình đó không thể cáng đáng được cô con gái nhỏ của chính họ cộng thêm với bé Phượng nên đã giao lại bé cho gia đình bà Shelly và ông Rob Shepherd tại thị trấn nhỏ với chỉ vài ngàn dân ở Tiểu bang Missouri. Hai ông bà khi đó đã có sáu người con và có công ty gia đình chuyên nghề lát sàn nhà.
Haven nói với Georgina rằng ngày cô về với gia đình hiện tại, ngày 19/11/2004, là "ngày được con".
"Đó là ngày mình được đưa về gia đình mình".
Còn mẹ cô, Shelly Shepherd, không giấu được xúc động khi nói : "Khi con bước qua cửa, gia đình tôi đã trọn vẹn". Bà cũng nói các con bà đều ủng hộ quyết định nhận Haven làm con nuôi.
"Tôi nghĩ vì gia đình chúng tôi đông con nên tôi luôn chú trọng dạy các con rằng tình yêu luôn nhân lên chứ không bao giờ mất đi cả. Thế nên khi có thêm một đứa trẻ là có thêm nhiều tình yêu để chia sẻ với nhau", bà nói trong phỏng vấn với BBC.
Cả hai ông bà Shepherd yêu mến Phượng ngay từ khi gặp mặt ở Quảng Nam và thấy rất buồn lòng khi phải chia tay với em khi về tới Hoa Kỳ. Hiển nhiên họ vô cùng mãn nguyện khi được đón em về sau đó ít lâu.
Tình yêu của gia đình đã góp phần khiến Haven hoàn toàn tự tin về bản thân và thậm chí đã trở thành tấm gương cho nhiều người. Cô đã tới nhiều trường học để nói chuyện về hành trình vốn đã khiến cô trở thành vận động viên bơi đoạt huy chương vàng cả ở Hoa Kỳ và quốc tế.
Trong một thông điệp trên Facebook của cô hồi đầu năm nay, Haven viết :
"Hoàn cảnh… dù tôi chưa gặp bất kỳ ai có hoàn cảnh điên khùng giống hệt tôi, sự thực là ai trong chúng ta cũng có hoàn cảnh cần vượt qua. Mặt khác, tất cả chúng ta đều có lựa chọn nên coi các hoàn cảnh đó ra sao. Khi tôi nói chuyện với các bạn trẻ tôi hy vọng tôi có thể khuyến khích các em qua câu chuyện của tôi (và khiếu hài hước kỳ quặc của tôi) để tìm cách biến hoàn cảnh tiêu cực thành sức mạnh. Tôi chọn [sống] vui mỗi ngày".
Sau đó ít lâu cô đưa lên bức ảnh chụp cùng các em học sinh tiểu học và nói cô muốn các em hiểu rằng "khác biệt là điều hay".
Để chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn đại diện của Hoa Kỳ tham gia Paralympic vào năm sau, Haven tập xà, tập tạ, tập thể lực nói chung và dĩ nhiên trên hết là tập bơi vài cây số mỗi ngày.
Nếu cô được chọn tới Paralympic Tokyo 2020, đó sẽ là điều kỳ diệu tiếp theo sau một chuỗi những điều diệu kỳ đã đến với cô cho tới nay.
Hồi năm 2004, đó là lần may mắn sống sót, rồi may mắn gặp được người bác sĩ vốn cũng may mắn thoát chết khi còn nhỏ và giúp cô hồi phục sau vụ nổ như lời cô thuật lại :
"Bạn có tin vào điều diệu kỳ không ? Có hai bằng chứng sống về sự diệu kỳ trong tấm ảnh này. Người đàn ông này đóng vai trò chính trong việc giúp tôi có tương lai [.] Peter Hoa Stone đáng ra đã có mặt trên chiếc máy bay bị đâm cùng các trẻ mồ côi toan di tản khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá hồi năm 1975 nhưng đã lỡ chuyến bay vì có hẹn với bác sĩ. Sau đó ông được một gia đình Úc nhận làm con nuôi và giờ đã trở về Việt Nam giúp trẻ khuyết tật ở quê hương thứ nhất".
Điều diệu kỳ thứ ba là được về với gia đình tràn đầy tình yêu hiện nay trong cùng năm xảy ra cơn ác mộng mà chính cha mẹ cô đem tới.
Điều diệu kỳ thứ tư mà cô kể là một người đàn ông khác mà cô gặp ở Hoa Kỳ :
"Khi tôi lên tám tuổi, tôi gặp anh chàng này và anh ấy thay đổi cuộc đời tôi. Anh thuyết phục tôi tham gia cuộc thi chạy đầu tiên trong đời và nói với tôi rằng anh "biết" tôi sẽ đoạt huy chương nếu chạy đua. (Điều mà đứa tôi khi tám tuổi không biết là tôi là đứa duy nhất ở tuổi tôi thuộc hạng đua đó). Niềm tin đó đã đưa tôi vào guồng để trở thành vận động viên và tới với tổ chức Vận động viên Thử thách. Em yêu anh Travis Ricks".
Có lẽ còn những điều diệu kỳ khác trong cuộc sống của cô mà cô chưa có dịp kể. Sau phóng sự của BBC, cô nhận được nhiều lời đề nghị phỏng vấn khác nhưng cô nói hiện cô đều từ chối vì muốn tập trung vào luyện tập. Chúc cô may mắn trong cuộc đua tới Tokyo vào năm sau và cũng chúc cô có cuộc hội ngộ ấm áp với người thân ở Việt Nam nếu cô trở lại trong những tháng tới đây như gia đình cô nói.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 13/03/2019
Một trang Facebook với hàng trăm ngàn người theo dõi vừa đăng đường dẫn tới bài có tựa ‘Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng : Đấu tranh lấy lại Hoàng Sa’.
Ông Nguyễn Phú Trọng. Hình trích từ trang Facebook Tạp Chí Thông Tin.
Bài được đăng hôm 25/2 và được hàng ngàn người ‘thích’ cùng hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Tuy nhiên đường dẫn tới trang web không truy cập được do lỗi ‘404’. Có nhiều khả năng đó chỉ là bài luộc lại những gì ông Nguyễn Phú Trọng đã nói từ năm 2014 khi ông chưa kiêm chức chủ tịch nước và còn đang vất vả cạnh tranh với thủ tướng lúc đó Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào vị trí tổng bí thư tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản hồi đầu năm 2016.
"Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Chúng ta khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trọng nói hồi tháng 7/2014.
"Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa".
Phát biểu của ông Trọng được đưa ra trong bối cảnh diễn ra điều mà trang Zing của Việt Nam gọi là "75 ngày Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông" hồi năm 2014. Bắc Kinh đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào "sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý", cho cả trăm tàu vào hộ tống và đã đâm thủng tàu của cảnh sát biển Việt Nam cũng như đâm chìm tàu của ngư dân đánh cá trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ đầu tháng Năm tới giữa tháng Bảy năm 2014.
Ông Trọng phát biểu trong cuộc gặp với cử tri ở Hà Nội, hai tuần trước khi Trung Quốc rời giàn khoan đi vào ngày 16/7/2014 và một cử tri cũng được dẫn lời nói : "Chúng ta đã thấy được âm mưu lâu dài của bọn bá quyền Trung Quốc hòng thôn tính nước ta. Trung Quốc đã biến ta từ bạn thành thù, ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Chúng ta cần tuyên truyền để nhân dân ta không mắc mưu Trung Quốc".
Kể từ sau tuyên bố cụ thể của ông Trọng về Hoàng Sa cách đây đã năm năm, người ta không còn thấy ông được báo chí chính thống trích lời nói về vấn đề này nữa. Trong dịp kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam mà ông Trọng đứng đầu ở cả hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước đã ngăn cản người dân tổ chức tưởng niệm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền còn cho cẩu cả lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo vào đúng ngày 17/2/2019, ngày Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn quân tiến đánh sáu tỉnh biên giới.
Trung Quốc trên thực tế tiếp tục dùng Hoàng Sa mà họ kiểm soát toàn bộ làm bàn đạp để kiểm soát Biển Đông. Đầu năm nay quân đội Trung Quốc đã tiến hành 20 lượt tập trận trải dài trong 34 ngày tại khu vực đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm toàn bộ sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974, theo trang Business Insider. Các cuộc tập trận có sự tham gia của hải quân, không quân và đơn vị tên lửa. Hà Nội không có bất kỳ phản ứng nào về đợt tập trận mới nhất này.
Kể cả khi Việt Nam phản ứng trước những hành động của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn đành phải chấp nhận thực tế là Trung Quốc không đếm xỉa gì tới các phản ứng này.
Và Việt Nam cũng chỉ có những phản ứng thực sự mạnh mẽ khi Bắc Kinh tiến sâu vào thềm lục địa của Việt Nam như họ đã làm hồi năm 2014. Hồi tháng Năm năm ngoái, nhân ba năm sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam đã nhắc lại điều mà họ gọi là "bài học" để đối phó với Trung Quốc :
"Thứ nhất là : phải huy động và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành động sai trái của Trung Quốc...
"Thứ hai là : chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi. Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu.
"Thứ ba là : các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, đó là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo với phương pháp mềm dẻo, linh hoạt đúng quy phạm luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương".
Việt Nam cũng hiểu rằng họ ở thế yếu hơn so với Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển. Cả Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều đã để mất đảo vào tay Trung Quốc trong các năm 1974 và 1988. Hành động khiêu khích gần nhất của Trung Quốc hồi năm 2014 cũng đã khiến Hà Nội tăng cường giao lưu với hải quân các nước trong đó có Hoa Kỳ và Anh.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 05/03/2019
Chủ Nhật vừa rồi, chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh hai ngày giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại Hà Nội, kênh truyền hình Fox yêu thích của ông Trump phát đi đoạn video với thổ lộ tình yêu của ông Trump với lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên.
Banner về thượng đỉnh Trump - Kim tại một nhà hàng Hàn Quốc.
Trong đoạn video đó, ông Trump nói trước công chúng : "Chúng tôi [trao đổi qua lại] và rồi chúng tôi phải lòng nhau, được chưa". Cử tọa cười ồ khiến ông nói tiếp : "Không [phải đùa đâu], thật đấy. Ông ấy viết cho tôi những lá thư hay lắm, và đó là những lá thư tuyệt vời. Chúng tôi đã yêu nhau".
Sau khi phát đoạn video này, người dẫn chương trình Chris Wallace của Fox News đề nghị Ngoại trưởng Mike Pompeo bình luận và ông nói : "Quan hệ có ý nghĩa [quan trọng]. Chúng ảnh hưởng tới mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, dù đó là chiến lược to lớn về phi hạt nhân hóa hay những chuyện đơn giản hơn… Chuyện các nhà lãnh đạo thực sự có thể trao đổi một cách hiệu qủa là quan trọng. Tôi đã chứng kiến điều này trong các tuần và các tháng qua, tôi thấy họ trao đổi thông điệp, tôi thấy nhóm của chúng tôi hiểu các thông điệp mà hai nhà lãnh đạo phát đi".
Trong khi đó Susan Glasser, biên tập viên của trang Politico và phụ trách mục "Washington của Trump" trên tạp chí The New Yorker nói với CNN : "Một trong những diễn biến lạ thường nhất của những năm vừa qua là chứng kiến tổng thống Hoa Kỳ, nền dân chủ lớn, phải lòng một nhà độc tài Bắc Hàn. Ông gọi ông ta là "Chủ tịch Kim" và khi khách khứa tới văn phòng của Tổng thống, ông kêu… ‘Mang thư ra đây ! Mang thư ra đây ? Để tôi cho quý vị xem thư của Kim Jong-un’ mà thực ra là một loạt những lời hoa mỹ chung chung và nhạt nhẽo".
Một số chuyên gia đang cho rằng tình yêu của ông Trump với ông Kim có thể sẽ dẫn tới những tình huống "ác mộng" khi vị Tổng thống nhượng bộ nhà độc tài quá nhiều mà không lấy lại được bao nhiêu.
Hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ đưa ra ba kịch bản "ác mộng" gồm :
1. Thay vì một thỏa thuận phi hạt nhân hóa toàn diện, ông Kim sẽ đồng ý từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy nới lỏng cấm vận. Một phần này có thể là các tên lửa xuyên lục địa nhắm vào Hoa Kỳ hoặc lò phản ứng hạt nhân chính. Ông Kim cũng còn có thể thuyết phục Hoa Kỳ giảm một phần số gần 30.000 binh lính Hoa Kỳ đang đóng tại Nam Hàn và tiếp tục đóng băng các cuộc tập trận chung. Chuyên gia về Triều Tiên Duyeon Kim của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới được dẫn lời nói : "Mối lo Trump sẽ nhỡ mồm đi tới thỏa thuận tồi là có thực, giống như ông đã làm ở Singapore [trong thượng đỉnh đầu tiên] hồi tháng Sáu năm 2018, qua đó để mất những con bài đàm phán quan trọng và gây bất lợi cho lợi ích của Hoa Kỳ và an ninh của các đồng minh Châu Á".
2. Kịch bản tồi tệ thứ hai là Kim và Trump quá gần nhau về mục tiêu. AP nói các chuyên gia Bắc Hàn đang chia sẻ với nhau chuyện đùa : "Bạn có nghe thấy là cả Kim Jong-un và Donald Trump đều muốn cùng một thứ tại thượng đỉnh ở Hà Nội không ? Hoa Kỳ ra khỏi Nam Hàn". Trong thượng đỉnh ở Singapore, ông Trump dùng từ "rất khiêu khích" mà Bắc Hàn thường dùng để nói về các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn. AP nói ngay trong tháng Hai này ông Trump đã phát biểu : "Nam Hàn – chúng ta bảo vệ họ và mất bao nhiêu là tiền. Hàng tỷ đô la mỗi năm [để] bảo vệ họ".
3. Tình huống tồi tệ thứ ba là Bắc Hàn vẫn ngựa quen đường cũ bất chấp những lời nói miệng của họ. "Kim sẽ không đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân", ông Vipin Narang, chuyên gia về vấn đề hạt của Bắc Hàn tại Viện Công nghệ Massachusetts được dẫn lời phát biểu. "Giờ đã rõ là Trump không quan tâm tới chuyện Kim có đơn phương giải giáp không, miễn là ông ta không làm bẽ mặt Trump bằng những vụ thử tên lửa lộ liễu hay công khai thử vũ khí hạt nhân".
Hôm Chủ Nhật ông Trump đã lên Twitter đưa ra những lời khích lệ nhà lãnh đạo Bắc Hàn : "Chủ tịch Kim, có lẽ hơn bất kỳ ai khác, nhận ra rằng nếu không còn vũ khí hạt nhân, đất nước của ông có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên khắp Thế giới. Vì vị trí của nó [Bắc Hàn] và người dân (và ông [Kim]), nó có tiềm năng để phát triển hơn bất kỳ dân tộc nào khác !".
Trong khi đó tờWall Street Journal (WSJ) nói rằng nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh, Hà Nội, sẽ mang tới thông điệp cho Kim Jong-un rằng Bắc Hàn sẽ có được sự chuyển đổi kinh tế như Việt Nam nếu hợp tác với Hoa Kỳ.
WSJ nói tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 10 lần kể từ khi bắt đầu đổi mới kinh tế hồi năm 1986. Việt Nam được hưởng lợi từ đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn là đồng minh của Hoa Kỳ, nước đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các chuyên gia được dẫn lời nói mô hình của Việt Nam rất hợp với Bắc Hàn vì Hà Nội vừa phát triển được kinh tế, vừa giữ được chế độ chính trị. Ông Kim dự kiến sẽ thăm chính thức Việt Nam trước khi bước vào thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ.
WSJ nhắc lại rằng Hà Nội cũng bỏ tù và sách nhiễu các nhà hoạt động và cũng kiểm soát báo chí cho dù không tới mức như Bắc Hàn. Tờ này cũng nói Bắc Hàn cũng đang nới lỏng dần nút thắt với nền kinh tế. Bằng chứng là từ chỗ cả nước không có bất cứ một chợ buôn bán nào hồi những năm 1990, giờ họ đã cho phép hơn 430 chợ hoạt động.
‘Đặng Tiểu Bình của Bắc Hàn’ ?
Cây bút Michael Schuman viết trên Bloomberg rằng ông Kim vẫn lo ngại về khả năng mất quyền lực khi thay đổi và cũng lo ngại liệu những thay đổi hiện nay về thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng thế nào tới Bắc Hàn. Ông Schuman nói kinh nghiệm của Việt Nam trả lời được cả hai câu hỏi của ông Kim.
Thu nhập bình quân của người Việt đã tăng từ 95 đô la Mỹ trong năm 1990 lên 2.342 đô la Mỹ trong năm 2017 trong khi vẫn giữ chế độ độc đảng như Singapore và Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Schuman viết, Việt Nam cũng cho thấy họ đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để cân bằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và nhờ đó mà có thể lên tiếng phản bác Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải.
Hà Nội cũng có thể cho Bắc Hàn thấy mô hình phát triển cũ của Châu Á vẫn hiệu quả khi xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 đã vượt quá 100% tổng sản phẩm quốc nội so với dưới 7% hồi năm 1986 và 70% của năm 2007. Theo ông Schuman, Việt Nam đạt được điều này nhờ tham gia vào các hiệp định mậu dịch tự do trong đó có cả Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương, cải thiện môi trường đầu tư và giữ chi phí thấp.
Nobel Hòa bình ?
Trong khi đó cây viết Nicholas Christof viết trên báo New York Times rằng cả hai ông Kim và Trump có thể sẽ được khuyến khích để tích cực đàm phán nhờ "ảo tưởng" họ có thể được giải Nobel Hòa bình.
Ông dự đoán về một thỏa thuận có thể đạt được ở Hà Nội : "Bắc Hàn sẽ hứa phá bỏ tổ hợp hạt nhận Yongbyon và một vài nơi kém quan trọng, chấp nhận thanh tra quốc tế và tiếp tục ngưng thử tên lửa và hạt nhân. Đổi lại Hoa Kỳ sẽ nới lỏng cấm vận đối với các dự án liên Triều liên quan tới du lịch và sản xuất. Hai bên có thể tuyên bố Cuộc chiến Triều Tiên chấm dứt (hiện mới chỉ là đình chiến), trao đổi văn phòng liên lạc ngoại giao, nới lỏng trao đổi văn hóa và đồng ý về con đường tiến tới gỡ bỏ chương trình hạt nhân".
Ông Christof nói ông không tin ông Kim sẽ giã từ vũ khí hạt nhân vì sợ rằng sẽ bị lật đổ nếu làm vậy. Nhưng cây viết này nói từ chỗ người ta sợ sẽ có chiến tranh Hoa Kỳ - Bắc Hàn khi ông Trump khoe ông có nút bấm hạt nhân to hơn nút của ông Kim, giờ đạt được việc ngưng thử vũ khí hạt nhân cũng đã là tiến bộ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 27/02/2019
Dịp kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chứng kiến màn mở miệng của phần lớn báo chí trong nước, vốn dè dặt trong hàng chục năm trở lại đây mỗi khi đề cập tới những ngày đẫm máu tại sáu tỉnh biên giới giáp Trung Quốc từ tháng Hai năm 1979.
Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 - 2016.
Cuộc chiến trên thực tế còn kéo dài tới tận năm 1989 dù với quy mô, không gian và thời gian phần lớn hạn chế hơn. Mặc dù Đài Truyền hình Việt Nam đúng hôm 17/2 bị chỉ trích vì không dám một lần nhắc tới hai chữ ‘Trung Quốc’ khi đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc chiến, phần đông báo chí Việt Nam đã không ngần ngại nhắc tên nước láng giềng từng bị gọi là "bành trướng, dã man".
Đây là 10 điểm nhấn hay tiết lộ trên báo chí Việt Nam trong những ngày tháng Hai năm 2019.
1. Điểm nhấn thứ nhất là tổn thất không nhỏ về nhân mạng của Việt Nam trong cuộc chiến mà giai đoạn chính kéo dài từ ngày 17/2-5/3/1979 với sự tham gia của 600.000 lính Trung Quốc (dù một số học giả nói chỉ có 150.000 quân trực tiếp tham chiến) trên tuyến biên giới hơn 1.000 km thuộc sáu tỉnh Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang ngày nay), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái ngày nay), Lạng Sơn, Lai Châu và Quảng Ninh. Báo chí Việt Nam nhắc lại lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại vùng biên giới chỉ có 50.000 quân chống lại lực lượng "biển người" của Trung Quốc gồm cả chín quân đoàn chủ lực, 32 sư đoàn bộ binh độc lập và sáu trung đoàn xe tăng. Thông tấn xã Việt Nam nói về thiệt hại đối với nước cộng sản đàn em khi đó : "Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề : hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong ; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng".
"Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn ; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá ; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở sáu tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống".
Trong khi đó thiệt hại đối với Trung Quốc cũng được nêu : "Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương".
Các nguồn khác nhau nói thương vong của Trung Quốc ít hơn so với con số Việt Nam công bố tới cả vạn người.
2. Hiện đang có sự khác biệt lớn giữa toàn cảnh cuộc chiến Việt – Trung có trên truyền thông chính thống trong những ngày qua và những gì đang được ghi trong sách giáo khoa lịch sử.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Tung từ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông viết rằng sách lịch sử lớp 12 chỉ có hai đoạn, bốn câu và 11 dòng dưới đây về cuộc chiến :
"Bảo vệ biên giới phía Bắc : Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện "nạn kiều", cắt viện trợ, rút chuyên gia.
Nghiêm trọng hơn, sáng 17/02/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta".
Ông Tung cũng nói thêm : "Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai".
3. Có nhiều khả năng sách giáo khoa lịch sử trong những năm tới đây sẽ được sửa đổi để phản ánh đúng và đủ hơn những gì thực sự diễn ra không chỉ trong cuộc chiến biên giới trên bộ mà cả trên biển. Giáo sư Tung khẳng định với VnExpress rằng các thông tin về các hành động của Trung Quốc và sự chống trả của Việt Nam sẽ được trình bày "toàn diện và cẩn trọng". Trước đó, ông Tung cũng đã viết trong bài gửi trang tin Zing : "Trước đây, cũng như ngày nay, cách trình bày, nhìn nhận, đánh giá về lịch sử các cuộc chiến tranh nói trên ở Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau.
"Về cuộc chiến tranh biên giới 1979, trong khi ở Việt Nam, giới trẻ ít được giáo dục, tuyên truyền, cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, thì ở Trung Quốc, thanh niên, học sinh vẫn được tuyên truyền, giáo dục rằng đó là "cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ" (phản Việt phòng vệ chiến tranh), nhằm trừng phạt "tiểu bá" Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô…".
4. Sách giáo khoa sử của Việt Nam không những bỏ hoàn toàn hai trận hải chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) ra khỏi lịch sử giai đoạn 1979-1989 mà còn lờ luôn trận Vị Xuyên đẫm máu. Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 15/02/2019 nêu lại :
"Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc đã đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Đến giữa năm 1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm của Việt Nam thuộc tỉnh Hà Giang.
"Tháng 7/1984 về sau, Vị Xuyên tiếp tục là mặt trận ác liệt, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các điểm cao. Đỉnh điểm diễn ra vào đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng rộng 5 km, sâu 3 km".
5. Con trai của một trong những vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên cũng đưa ra tiết lộ rằng ông đã để mất tới 30.000 lính trong các trận đánh với quân Trung Quốc, Hoa Kỳ và cả quân Pháp thời những năm 1950. Tướng Hoàng Đan không nói rõ bao nhiêu lính đã thiệt mạng trong thời gian ông là tư lệnh ở Vị Xuyên. Con trai Tướng Đan, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, viết trên Soha :
"Năm 1984, Trung Quốc quay trở lại gây chiến ở chiến trường Vị Xuyên, với mục đích gây sức ép cho ta ở mặt trận Campuchia. Lúc này, ba tôi đã được rút về làm Cục Phó Cục Khoa học Quân sự. Chỉ huy mặt trận Vị Xuyên lúc ấy là một vị Tướng khác.
"Ngày 12/07/1984, các đơn vị chủ lực của sư đoàn 312, 316 và 356 được lệnh dàn quân đánh với quy mô lớn. Tổn thất vô cùng kinh khủng. Chỉ trong một đêm, chúng ta mất 600 lính, bị thương vong 1.200 người. Sư đoàn 356 mất sức chiến đấu. Nên ngày 12/07 đến bây giờ vẫn được coi là ngày giỗ trận của lính Vị Xuyên.
"Ngay sau đó, ba tôi được Đại tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh quay lại Biên giới phía Bắc, làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên. Lên đến Vị Xuyên, chứng kiến thương vong khủng khiếp của những người lính, Ba tôi chỉ nói với những người chỉ huy trận đánh trước một câu duy nhất : "Các anh đánh thế này, thì mẹ Việt Nam anh hùng đẻ không kịp đâu".
Ông Tiến viết thêm : "Việc đầu tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó. Không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa, ông yêu cầu bộ đội quay trở về chiến thuật thời Điện Biên Phủ.
"Ông lệnh cho bộ đội đào hầm để tránh pháo kích của địch ; đào hào sát đến tận công sự địch, sử dụng tất cả các hang hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp trung đội, tiểu đội để tấn công bất ngờ.
"Thực tế là những tổn thất về con người từ đó đến năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng vài tuần đầu của chiến dịch".
6. Về lý do Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an nói với Báo Nghệ An :
"Khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc và chính sách ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi thấy rằng có 2 lý do, mà những người lãnh đạo Trung Quốc đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/02/1979 : Nguyên nhân chủ yếu nhất, trực tiếp nhất, đó là Việt Nam đã tiêu diệt Khmer đỏ, cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, mà Khmer đỏ là "con đẻ" của Trung Quốc…
"Nguyên nhân thứ hai, cũng hết sức quan trọng, đó là Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam để tỏ lòng trung thành của Trung Quốc đối với Mỹ. Xin nhắc lại một sự kiện, đầu tháng Giêng năm 1979, trước khi phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, ông Đặng Tiểu Bình với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã sang Mỹ. Trong phòng Bầu dục Nhà Trắng, trước mặt Tổng thống Mỹ Carter, ông Đặng Tiểu Bình đã nói với Tổng thống Mỹ rằng : "Trung Quốc nhận làm trách nhiệm NATO phương Đông, đề nghị Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, để đánh bại đại bá Nga-Xô và tiểu bá Việt Nam".
Tướng Cương cũng nói việc gọi cuộc chiến do Trung Quốc gây ra là "xung đột biên giới" là "nguỵ biện, lừa dối" vì đó là cuộc chiến tranh xâm lược. Ông cũng nói trong khi Việt Nam nói giảm đi về cuộc chiến này thì phía Trung Quốc lại tuyên truyền mạnh mẽ và sai trái về nó :
"40 năm nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 1 triệu bài báo trên báo chí Trung Quốc vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc, Trung Quốc chỉ phản ứng tự vệ.
Mãi đến năm 2010 vẫn còn 90% người Trung Quốc tin rằng, ngày 17/02/1979, Quân đội nhân dân Việt Nam xâm lược Trung Quốc. Đấy là một sự lừa dối lố bịch, trắng trợn của Trung Quốc về cuộc chiến tranh này !"
Nhưng Tướng Thước và các vị tướng khác của Việt Nam không nhắc tới vấn đề "nạn kiều" trong những năm cuối thập niên 1970 khi hàng vạn người Trung Quốc bị buộc phải rời khỏi Việt Nam ngay cả những người chưa bao giờ sống ở Trung Quốc và thậm chí cũng không biết luôn tiếng Trung. Họ cũng không nhắc tới việc Trung Quốc cáo buộc Việt Nam "vô ơn" khi nhận viện trợ lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ của Bắc Kinh để tiến hành chiến tranh chống Pháp và sau này là chống Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng hoà.
7. Cuộc chiến mà Khmer Đỏ tiến hành chống Việt Nam ở biên giới tây nam và cuộc chiến do Đặng Tiểu Bình phát động ở biên giới phía bắc thực ra chỉ là một theo những gì Trung tướng Nguyễn Quốc thước viết cho trang Giáo Dục Việt Nam :
"Trực tiếp tham gia chiến đấu chống tập đoàn phản động, diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary ngay từ đầu, lúc đó chúng tôi vẫn nghĩ, kẻ gây ra cuộc chiến trên biên giới Tây Nam và nuôi dã tâm đánh thẳng tới thành phố Sài Gòn chỉ là của nhóm Khmer Đỏ cực đoan, nhưng có thế lực bên ngoài tiếp sức", Tướng Thước viết.
"Khi ấy còn đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, chúng tôi chỉ hiểu thế thôi.
Nhưng đến lúc Trung Quốc thực hiện tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học", thì chúng tôi mới hiểu ra rằng, hai cuộc tấn công Việt Nam trên hai mặt trận, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, là cùng một kịch bản…"
Ông viết tiếp : "Đánh trả quân Pol Pot, lúc qua Campuchia truy kích Khmer Đỏ theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, chúng tôi mới thấy, không biết Khmer Đỏ lấy đâu ra nhiều vũ khí hạng nặng đến thế.
"Xe tăng của chúng đông, pháo binh của chúng đông, phòng [không] của chúng đông, đạn dược của chúng nhiều, chúng có hàng nghìn xe quân sự. Khmer Đỏ lấy đâu ra ?
Đánh xong mới thấy pháo của Trung Quốc, xe tăng T-59 của Trung Quốc, pháo cao xạ 2 nòng của Trung Quốc và xe Hồng Hà của Trung Quốc tràn ngập. Lúc ấy, chúng tôi mới càng thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã mượn tay Pol Pot để thực hiện một âm mưu khác với Việt Nam trên hướng biên giới Tây Nam.
"Đến ngày 17 tháng Hai năm 1979, Trung Quốc đã cất quân tiến đánh toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Thời điểm đó, có 4 quân đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì 3 quân đoàn đang phải đối phó với tập đoàn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary ; Miền Bắc chỉ còn Quân đoàn 1 chủ yếu là các đơn vị dự bị làm nhiệm vụ phòng thủ, nhưng là đề phòng với Mỹ chứ không phải Trung Quốc".
8. "[C]ần gác lại quá khứ nhưng không lãng quên quá khứ" cũng là điều mà Tướng Nguyễn Quốc Thước nêu ra. Ông viết :
"Không thể có hòa bình hữu nghị lâu dài, tin cậy lẫn nhau một khi Trung Quốc vẫn đánh tráo bản chất cuộc chiến tranh tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam thành cái gọi là "phản kích tự vệ" như cách họ tuyên truyền cho người dân nước này.
"Quyết định tiến hành hai cuộc chiến chống Việt Nam trên 2 hướng biên giới là của một nhóm lãnh đạo cực đoan trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thời điểm bấy giờ, chứ không phải mong muốn hay ý chí của nhân dân Trung Quốc…
Tướng Thước nhận định : "Kỷ niệm 40 năm sự kiện này, chúng tôi cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều nên nghiêm túc rút ra bài học.. Tổn thất về con người và vật chất cả hai bên đều có, nhưng cuộc chiến tranh phi nghĩa này tổn hại đến chính uy tín và hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc nên nhìn thẳng vào vấn đề này, để tránh lặp lại vết xe đổ mà một nhóm lãnh đạo của họ từng gây ra.
"Ai gây ra chiến tranh, kẻ đó phải biết rút kinh nghiệm, bởi trạng chết, chúa cũng băng hà ! Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng, bảo vệ hòa bình, hợp tác và hữu nghị là mong muốn, nguyện vọng chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, rút bài học để tránh chiến tranh không có nghĩa là cầu hòa".
9. Nhìn lại lịch sử để có ngày "sẽ lấy lại Hoàng Sa" và cả một phần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang giữ là điều mà Tướng Thước nói tới trong một bài viết khác cũng cho Giáo Dục Việt Nam.
Ông viết : "Những tranh chấp do lịch sử để lại, ví dụ Trung Quốc thôn tính nốt quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và gây ra cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988 để thôn tính một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, sẽ từng bước phải tìm cách giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Cục diện Biển Đông ngày nay liên quan mật thiết và là diễn biến tiếp theo của Chiến tranh Lạnh, là địa bàn cạnh tranh chiến lược chuyển từ mâu thuẫn ý thức hệ Hoa Kỳ - Liên Xô sang tranh giành vị thế siêu cường số 1 giữa Mỹ và Trung Quốc…
"Nếu như năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc đang bước vào giai đoạn nước rút, thì cuộc thảm sát, thôn tính Gạc Ma và 5 cấu trúc địa lý ở Trường Sa tháng Ba năm 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây cấm vận, chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ.
"Ngay cả Hoa Kỳ là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa cũng nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Liên Xô là đồng minh của chúng ta, có lực lượng quân sự đóng tại Cam Ranh thời điểm 1988 cũng không thể giúp gì trong sự kiện Trung Quốc chiếm Gạc Ma, vì bản thân họ phải tính đến lợi ích của mình trước".
Ông Thước còn viết : "Trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cha ông ta đã từng đàm phán thành công khiến triều đình nhà Tống ở Trung Quốc trả lại phần đất đai họ xâm chiếm của Đại Việt thời Hoàng đế Lý Nhân Tông.
"Cha ông ta đòi được phần lãnh thổ đã mất là nhờ tài bang giao khéo léo của những người được triều đình phó thác trọng trách. Nhưng nền tảng cho thắng lợi ấy phải là thế và lực của một đất nước hòa bình, thịnh trị, chứ không phải một quốc gia nhược tiểu. Biết rằng Hoàng Sa, một phần Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam đang nằm trong tay Trung Quốc và một số nước khác, con cháu đời đời không quên nghĩa vụ phải lấy lại, nhưng không phải là lúc này, càng không phải bằng vũ lực".
10. Những tội ác chiến tranh của quân đội Trung Quốc cũng được nêu lại trong đợt kỷ niệm 40 năm này. Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam nói "không ai quên được tội ác thảm sát, giết chết 43 phụ nữ và trẻ em tại Tổng Chúp" thuộc tỉnh Cao Bằng. Video được đăng tải nói về cuộc "thảm sát man rợ" trong đó lính Trung Quốc dùng "cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em".
Ông Nông Thanh Quế, nguyên chủ tịch Hội nhà báo Cao Bằng được dẫn lời nói : "Tại sao lại toàn nữ và trẻ em ? Vì đấy là nhà trẻ của công ty giống, thức ăn gia súc của tỉnh Cao Bằng. Công ty ấy là trẻ con chạy chậm quá và cái ý đồ sơ tán của mình có nhưng chắc là bên công ty chưa chuẩn bị kịp. Phương tiện không có nên đi bộ thôi nên xảy ra chuyện trên đường đi bị quân Trung Quốc vây, dồn vào khu tập thể. Nhiều bà mẹ còn chưa đến đón con kịp.
Đài Tiếng nói Việt Nam cũng dẫn lời bà Nông Thị Kim Chung, người nhà của một trong các nhạn nhân nói : "Lên nhận xác, mẹ tôi có mái tóc dài… mới nhận dạng được. Còn một đứa em gái, tám tháng tuổi, vẫn địu trên lưng, bị nó đập vào đầu, đầu bị lõm một vệt trên đỉnh đầu".
Những sự kiện được nhắc lại trong đợt kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Việt – Trung cũng lại làm một số người nhắc lại diễn biến Mậu Thân 1968 khi lực lượng cộng sản Bắc Việt tiến hành chiến tranh vào dịp Tết và cũng bị cáo buộc gây ra những cuộc "thảm sát" người dân của chính mình.
Mặc dù báo chí Việt Nam được cởi trói trong dịp kỷ niệm hiện nay, người ta chỉ có thể hy vọng sự thật lịch sử sẽ thực sự được tôn trọng khi không còn hệ thống đèn xanh, đèn đỏ trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Hơn nữa sự cởi trói cũng không phải là toàn diện và các hoạt động tưởng niệm của người dân trong dịp này đều bị ngăn chặn một cách thô thiển. Người ta đã cho cẩu đi lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo thuộc thành phố Hồ Chí Minh để người dân không thể thắp hương tưởng nhớ hàng vạn người thiệt mạng. Cách hành xử này cho thấy tư duy của nhiều lãnh đạo Việt Nam còn ở tầm của Thế kỷ 19 chứ không phải ở Thế kỷ 21.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/02/2019
Trong những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, tôi mang cuốn sách ‘21 bài học cho Thế kỷ 21’ ra đọc. Cuốn sách hơn 350 trang của cây viết có tiếng Yuval Noah Harari đưa ra nhiều dự đoán về cuộc cách mạng công nghệ trong thế kỷ này và ảnh hưởng của nó tới loài người. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin điểm bảy bài học chính của cuốn sách.
Yuval Noah Harari tại một cuộc phỏng vấn tại Berlin. (Hình : Daniel Naber / commons.wikimedia.org/wiki/File : Yuval_Noah_Harari.jpg)
Harari, tác giả cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt ‘Sapiens : Lược sử Loài Người’, mở đầu với tuyên bố điều tưởng như đã là dấu chấm hết của lịch sử thực ra đã chỉ là dấu ba chấm. Người ta đã ngỡ rằng câu chuyện dân chủ tự do đã thắng thế sau khi chủ nghĩa cộng sản phá sản và chủ nghĩa phát xít đã thất bại từ nhiều thập niên về trước.
Harari nói con ‘phượng hoàng tự do’ từng lâm nguy trong thập niên 1930 và 1940 khi Hitler giành hết thắng lợi này tới thắng lợi khác. Nó cũng gặp sự canh tranh mạnh mẽ của phe cộng sản cho tới khi Liên Xô sụp đổ hồi đầu thập niên 1990.
Tác giả cho rằng một trong những lý do nhiều nước về hùa với Moscow và Bắc Kinh trong nhiều chục năm chính là tiêu chuẩn kép của phương Tây. Đây là một trong những ví dụ được đưa ra : "[K]hi Hà Lan trỗi dậy vào năm 1945 sau năm năm chịu sự chiếm đóng tàn bạo của Phát xít, gần như điều đầu tiên họ làm là lập quân đội và đưa quân nửa vòng thế giới tới tái chiếm thuộc địa cũ của họ, Indonesia. Trong khi vào năm 1940 người Hà Lan từ bỏ sự độc lập của họ chỉ sau hơn bốn ngày giao tranh [với quân của Hitler], họ lại chiến đấu cay đắng trong hơn bốn năm để trấn áp [mong muốn] độc lập của Indonesia".
Nhưng trong những năm 1990, mọi chuyện đã thay đổi và dường như nhân loại chỉ còn một lựa chọn duy nhất đó là "dân chủ, nhân quyền, thị trường tự do và phúc lợi xã hội do chính phủ [cung cấp]". Mặc dù vậy lựa chọn này đã bị ngờ vực sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 và chuyện Tổng thống Trump lên cầm quyền tại Hoa Kỳ cũng làm cho sự ngờ vực này càng lớn thêm. Hoa Kỳ không còn là thế lực thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền và thị trường tự do như trước nữa, Liên Hiệp Châu Âu (EU) chưa đủ sức thay thế trong khi các giá trị của Nga và Trung Quốc không hấp dẫn được ai. Thế giới bỗng quay trở lại thời chẳng có câu chuyện nào thuyết phục được đông đảo người dân trên hành tinh này nữa. Harari viết thêm rằng Nga thực ra là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới với 87 phần trăm tài sản tập trung trong tay của 10 phần trăm dân giàu nhất.
"Con người bỏ phiếu bằng chân. Khi đi vòng quanh thế giới tôi gặp rất nhiều người từ nhiều nước muốn tới Hoa Kỳ, Đức, Canada hay Australia. Tôi gặp vài người muốn tới Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng tôi chưa gặp ai mơ di cư tới Nga", tác giả viết.
Bài học thứ hai tác giả nói tới là mọi ngành nghề trên thế giới sẽ đều chịu tác động của trí tuệ nhân tạo và người máy. Máy móc từ chỗ chỉ cạnh tranh với con người trong những lĩnh vực liên quan tới lao động chân tay giờ đang tiến tới cạnh tranh với ông chủ của chúng trong cả lĩnh vực lao động trí óc. Harari nói tự động hoá sẽ gây chấn động đối với hệ thống tư bản nhưng chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ chẳng lợi lộc gì từ cuộc khủng hoảng do trí khôn nhân tạo gây ra.
"Kế hoạch chính trị cộng sản kêu gọi cuộc cách mạng của giai cấp công nhân. Nhưng học thuyết này liệu còn ý nghĩa gì khi quần chúng mất giá trị kinh tế và phải chống chọi với sự vô dụng thay vì với sự bóc lột ? Làm sao có thể bắt đầu cuộc cách mạng của giai cấp công nhân khi không có giai cấp công nhân ?"
Bài học thứ ba được nêu ra là cơ hội và hiểm hoạ mà sự lên ngôi của thuật toán mang lại cho loài người. Cho tới nay con người vẫn được cho là có "ý nguyện tự do" và điều này được tôn trọng khi tất cả mọi người đều được quyền bỏ phiếu cho dù trình độ học vấn của mỗi người mỗi khác. Bầu cử hay trưng cầu dân ý được hiểu là phép thử cảm xúc của dân chúng thay vì đánh giá trình độ của họ. Harari cho rằng với sự phát triển của thuật toán và sự kết hợp của công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, chẳng mấy chốc máy móc sẽ hiểu con người hơn cả con người hiểu cảm xúc của chính mình.
"Điều này đã đang diễn ra trong lĩnh vực y khoa. Những quyết định y khoa quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta không dựa trên cảm giác ốm yếu hay mạnh khoẻ, hay ngay cả các chẩn đoán của các bác sỹ, mà vào tính toán của máy tính vốn hiểu cơ thể của chúng ta hơn cả chúng ta. Trong vài thập niên tới, thuật toán Đại Dữ liệu với sự hỗ trợ của dòng dữ liệu sinh học liên tục có thể theo dõi sức khoẻ của chúng ta 24/7".
Đó là một trong những cơ hội. Hiểm hoạ có thể là sự đột nhập "hệ điều hành con người" của chính phủ và các công ty nhằm tuyên truyền và quảng cáo. "[N]gay cả trong những xã hội được cho là tự do, thuật toán vẫn có thể có uy quyền vì qua kinh nghiệm chúng ta sẽ học cách tin vào chúng trong ngày càng nhiều vấn đề và sẽ dần mất đi khả năng tự đưa ra quyết định. Hãy nghĩ về cách mà chỉ trong hai thập niên hàng tỷ người đã đặt niềm tin vào thuật toán tìm kiếm của Google khi [thực hiện] một trong những việc quan trọng nhất : tìm kiếm thông tin đáng tin cậy và phù hợp".
Tác giả cũng nêu khả năng các máy tính với trí tuệ nhân tạo sẽ hợp tác với các nhà độc tài và được sai khiến để theo dõi hay thậm chí kết liễu tính mạng của con người mà chúng chẳng hề thấy cắn rứt lương tâm, thứ mà chúng không có.
Bài học thứ tư là điều mà nhiều người đã dần nhận ra khi sử dụng các dịch vụ của Google, Facebook hay Baidu – chúng ta không phải là khách hàng mà là sản phẩm. Harari chỉ ra rằng mô hình kinh doanh của các công ty này cho tới giờ là "buôn sự chú ý" của chúng ta và khách hàng của họ là các công ty quảng cáo. Nhưng trong tương lai có thể ngành quảng cáo cũng không còn nữa vì chúng ta đâu còn ra quyết định. Thuật toán sẽ quyết hộ chúng ta mọi thứ. Con người và máy tính cũng có thể cộng sinh tới mức mà nếu tách khỏi máy tính, con người sẽ không còn vận hành được nữa. Viết tới đây trong đầu tôi không hiểu sao bỗng nhớ tới câu hát "nếu phải cách xa em [máy tính] anh chỉ còn bão tố".
Bài học thứ năm là sự gắn kết giữa cộng đồng trên mạng và ngoài xã hội. Harari cho rằng mỗi người chúng ta có lẽ khó có khả năng kết thân với hơn 150 người. "Qua một ngưỡng nhất định, thời gian và năng lượng quý vị bỏ ra để biết các bạn trực tuyến từ Iran hay Nigeria sẽ lấy đi khả năng hiểu biết những người hàng xóm cạnh nhà bạn", Harari viết. Ông cũng hy vọng Facebook sẽ chú trọng tới việc phát triển các cộng đồng không chỉ trên mạng xã hội của họ mà cả ngoài đời thực. Điều này sẽ khiến cho các hoạt động xã hội không bị tê liệt nếu Facebook không may bị các chính quyền độc tài ngăn chặn. "[Facebook] và các gã khổng lồ trực tuyến khác thường xem con người như động vật nghe nhìn – một đôi mắt và một đôi tai kết nối với 10 ngón tay, một màn hình và một thẻ tín dụng. Bước quan trọng tiến tới đoàn kết nhân loại là ý thức rằng con người có cơ thể [và cơ thể không chỉ ngồi một chỗ trên không gian ảo mà có thể di chuyển và kết nối với nhau ngoài đời thực]".
Bài học thứ sáu là lòng yêu nước xuất phát từ tinh thần dân tộc sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhưng sự kiêu căng xuất phát từ niềm tin ta là nước ưu việt có thể mang đến hiểm hoạ bạo lực. Harari cũng nhắc con người nhớ rằng loài người từng tồn tại "hàng trăm ngàn năm" trong những nhóm nhỏ chỉ vài chục người và sự đòi hỏi lòng trung thành của mỗi người với cả triệu người mà họ không quen biết mới chỉ tồn tại từ vài ngàn năm trở lại đây.
Sự tụ họp thành những nhóm khổng lồ khiến người ta có thể làm được những việc vô cùng lớn lao mà cộng đồng nhỏ khó lòng làm được nhưng nó cũng có thể gây ra những cuộc đại chiến. Bởi vậy sẽ là lý tưởng nếu nhân loại nhìn nhận mình như thành viên của một nền văn minh duy nhất và cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh mà không quan ngại tới ranh giới quốc gia. Một trong những vấn đề đó là tình trạng thay đổi khí hậu do việc khai thác và sử dụng thái quá nhiên liệu hoá thạch của con người.
Bài học thứ bảy là đừng có phát hoảng vì khủng bố. Harari viết rằng khủng bố có khả năng kiểm soát tinh thần của chúng ta rất tốt dù trên thực tế chúng giết rất ít người. "Kể từ ngày 11/9/2001, mỗi năm khủng bố giết khoảng 50 người ở Liên Hiệp Châu Âu, 10 người ở Hoa Kỳ, khoảng bảy người ở Trung Quốc, và chừng 25.000 người trên toàn cầu (chủ yếu ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria). Trong khi đó, mỗi năm tai nạn giao thông làm thiệt mạng 80.000 người Châu Âu, 40.000 người Hoa Kỳ, 270.000 người Trung Quốc và 1,25 triệu người [trên toàn thế giới]. Tiểu đường và mức [tiêu thụ] đường cao làm chết 3,5 triệu người mỗi năm trong khi ô nhiễm không khí làm bảy triệu người chết".
Lý do người ta lo sợ khủng bố hơn những thứ gây chết chóc hơn rất nhiều chính là khả năng reo rắc nỗi sợ của chúng. Khủng bố hầu hết không gây hư hại gì cho đối thủ của chúng về khả năng quân sự và đó cũng không phải mục đích của chúng. Khủng bố mong muốn đối thủ phản ứng thái quá và do vậy gây ra "cơn bão chính trị và bạo lực quân sự" lớn hơn nhiều so với những gì khủng bố có thể tự chúng gây ra.
Harari nói những kẻ khủng bố không tư duy như các vị tướng quân đội mà như những nhà "biên đạo kịch". "Giống như những kẻ khủng bố, những người chống khủng bố cũng phải suy nghĩ như các biên đạo kịch… Trên hết, nếu chúng ta muốn chống khủng bố một cách hữu hiệu, chúng ta phải nhận ra rằng không điều gì những kẻ khủng bố làm có thể đánh bại chúng ta. Chúng ta là những người duy nhất có thể đánh bại chúng ta nếu chúng ta phản ứng thái quá theo cách không đúng đối với sự khiêu khích của khủng bố".
Điều này cũng đúng với sự khủng bố tinh thần của các chính thể cộng sản. Họ chẳng đánh đập hay bỏ tù quá nhiều người so với hàng chục triệu hay cả tỷ dân chúng, nhưng cả triệu hay ngàn triệu người dân lại có phản ứng sợ hãi thái quá và ngoan ngoãn tự biến mình thành những con cừu dễ bảo. Hy vọng hơn một phần năm nhân loại đang sống dưới các chế độ tự nhận là cộng sản sớm sử dụng ý nguyện tự do của họ trước khi thuật toán tước đoạt mất ngay cả điều được coi là thiêng liêng của loài người cho tới ngày hôm nay.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/02/2019