Hộ chiếu xanh lá cây của Việt Nam đã thêm úa vàng sau khi xếp dưới cả Lào trong bảng xếp hạng mới nhất về giá trị quốc tịch của hãng tư vấn toàn cầu về quốc tịch và nơi cư trú Henley & Partners.
Hộ chiếu Việt Nam.
Hộ chiếu xanh nước biển của Lào cho phép công dân của họ đi lại tự do tới 52 nước so với 51 nước mà công dân Việt Nam có thể tới thăm giữa lúc một số nước tư bản đang tỏ ra xét nét hơn với công dân của đất nước hình chữ S.
Đây là thứ hạng hộ chiếu các nước ở Đông Nam Á trong bảng xếp hạng toàn cầu mang tên Henley mới được công bố trong tháng 10 :
1. Singapore thứ hạng toàn cầu 2 số điểm đến miễn visa 189
2. Malaysia thứ hạng toàn cầu 10 số điểm đến miễn visa 180
3. Brunei thứ hạng toàn cầu 20 số điểm đến miễn visa 165
4. Đông Timor thứ hạng toàn cầu 54 số điểm đến miễn visa 98
5. Thái Lan thứ hạng toàn cầu 68 số điểm đến miễn visa 77
6. Indonesia thứ hạng toàn cầu 72 số điểm đến miễn visa 73
7. Philippines thứ hạng toàn cầu 75 số điểm đến miễn visa 66
8. Cambodia thứ hạng toàn cầu 87 số điểm đến miễn visa 54
9. Lào thứ hạng toàn cầu 89 số điểm đến miễn visa 52
10. Việt Nam thứ hạng toàn cầu 90 số điểm đến miễn visa 51
11. Myanmar thứ hạng toàn cầu 93 số điểm đến miễn visa 48
Việt Nam có thứ hạng 90 trên toàn cầu nhưng lại xếp sau tới 166 quốc gia khác do có nhiều nước đồng hạng vì có cùng số điểm đến được miễn thị thực.
Chẳng hạn có tới bảy nước xếp hạng năm do công dân của họ cùng được đi tới 186 điểm đến mà không cần visa. Đó là các nước Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Hoa Kỳ, Luxembourg và Na Uy.
Hộ chiếu Nhật Bản được cho là có giá trị nhất với 190 điểm đến miễn visa, thứ hai là Singapore với 189 và đồng hạng ba với 188 địa điểm miễn thị thực là Đức, Hàn Quốc và Pháp.
Đồng hạng tư là năm nước châu Âu : Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ý.
Trong bảng xếp hạng lần trước của Henley, Việt Nam đứng thứ 88, trên cả Lào và Campuchia.
Tuy nhiên hơn sáu triệu dân Lào và khoảng 16 triệu dân Campuchia giờ đều có thể đến nhiều nước trên thế giới mà không cần visa so với 93 triệu người Việt Nam.
Nước láng giềng cộng sản khổng lồ của Việt Nam, Trung Quốc, đã tiến lên 14 bậc so với bảng xếp hạng của hơn nửa năm trước khi đứng thứ 71 với quyền đi lại tự do tới 74 nước cho công dân của họ.
Một cổ hai tròng
Thứ hạng thấp và thụt lùi của Việt Nam giải thích tại sao tin này chưa và sẽ khó được báo chí Việt Nam quan tâm.
Trong khi đó kênh Channel NewsAsia có trụ sở Singapore đưa tin đảo quốc này đã bị một đảo quốc khác, Nhật Bản, chiếm mất vị trí đầu bảng về giá trị của hộ chiếu.
Bài báo đã được chia sẻ hơn 5.000 lượt chỉ riêng từ trang Channel NewsAsia nói Nhật Bản lấy được vị trí thứ nhất từ tay Singapore vì họ vừa có thêm được điểm đến miễn thị thực mới – Myanmar.
Kênh này cũng đề cập tới chuyện Đức tụt từ hạng hai xuống hạng ba và cả Anh và Hoa Kỳ đều mất vị trí thứ tư sau khi rơi một hạng.
Trước khi biết tin hộ chiếu xanh của Việt Nam giờ đứng sau 166 hộ chiếu khác, tôi biết một nhà báo Việt Nam vừa bị Anh từ chối visa dù được xem là một trong ba nhà báo trẻ xuất sắc trên thế giới theo một cuộc thi của Thomson Foundation và đã được bên mời bảo trợ và đài thọ mọi chi phí.
Đây không phải là lần đầu Anh từ chối visa người tài năng hay nổi tiếng từ Việt Nam.
Điều đáng buồn là ngay cả người Việt Nam cũng không coi người Việt Nam ra gì.
Cách đây nhiều năm tôi muốn sang Nga đã có thể xin thị thực bằng đường bưu điện qua Đại sứ quán của họ ở London và thủ tục chỉ mất có chưa tới một tuần.
Nhưng tới giờ một số đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài vẫn bắt công dân của mình lên tận nơi để làm thủ tục giấy tờ cho dù họ có ở cách nơi có đại sứ quán tới hàng trăm cây số như trường hợp mà một bạn mới chia sẻ trên trang Tôi và Sứ quán.
Trang này được lập ra trên Facebook để các công dân Việt có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với các đại sứ quán hay lãnh sự quán khác nhau.
Một người khác than phiền trên Tôi và Sứ quán rằng họ xin miễn thị thực tại lãnh sự quán ở Sydney mà đợi tới ba tuần không có hồi âm trong khi gọi điện đến tận nơi hỏi cũng không có thông tin gì.
Người khác nữa khuyên mọi người gọi đến lãnh sự quán Việt Nam ở New Zealand nên "bấm nút số 2 chọn nói chuyện bằng tiếng Anh - vì nếu chọn phím 1 nói tiếng Việt sẽ không bao giờ có ai nhấc máy". Họ cũng cảnh báo rằng các giấy tờ cần có để gia hạn hộ chiếu trên thực tế khác với những gì ghi trên trang mạng của lãnh sự quán và khi quy đổi lệ phí từ đô la ra tiền New Zealand, người ta thường tăng thêm vài đô la cho mỗi hồ sơ.
Vậy ra dân Việt ta vẫn một cổ hai tròng, một cái quốc nội và một cái quốc ngoại. Thiện tai, thiện tai.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 15/10/2018
Ông là Trọng. Người miền Bắc, giỏi lý luận. Ông không thích anh Ba, người từng làm ông ức phát khóc. Nhưng giờ anh Ba cựu thủ đã bị ông đánh cho bật lâu rồi. Ông có lẽ cũng không ưa gì ông cố chủ tịch. Nhưng giờ ông khỏi phải lo vì có còn người ngồi ghế đấy đâu mà lo. Ông đã thành vô địch thiên hạ. Người gọi ông là Tổng Bí Chủ, người gọi ông là vua. Vua Trọng bảo việc ông sắp ngồi cả hai ghế, đóng cả hai vai không phải là nhất thể mà cũng chẳng phải là kiêm nhiệm. Ông lý luận thế thì dân thua rồi. Nhất là khi ‘Nhân Dân’ dẫn tác phẩm ‘Thà ít mà tốt’ từ tận 95 năm trước của Lenin. Ông lại thuộc về Bên Thắng Cuộc dù có người bảo ông thắng cả điều lệ đảng và Hiến Pháp.
Một doanh nhân viết một thư ngỏ kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn vào những bất công của xã hội và lắng nghe tiếng nói của người dân trước những bức xúc hiện nay.
Còn nhớ anh Ba có người đệ tử tên Thăng. Người này từng là uỷ viên Bộ Chính trị, ‘bí thư thành Hồ’. Hôm 8/12/2017, Vua Trọng cho đệ tử anh Ba nhập kho để rồi mấy tháng sau tuyên án tù 13 năm vì đã cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Thăng đệ tử là nạn nhân của chiếc lò đốt củi tham nhũng mà chủ yếu là tay chân trước đây của anh Ba.
Cả Vua Trọng, anh Ba và đệ tử Thăng đều thích nịnh. Ai chỉ ra những cái sai là các đồng chí không thích. Các đồng chí chỉ thích ăn bánh quyền lực. Ai có khả năng động đến miếng bánh quyền lực của các đồng chí thì chỉ có nước bước vào chiếc lò thứ hai mà Vua Trọng nhóm từ trước cả lò đốt củi tham nhũng. Chiếc lò này còn toan đốt cả tương lai của những đứa trẻ như hai cháu bé con Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang chịu án tù tới 10 năm chỉ vì viết mấy trăm bài chỉ ra cái sai của chính quyền già cỗi và hư hỏng.
Ngày 11/10/2018 là ngày lên mạng của phim Mẹ Vắng Nhà vốn kể về nỗi vất vả của hai bé Gấu và Nấm khi xa mẹ cũng như của người bà phải chăm cháu thay con bên cạnh chăm mẹ già, người đã qua đời hồi đầu năm 2018.
Nấm đã lớn và hiểu được những gì xảy ra với mẹ và hiểu điều mẹ làm là để cô con gái có tương lai tốt đẹp hơn.
Gấu còn ở tuổi mới đến trường nên chẳng hiểu vì sao mẹ phải xa nhà, tối không được về ôm em. Em nhỏ quá nên bà không dám dẫn đi thăm mẹ vì biết nói sao khi em đòi mẹ về nhà cùng.
Vua Trọng có biết những điều này không ? Làm sao ông biết khi phim Mẹ Vắng Nhà của đạo diễn Clay Phạm bị cấm chiếu ở Việt Nam. Chính quyền của ông Trọng còn gây sức ép để phim không được chiếu ở cả Thái Lan. Nhưng ông đã không thể ngăn phim được chiếu ở 50 quốc gia khác nhau trên thế giới theo lời luật sư Trịnh Hội, người hôm 10/10 đã đem phim đến chiếu ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi tin là hàng triệu người sẽ xem phim trên YouTube trong thời gian tới và những cố gắng của giới lãnh đạo tham quyền cố vị nhằm bịt miệng những người như Mẹ Nấm hoá ra là phản tác dụng. Họ từng cho quân ném phân vào nhà Mẹ Nấm và hành động xấu xa đó đã được kể ở khắp năm châu. Đúng là ‘nhục như con trùng trục’.
Mẹ Nấm cũng chỉ là một trong số ước tính hơn một trăm nạn nhân bị ném vào chiếc lò nhân quyền của Vua Trọng. Điều trớ trêu là một đất nước mà người "lập quốc" thời hiện đại từng được thoải mái viết các bài đả kích thực dân Pháp tại chính nước Pháp giờ lại cấm người dân chỉ trích chính quyền ở ngay nước mình. Nhưng đây không phải là điều gì khó hiểu. Người ta vẫn bảo thời nay là ‘thời nhà Sản’, ý nói chế độ Cộng Sản cũng là một dạng chế độ phong kiến mà thôi. Vua Trọng với hai ngai có vẻ đang ủng hộ ý kiến này.
Ông Vua năm nay cũng đã 74. Chẳng hiểu trước khi tiến cử ông những người chăm sóc sức khoẻ cho các ông lớn có khám cho ông kỹ không. Nhưng cứ như cách họ chăm sóc cho ông ‘tau khoẻ mà có chi mô’ Nguyễn Bá Thanh và ông vừa chúc các cháu thiếu nhi vui Trung Thu đã lấy luôn thú rước đèn và ca hát của các cháu thì kể cũng không cần quan tâm nhiều tới ý kiến của họ. Tôi nghĩ chắc là ông khoẻ lên nhiều so với hồi ông ngồi lại vào ghế tổng bí thư nhiệm kỳ hai hồi đầu năm 2016. Khi đó ông chỉ định ngồi đến khoảng thời gian này thôi và sẽ nhường lại ngôi. Tệ nỗi, hay may thay tuỳ mỗi góc nhìn, hai người được xem là ứng viên tiềm năng khi đó thì một người vừa chết, một người bệnh trước đó lâu rồi. Tức là trong số mười mấy uỷ viên bộ chính trị còn lại chẳng ai bằng ông lão 74 cả. Gay đấy chứ chẳng phải đùa đâu.
Tại sao gay ? Tại vì người ta nói cứ như là chỉ có ông là người đốt cái lò chống tham nhũng cháy rực thôi cho dù củi dường như cũng có chọn lọc. Ông mà ốm bệnh ra đấy thì củi tham nhũng lại chạy đầy đường hay sao ? Còn nữa, con người ta nay thế này mai thế khác vì quyền lực có xu hướng tham nhũng mà. Giả sử như Vua sau này đổ đốn tham nhũng thì ai xử ông ? Đừng nói là uỷ viên bộ chính trị thì đủ đức, đủ tài không tham nhũng quyền lực và các thứ khác nhé. Đồng chí Thăng đâu, có phải họ vu oan cho đồng chí không ?
Thú thật với Vua Trọng, tôi chẳng tin đảng của ông có thể trong sạch được nếu ông không quẳng đi cái lò thứ hai mà ông dùng để đốt tương lai của những người từng hô to "cá cần nước sạch, nước cần minh bạch" đâu. Ở đâu có bóng tối, có góc khuất của quyền lực, ở đó có sự khuất tất và gian trá. Người dân cần được khuyến khích để chỉ ra sự khuất tất và gian trá đó chứ không phải bị bịt miệng như hiện nay. Nếu như ông có thêm vai diễn nữa nhưng bỏ bớt chiếc lò đốt các giá trị nhân quyền thì lịch sử sẽ nhìn ông với đôi mắt khác hơn. Đương nhiên chẳng có bằng chứng gì cho thấy điều này sẽ xảy ra và chuyện ông Vua hai ngai với hai chiếc lò sẽ lại đi vào lịch sử như một nhân vật lỡ chuyến tàu cơ hội nhằm đưa Việt Nam thành đất nước văn minh hơn chứ chưa nói gì tới "sánh vai các cường quốc" trên thế giới.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/10/2018
Người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng lại vừa có thêm cái nhất nữa khi trở thành hãng xe hơi Việt Nam có màn ra mắt ấn tượng nhất ở triển lãm ô tô mang tên Paris Motor Show.
Hoa Hậu Trần Tiểu Vy và cựu danh thủ David Beckham tham dự lễ ra mắt 2 mẫu xe VinFast tại Paris Motor Show.
Mặc dù còn có những tranh cãi về chuyện liệu ông Vượng có treo đầu dê bán thịt chó hay không, khả năng quảng cáo cho một sản phẩm còn đang được định hình của VinFast không tồi chút nào.
Họ mời được danh thủ nổi tiếng thế giới David Beckham tới giới thiệu hai mẫu xe Sedan và SUV cũng như quy tụ được đông đảo báo giới trong buổi ra mắt.
Thêm nữa VinFast cũng đoạt luôn giải ‘Ngôi sao mới’ do Autobest, tổ chức bình chọn xe tốt nhất Châu Âu hàng năm với đại diện từ 27 quốc gia của Châu lục này. ‘Ngôi sao mới’ cũng là giải mới tinh và VinFast là hãng đầu tiên được trao giải này.
Vậy ai góp phần vào những thành công về mặt truyền thông cho VinFast ?
Câu trả lời đầu tiên là đó không phải là một hãng Việt Nam. Tỷ phú Vượng đã chọn một công ty chuyên về truyền thông và tổ chức sự kiện của Anh. Công ty mang tên PFPR Communications có trụ sở ở hạt Kent (cách nơi tôi sống chừng 30 phút lái xe). Đây là công ty nổi tiếng với danh sách khách hàng bao gồm cả BMW, Mazda, Honda, Mini và Rolls-Royce.
PFPR thông báo trên Twitter hôm 30/8 rằng khi đó họ đưa một đoàn nhà báo tới thăm nhà máy của VinFast bằng trực thăng. Họ cũng đăng cảvideo trực thăng đáp xuống nhà máy ở Hải Phòng. Cũng phải nói rằng khu nhà máy với tổng diện tích 335 ha của VinFast đang được đem ra so sánh với nhà máy chỉ với diện tích hơn 20 ha của Toyota Việt Nam, hãng đã sản xuất xe ở Vĩnh Phúc từ 22 năm qua với tỷ lệ nội địa hoá lên tới gần vài chục phần trăm. Họ nói ông Vượng ‘lườm cơm gắp thịt’, nói là làm ô tô đấy nhưng tiện thể cũng gom càng nhiều đất về tay tập đoàn Vingroup của ông càng tốt. Người ta cũng dẫn lại chuyện các báo Việt Nam đã phải sửa các bài trong đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chất vấn ai bật đèn xanh cho xây nhà trên 50 tầng ở khu Triển lãm Giảng Võ vì đó chính là dự án có ông Vượng tham gia. Nhưng cũng có ý kiến nói khu đất "hơn 300 ha ở Hải Phòng là sình lầy… bao nhiêu năm nay chẳng ai để mắt tới vì phải mất rất nhiều công và của bồi đắp".
Trở lại với PFPR, hãng kết thúc chuyến thăm VinFast hôm 31/08 và tới hôm 2/10 viết trên Twitter : "Tự hào khi đội PFPR giúp giới thiệu hai mẫu xe mới của VinFast – nhà sản xuất xe hơi chính ngạch đầu tiên của Việt Nam – tại #ParisMotorShow".
Sự tham gia của PFPR lý giải cho mức độ chuyên nghiệp tương đối của cách VinFast ra mắt mô hình xe ở Paris và sự xuất hiện của David Beckham. Cựu danh thủ cũng được trả đủ thù lao và hoàn thành nhiệm vụ khi thốt lên những từ "đẹp quá" và "VinFast là điều kỳ diệu" khá tự nhiên trước khi nhận lấy lá cờ đỏ sao vàng từ tay Hoa hậu Trần Tiểu Vy.
Bức ảnh Beckham chụp cạnh xe của VinFast mà anh chia sẻ trên chính trang Facebook của mình đã được hơn 130.000 lượt like và hơn 5.000 lượt chia sẻ tính tới 8/10. Nhiều người Việt vào bình luận kiểu "Việt Nam vô địch" trong khi các đồng hương của Beckham thì trút sự bực bội vì cựu danh thủ này vừa thuê luật sư chuyên tìm cách lách luật cãi cho anh thoát tội đi quá tốc độ. Beckham bị máy chụp ảnh tự động ghi lại cảnh chiếc Bently anh lái phóng với tốc độ 59 dặm (gần 95 km) trên đường chỉ cho phép đi với tốc độ 40 dặm (hơn 64 km) hồi đầu năm nay. Beckham thừa nhận đi quá tốc độ cho phép nhưng thuê luật sư cãi rằng giấy thông báo về chuyện anh phạm luật tới quá muộn nên không còn hợp lệ. May mà anh không ở Việt Nam chứ nếu không anh đã phải vào quán nước đưa tiền hối lộ hoặc nếu ra toà thì cũng không thể cãi theo kiểu phát hiện muộn quá nên không phạt được tôi như thế.
Ngoài chuyện dựa vào hình ảnh và ảnh hưởng của Beckham ở Việt Nam và nước ngoài, hãng PFPR có lẽ cũng đã góp phần khiến "ngôi sao mới" xuất hiện trên một số báo Anh. Trang Telegraph có bài với tựa ‘Beckham giới thiệu xe saloon và SUV mới của Vinfast tại Paris Motor Show’. Bài báo khá dài và tích cực nhắc tới khoản đầu tư 3,5 tỷ đô la mà ông Vượng cam kết bỏ ra để làm xe hơi và cũng viết : "Chiếc LUX A2.0 Sedan và LUX SA2.0 SUV được mô tả là có thiết kế của Ý, công nghệ Châu Âu và "tinh thần Việt Nam". Bài báo cũng nhắc tới chuyện mẫu thiết kế được chọn sau khi tham khảo ý kiến của hơn 62.000 người ở Việt Nam và "kết quả là sự hào nhoáng, hiện đại và rõ ràng là hợp lòng người". Sự ra mắt hai mẫu xe của VinFast cũng xuất hiện trên trang chuyên về xe hơi ở Anh nhưAutoExpress, AutoTrader bên cạnh các báo cải lương hay lá cải nhưDaily Mail, Daily Mirror và The Sun. Cả ba tờ báo sau cùng này đều nhắc tới chuyện Beckham vừa thoát khỏi bị truy tố tội đi quá tốc độ cho phép tới 30 km nhờ tài của luật sư chuyên tìm kẽ hở của pháp luật.
Nhưng không phải là không có báo hoài nghi về kế hoạch sản xuất xe của một công ty mà kinh nghiệm trong lĩnh vực này là bằng không. Cây viết Constantin Bergander trên trang Motor Talk của Đức viết rằng người ta đã không cho anh mở nắp capô và nắp cốp sau để xem chi tiết chiếc xe ở Paris Motor Show. Anh cũng nhận thấy cửa sổ trước và sau của xe được làm bằng nhựa chứ không phải bằng kính, nội thất rẻ tiền hơn so với BMW xịn và vỏ xe cũng không khít như xe hoàn chỉnh. Tác giả cũng viết các xe của VinFast sẽ còn phải cải tiến về tiêu chuẩn khí thải nếu muốn chinh phục thị trường Châu Âu mà ông nói không rõ số tiền ông Vượng kiếm được từ lúc làm mì ăn liền tới kinh doanh bất động sản về sau này có đủ để làm điều này không.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 10/10/2018
VụTiến sĩ Nguyễn Nam Dương, tham tán của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngủ gật có lẽ sẽ qua nhanh và ít ầm ĩ hơn rất nhiều nếu không có nhiều người muốn chứng minh anh ngủ đúng giờ chứ không phải ngủ trong giờ làm việc. Nguyên tắc đầu tiên của xử lý khủng hoảng là đưa ra những thông tin chính xác và kịp thời. Việc tồn tại những tin vịt quanh bức ảnh đã đổ thêm dầu vào lửa khiến nó cháy lâu hơn. Vụ việc cũng cho thấy đôi điều về người Việt và con người nói chung.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - Hình minh họa.
1. Hiểu biết nói chung của người ta về tin tức còn kém. Nhiều người không hiểu rằng phóng viên phương Tây sẽ không bao giờ chụp hình người đang ngủ vào đúng giờ ngủ để đem bán. Đúng giờ người ta ngủ thì mắc mớ gì mà chụp. Và chụp bán cũng không ai mua cả vì biết chú thích sao đây. ‘Ông Việt Nam ngủ vào giờ nghỉ’ đâu phải là điều gì hấp dẫn người đọc. Và quan trọng hơn là luôn đọc tất cả mọi điều với một chút nghi ngờ trong thời tin vịt lên ngôi này. Hãy kiểm tra với nhiều nguồn khác nhau, kể cả những nguồn mình không thích.
2. Văn hóa ‘chổi cùn cắp nách khư khư, hễ ai động đến là văng chổi cùn’ được thể hiện rất rõ khi tranh luận về chủ đề này. Thay vì tranh luận vào đúng chủ đề là ngủ khi làm việc hay ngủ vào giờ nghỉ thì người ta quay sang bảo ‘ôi, đầy người khác cũng ngủ kia kìa’. Sự bao biện này đã được đáp lại bởi những câu như ‘vậy thấy người khác ăn cắp thì ta cũng đi ăn cắp à’. Hay có người bảo ‘ai cũng phải kiếm cơm, đừng vì miếng cơm mà đập niêu cơm của người khác’. Xin lỗi bạn, cơm cháo gì ở đây. Đang nói về chuyện ngủ khi nào cơ mà. Hoặc ở hình thái cực đoan thì người ta văng ‘đổi mới’ luôn.
3. Người ta không biết quan chức phải chịu sự soi mói của truyền thông và dư luận hơn người thường. Vì sao ư ? Vì người thường đóng tiền thuế để trả lương cho quan chức và nhân viên nhà nước nói chung. Người thường đấy thậm chí có thể là bà bán ve chai, ông bán vé số. Tiêu tiền mà người khác đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được thì phải có trách nhiệm hơn là đương nhiên. Trong trường hợp này quan chức được chụp với hai chữ ‘Việt Nam’ chứ không phải với tên riêng của ông. Như thế ông đại diện cho hình ảnh của một quốc gia chứ không chỉ là riêng ông Dương như có người nguỵ biện. Luật sư Ngô Ngọc Trai đã viết khá rõ về điều này trên Facebook của ông.
4. Một số người không hiểu thế nào là quyền riêng tư và nói rằng người chụp hình đã vi phạm quyền này. Bạn có thể nói vậy khi họ dùng ống kính tele chụp khi bạn đang ngủ trong nhà, trên tàu, tại sân bay… Nhưng khi bạn bước vào phòng họp của Liên Hiệp Quốc thì bạn đã bỏ quyền riêng tư của bạn lại ngoài cửa rồi. Chẳng nhẽ bạn mang luôn cái đệm vào phòng Đại Hội Đồng ngủ cho êm luôn sao ?
5. Văn hóa xin lỗi ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Làm gì sai thì nhận và xin lỗi thành tâm mọi người sẽ bỏ qua. Tham tán Dương thay vì xin lỗi công khai trên Facebook thì anh đóng Facebook lại. Vậy là anh đã bỏ lỡ cơ hội biến điều tiêu cực thành tích cực và chứng minh khả năng ngoại giao của mình. Còn nếu anh không đủ khả năng để xử lý tình huống này thì làm sao người ta tin anh có thể cáng đáng được những việc lớn hơn ở Liên Hiệp Quốc.
6. Trước một sự cố bất ngờ người ta thường như con thỏ bị rọi đèn pha trong đêm. Điều này có thể hiểu được nhưng đừng cứ đứng đó lâu mà xe nó cán. Tôi gửi thư cho phái đoàn của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc từ thứ Bảy. Tới thứ Ba vẫn chờ thư họ trả lời về chuyện tham tán ngủ. Trong khi đó người chụp tấm hình trả lời thư của tôi trong cả thứ Bảy và Chủ Nhật. Mà đó là họ làm cho hãng tin tư nhân chứ không ăn tiền thuế của dân đâu. Im lặng không phải khi nào cũng là vàng.
7. Con người ta quả là đáng thương. Đúng là ai cũng phải đi làm và nhiều cơ quan thích vắt chanh bỏ vỏ. Có thể anh tham tán bị nhồi cho họp mười mấy tiếng liền và như thế có thể sai cả luật lao động và chuyện anh ngủ là đương nhiên. Có thể họ cũng cắt luôn quyền mở miệng của anh nữa. Mà cái này là truyền thống của Việt Nam rồi.
Người chụp ảnh tham tán ngủ nói với tôi ông hy vọng có điều gì tích cực sẽ đến với vị tham tán từ trải nghiệm này. Khi tôi nói tôi khó nghĩ ra có điều tích cực nào có thể đến với tham tán thì phóng viên Don Emmert, người chụp hình ở Liên Hiệp Quốc từ năm 1985, nói ông luôn cố biến mọi trải nghiệm thành điều gì đó tích cực. Tôi giải thích với ông về phản ứng của cộng đồng Facebook Việt Nam trước bức ảnh của ông và ông nói người ta có thể hiểu bức ảnh theo hai cách. Một là tham tán thiếu tôn trọng diễn giả và những người xung quanh. Hoặc tham tán chắc đã làm việc quá nhiều mới mệt đến thế.
Ông Emmert cũng nói : "Tôi không chụp tấm ảnh đó để có đánh giá tích cực hay tiêu cực về Liên Hiệp Quốc hay các đại biểu. Tôi ở đó để cho công chúng thấy những gì xảy ra trong các cuộc họp."
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 03/10/2018
Habemus Papam ! là những từ mà người ta thốt lên sau khi các Hồng y họp kín để bầu ra Giáo hoàng. Đảng cộng sản cũng vừa nhóm họp hội nghị trung ương tám và họ quyết định tiến cử ông đốt lò Nguyễn Phú Trọng ngồi luôn ghế của cố Chủ tịch Trần Đại Quang, còn được gọi là ông ‘Sáng To’. Nhiều người mỉa mai hô ‘vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế’.
Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 6/11/2015.
Người mới hồi năm 2015 còn cho rằng gộp hai chức bí thư và chủ tịch ở địa phương đã là ‘to quá’, giờ có lẽ đang sớm mong đến ngày ông sẽ là người tới họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng Chín mỗi năm thay vì để thủ tướng đi như vừa rồi.
Ông Trọng trả lời trang tin VTC về việc hợp nhất hai vị trí bí thư và chủ tịch hồi cách đây ba năm như sau :
"Đây là vấn đề đã được Trung ương bàn nhiều lần. Một số tỉnh, thành cũng đã tổ chức thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở một số nơi.
"Nhưng thực tế nhân dân là người làm chủ, ở đâu có nhà nước ở đó phải có giám sát của nhân dân.
"Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông ?"
Nhưng đó là những phát biểu vào tháng 5/2015 khi mà ông Trọng chưa hoàn thành việc củng cố quyền lực và thủ tướng lúc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng, được cho là đang nhắm tới chiếc ghế tổng bí thư. Tuy nhiên chỉ tám tháng sau đó ông Dũng đã phải ngậm đắng nuốt cay rời chính trường dù trẻ hơn ông Trọng tới năm tuổi. Vị tổng bí thư là người duy nhất được coi là ngoại lệ và được bầu lại vào Bộ Chính trị cũng như vị trí đứng đầu đảng dù khi đó đã ở tuổi 71.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia duy nhất trong năm nước cộng sản còn sót lại trên thế giới chưa nhất thể hóa hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư, một số người sợ rằng giao cả hai vị trí này vào tay một người có thể dẫn tới tình trạng tập trung quyền lực quá lớn như chính ông Trọng từng phát biểu.
Đây là mối lo không phải không có cơ sở. Quốc hội Việt Nam chỉ được coi là con dấu mà đảng chỉ đâu đóng đấy vì đại đa số đại biểu là đảng viên cộng sản. Ví dụ điển hình là hội nghị trung ương của đảng vừa chỉ định đảng trưởng của họ ngồi vào ghế chủ tịch. Các đảng viên trong Quốc hội tới đây gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu theo chỉ đạo của đảng và thông qua việc nhất thể hóa này. Thay vì đưa một vấn đề hệ trọng liên quan tới hợp nhất chức danh của bên đảng và chính quyền ra để quốc hội bàn, họ chỉ bàn trong đảng và tự quyết với nhau. Quốc hội chỉ việc gật là xong.
Quốc hội với thói quen gật đầu cố hữu đã làm cho Việt Nam có một loạt các điều luật đi ngược lại với văn minh nhân loại về tự do hội họp và tự do ngôn luận. Từ Hiến pháp công nhận đa đảng hồi năm 1946, các ông nghị gật đã giúp Việt Nam đi giật lùi tới một loạt các Hiến pháp chỉ công nhận duy nhất một đảng về sau này. Họ cũng hình sự hóa những phản kháng ôn hòa của người dân đòi những quyền con người căn bản khiến hàng trăm người đang chịu cảnh tù đày chỉ vì dám nói, viết, xuống đường đòi các quyền tự do có trong các công ước quốc tế mà chính Việt Nam đã ký kết.
Điều trớ trêu là chính các nước tư bản thường bị Việt Nam coi là mô hình nhà nước kém ưu việt hơn lại đòi Việt Nam trả tự do cho các công dân quả cảm và trong nhiều trường hợp cho họ tị nạn chính trị.
Một lý do khác khiến lo ngại ‘quá to’ có cơ sở là hệ thống tư pháp của Việt Nam cũng là đàn cừu của đảng. Nhiều vụ án chính trị bỗng trở thành án hình sự và đàn cừu thông minh tới mức có thể tiêu hóa được ngồn ngộn chứng cứ trong có một ngày và kết án người ta một thập niên ở tù.
Hiển nhiên những điều này không phải là mối lo của ông Trọng khi ông nói việc hợp nhất là ‘quá to’. Có lẽ ông chỉ lo người ta tham nhũng ‘quá to’ như những năm gần đây. Mấy hôm vừa rồi tôi nghe ngóng thấy người ta bàn chuyện thay đổi nhân sự mà giật cả mình. Ở chỗ riêng tư người ta còn bảo giống như ‘thay đĩ với phò’. Dường như nhiều người đã quá mệt mỏi với việc chờ đợi những thay đổi không bao giờ tới với họ và người thân của họ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 04/10/2018
Bức hình chụp người được cho là Tham tán Nguyễn Nam Dương của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc ngủ gật tại trụ sở của cơ quan này đã gây bão trên Facebook cả ở góc độ số lượt chia sẻ lẫn số lời bình luận.
Bức hình chụp người được cho là Tham tán Nguyễn Nam Dương của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc ngủ gật Đại Hội động Bảo an Liên Hiệp Quốc - Hình minh họa.
Người bảo tham tán ngủ lúc nghỉ giải lao, người khẳng định ông ngủ lúc đang có phiên họp và cuộc cãi vã diễn ra trong nhiều ngày. Ai cũng có những lý lẽ thoạt nghe có vẻ khá thuyết phục (1).
Vậy sự thật vềbức ảnh được chụp hôm 25/9 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc là thế nào ?
Ở phần chú thích ảnh của Getty Images, hãng chuyên cung cấp ảnh và video cho truyền thông thế giới, có ghi nguyên văn tiếng Anh : "A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018". Chú thích này có nghĩa là : "Thành viên của phái đoàn Việt Nam chợp mắt tại buổi Thảo luận Chung trong phiên họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng tại Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25/9/2018". Chú thích cũng ghi rõ người chụp hình là Don Emmert của hãng thông tấn Pháp AFP.
Mặc dù vậy một số bình luận nói buổi Thảo luận Chung có thể kéo dài và có giờ nghỉ ở giữa. Bởi vậy chuyện tham tán ngủ vào giờ nghỉ là đúng để đầu óc minh mẫn hơn trước khi lại phải tiếp tục họp liên miên. Trước khi biết đây là một tham tán đóng ở chính New York, người ta lại bảo lệch giờ nên ngủ thế là bình thường. Dĩ nhiên đây là chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai. Người thân người ta có thể lăn ra ốm khiến họ phải thức cả đêm hôm trước chẳng hạn. Nhưng xin khẳng định hoàn toàn không có chuyện tham tán ngủ trong giờ nghỉ.
Sau khi theo dõi những tranh cãi trên mạng xã hội, tôi liên hệ với người chụp hình, trưởng văn phòng ảnh của hãng thông tấn AFP ở New York, ông Don Emmert. Tôi gửi thư điện tử cho ông hôm thứ Bảy, 29/9 để hỏi về những tranh cãi quanh bức ảnh và chỉ mong tới thứ Hai Don sẽ trả lời các câu hỏi của tôi. Nhưng ông trả lời ngay trong ngày 29/9. Để tránh những câu hỏi không cần thiết về chuyện liệu tôi có biên tập câu trả lời của phóng viên ảnh hay không, xin chia sẻ toàn bộ thư Don gửi :
"[Gửi] Hùng.
"Tôi đã lần tìm trong kho tư liệu của tôi để tìm câu trả lời cho các câu hỏi của anh.
"Tôi chụp bức hình vì tôi có mặt ở Liên Hiệp Quốc để đưa tin về những gì diễn ra tại Sảnh Đại Hội đồng. Thường điều này đồng nghĩa với việc chụp ảnh diễn giả từ các góc độ khác nhau nhưng tôi cũng tìm những nét khác có thể diễn ra trong các diễn văn.
"Từ góc tôi chụp bức hình này tôi cũng chụp ảnh Đại sứ Syria đang ngáp to. Điều này khiến tôi chú ý vì quan hệ giữa Iran và Syria. Sau đó tôi để ý tới đoàn Việt Nam vì bàn của họ khá gần với bàn của Syria. Tôi không biết ông ấy ngủ trong bao lâu. Tôi chỉ chứng kiến đủ lâu để chụp hình.
"Tôi có thể khẳng định rằng bức ảnh được chụp trong lúc đang diễn ra bài phát biểu của Tổng thống Iran. Đó không phải là giờ nghỉ. Trong thẻ số của tôi có ảnh Tổng thống Rouhani phát biểu cả trước và sau tấm hình chụp người đàn ông đang ngủ.
"Tôi hy vọng đã trả lời các câu hỏi của anh. Nếu anh cần thông tin gì thêm hay cần thêm giải thích, cứ nói với tôi.
Tạm biệt.
Don"
Vậy chúng ta có thể thấy gì qua những chia sẻ và bình luận quanh tấm hình này trên cõi Facebook ở Việt Nam. Nó chứng minh lời một bài hát của Madona, bài Frozen [Đóng băng] mà tôi rất thích với những câu mở đầu :
"You only see what your eyes want to see
How can life be what you want it to be
You’re frozen when your heart is not open
You’re so consumed with how much you get
You waste your time with hate and regret
You’re broken when your heart is not open"
Tạm dịch :
"Bạn chỉ thấy những gì mắt bạn muốn thấy
Làm sao cuộc sống có thể y như ý bạn muốn
Bạn đông cứng khi trái tim bạn không rộng mở
Bạn quá bận tâm tới chuyện bạn sẽ được hưởng bao nhiêu
Bạn phí thời gian với thù hận và ân hận
Bạn hỏng rồi vì trái tim bạn không rộng mở"
Đa số chúng ta chỉ tìm những gì phù hợp và chứng minh cho niềm tin sẵn có của chúng ta. Khi thấy những gì bạn muốn nghe, muốn thấy bạn chia sẻ ngay. Những gì trái với suy nghĩ và niềm tin của bạn, bạn sẽ lướt qua cho nhanh, khỏi thích hay bình luận làm gì. Đây là lý do xã hội khó thay đổi. Xã hội là do mỗi con người riêng lẻ góp phần tạo ra. Nếu số người vẫn giữ nguyên cách nghĩ và niềm tin cũ đông hơn những người mở lòng với cái lạ, cái mới, xã hội khó thay đổi hoặc thay đổi rất chậm. Đây chính là điều đã diễn ra ở Việt Nam kể từ năm 1986 khi Đổi Mới đã được phát động.
Quay trở lại với Tham tán Nguyễn Nam Dương, tôi mong anh dũng cảm đối mặt với thách thức này thay vì đóng Facebook như anh đã làm. Nhà ngoại giao có hạng của Việt Nam phải ứng xử giỏi trong mọi tình huống, mà tình huống này theo tôi cũng thường thôi. Thực ra tôi ưng anh nhất khi anh ngủ vì tôi chẳng biết anh là ai nhưng tôi biết khi ngủ anh là người [cộng sản] tốt. Khi những người cộng sản thức dậy thì nhiều điều hãi hùng có thể xảy ra nhưTổng thống Trump đã phát biểu.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/10/2018
(1) https://www.gettyimages.no/detail/news-photo/member-of-vietnamese-delegation-naps-during-the-general-news-photo/1040080004
Hôm trước đang rửa bát trong bếp tôi giật mình nghe BBC World Service đưa tin Iraq nay đã có đại học lọt vào danh sách 1000 trường hàng đầu thế giới theo một đánh giá của Anh. Một đất nước trong mười mấy năm vừa rồi trải qua hết chiến tranh lại tới khủng bố và xung đột sắc tộc mà vẫn cố gắng để có điểm sáng trong giáo dục thì thật đáng khâm phục.
Logo của Đại Học Baghdad.
Đại học Baghdad mới chỉ đứng cùng một loạt các đại học khác như Asia University của Đài Loan, Học Viện Công nghệ Bandung của Indonesia ở thang bậc đồng loạt từ 800-1000 của bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education. Tuyệt nhiên không có đại học nào của Việt Nam nằm trong danh sách xếp hạng dựa theo các đánh giá về việc giảng dạy, nghiên cứu, truyền đạt kiến thức, tầm nhìn quốc tế và các tiêu chí khác.
Đương nhiên hệ thống giáo dục ở Iraq vẫn còn trong cơn khủng hoảng vì Liên Hiệp Quốc ước tính 84% các đại học của nước này đã bị "đốt, cướp phá hay phá huỷ" trong cuộc chiến Iraq do Hoa Kỳ và đồng minh gây ra hồi năm 2003, theo The Guardian. Tờ này cũng nói ít nhất 10 trường đại học đã bị phá huỷ khi nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo tràn qua vùng tây bắc Iraq hồi năm 2014 kéo theo tình trạng hai phần ba trẻ em ở khu vực này thất học trong hai năm sau đó. Những điều này càng cho thấy ý nghĩa của chuyện Đại học Baghdad với gần 67.000 sinh viên lọt vào top 1.000, một điều Việt Nam không làm được sau 32 năm Đổi Mới mà lâu nay còn có tên ‘đổi mãi mà không mới’.
Trong khi đó nước cộng sản láng giềng Trung Quốc đã lần đầu tiên trở thành quốc gia có nhiều đại học tốt nhất ở Châu Á theo Times Higher Education. Đại học Thanh Hoa đã thế chỗĐại học Quốc gia Singapore ở vị trí 22 trong bảng xếp hạng. Cả thảy Trung Quốc có tới 72 trường trong bảng xếp hạng mới nhất, tăng thêm chín trường so với năm ngoái. Họ cũng có sáu trường nằm trong top 100 trong đó ngoài Đại học Thanh Hoa còn có Đại học Bắc Kinh, Đại học Hong Kong, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong và Đại học Trung Hoa Hong Kong. Đại học Triết Giang cũng chỉ vừa nằm ngoài 100 trường tốt nhất khi đứng thứ 101, cao hơn 76 bậc so với năm ngoái.
Cả thảy 86 nước có tên trong danh sách xếp hạng 1.258 trường đại học hàng đầu trên thế giới và 25 nước có đại học có tên trong nhóm 200 trường hàng đầu.
Trong số các nước ASEAN mà Việt Nam là thành viên, Thái Lan có 14 trường lọt vào bảng xếp hạng, Malaysia có 11 trường, Indonesia có năm trường và Singapore có hai trường.
Các trường đứng từ thứ 1-5 trong bảng xếp hạng là Đại học Oxford (Anh), Đại học Cambridge (Anh), Đại học Standord (Hoa Kỳ), Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) và Viện Công nghệ California (Hoa Kỳ).
Trở lại với Trung Quốc, dù người ta dự đoán có thể chỉ trong vòng 10 năm nữa, số tác giả được trích dẫn của nước này sẽ ngang ngửa với Hoa Kỳ, không phải không có than phiền từ gần nửa triệu sinh viên quốc tế (con số của chính quyền Trung Quốc đưa ra) đang theo học ở nước này.
Vẫn Times Higher Education hồi đầu tháng Chín dẫn nghiên cứu của một phó giáo sư Trung Quốc mà theo đó sinh viên quốc tế ở Trung Quốc cho rằng các giảng viên thường áp đảo quá trình dạy và học và giảng viên Trung Quốc cũng không khuyến khích học viên đặt câu hỏi. Điều này cũng dẫn tới tình trạng sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài khá dè dặt. Một giảng viên từng dạy nhiều sinh viên Trung Quốc ở Anh nói với tôi dạy họ rất mệt vì họ nhường hết phần nói cho giảng viên thay vì tham gia thảo luận hay ít nhất là đặt câu hỏi. Nhiều sinh viên cũng luôn đeo trên cổ nỗi sợ tới mức không dám chọn những đề tài gây tranh cãi ở Trung Quốc để viết bài hay làm luận án dù họ đã sang tận Anh. Điều này thì họ khá giống với một số sinh viên Việt Nam.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 28/09/2018
Chẳng hiểu tại sao và từ bao giờ người ta gọi xứ ấy là xứ Đông Lào. Có thể họ buồn vì là công dân cái xứ mà muốn đi chơi đâu cũng thót cả tim vì không biết người ta có cho visa nhập cảnh không ? Hay họ ngán vì ra sân bay có visa nhập cảnh rồi nhưng mấy anh công an hứng lên là bảo ‘cô thuộc diện chưa được xuất cảnh’ mà chẳng có cơ sở pháp luật nào để đưa ra cái lệnh cấm đó ?
Có thể họ thấy cái xứ ấy giờ còn chẳng bằng xứ Lào nên chỉ đáng gọi thế thôi ? Hoặc là họ xót xa vì vừa mở miệng nói mấy câu cho sướng miệng đã phải bỏ con ở nhà đi bóc lịch 10 năm ?
Còn nhiều lý do khác có thể lắm. Có thể họ chán đi đâu cũng phải phong bì kể cả đi đẻ phòng trường hợp mấy bà đỡ đổi ca mà không kịp phong bì ngay cho bà mới thì họ tiêm cho đau có mà muốn chết. Có thể họ đợi mãi không đến ngày đỡ phải cày cuốc kiếm tiền tỷ để cho con dù học. Có thể họ thấy nhục nhã vì phải đi ở đợ tận đẩu tận đâu vì ở xứ Đông Lào chẳng đủ cơ hội cho họ. Có thể họ nhục như con trùng trục vì xấu hổ khi người xứ ấy giờ rủ nhau ra nước ngoài ăn cắp từ cái quần lót. Có thể họ sợ có ngày bị bắt vào đồn công an là họ lại tự gí tay vào ổ điện tự tử.
Những cái có thể đấy khiến nhiều người hân hoan khi một vị tứ trụ xứ Đông Lào đột tử. Dưới thời vị ấy là thủ lĩnh công an, các tiểu yêu dưới trướng tham nhũng cả triệu đô, bảo kê cho các đường dây đánh bạc công nghệ cao, dùng sao và vạch để cướp đất của dân, ghét ai là tống vào tù, thích lên thì cho dân vào đồn tự tử. Chắc nhờ thế mà vị ấy vào hàng tứ trụ.
Dĩ nhiên không phải ai cũng cười khi người ấy chết. Có người bảo nghĩa tử là nghĩa tận. ‘Tức là sao ?’ – người khác đặt câu hỏi. ‘Thế Hitler chết cũng phải đau buồn và ngả mũ à’ – người ta lại tự trả lời. Có người đăng lại chuyện Stalin chết ra sao. Nhưng đấy là những người giết cả chục triệu người. Dân xứ Đông Lào đâu có quá đông mà giết được mấy chục triệu. Vài triệu người đã chết trong cuộc chiến giữa những người nói cùng thứ tiếng trong đó hàng trăm ngàn người cho tới giờ vẫn chưa biết xác ở đâu. Hàng trăm ngàn người khác chết trên biển khi rời xứ Đông Lào đi tìm tự do. Hàng trăm ngàn người khác nữa suýt chết vì đi từ trại cải tạo này tới trại cải tạo khác. Một người bảo ‘máu chúng tôi rỏ xuống chân, thấm xuống đất’ mà thế giới đâu có biết.
Thế giới họ đâu cần biết. Họ chỉ cần thấy phong cảnh Đông Lào đẹp, phụ nữ Đông Lào xinh, người Đông Lào thấy Tây vẫn quý hơn người xứ họ, đồ ăn Đông Lào ngon… là họ lên mạng cho Đông Lào năm sao. Lãnh đạo xứ ấy cũng chỉ dám roi vọt với dân họ chứ với công dân nước ngoài họ tử tế và cung kính lắm. Người nước ngoài nói xấu lãnh đạo xứ Đông Lào đầy ra. Nhưng có ai ở tù 10 năm đâu.
Tôi cũng vẫn còn hộ chiếu Đông Lào nhưng mười mấy năm nay không dùng. Hộ chiếu tư bản giãy chết đi cả trăm nước không phải xin visa, kể cả khi về lại Đông Lào. Hồi cách đây đúng 20 năm tôi từ Hoa Kỳ về Đông Lào nhưng rẽ qua Hong Kong. Thấy hộ chiếu xanh lá cây họ soi ghê lắm. Rồi ngồi chờ. Họ ngắm đi ngắm lại hộ chiếu. Rồi họ gọi sếp của họ ra ngắm. Sau đó đến màn chất vấn khách du lịch. Lạy hồn cuối cùng cũng được cho vào. Thót hết cả tim với cả gan.
Nhưng mà tôi biết tôi vẫn còn yêu xứ Đông Lào lắm. Không yêu tôi chẳng mất công viết về xứ ấy làm gì. Đời là mấy tí. Tôi cũng buồn khi người xứ Đông Lào coi nhau như kẻ thù. Tôi cũng biết họ coi chính tôi như kẻ thù vì không chịu viết như báo Cán Bộ, à quên báo Nhân Dân. Thật chẳng hiểu họ lấy tiền của Nhân Dân, mà nghe nói lấy nhiều lắm đấy, để in cái báo chủ yếu cho cán bộ đọc làm gì. Hồi tôi còn ở Đông Lào người ta kể phóng viên báo Nhân Dân về một làng nọ và được một lão nông khen ‘báo chú mày lão thích lắm đấy’. Phóng viên phổng mũi lắm. Lão nông rít xong một hơi thuốc bảo tiếp ‘báo in giấy dày, quấn hút thuốc thích lắm’.
Thế là một ủy viên Bộ Chính trị xứ ấy vừa nằm xuống. Một ủy viên khác đã vào tù. Một người nữa cũng đang ốm nặng chẳng làm được việc nữa. Ông đốt lò đã bảy mươi mấy mùa xuân. Xứ Đông Lào đa số dân trẻ mà sao bầu đâu ra lãnh đạo già yếu và hư đốn thế. À mà họ có bầu đâu. Tôi biết dân chủ còn lâu mới đến với xứ Đông Lào. Dân nước tôi chỉ giỏi rủ nhau xuống đường uống bia hay khi phê với đội tuyển bóng đá thôi. Còn xuống đường vì những thứ xa xỉ như dân chủ và tự do ngôn luận mà làm gì. Hãy chứng minh là tôi sai đi nhé. Xin chia buồn với xứ Đông Lào.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 24/09/2018
Kể từ khi nàng Sophia, robot đầu tiên được trao quyền công dân, tới Việt Nam chém gió hồi tháng Bảy trước hàng loạt quan chức trong đó có cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cơn sốt 4.0 ngày càng lan rộng. Không có gì chứng minh cho điều này rõ hơn là chuyện nó len lỏi vào cả cuộc thi hoa hậu vừa kết thúc.
Sophia, robot đầu tiên được trao quyền công dân, mặc áo dài tới Việt Nam hồi tháng Bảy tham dự Diễn đàn cao cấp và phát triển quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2018 trước hàng loạt quan chức trong đó có cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Một trong các thí sinh nhận được câu hỏi "[b]ạn nghĩ có chỗ cho hoa hậu và các người đẹp trong việc thực hiện cách mạng 4.0 không ?".
Cô trả lời : "Em học chuyên ngành ngôn ngữ, cách mạng 4.0 hơi xa lạ với em. Theo em, bất kỳ thời đại, xã hội nào, nếu như bạn cố gắng hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của mình, bạn đều có thể cống hiến. Cách mạng 4.0 không nằm ngoài quy luật đó".
Thật là câu trả lời thành thật và phù hợp cho một câu hỏi lạc điệu và chạy theo phong trào. Trong thời ‘dân ta phải học sử ta, nếu mà không học thì tra Google’ việc gì phải hỏi những câu ngớ ngẩn như thế tại một cuộc thi nhan sắc. Các người đẹp thi xem gương mặt có khả ái và ba vòng có chuẩn không chứ có thi vào làm việc cho Google đâu. Họ cũng chẳng phải Sophia, cô người máy mà nếu trời nhá nhem tối ai gặp phải chắc chạy mất dép vì hình thù và giọng nói của cô dù cô được lập trình để ba hoa về cách mạng 4.0.
Sophia có lẽ là ví dụ rõ rệt nhất về việc chạy theo phong trào 4.0 một cách ngớ ngẩn. Một cô robot được lập trình để hỏi A trả lời B, hỏi C trả lời Z đâu có gì là hoành tráng. Vậy mà thủ tướng, phó thủ tướng, trưởng ban kinh tế trung ương… ngồi lĩnh hội những gì cô phán. Cô cũng chẳng phải công dân của nước công nghiệp phát triển nào mà là công dân Ả rập Saudi, nước chỉ vừa mới cho phụ nữ quyền lái xe và còn kém Việt Nam ở chỗ vẫn có án tử hình cho những người quan hệ đồng tính.
Nhưng Sophia có lẽ cũng thích hợp để làm công dân Việt Nam. Cô thực ra không có tư duy độc lập và chỉ biết nhai lại những gì người khác bảo. Đây vẫn là cách giáo dục 1.0 mà rất nhiều nơi ở Việt Nam còn đang áp dụng trong khi thế giới đang chuyển trọng tâm từ dạy kiến thức sang dạy các giá trị. Kiến thức robot có thể học và chắc chắn sẽ học nhanh hơn con người. Nhưng các giá trị của cuộc sống như khả năng chơi và cảm thụ âm nhạc, khả năng làm việc trong nhóm, khả năng tư duy độc lập… thì không biết bao giờ robot mới có thể học được. Đây là ý kiến của tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba : "Nếu không thay đổi cách dạy, trong vòng 30 năm tới chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề".
Người từng là giảng viên đại học và được sinh viên bầu là giảng viên xuất sắc nói thêm : "Những gì chúng ta dạy trẻ nhỏ trong vòng 200 năm qua đều dựa trên nền tảng kiến thức. Và chúng ta không thể dạy trẻ em cạnh tranh với máy tính vốn thông minh hơn". Khi được hỏi vậy phải dạy trẻ em những gì, ông nói : "Các giá trị, niềm tin, tư duy độc lập, làm việc trong nhóm, quan tâm tới mọi người. Đây là những [kỹ năng] mềm. Kiến thức sẽ không tạo ra chúng". Ông nói thêm ông cho rằng khi trẻ học thể thao, âm nhạc, hội họa và nghệ thuật, các em sẽ vượt lên trên người máy trong tương lai.
Hãng tin BBC của Anh cũng vừa đưa tin về chuyện một trường phổ thông ở miền bắc nước Anh đã thoát khỏi danh sách các trường yếu kém nhờ cải tiến chương trình giảng dạy và coi âm nhạc là trọng tâm.
Trường Feversham ở Bradford từ chỗ kém tới mức chính phủ phải can thiệp và thay đội ngũ lãnh đạo nay đã lọt vào số 10% các trường hàng đầu ở Anh sau sáu năm cải cách. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi 98% học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh vì các em có bố mẹ người Pakistan hoặc từ các nước khác. Khu vực xung quanh trường cũng có tỷ lệ tội phạm và nghèo đói cao. Hiệu trưởng Naveed Idrees nói một trong những lý do ông quyết định tăng thời lượng dạy âm nhạc trong trường là vì ông muốn các em nhỏ học không chỉ bằng cả trí óc và thân thể mà còn bằng cả tâm hồn.
Thầy giáo dạy nhạc của trường Feversham, ông Jimmy Rotheram, dùng "phương pháp Kodaly" do nhạc sĩ Hungary Zoltan Kodaly sáng tạo ra để dạy học sinh các bài hát quen thuộc và qua đó giúp các em học đánh vần. Nó cũng tạo cho học sinh tình yêu đối với âm nhạc và sự tự tin vào bản thân khi chúng có thể hát, chơi các loại nhạc cụ và qua đó học khả năng giao tiếp và biểu diễn.
Hôm trước tôi cũng tình cờ đọc được một câu trích dẫn lời Einstein trên mạng xã hội rằng "giáo dục là những gì đọng lại sau khi ta đã quên hết những gì đã học ở trường". Điều thực sự quan trọng là trẻ em học cách làm người chứ không phải làm cừu, học cách yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường, học cách chất vấn mọi thứ mình được học và học cách bao dung đối với mọi người và cả với môi trường xung quanh. Việt Nam tốt hơn hết hãy bắt đầu từ bốn điều nhỏ nhặt này trước khi phát sốt với 4.0 và nàng Sophia học vẹt. Mà muốn dạy trẻ em và cả người lớn sự bao dung, tôn trọng ý kiến khác biệt và các giá trị như tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật thì hãy bỏ những bản án 10.0, 14.0 hay 16.0 năm cho những người nói ngược một cách ôn hòa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 20/09/2018
Vài chục chiếc thuyền nhỏ vây quanh mấy chiếc thuyền đánh cá to. Chúng lao vào nhau và rồi ‘củ đậu’ bay, pháo sáng bay, khói và mùi thuốc súng lan đầy mặt biển. Chỉ có điều đây không phải là Biển Đông mà ở vùng Vịnh Somme, ngay ngoài lãnh hải phía Bắc của Pháp.
Vài chục chiếc thuyền nhỏ của Pháp vây quanh mấy chiếc thuyền đánh cá to của Anh.
Hơn 30 tàu nhỏ của Pháp rượt đuổi năm tàu lớn của Anh tới vùng này đánh bắt sò điệp hồi cuối tháng Tám và từ đó tới nay hai bên vẫn đàm phán bất thành nhằm đi tới thoả thuận giải toả căng thẳng. Một dân biểu Anh hôm 13/9 thậm chí còn đòi Hải quân Anh phải hộ tống tàu đánh cá ra khơi. Nhưng chính quyền Anh có vẻ không muốn căng thẳng tăng thêm và nói rằng Pháp chịu trách nhiệm cảnh giới vùng biển đó và họ phải đảm bảo không có xung đột giữa ngư dân hai bên.
Trong số tàu của Anh có liên quan tới cuộc va chạm trên biển, ba tàu từ cảng Peterhead ở tận Scotland và họ phải đi hai ngày rưỡi mới tới vùng biển giáp Pháp. Luật Pháp chỉ cho đánh bắt sò điệp trong vùng biển này từ 1/10 tới 15/5 để sò điệp có thời gian sinh sôi nảy nở. Nhưng luật này chỉ áp dụng với các tàu thuyền của Pháp. Tàu của Anh và các nước EU khác không phải tuân theo và có thể đánh bắt quanh năm. Các năm trước ngư dân Anh và Pháp thường đi tới thoả thuận mà theo đó chỉ có tàu dài dưới 15 mét của Anh mới được đánh bắt tại Vịnh Seine trong khoảng thời gian tàu Pháp bị cấm. Họ sợ nếu tàu lớn của Anh được vào đánh quanh năm thì tới khi tàu Pháp được phép đánh bắt sẽ chẳng còn mấy sò điệp. Tuy nhiên năm nay hai bên không đạt được thoả thuận và các đàm phán từ sau vụ tàu đâm nhau tới giờ vẫn chưa đi đến đâu.
Trong quá trình đàm phán, ngư dân Anh đòi được bồi thường cho khoản thu nhập bị mất từ việc không tới vùng biển giáp Pháp đánh bắt sò điệp. Nhưng phía Pháp nói họ đòi bồi thường quá nhiều và không linh hoạt trong đàm phán, theo báo Financial Times. Báo này cũng nói Hải quân Pháp sẵn sàng tới vùng này để bảo vệ trật tự nếu vẫn còn nguy cơ xung đột giữa tàu cá đôi bên.
Cách phản ứng của hai bên trong vụ này cho thấy họ có mối quan hệ khá bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Pháp cấm tàu của mình đánh cá nhưng cũng không ép buộc các tàu nước ngoài phải thực hiện lệnh cấm này. Khi có xung đột, hai bên cũng cố gắng giải quyết theo cách văn minh nhất có thể. Những người đại diện cho người dân có lên tiếng đòi sự bảo vệ của hải quân nhưng chính quyền Anh cho rằng không cần dùng tới những biện pháp leo thang như vậy.
Trong khi đó mới đây tàu chiến Anh chỉ đi ngang vùng biển quốc tế gần Trung Quốc để tới thăm thành phố Hồ Chí Minh đã khiến Trung Quốc giận dữ và lên tiếng phản đối. Hồi tháng 7, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng khi Anh tuyên bố sẽ triển hai hai hàng không mẫu hạm tới Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải. Trung Quốc thậm chí còn doạ Anh rằng hiệp định thương mại song phương giữa Anh và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu Anh cứ giữ cách hành xử như hiện nay ở Biển Đông.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. (ảnh chụp từ TuoiTre)
Còn đối với Việt Nam, đương nhiên Trung Quốc không coi Hà Nội ra gì. Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền nay hoàn toàn do Trung Quốc kiểm soát và ngư dân Việt Nam ra đánh cá bị đối xử hết sức tồi tệ, kể cả khi họ đánh cá trên vùng biển quốc tế. Đối với Bắc Kinh, họ mạnh tới đâu biên giới biển của họ ở đó và chẳng có vùng biển nào là vùng biển quốc tế quanh Hoàng Sa cả. Ít nhất là điều này đúng với các tàu thuyền của Việt Nam.
Và lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra hàng năm không chỉ cho tàu Trung Quốc mà cho mọi tàu thuyền đánh cá trên Biển Đông. Họ chẳng thèm có thoả thuận bồi thường thiệt hại hay tàu nhỏ, tàu to gì hết. Đó là kiểu đối xử cá lớn nuốt cá bé mà thế giới văn minh luôn cố để điều này không xảy ra. Chỉ có điều trong khi Việt Nam muốn Trung Quốc cư xử văn minh và thượng tôn pháp luật, Hà Nội đôi khi lại cũng chẳng làm được điều này với công dân của chính mình. Cho tới khi chính nhà nước Việt Nam còn chưa hành xử văn minh thì họ chỉ có thể thân được với Trung Quốc theo kiểu răng môi mà nếu răng có cắn thì môi cũng chỉ ngậm đắng nuốt cay mà chịu trận.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/09/2018