Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/07/2019

Việt Nam "bỏ quên" hay không muốn phê chuẩn công đoàn độc lập ?

RFA tiếng Việt

Việt Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại sự kiện này cho rằng Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

congdoan1

Việc công đoàn thật sự độc lập và phát triển theo kiểu của phương Tây thì phải mất ít nhất khoảng độ vài chục năm ở Việt Nam mới có thể được

Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện

Trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, diễn ra vào sáng 28 tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Đảng và Nhà nước : đồng thời Công đoàn luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn cho rằng Công đoàn Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện các cam kết quốc tế trong bối cảnh Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của ILO.

Với nội dung gồm 5 điểm được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm yêu cầu Công đoàn Việt Nam thực hiện trong tình hình Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế, giới quan sát cho rằng điều cần lưu tâm là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có bất cứ đề cập nào đến vấn đề công đoàn độc lập theo như các quy định trong công ước của ILO cũng như hai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA).

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/01/2019 và Hiệp định EVFTA cùng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Châu Âu vừa được ký kết vào ngày 30 tháng 6 vừa qua. Cả hai hiệp định này được Việt Nam gọi là hiệp định thương mại thế hệ mới, vì bên cạnh yếu tố truyền thống là thương mại thì còn ràng buộc về yếu tố lao động và môi trường, được dẫn chiếu theo 8 Công ước quốc tế của ILO. Việt Nam đã ký kết thông qua 6 trong số 8 Công ước quốc tế đó. Hiện, Việt Nam còn được yêu cầu tham gia và phê chuẩn đầy đủ thêm 2 Công ước quốc tế 105 và 87.

Theo ghi nhận của Thạc sĩ Hoàng Việt qua các lần tham dự những hội thảo lớn được Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức liên quan vấn đề công đoàn thì, mặc dù Việt Nam đang dưới sức ép bởi hai Hiệp định CPTPP và EVFTA là phải thành lập và chính thức hoạt động công đoàn độc lập nhưng các bộ, ngành vẫn còn sự e dè. Riêng về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nêu trên, Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định :

"Thế còn với phát biểu của ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho thấy bản thân họ cũng mong muốn và tôi cũng nhận thấy sự trình bày của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội là đơn vị soạn thảo ra Bộ luật Lao động mới, trong đó có quy định công đoàn độc lập thì họ cũng là những người muốn tiếp thu những điều mới và họ là những người muốn công nhận để tuân thủ những quy định Công ước quốc tế của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế). Thế nhưng mà họ cũng gặp rất nhiều lực cản".

congdoan2

Lễ ký Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) tại Hà Nội ngày 30/06/2019. AFP

Lực cản nào ?

Ông Chu Văn Cương, Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, một tổ chức công đoàn độc lập lên tiếng với RFA rằng trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù được tuyên bố là Công đoàn đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trong bối cảnh mới thế nhưng bài phát biểu đó có nhiều điểm vô lý và thiếu sót. Ông Chu Văn Cương phân tích :

"Điểm vô lý là những nghiệp đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một cơ cấu chính trị trực thuộc về Đảng, mà chúng ta cũng thấy nó là một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng theo sự công nhận của thế giới thì những nghiệp đoàn phải là một cơ cấu hoàn toàn phi chính trị, không làm theo chỉ thị của Đảng, Nhà nước và mục tiêu tối hậu là phải tranh đấu cho phúc lợi của những người lao động. Cho nên vai trò của nghiệp đoàn không phải vai trò chính trị như ông Phúc kêu gọi. Còn điểm thiếu sót là ông Phúc không hề đá động tới điều rất quan trọng là khi Việt Nam tham gia vào các hiệp ước thương mại như CPTPP và EVFTA là Việt Nam phải tuân thủ theo các Công ước quốc tế 87, 98 và 105. Và trong 3 công ước này thì Công ước 87 là quan trọng nhất vì nó cho phép các nghiệp đoàn độc lập được ghi danh hoạt động chính thức trong nước mà hầu như ông Phúc cố tình bỏ quên điều quan trọng này".

Mặc dù trên thực tế, Công ước 87 cho phép người lao động thành lập và tham gia các công đoàn độc lập chỉ mới dự định sẽ được phê chuẩn vào năm 2023 và Công ước 105 về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức chưa được Việt Nam nhắc tới nhưng ông Chu Văn Cương cũng xác nhận với RFA rằng Liên đoàn Lao động Việt tự do, vào tháng 11 năm 2018, đã nộp đơn đến các cơ quan của Chính phủ Hà Nội theo luật định để xin phép được thành lập và hoạt động chính thức tại Việt Nam : tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ hồi đáp nào từ phía các cơ quan chức năng có liên quan.

Thạc sĩ Hoàng Việt lý giải mặc dù Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để thực hiện những cam kết theo tinh thần của các hiệp định thương mại thế hệ mới đã ký kết, nhưng mối lo ngại lớn nhất của Chính quyền Việt Nam là về công đoàn độc lập. Thạc sĩ Hoàng Việt nhắc lại trong một bài phát biểu của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng từng cho rằng công đoàn độc lập có thể sẽ là khởi đầu của xã hội dân sự và đó sẽ là công cụ cho phương Tây tạo ra các cuộc cách mạng nhung, cách mạng màuThạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh thêm :

"Chính quyền Việt Nam đang lo ngại sẽ hình thành làn sóng xã hội dân sự và sẽ can thiệp vào chính trị. Chính vì vậy, cho nên Việt Nam chọn cách mở cửa nhưng sẽ mở từ từ, tức là sẽ hé hé xem lúc đầu công đoàn hoạt động như thế nào và nếu công đoàn độc lập hoàn toàn không liên quan tới chính trị và không thách thức đến vai trò lãnh đạo và nắm quyền lực chính trị như bây giờ của Đảng Cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) thì họ sẽ có thể chấp nhận. Còn nếu có những tổ chức công đoàn độc lập thách thức tới quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như của Nhà nước và của Chính phủ Việt Nam thì họ sẽ lo ngại và sẽ tìm cách khóa nó lại".

Đài RFA ghi nhận Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (được hiểu là công đoàn) chỉ được hoạt động hợp pháp khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.

Trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề quy định thành lập công đoàn theo Dự thảo Luật Lao động, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đặc biệt lưu ý về quy định "cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký" là quy định chung chung vì đã không nêu rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào : do đó khi thực hiện sẽ tạo ra bức tường thành về thủ tục hành chính khi người lao động thành lập hồ sơ và đăng ký cho tổ chức của người lao động hoạt động.

Thạc sĩ Hoàng Việt còn cho rằng không có sự bình đẳng giữa Công đoàn của Nhà nước và các công đoàn độc lập tại Việt Nam :

"Xin thưa điều trở ngại nhất là lý thuyết thì cho rằng tổ chức Công đoàn của Nhà nước và công đoàn độc lập đều bình đẳng về địa vị. Tuy nhiên không thể bình đẳng được. Vì sao ? Vì ngay trong Hiến pháp Việt Nam quy định là Công đoàn của Nhà nước là một tổ chức chính trị-xã hội, có nghĩa là có yếu tố chính trị trong đó. Thế nhưng, trong Dự thảo liên quan tới công đoàn độc lập thì yêu cầu không được dính dáng đến chính trị. Như thế đã cho thấy một điều không có sự bình đẳng. Vì vậy cho nên việc công đoàn thật sự độc lập và phát triển theo kiểu của phương Tây thì phải mất ít nhất khoảng độ vài chục năm ở Việt Nam mới có thể được như vậy, mà cũng chưa chắc được như vậy ngay".

Còn Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, ông Chu Văn Cương tiên liệu Việt Nam sẽ cho thành lập các tổ chức công đoàn quốc doanh dưới danh nghĩa là công đoàn độc lập và những tổ chức công đoàn này có nhiệm vụ theo dõi, trù dập, bắt bớ những công đoàn thật sự độc lập và gán ghép những tổ chức công đoàn độc lập hoạt động nhằm mục tiêu chính trị.

Trong thực tế, một số người lao động và giới công nhân mà Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ vẫn trông chờ Nhà nước Việt Nam có sự thay đổi đúng theo nguyện vọng chính đáng của họ là được tham gia vào những tổ chức công đoàn mà họ tin cậy và lựa chọn nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy, chí ít ra sẽ không còn tình trạng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp, thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức đình công tập thể cũng như sẽ không còn bất cứ nhà hoạt động công đoàn nào như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… phải chịu án tù bởi vì kêu gọi Việt Nam cho phép công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp.

Nguồn : RFA, 31/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)