Tuần cuối tháng Chín này Thủ tướng Anh Boris Johnson bị đòn chí mạng từ Tòa tối cao khi nữ Chánh án Brenda Hale thay mặt cho hội đồng 11 thẩm phán tuyên rằng ông đã vi phạm luật khi đóng cửa Nghị viện trong năm tuần liền.
Đương kim thủ tướng Anh, Boris Johnson, phát biểu trước Nghị viện Anh - Ảnh minh họa.
Quyết định đóng cửa Nghị viện trong ba tuần cuối tháng Chín và hai tuần đầu tháng 10 với lý do cần thời gian chuẩn bị cho chương trình nghị sự của chính quyền, vốn sẽ được Nữ hoàng công bố tại Nghị viện vào 14/10, bị các dân biểu và doanh nhân kiện qua các cấp và lên tới Tòa tối cao.
Tòa phán rằng thời gian đóng cửa Nghị viện quá dài vào giữa lúc nước sôi lửa bỏng, khi mà nước Anh chuẩn bị rời EU theo lịch trình vào ngày 31/10, ảnh hưởng tới khả năng giám sát chính quyền của Nghị viện. Một luật sư thậm chí nói trước Tòa tối cao rằng Nghị viện Anh, vốn cũng được coi là nghị viện lâu đời nhất thế giới, ‘Mẹ các Nghị viện’, đã bị ‘cha nói dối’ Boris Johnson đóng cửa. Tòa tối cao cuối cùng phán rằng Nghị viện chưa bao giờ bị đóng cửa vì ông Johnson làm sai luật.
Vào thời điểm Thẩm phán Brenda Hale tuyên bố chính quyền đã sai trái khi khuyên Nữ hoàng ra lệnh đóng cửa Nghị viện trong năm tuần, ông Johnson đang ở New York để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tôi chợt nghĩ ngay tới Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người bị đảo chính vào tháng Chín năm 2006 khi ông cũng đang tham dự kỳ họp Liên Hiệp Quốc ở New York. Đêm 19/9/2006, tôi ra đường chứng kiến xe tăng án ngữ tại một số đường phố ở thủ đô Bangkok. Thái Lan, cũng có Vua, vốn được coi trọng và có vai trò lớn hơn nhiều so với Nữ hoàng Anh.
Ông Johnson và ông Thaksin giống nhau ở chỗ cả hai ông đều theo chủ nghĩa mị dân. Ông Thaksin được sự ủng hộ của đa số người dân, chủ yếu ở các vùng nông thôn nhưng không được lòng tầng lớp thượng lưu. Ông Johnson cho rằng ông đại diện cho gần 52% người dân bỏ phiếu rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu EU và người dân đã chờ đợi quá lâu kể từ khi bỏ phiếu hồi mùa hè năm 2016.
Một số người dân cáo buộc với kênh truyền hình Sky rằng Nghị viện đã phản bội lại nguyện vọng của họ. Có người nói họ nghĩ rằng đất nước có dân chủ nên đã bỏ phiếu nhưng có thể họ sẽ chẳng bao giờ bỏ phiếu nữa nếu lá phiếu của họ không được tôn trọng. Cũng giống như ở Thái Lan cách đây hơn 10 năm, điều người dân muốn không phải là điều giới thượng lưu đồng tình. Đa số các dân biểu trong Quốc hội và cả chính quyền Anh hồi năm 2016 khuyên người dân bỏ phiếu ở lại EU. Nhưng số người không nghe theo lời khuyên của tầng lớp trên của xã hội lại nhiều hơn số người nghe theo.
Nước Anh hiện đang rơi vào tình trạng bế tắc có lẽ chưa từng có trong lịch sử. Chính phủ của Đảng Bảo thủ hiện muốn có bầu cử toàn quốc để có chính phủ mới nhằm hy vọng có thể giải quyết được Brexit. Chính phủ hiện thời của Đảng Bảo thủ không đủ đa số ghế trong Quốc hội để thông qua các dự luật cần thiết để thực hiện Brexit. Nhưng để có tổng tuyển cử, Nghị viện phải thông qua với 2/3 số phiếu. Phe đối lập chính, Đảng Lao động, hiện không đồng ý tổ chức bầu cử. Họ muốn ông Johnson phải đề nghị EU lùi thời điểm Brexit thêm vài tháng trước khi tổ chức bầu cử vì sợ ông thủ tướng sẽ rời EU mà không có thỏa thuận thương mại nào.
Một số bình luận gia nói rằng cái gốc của khủng hoảng hiện nay chính là quyết định không để Quốc hội cho ý kiến có nên ở lại EU hay không mà đi thẳng tới người dân qua trưng cầu dân ý hồi năm 2016 của Thủ tướng khi đó David Cameron. Và hiển nhiên khi người dân quyết định một đằng và ý chí của dân biểu ở một đằng khác thì khó có thể dung hòa sự khác biệt này. Ngoài ra nước Anh và xứ Wales bỏ phiếu rời EU nhưng phần còn lại của Vương quốc Anh, Bắc Ireland và Scotland lại bỏ phiếu ở lại. Không ít dân biểu Scotland đã tuyên bố sẽ cần có cuộc bỏ phiếu thứ hai để xem người dân Scotland có còn muốn ở lại Vương quốc Anh không khi mà họ bị đưa ra khỏi EU trái với ý nguyện của họ. Trong lần trưng cầu dân ý đầu tiên hồi tháng 9/2014, hơn 55% người dân Scotland quyết định ở lại Liên hiệp Anh.
Trước thất bại từ kết luận của Tòa tối cao, Thủ tướng Boris Johnson nói ông tôn trọng quyết định của tòa dù tòa đã "sai" khi can thiệp vào chính trị. Luật sư của Chính quyền Anh vẫn nói rằng quyết định đóng cửa Nghị viện là quyết định chính trị và không phải là lĩnh vực tòa án có thể can thiệp. Tuy nhiên Tòa tối cao nói rằng chính quyền đã lạm quyền và phạm pháp khi toan cản trở Nghị viện giám sát ngành hành pháp.
Với quyết định của Tòa tối cao hôm 24/9, Nghị viện đã hoạt động trở lại ngay trong ngày 25/9. Và trước khi bị đóng cửa, các dân biểu đã kịp thông qua luật yêu cầu chính quyền phải xin EU gia hạn Brexit nếu không đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 19/10. Có vẻ như quyết định đóng của Nghị viện đã không mang lại cho ông Johnson bất kỳ lợi thế nào. Thậm chí ông còn tự chuốc thêm bất lợi khi một số dân biểu của chính Đảng Bảo thủ của ông đã bỏ phiếu theo phe đối lập để phản đối việc đóng cửa Nghị viện.
Người tiền nhiệm của ông Boris Johnson, bà Theresa May, đã có quyết định sai lầm khi kêu gọi bầu cử sớm với mục tiêu tăng thêm đa số trong Nghị viện nhưng lại để tuột mất đa số mong manh. Canh bạc đóng cửa Nghị viện của ông Johnson đang có vẻ giúp Đảng Bảo thủ tăng thêm độ tín nhiệm trong dân chúng. Nhưng mọi sự chỉ rõ ràng khi có cuộc bỏ phiếu mới và chẳng ai có thể khẳng định kết quả tổng tuyển cử lần tới sẽ ra sao.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 26/09/2019