Tuy công an Thành phố Hồ Chí Minh đã "bắt khẩn cấp" năm người, tạm giữ hai người liên quan đến vụ khủng bố Phở Hòa nhưng tiệm phở nổi tiếng này vẫn chưa mở cửa trở lại.
Hình : Trích xuất từ trang web báo Người Lao Động, nld.com.vn.
Chuyện Phở Hòa đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh hồi đầu tháng này đã trở thành một scandal rúng động dư luận.
Quả là khó hiểu khi một cơ sở kinh doanh lâu đời, nổi tiếng – một trong những điểm mà du khách ngoại quốc chủ động tìm đến hoặc được các doanh nghiệp du lịch đưa tới để thưởng thức một trong những đặc trưng của ẩm thực Việt Nam – bị tạt sơn, mắm tôm và đủ loại chất bẩn vào quán, thậm chí những kẻ tham gia khủng bố còn táo tợn đến mức mang gián bỏ vào tô phở mà khách đang ăn, trước mặt tất cả mọi người, từ chủ quán đến thực khách…
Chân dung băng giang hồ bỏ gián vào thức ăn ở quán Phở Hòa Pasteur | NLĐTV
Tại sao hoạt động khủng bố Phở Hòa có thể kéo dài cả tháng, chủ tiệm phở không thể chịu đựng được nữa đành tạm ngưng kinh doanh ?
Câu trả lời là vì công an có mà như không ? Cho đến giờ này, không ai biết công an nhân dân Việt Nam sử dụng bao nhiêu triệu người, hàng năm ngốn hết bao nhiêu phần trăm công quỹ ? Người ta chỉ đoán công an nhân dân Việt Nam đông như… quân Nguyên, rải đều từ thủ đô đến tận thôn xóm, trang bị càng ngày càng hiện đại, nắm trong tay đủ loại phương tiện chuyên dụng và thỉnh thoảng lại đem ra khoe nhằm chứng tỏ dư sức trấn áp tất cả các hoạt động phản kháng (2).
***
Về lý thuyết, công an nhân dân Việt Nam là lực lượng bảo vệ trật tự, duy trì trị an nhưng trên thực tế, công dân Việt Nam phải tự bảo vệ mình, hoặc tự dùng cơ bắp, hoặc phải cậy du đãng để giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt xã hội. Đó là lý do xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, người lương thiện càng lúc càng hoang mang, bất an trở thành cảm giác chủ đạo vì không ai biết lúc nào thì chính mình hoặc thân nhân trở thành nạn nhân.
Trước nay, công an nhân dân Việt Nam vẫn thế - dành toàn bộ tâm lực, sức lực cho việc bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam và chỉ thế mà thôi.
Công an nhân dân Việt Nam không như thế thì làm gì có chuyện ông Phạm Phong Phú chọn du đãng để giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh với ông Trần Anh Tuấn (em rể chủ tiệm Phở Hòa) ! Công an nhân dân Việt Nam không như thế thì làm gì có chuyện du đãng khủng bố Phở Hòa cả tháng, liên tục đánh vào "bao tử" của chủ tiệm Phở Hòa để ép ông "ói" ra tiền mua sự an ổn cho cả ông, thân nhân của ông lẫn sự nghiệp kinh doanh của ông…
Chỉ đến khi tiệm Phở Hòa phải đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh vì bị khủng bố, trở thành scandal khiến người ta thêm bất bình về khả năng quản lý – điều hành xã hội của đảng, công an nhân dân Việt Nam mới nhập cuộc : Bắt những cá nhân có liên quan và tổ chức họp báo để trấn an công chúng. Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, phân bua, vụ khủng bố Phở Hòa giữa thanh thiên, bạch nhật kéo dài cả tháng vì : Đây là thủ đoạn đê hèn, rất mới (2) !
***
Nếu đem công an nhân dân Việt Nam ra so sánh với các lực lượng bảo vệ trật tự, duy trì trị an của những quốc gia khác trên thế giới, chắc chắn công an nhân dân Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu cả về hành xử vô trách nhiệm lẫn mức độ trâng tráo khi đề cập đến những vấn đề vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của lực lượng này.
Khủng bố tinh thần công dân bằng tạt sơn, mắm tôm, các loại chất bẩn, các hình thức dọa nạt khác đúng là "đê hèn" nhưng sự "đê hèn" đó hoàn tàn không "mới". Hình thức khủng bố này phổ biến từ lâu trên toàn Việt Nam, bất kể Việt Nam có lực lượng… công an nhân dân hết sức hùng hậu !
Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, hình thức khủng bố như đã kể từng tạo ra vô số scandal. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, công chúng từng xôn xao khi một nữ giáo viên ngụ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh phải viết thư ngỏ, gửi cho "mấy anh xã hội đen" xin tha cho vợ chồng cô, cho mẹ già, các cháu vì họ không liên quan đến món nợ mà người chị dâu trót vay nặng lãi (2). Cũng cuối năm ngoái, tờ Tuổi Trẻ thực hiện một phóng sự cảnh báo "Nạn tạt sơn, mắm tôm ngày càng táo tợn ở Thành phố Hồ Chí Minh" (3)…
Tạt sơn, mắm tôm, các loại chất bẩn, dùng đủ loại hình thức dọa nạt, khủng bố tinh thần người khác, ép họ phải thực thi, đáp ứng tất cả những yêu cầu hết sức ngang ngược rõ ràng là "đê hèn" nhưng được dân nuôi, hưởng đủ thứ đãi ngộ nhằm bảo vệ trật tự, duy trì trị an song lại để xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, người lương thiện càng ngày càng hoang mang thì nên xem… là gì ? Xấp xỉ với đê hèn hay hơn cả đê hèn ?
Về lý thuyết, trật tự - trị an phải được dùng làm thước, đo cả năng lực lẫn tư cách của các thành viên trong lực lượng bảo vệ trật tự, duy trì trị an. Tại sao đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta không dùng thước đó ? Tại sao xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, trộm cắp, cướp giật, hành hung, đâm chém, truy sát tràn lan, không chừa cả những công thự, người lương thiện càng ngày càng hoang mang nhưng các sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân vẫn thăng tiến vùn vụt, đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Công an vẫn có thể từ Thượng tướng trở thành… Đại tướng ?
Tại sao chưa bao giờ có sĩ quan cao cấp nào trong lực lượng công an nhân dân bị cật vấn, truy cứu trách nhiệm do không chu toàn nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, phẩm giá, tài sản của công dân ? Bao giờ người lương thiện tại Việt Nam tự hỏi chính mình : Có nên nhẫn nại nuôi một lực lượng, tiếng là bảo vệ trật tự, duy trì trị an nhưng trong hoạt động chỉ biết có đảng, chỉ tâm niệm "còn đảng, còn mình" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/08/2019
Chú thích :
(1) https://news.zing.vn/dan-xe-chong-bao-dong-hien-dai-cua-cong-an-ha-noi-post523171.html
(4) https://tuoitre.vn/nan-tat-son-mam-tom-ngay-cang-tao-ton-o-tp-hcm/20181029084105322.htm
********************
Dùng côn đồ đòi nợ thuê – biết sai vẫn phạm !
RFA, 07/08/2019
Bất tuân pháp luật
Theo truyền thông Việt Nam đưa tin từ ngày 12 đến 31/7 quán phở Hòa tại thành phố Hồ Chí Minh 8 lần bị nhóm người lạ ném mắm tôm, sơn, chất bẩn, bỏ côn trùng vào phở để hạ uy tín của quán và để "khủng bố" tinh thần chủ quán, khách hàng với mục đích buộc chủ quán trả nợ thay cho một thành viên trong gia đình đã mắc nợ gần 3 tỷ đồng nhưng đã bỏ trốn.
Các công ty đòi nợ thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu hoạt động sai nguyên tắc. Ảnh minh họa. Đất Việt online.
Tương tự, một vụ việc cũng được truyền thông loan tin là vào ngày 3/8, công an huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho biết trên địa bàn xảy ra một vụ chém người từ nhóm đòi nợ khiến một phụ nữ bị thương nặng phải đi cấp cứu. Được biết người phụ nữ này là chị của con nợ đã bỏ trốn… Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ đòi nợ dạng "khủng bố" được truyền thông trong nước vừa nêu gần đây, để thấy rằng, việc sử dụng côn đồ tại các công ty đòi nợ thuê đang bị biến tướng, giống cách hành xử của xã hội đen hơn là của nhân viên công ty đòi nợ thuê…
Trong cuộc họp báo thông tin vụ phở Hòa vào chiều 5/8, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết : Trên địa bàn Thành phố vẫn còn 67 công ty thu hồi nợ, trong đó 46 công ty được cấp giấy phép.
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam trưởng phòng cảnh sát hình sự công an thành phố Hồ Chí Minh (PC02) xác nhận với báo giới tại buổi họp báo liên quan vụ quán phở Hòa bị khủng bố cho biết, chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó có 46 công ty được cấp giấy phép. Tuy nhiên, đến 99% các công ty thu hồi nợ này khi đi vào hoạt động đều làm sai nguyên tắc và sai giấy phép quy định đăng ký nhân viên thu hồi nợ.
"Khi các công ty đăng ký danh sách nhân viên thu hồi nợ thì đều là những người có học thức, trình độ nhưng thực tế khi tiến hành công việc đòi nợ các công ty này lại sử dụng toàn thanh niên xăm trổ, đầu trọc, nhiều tiền án, tiền sự" (trích lời của Thượng tá Nam tại buổi họp báo ngày 5/8/2019-nguồn zing.vn)
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, từng giữ vị trí Hội Thẩm Nhân Dân thành phố nhiều năm cho biết, vấn nạn đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen như vậy là điều nhức nhối của xã hội và đã xảy ra hàng chục năm qua.
"Hơn chục năm nay ở Việt Nam xuất hiện loại hình đòi nợ thuê, có phần khách quan chỗ này về nợ có nhiều người mất khả năng thanh toán thật mà đòi chết thì sẽ làm như thế nào, cũng có nhiều anh lì nợ, chây lì ra thì phía chủ nợ người ta buộc lòng sử dụng biện pháp nhờ đến các công ty đòi nợ thuê. Còn kiện thưa ra tòa thì Việt Nam hiện nay thủ tục pháp lý kiện thưa đòi nợ ấy thì vô cùng phức tạp, ranh giới giữa tội danh lừa đảo và không lừa đảo (mất khả năng thanh toán) thì rất khó phân biệt. Rất nhiều trường hợp bên công an hay bên xử án đã sai lầm trong việc kết tội người ta trong chuyện này".
Ngoài ra, nhà báo Võ Văn Tạo còn cho biết, hệ thống luật pháp Việt Nam tuy nhiều nhưng chưa hoàn hảo, chưa kể con người thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát… vẫn còn không giỏi pháp luật nên việc "bát nháo", biến tướng trong các công ty đòi nợ thuê là vấn nạn nhức nhối của xã hôi.
Đòi nợ thuê kiểu "xã hội đen" - Tranh biếm họa
Với sự việc nêu trên, Luật sư Nguyễn Khả Thành - thuộc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên có nhận định rằng :
"Sự thật chính quyền muốn những công ty đòi nợ đó phải tuân thủ pháp luật nhưng thực tế nó khó kiểm soát nên chính vì lợi dụng việc này nên các công ty sử dụng các thanh niên có tiền án tiền sự nhằm hù dọa người ta trả tiền. Nếu những người đó trực tiếp gây án thì giám đốc công ty đó là chịu nặng nhất, chẳng qua họ chỉ đe dọa người ta thôi chứ gây án là người chủ mưu bị nặng hơn".
Đồng ý với luật sư Thành, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nói thêm rằng : thẳng thắng mà nói, lực lượng công an Việt Nam đang tập trung nhiều vào việc đấu tranh chống hoạt động tín dụng đen, tuy nhiên :
"Hoạt động tín dụng đen nó biến tướng phức tạp trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cốt lõi do quy định pháp luật có nhiều bất cập, không đồng bộ khiến cơ quan thi hành pháp luật khó áp dụng, ví dụ như việc chế tài rất là khó khăn. Bộ luật hình sự Việt Nam để kết tội đối tượng cho vay nặng lãi thì phải chứng minh lãi xuất cho vay gấp nhiều lần so với luật định và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên băng nhóm hoạt động tín dụng đen này đòi nợ, đe dọa, uy hiếp, ném mắm tôm như vụ Phở Hòa vừa rồi, bắt người trái phép rồi thả ra, rồi hủy hoại tài sản thì trước đây rất khó xử lý".
Xử lý như thế nào ?
Dịch vụ đòi nợ thuê được quy định trong Nghị định 104/2007 của Chính phủ nhưng chưa quy định cụ trể trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Do đó vào tháng 8 năm 2018, Bô Tài chính công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, trong đó đề xuất Bộ Công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Tại buổi họp báo liên quan vụ quán phở Hòa bị tấn công khủng bố, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cho biết đã bắt 7 đối tượng "khủng bố" liên quan băng nhóm đòi nợ thuê. Tuy nhiên, để giúp công an có đủ chứng cứ để bắt người hợp pháp, công an cũng khuyến cáo người dân, khi nhân viên công ty thu hồi nợ xuống thông báo thì phải xem xét thành phần thu hồi nợ có đúng là nhân viên của công ty hay không. Đồng thời, công an cũng nhắc người dân hãy lên tiếng tố cáo những hoạt động sai trái của các công ty thu hồi nợ để cơ quan chức năng thành phố kiểm tra và xử lý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định, phải tố cáo hành vi vi phạm pháp luật vì nếu họ không tố cáo thì các cơ quan pháp luật, công an họ không thể làm gì được.
"Phải có đơn tố cáo và trên cơ sở đó thì họ (Công an-pv) mới vào cuộc. Mình nói với công ty đòi nợ thuê là họ xâm phạm vi phạm pháp luật thì cơ quan công an sẽ coi đó là chứng cớ để làm việc, nó mới đúng luật. Còn không nói không tố cáo ai mà biết được. Người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng những công ty đòi nợ thuê mà họ vi phạm pháp luật để cơ quan người ta xử lý".
Một bạn hiện đang sống tại Sài Gòn không muốn nêu tên và cũng từng là một trong những con nợ bị các công ty đòi nợ thuê lùng sục chia sẻ với chúng tôi rằng ;
"Mình nghĩ họ sẽ không tố cáo đâu bởi vì như thế nào là đúng mà đi tố cáo, ví dụ em đi vay tiền người ta mà em không trả thì em sai mà nên không biết đi tố cáo em có bị đi tù không nữa. Giờ đi báo công an để công an nó ôm cổ lại à, chủ nợ còn mong mày báo công an đi để tao đến bắt mày luôn cho đỡ phải đi lùng".
Nhà báo Võ Văn Tạo lý giải nguyên nhân vì sao người dân ít tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng. Ông nói, thứ nhất, lực lượng công quyền được tuyển không nghiêm túc, lương nhà nước thì thấp không thể sống bằng lương và không chỉ riêng ngành công an mà còn nhiều ngành nghề khác nữa, bắt buộc họ xoay sở cách này cách kia để tồn tại.
"Thứ hai là khi xảy ra sự việc như đâm chém giết người này kia, những tội phạm hình sự nó liều mạng lắm nên họ làm việc thật sự hết mình thì có khi họ chết mất mạng oan thì đơn vị cấp trên làm lễ truy liệu nó hoành tráng rồi tặng danh hiệu này danh hiệu khác, thăng quân hàm cho nó vui vẻ vậy thôi chứ thăng quân hàm có được lãnh lương đâu mà bản thân vợ con họ là những người lãnh hậu quả. Thì những trường hợp đó nên làm cho ngành công an nản lòng can thiệp vào những chuyện mà họ nghĩ họ né được thì họ né".
Ngoài ra, ông Võ Văn Tạo còn cho biết, ngay cả việc nếu người dân bị mất tài sản báo cho lực lượng công an thì không phải họ không tìm ra mà nếu người dân biết luật chơi của xã hội tức là "thưởng" theo phần trăm khi kiếm được tài sản đã mất thì chắc chắn lực lượng công an mới tích cực làm việc, còn không họ sẽ lãng và làm ngơ như không biết chuyện gì đang xảy ra !