Có cuộc biểu tình nào diễn ra ở Việt Nam trong tháng Sáu không ?
Theo truyền thông chính thống, có lẽ là không. Nếu bạn dùng các từ khóa ‘biểu tình Việt Nam 2018’ để tìm trên Google, tin tức đầy đủ và không thiên vị về các cuộc biểu tình chỉ có trên mạng xã hội, BBC, RFI, VOA và các trang tin từ bên ngoài Việt Nam khác.
Báo chí chính thống nhiều khi trở thành kênh tin thất thiệt chính thống với cách đưa tin có lợi cho những người có quyền và bất lợi cho người dân. Hình minh họa.
Một trong những người đi biểu tình nói họ ước gì các nhà báo có mặt và chứng kiến cảnh bạo lực phi lý đối với những người xuống đường thực hiện quyền mà Điều 25 của Hiến Pháp đã ghi nhận.
Điều 25 Hiến Pháp cũng thừa nhận quyền "tự do tiếp cận thông tin" và "tự do báo chí". Vậy tại sao các nhà báo từ mấy trăm tờ báo không thực hiện các quyền này ? Không phải ở Việt Nam không có các nhà báo giỏi và xông xáo, nhưng đừng mong họ giỏi và xông xáo trong lĩnh vực chính trị nhạy cảm ở Việt Nam.
Khi tôi còn làm ở BBC, đôi khi tôi đùa với các đồng nghiệp là nhờ chính sách kiểm duyệt thông tin của Việt Nam mà chúng tôi có việc làm. BBC đã đóng cửa một loạt các ban ngôn ngữ Châu Âu trong đó có Ba Lan, Slovakia và Hy Lạp chỉ vì các quốc gia đó không còn thiếu thông tin độc lập nữa.
Điều rõ ràng là truyền thông chính thống vờ như một số sự kiện ở Việt Nam không xảy ra hoặc xảy ra theo cách hoàn toàn khác so với những gì truyền thông không bị sức ép thuật lại.
Một số nhà báo như Huy Đức hay Trương Duy Nhất buộc phải dùng mạng xã hội để truyền đi những thông điệp mà truyền thông chính thống không đủ can đảm để đăng tải.
Cái gốc của sự thiếu vắng những thông tin trung thực hoặc sự tồn tại của những tin tức biến dạng trên truyền thông chính thống ở Việt Nam chính là sự tham nhũng quyền lực.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam hay nói "của dân, do dân và vì dân", những gì họ làm trong lĩnh vực truyền thông cho thấy họ chỉ nói vậy nhưng không làm vậy.
Có trang web, tờ báo, đài phát thanh hay truyền hình có ảnh hưởng nào là "của dân" không ? Hoàn toàn không ? Các cơ quan đảng và nhà nước sở hữu tất cả.
Người dân có được tham gia tự do vào các hoạt động truyền thông không ? Dĩ nhiên là không, ngoại trừ họ lên Facebook và rồi vẫn có thể gặp rắc rối với chính quyền vì dám làm vậy.
Và nếu truyền thông không phải "của dân" và "do dân" thì đương nhiên họ không thể vì dân được mà phải vì những người ban phát cho họ quyền lực và bổng lộc.
Tại các đất nước mà truyền thông thực sự là của dân và do dân, lãnh đạo báo chí không phải họp hàng tuần với lãnh đạo tư tưởng của một đảng để được khen, bị chê, nhận chỉ thị không đưa tin gì, được đưa tin gì và đưa như thế nào.
Xin dẫn một ví dụ để cho thấy thế nào là sự độc lập trong các quyết định về tin tức và thời sự. Khi quyết định chọn nơi đăng cai World Cup 2018 đang được các quan chức FIFA thảo luận, BBC làm phóng sự điều tra về ba quan chức FIFA nhận hàng triệu đô la tiền hối lộ.
Khi đó Anh và Nga là hai đối thủ được cho là nặng ký và các quan chức Anh muốn BBC không phát phóng sự điều tra trước khi diễn ra một cuộc bỏ phiếu quan trọng của FIFA. Tuy nhiên BBC đã không nghe theo và bị coi là "không yêu nước" và là "điều đáng hổ thẹn". Có lẽ phóng sự đó đã góp phần nào đó giúp Nga về sau được quyền đăng cai World Cup 2018. Nhưng nghĩa vụ của nhà báo là đưa tin trung thực và có trách nhiệm. Nhiều quan chức FIFA sau này đã điêu đứng vì cuộc điều tra của FBI, vốn phần nào bắt nguồn từ các phóng sự điều tra của báo chí.
Nhiều phóng viên trong nước thừa hiểu những nguyên tắc căn bản của báo chí độc lập đó là đưa tin trung thực và không chịu tác động của quyền lực, ân sủng hay các sức ép nào khác. Nhưng họ phải tự kiểm duyệt để bài viết được đăng và điều này nhiều khi gắn với thu nhập hàng tháng của họ. Nếu họ viết đúng, viết đủ, bài của họ vẫn có thể bị cắt xen hay nhiều khi đăng lên rồi lại bị gỡ xuống. Họ cũng có thể mất việc hoặc thậm chí bị điều tra nếu không uốn cong ngòi bút. Những rủi ro này khiến báo chí chính thống nhiều khi trở thành kênh tin thất thiệt chính thống với cách đưa tin có lợi cho những người có quyền và bất lợi cho người dân.
Tin thất thiệt chính thống cũng là lý do mỗi năm các chính phủ nước ngoài bỏ ra nhiều triệu đô la để duy trì các kênh phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt để đảm bảo người dân tiếp cận được với các thông tin gần với sự thật nhất có thể.
Có một điều có lẽ không nhiều quan chức Việt Nam hiểu ra là chính họ cũng có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống truyền thông thiên vị chính quyền. Cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã từng bị gỡ bài viết và có lẽ không vui vẻ gì với cách đưa tin của truyền thông sau khi ông bị bắt. Và mới đây ngay cả phát biểu của đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang được đăng lên nhưng cũng sớm bị gỡ xuống.
Khi truyền thông bị gắn sẵn vòng kim cô tư tưởng của Đảng cộng sản thì chuyện nó bị buộc phải lên đồng hay buộc phải nhắm mắt, bịt tai là ‘chuyện thường ngày ở huyện’.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 26/06/2018